Trịnh Công Sơn - người hát rong qua nhiều thế hệ

Trịnh Công Sơn​
Huế hôm nay (1968)
Một cửa sổ của căn phòng bẩn thỉu nơi tôi đang sống nhìn ra ngoài một góc thành phố đông đúc. Trong một buổi chiều, tôi nằm dài yên lặng trên ghế bố, nhìn ra ngoài cửa sổ và tôi nhớ Huế.

Từ cửa sổ ngó ra, Huế, là hai cây bông bụt đỏ ối, những làn mưa nghiêng nghiêng trong một bầu trời ảm đạm.

Mỗi năm vào tháng này, tôi đi Huế. Ði ở đây, có nghĩa là trở về với những cái gì tầm thường nhưng quý giá: một căn nhà chật hẹp, một tô bún bò gạo giã, bạn bè tại những quán cà-phê nhỏ Mệ Tồn và giữ Huế trong tay suốt mùa hạ. Bản chất của Huế nằm trong kích thước nhỏ bé của nó. Nó không ồn ào và bận rộn. Những lề đường của Huế thân mật. Trên con đường của thành phố, bạn có thể giơ tay vẫy bạn bè suốt ngày. Khách lạ mới tới Huế có cảm tưởng rằng tất cả mọi người ở Huế đều có họ hàng với nhau.

Trước hết, tôi trở về để thưởng thức những vật tầm thường nhỏ bé đó. Tôi đã thưởng thức nó trong một thời gian ngắn trước khi biến cố Mậu Thân xảy ra.

Một sự sợ hãi lớn lao đã đến với Huế. Thật là điều khó khăn đối với tôi để quên, mùi xác thịt thối rữa trên đường Lê Lợi khi tôi cùng gia đình tản cư ngang qua đó. Hai hàng cau trước kia che chở đại lộ bằng những bóng mát cũng bị trốc gốc và trở thành những chướng ngại vật cho chúng tôi.

Nhìn vào Huế tháng Hai, tôi thấy một bộ mặt sụp đổ của thành phố cổ kính. Tôi nghe giọng buồn nhất ở khắp nơi trong địa ngục kéo dài suốt tháng này. Họ là những người còn sống sót trong những cuộc chém giết, dường như họ chỉ còn xác mà không còn hồn. Nỗi buồn trốn mất khi nỗi đau khổ quá lớn. Tất cả dân Huế cùng với nhau trong suốt khoảng thời gian nguy hiểm nhất, đều đã thở bầu không khí bẩn thỉu nhất của trại tị nạn. Tất cả đều đã được biết sự tận cùng của đau khổ. Tôi nhìn những căn nhà bên kia sông bị nổ tung vì đạn đại bác, tạc đạn rơi trên dòng sông Hương, làm mặt nước tung bọt trắng xoá. Trong những ngày đầu của trận chiến, gia đình và tôi ngồi yên lặng trong nhà. Buổi sáng đi qua trên những khuôn mặt khổ não. Các anh tôi và tôi ngồi nhấp nháp rượu trong khi đạn réo ngang đầu. Qua khung cửa, chúng tôi nhìn thấy những người lính Bắc Việt di chuyển, nấu ăn, đào hố trong vườn trước mặt nhà. Ðó là những ngày đẹp trời của mùa xuân, với những giọt mưa nhẹ như sợi chỉ đan vào nhau và không khí lành lạnh. Tôi muốn tản bộ dọc theo những con đường đầy bóng mát trước cửa nhà. Tôi muốn có cốc cà-phê ở một tiệm bên kia sông, trong nội thành, đằng trước Trường Âm nhạc và Mĩ thuật.

Nhưng tôi đã ngồi bất động hơn 15 ngày. Anh tôi và tôi ví những ngày của chúng tôi với những ngày của Anne Frank.

Tôi không biết bây giờ những gì có thể tìm lại khi mình trở về Huế. Những cây cầu bắc ngang qua dòng sông nhỏ đã bị gẫy. Tất cả mọi cây cầu An Cựu, Khe Ron, Phú Cam , bến Ngự, Nam Giao, vân vân... Một trong những cây cầu này đã chứng kiến sự trưởng thành của người bạn gái thân nhất, những dấu chân của nàng đã in hằn trên đó khi đi đến trường.

Khu nhà tôi ở bây giờ đã trở thành bãi dây kẽm gai. Căn nhà tôi, một phần lớn bị tàn phá, đã đầy rác rưởi. Ngày đầu tiên tôi trở về. Tôi ngồi ruỗi dài chân tay trên một cái giường bị gẫy và nhìn giọt mưa nhỏ rơi trên tôi, từ khoảng trống của mái nhà, tôi nghĩ rằng đang mơ. Thật sự, Huế chẳng còn gì cả. Bầu không khí thanh lịch, ấm áp của ngày xưa sẽ không bao giờ trở lại. Các kho tàng cổ tích và quý giá của Huế đã bị bom đạn đốt cháy.

Chỉ trong vòng hai tháng, tất cả mọi người dân của thành phố Huế đều trở thành những công nhân. Tập quán cổ truyền có từ lâu của một lối sống vương giả ở những gia đình ngày xưa đã bị xoá mất. Tôi đã nhiều lần bước ngang qua cầu Tràng Tiền gẫy đổ nhiều nhịp. Tôi qua dòng sông Hương với con thuyền đầy người. Còn đâu sự êm đềm trong tâm hồn thành phố. Rất khó kiếm thấy một chỗ không bị lỗ chỗ bởi những hố bom.

Những con đường tráng nhựa sạch sẽ thuở nào nay đã trở nên lộn xộn, bẩn thỉu. Từng đám bụi bay lên cao suốt ngày ở hai con đường chính. Một bảng quảng cáo của rạp hát Châu Tinh vẫn còn treo trước cửa chợ Ðông Ba. Phim này dường như cũng là một điềm gở: Le Temps du Massacre [Thời giết người].

Máu đã chảy và thấm xuống đất thành phố. Tôi đã mất nhiều thời gian ngồi trong quán cà-phê trên đường Trần Hưng Ðạo để quan sát những người qua lại buồn bã, những người đã thăm dò được chiều sâu của sự buồn phiền. Tôi nhớ rằng tôi đã không tắm, không thay quần áo và không cạo râu cắt tóc suốt hai tháng.

