Tình hình chiến sự thế giới !!!

Tình trạng
Không mở trả lời sau này.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã nhanh chóng dập tắt cơn bão mà tuyên bố của ông gây ra. Hôm qua, Rumsfeld nói Mỹ có thể một mình tấn công Iraq mà không có Anh trợ giúp, nhưng 4 giờ sau lại khẳng định không nghi ngờ gì về sự ủng hộ của London.

Kinh ngạc trước những lời của ông H. Rumsfeld rằng Anh có thể không tham gia chiến đấu, phố Downing khẳng định vẫn đang hành động vì một nghị quyết thứ hai của HĐBA cho phép sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, bất kỳ một dự thảo nghị quyết nào như vậy cũng sẽ thất bại bởi Pháp và Nga đã tuyên bố dùng quyền phủ quyết.

"Cho đến lúc này, chúng tôi vẫn tiếp tục nỗ lực vì một nghị quyết thứ hai, đó chính là điều mà chúng tôi đang thảo luận trong hành lang của LHQ vào đêm (thứ ba) tại New York", Bộ trưởng Quốc phòng Anh G. Hoon nói trên BBC.

Trước đó, trong một cuộc họp báo, được hỏi liệu Mỹ đã chuẩn bị tấn công Iraq mà không có sự trợ giúp của Anh hay chưa, người đứng đầu Lầu Năm Góc cho biết vấn đề đang được thảo luận gần như hàng ngày, và khả năng Mỹ tiến hành chiến dịch một mình sẽ được tổng thống (Bush) tuyên bố chính thức trong vài ngày tới.

Tuy nhiên Bộ trưởng quốc phòng Anh bác bỏ ý kiến của người đồng nhiệm Mỹ, và bình luận rằng ông Rumsfeld chỉ muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của bản nghị quyết thứ hai đối với London mà thôi.

Sau khi nhận cú điện thoại khẩn từ quốc đảo, Bộ trưởng Rumsfeld phát đi một văn bản nói rằng ông vẫn tin tưởng chắc chắn vào sự đóng góp quân sự đáng kể của Anh.

Một quyết định tiến hành chiến tranh một mình của Mỹ sẽ là cái tát đối với Thủ tướng Blair, người đang đối mặt với một cuộc "nổi dậy" của các nghị sĩ Công đảng phản đối lập trường diều hâu của chính phủ trong vấn đề Iraq.

Các nghị sĩ Công đảng Anh phản đối chiến tranh hôm nay đã tìm cách gây thêm sức ép với thủ tướng Tony Blair. "Họ (Mỹ) có thể làm điều đó không cần đến chúng tôi, và giúp ông Tony Blair cơ hội thoát khỏi hố sâu nếu như ông ta muốn", Graham Allen, một nghị sĩ Công đảng phản đối chiến tranh, tuyên bố.

Tại quốc đảo sương mù, nhiều nhà lập pháp thuộc Công đảng cầm quyền khẳng định rằng một nghị quyết thứ hai là điều cần thiết. Tuần trước, thành viên nội các Clare Short đã tuyên bố sẽ từ chức nếu Anh tham chiến mà không có sự cho phép của HĐBA.
 
Cựu tư lệnh quân đội Indonesia ở Đông Timor vào tù

Tòa án Jakarta hôm nay tuyên án 5 năm tù đối với thiếu tướng Noer Muis, vì không ngăn chặn 2 cuộc tấn công đẫm máu nhằm vào dân thường thời kỳ Đông Timor tách khỏi Indonesia năm 1999. Đây là quan chức Indonesia cao cấp nhất bị kết án.

Thẩm phán Adriani Nurdin nói tại toà án nhân quyền: “Bị cáo không giết ai, nhưng không ngăn chặn và chấm dứt các vụ tấn công”. Tướng Muis bị cáo buộc cho phép du kích vào thị trấn Suai để tấn công một nhà thờ, làm 27 người thiệt mạng, hôm 6/9/1999. Cùng ngày, ông đã không có hành động nào khi 15 thường dân bị giết tại nhà riêng giám mục Thiên chúa La Mã Barlos Belo.

Muis vẫn được tự do chờ kháng án. Theo hệ thống pháp luật Indonesia, thì thời gian đó có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Ông này là nhân vật thứ 5 bị kết án trong số 18 người bị truy tố do liên quan đến tình trạng bạo lực ở Đông Timor.

