Áp dụng cung cách giáo dục của Mĩ vào VN?

Tôi nghĩ là bài tập đầu tiên cho bạn Hiền thử sức mình là thuyết phục anh Doãn Hoàng tại sao lại (nên thí điểm) áp dụng mô hình giáo dục phổ thông của Mỹ ở một số trường ở VN.

Trong này có 1 vấn đề "quantitative" cho các bạn trẻ phải giải quyết: thử đánh giá xem để chuyển trường AMS với mô hình dạy-học như hiện nay mà các bạn quen thuộc, sang mô hình dạy-học ở 1 trường tốt của Mỹ thì cần phải đầu tư bao nhiêu tiền? Phải lưu ý những khoản chi phí có thể tiết kiệm được để phù hợp với khả năng tài chính và đ/k thực tế của VN.
 
--Có lẽ mình viết vội quá nên Phước hiểu nhầm, thành thật xin lỗi. Ý mình là nêu ra vấn đề về chương trình học quá nặng. Nguyên nhân: các nhà giáo dục đưa vào chương trình mới, kiến thức phong phú và chuyên sâu nhưng thầy cô thì vẫn quen theo cách giảng cũ là giảng hết kiến thức trong sách cho học sinh. Nếu giảng kiểu đó thì vừa làm học sinh thụ động, vừa không có thời gian học hết. Vì vậy cải cách giáo dục trở nên "quá nặng"

--Mình đã nhìn qua sách giáo khoa thí điểm và thử đem so sánh với mấy quyển sách mà mình đang học. Về các môn Toán, Lý, Hóa thì sách giáo khoa ở Việt Nam viết chuyên sâu hơn trước rất nhiều, về kiến thức thì có thể so sánh tương đương với sách của Mĩ, nhưng lại yếu về các hình minh họa nên học sinh sẽ khó hiểu trong khi học. Còn về các môn Sinh, Sử, Địa thì không thay đổi gì lớn lắm.

--Nhưng điều quan trọng là sách mới, sách hay mà cách giảng vẫn cũ như xưa thì chất lượng sẽ không được cải thiện. Ở đây lại có vài vấn đề:

1. Tư tưởng: Người Việt Nam cũng như người châu Á coi trọng thầy cô nhưng thầy cô chắc gì đã tôn trọng học sinh. Phần lớn các thầy cô giáo ở Việt Nam đều theo cách dạy cũ: học sinh chỉ có việc nghe và chép, "bật" thầy là bị trù. Nếu như thế thì học sinh nào còn dám nêu thắc mắc nữa, nhất là những câu hỏi mà thầy cô còn không biết câu trả lời. Mọi người chắc chắn là thấy trong phòng học ở Việt Nam có cái bục giảng, thầy cô đứng lên trên đó giảng bài có nghĩa là thầy cô tự nhận mình là bậc cao hơn học sinh, nghĩa là thầy cô luôn luôn đúng, đây là 1 quan niệm hết sức nhầm. Chỉ có sự tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng giữa người học với người dạy mới làm 2 bên tương tác với nhau để đi đến kết quả tốt hơn được. Vấn đề tư tưởng dẫn đến 1 vấn đề nữa là phong cách học tập.

2. Phong cách học tập: Chính vì tâm lí sợ thầy cô như vậy mà học sinh Việt Nam rơi vào tình trạng học "bị động". Bởi vì thầy cô luôn luôn đúng mà, đi ngược lại ý của thầy cô là sai, học sinh lúc nào cũng tuân lệnh để có điểm cao. Thế thì không còn chỗ cho sáng tạo nữa. Mà đã không có sáng tạo thì không có phát minh, không có phát minh thì còn lâu Việt Nam mới giàu lên được. Hồi trước 1 nhà khoa học Xô Viết đã gửi thư lên hỏi Tổng Bí Thư Khuschev là tại sao chế độ của Liên Xô tốt đẹp hơn nhiều so với chế độ của Nga Hoàng mà lại không có vĩ nhân nào như Mendeleev hay Lenin cả. Đơn giản là mọi người đều tuân lệnh cấp trên mà không có thắc mắc.

3. Phong cách giảng dạy: Do tư tưởng và do phong cách học tập quá lỗi thời nên khi những học sinh đó theo học Sư Phạm để đi làm thầy người khác, mọi chuyện vẫn cứ thế và có phần tồi tệ hơn. Vì thầy cô lúc nào cũng cho mình là đúng nên khi có sách mới thì vẫn giữ nguyên cách dạy cũ. Chương trình của sách mới nếu cứ vừa đọc vừa chép thì sẽ thành "quá tải" và các thầy cô lại nói rằng sách quá nặng. Mọi người thử để ý xem có nhiều thầy cô bàn về cách dạy của bản thân chưa? Khi ông Văn Như Cương, hiệu trưởng trường dân lập Lương Thế Vinh, và ông Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng trường dân lập Marie Curie đưa ra cách dạy mới và để cho học sinh chấm điểm thầy cô thì bị nhiều người phản đối và gọi là "ông đồ gàn".

--Còn 1 chuyện nữa là những người làm giáo dục hiện nay quan tâm nhiều đến việc dạy và học cái gì hơn dạy và học như thế nào. Kiến thức thì nhiều vô kể, không thể nhồi hết vào 1 "cây sậy nhỏ bé" chỉ có thể sống trong 70 năm được, chỉ có thể làm cho "cây sậy" đó biết cách tự nghiên cứu để tìm hiểu kiến thức thôi. Cách hay nhất để "giảm nhẹ" chương trình là đổi mới cách dạy và học hay nói đơn giản hơn là đưa ra câu trả lời mới cho câu hỏi : " Dạy và học như thế nào?"

--Nói tóm lại là chỉ riêng việc nhỏ nhưng cải cách sách giáo khoa mà "trên bảo dưới không nghe" thì việc to như cải cách phương pháp học và hơn nữa là thí điểm mô hình của Mĩ có chắc chắn là không vấp phải tình trạng tương tự???:-/. Khoan nói đến những cải cách lớn lao cao cả mà hãy giải quyết những vấn đề nhỏ bé nhưng không thể thiếu này thì mới học hỏi được mô hình của Mĩ và các nước G7 khác.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Anh Hưng nói đúng nhưng ở VN mấy khi anh được nói những gì anh muốn nói. Để vận động lobby được thì chí ít cũng phải có một cách nào đó để tiếng nói của anh tới được người nghe. Nhưng khi nhất cử nhất động của báo chí bị giám sát chặt chẽ thì anh nói hay cách mấy / đúng cách mấy / chặt chẽ và lôgic cách mấy cũng khó mà lọt lên mặt báo được. Vậy liệu nó gây ảnh hưởng tới bao nhiêu người ?

Vả lại, cứ nhìn vào hiện trạng nền GD VN thì ai cũng phải bi quan Có mỗi bệnh thành tích (là cái không khó chữa lắm) mà còn chẳng biết bao giờ mới chữa được, thì đổi mới hệ thống giáo dục hiển nhiên là điều không tưởng. Vài tỉ bạc ném phí qua cửa sổ để coi dạy chữ a trước hay chữ e trước thì dân đóng thuế ở VN còn cố gắng cày cuốc bán thóc gạo mà bù thêm vào ngân sách, chứ mà ném tiếp vài trăm tỉ để cải cách GD VN cho giống ... Mĩ thì em xin vái cả nón
Em không dám với từ "thuyết phục" của anh Hưng, vì các anh đáng tuổi chú bác của em, vì vậy em chỉ là mạn phép nêu vài suy nghĩ của em. Chỉ mong các anh có thể chỉ bảo để em hiểu một cách cặn kẽ hơn.