Sau giờ giới nghiêm, thành phố còn trở nên bi thảm hơn. Cửa nội thành đóng, đường phố bị bao phủ bởi một bầu không khí lạnh lẽo của bãi tha ma. Những ngôi mộ mới mọc lên như nấm dọc theo những con đường và lề đường trong công viên, trong vườn cam Tây Lộc và trong những cánh đồng nơi đàn bò ăn cỏ. Những bức tường của thành nội cũng đầy những vết đạn. Có lẽ hương hồn của những vị vua chúa ngày xưa và quan lại cũng sợ hãi. Huế luôn luôn được nếm mùi bất hạnh. Từ lũ lụt, bão tố trong quá khứ cho đến sự tàn phá của hàng ngàn căn nhà, hàng ngàn gia đình trong cuộc chém giết tàn nhẫn, ngày hôm nay, người dân Huế đã phải học cách sống trong kiên nhẫn. Huế dường như bị cột chặt vào định mệnh khắc nghiệt. Sẽ không bao giờ có thành phố Huế cổ kính ngày xưa nữa. Tại đây, dân chúng không bao giờ có dịp để làm giàu một tháng hay một ngày. Cần phải bốn thế hệ: ông, cha, con và cháu, mới có thể xây dựng một ngôi nhà. Ngôi nhà được truyền từ đời nọ sang đời kia, và những người nào phải xa nhà, đều vẫn có thể nhớ từng cột nhà, từng xà nhà, từng bậc cửa.

Vì thế phải cần một thời gian lâu, mọi người có thể nhìn Huế mà không nhìn thấy khuôn mặt bị tàn phá. Huế của ngày xưa đã biến mất đi khi mái cao của cửa Thượng Tứ và cửa Ðông Hoà đã bị tàn phá và đầy lỗ thủng.

Tôi bước dọc theo đường thành nội nơi mà hàng ngàn căn nhà đã bị đốt cháy rụi.

Tôi lên An Hoà, đứng trên đồi Uông Voi và nhìn chung quanh, cạnh những hố bom sâu hơn 10 thước. Nơi đây là nhà của hàng ngàn những gia đình nghèo khó. Họ đã trở về để nhìn lại những cây chuối non, những cột gỗ, những lăng tẩm, từng bậc đá ghi lại những dấu vết của những cái gì đã một lần ở đó.

Tất cả mọi thứ đều bị tàn phá. Huế đã phải lo cúng bái thêm nhiều linh hồn còn đi lang thang. Huế đã có một ngày giỗ chung cho tất cả mọi người chết, ngày mà người ta nhìn thấy nhiều đống xác người. Nhưng bây giờ lại có thêm nhiều thân người nữa. Sự tàn phá cũng càng ngày càng nhiều. Nước mắt của người dân Huế đủ để làm một dòng suối nhỏ. Những ngôi mộ ở chùa Áo Vàng, tại Bãi Dâu, tại Kim Long. Tại Long Thọ, là những dấu vết của một bạo lực hung ác không thể quên được trong tâm hồn những người còn sống.

Nhớ những ngày ở Huế trong tháng Giêng và tháng Hai, tôi không bao giờ quên được người mẹ chạy theo chiếc xe chở xác đang mang theo đứa con trai của bà và trong khi chạy, bà đã vỗ tay cười suốt con đường lầy lội đất đỏ.

Tôi cũng sẽ không bao giờ quên được những người lính Mĩ ngồi dài trên lề đường, nhìn bà ta cười ngạo nghễ. Tôi cũng nhớ một ông cụ, bước những bước nặng nề, trên vai ông là một cỗ quan tài nhỏ, trên quan tài cắm ba nén hương đang cháy.

Huế đã sống qua những ngày tàn nhẫn. Hàng đoàn người đào hố để tìm lại xác cha, anh, mẹ hay chị. Những tiếng khóc của đám ma có thể làm rung chuyển cả núi rừng. Nhiều cái chết do sự ác độc của loài người gây nên. Ngày kia tôi lẩn tránh trong một thư viện của Viện Ðại Học Huế, tâm hồn tôi là một tảng băng. Chung quanh tôi mọi vật đều bị tàn phai. Tôi không thể nói được gì cả, khi đời sống ở nơi ẩm ướt, lạnh lùng, trong bầu không khí ảm đạm của thư viện. Tôi không biết phải làm gì với cảnh tàn phá này. Căn bản luân lí của chiến tranh đã ra khỏi giới hạn của năng lực loài người để chịu đựng.

Huế ơi! Tôi hi vọng có một ngày thanh bình nào đó, tôi có thể trở về để ăn bánh bèo ở cây Phượng, bún bò thịt nướng ở Kim Long, bún bò Mụ Rớt. Tôi muốn quay trở lại để ngủ đêm trên dòng sông Hương và gọi ông Bê mang cho tôi một tô bún rất cay, cay đến chảy nước mắt. Tôi sẽ gọi cô con gái trên thuyền mang cho tôi một con mực nướng khô, một cốc rượu nhỏ, thật nhỏ để làm cho đêm trở nên ấm hơn, những bài hát nửa đêm trở nên hay hơn và giấc ngủ hiền hoà hơn trong lúc sông lặng lờ trôi...
 
Trịnh Công Sơn quê làng Minh Hương, tổng Vĩnh Tri, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên.


Ông sinh vào giờ Thìn, ngày 10 tháng Giêng năm Kỷ Mão tức ngày 28 tháng 2 năm 1939, tại Daklak.


Ông mất vào 12:45 trưa ngày 1 tháng 4 năm 2001, tại Saigon. Ông an nghỉ tại nghĩa trang Gò Dưa chùa Quảng Bình, tỉnh Bình Dương bên cạnh mộ của thân mẫu.


Năm 1943 từ Daklak ông theo gia đình chuyển về Huế. Ông học trường tiểu học Nam Giao (nay là Trường An), vào trường Pellerin, theo học trường Thiên Hựu (Providence). Ông tốt nghiệp tú tài ban Triết tại Chasseloup Laubat, Sài Gòn. Học trường Sư Phạm Quy Nhơn khoá I (1962-1964). Sau khi tốt nghiệp ông lên dạy học và làm Hiệu trưởng một trường Tiểu học ở Bảo Lộc (Lâm Đồng). Sau 1965, ông bỏ hẳn nghề dạy học, về sống và sáng tác tại Saigon.


Sau 1975 ông sống ở Huế một thời gian dài và sau đó vào ở hẳn tại Saigon.


Ngoài Âm nhạc, tác phẩm của ông còn gồm nhiều thể loại thuộc các lãnh vực như: Thơ, Văn và Hội Họa.


