Chẳng gửi cho ai cả, chỉ muốn ghi lại những cảm xúc của mình...
Một khoảng lặng…
Chúng tôi đang học tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân. Một tác phẩm hay, có thể nói vậy. Bao trùm lên tác phẩm là nạn đói năm 1945, nạn đói đã hủy hoại con người đến cùng cực. Nhưng đó thật ra cũng không phải mối quan tâm lớn nhất của tôi. Học tác phẩm, nghe thầy nói, đôi lúc tôi muốn khóc.
Người vợ nhặt trong truyện là một cô gái bình thường như bao cô gái khác. Cái đói đã khiến cho cô trở thành một con người với vẻ ngoài tàn tệ. Và cô chấp nhận trở thành vợ nhặt của một chàng trai gần như xa lạ chỉ với một bữa ăn. Nghe thật rẻ mạt, nhưng tôi cho rằng trong hoàn cảnh như thế, bữa ăn ấy đáng giá bằng cả một gia tài bây giờ. Tôi nhớ, thầy có hỏi rằng chúng tôi có cảm thấy khinh người đàn bà ấy không. Tôi ngạc nhiên. Không bao giờ. Tại sao lại phải khinh bỉ người khác khi mà người ta chẳng làm điều gì trái luật pháp (ồ mà hồi ấy luật pháp là cái gì chứ?). Chẳng có gì sai khi cô muốn cứu mạng sống của chính cô. Chẳng có gì lạ khi trong hoàn cảnh ấy, cô cần một điểm tựa. Tôi đồng tình với cô. Tôi đặt mình vào vị trí của cô, và tôi biết tôi sẽ hành động giống cô. Chắc chắn là như vậy. Sau đó, tôi cứ nghĩ mãi. Bây giờ cái chuyện “vợ nhặt” như thế chắc gì đã hết. Có điều, nó biến thái đi mà thôi. Người nhặt vợ bây giờ chắc thường là những đại gia xấu xí già khú, mong tìm được một cô gái trẻ chân dài nào đó. Điều này bây giờ đang trở thành mode đến nỗi báo chí đăng ầm ầm, chẳng ngày nào tôi không đọc thấy. Xã hội bây giờ so với xã hội hồi trước cũng chẳng tốt đẹp hơn gì, nếu không nói là còn tồi tệ hơn. Mà tôi cũng chẳng mong nó sẽ tốt đẹp hơn. Bởi vì tôi biết là nó sẽ không thể tốt đẹp hơn. Con người đã làm cho xã hội văn minh hơn, thế thì họ phải chấp nhận mất đi một cái gì đó. Cái gì đó ở đây mà tôi muốn đề cập đến là khía cạnh đạo đức. Đạo đức đã trở thành một thứ xa xỉ đối với xã hội hiện đại. Một khi xã hội này còn phát triển, đạo đức rồi sẽ còn bị xuống cấp nữa. Nhìn đất Mỹ đi. Chẳng phải đó là đất nước phát triển nhất hay sao? Đời sống vật chất của con người được cải thiện, nhưng bản thân những con người ấy liệu có tốt đẹp hơn được không? Mỗi ngày có đến hàng triệu băng sex được tung ra, hàng triệu con người biết đến thứ sex bẩn thỉu. Tôi sợ. Đất nước từng là đích nhắm của tôi, nhưng giờ thì không. Tôi sợ rằng nếu có con, tôi không thể bảo vệ con tôi an toàn khỏi cơn bão của tình dục, của rượu, của ma túy, của những sàn nhảy thâu đêm suốt sáng. Chính tôi cũng muốn là một phần trong cuộc sống thác loạn ấy. Sống đi, cứ sống đi, tận hưởng hết tất cả những thú vui trên đời này đi. Tôi nhớ rằng, bạn tôi đã từng ví tôi như dòng nham thạch chảy ngầm trong đất. Phải, tôi đúng là như thế. Tôi bên ngoài giống như bất cứ đứa con gái nào, nhưng tâm hồn tôi đang có một dòng thác cuồn cuộn chảy. Dòng thác ấy muốn cuốn phăng tất cả những thứ được gọi là công, dung, ngôn, hạnh của người con gái Việt. Tôi muốn đi chơi với bạn bè thâu đêm, tôi muốn ăn mặc hở hang, tôi muốn săm mình kinh khủng, muốn đính một hạt kim cương nhỏ ở đuôi mắt, muốn xỏ khuyên rốn. Tôi không ngại “cho đi" nếu tôi thực sự yêu một ai đó. Tôi không phải thứ con gái hư hỏng, lang chạ, tôi có thể chắc chắn như