Theo em hiểu cải cách hay thậm chí "cách mạng" là đi từ chỗ không có để thành chỗ có. Không hiểu em lấy ví dụ này có đúng không, nhưng mà sau khi đọc xong "Phúc ông tự truyện" em thấy ông Fukizawa Yukichi ( hi vọng em không nhớ nhầm tên) đã đi từ chỗ không có gì đã biến nước Nhật như hiện nay. Cũng nên nhớ rằng nước Nhật thời ông Yukichi cũng "chân đất mắt toét" so với thế giới. Theo em vấn đề ở chỗ là ai cũng ngại phải lên tiếng cả. Ai cũng nghĩ rằng "cải cách thế quái nào được mà cứ bàn", chính vì vậy mà chẳng có được phong trào. Vì vậy để gây dựng được phong trào thì cần có người đứng ra lãnh đạo. Nhưng ai? Cái đó thì em chịu. Cứ thử nhìn vào việc lạm thu phí ở đại sứ quán VN ở nước ngoài, nếu không có những người tâm huyết như admin của diễn đàn www.lamvuon.net thì làm sao mà có chuyện các đại sứ quán đứng ra xin lỗi và đền bù tiền cho các nạn nhân được? Vấn đề là những người admin của diễn đàn là họ thấy rằng họ nên làm một cái gì đó chứ không nên ngồi đó và nghĩ rằng thôi thì mỗi người mất một ít, bọn nó lột của mình $100 thì ta lột của XH $1000, với cả đại sứ quán tức là bộ ngoại giao, bộ ngoại giao tức là chính phủ, to thế đụng sao được. Anh Hoàng đã lên tiếng nói rằng làm sao để đưa đến người nghe, thì đó, họ lập ra trang web, viết một cách trung thực về vấn nạn lạm thu. Và cuối cùng thì cũng có nhiều người nghe đó chứ, thậm chí nhiều đại sứ quán đã phải xin lỗi và trả lại tiền cho người bị lạm thu. Theo em quan trọng nhất là tạo ra phong trào, và khi có phong trào thì chuyện được đưa lên mặt báo là chuyện đương nhiên, nhất là với những tờ báo năng động như Tuổi Trẻ.
Sau khi đã có phong trào thì tự nhiên bộ giáo dục sẽ có trách nhiệm để xử lí một cách hợp lí, chính phủ là "do dân và vì dân" mà. Vì vậy theo em để có thể vận động lobby thì cứ tạo ra phong trào cái đã, rồi thì các ông to không muốn thay đổi cũng phải thay đổi thôi. Và cũng đừng ngại khi "vứt vài trăm tỉ để cải cách" vì khi cải cách thì chúng ta sẽ thu được cái gì? Em nghĩ nó đáng giá hơn vài trăm tỉ đó. Ý của em là "đau một lát, mát cả đời", cải cách có bao giờ dễ đâu, nếu dễ thì đã thực hiện từ sớm rồi, bao giờ nó chẳng đau nhưng mà sau cái đau đó thì sẽ được cái gì.

Em biết rằng những suy nghĩ của em còn rất thiển cận nhưng hi vọng sẽ có người góp ý để em có thể khá hơn.
Cám ơn mọi người vì đã đóng góp ý kiến :x
 
Nguyễn Minh Hiền đã viết:
Em không dám với từ "thuyết phục" của anh Hưng, vì các anh đáng tuổi chú bác của em, vì vậy em chỉ là mạn phép nêu vài suy nghĩ của em. Chỉ mong các anh có thể chỉ bảo để em hiểu một cách cặn kẽ hơn.

Không có gì phải e dè đâu Hiền. Chúng ta cứ nói chuyện thoải mái thôi.

Cá nhân tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một dự án cải cách như vậy là khả thi trong điều kiện VN . Hãy nhìn cái trường Thực nghiệm của thầy Đại mà xem, sau bao nhiêu năm nó vẫn là thực nghiệm. Tôi sẽ rất lấy làm biết ơn nếu có ai đó ở hàm Thứ trưởng Vụ trưởng hay Bộ trưởng ở BGD đưa ra một phán quyết công khai về ngôi trường này a/ nó là đồ dở hơi, đáng dẹp or b/ là một bước tiến lớn so với nền giáo dục phổ thông, tạo ra một khuôn mẫu đáng sử dụng ở các trường khác. Nhw thể chẳng ai rỗi hơi mà ngó đến nó nữa :) Không, cải cách giáo dục không nên / không thể bắt đầu từ BGD , nơi mà từ xưa đến giờ chưa bao giờ tỏ ra có một tầm nhìn xứng đáng, một quyết sách đúng đắn để cải cách nền GD nước nhà.

Cải cách ấy nếu có, phải bắt đầu từ các trường tư. Chỉ khi nào chúng ta có được một hệ thống các trường Đại học tư thục khả dĩ chấp nhận được (nghĩa là có đầu tư nước ngoài, có cạnh tranh trung thực, và có thương hiệu uy tín) thì cuộc cải cách này mới có thể nói là đủ điều kiện để bắt đầu. Hãy học tập luật pháp ở các nước khác để trừng phạt các trường tư gian dối, giữ gìn một môi trường đầu tư thuận lợi cho các trường danh tiếng, từ bỏ tham vọng quản lý một cách vô lối (những món n chung m riêng, kịch trần kịch sàn, x nguyện vọng :) ) để cho mọi người dân nếu muốn và có tiền trả học phí - đều được quyền theo học. Và như thế , các trường công lập dù muốn dù không cũng phải tự đổi mới chính mình.

Tất nhiên, tôi cũng biết là hiện nay Luật GD VN đang "nghiêm cấm mọi hành vi thương mại hóa giáo dục" (sic). Điều đó đồng nghĩa với việc còn lâu lắm bạn mới có thể mua được cổ phiếu của một ĐH tư thục trên TTCK :) Nhưng tư nhân hóa giáo dục mới là con đường để cải cách nó, chứ nó không thể cải cách được bằng những nghị quyết/ quyết định lẩm cẩm của mấy thầy ở trển đâu.

Dạo này tôi nghe thấy cụm từ "xã hội hóa giáo dục" hơi nhiều. Có vẻ như các bác muốn tránh tội phạm húy khi nói đến "tư nhân hóa giáo dục" chăng ? Nếu thật được như vậy, chẳng đáng mừng lắm ru :D
 
Mình cũng rất tán thành với ý tưởng của anh Lê Doãn Hoàng. Không nhất thiết mọi cải cách phải bắt nguồn từ Bộ Giáo dục, mà có thể (mà chính xác là chắc chắn) xuất phát từ trường tư. Bởi vì sao?

Know-how. Trong xã hội 100% là có rất nhiều người biết phải cải cách giáo dục theo hướng nào, biết làm thế nào và dám làm (cũng giống như trong topic về "Sống trên đời phải biết mình là ai"). Chỉ đơn giản hãy để cho người ta làm mà thôi - hãy mở rộng cánh cửa thị trường dịch vụ giáo dục. Tất nhiên, trong thời buổi nhập nhèm sẽ có rất nhiều chuyện không hay ho gì - như trường ma, giáo viên dởm.

Bằng chứng. Ta có thể nhìn vào thị trường bán lẻ chẳng hạn. Kể từ khi cho tư nhân nhảy vào làm, hàng hóa trở nên phong phú, đa dạng - không thiếu thốn và nghèo nàn như trước. Từ khi ta mở cửa cho nước ngoài vào - biết thêm được phương pháp kinh doanh tiên tiến và nhờ đó các doanh nghiệp VN bắt chước và học hỏi (cái này gọi là spill-over).

Vậy nên, mọi việc có thể giải quyết được nếu như chúng ta tạo một sự tự do nhất định, vì người biết chưa chắc đã làm trong Bộ GD, và nếu có nói chưa chắc đã được lắng nghe và tiếp thu, kể cả khi đã tiếp thu chưa chắc đã hiểu và làm đúng.
 
Dưới đây là tôi trích dẫn từ nhiều nguồn báo chí khác nhau:

Sai vì không có tiêu chuẩn

Lâu nay, ý kiến đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng của nhiều học giả đều chung nhận định "giáo dục xuống cấp". Tại hội thảo về chất lượng giáo dục hồi tháng 12 do Bộ GD-ĐT và báo Nhân Dân tổ chức, GS Hoàng Tuỵ cho rằng: ngành giáo dục có "ba khối u dị dạng" cần cắt bỏ. Theo nhà văn Nguyên Ngọc tại một hội thảo hôm 6/3, thì "giáo dục của chúng ta đang hỏng, không phải có tính chất cục bộ mà hỏng trong toàn hệ thống". Theo cách hiểu của nhiều người, có lẽ nguyên nhân tiền ít đã khiến chất lượng giáo dục hiện tại có những đánh giá nói trên. Thực sự có phải như vậy?

"Con em chúng ta không có tiền học giáo dục thể chất khi một số nhà lãnh đạo vẫn có tiền chơi golf." - GS Hoàng Xuân Phú, Viện Toán học, nói đầy bức xúc.

"Tổng số tiền ngành giáo dục thu được hiện nay rất lớn. Tiền của người học nhưng người học lại không được đối xử đúng." - GS Hồ Ngọc Đại bổ sung.