Ông tự học nhạc, bắt đầu sáng tác năm 1958 với tác phẩm đầu tay Ướt Mi (Nhà Xuất Bản An Phú in năm 1959). Cho đến nay nhạc sĩ đã sáng tác hơn 600 tác phẩm, có thể được phân loại dưới 3 đề mục lớn: Tình Yêu – Quê Hương – Thân Phận.


Năm 1972, ông đoạt giải thưởng Đĩa Vàng ở Nhật Bản với bài "Ngủ Đi Con" (trong Ca Khúc Da Vàng) qua tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly phát hành trên 2 triệu bản.


Giải thưởng cho Bài hát hay nhất trong phim "Tội Lỗi Cuối Cùng"


Giải Nhất của cuộc thi "Những bài hát hay nhất sau 10 năm chiến tranh" với bài "Em Ở Nông Trường, Em Ra Biên Giới"


Giải Nhất cuộc thi "Hai mươi năm sau" với bài "Hai Mươi Mùa Nắng Lạ"


Năm 1997 ông đoạt giải thưởng lớn của Hội Nhạc Sĩ cho một chuỗi bài hát: "Xin Trả Nợ Người", "Sóng Về Đâu", "Em Đi Bỏ Lại Con Đường"


Trịnh Công Sơn có tên trong tự điển Bách Khoa Pháp "Encyclopédie de tous les pays du monde" (Coll. Les Millions)...


Quan niệm sáng tác: "Tôi chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo..."


Quan niệm sống: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, dù không để làm gì cả, dù chỉ để… gió cuốn đi!


Các tuyển tập ca khúc nổi tiếng: Ca Khúc Trịnh Công Sơn,Tình Khúc Trịnh Công Sơn, Tuổi Đá Buồn, Khói Trời Mênh Mông, Ca Khúc Da Vàng, Kinh Việt Nam, Ta Phải Thấy Mặt Trời, Phụ Khúc Da Vàng, Như Cánh Vạc Bay, Tự Tình Khúc, Lời Đất Đá Cũ,Thần Thoại Quê Hương Tình Yêu và Thân Phận, Một Cõi Đi Về, Huyền Thoại Mẹ, Cỏ Xót Xa Đưa, Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên, Những Bài Ca Không Năm Tháng.


Khi nghe tin ông mất ca sĩ Khánh Ly đã phát biểu: "Ông Trịnh Công Sơn không của riêng ai. Ông là của tất cả mọi người. Ông yêu dân tộc và quê hương. Việc ông ở lại và nằm xuống trên quê hương là điều đúng. Từ ông, tôi đã thành danh, và quan trọng hơn là thành nhân. Sống cùng với tên tuổi của ông gần 40 năm với những lời ông dặn bảo phải sống giữa đời với một tấm lòng, và sống với người bằng sự tử tế. Ông là một nửa đời sống của tôi."

----------

Trang web tư liệu về Trịnh Công Sơn:

http://www.suutap.com/trinhcongson/default.asp?mucid=4
 
Đêm thấy ta là thác đổ

Một đêm bước chân về gác nhỏ,
chợt thấy đoá hoa tường vi
Bàn tay ngắt hoa từ phố nọ,
giờ đây đã quên vườn xưa
Một hôm bước qua thành phố lạ,
Thành phố đã đi ngủ trưa,
Đời ta có khi tựa lá cỏ,
Ngồi hát ca rất tự do.
Nhiều khi bỗng như trẻ nhớ nhà
Từ những phố kia tôi về.
Ngày xuân bước chân người rất nhẹ,
mùa xuân đã qua bao giờ
Nhièu đêm thấy ta là thác đổ
Tỉnh ra có khi còn nghe

*

Một hôm bước chân về giữa chợ,
chợt thấy vui như trẻ thơ
Đời ta có khi là đốm lửa
Một hôm nhóm trong vườn khuya.
Vườn khuya đoá hoa nào mới nở
Đời ta có ai vừa qua,
Nhiều khi thấy trăm nghìn nấm mộ
Tôi thấy quanh đây hồ như
Đời ta hết mang điều mới lạ
Tôi đã sống rất ơ hờ.
Lòng tôi có đôi lần khép cửa,
Rồi bên vết thương tôi quì.
Vì em đã mang lời khấn nhỏ
Bỏ tôi đứng bên đời kia.
 
Bên Đời Hiu Quạnh

--- Trịnh Công Sơn ---


1970 - 1971


Một lần chợt nghe quê quán tôi xưa
Giọng người gọi tôi nghe tiếng rất nhu mì
Lòng thật bình yên mà sao buồn thế
Giật mình nhìn tôi ngồi hát bao giờ

Rồi một lần kia khăn gói đi xa
Tưởng rằng được quên thương nhớ nơi quê nhà
Lòng thật bình yên mà sao buồn thế
Giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ

Đường nào quạnh hiu tôi đã đi qua
Đường về tình tôi có nắng rất la đà
Đường thật lặng yên lòng không gì nhớ
Giật mình nhìn quanh ồ phố xa lạ

Đường nào dìu tôi đi đến cơn say
Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời
Dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy
Giật mình tỉnh ra ồ nắng lên rồi
 
Biết Đâu Nguồn Cội

--- Trịnh Công Sơn ---



Em đi qua chuyến đò thấy con trăng đang nằm ngủ
Con sông là quán trọ và trăng tên lãng du
Em đi qua chuyến đò ối a con trăng còn trẻ
Con sông đâu có ngờ ngày kia trăng sẽ già

Em đi qua chuyến đò ối a trăng nay đã già
Trăng muôn đời thiếu nợ mà sông không nhớ ra
Em đi qua chuyến đò lắng nghe con sông nằm kể
Trăng ơi trăng rất tệ mày đi nhớ chóng về

Em đi qua chuyến đò ối a vui như ngày hội
Tôi xin làm quán đợi buồn chân em ghé chơi
Em đi qua chốn này ối a sao em đành vội
Tôi xin làm đá cuội và lăn theo gót hài

Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội
Cây trưa thu bóng dài và tôi thu bóng tối
Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội
Tôi thu tôi bé lại làm mưa tan giữa trời.
 
