Giải quyết xong. Khả năng đòi bồi thường + xin lỗi từ TQ coi như không thể có. Nhưng ít ra người đã được đưa về an toàn.
http://www.vietnamnet.vn/xahoi/doisong/2005/02/375675/
Hòa Lộc: Nỗi niềm những người trở về
Ngày mùng 5 tết, chúng tôi trở lại xã Hòa Lộc (Hậu Lộc) và Hoằng Trường (Hoằng Hóa) - Thanh Hóa thăm các gia đình nạn nhân bị cảnh sát biển Trung Quốc bắn chết, bắn bị thương vào sáng 8/1/2005 và những người sống sót vừa trở về từ tỉnh Hải Nam (Trung Quốc).
Anh Nguyễn Mạnh Hùng (phải) và bố là ông Nguyễn Phi Phường.
Nhịp sống nơi đây đã trở lại bình thường sau hơn một tháng xảy ra sự kiện đau lòng đó. Những ngư dân hiền lành, chân chất nơi cửa biển Lạch Trường sau dăm ngày tết đã và đang trở lại lao động bình thường, chuẩn bị ngư cụ, đá lạnh, bộ đàm... để bắt đầu ra khơi chuyến mở hàng đầu xuân...
“Chúng tôi đã làm lễ an táng theo đúng phong tục địa phương”
Trên đây là lời trao đổi với chúng tôi vào chiều 13/2/2005 của ông Lê Văn Thuận, chủ tịch UBND xã Hòa Lộc, sau khi nhận tro cốt của bốn ngư dân là các anh Trần Hùng, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Văn Đông và Nguyễn Văn Dũng.
Ông Thuận cho biết: “Chiều 26 tết, xã nhận được thông tin đoàn đưa tro cốt bốn ngư dân của xã sẽ về đến địa phương vào chiều tối hôm đó. Ngay lập tức xã đã tổ chức ban lễ tang để làm lễ an táng cho các ngư dân này. Đến 19h15 ngày 26 tết (4/2), đoàn về đến nghĩa trang xã. Trong buổi tối hôm đó, đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ xã đã làm lễ an táng theo đúng phong tục tập quán của bà con ngư dân địa phương. Sau đó xã cùng các gia đình đưa phần tro cốt của thân nhân về chôn tại các phần mộ gia đình”.
Gặp tôi sau hơn mười ngày kể từ hôm sang Trung Quốc để nhận xác anh trai là nạn nhân Trần Hùng, anh Trần Văn Hào (thôn Hòa Hải) kể lại: “Ngay sau khi sang đến nơi, phía Trung Quốc đã yêu cầu tổ chức mổ khám nghiệm tử thi, nhưng theo nguyện vọng của các gia đình là sự việc đã rõ ràng, nên chỉ tổ chức nhận dạng thi hài thân nhân và hỏa táng luôn.
Chiều 25 tết (3/2), phía chính quyền tỉnh Hải Nam đã làm thủ tục cho các thân nhân nhận dạng thi hài. Do bị bắn nhiều vết đạn và để lâu ngày (dù đã được bảo quản trong hầm lạnh) nên khuôn mặt anh Hùng nhà tôi đã biến dạng, sưng vù lên. Nhờ những di vật của anh để lại như: chiếc đồng hồ điện tử đeo tay, 2.000 đồng tiền lẻ, nửa gói thuốc lá Du Lịch, tờ giấy ghi địa chỉ và số máy điện thoại... mà tôi nhận ra anh ruột mình.
Nhìn thấy thi hài người thân thâm tím trong bộ quần áo xanh, chúng tôi và các thành viên trong đoàn không ai cầm được nước mắt. Đến 6g chiều 25 tết, các cơ quan chức năng ở tỉnh Hải Nam bắt đầu làm lễ hỏa táng tám thi hài. Cứ hai thi hài vào một ca hỏa táng. Đến hai giờ sáng 26 tết thì hỏa táng xong và làm thủ tục để đưa tro cốt về nước ngay trong ngày hôm đó. Qua quan sát của chúng tôi, các thủ tục đã được phía tỉnh Hải Nam giải quyết nhanh gọn. Bên cạnh đó phải nói đến nỗ lực ngoại giao từ phía Chính phủ ta. Đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo hai huyện Hậu Lộc và Hoằng Hóa”.
Tôi bước vào phía bàn thờ của anh Hùng, trên bàn thờ nghi ngút khói hương làm vơi đi nỗi đau mất con của cụ Lê Thị Chinh. Ngước nhìn di ảnh con trai, cụ Chinh tâm sự: “Từ ngày đưa em nó về, bà con xóm giềng đến thắp hương luôn. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành và mọi người gần xa, gia đình tôi cũng có một cái tết đàng hoàng, ấm cúng tình nghĩa láng giềng.