thế. Tôi chỉ đơn giản muốn sống hết mình, muốn yêu hết mình. Tôi tự yên tâm vì vốn hiểu biết về sex an toàn của tôi. Đã qua rồi cái thời con gái cứ phải cửa đóng then cài trước mọi mối quan hệ. Tôi không muốn mình lúc nào cũng ru rú ngoan ngoãn như mọi người con gái khác. Nhạt nhẽo quá, vô vị quá. Sống bình yên như thế để mà làm gì? Ai cũng như ai, học cấp 1, cấp 2, rồi cấp 3, rồi đại học, rồi đi làm, rồi xây dựng gia đình, rồi sinh con, và bị cuốn vào cái vòng tròn chẳng khi nào thoát ra được. Tôi cảm thấy tôi cũng tầm thường như họ nếu như sống hệt như thế. Đó cũng là một phần lý do tại sao tôi không muốn kết hôn. Tôi chỉ muốn có con thôi, một đứa con của chính tôi. Tôi muốn sống tự lập, muốn có một công việc mơ ước của nhiều người, muốn được mọi người nể trọng. Đôi lúc tôi cảm thấy sợ sự cô đơn. Ồ mà đó cũng chẳng phải điều quan trọng. Khi tôi đã có tất cả, có con xinh, có nhà đẹp, có tiền, có công việc ổn định, tôi có thể tự do mà chọn cho mình một người đàn ông. Nhưng liệu có kịp không? Tôi có thể hoàn thành tất cả những việc đó mà vẫn giữ được tuổi trẻ không? Chỉ sợ rằng khi tôi đã có tất cả thì tôi đã già, và khó mà tìm được một điểm tựa nữa rồi. Chao ôi, tại sao người ta chẳng bao giờ đạt được tất cả những gì mình mong muốn? Cuộc sống thật khó khăn. Tôi ghét thế này.
Một nỗi sợ nữa của tôi. Tôi không bao giờ muốn mọi người ghét tôi. Một mặt, tôi muốn sống khác những người xung quanh tôi, mặt khác, tôi lại không muốn họ nhìn tôi như một người lập dị. Thật phiền hà khi phải sống trong một xã hội mà người ta để ý, soi mói đến từng chân tơ kẽ tóc vào chuyện riêng của người khác. Chỉ một tai nạn xảy ra là xung quanh người ta bu lại xem, thật rẻ tiền kinh khủng. Mà thậm chí chẳng ai có ý định can ngăn một đám đánh nhau, chẳng ai có ý định gọi cấp cứu, người ta cứ đứng đấy xem thôi. Tôi không hiểu nổi. Tôi từng sống ở nước ngoài và tôi biết người ta không bao giờ soi mói vẻ ngoài của người khác, nhưng lại luôn sẵn sàng can ngăn một vụ ẩu đả hoặc gọi cấp cứu ngay khi thấy ai đó ngất xỉu. Tôi chẳng bao giờ thuộc về nơi này. Từ trong thâm tâm, tôi biết mình khác với tất cả những người xung quanh tôi. Tôi muốn đi thật xa nơi này, nơi mà người ta không dị nghị những người phụ nữ có con không chồng chẳng hạn, hoặc nơi mà người ta không bàn tán về những người có vẻ ngoài kỳ cục. Ở những nơi như vậy, tôi cảm thấy thanh thản. Bố mẹ tôi sẽ nghĩ gì về đứa con gái nổi loạn mà họ có đây? Nghĩ đến chuyện đó làm tôi thấy buồn cười quá. Một phần cũng thấy lo nữa. Mẹ tôi là người theo trường phái bảo thủ. Mẹ lúc nào cũng “mọi người” bảo thế này, mọi người nói thế kia, rồi con gái phải thế này thế nọ. Tôi chẳng cần. Tôi muốn sống theo cách của tôi, tôi biết đâu là giới hạn, tôi chẳng làm điều gì bất hợp pháp, tại sao cứ phải thắt nút tôi trong một đống những quy tắc cơ chứ? Tôi chỉ cần được yên. Còn bố tôi thì dường như mỉa mai trước tất cả những ý tưởng điên rồ của tôi. Cũng phải thôi, những ý tưởng đó điên rồ mà. Nhưng tôi cảm thấy bị xúc phạm khi bị phản ứng với thái độ như vậy. Tôi có cảm giác như giá trị của mình bị hạ thấp. Tôi cứ phải tự hứa đi hứa lại với mình rằng sẽ không bao giờ làm như vậy với con tôi sau này. Chẳng biết rồi tôi có thực hiện được lời hứa ấy không nữa.