Tuổi Đời Mênh Mông


Mây và tóc em bay trong chiều gió lộng
Trời làm cơn mưa xanh dưới những hàng me
Em cùng lá tung tăng như loài chim đến
Và đã hót giữa phố nhà

Ôm cuộc sống trong tay bên đời quá rộng
Tuổi thần tiên yêu dấu dưới ngôi trường kia
Em cùng đóa hoa lan hay quỳnh hương trắng
Thơm ngát từ đất đai quê nhà

Có tình yêu thời thơ ấu
Bướm hoa và chim cùng mưa nắng
Em đứng bên trời tự do
Yêu đời thiết tha

Bao đường phố em qua nắng lên đứng chờ
Đường dìu chân em đi đến những miền xa
Thăm ruộng đất bao la những làng quê cũ
Mùa cây trái níu chân về

Như là những bông hoa trong thành phố này
Tuổi đời mênh mông quá búp non đầu cây
Em về giữa thiên nhiên em cười em nói
Như sóng đùa biển khơi.
 
Em Đi Bỏ Lại Con Đường

Bỏ mặc căn nhà, bỏ mặc tôi
Bỏ mặc nơi đây, bỏ mặc người
Bỏ trăm năm sau, ngàn năm nữa
Bỏ mặc tôi là, tôi là ai

Em đi bỏ lại con đường
Bờ xa cỏ dại, vô thường nhớ em
Ra đi, em đi bỏ lại dậm trường
Ngàn dâu cố quận, muôn trùng nhớ thêm

Bỏ mặc đêm dài, bỏ mặc tôi
Bỏ mặc gian nan, bỏ mặc người
Bỏ xa xôi yêu và gần gũi
Bỏ mặc tôi buồn giữa cuộc vui

Bỏ mặc mưa về, bỏ chiều phai
Bỏ mặc hư vô, bỏ ngậm ngùi
Bỏ đêm chưa qua, ngày chưa tới
Bỏ mặc tay buồn không bàn tay

Bỏ mặc vui buồn, bỏ mặc ai
Bỏ mặc chân không, bỏ mặc người
Bỏ tôi hoang vu và nhỏ bé
Bỏ mặc tôi ngồi giữa đời tôi
 
Có Duyên Không Nợ


Duyên nợ một đời
Có duyên không nợ
Một mình nhớ ai
Nhớ em không nợ
Một mình vẫn nhớ
Một mình vẫn hai
Hai hai mà một
Có duyên không nợ
Vì hai mà vẫn một mình

Duyên nợ thở dài
Có duyên không nợ
Một ngày đã phai
Hai hai mà một
Một đời có có
Nhớ em không nợ
Một đời không không
Một mình có không
Hai hai mà một
Có duyên không nợ
Dù xa, xa cũng là tình...
 
Ướt Mi


Ngoài hiên mưa rơi rơi,
Lòng ai như chơi vơi
Người ơi nước mắt hoen mi rồi
Đừng khóc trong đêm mưa,
Đừng than trong câu ca...

Buồn ơi trong đêm thâu,
Ôm ấp giùm ta nhé
Người em thương mưa ngâu
Hay khóc sầu nhân thế
Tình ta đêm về,
Có ấm từng cơn mơ em chưa...

Mưa lạnh lùng rơi rớt giữa đêm về
Nghe não nề...
Mưa kéo dài lê thê những đêm khuya
Lạnh ướt mi
Ai còn buồn khi lá rớt trong một cuối đông....

Ngoài hiên mưa rơi rơi,
Buồn dâng lên đôi môi
Buồn đau hoen ướt mi ai rồi
Buồn đi trong đêm khuya
Buồn rơi theo đêm mưa

Còn mưa trong đêm nay
Lòng em buồn biết mấy
Trời sao chưa thôi mưa
Ôi mắt người em ấy
Từ đây thôi mờ
Nước mắt buồn mi em ngây thơ...
 
Cát Bụi


Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài lớn dậy
Ôi cát bụi tuyệt vời
Mặt trời soi một kiếp rong chơi

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi
Ôi cát bụi mệt nhoài
Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi

Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày

Mặt trời nào soi sáng tim tôi
Để tình yêu xay mòn thành đá cuội
Xin úp mặt bùi ngùi
Từng ngày qua mỏi ngóng tin vui

Cụm rừng nào lá xác xơ cây
Từ vực sâu nghe lời mời đã dậy
Ôi cát bụi phận này
Vết mực nào xóa bỏ không hay.
 
Biển Nhớ

Trịnh Công Sơn



Ngày mai em đi
Biển nhớ tên em gọi về
Gọi hồn liễu rũ lê thê
Gọi bờ cát trắng đêm khuya

Ngày mai em đi
Đồi núi nghiêng nghiêng đời chờ
Sỏi đá trông em từng giờ
Nghe buồn nhịp chân bơ vơ

Ngày mai em đi
Biển nhớ em quay về nguồn
Gọi trùng dương gió ngập hồn
Bàn tay chắn gió mưa sang

Ngày mai em đi
Thành phố mắt đêm đèn mờ
Hồn lẻ nghiêng vai gọi buồn
Nghe ngoài biển động buồn hơn

Hôm nào em về
Bàn tay buông lối ngỏ
Đàn lên cung phím chờ
Sầu lên đây hoang vu

Ngày mai em đi
Biển nhớ tên em gọi về
Trùng dương ướt đẫm cơn mê
Trời cao níu bước sơn khê

Ngày mai em đi
Cồn đá rêu phong rủ buồn
Đèn phố nghe mưa tủi hồn
Nghe ngoài trời giăng mây tuôn

Ngày mai em đi
Biển có bâng khuâng gọi thầm
Ngày mưa tháng nắng còn buồn
Bàn tay nghe ngóng tin sang

Ngày mai em đi
Thành phố mắt đêm đèn vàng
Nửa bóng xuân qua ngập ngừng
Nghe trời gió lộng mà thương.
 
Thương Một Người

Trịnh Công Sơn



Thương ai về ngõ tối
Sương rơi ướt đôi môi
Thương ai buồn kiếp đời
Lạnh lùng ánh sao rơi
Thương ai về ngõ tối
Bao nhiêu lá rơi rơi
Thương ai cười không nói
ngập ngừng lá hôn vai

Thương nụ cười
Và mái tóc buông lơi
Mùa thu úa trên môi
Từng đêm qua ngõ tối
Bàn chân âm thầm nói
Lặng nghe gió đêm nay
Ngại ai vuốt đôi vai
Bờ vai như giấy mới
Sợ nghiêng hết tình tôi

Thương ai về xóm vắng
Đêm nay thiếu ánh trăng
Đôi vai gầy ướt mềm
Người lạnh lắm hay không
Thương ai mầu áo trắng
Trông như ánh sao băng
Thương ai cười trong nắng
Ngại ngùng áng mây bay ...

oOo

Thương nụ cười
Và mái tóc buông lơi
Mùa thu úa trên môi
Từng đêm qua ngõ tối
Bàn chân âm thầm nói
Lặng nghe gió đêm nay
Ngại ai vuốt đôi vai
Bờ vai như giấy mới
Sợ nghiêng hết tình tôi

Thương ai về xóm vắng
Đêm nay thiếu ánh trăng
Đôi vai gầy ướt mềm
Người lạnh lắm hay không
Thương ai mầu áo trắng
Trông như ánh sao băng
Thương ai cười trong nắng
Ngại ngùng áng mây bay ...
Ngại ngùng áng mây bay ...
 