Ít nhất 1.000 người thiệt mạng khi du kích thân Jakarta thực hiện những hành động bạo lực ở Đông Timor trước, trong và sau khi người dân sở tại bỏ phiếu quyết định tách khỏi Indonesia với tỷ lệ đa số áp đảo.
 
Chiều nay, Thủ tướng Zoran Djindjic đã bị bắn hai viên đạn cỡ lớn vào bụng và lưng, ngay bên ngoài toà nhà chính phủ ở thủ đô Belgrade. Sau đó ông tắt thở tại bệnh viện vì vết thương quá nặng. Cảnh sát đã bắt giữ hai kẻ ám sát sử dụng loại súng bắn tỉa tầm xa, ngay tại hiện trường.

Các bộ trưởng trong nội các Serbia đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp sau biến cố trên. Trong khi đó, cảnh sát Belgrade lập một hàng rào bao quanh tòa nhà chính phủ, đồng thời tiến hành phong tỏa trung tâm thành phố để kiểm tra xe cộ và hành khách.

Ông Zoran Djindjic, 50 tuổi, là nhà cải cách đóng vai trò chính trong cuộc đấu tranh dẫn đến sự sụp đổ của cựu tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic tháng 10/2000. Ông từng thoát chết trong một vụ việc khác xảy ra ngày 21/2 vừa qua, khi một chiếc xe tải đột ngột lao vào đoàn xe hộ tống của ông. Sau sự kiện này ông đã tuyên bố rằng, âm mưu sát hại ông chỉ là "một cố gắng vô ích", không thể ngăn cản được quá trình cải cách dân chủ đang diễn ra.

Thủ tướng Djindjic xấu số có rất nhiều kẻ thù bởi quan điểm cải cách của mình và thường bị phe đối lập chỉ trích là tập trung quá nhiều quyền lực, đối xử "tàn nhẫn" với các đối thủ chính trị.

Ông được coi là nhân vật nhiệt tình nhất trong việc bắt giữ và giao cựu tổng thống Slobodan Milosevic cho toà án quốc tế ở La Hague, Hà Lan tháng 6/2001. Do hành động này, ông Djindjic đã bị những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Serbia nguyền rủa. Trong số đó có cả cựu tổng thống, người đồng minh cũ của ông là Vojislav Kostunica (vừa mất chức Tổng thống Nam Tư khi nhà nước mới Serbia và Montenegro được thành lập).
 
Lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ, sáng nay, đã buộc phải bắn chỉ thiên cảnh cáo hơn 300 người biểu tình đang cố tràn vào cảng Iskenderun nằm gần Iraq. Những người biểu tình hô vang các khẩu hiệu: "đả đảo đế quốc Mỹ", "người Mỹ hãy cút về nước", "không được gây chiến"...

Phải đến khi cảnh sát có hành động mạnh tay, đám đông biểu tình (gồm phần lớn là thành viên của đảng Cộng sản Thổ Nhĩ Kỳ) mới chịu giải tán.

Hiện một số tàu của hải quân Mỹ đang đậu tại cảng Iskenderun để bốc dỡ các thiết bị quân sự. Đại sứ quán Mỹ tại Ankara tuyên bố, đây là số hàng nhằm giúp hiện đại hoá các cầu cảng và sân bay của nước chủ nhà. Tuy nhiên, một số nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi mở một cuộc điều tra để kiểm chứng sự chính xác của tuyên bố trên, vì họ nghi ngờ chúng là những thiết bị sẽ phục vụ cho cuộc chiến chống Iraq.

Hiện nay, Washington vẫn đang tìm mọi cách để thuyết phục Ankara cho phép họ triển khai hơn 60.000 bộ binh trên vùng đất giáp với Iraq. Tuy nhiên, quan điểm phản đối chiến tranh ở Thổ Nhĩ Kỳ đã ngày càng lan rộng khiến mục tiêu này của Mỹ trở lên khó khăn hơn
 
Sáng nay, một người đàn ông đột ngột xông vào văn phòng của Reuters ở Bắc Kinh và tuyên bố có mang theo một quả bom. Ông ta yêu cầu những người có mặt đứng im và đòi được xuất hiện trước ống kính truyền hình để nói về nạn tham nhũng trong chính phủ Trung Quốc.