GS Nguyễn Xuân Hãn cung cấp con số khiến không ít người ngạc nhiên: Mỗi năm, ngành giáo dục có tới 4 tỷ USD. GS Hãn tính toán: Theo số liệu chính thức của Bộ GD-ĐT, từ năm 1996 đến năm 2003, số lượng HS-SV tăng khoảng gần bốn triệu (từ 18,3 triệu lên 22 triệu em) nhưng kinh phí đầu tư cho GD-ĐT tăng gần gấp bốn lần, từ 8.100 tỷ lên đến 30.000 tỷ đồng, ấy là chưa kể khoảng 900 triệu USD vay của nước ngoài và tiền thu của dân (cỡ 50% tổng chi cho GD-ĐT) - theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới.

Theo GS Hồ Ngọc Đại, chất lượng giáo dục thấp là do cải cách giáo dục lần nào của ta cũng sai. Muốn cải cách giáo dục thì phải chọn lấy một tiêu chuẩn mà cơ sở ấy không ai đánh đổ được. "Và cơ sở ấy chính là cuộc sống!" - GS Hồ Ngọc Đại đề xuất - "Nói cụ thể hơn, nền giáo dục bây giờ phải phục vụ cho 95% số người đi học chứ không phải 5% như ngày trước".

GS Hãn cho biết thêm: Số tiền dành cho việc làm sách giáo khoa mỗi năm khoảng 100 triệu USD nhưng hiện trạng sách giáo khoa thường xuyên bị chỉnh lý và chuyện sinh viên thiếu và đói sách thì cứ liên tiếp diễn ra. Việc này không phải do số tiền 100 triệu USD ít ỏi mà chính là do cách làm: sách giáo khoa của bậc phổ thông là một chỉnh thể thống nhất thì bị "cắt khúc" thành bốn dự án độc lập; giáo trình ĐH thì "chạy" theo Thái Lan trong khi chính những chuyên gia giáo dục của nước này đã cảnh báo cách làm của họ sai rồi, đừng có theo!".

Nguồn: http://vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2004/03/56745/

“Thị trường giáo dục” - Khái niệm còn bỏ ngỏ

...Có 3 luồng ý kiến được ghi nhận tại buổi tọa đàm. Đại diện cho quan điểm kiên quyết chống thương mại hóa giáo dục, GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho rằng, với đường lối phát triển giáo dục trong nền kinh tế thị trường (KTTT) có định hướng XHCN, không thể coi giáo dục là hàng hóa. Để bảo vệ cho quan điểm của mình, ông Hạc viện dẫn ngay cả những nước có nền KTTT tự do điển hình như Mỹ cũng phải đề cao vai trò của Nhà nước và xem GD là “hàng hóa công cộng” phục vụ lợi ích quốc gia và “như vậy là không có thị trường giáo dục”. Do đó, “Việt Nam ta càng không thể thương mại hóa giáo dục được” vì đây là nguyên nhân của “mọi khuyết điểm, tiêu cực trong giáo dục đào tạo hiện nay”, theo lời GS Hạc.

Ngược với ý kiến của GS Phạm Minh Hạc, GS Phạm Phụ (ĐH Bách khoa TPHCM) lại chỉ “đích danh” giáo dục chính là hàng hóa. GS Phụ lập luận rằng: đây là “sản phẩm lao động thỏa mãn nhu cầu của con người và đi vào quá trình tiêu dùng thông qua trao đổi”. Theo ông, “cần phải hiểu thị trường và hàng hóa giáo dục theo một “phổ” rộng, chứ không nên cực đoan kiểu rạch ròi trường công, trường tư”; “thị trường có những tác động tiêu cực tới giáo dục nhưng không thể vì thế mà né tránh” và dù là trường công hay tư nhưng cứ có thu tiền thì đều là dịch vụ. Vấn đề là dịch vụ đó phải là “dịch vụ công”, một loại “hàng hóa đặc biệt có sự can thiệp của Nhà nước”.

Trung dung giữa hai luồng ý kiến trên, đa số các đại biểu dự tọa đàm thống nhất phải chống những hiện tượng tiêu cực trong thương mại hóa giáo dục như mua bằng, bán điểm... nhưng không thể phủ nhận một thị trường giáo dục đã hình thành ở Việt Nam. Đại diện cho Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Bành Tiến Long nêu ý kiến: “Giáo dục có phải là hàng hóa hay không, cần phải tranh luận, nhưng không thể không tính đến các yếu tố tác động của cơ chế thị trường. Tác động tích cực của nó là “quy luật cung cầu”, đòi hỏi chất lượng sản phẩm, từ đó thúc đẩy cạnh tranh”. Đồng tình với ông Long, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Mạnh Hùng khẳng định: “Nếu hiểu thị trường hẹp như cái chợ thì Nhà nước đã sớm xác định được cơ chế vận hành cho giáo dục, y tế. Mà thực sự không phải như vậy. Phải thấy rằng giáo dục có liên quan chặt chẽ tới thị trường”. Thị trường ấy đang ngày ngày “vận hành” với các hình thức đào tạo mang tính dịch vụ như đào tạo không tập trung, theo hợp đồng, đào tạo mở rộng, du học tự túc... với sự tham gia của cả trường công lẫn trường tư, thu 100% học phí của người học. Điều này cho thấy “dịch vụ giáo dục đang được trao đổi phổ biến và công khai”. Vì thế, Vụ phó Vụ Giáo dục (Ban Khoa giáo trung ương)- TS Nguyễn Hữu Chí- khẳng định “không nên bỏ qua yếu tố thị trường giáo dục” khi “trong thực tiễn có xu hướng thương mại hóa giáo dục, người dân có sẵn sàng chi trả cao để thụ hưởng nền giáo dục tốt và không tiếc tiền đi du học nước ngoài"....
Nguồn: http://www.sggp.org.vn/giaoduc/nam2004/thang12/28476/

Đọc thêm: Không nên né tránh thị trường giáo dục
http://www.vnn.vn/giaoduc/2004/12/353237/

TIN MỚI NHẤT:

Ngành giáo dục đặt mục tiêu đổi mới toàn diện

Bộ Giáo dục Đào tạo đặt mục tiêu trong giai đoạn 2006-2010 thực hiện đổi mới toàn diện về hệ thống, nội dung và phương pháp giáo dục đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, nhằm bắt kịp trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Tại Đại hội Đảng bộ Bộ Giáo dục Đào tạo lần thứ 4 diễn ra ngày 21/10, Bộ cho biết trong thời gian tới sẽ lãnh đạo chặt chẽ việc triển khai thực hiện quy định của Luật Giáo dục năm 2005 về giáo dục phổ thông, xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất và đổi mới đánh giá thi cử.

Bộ sẽ xây dựng đề án phát triển, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục mầm non và đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục mầm non, tích cực chuẩn bị cho trẻ em phát triển ngôn ngữ tiếng Việt trước khi vào lớp 1, đặc biệt đối với học sinh dân tộc thiểu số.

Ngành giáo dục sẽ tiếp tục đổi mới các kỳ thi tốt nghiệp tuyển sinh theo giảm bớt sự nặng nề, tốn kém; tăng cường hướng nghiệp dạy nghề cho học sinh phổ thông, góp phần phân luồng hợp lý; đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng-an ninh, giáo dục thẩm mỹ, kỹ năng sống.

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và đổi mới giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, ngành giáo dục sẽ tập trung nâng cao cơ sở vật chất và trang thiết bị giáo dục.

Bên cạnh đó, toàn ngành giáo dục sẽ đặt trọng tâm đổi mới lề lối công tác, lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, phân công và quy định rõ chế độ cũng như trách nhiệm của từng công chức./.

nguồn: http://www5.24h.com.vn/news.php/216/85015

HE HE HE Kiểu này thì còn lâu lắm mới cải cách được, thôi thì tiếp tục cầu nguyện cho nền giáo dục VN thôi. THIỆN TAI - THIỆN TAI
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Lê Doãn Hoàng đã viết:
Tất nhiên, tôi cũng biết là hiện nay Luật GD VN đang "nghiêm cấm mọi hành vi thương mại hóa giáo dục" (sic). Điều đó đồng nghĩa với việc còn lâu lắm bạn mới có thể mua được cổ phiếu của một ĐH tư thục trên TTCK :) Nhưng tư nhân hóa giáo dục mới là con đường để cải cách nó, chứ nó không thể cải cách được bằng những nghị quyết/ quyết định lẩm cẩm của mấy thầy ở trển đâu.