Trịnh Công Sơn
Tạp chí Sóng Nhạc số 3, tháng 12-1998

Đò đưa

Thế mà đã gần 5 năm Đò đưa vắng mặt trên Sóng Nhạc. Cùng với thời gian này dòng thư tín cũng bị gián đoạn và Đò Đưa cùng bạn đọc Sóng Nhạc đành phải thất lạc nhau. Một sự thất lạc hoàn toàn không cố tình cố ý mà chỉ vì một sự thất thoát hồn nhiên của một vài sự kiện trong đời sống rồi nó đẩy đưa lui tới làm rối tung một thứ trật tự không phải tự nhiên mà hình thành.

Hôm nay Đò đưa trở lại. Đứa con thất lạc đã trở lại nhà. Đứa con đi hoang đã trở về cố quận. Lời nói đầu tiên là lời xin lỗi gửi đến bạn bè khắp khắp nơi nơi. Xin lỗi là vì không có đất để trả lời thư của bạn đọc gửi đến, còn trả lời thư riêng thì cho dù được sống cùng một lúc 3 cuộc đời cũng không thể nào trả lời hết được.

Ai cũng có một lời tâm tình dành riêng cho mình. Điều đó dễ hiểu. Một lá thư từ miền Bắc. Một lá thư từ vi vu gió thổi cuối trời đất nước cực Nam. Làm sao không cảm động, nhưng để thỏa mãn một nhu cầu tình cảm đòi hỏi phải có thì giờ, phải có một khoảng trời riêng để nói, để viết và để tâm sự. Nhưng tâm sự với người chưa quen thì không phải là điều dễ. Vì vậy, chúng ta nên có giao ước chung là mọi lời thăm hỏi, thắc mắc đòi hỏi một điều gì đó đều được điều trần trên trang Đò đưa của Sóng Nhạc bộ mới.

Đò đưa trở lại có nghĩa là một bến sông thức dậy. Thức dậy cũng có nghĩa là có một đời sống đã tỉnh thức bên bờ một dòng sông.''Đưa người ta không đưa sang sông - Mà sao có tiếng sóng ở trong lòng''. Không có liên hệ gì với Đò đưa ở đây. Tuy nhiên đò nào mà chẳng phải đưa. Dù chit một người. Phải đưa vì nếu không bờ này sẽ nhớ bến nọ và những bờ bến hoang vu của những năm xa cách sẽ nghĩ rằng người người đời đời đã phụ mình. Đò đưa đưa đò. Đò lại đưa, đưa lại về chốn cũ nào đây. Thong dong sẽ có nơi này. Bạn bè bốn phía có rày mai sau.
 
Trịnh Công Sơn
Tạp chí Sóng Nhạc số 4, tháng 1-1999

Đò đưa

Thường người ta vẫn thường nghĩ rằng kẻ làm việc từ thiện phải là kẻ giàu có. Thật sự không phải như vậy. Ai cũng có thể làm việc thiện. Người ca sĩ hát một suất và hiến hết số tiền lãnh được. Người nhạc sĩ tổ chức một chương trình ca nhạc của mình và tặng hết số tiền thub được. Đó là cách dùng tài sản vừa trời ban cho, vừa chính bản thân mình tạo dựng để chia sẻ cho đời.

Không ai tự nhiên mà giàu có. Phải làm việc bằng cách này cách nọ. Nhưng không giàu có cũng lắm cách. Không phải ai cũng giống ai. Có kẻ quá giàu mà không muốn cho, không muốn san sẻ của cải cho bất kì một ai khác. Có kẻ không giàu nhưng tràn đầy hạnh bố thí. Hạnh bố thí tưởng dễ mà rất khó. Cho nhưng cách cho thế nào để sự cho trở thành một đức hạnh, một sự mầu nhiệm của lòng nhân từ, một thứ hạnh chan chứa lòng yêu thương.

Khi ta cho mà tâm ta vô cầu thì mầm từ bi đã đâm chồi và quả hân hoan đã kết trái. Lòng ta vui sướng, tràn trề hạnh phúc mà không hiểu vì đâu.Không hiểu vì đâu vì cái ta cho đã được trả gấp lại nhiều lần hơn và làm ta mất phương hướng.

Khi làm việc thiện người ta không chờ kẻ xin. Người làm việc thiện chân chính là người không chờ kẻ xin. Người làm việc thiên chân chính là kẻ phải tự mình mang đến một cách tình nguyện để dâng hiến những của cải dù khiêm tốn nhưng tráng lệ cho đời, cho người. Và ngược lại người chờ lòng từ thiện cũng không nên biến mình thành kẻ xin. Từ dod, cho và nhận đã trở thành một vấn đề cho ta cần suy nghĩ. Người nhạc sĩ khi viết một bài hát hay, đó là làm cho đời một việc thiện. Đó là một quà tặng mang đến cho đời . Người ca sĩ khi hát một bài hát hay cũng là mang đến một quà tặng cho người. Đã biết cho thì sẽ có nhận. Thường cái quà nhận được thường lớn hơn gấp vạn lần cái điều mình mang cho . Sống trong cuộc đời, vì vậy, phải mang trái tim ra mà sống, để đừng bao giờ phải ân hận là mình chưa sống hết lòng.

Làm việc thiện không phải là lưu trữ một thứ của cải riêng cho mình. Nếu cần tích lũy thì hãy tàng trữ cái kho báu ngọt ngào mà đời đã ban tặng lại cho ta. Chính điều ấy đã nuôi sống ta và làm cho trái tim trở thành bất hoại.
 