Sau hai tiếng tạm giữ các nhân viên Reuters, người đàn ông nói trên đã cho phép tất cả ra ngoài một cách an toàn. Chỉ còn một mình ông ta trong phòng, bao vây xung quanh là hàng chục cảnh sát mang áo chống đạn, trong đó có một nhà thiện xạ. Toàn bộ người trong tòa tháp văn phòng Sunflower 25 tầng ở Bắc Kinh, nơi có cơ sở của Reuters trên tầng 6 đã được sơ tán. Kẻ dọa nổ bom đã bị cảnh sát bắt giữ.

Những nhân chứng cho biết, người đàn ông nói trên khoảng 30 tuổi, tự xưng là Fang Qinghui, một cựu công nhân ngành thép ở tỉnh Hắc Long Giang đã bị thất nghiệp 5 năm. Ông ta tuyên bố mục đích của việc mình làm là "vì công lý".

Sự việc diễn ra đúng vào thời điểm đang diễn ra Đại hội Nhân dân toàn quốc. Tháng trước, hai quả bom đã phát nổ tại khuôn viên Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa khiến 9 người bị thương
 
Hai trực thăng cảnh sát bị bắn hạ ở Mexico

Các tay súng bảo vệ một đồn điền anh túc gần Tapla, cách Mexico City khoảng 210 km về phía đông nam, đã bắn hạ hai phi cơ nói trên, khiến cả 5 người trên khoang thiệt mạng.

Vụ việc xảy ra hôm thứ hai cho thấy bạo lực liên quan đến ma túy đang lan rộng tại Mexico và chính phủ nước này bắt đầu quân sự hóa khu vực miền núi phía nam nước này.

Estuardo Bermudez, công tố viên chống ma tuý hàng đầu của Mexico, cho hay đã có 29 vụ tấn công tương tự trong vòng 2 năm qua, nhưng đây là lần đầu tiên phi cơ rơi và phi hành đoàn thiệt mạng.

Dù hầu hết số ma tuý đưa vào Mỹ là từ Colombia, lượng cây anh túc trồng ở Mexico tăng rất nhanh. Giới chức Mỹ nói rằng các cánh đồng thuốc phiện ở Mexico rất khó phát hiện vì thường được trồng ở vùng rừng rậm và núi cao.
 
Chủ tịch đảng cầm quyền Công lý và Phát triển Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm qua đã được đề cử vào vị trí đứng đầu nội các. Diễn biến này mở đường cho một cuộc bỏ phiếu lần 2 về việc cho hàng chục nghìn lính Mỹ triển khai trên lãnh thổ, chuẩn bị cho cuộc chiến chống Iraq.

Hôm 9/3, Erdogan giành thắng lợi trong cuộc bầu cử phụ, đạt được mục tiêu chính trị bấy lâu là trở thành thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống đã đề nghị ông này thành lập chính phủ sau khi Abdullah Gul, người giữ cương vị đứng đầu nội các kể từ khi đảng Công lý và Phát triển chiến thắng tháng 11 năm ngoái, từ chức. Ngay trước khi chính thức ra đi, Thủ tướng Gul khẳng định chính phủ mới sẽ xem xét đưa ra một lần nữa đề nghị đã bị bác bỏ.

Cuộc bỏ phiếu lần 2 sẽ diễn ra vài ngày sau khi nội các hình thành.

Việc binh lính Mỹ triển khai trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ là hết sức quan trọng với kế hoạch chiến tranh của Lầu Năm Góc, vì mặt trận phía bắc Iraq sẽ được mở. Quyết định này cũng mang tính sống còn với tương lai kinh tế của Ankara, vì nếu mở cửa cho Washington, họ sẽ nhận được khoản viện trợ nhiều tỷ USD.
 
Ankara trục xuất hai nhà báo Mỹ

Phóng viên ảnh Don Bartletti của tờ Los Angeles Times và Alan Weeks, nhà quay phim cho ABC News, đã bị bắt ngày 10/3 khi đang tìm cách vượt biên sang Iraq. Hôm qua, toà án nước sở tại đã phạt mỗi người 50 USD và yêu cầu họ rời Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 3 ngày.