Dạo này tôi nghe thấy cụm từ "xã hội hóa giáo dục" hơi nhiều. Có vẻ như các bác muốn tránh tội phạm húy khi nói đến "tư nhân hóa giáo dục" chăng ? Nếu thật được như vậy, chẳng đáng mừng lắm ru :D

Luật GD tôi cũng đã đọc rất kỹ, và nhận thấy trong đó còn chứa khá nhiều điều hạn chế. Trước sau thì cũng sẽ không thể tránh khỏi việc phải đem luật GD ra bàn nghị sự mổ xẻ và trình QH phê duyệt lại. Về những hạn chế của luật GD hiện hành tôi sẽ viết trong 1 chủ đề riêng.

Trong điều 17 luật GD có 1 câu "CẤM MỌI HÀNH VI THƯƠNG MẠI HÓA HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC", nhưng không có định nghĩa; cần phải hiểu thế nào là thương mại hóa giáo dục nên nội dung của nó khá mập mờ. Mập mờ là đặc trưng của các văn bản pháp luật của nước ta. Tại sao? Các bạn tự nghĩ thử xem=;

Về xã hội hóa giáo dục thì được hiểu như điều 11 luật GD: "NHÀ NƯỚC GIỮ VAI TRÒ CHỦ ĐẠO TRONG PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC; THỰC HIỆN ĐA DẠNG HÓA CÁC LOẠI HÌNH NHÀ TRƯỜNG VÀ CÁC HÌNH THỨC GIÁO DỤC; KHUYẾN KHÍCH HUY ĐỘNG VÀ TẠO Đ/K ĐỂ TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THAM GIA PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP GD."

Hiện nay ng ta nói nhiều đến xh hóa giáo dục ở đây chỉ có nghĩa là nhà nước muốn huy động vốn của toàn xã hội (vd. công trái GD), ng dân phải đóng góp nhiều hơn nữa cho GD, còn mọi thứ thì vẫn y như hiện nay. Dân đóng tiền ngày càng nhiều hơn nhưng không có nhiều quyền hơn (vd. đòi hỏi chất lượng cao hơn, hoặc thay đổi nội dung chương trình, hình thức dạy và học, vv) trước đây.

Còn chuyện vai trò của các trường tư thục trong cải cách giáo dục là đặc biết quan trọng - hoàn toàn đúng. Thị trường tác động trực tiếp trước hết lên trường tư, còn các trường công lập thì cứ đủng đỉnh chẳng việc gì phải vội =;, chính sự có mặt của các trường tư trên thị trường giáo dục buộc các trường công lập phải thay đổi. Theo dự kiến thì trong 2 năm tới sẽ có thêm 8-9 đại học tư thục và khoảng chừng đó các trường cao đẳng tư thục. Trong vài năm tới các bạn sẽ có thể mua cổ phiếu của các trường này, cứ yên tâm =;

Các dự án cải cách giáo dục bắt nguồn từ BGD thất bại khá nhiều, và sẽ tiếp tục thất bại, chừng nào các dự án không được dân chủ hóa, tức là nếu không được đem ra bàn bạc rộng rãi trước khi trình QH hoặc TT và quá thiếu các dự án độc lập xuất phát từ các cá nhân và các tổ chức độc lập phi chính phủ.
 
--Hôm nay vừa xem lại mấy cuốn phim tư liệu hồi CMT8, xem cảnh các thầy cô giáo hồi ấy đi dạy bình dân học vụ mới thấy giáo dục Việt Nam hiện nay toàn cải lùi chứ ít cải tiến. Các anh bàn về các thông tin mang tầm vĩ mô quá, nên, đàn em xin được trình bày cái ý tưởng nho nhỏ này :D

1. Tư tưởng: ít ra là trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, người học và người dạy đều tôn trọng lẫn nhau. Tuy rằng các cụ, các cháu bé và cả người lớn đi học đều không biết gì (do chính sách ngu dân của Pháp) nhưng không thấy có thầy cô nào gọi học sinh là ngu cả. Cách giảng dạy hết sức tận tình.
2. Phong cách giảng dạy: Hồi đó tuy chỉ có dạy đọc, dạy viết và các thầy cô dạy không lấy tiền (học sinh làm gì có tiền mà trả) nhưng phong cách dạy rất hấp dẫn: có hình minh họa phong phú, lại còn làm thơ về chữ ơ, chữ ô cho dễ nhớ (em không biết mấy bài này nên không có dẫn chứng, mọi người thông cảm:D). Vậy thì tại sao bây giờ không thử làm cho học sinh nắm bắt tốt hơn bằng cách cho thêm càng nhiều minh họa càng tốt. Sáng tác bài hát cho GD về mấy kiến thức khó nhớ chẳng hạn.

--Học sinh thời đó tuy trình độ kém hơn bây giờ nhiều nhưng học hành vui vẻ lắm chứ đâu có như bây giờ đâu. Nói rằng hồi đó nước nhà vừa mới độc lập, mọi mặt còn đang khó khăn mà trong việc dạy và học đã có chính cái điều mà giáo dục Việt Nam hiện nay đang hướng tới (cho dù điều đó chỉ diễn ra trong thời gian ngắn) thì... (nói hung hăng 1 tí) mấy ông ở trên BGD phải tự vả mấy phát vào mồm mới phải, lấy nhiều tiền từ ngân sách mà cải cách kiểu gì cho kém hơn cả khi không xu dính túi. Đề ra cải tiến ở mức cao nhưng không cải tiến ở mức cơ bản thì còn tốn nhiều tiền mà hiệu quả vẫn kém. Nhìn vào lịch sử mà soi lại mình thì mới thấy được cái sai mà sửa.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bạn An có nhắc đến chuyện các lớp học thời kì CMT8, tôi cũng thấy rất thú vị. Nhưng có mấy chuyện tôi cũng muốn đề cập thêm. Thứ nhất là đó là "phim" nên tất nhiên là phải đẹp rồi. Tôi không nói đó là không thực, nhưng không phải tất cả đều như thế. Điều thứ hai tôi muốn nói là: thời đó là chiến tranh, còn bây giờ là hòa bình. Hai thời điểm khác nhau về chất, khó có thể so sánh được. Nhất là về mặt tư tưởng. Cứ lấy VD như là mô hình hợp tác xã trong chiến tranh: ai ai cũng hăng hái lao động, chẳng ai nghĩ cách làm sao có lợi cho mình cả. Nhưng sang thời bình thì sao? Mô hình đó còn tồn tại nữa không? Mỗi thời mỗi khác bạn An ạ. Không phải con người xấu đi, nhưng thời thế khác thì tư tưởng phải khác thôi. Thời bình thì tất nhiên là không còn giặc nữa, làm việc không phải là để bảo vệ tổ quốc nữa, tự nhiên con người sẽ nghĩ cách nào có lợi cho mình nhất thôi.

Thêm nữa, bạn An cũng có nói là người học và người dạy tôn trọng lẫn nhau. Điều đó cũng dễ hiểu thôi. Hồi đó thì những người làm giáo viên là những người thực sự tâm huyết với nghề, còn thời nay những người làm giáo viên, có người thực sự tâm huyết, có người vì cơm áo gạo tiền, làm sao mà có tư tưởng tốt được. Học sinh cũng thế, hồi đó đi học vì cảm thấy muốn được biết "cái chữ", chẳng ai bắt ép cả, ai ai cũng hăng hái. Xét đến thời nay, liệu có thể không đi học không nếu phụ huynh tương một câu: " Không đi học thì về sau ăn cám à?" ? Bên cạnh đó, học sinh thời đó không bị "ép buộc" phải đi học nên giáo viên mà chửi là bỏ học ngay, mà bỏ học thì sĩ số giảm, sĩ số giảm thì giáo viên đó mang tiếng ngay. Còn thời nay, giáo viên chửi mấy cũng chẳng dám kêu la. Giáo viên được thể càng lấn tới. Chưa kể là giáo viên càng "kinh" thì lại càng dễ kiếm được "xiền" từ phụ huynh. Tội gì mà không.....Tôi không nói là giáo viên nào cũng thế, nhưng tình trạng đó rõ ràng là đang tồn tại trong nền giáo dục VN.

Bàn về vấn đề phương pháp giảng dạy, khối lượng kiến thức hồi đó rất ít, lượng thời gian cho một lượng kiến thức nhất định là rất nhiều, vì thế việc "làm thơ" v.v. là điều dễ hiểu. Còn bây giờ chỉ học "trần" thôi đã không đủ thời gian rồi, thêm "râu ria" để mà giết học sinh à?