Trịnh Công Sơn
Tạp chí Sóng Nhạc số 5, tháng 2-1999

Đò đưa

Tự nhiên những ngày cuối năm 1998 hàng đống thơ bỗng như những cánh én chao lượn trên bầu trời nơi tôi ở. Sắp là mùa xuân nhưng chưa phải mùa xuân. Những lá thư xa lạ từ miền Bắc gửi vào. Không phải thư của bạn, cũng không phải thư người yêu. Người yêu thì dĩ nhiên không có rồi. Lá thư trẻ nhất: 12 tuổi. Lá thư lớn nhất là của một giáo viên đi dạy trên mười năm. Số còn lại là của lứa tuổi sinh viên học sinh trong độ 16 đến 19 tuổi.

Xin cám ơn tất cả các bạn. Vì một chút vô tinh mà báo ''Hoa Học Trò'' đã mách bảo các bạn địa chỉ của tôi. Đã từ lâu tôi muốn lánh mình trong một cuộc chơi khác. Cuộc chơi chỉ có mình với mình. Một mình với mình không có nghĩa là không có những người chung quanh. Nhưng tôi chỉ tham dự như một thành phần ở ngoại cuộc và không có đối thoại. Tôi muốn giữ một sự tịch lặng cho riêng mình và để cho những tiếng nói xung quanh trở thành một sự xao động bình thường của thiên nhiên.

Đa số những lá thư đều tập trungh vào một yêu cầu: xin ảnh và chữ kí. Điều này không lạ. Ngược lại điều này biểu lộ một tình cảm yêu thương vô hạn và đôi khi khiến tâm hồn mẫn cảm của người làm nghệ thuật muốn khóc. Vì sao vậy? Vì như thế cuộc đời vẫn còn đẹp quá. Tuy nhiên tôi đang muốn tìm một biện pháp hay nhất để mọi người đều có ảnh và cả chữ kí của tôi ma khỏi vất vả gửi đến địa chỉ từng người. Chỉ mong các bạn đừng giận vì khi giận chúng ta sẽ đánh mất lòng yêu thương.

Các bạn trẻ ơi! Mùa xuân đến các bạn thử để thì giờ xếp quanh co hình hài những con hạc như những lời chúc phúc. Đừng bao giờ xếo những lá thư theo kiểu khó gỡ như một thách thức sự kiên nhẫn của người nhận. Tôi rất mệt mỏi khi nhận những lá thư kiểu đó.

Khi nói đến lá thư là nói đến một thông điệo đã gửi đi. Thông điệp có thể dài, có thể ngắn. Có những thông điệp dài mà không chứa đựng một nội dung đáng kể. Lại có những thông điệp ngắn, rất gọn gẽ, mà lượng thông tin trong ấy có thể quật ngã một con người. Con đường thư tín vì vậy đôi khi rất hiền hòa, nhưng đôi khi cũng đầy hiểm họa. Nó mang đến niềm vui cho người nhạn nhưng lắm lúc cũng mang đến nỗi buồn.

Những lá thư từ miền Bắc nói chung và từ Hà Nội nói riêng, hình như nó mang một âm hưởng tựa nhau. Một thứ âm hưởng mang giọng nói và tình cảm của một miền đất nước. Rất thiết tha và để lại một điểu gì đó trong lòng người nhận. Xin cám ơn tất cả vì những lá thư đã gửi cho tôi, tôi tìm thấy được một tấm lòng yêu thương thắm thiết.

Mùa xuân này, qua Đò đưa, xin gửi đến tất cả các bạn xa gần một mùa xuân lớn hơn kéo dài cho đến thế kỉ mới.

31-12-1998
 
Trịnh Công Sơn
Tạp chí Sóng Nhạc số 6, tháng 3-1999

Đò đưa

Hàng trăm lá thư tiếp tục bay về nơi chốn tôi ở sau khi báo Hoa Học Trò đăng địa chỉ trên báo. Có một điều chung trong tất cả những lá thư ấy là lời hỏi thăm, lời chúc sức khỏe, sau đó là chờ đợi thư trả lời cùng với một tấm ảnh có kí tên. Một số lá thư khác thì xin chép tay cho bài nhạc này hoặc bài hát nọ. Hầu hết những lá thư đều mang tên những địa danh miền Bắc. Thư nào cũng mang một nội dung chan chứa tình cảm và lòng tôi thấy được an ủi vô cùng. Tuy nhiên, để làm tròn trách nhiệm với hằng trăm lá thư trên thì thú thật, các bạn ạ, tôi không thể nào có đủ khả năng làm vừa lòng các bạn được. Vì vậy tôi đề nghị các bạn tim đọc tờ Sóng Nhạc thuộc Hội Âm Nhạc thành phố Hồ Chí Minh để theo dõi trên mục Đò đưa hằng tháng đều có bài viết của tôi cũng như thư trả lời chung cho các bạn tển khắp đất nước. Về ảnh thì các bạn có thể đề nghị báo Sóng Nhạc làm phiếu tặng ảnh hoặc nhờ báo Hoa Học Trò làm thay công việc ấy cũng được.

***

Tháng hai năm nay đi qua cùng với ngày Tết rất thầm lặng rồi ngày Valentines's Day cũng trầm lặng không có gì khởi sắc. Hoa đẹp đủ loại cũng lắm người mua với giá rất đắt nhưng hình như thiếu một bàn tay phù thủy có khả năng để biến những ngày lễ ấy thành những ngày hội tưng bừng.

Hết tháng hai, chúng ta đang chờ đón gì đay trong ngày 8 tháng 3? Lại những cơn mưa hoa đắt tiền trao đến các chị, các em...Làm thế nào để tránh những cơn mưa hoa ấy không mang màu thủ tục và hững hờ?

Ngày 8 tháng 3 là ngày sinh nhật của nhóm ''Những người bạn'' gồm có Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Thanh Tùng, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên...Điều này thì nhiều người đã biết và hình như đã biết: Vì sao lại chọn ngày lễ phụ nữ để làm ngày Khai Sinh của nhóm. Cũng chỉ là tình cờ và khi làm mâm cơm cúng tạ Trời Đất mới biết là nhòm đã rơi vào cái ''cung oan nghiệt này''. Tuy vậy nhóm ''|Những người bạ'' từ khước theo chế độ mẫu hệ, ngược lại, những người trong nhóm rất muốn luôn luôn mình là kẻ mạnh.

Nhân ngày Phụ nữ tôi muốn thay mặt Nhóm và tạp chí Sóng Nhạc chúc tất cả các bạn gái và các em nơi này nơi kia một mùa Phụ nữ xanh tươi vf rực rỡ. Tôi xem mùa Phụ nữ cũng như mùa Giáng SInh, mùa Tết. Tất cả các mùa rồi cũng sẽ đi qua đời sống chúng ta như những giấc mộng. Có những mùa đầy đặn và cũng có những mùa hao mòn. Cố gắng giữ lại trong ta một số mùa màng ấy như những kỉ niệm đẹp.