Hãng ABC News và tờ Los Angeles Times đã xác nhận tin này. Rất nhiều phóng viên nước ngoài đang tìm cách thâm nhập biên giới phía bắc Iraq trước khi chiến sự xảy ra.
 
Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Jeremy Greenstock đã hé mở khả năng trên hôm qua. Tuy nhiên, Baghdad chỉ có thêm cơ hội giải giáp nếu chính quyền này vượt qua một số cuộc kiểm tra để xác định xem họ có thực sự hợp tác với các thanh sát viên vũ khí LHQ hay không.

Theo ông Greenstock, Hội đồng Bảo an đang xem xét việc tiến hành cuộc thử nghiệm này. “Chúng tôi vẫn chưa đạt được bất kỳ sự nhất trí nào, nhưng rõ ràng là có sự quan tâm đối với ý tưởng này”.

Tờ Guardian (Anh) cũng đưa tin về việc chính quyền London đã chuẩn bị sẵn hàng chục bài kiểm tra “đơn giản, ấn tượng và ngắn gọn” để Hội đồng cân nhắc và lựa chọn. Guardian thông tin rằng Anh đề nghị Iraq đưa các nhà khoa học ra nước ngoài phỏng vấn, phá huỷ vũ khí cấm và công bố các tài liệu giải thích rõ ràng điều gì đã xảy ra với các loại vũ khí.
 
“Pháp sẽ nói không với bản nghị quyết mà Mỹ, Anh và Tây Ban Nha trình lên Hội đồng Bảo an, theo đó mở đường cho cuộc chiến chống Iraq. Trung Quốc dường như cũng có quan điểm như vậy”, Tổng thống Pháp Jacques Chirac nhấn mạnh hôm qua.

Tuyên bố của Pháp, sẽ bằng mọi cách ngăn chặn chiến tranh, được đưa ra đúng ngày Ngoại trưởng Nga Igor Ivanov cho biết Matxcơva cũng sẽ dùng quyền phủ quyết.

Việc hai nước thường trực trong HĐBA công khai khẳng định sẽ dùng quyền phủ quyết đã khiến nỗ lực lôi kéo các thành viên không thường trực trong HĐBA của Washington, London và Madrid đổ xuống sông xuống bể. Bởi lẽ, dù nghị quyết mới được đệ trình có nhận được sự ủng hộ cần thiết từ 9 trong số 15 thành viên Hội đồng, chỉ một phiếu phủ quyết cũng đã làm cho đề xuất chiến tranh trở nên vô tác dụng.

Tổng thống Mỹ George W. Bush từng nhấn mạnh rằng ông sẵn sàng dùng hành động quân sự với Baghdad, dù Liên Hợp Quốc không cho phép. Tuy nhiên, gây chiến mà không được sự chấp thuận của HĐBA sẽ là một “thảm hoạ chính trị” đối với các quốc gia tuyên bố sẽ cùng Mỹ chiến đấu giải giáp Iraq.

Chính phủ Australia, Anh và Tây Ban Nha, các nước có tiếng nói hậu thuẫn mạnh mẽ nhất, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề vì dân chúng các quốc gia này kịch liệt phản đối một cuộc chiến không được sự cho phép của HĐBA.
 
Do đối mặt với sự phản đối kịch liệt của một số thành viên trong HĐBA, Anh, Mỹ và Tây Ban Nha - 3 nước soạn ra dự thảo nghị quyết cho phép phát động chiến tranh - đã đưa ra quyết định trên và nói rằng họ vẫn đang chờ thỏa hiệp.

Hôm qua, người phát ngôn Nhà Trắng Ari Fleischer nói rằng Washington vẫn để ngỏ khả năng thay đổi ngôn từ hoặc thời hạn cuối (ngày 17/3) trong bản dự thảo đó, đồng thời cho hay việc bỏ phiếu có thể sẽ được tiến hành trong tuần này.

Cùng ngày, Paris và Matxcơva khẳng định sẽ dùng quyền phủ quyết đối với dự thảo nghị quyết mà Anh, Mỹ ủng hộ. Tổng thống Pháp Jacques Chirac cho biết Paris sẽ phủ quyết bất cứ nghị quyết nào đề cập đến tối hậu thư mà có thể dẫn đến chiến tranh. Đây là lần đầu tiên Chirac nói thẳng thắn về việc dùng quyền phủ quyết.

