Ối giời ôi... phù phù... phào phào... đêm qua, 45 phút hiệp hai quả là dài quá. Cả bộ sậu thương mại các vùng châu Á của cơ quan tôi đứng đứng ngồi ngồi xem Anh đá, người Anh người Nam Phi người Na Uy người Đan Mạch người Việt lại cả người Nê-păng đủ cả. Thôi thì căng thẳng, thôi thì than vãn, thôi thì chửi rủa (thủ trưởng châu Á của tôi, một quý ông Ăng-lê chính hiệu, thậm chí đã đi quá xa khi mắng James Milner - lúc chưa thực hiện được đường chuyền quyết định - là "damned traitor"
, sau đấy bị bắt uống bia đền) thôi thì lầm rầm cầu khấn, thôi thì tự nhét nắm đấm vào mồm mình, thôi thì nhắn tin đáp trả sâu cay những tin nhắn của bọn xấu thóa mạ đội bóng ta yêu quý, thôi thì giương cao chai bia nốc sạch chúc mừng... đủ vành đủ vẻ cả. Bóng đá quả là tuyệt vời và đầy cảm xúc.
Thế quái nào Anh lại gặp Đức ở vòng hai giải thế giới. Cuộc gặp gỡ định mệnh. Gary Lineker ngày trước thua Đức lắm quá phát phẫn lên bèn định nghĩa: "...bóng đá là môn thể thao gồm 22 người chia hai bên giành nhau 1 quả bóng và cuối cùng thì người Đức thắng trận"
Người Đức quả là hay thắng thật. Đoạt cúp vô địch châu Âu ngay trên đất Anh, sau khi đá 11 mét loại chính các ông Tam Sư (năm ấy thế nào lại diện áo màu ghi) ở bán kết. Trận ấy giá như Gazza (Paul Gascoigne) cao thêm tị nữa, nhẹ hơn mấy cân nữa có phải đã rướn kịp tới bóng lúc chỉ còn mình anh với khung thành Đức rồi không, và giá như người sút quả 11 mét cuối cùng lại không phải là Gareth Southgate tội nghiệp. Đức lại còn hai năm liền tiễn Pháp ở bán kết, 1982 sau khi lì lợm gỡ hòa 3-3 rồi thắng ở thi đá 11 mét (hình như thống kê báo rằng cầu thủ Đức duy nhất đá hỏng 11 mét tại giải thế giới là Uli Stielike năm ấy, còn lại thì cứ đá 11 mét là Đức thắng và không tay cầu thủ nào khác sút trượt cả ^
^ ), năm 1986 thì loại thẳng cổ Pháp ngay trong giờ đấu chính thức, vì Platini và đồng đội dốc hết cả tinh túy ra loại Bờ-rê-zin ở tứ kết lịch sử rồi.
Ngày trước, có trận Đức ngược dòng bóp chết Nam Tư thanh thoát đẹp đẽ điệu đàng, mình cay lắm, xem vô tuyến cứ chửi ầm lên "ĐM thằng Đức! ĐM thằng Đức!" mà quên khuấy mất rằng ông nhạc năm ấy của mình trùng tên với quốc gia này
Những lần Đức bị đánh bại thì thế giới ôi thôi rồi là hả hê. Bulgaria nện Đức 2-1. Croatia cho Đức phơi áo 3-0. Anh san phẳng Đức năm bàn không gỡ.
Nhiều người không thích Đức, nào là "1 Rummenigge và 10 robot", nào là "chỉ có Pierre Littbarski (người Pháp), hay Mehmet Scholl (gốc Thổ), hay bây giờ là Mesut Ozil (gốc Thổ nốt) là biết chơi bóng thôi", rồi "buồn chán, tẻ nhạt, cứng đờ" vân vân... nhưng mà ai cũng phục đội bóng ấy, nể và sợ bản lĩnh, tư thế và sự kiên cường của họ. Cả những khi họ thua trận, khi họ gỡ hòa lúc bị Á Căn Đình dẫn hai bàn trong trận chung kết 1986, khi họ thua Ý sít sao những năm 1982 và 2006.
Cơ mà dưng người Đức không còn những thủ môn huyền thoại nữa, những "Số 1 của Mannschaft" vững như hòn đá tảng - Toni Schumacher, Andreas Koepke, Oliver Kahn, hay phần nào đó là Jens Lehmann. Năm nay, sau khi thủ môn chính thức của Đức tự tử, có nhẽ chỉ có Anh (mỉa mai thay) là có những thủ môn tồi hơn Đức mà thôi.
Có chuyện này nói với Nhung Xù, rằng tất cả mấy tay người Nam Phi da trắng ở cơ quan tôi, sau khi đội nhà bị loại, đều đổ sang cổ vũ Úc, vì cùng khoái chơi cái anh cricket. Sáng nay thấy anh nào anh ấy ngẩn cả ra, bảo là thôi tao không thèm xem giải này nữa, vì chả nhẽ giải đá bóng thế giới lại hy vọng vào các anh All White New Zealander ư.
Vinh ơi, Battiston năm 82 đúng là bị tay Schumacher oánh bất tỉnh nhân sự, còn Domergue lại ghi được hai bàn trong trận bán kết gặp Bồ Đào Nha năm 84, y như Thuram, một hậu vệ cánh khác, làm được cũng ở trận bán kết 14 năm sau đó. Tiền đạo còn Stopyra, và năm 82 là Dominique Rocheteau, nhà thơ, cùng Didier Six, cả hai tóc tai đều dài quá thể.
Anh giai Chu Thường, người-buông-nhời-quảng-cáo yêu quý của chúng ta, cây viết bóng đá trứ danh (cứ xem lại mấy đoạn anh viết hồi Euro 2008 trên thread này thì thấy rõ), năm nay kiên quyết từ chối viết bài, vì hai lý do: 1) anh làm việc buông nhời quảng cáo quá sức vì cơ quan anh đang đấu thầu (pitching) hết chỗ nọ đến chỗ kia, nên nỗi anh hở ra được lúc nào là ngủ; và 2) anh bảo giải năm nay chán bỏ xừ, nên nỗi anh thấy không còn cảm xúc.