Tôi không biết tại sao mình lại hay nghĩ vớ vẩn thế này. Không hiểu những người khác có bao giờ điên rồ như tôi không. Đôi khi, tự dưng tôi sợ mọi người rời bỏ tôi. Hôm nay tôi ngồi đây, bình yên và thanh thản, bố mẹ tôi vẫn còn sống, vẫn hiện hữu. Nhưng con người rồi ai cũng phải chết. Tôi không thể không nghĩ đến giây phút kinh hoàng ấy. Tôi vẫn còn như nghe thấy tiếng khóc của mẹ tôi, tiếng khóc dai dẳng đến giờ vẫn còn ám ảnh tôi khi bà mất. Sẽ như thế nào nếu như tôi ở trong vị trí của mẹ tôi, còn chính bố mẹ tôi lại… Tôi không dám nói tiếp nữa. Tôi sợ lắm. Tôi không nói cho ai cả, bởi vì người ta sẽ nghĩ tôi bị điên. Thật đấy. Sẽ đến một ngày mà tôi chẳng còn ai dẫn dắt, tôi phải dựa vào chính tôi mà sống. Nghĩ đến lúc ấy, tôi lại muốn sống khác đi, sống tốt hơn, muốn bộc lộ tình cảm của mình. Nhưng ý nghĩ thì tốt đẹp mà sao thực hiện thì lại khó như vậy. Nhìn những người thân trong gia đình, tôi muốn mở miệng nói với họ một câu nói yêu thương, nhưng tôi không thể. Tại sao lại như vậy? Lúc nào tôi cũng cảm thấy bộc lộ tình cảm của mình cũng đồng nghĩa với việc bộc lộ sự yếu đuối. Tôi yêu mẹ tôi, yêu bố tôi, yêu em trai tôi. Nhưng những gì họ nhận được từ tôi là một thái độ lãnh đạm, thờ ơ, một khuôn mặt lạnh lùng. Thật tình tôi đâu có muốn thế. Tôi cảm thấy vô cùng khổ sở. Bố mẹ tôi không hiểu tại sao tôi cứ như một người dưng trong nhà vậy. Nhìn họ như vậy, tôi cũng đau không kém. Tôi tự xỉ vả mình, tại sao lại đối xử lạnh lùng như vậy. Nhưng tôi là thế. Nhiều khi tôi ghen tỵ với em trai tôi. Nó rất hòa đồng, không ngại an ủi người khác, sống tình cảm vô cùng. Tôi muốn sống như nó lắm mà không được. Có những giây phút đột ngột tôi muốn ôm lấy bố, ôm lấy mẹ, hoặc ôm lấy em trai tôi. Thế nhưng tôi đã bỏ qua những khoảng lặng ấy, nhìn nó trôi qua mà chẳng làm gì. Con người tôi vô cùng phức tạp đến nỗi tôi chẳng thể hiểu nổi chính mình. “Sẽ chẳng bao giờ con tìm được hạnh phúc nếu con không mở lòng ra với mọi người” – câu nói của bố mẹ mà tôi đã thuộc nằm lòng. Tôi muốn thay đổi, nhưng cái lý trí chết tiệt trong tôi thì không đồng ý. Mọi người đã quá quen với một tôi cứng rắn, và tôi không muốn thay đổi cái suy nghĩ ấy của họ. Họ sẽ cười vào mũi tôi. Thế là tôi càng yêu thương ai, tôi càng tỏ ra xa lánh họ, không chỉ với người trong nhà mà với cả người tôi thích. Tôi sẽ chỉ làm khổ người ấy, đúng không? Một đứa có nội tâm quá phức tạp như tôi chỉ làm cho người ấy điên đầu và chán nản. Tôi chỉ gây ra đau khổ và sự không may cho những người tôi yêu. Chẳng phải bà ngoại, người gần gũi tôi nhất đã ra đi đầu tiên đó sao? Còn ông bà nội với ông ngoại, tôi chẳng gần gũi ai. Bố mẹ thì lúc nào cũng phải lo lắng cho tôi. Tôi chứng kiến những giọt nước mắt của bố, của mẹ nhỏ xuống vì tôi, mà cảm thấy đau thắt trong lòng. Tôi không biết khi người ta cảm thấy đau đến tột cùng thì sẽ như thế nào. Còn tôi, tôi khóc. Khóc, nhưng không phải là cảm thấy trống rỗng như