Ngoại trưởng Nga Igor Ivanov khẳng định rằng không cần thêm bất cứ nghị quyết nào về vấn đề Iraq nữa và Nga sẽ dùng quyền phủ quyết đối với dự thảo mà Anh, Mỹ đưa ra.

Đại sứ Pakistan tại LHQ Munir Akram đề xuất rằng Baghdad nên có thêm ít nhất một tháng nữa để hoàn thành việc giải giáp, song giới chức Mỹ không nhất trí với quan điểm đó.

Chính quyền Bush lại phải đương đầu với thách thức mới khi Thủ tướng Pakistan Zafarullah Khan Jamali nói rằng ông sẽ không ủng hộ chiến tranh chống Iraq.

Pakistan, Chile, Mexico, Angola, Cameroon và Guinea là 6 nước chưa quyết định về việc ủng hộ dự thảo nghị quyết nêu trên hay không và hiện là trọng tâm trong chiến dịch vận động của phe chủ hoà và chủ chiến.
 
LHQ rút quan sát viên khỏi biên giới Iraq - Kuwait

Hôm qua, một số binh sĩ thuộc Phái đoàn Giám sát Iraq - Kuwait (Unikom) đã nhận được lệnh trở về căn cứ tại Umm Qasr, trong lòng Iraq, để bảo toàn tính mạng. Ngoài ra, hai nhân viên Unikom đang làm việc tại Baghdad cũng phải thực hiện hành động tương tự.

Theo nghị quyết 687 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Unikom được thành lập để giám sát 240 km đường biên giới chung giữa Iraq và Kuwait sau chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Nhiệm vụ của phái đoàn này là ngăn chặn việc xâm nhập vào khu vực phi quân sự trên biên giới hai nước.

Thứ bảy tuần trước, Unikom đã nâng mức báo động lên cấp 3 giữa lúc Mỹ vẫn đang gấp rút mở chiến dịch chống Iraq. Một ngày trước đó, quan chức Liên Hợp Quốc cho biết đã phát hiện thấy các lỗ hổng trên hàng rào điện phân chia Iraq - Kuwait.

Thống kê mới đây cho thấy, Unikom có 1.103 nhân viên, trong đó có 198 nhà quan sát quân sự và 905 binh sĩ.
 
Đây là biện pháp phòng vệ mà lực lượng an ninh Do Thái buộc phải tiến hành, sau khi nhóm chiến binh Hồi giáo Hamas tuyên bố mọi thành viên trong nội các của chính quyền Tel Aviv đều nằm trong tầm ngắm và sẽ bị hạ thủ bất cứ lúc nào.

Hamas lên tiếng đe dọa sau khi một người sáng lập của tổ chức này là Ibrahim Makadmeh bị lính Israel giết chết trong một vụ tấn công bằng tên lửa ở Dải Gaza hồi cuối tuần qua.

Mahmoud Zahar, lãnh đạo nhóm Hamas, cảnh báo hôm chủ nhật: “Israel đã mở cánh cửa bạo lực. Các nhà chính trị Do Thái sẽ bị ngắm bắn”.

Tibi Rabinovich, một trợ lý của Bộ trưởng Nội vụ Avraham Poraz, cho hay Bộ Quốc phòng đã cử hai vệ sĩ tới bảo vệ Poraz. Rabinovich nói: “Do mối đe doạ đó mà ông Poraz đã được tăng cường thêm hai người bảo vệ. Một người luôn túc trực khi ông đi bất cứ đâu. Người còn lại chỉ làm nhiệm vụ khi ông ở nhà”.

Israel rất quan ngại trước những lời hăm dọa như vậy kể từ khi Bộ trưởng Du lịch Rehavam Zeevi bị nhóm Mặt trận Giải phóng Bình dân Palestine ám sát tháng 10/2001, nhằm trả thù cho vụ lãnh đạo tổ chức này bị quân đội Israel giết chết.

An ninh cũng được tăng cường tại thành phố Kochav Yair, gần khu Bờ Tây, nơi có một số quan chức cao cấp sinh sống, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Shaul Mofaz.
 