Và cũng trong ngày 8 tháng 3 này, tôi muốn gửi đến tất cả những tấm lòng phụ nữ khắp nơi lời cám ơn chân thành về những lời chúc bình an và sức khỏe cho tôi. Đó là điều quí giá nhất mà không phải ai ai cũng nhận được.

Mong sẽ gặp lại tất cả các bạn trên tạp chí Sóng Nhạc trông mục Đò đưa, ở đó tôi hi vọng sẽ có rất nhiều điều chúng ta nói với nhau hơn về cuộc sống, về nghệ thuật.
 
Trịnh Công Sơn - kẻ hát rong qua nhiều thế hệ

Tôi bước chân vào đất đai của nghệ thuật tương đối sớm.

Là một đứa bé thích ca hát, mười tuổi tôi chép lại những bài hát yêu thích đóng thành tập, chơi đàn mandolin và sáo trúc.

Mười hai tuổi có cây đàn guitar đầu tiên trong đời và từ đó sử dụng guitar như một phương tiện quen thuộc để đệm cho chính mình hát.

Từ tuổi mười ba, mười bốn, tôi đã làm những lưỡi sóng liếm láp mạn thuyền văn nghệ. Trong huyết quản tôi có thể thời ấy đã luân lưu những lượng máu bất bình thường.

Tôi không đến với âm nhạc như một kẻ chọn nghề. Tôi nhớ mình đã viết những ca khúc đầu tiên từ những đòi hỏi tự nhiên của tình cảm thôi thúc bên trong.

Qua ca khúc, tôi đã đến gần và đã đi xa những chuyện tình; tôi đã tham dự những nỗi hân hoan của đời người và cũng như đã gánh nhẹ giùm những phiền muộn cua cuộc sống.

"Tôi chỉ là 1 tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo..."
 
Trịnh Công Sơn


Đò đưa


Huyên náo và tĩnh lặng. Trong những ngày nằm bệnh, không có gì thích thú bằng sự tĩnh lặng. Không một ai quấy rầy đến sự nghỉ ngơi. Không có gì làm xao dộng cái không gian được đóng kín lại cho một cõi riêng tư.

Nằm yên và nghe mình thở. Nằm yên và theo dõi những suy tưởng cau mình trước cuộc đời. Nằm và cảm nhận cùng lúc sự gần gũi vầcr sự xa vắng đối với tất cả những gi đang tồn tại hay đang vây quanh đời sống của ta.

Đau ốm chỉ là swuj tạm dừng chân trong cuộc hành trình về phía trước.

Vắng bạn đương nhiên là buồn. Nhưng bạn nào và sự có mặt của bạn như thế nào đó mới thật là một niềm vui. Có những sự có mặt của bạn bè tương đương với một dấu lặng trong âm nhạc nên sự có mặt đó thường có khả năng mang đến cho ta một sự thaỏi mái thảnh thơi tựa hồ như niềm hoan lạc. Đó là những trường hợp ta không cần phải đối phó, không cần phải cố gắng lấp đầy khoảng trống bằng những câu chuyện gắng gượng, nhạt nhẽo.

Nếu trong âm nhạc không có những dấu lặng, dấu nghỉ, thì đó là một tai họa. Đám đông và sự ồn ào không phải luôn luôn là đại diện cảu sự sống. Ta cần nghỉ ngơi và tĩnh lặng không chỉ trong lúc nằm bệnh mà ngay cả trong lúc đang sinh hoạt bình thường. Tiếng động ầm ĩ cũng giống như sự phát ngôn huyên thuyên không có cơ may chấm dứt trong những cuộc họp mặt hoặc trong những buổi trà dư tửu tậu. Đó chỉ là sự phá sản của những não trạng không bình thường. Nó làm mệt mọi người và cả cuốc sống.

Có sự ồn ào của chợ và sự huyên náo của nghị trường. Nhưng giữa sự ồn ào của chợ và sựb huyên náo dị thường của những cái loa vô tội vạ phát thanh về bất cứ vấn đề gì bất chấp người nghe muốn hay không thì tôi chọn sự ồn ào cảu chợ. Vì đằng sau sự ồn ào còn có thực phâm trần gian. Nó hứa hẹn những bữa ngon trong không khí một gia đình sum họp.

Đi qua cuộc sống hàng ngày tôi biết có rất nhiều người không biết hoặc không hề quan tâm đến sự tĩnh lặng. Họ thích nói và hình như phải nói với bất cứ giá nào. Họ nói về bất cứ vấn đêf gì miễn là có một kẻ thứ hai để chịu đựng những điều họ muốn nói. Họ nói và cười sảng khaói cho riêng họ bất chấp kẻ khác có đòng tình hay không.

Huyên náo và tĩnh lặng là hai trạng thái tinh thần khác nhau. Người ta có thể phát bệnh vì tiếng la hét quá độ chứ không bao giờ mệt mỏi vì sự yên tĩnh.
 
Hạ Trắng

Huế vao hạ, ve kêu râm ran trên những tàn cây như một giàn hợp xướng và nắng nóng oi bức như địa ngục. Mùa hạ năm ấy tôi bị một cơn sốt nặng, nằm mê man trên giường không còn biết gì. Và bỗng có một lúc nào đó tôi cảm thấy hương thơm phủ ngập cả căn phòng và tôi chìm đắm vào một giấc mơ như một cơn mê sảng. Tôi thấy mình lạc vào một rừng hoa trắng thơm ngào ngạt, bay bổng trong không gian đó. Ðến lúc tỉnh dậy người ướt đẫm mồ hôi và tôi nhìn thấy bên cạnh giường có một bó hoa dạ lý hương trắng rất lớn. Chính cái mùi thơm của dạ lý hương đã đưa tôi vào giấc mơ kia. Giấc mơ trong một mùa hạ nóng bức.

Không lâu sau, tôi lại được chứng kiến một câu chuyện xúc động về một mối tình keo sơn của 2 con người tóc đã bạc trắng. Câu chuyện này ám ảnh tôi một thời gian. Và sau đó tôi kết hợp giấc mơ hoa trắng mùa hạ với mối tình già keo sơn này như áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau để viết nên bài hát về một giấc mơ – một giấc mơ Hạ Trắng

Gọi nắng, trên vai em gầy đường xa áo baỵ
Nắng qua mắt buồn, lòng hoa bướm saỵ
Lối em đi về ... trời không có mâỵ
Ðường đi suốt mùa nắng lên thắp đầỵ

Gọi nắng cho cơn mê chiều nhiều hoa trắng baỵ
Cho tay em dài ... gầy thêm nắng maị
Bước chân em về nào anh có haỵ
Gọi em cho nắng chết trên sông dài ...