Bạn An dựa vào những chứng cớ đó để bảo rằng cải cách giáo dục là "cải lùi", tôi e là không được hợp lí lắm.

Đó là ý kiến của riêng tôi, có gì mong bạn đóng góp nha :p.

Cám ơn bạn vì đã đóng góp ý kiến vào topic :x
 
Nguyễn Minh Hiền đã viết:
Thêm nữa, bạn An cũng có nói là người học và người dạy tôn trọng lẫn nhau. Điều đó cũng dễ hiểu thôi. Hồi đó thì những người làm giáo viên là những người thực sự tâm huyết với nghề, còn thời nay những người làm giáo viên, có người thực sự tâm huyết, có người vì cơm áo gạo tiền, làm sao mà có tư tưởng tốt được. Học sinh cũng thế, hồi đó đi học vì cảm thấy muốn được biết "cái chữ", chẳng ai bắt ép cả, ai ai cũng hăng hái. Xét đến thời nay, liệu có thể không đi học không nếu phụ huynh tương một câu: " Không đi học thì về sau ăn cám à?" ? Bên cạnh đó, học sinh thời đó không bị "ép buộc" phải đi học nên giáo viên mà chửi là bỏ học ngay, mà bỏ học thì sĩ số giảm, sĩ số giảm thì giáo viên đó mang tiếng ngay. Còn thời nay, giáo viên chửi mấy cũng chẳng dám kêu la. Giáo viên được thể càng lấn tới. Chưa kể là giáo viên càng "kinh" thì lại càng dễ kiếm được "xiền" từ phụ huynh. Tội gì mà không.....Tôi không nói là giáo viên nào cũng thế, nhưng tình trạng đó rõ ràng là đang tồn tại trong nền giáo dục VN.

--Vấn đề nảy sinh ở chỗ này:
1. Liệu có cách nào để làm cho giáo viên có tâm huyết với nghề hơn không?

-Hôm 2/9 xem cái bài nói chuyện trực tiếp của khán giả với 3 ông, 1 ông là Dương Trung Quốc, 2 ông còn lại quên mất tên, có khán giả nêu cái ý kiến khá hay là bây giờ Việt Nam đang làm cách mạng công nghiệp, so với CMT8 thì cũng quan trọng tương đương, vậy mà nhiệt huyết "chạy" đi đâu cả :eek:? Trong khi chúng ta còn đang tranh luận ở đây thì cũng còn có những người cùng lứa đang đi lắc đó thôi.
--Một vấn đề nữa là giáo viên làm tiền phụ huynh, cái này có thể khắc phục bằng cách cho học sinh chấm điểm giáo viên như trường Marie Curie đang làm. Thế thì mới làm cho họ tỉnh ra.

2. Có cách nào làm cho học sinh hứng thú học hơn không

--Tất nhiên không ai có thể học vui vẻ nếu như (anh Hiền đã nói), về nhà lại bị ăn 1 câu "không học giỏi để về sau ăn cám ah". Đó lại là cái bệnh sĩ, thích làm thầy hơn làm thợ của phần lớn người Đông Á. Cha mẹ mà cứ thế thì con chán học không phải lạ. Nghĩ xem nếu cả xã hội đi làm sếp thì ai tạo ra sản phẩm khi máy móc chưa thay thế con người 100%. Chuyện nực cười là sinh viên có bằng kĩ sư lại không đủ trình đi làm công nhân ở công ty vốn nước ngoài. Việt Nam cũng như các nước XHCN hồi trước có 1 hệ thống tuyên truyền hơi bị mạnh: loa truyền thanh ở phường xã (nói nghiêm túc đấy ah:D), chả lẽ bây giờ cứ 7h sáng là cho loa tuyên truyền chủ đề "cha mẹ không được ép buộc con cái" hay cái gì đó tương tự. Em không hiểu nhiều về giáo dục người lớn, có ai có kinh nghiệm chỉ bảo thêm :D
Nguyễn Minh Hiền đã viết:
Bàn về vấn đề phương pháp giảng dạy, khối lượng kiến thức hồi đó rất ít, lượng thời gian cho một lượng kiến thức nhất định là rất nhiều, vì thế việc "làm thơ" v.v. là điều dễ hiểu. Còn bây giờ chỉ học "trần" thôi đã không đủ thời gian rồi, thêm "râu ria" để mà giết học sinh à?

--Cái kiểu làm thơ đó nghe vớ vẩn nhưng thực ra lại là một phương pháp minh họa cho bài giảng rất hiệu quả. Anh Hiền đang học ở US chắc cũng để ý là 1 số môn học quá khó hiểu như Lý, Hóa có rất nhiều minh họa, kể cả hình ảnh lẫn âm nhạc. Cái đó là người ta ngẫu hứng sáng tác chứ có ai bắt ép đâu. Ở chỗ em người ta có 1 đĩa nhạc cho môn Hóa tóm tắt các kiến thức trong sách. Vấn đề khó mà được làm cho dễ hiểu, đơn giản, nhiều người hiểu mới là giỏi. Không ai phục một người thuộc và hiểu thuyết tương đối của Einstein hơn một người có thể giảng giải thuyết đó một cách dân dã, dễ hiểu (thô tục nếu cần :D). Mình vẫn còn ảnh hưởng cái kiểu dạy thuyết giáo của LX, suốt ngày cắm mặt vào cuốn sách. Cái đó đúng, nhưng chưa đủ. Cần có thêm "râu ria" để cho học sinh hiểu bài hơn và không ai bắt học cái râu ria đó cả, chỉ bắt học cái kiến thức chính trong sách nhưng vấn đề là làm sao cho học sinh không học thuộc lòng mà là hiểu mới khó.:-/

--Nói dông dài nhưng tóm gọn lại thì ý của em là giáo dục hay cải cách giáo dục :

1. Trước hết phải cải cách từ chính người dạy và người học
2. Dạy và học không có nghĩa là cắm mặt vào sách mà nên liên hệ thực tế càng nhiều càng tốt
3. Không nên ép buộc người ta đi học mà thuyết phục người ta đi học (cái này thì sau cách mạng ở Nga, Trung Quốc, Việt Nam các thầy cô làm rất hiệu quả mà sau đó lại quên đi mất)
4. Giáo dục không có nghĩa là không dạy cho người lớn vì dù cải cách hay mà người lớn vẫn cứ bảo thủ theo kiểu cũ thì cải cách lại bị làm sai thôi.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Nói dông dài với bạn An một chút:

Có lẽ bạn hiểu nhầm ý của tôi. Tôi không nói rằng việc "làm thơ" là dở, phải nói là rất hay ý chứ. Thực sự tôi rất thích học những tiết mà có hình ảnh minh họa, có âm thanh phụ trợ. Nhưng tình trạng là ở VN chương trình học quá nặng để có thể làm được như thế. Chắc bạn từng thấy qua việc giáo viên làm một vài tiết có hình ảnh minh họa, nhưng sau đó lại phải cắm đầu để đuổi tiết. Vì vậy việc đầu tiên là phải cân đối chương trình dạy. Rồi từ một chương trình dạy hợp lí, ta có thể nghĩ cách để việc dạy có hiệu quả hơn. Chứ cứ tình trạng cắm đầu vào dạy mà còn không kịp thì nói chi đến việc "hình ảnh" với chả "âm thanh".

Bạn có thể kể cho tôi việc trường Marie Curie được không? Tôi chưa được biết vụ này. Nghe cũng có vẻ thú vị ghê nhỉ :D.

Còn về việc bạn muốn có giáo viên tâm huyết với nghề thì tôi cũng không biết phải làm sao. Tôi chỉ muốn nói rằng khó có thể đem chuyện hồi chiến tranh ra so sánh với thời nay. Khó lắm. Chiến tranh và hòa bình là hai thái cực đối nghịch nhau. Hiển nhiên là cách suy nghĩ của con người cũng sẽ có sự khác biệt rồi. Để có thể minh bạch hơn có lẽ ta nên bàn đến động cơ của hành động. Thời chiến: ai cũng được hưởng như nhau, làm chăm cũng như làm lười, nhưng vì là thời chiến, ai ai cũng hiểu là họ lao động vì tổ quốc, nên chẳng ai nghĩ lợi cho bản thân, ai cũng hăng say lao động, thằng nào "lười" là "mang tiếng" ngay. Thời nay, hòa bình rồi, con người lao động vì chính bản thân mình, hiển nhiên là họ sẽ nghĩ cách để có lợi cho mình nhất ( suy nghĩ vị kỉ), ai ai cũng làm chỉ để hoàn thành nghĩa vụ, tội gì phải làm chăm hơn người khác khi mà lương thì vẫn thế? Điều đó chắc chắn không thể tránh khỏi ở bất kì XH nào, dù là văn minh đến mấy. Vì vậy khó có thể trách là tại sao con người thời nay lại tệ thế, tại sao lại không như hồi chiến tránh í v.v.