Tối qua, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã nhận được một cú điện thoại của Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder. Hai bên đã dành trọn cuộc nói chuyện này để bàn thảo về cuộc khủng hoảng tại Iraq hiện nay.

Thủ tướng Schroeder đề cập tới bản báo cáo của hai đoàn thanh sát vũ khí Liên Hợp Quốc tại Iraq và nhấn mạnh những kết quả khả quan đã đạt được, cũng như thái độ hợp tác tích cực của Baghdad. Ông tin rằng công tác thanh sát sẽ được tiếp tục.
 
Về phần Chủ tịch Giang Trạch Dân, ông khẳng định sự chú ý sát sao của mình tới tình hình Iraq trong vài ngày qua, đặc biệt là cuộc họp của Hội đồng Bảo an hôm 7/3. Ông Giang nhấn mạnh rằng, phần lớn các nước trên thế giới đều kêu gọi một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Iraq. Ông cam kết sẽ giữ liên lạc thường xuyên với nhà lãnh đạo Đức trong thời điểm quan trọng này.

Hiện Đức và Trung Quốc đều đứng về phía Pháp và Nga, có cùng quan điểm phản đối bản nghị quyết cho quyền sử dụng vũ lực đối với Iraq mà Mỹ và Anh đang vận động.

Hôm 10/3, ông Giang cũng có các cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ George Bush và Thủ tướng Anh Tony Blair. Tất nhiên, hai nhà lãnh đạo Anh và Mỹ đã nhân cơ hội này để thuyết phục vị nguyên thủ Trung Quốc xung quanh bản dự thảo nghị quyết thứ hai về Iraq mà họ hậu thuẫn.
 
Sau vụ Bình Nhưỡng bắn tên lửa tầm ngắn, phát ngôn viên Nhà Trắng Ari Fleischer phát biểu rằng, không giống như vấn đề Iraq, thời gian tìm kiếm một giải pháp ngoại giao về CHDCND Triều Tiên vẫn chưa cạn. Phản ứng của chính quyền Seoul cũng khá ôn hòa.

“Nước Mỹ coi vụ thử chỉ là một vấn đề ngoại giao, mà đã là vấn đề ngoại giao thì cần phải có thời gian để giải quyết. Tổng thống (Bush) sẽ tiếp tục mọi nỗ lực tìm kiếm giải pháp”, Fleischer nói.

Tổng thống Bush không có vẻ gì là mất kiên nhẫn với hành động của Bình Nhưỡng, và vẫn tiếp tục tham vấn lãnh đạo các nước Nhật Bản và Trung Quốc về một giải pháp hoà bình, nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng liên quan tới chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Theo một số chuyên gia, sở dĩ Washington có vẻ “ung dung” như vậy là vì họ không muốn làm to chuyện, trong khi chiến dịch chuẩn bị tấn công quân sự Iraq đang trong thời gian gấp rút.

Trong khi đó, ở miền nam bán đảo Triều Tiên, chính phủ Hàn Quốc ra thông cáo như mọi khi: “Chúng tôi lấy làm tiếc rằng mọi hành động làm căng thẳng tình hình của CHDCND Triều Tiên có thể sẽ ảnh hưởng tới hoà bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi muốn Bình Nhưỡng đối thoại và giải quyết vấn đề hạt nhân”.
 
Sau vụ Bình Nhưỡng bắn tên lửa tầm ngắn, phát ngôn viên Nhà Trắng Ari Fleischer phát biểu rằng, không giống như vấn đề Iraq, thời gian tìm kiếm một giải pháp ngoại giao về CHDCND Triều Tiên vẫn chưa cạn. Phản ứng của chính quyền Seoul cũng khá ôn hòa.

“Nước Mỹ coi vụ thử chỉ là một vấn đề ngoại giao, mà đã là vấn đề ngoại giao thì cần phải có thời gian để giải quyết. Tổng thống (Bush) sẽ tiếp tục mọi nỗ lực tìm kiếm giải pháp”, Fleischer nói.

Tổng thống Bush không có vẻ gì là mất kiên nhẫn với hành động của Bình Nhưỡng, và vẫn tiếp tục tham vấn lãnh đạo các nước Nhật Bản và Trung Quốc về một giải pháp hoà bình, nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng liên quan tới chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Theo một số chuyên gia, sở dĩ Washington có vẻ “ung dung” như vậy là vì họ không muốn làm to chuyện, trong khi chiến dịch chuẩn bị tấn công quân sự Iraq đang trong thời gian gấp rút.