Thôi xin ơn đời trong cơn mê này gọi mùa thu tới ...
Tôi đưa em về

Chân em bước nhẹ

Trời buồn gió cao ...
Ðời xin có nhau dài cho mãi sau nắng không gọi sầụ
Áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu

Gọi mãi tên nhau ...

Thôi xin ơn đời trong cơn mê này gọi mùa thu tới ...
Tôi đưa em về

Trời buồn gió cao ...
Ðời xin có nhau dài cho mãi sau nắng không gọi sầụ
Áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu

Gọi mãi tên nhau ...



Thôi xin ơn đời trong cơn mê này gọi mùa thu tới ...
Tôi đưa em về

Chân em bước nhẹ

Trời buồn gió cao ...
Ðời xin có nhau dài cho mãi sau nắng không gọi sầụ
Áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu

Gọi mãi tên nhau ...

Áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu

Gọi mãi tên nhau ...

Áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu

Gọi mãi tên nhau ...

Áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu

Gọi mãi tên nhau ...
 
"Trong nỗi đau tình cờ"

Trịnh Công Sơn

Saigon, tháng 11.1972


Tiếng nói thầm kín của một người nhiều khi suốt cuộc đời không thể nào bày tỏ - Có khi bày tỏ được thì cũng chỉ là những tiếng nói dở dang. Có người dấu bặt. Tôi chưa hề quên cái hiệu lệnh muôn đời: “Cái ta đáng ghét”. Tuy nhiên trong cuộc sống thường nhật nơi đây, ngoài những ngày hét la to đầy nộ khí, vẫn có những giây phút lui về muốn thở than. Phải chăng thở than cũng là niềm bí ẩn của con người.

Tôi lại biết thêm rằng, dù là người chiến thắng hay kẻ chiến bại, suốt cuộc đời cũng không thể vui chơi. Hạnh phúc đã ngủ quên trong những ngăn kéo của quên lãng.

Tôi không bao giờ nhầm lẫn về sự đau khổ và hạnh phúc. Nhưng tôi thường rơi vào cơn hôn mê trước giấc ngủ. Ở biên giới đó tôi hoảng hốt thấy mình lơ lửng giữa sự sống và cái chết. Những giây phút như thế vồ chụp lấy tôi mỗi đêm. Khi quanh tôi, mọi người đã yên ngủ. Và tôi đau đớn nhận ra rằng, có lẽ cuộc đời đã cho ta lắm ngày bất hạnh.

Mỗi ngày sống tới, mỗi ngày tôi thấy đời sống nhỏ nhắn thêm. Ðời sống thật sự không tiềm ẩn điều gì mới lạ. Có lẽ vì thế, vì sự quen mặt mỗi lúc mỗi gần gũi, thắm thiết hơn, nên tôi càng thấy yêu mến cuộc đời. Như đứa con ngoan không tuyệt tình nổi với rẫy sắn nương khoai, nơi có bà mẹ suốt đời mắt không sáng nổi một ngày trẩy hội.

Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau. Từ buổi con người sống quá rẻ rúng tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá. Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọng và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như môt bông hoa. Tôi không muốn khuyến khích sự khổ hạnh, nhưng mỗi chúng ta hãy thử sống cùng một lúc vừa kẻ chiến thắng vừa kẻ chiến bại. Nỗi vinh nhục đã mang ta ra khỏi đời sống để đưa đến những đấu trường.

Tôi đang bắt đầu những ngày học tập mới. Tôi là đứa bé. Tôi là người bạn. Ðôi khi tôi là người tình. Chúng tôi cùng học vẽ lại chân dung nhân loại. Vẽ lại con tim khối óc. Trên những trang giấy tinh khôi chúng tôi không bao giờ còn thấy bóng dáng của những đường kiếm mưu đồ, những vết dao khắc nghiệt. Chúng tôi vẽ lại những đất đai, trên đó đời sống không còn bạo lực.

Như thế, với cuộc đời, tôi đã ôm một nỗi cuồng si bất tận. Mỗi đêm, tôi nhìn trời đất để học về lòng bao dung. Nhìn đường đi của kiến để biết về sự nhẫn nhục. Sông vẫn chảy đời sông. Suối vẫn trôi đời suối. Ðời người cũng để sống và hãy thả trôi đi những tị hiềm.

Chúng ta đã đấu tranh. Ðang đấu tranh. Và có thể còn đấu tranh lâu dài. Nhưng tranh đấu để giành lại quyền sống, để làm người, chứ không để trở thành anh hùng hay làm người vĩ đại. Cõi người từ khước tước hiệu đó.

Chúng ta đã đấu tranh như một người trẻ tuổi và đã sống mệt mỏi như một kẻ già nua.Tôi đang muốn quên đi những trang triết lý, những luận điệu phỉnh phờ. Ở đó có hai con đường. Một con đường dẫn ta về ca tụng sự vinh quang của đời sống. Con đường còn lại dẫn về sự băng hoại.

Nhân loại, mỗi ngày, đang cố bày biện những tiệm tạp hóa mới. Ðóng thêm nhiều kệ hàng. Người ta bán đủ loại: đói kém, chết chóc, thù hận, nô lệ, vong thân...

Những đấng tối cao, có lẽ đã ngủ quên cùng với chân lý.

Tôi đã mỏi dần với lòng tin. Chỉ còn lại niềm tin sau cùng. Tin vào niềm tuyệt vọng. Có nghĩa là tin vào chính mình. Tin vào cuộc đời vốn không thể khác.

Và như thế, tôi đang yêu thương cuộc đời bằng nỗi lòng của tên tuyệt vọng.

Mỗi đời sống ẩn giấu một định mệnh. Có những định mệnh đời đời là cây kiếm sắc. Một đôi lần trong giấc mơ tôi, bừng lên những ánh thép đó. Nhưng tôi biết rõ rằng tôi chỉ là một loài chim nhỏ hót chơi trên đầu những ngọn lau. Không ai muốn mình là kẻ tuyệt vọng. Nhưng tôi tự nguyện làm tên tuyệt vọng. Bởi đã nhiều sớm mai tôi thức dậy không thấy được hoa quả khai sinh trong trái tim người.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Back
Bên trên