Tiếng nói của những người trở về
Rời nhà anh Trần Văn Hào, tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Phi Phường, ở thôn Hòa Hải, xã Hòa Lộc. Ông Phường là chủ nhiệm HTX đánh cá Hùng Cường và cũng là chủ con tàu hiện đang bị chính quyền tỉnh Hải Nam bắt giữ từ ngày 8/1 đến nay. Sau sự kiện Hòa Lộc hơn một tháng, ông Phường gầy sút, suy nhược cơ thể mạnh.
Ngồi trao đổi với tôi mà giọng ông yếu ớt, khác với giọng ăn sóng nói gió của những ngư dân: “Vốn liếng của gia đình tôi đổ vào hết con tàu. Trị giá con tàu là 1,5 tỉ đồng, trong đó tôi phải vay của dự án đánh bắt xa bờ 1,1 tỉ, còn lại là tiền vốn của gia đình. Con tàu 165CV của gia đình tôi là phương tiện kiếm sống của 16 ngư dân ở hai xã Hòa Lộc, Hoằng Trường trong suốt hơn bốn năm qua. Vậy mà giờ đây đã bị cảnh sát biển Trung Quốc bắn tan tành. Tôi mong Chính phủ Trung Quốc có chính sách đền bù tàu cho gia đình tôi”.
Nghe bố kể về con tàu bị bắn dã man, tan tành, anh Nguyễn Mạnh Hùng (28 tuổi), con trai ông Phường và cũng là một trong tám ngư dân trên tàu còn sống sót vừa trở về từ tỉnh Hải Nam hôm 29 tết, ngồi ôm vết thương bức xúc: “Tôi bị thương nặng ở cánh tay phải do sáu viên đạn găm vào, nhưng mười ngày đầu chính quyền tỉnh Hải Nam đối xử với chúng tôi không được tốt và nhân đạo cho lắm. Sau khi tổng lãnh sự quán nước ta tại tỉnh Quảng Đông đến thăm hỏi chúng tôi thì tình hình mới được cải thiện. Sáng 6-2-2005, Tòa án tỉnh Hải Nam đã chính thức đưa chúng tôi ra xét xử với tội danh được gọi là “cướp biển”.
Trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa, các cơ quan điều tra phía Hải Nam nói tàu của chúng tôi là tàu sắt, nhưng thực tế là tàu gỗ. Họ còn khép cho tàu của chúng tôi có vũ khí, súng đạn, nhưng trên tàu của chúng tôi làm gì có loại vũ khí nào đâu. Chúng tôi là ngư dân, chúng tôi chỉ có ngư cụ thôi. Sau ba tiếng đồng hồ tranh tụng và các luật sư bảo vệ nói bằng tiếng Trung Quốc, sau đó phiên dịch cho chúng tôi nghe câu được câu không, phiên tòa đã xử cho chúng tôi trắng án.
Chúng tôi khẳng định: “Chúng tôi chỉ là ngư dân”. Sau khi phiên tòa xét xử xong, chính quyền tỉnh Hải Nam ra ngay quyết định trục xuất chúng tôi rời khỏi địa phương. Sáng 7/2 chúng tôi rời khỏi Hải Nam về Quảng Tây, sau đó đi ôtô từ Quảng Tây về đến cầu Bắc Luân - Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh). Vừa về đến Móng Cái, chúng tôi được đại diện lãnh đạo hai huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa đón tiếp thân tình, chu đáo và đưa chúng tôi về quê ngay trong ngày hôm đó”.
Vừa nói xong, anh Hùng nhìn ra phía biển Đông trước mặt - nơi đã nuôi anh từ thuở lọt lòng - ngậm ngùi, nuốt nước mắt: “Thế là mùa biển năm nay đói rồi anh ạ! Còn tàu là mồng 8 tết năm nào chúng tôi cũng ra khơi chuyến mở hàng đầu năm để lấy may mắn. Mất tàu rồi chỉ còn nước đi làm thuê cho các tàu khác thôi”.
Rời Hòa Lộc, tôi trở lại xã Hoằng Trường thăm các gia đình có thân nhân vừa trở về từ tỉnh Hải Nam như: gia đình anh Nguyễn Văn Thái, Nguyễn Văn Dũng và Lê Văn Thảo. Ở gia đình nào cũng tràn ngập niềm vui vì thân nhân của họ đã may mắn sống sót trở về vào đúng dịp Tết Ất Dậu. Bà con láng giềng làng trên xóm dưới đến chia sẻ niềm vui với các gia đình này ai cũng có một lời chúc bình an và gặp nhiều may mắn trong mùa đi biển tới.
Ngoài cửa biển Lạch Trường, hàng trăm con tàu đánh cá to, nhỏ của bà con ngư dân hai xã vùng biển này đang treo những lá cờ Tổ quốc mới tinh lên cột bộ đàm, chuẩn bị ngư cụ, đá lạnh... để bước vào mùa đi biển mới đầu xuân Ất Dậu trong một, hai ngày tới.
Hà Đồng