Chừng nào cái cách nghĩ "thích làm thầy hơn làm thợ" còn tiếp diễn thì khó có thể có được một mô hình hợp lí. Đáng lẽ tỉ lệ thầy (kĩ sư)/ thợ (công nhân) phải là 1:4, nhưng ở VN thì tỉ lệ này là 1:1. Thực sự là đáng suy nghĩ. Cải cách khó lắm .... khó lắm .....

Muốn thay đổi thì phải thay đổi từ gốc, từ suy nghĩ của người dân, suy nghĩ của người lãnh đạo ..... Tôi cảm thấy lực bất tòng tâm.

Cầu mong cho những người có thực tài sẽ được trọng dụng. Chỉ khi đó thì XH mới tiến bộ được
 
Chỉnh sửa lần cuối:
--Trường Lương Thế Vinh và Marie Curie là 2 trường dân lập (gọi là tư thục thì đúng hơn) có chất lượng tốt ở Hà Nội. 2 trường này ra đời do 2 ông giáo thấy giáo dục Vn nhiều cái dở quá. Tuy 2 trường còn có nhiều yếu điểm nhưng đây là bước đầu của cải cách giáo dục Vn
http://www.vnn.vn/psks/2005/10/497721/
http://www.vnn.vn/psks/2005/10/499039/
 
Cám ơn An nhiều nha :D.
Tôi đọc xong bài báo mà thấy phấn khởi lên nhiều. Tại sao mình lại không biết nhỉ :-?. Hồi ở nhà có tới 2 thằng bạn Lương Thế Vinh mà chẳng thấy nó kể cái quái gì. Tức quá!
Tôi đã từng cảm ngán ngẩm cho viễn cảnh của giáo dục VN, nhưng nay biết rằng trên đời có người "dám nghĩ, dám làm", và quan trọng là "biết làm" thế này thì tư tưởng đó đã biến mất! Cầu mong những người như thế có thể được trọng dụng!
 
Nguyễn Minh Hiền đã viết:
Chừng nào cái cách nghĩ "thích làm thầy hơn làm thợ" còn tiếp diễn thì khó có thể có được một mô hình hợp lí. Đáng lẽ tỉ lệ thầy (kĩ sư)/ thợ (công nhân) phải là 1:4, nhưng ở VN thì tỉ lệ này là 1:1.

Tôi từng nghe nói nhiều và đọc nhiều về chuyện tỉ lệ thầy / thợ ở xã hội ta. Nhân dịp này tôi muốn nói lên vài ý kiến để mọi người cùng suy nghĩ

Thứ nhất là về chuyện tỉ lệ thầy / thợ thực tế ở VN. Mọi người đều nói rằng VN đang đào tạo ra quá nhiều kỹ sư mà có quá ít công nhân, như thế e rằng tạo ra nhiều lệch lạc trong nguồn nhân lực. Cần phải đào tạo nhiều công nhân hơn nữa chăng ? Xin thưa ngay là không cần ! Chắc chắn không cần !! Tuyệt đối không cần !!!
Tôi chỉ đưa ra hai dẫn chứng mà theo tôi là tiêu biểu nhất vì số lượng lớn và mức độ phổ biến của nó, đó là công nhân ngành may và thợ cơ khí. Hàng năm chúng ta tuyển biết bao nhiêu là công nhân may công nghiệp, bạn cứ nhìn số lượng nhà máy may mặc mọc lên ở khắp nơi thì đủ rõ. Người ta may thôi thì thượng vàng hạ cám, áo khoác, áo sơ mi, quần kaki, quần Âu, thậm chí cả quần áo đua xe máy chuyên nghiệp và đua xe Công thức 1 nữa. Yêu cầu của nhà máy là mức độ lành nghề về một công đoạn nào đó, ví dụ vào cổ áo, vào tay áo, viền gấu, là ủi, gấp và cho vào túi nilon. Việc thiết kế tạo mẫu được làm hoàn toàn ở nước ngoài, vẽ lên vải và cắt do 1 hoặc 2 người làm cho mấy chục người may. Mức độ chuyên nghiệp hóa trong ngành may mặc hầu như là tuyệt đối – người may cổ áo không thể nào luồn dây chun cạp quần nhanh và tiết kiệm chun bằng một người chuyên luồn chun, dù luồn chun có lẽ là việc đơn giản nhất trong cả công đoạn làm ra sản phẩm. Nhà máy may cần những người chuyên nghiệp đến từng thao tác! Thế nhưng chương trình dạy ở trường học nghề thì người ta nhồi nhét tất cả mọi công đoạn cho 1 học viên. Người này sẽ phải học từ vẽ (tất nhiên chỉ cần vẽ được quần đùi là đạt yêu cầu rồi :) ) đến cắt vải, đến vào cổ áo tay áo, viền gấu thùa khuyết – và dừng ở đó. Chẳng ai dạy luồn chun, gấp áo và cho vào bao cả. Nhồi nhét chừng 3 tháng, và họ nói với bạn: Cậu đã học xong rồi đấy. Trời ạ, học thập cẩm như thế trong 3 tháng làm sao mà gọi là biết việc được. Cứ thử nghĩ xem một người thợ (đã được đào tạo hẳn hoi như thế!) mà đi xin việc thì doanh nghiệp có thể trả lương cao hơn những người chưa được đào tạo hay không ? Câu trả lời hiển nhiên là không. Vậy chúng ta đào tạo thợ may nữa để làm gì? Để rồi các doanh nghiệp lại mất công đi đào tạo lại từ đầu hay sao? Tình hình thậm chí còn tệ hơn với thợ cơ khí. Các chương trình đào tạo quá lạc hậu so với công nghệ hiện đại và làm cho những thợ cơ khí được đào tạo đôi khi khó tiếp thu công nghệ mới hơn những người chưa được đào tạo. Họ trở thành phái bảo thủ , trong khi những công nhân mới trở thành phái cấp tiến :) ) Các hãng xưởng đâu có cần những công nhân hay cãi ngang – (Hàn như thế thì làm thế nào được !) hoặc còn tệ hơn (Cái ống chỉ hơi méo một tí thôi, để tôi lấy búa đập lại là được. Ngày xưa tôi vẫn làm thế mà !) – họ cần những người công nhân tuân thủ kỷ luật về an toàn lao động, kỷ luật công tác và tác phong công nghiệp hơn là tay nghề 1/7 hay 2/7. Tiếc thay, ít trường đào tạo công nhân kỹ thuật làm được việc này (riêng tôi không biết một trường nào cả). Kỷ luật và tác phong trong trường là cái không đo đếm được, và quý ông hiệu trưởng kia thích báo cáo rằng năm nay đã cho ra trường 1000 thợ tay nghề 2/7, hơn là báo cáo năm nay đào tạo được 500 thợ tay nghề 1/7 nhưng luôn luôn tự giác đeo dây an toàn khi leo lên giàn giáo mà không phải đợi đốc công nhắc nhở!

Hai là tâm lý làm thầy chứ không làm thợ. Nhiều người phê phán tâm lý này. Nhiều bài báo viết về chuyện này. Nào là đổ lỗi cho tâm lý khoa bảng (tức là từ trước thời mồ ma thực dân Pháp !), nào là tâm lý làm quan cho cả họ (tức là đến bây giờ lại càng quá đúng – cứ nhìn Linkton Vina thì biết !). Những cái mà người ta viện dẫn ra đều trật lất – không ai đi học chỉ để được tiếng là ông cử bà cử, người ta đi học để kiếm tiền, kiếm nhiều hơn những người không học. Và rõ ràng là nếu không học mà lên làm quan được thì đã chẳng có chuyện các ông quan thi nhau đi mua bằng, để đến nỗi báo chí phanh phui ra hết vụ này đến vụ khác, từ ngành Giáo dục đến Tòa án và Kiểm sát. Xã hội hiện nay đang cần bằng cấp, và phải tạo điều kiện để người ta có bằng cấp một cách trung thực – nghĩa là có học, có thi, có đỗ tốt nghiệp thì mới có bằng! Vả lại, con người ta ai chẳng có ước mơ. Thiếu gì những người cũng chỉ học trung học ở mức trung bình, nhưng người ta mơ ước đến một tấm bằng Đại học, mơ ước đến những tri thức của nhân loại. Người ta có tiền để có thể mơ ước được 5 năm mà không chết đói. Vậy tại sao lại tìm cách ngăn cản một ước mơ ? Hãy để họ mài cùn ngón tay trên bàn phím, làm mờ đi đôi mắt tinh anh trên màn hình, dù sao thì cũng còn hơn là gạt họ ra khỏi cổng trường đại học để rồi họ gia nhập vào một nhóm thanh niên càn quấy, du thủ du thực, vô công rồi nghề, đêm đêm đi đua xe và ngày ngày đi chat.