Trong khi đó, ở miền nam bán đảo Triều Tiên, chính phủ Hàn Quốc ra thông cáo như mọi khi: “Chúng tôi lấy làm tiếc rằng mọi hành động làm căng thẳng tình hình của CHDCND Triều Tiên có thể sẽ ảnh hưởng tới hoà bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi muốn Bình Nhưỡng đối thoại và giải quyết vấn đề hạt nhân”.
 
Trong phiên họp ở Ramallah hôm qua, với tỷ lệ 73 phiếu thuận, 1 phiếu chống, các nghị sĩ Palestine đã chấp nhận chức thủ tướng với quyền hạn giải quyết các vấn đề trong nước, trong đó có chỉ định và giám sát các bộ trưởng.

Còn Chủ tịch Arafat có quyền chỉ định và cách chức người đứng đầu nội các. Ông vẫn kiểm soát an ninh và các cuộc hội đàm hoà bình.

Nếu nhà lãnh đạo Palestine thông qua, thì quyết định của cơ quan lập pháp nói trên sẽ trở thành luật. Nếu không, các nghị sĩ sẽ phải bỏ phiếu một lần nữa. Sau đó, Chủ tịch Arafat sẽ chính thức đề cử ông Mahmoud Abbas, người sẽ thành lập nội các. Cơ quan lập pháp dự kiến thông qua thủ tướng và chính phủ mới trong những ngày tới.

Điều này có nghĩa cuộc cải cách của Palestine không đạt được mức giảm bớt quyền của Chủ tịch Yasser Arafat như Washington và Tel Aviv mong muốn. Tuy nhiên, việc chỉ định ông Mahmoud Abbas, một nhân vật ôn hoà chống xung đột vũ trang với Israel, làm người ta hy vọng tình trạng bạo lực suốt 29 tháng qua sẽ giảm bớt.

Ngoại trưởng Israel Silvan Shalom cho rằng phải cho Abbas cơ hội chấm dứt bạo lực và kích động chống người Do Thái. Ông nói: “Vấn đề là liệu thủ tướng có thực quyền hay không”. Nghị sĩ Palestine Ziad Abu Zayyad thì khẳng định quyền của Abbas phụ thuộc vào Israel. Tel Aviv nên hủy bỏ hạn chế đi lại với người Palestine và đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết trước khi tiếp tục đóng vai trò trung gian trong tiến trình hoà bình, chính quyền Bush muốn đảm bảo rằng thủ tướng Palestine sẽ phụ trách về an ninh và kiến tạo hoà bình. Đại sứ Mỹ tại Israel Daniel Kurtzerr cho biết Washington tin thủ tướng Palestine sẽ được trao quyền để tiến tới hoà bình, tránh bạo lực và khủng bố. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Richard Boucher nói: “Chúng tôi chờ một thủ tướng Palestine có quyền và có trách nhiệm để có thể hợp tác. Washington mong hai bên có những hành động đúng”.

Trong khi đó, bạo lực vẫn tiếp diễn. Một người Do Thái thiệt mạng và 3 người khác bị thương trong vụ đọ súng với du kích Palestine ở thành phố Bờ Tây Hebron, đêm qua. 20 xe tăng Israel tiến vào làng Karara trên Dải Gaza. Hầu hết các cuộc xâm nhập đều diễn ra vào ban đêm.

Cuộc hội đàm về giải pháp hoà bình cuối cùng đã đổ vỡ cách đây 2 năm. Kể từ khi bạo lực bùng phát tháng 9/2000, 2.193 người Palestine và 747 người Do Thái thiệt mạng.
 
Trong khi vẫn mô tả Iraq vi phạm các yêu cầu của cộng đồng quốc tế về giải giáp, chính quyền Bush hôm qua tỏ ý sẵn sàng sửa đổi nội dung dự thảo nghị quyết cho phép sử dụng vũ lực, vốn đang vấp phải nhiều trục trặc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Richard Boucher khẳng định: "Rõ ràng, chúng tôi luôn lắng nghe khi nói chuyện với các chính phủ khác, và chúng tôi sẽ tìm ra phương cách thoát khỏi tình trạng hiện nay. Vào thời điểm này, tôi không muốn dự đoán gì cả”.