nhiều người thường cảm thấy, mà là một cảm giác quặn thắt ở trong tim, đau lắm. Sau đó tôi cảm thấy khó thở. Lúc ấy tôi chỉ muốn vứt bỏ hết những gì đã khiến cho tôi khóc, nhưng không thể được, nó cứ bám lấy trí óc tôi, và tôi không thể quên đi. Tôi chẳng có ai ở bên cả. Tôi có bạn, có thể nói là thân, nhưng chẳng bao giờ tôi tâm sự với họ về những chuyện như thế này. Khi khóc, tôi chỉ muốn ôm chặt một ai đó, tôi mong có một bờ vai để tựa vào, hay một người sẵn sàng lắng nghe tâm tư của tôi. Nhưng không có ai. Một mặt, tôi không muốn ai biết tôi yếu đuối, mặt khác, tôi lại muốn thể hiện chính cái mặt yếu đuối ấy ra với một ai đó vô cùng. Tôi luôn luôn mâu thuẫn như vậy. Trên lớp, tôi lúc nào cũng kiểm soát được chính mình. Tôi cười đùa với bọn bạn, tôi sẵn sàng ngồi cả giờ để nghe một ai đó tâm sự, thậm chí tôi cũng nói nhiều kinh khủng, nói toàn chuyện trên trời dưới bể, và mọi người cũng sẵn sàng nghe tôi nói đấy chứ. Nhưng nghĩ lại, lúc ấy tôi thấy mình như cái máy, cứ đùa vui mà chẳng biết tại sao mình lại đùa vui. Và tôi cảm thấy mình giả dối. Tôi buồn. Đi lang thang đạp xe ngoài đường là cách duy nhất để tôi quên đi tất cả. Bắt gặp một khuôn mặt tươi tắn, một ánh mắt rạng ngời, một đôi nam nữ ôm nhau, tôi cảm thấy vui cho họ và cảm thấy mình cũng hạnh phúc hơn. Nhưng rồi tôi lại cảm thấy nghi ngờ. Liệu có thực sự họ thấy như thế không, hay ẩn sau những khuôn mặt vui vẻ ấy cũng là một tâm hồn đầy những cảm xúc tiêu cực như tôi? Mà chắc cũng chỉ mình tôi tự làm khổ mình thế này. Chúa ơi, cứ như vậy thì làm sao tôi tìm được hạnh phúc đây? Ồ mà tôi đã bao giờ có hạnh phúc chưa nhỉ? Hạnh phúc là cái gì? Nếu như hạnh phúc là được sống trong một gia đình đầm ấm, được ăn một bữa cơm có đủ mặt bố mẹ, em trai tôi, nếu như hạnh phúc là tìm được một ai đó đồng cảm, nếu như hạnh phúc là được ôm chặt một ai đó thì có thể nói rằng tôi chưa bao giờ có hạnh phúc. Tôi khao khát một bữa cơm gia đình lắm. Điều ấy đơn giản vô cùng, và cũng nhiều người có được đến nỗi người ta cũng chẳng để ý đến nữa. Cũng giống như điện vậy. Khi có thì chẳng ai để ý, nhưng mất điện thì coi như mọi hoạt động đình trệ luôn. Tôi nhớ đến đối vợ chồng trẻ trong truyện. Hạnh phúc của họ sao mà ngọt ngào quá. Tuổi thơ trong tôi cũng gần như bình thường giống mọi đứa trẻ khác, chỉ có điều giờ đây ám ảnh tôi nhiều nhất là những trận cãi nhau của bố mẹ, những lần bố đánh mẹ, những ánh mắt thù hằn bố mẹ dành cho nhau. Còn những chuyến đi chơi vui vẻ thì tôi lại chẳng nhớ gì. Bố mẹ sống với nhau được 12 năm, nhưng bố chỉ yêu mẹ trong một nửa thời gian ấy. Tôi biết họ còn sống với nhau là vì tôi, vì em tôi. Hôn nhân thật rắc rối, nó khiến tôi e ngại. Nhưng tôi vẫn cứ hy vọng. Biết đâu đấy, sẽ có một ngày tôi tìm được một tình yêu như vậy thì sao? Dù rằng hy vọng ấy rất nhỏ nhoi, và ngay từ bây giờ tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần sống một cuộc sống không cần có ai bên cạnh.