Thứ ba, có nhiều quý vị (kể cả báo chí nữa) hay nói theo cái giọng như là đang quy hoạch giáo dục nước nhà: Đấy, thấy thằng X chưa. Nó cũng cử nhân Công nghệ Thông tin đấy, học mấy năm mới ra trường, thế mà bây giờ đi trông phòng chat. Họ hể hả nghĩ rằng đấy là một minh chứng cho việc thừa thãi cử nhân. Họ lấy làm chua xót cho bố mẹ cậu X (Phí bao nhiêu là tiền nuôi nó ăn học!). Họ chì chiết nhà trường và xã hội (Dào ôi, trường mới chả lớp!). Nhưng họ không chịu nghĩ rằng cậu X đi trông phòng chat vì cậu ta chỉ học được mỗi việc chat trong suốt 5 năm đại học của mình. Cơ hội kiếm việc làm lương cao nhiều tiền là hiện hữu cho tất cả mọi người, nhưng không hiện hữu cho một người cụ thể. Hãy để xã hội, các ông chủ, các công ty và hãng xưởng phán xét xem ông cử nào nên bắt tay vào làm Tập sự Quản lý, còn ông cử nào nên mua thang để đi kéo cáp. Thực tế chua xót đấy, nhưng các ông cử phòng chat chẳng thể nào trách các trường Đại học đã thiếu tận tụy với mình, đã không truyền dạy đủ những kiến thức để có thể xin được việc làm ngon lành và tồn tại trong xã hội. Tất cả những việc đó chỉ phụ thuộc vào bản thân từng sinh viên thôi! Tôi không cho rằng chương trình đại học là hoàn hảo, tôi chỉ nói rằng nó công bằng với mọi sinh viên trong phạm vi một trường, và xác suất có việc làm của một SV ra trường phụ thuộc hoàn toàn vào nỗ lực của họ trong suốt những năm Đại học.

Vì thế, xin đừng hô hào là xã hội ta thừa thầy thiếu thợ. Xã hội ta chỉ thừa bằng mua và thiều bằng thật, thừa kẻ ăn cắp ý tưởng và thiếu ý tưởng mới (vụ máy lau nhà là ví dụ gần đây nhất), thừa người dốt và thiếu người giỏi. Còn thầy và thợ thực sự ấy à, cả hai cái đó chưa từng bao giờ có đủ cả, lấy đâu ra mà thừa !!!
 
Em cũng có suy nghĩ rất giống anh Hoàng. Trong xã hội VN thông tin bị bóp méo nhiều, thành ra con người hay sống trong hoảng tưởng - không biết đâu là sự thật.
 
Lưu Công Thành đã viết:
Em cũng có suy nghĩ rất giống anh Hoàng. Trong xã hội VN thông tin bị bóp méo nhiều, thành ra con người hay sống trong hoảng tưởng - không biết đâu là sự thật.

--Em xin đóng góp 1 ý kiến :Nơi nào có chính trị thì nơi đó thông tin bị bóp méo. Vấn đề là con người nhìn nhận ra được chỗ bị méo và chỗ không bị méo. Cái này tùy vào trình độ nhận thức của con người, nhận thức lại có từ giáo dục.
 
Lưu Công Thành đã viết:
Trong xã hội VN thông tin bị bóp méo nhiều, thành ra con người hay sống trong hoảng tưởng - không biết đâu là sự thật.

Tôi đồng ý với các bạn rằng thông tin đã bị lệch lạc khi đến với các độc giả / thính giả trong trường hợp này. Có nhiều người trong chúng ta mắc phải một thói quen cho rằng mọi thứ do báo chí viết ra đều là chân lý, và cứ thế nhắc lại mà không chịu khó lật lại vấn đề để xem xét nó dưới các góc độ khác nhau. Đây là một triệu chứng của bệnh lười - tật lười suy nghĩ.

Chúng ta không thể đổ hoàn toàn lỗi cho báo chí là nguyên nhân gây ra tật lười này. Các nhà báo cũng là những con người, và họ có suy nghĩ hay nhận định riêng của họ. Chúng ta, đứng trên vị thế của độc giả, có quyền yêu cầu được thông tin trên đầy đủ các khía cạnh của vấn đề. Nhưng ai cũng hiểu rằng đó là điều không thể. Nhà báo có cách nhìn riêng, biên tập viên có cách nhìn riêng, chủ bút và phong cách của tòa báo lại là một nhát kéo nữa xén vào bài viết. Đấy là chưa kể đến những tác động khác của Ban ai-cũng-biết-là-ban-nào-rồi-đấy. Đến khi tới tay độc giả thì bài báo cứ gọi là tròn như bi ve, lăn đâu cũng lọt :) Với tôi, báo chí thường đóng vai trò đặt vấn đề hơn là giải quyết vấn đề. Nếu như vấn đề đáng quan tâm thì tôi sẽ bỏ công sức để tìm kiếm ở các nơi khác, hơn là tin tưởng 100% vào những gì báo nói.

Chính các nhà báo / tòa soạn cũng biết rất rõ việc này, nhưng họ cũng ở vị thế mà không thể nói khác hay làm khác đi được. Họ có niêu cơm của họ, họ có chiếc Lexus của họ, họ không thể tưới tắm cho mọi cây ôliu mà họ nhìn thấy quanh mình. Tôi hiểu và thông cảm với điều này. Tuy thế, tôi không thể thông cảm với giọng điệu của một số bài báo hay tự xưng mình là đại diện cho công luận. Làm sao mà đại diện cho công luận được! Một bài báo chỉ đại diện cho cá nhân tác giả của nó, nêu lên cách nhìn của bản thân tác giả đó, đánh giá và bình luận cũng là của chính tác giả đó. Thêm nữa, chẳng có gì đảm bảo là một bài báo phản ánh trung thực cách nhìn của tác giả sẽ chắc chắn được lên mặt báo. Một khi tiếng nói của từng "tư luận" còn bị rè thì có gì đảm bảo rằng báo chí chính là công luận ?

Nếu vạn nhất trong số cựu HS trường Am nay có một biên tập viên nào, thì tôi xin vị biên tập viên ấy đừng ăn nói kiểu đao to búa lớn như thế nữa. Thậm chí về mặt hình thức, mỗi tờ báo thường chỉ là cơ quan ngôn luận của một tổ chức hay đảng phái nào đó, và chỉ có thể phát ngôn nhân danh chính tổ chức / đảng phái ấy thôi.

Thật ra, trong thời đại mà một người dân bình thường có đầy đủ các nguồn thông tin thông qua Internet, việc làm báo bị đặt dưới một sự kiểm soát gắt gao của độc giả. Mọi tin tức có thể bị kiểm tra chéo trong nháy mắt, và mọi sơ xuất nhầm lẫn có thể bị vạch mặt chỉ tên tức thì. Điều này tạo ra một sức ép liên tục lên các tòa báo , buộc các biên tập viên phải làm việc cẩn thận hơn, quy củ hơn và qua đó, nâng cao chất lượng của báo chí nói chung. Tuy thế, chẳng hiếm gì trường hợp các biên tập viên làm ăn ẩu tả, chẳng thèm kiểm tra nguồn tin và cứ thế tương ngay lên mặt báo, nhất là các báo điện tử. Họ ỷ là báo điện tử, có thể sửa / gỡ bài bất kỳ lúc nào nên tỏ ra coi thường độc giả. Chính tôi cách đây mấy hôm vừa chỉ ra một lỗi trên báo Tuổi Trẻ, gửi tin nhắn cho họ nhưng phải đến 20h sau (tính từ lúc tôi gửi tin nhắn, chứ không phải tính từ lúc đăng bài) họ mới gỡ xuống. Sau khi gỡ xuống xong chẳng thấy họ gửi vài lời cảm ơn, nhưng tôi nghĩ là Tòa soạn còn bận nhiều việc quan trọng hơn nên quên cảm ơn cũng là chuyện bình thường ! :)

tuoitre.jpg


Đây là bản tin tôi chụp lúc nó còn chưa được gỡ xuống. Bản tin tiếng Việt này dịch ra từ một cái hoax (tạm gọi là tin nhảm) được lan truyền trên Internet. Kiểm tra nguồn gốc các tin thuộc thể loại này là một việc cực kỳ dễ dàng, nhưng biên tập viên của Tuổi Trẻ cũng chẳng thèm làm, a lê hấp là lên mặt báo . May là gỡ xuống được, chứ không như Mật mã Da Vinci :)

Chà, bài này lạc đề nhiều quá. Admin muốn để lại đây hay chuyển qua topic mới, thì cứ tùy tiện.
 