Đưa ra bằng chứng mới để buộc tội Tổng thống Saddam Hussein lừa dối, Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell đề cập đến việc Baghdad phát triển máy bay không người lái và bom chùm, đều có khả năng rải vũ khí hoá học. Ông cảnh báo thế giới nên quan tâm đến vấn đề này.

Trong khi đó, Nhà Trắng vẫn đẩy mạnh chiến dịch ngoại giao để giành được ít nhất 9 phiếu thông qua dự thảo nghị quyết, tránh thất bại tại Liên Hợp Quốc. Phát biểu sau bữa tiệc trưa với Powell, Ngoại trưởng Guinea Francois Fall cho biết đất nước châu Phi này cùng các ủy viên Hội đồng Bảo an khác đang tham vấn nhau để tìm kiếm một thỏa hiệp. Ngoài ra, ông Powell còn hội đàm với Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf, Tổng thống Angola Jose Eduardo dos Santos, Ngoại trưởng Mexico Luis Ernesto Derbez, Ngoại trưởng Anh Jack Straw và Ngoại trưởng Tây Ban Nha Ana Palacio.

Tổng thống Bush thì điện đàm với 8 nhà lãnh đạo thế giới, gồm Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki, Quốc vương Oman Qaboos, Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Maria Aznar, Chủ tịch đảng cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Senegal Abdoulaye Wade và Tổng thống Nigeria Olusegun Obasanjo. Đây là lần sử dụng điện thoại nhiều nhất của người đứng đầu Nhà Trắng kể từ tháng 10/2001, khi ông vận động sự ủng hộ cho chiến dịch quân sự chống Taliban ở Afghanistan.

Tuy nhiên, sự phản đối của Nga, Pháp vẫn là trở ngại lớn cho bản dự thảo nghị quyết mà Mỹ, Anh và Tây Ban Nha cùng đưa ra.

Tại Iraq, máy bay Anh, Mỹ đã thả 240.000 truyền đơn gần khẩu đội pháo phòng không, cảnh báo “không được theo dõi hay bắn máy bay liên quân”. Mặt bên kia của tờ giấy ghi rõ “bất kỳ hành động thù địch nào của hệ thống phòng không Iraq với máy bay liên quân sẽ bị trả đũa ngay lập tức”.
 
Thủ tướng Pakistan Zafarullah Jamali, hôm qua, đã tuyên bố trước quốc hội rằng, chính phủ nước này không ủng hộ bất cứ hành động nào có thể gây hại cho những người dân ở một quốc gia Hồi giáo. Đây được coi là quan điểm rõ ràng đầu tiên của Islamabad về cuộc chiến tranh Iraq mà Mỹ đang ra sức vận động.

Tuy nhiên, với tư cách là một trong 10 thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, Pakistan không nói rõ họ phản đối hay bỏ phiếu trắng cho bản dự thảo nghị quyết do Mỹ và Anh hậu thuẫn.

Thủ tướng Jamali tuyên bố: “Pakistan sẽ không tham gia vào bất cứ hành động xâm lược Iraq nào. Phải cho hòa bình một cơ hội và tính đến tất cả những giải pháp có thể dẫn tới việc giải quyết khủng hoảng một cách yên bình”. Ông Jamali dự kiến sẽ có chuyến viếng thăm nước Mỹ vào cuối tháng này.

Hiện chưa rõ Washington sẽ phản ứng như thế nào trước thái độ không ủng hộ chiến tranh của Islamabad. Nhưng có một điều chắc chắn là uy tín trong nước của Thủ tướng Zafarullah Jamali sẽ tăng cao sau bản tuyên bố nói trên. Đa số người dân Pakistan đều có thái độ đứng về phía người dân Iraq. Hôm chủ nhật vừa rồi, hàng chục nghìn người dân ở thành phố Rawalpindi đã xuống đường tuần hành vì hòa bình. Họ chỉ trích Tổng thống Musharraf vì đã không phản đối hành động quân sự chống Baghdad một cách công khai.
 
Tình trạng
Không mở trả lời sau này.
Back
Bên trên