Một vài suy nghĩ của cá nhân mình đúc kết được qua một số năm học tập tại môi trường, xã hội Mỹ để cùng mọi người thảo luận, tham khảo:

Nhìn vào phương pháp giảng dạy của giáo dục Mỹ: đề cao, nhấn mạnh vai trò của người học, còn người dạy chủ yếu chỉ làm công tác hỗ trợ, gợi ý là chính giúp cho học sinh, sinh viên luôn có thế chủ động trong việc học tập, nghiên cứu, phát triển tư duy phân tích, sáng tạo thì người ta có thể nhận thấy rõ ngay một điểm khác biệt to lớn giữa xã hội ta với Mỹ đó là: xã hội Mỹ khuyến khích sự thông minh.

Còn với cách thức dạy áp đặt của giáo viên cùng cách học thụ động của học sinh ta kết hợp với một lượng kiến thức đồ sộ, quá tải khiến cho giảm thiểu đi một cách trầm trọng độ hứng thú của cả người dạy, lẫn kẻ học bởi sự thiếu vắng những cuộc trao đổi, thảo luận (mà thường thấy và hay diễn ra trong các trường học từ cấp tiểu đến cấp đại của Mỹ), sôi nổi, bổ ích đồng thời thu về tính hiệu quả cao ở chỗ: tạo được điều kiện, thời gian cho phía người học có cơ hội động não suy nghĩ, tìm tòi, học hỏi, và dịp thử thách, nâng cao, hoàn thiện trình độ cho phía người dạy.

Một điểm đáng nói nữa là phương thức "học thuộc lòng" hay nói chính xác hơn là "tẩy não" đáng bị lên án, và trừ bỏ để tránh việc đã, đang, và sẽ vẫn còn tái diễn hậu quả nghiêm trọng của nó là hiện tượng quay cóp diễn ra một cách thường nhật ngày-qua-ngày trong giới học đường từ những bài kiểm tra ngắn, dài, các kì thi cử lớn, nhỏ; đồng thời làm trùi mòn, thui chột đi óc phê phán, trí tưởng tượng, tài thống kê trong khi rất cần được động viên, khuyến khích, và tạo điền kiện phát triển trong thế hệ học sinh, sinh viên thậm chí từ khi còn ở những độ tuổi nhỏ.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Xin cho mình hỏi:có ai biết nền giáo dục của Mĩ cách đây chừng 50 và 100 năm như thế nào không?Chứ bây giờ Mĩ giàu nứt đố đổ vách thì nó có điều kiện áp dụng phương pháp giáo dục như hiện nay là đương nhiên.Nhưng còn trước khi kinh tế Mĩ nhảy vọt thì sao?
 
Trước hết mình xin đề cập đến chuyện cho điểm giáo viên.
Mình không hưởng ứng điều này lắm. Mình có đọc nhiều phản ánh về chuyện những trường ĐH nổi tiếng của Mỹ cũng cho SV đánh giá giáo sư. Lúc đầu thì hay, nhưng sau này sẽ không còn tồn tại ý định hay như ban đầu nữa. Các giáo sư vì bị sức ép phải có nhiều nhận xét tốt từ SV nên lúc nào cũng niềm nở quá mức với SV và trở nên rất dễ dãi trong việc ra đề thi và cho điểm. SV cũng biết sức ép này nên cũng có nhiều trường hợp lợi dụng.

Trường CVA bây giờ cũng có cho HS nhận xét thầy cô. Nhưng nếu HS nhận xét thật thì toàn bị... mắng hoặc ít khi được thầy cô tiếp thu, có khi lại bị "trù". Như thế thì những lần sau, HS nào dám nói thật những suy nghĩ của mình nữa... Phải chăng chuyện cho điểm đấy cũng chỉ là 1 cái "mồi"?!

Theo mình nghĩ thì việc đánh giá chất lượng bài giảng chung chung thì hay hơn (như trường ĐH của mình vẫn làm sau những kỳ học của 1 môn). Ngoài những nhận xét và đưa ra ý kiến riêng của từng SV (tất nhiên là anonym) thì còn những câu hỏi chung VD như: hỏi xem SV thấy giáo viên chuẩn bị bài giảng đã tốt chưa, giải thích có dễ hiểu không, những kiến thức có từ bài giảng giúp thế nào cho thực tế, có thoải mái khi tranh luận với SV không, có trả lời dược những thắc mắc của SV không, có biểu hiện phân biệt giới tính không, v.v...
Sau đó, giảng viên đó sẽ được Bộ kiểm tra và quyết định có được kéo dài hợp đồng dạy học không.



Quay lại chủ đề:

Mình thấy đồng tình với ý kiến của anh Hưng lẫn anh Hoàng...
Kết hợp 2 ý kiến này lại thì hay lắm. :)

Mình cũng thấy rằng cải cách từ những trường tư (mới khai trương) là thực tế nhất.
Hiện nay, càng ngày càng có nhiều HS VN học các trương quốc tế ở VN, vd như UNIS. Ngày xưa chỉ có 5% là HS VN, bây giờ đã lên trên 10% và trong tương lai sẽ còn tăng hơn nữa.
Như vậy là nhu cầu cải cách chương trình học của VN là rất cao. Người dân VN vẫn coi trọng chữ nghĩa nên không bao giờ tiếc con cái trong lĩnh vự học hỏi.

anh Hưng đã viết:
Trong điều 17 luật GD có 1 câu "CẤM MỌI HÀNH VI THƯƠNG MẠI HÓA HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC"
Hihi, thế này thì có lẽ đến 99,9% các thầy cô giáo vi phạm điều này rồi. Vì hiếm thầy cô nào không mở lớp dạy thêm và thu tiền của HS...
Nhưng cũng không thể trách được các thầy cô. Lương giáo viên của VN còn quá thấp, không xứng đáng với những công lao của các thầy cô bỏ ra!!
---> mình nghĩ là cái cải cách đầu tiên là phải tăng lương cho giáo viên.

Cái cách thứ 2 là chương trình dạy đội ngũ giáo viên. Một trong những thay đổi cần thiết là cho giáo viên học thêm môn "Tâm lý học" :) Rất quan trọng khi dạy HS.


Cá nhân mình không thích cách học của Mỹ. Cho HS chọn môn học có cái hay, nhưng như thế HS vẫn có thể rơi vào tình trạng học quá lệch. VD như HS không thích học Toán thì chỉ học đủ credit thôi là bỏ luôn, không học tiếp nữa. Mà thường là học ở năm đầu của cấp 3, đến khi tốt nghiệp thì kiến thức Toán học gần như bằng... 0. Tương tự như thế với các môn khác... (chẳng trách hồi học cấp 3 ở Áo, HS trường mình có giao lưu với HS 1 trường rất nổi tiếng ở Chicago, khi đến đó học nửa tháng, có những HS Mỹ hỏi chúng tôi là ở nước bạn có thiếu nước và thiếu điện không? Chúng tôi ngớ người ra, hóa ra họ nhầm Austria với... Australia).

Học ở Mỹ có nhiều tự do quá làm cho HS cũng hơi thiếu tính quy củ.
Tất nhiên như thế thì việc loại trừ cũng dễ dàng hơn nhiều... Nhưng dù sao, lúc này không phải HS nào cũng ý thức được rõ 1 cách thật chín chắn về những quyết định hay việc làm của mình, nên 1 chút quy củ sẽ giúp được XH chọn ra thêm nhiều người có khả năng hơn là để họ tự do làm theo ý thích ngay từ đầu...
 
Back
Bên trên