Có nghĩa là tháng chín vẫn về, nhưng mà cuống quýt vội vàng không có thời gian đi đâu ra khỏi Hà Nội một tí tị tì ti nào?
Khổ một nỗi rằng, cái kiểu "ăn một bữa, nhớ cả đời" hoành tráng ấy nó lại ít diễn ra trong bốn quận nội thành ta lắm, mà phải đi hẳn ra xa - ví dụ nhanh, là liên lạc với anh em viện nghiên cứu chăn nuôi trên Ba Vì, đặt một con cừu, sau đó cả lũ (khoảng 10-11 trự) kéo nhau lên chất đầy mấy xe toàn là người và rượu và rau và gia vị đúng kiểu. Chọn lấy vạt sườn đồi, đào hố ngả con cừu ra nướng theo kiểu du kích quân Hy Lạp trong truyện Alexis Zorba, mỗi chuyến cứ như thế là nhớ đời. Đến nhà hàng ăn bữa to ở Hà Nội thì lại nhảm, nhớ đời thế nào được.
Hà Nội vốn là "ăn quà" cơ mà, đâm ra mỗi thứ đều có cái sướng nho nhỏ, nhưng vẫn đủ "nhớ cả đời". Tao bèn nghĩ thế này, ngay bây giờ, ta rì-viu ngay một quả tour ăn quà chẳng theo thứ tự gì, xong rồi thì tháng chín đi tuần qua tất cả các điểm, có điều phải đi với tao thì mới thích, tất cả các tiểu thương phụ trách các địa điểm dưới đây khi tao xuất hiện đều đón chào tao như lãnh tụ
tỉ như "ối giời ôi ông em / ối giời ôi cậu đấy à / ối giời ôi dạo này đi những đẩu những đâu đi tây đi tầu có thèm nhớ ra chỗ cái con già này đâu"...
CON GIAI HÀ NỘI ĂN QUÀ NHƯ MỎ KHOÉT
1.
Phở bò, Thắng Bát Đàn, Sướng ngõ Trung Yên - Đã kể rồi.
2.
Phở gà, Cầu Gỗ - cũng kể rồi.
3. Bánh đa cua - phố Lý Thường Kiệt, chỗ đăng ký xe máy nhìn sang đường. Tiểu thương bán hàng (cực yếu kém về nhan sắc, cực ngoa ngoắt về thái độ, rất dễ thương) thường nguýt rõ dài để bày tỏ thái độ và cung bậc tình cảm khác nhau trong quá trình tổ chức bát bánh đa cua.
4.
Bún đậu mắm tôm - ngõ Yết Kiêu, cách trường Mỹ Thuật mấy căn nhà. Tiểu thương bán hàng là madam Thế hút thuốc lá tóp cả má, trước rất ham hầu bóng đi khắp đền nọ phủ kia, gần đây cải sang Tin Lành, sùng đạo lắm. (nguyên cái này cũng đủ thành câu chuyện đầy mystery rồi). Madam Thế trước bán lâu năm ở đầu phố Hàng Trống, sau mới dọn ra đây.
5.
Bún ốc - Phù Đổng Thiên Vương, chị Hòa béo gần đây đâm nổi tiếng. Ti-vi hễ nhắc đến "một nét văn hóa Hà Nội" y như rằng loanh quanh lại xuất hiện ngay quả này. Tao biết chị Hòa và bà già mẹ chị Hòa từ ngày tao còn bé tí. Hồi sinh viên, đi cùng bạn gái ra ăn bún ốc, chị lại thẽ thọt cho riêng tao nghe, kiểu "Quả này là mới đấy hở cậu? Trông sáng sủa đấy chứ nhỉ... Đấy! Cậu thôi cái con trông dáng tây tây trước đây ấy, là đúng mẹ nó rồi! ai đời hôm nọ ra đây ăn, thấy đi với một thằng, chị trông thằng ấy rõ không bằng một góc của cậu, vớ vẩn lắm! Chị đã bảo rồi, cái loại con gái đi ăn bún ốc ở đây mà lại hỏi có rau tía tô không là cái loại nhà quê nhà quéo rồi, là cái loại không biết cái gì vào với cái gì rồi!"
Bún ốc còn một hàng khác nữa rất ngon, nhưng muốn ăn phải hơi kỳ công, dậy đi ăn từ sáng sớm, sáu giờ rưỡi là nó hết rồi. Ở ngay chỗ Ô Quan Chưởng ấy. Mua bún ốc này mang vào Sài Gòn cho những người Hà Nội cũ ăn, lòng dạ có bằng đá cũng phải mềm.
6.
Bánh cuốn nóng - 16 phố Hàng Gà. Nơi đ/c Hiệp-hấp sinh ra và lớn lên. Hai chị em bánh cuốn trước vốn không ở đây, mà chuyển về từ phố Hàng Điếu bên cạnh. Không nên ăn bất kỳ một loại bánh cuốn nóng nhân thịt ở bất kỳ đâu, ngoài chỗ này ra. Duy nhất có một ngoại lệ, là đêm khuya nếu thèm ăn bánh cuốn, thì phải chịu khó lái xe sang Gia Lâm, đi vòng qua vòng xoay Cầu Chui quay trở lại hướng Hà Nội, sau Cầu Chui mấy số nhà, nhìn sang phải là hàng bánh cuốn nóng. Tao gọi đùa là Bánh-Cuốn-Kỳ-Công, là chỗ rất hay khi mình đi chơi đêm về.
7.
Mì vằn thắn - Góc phố Hàng Cá với phố Chả Cá. Ngồi ở vỉa hè. Bưng bát mà ăn. Đừng đòi hỏi nhiều dặn dò lắm thứ. Nước dùng tuyệt kỹ. Ăn mới thấy mấy chỗ hay bán mì vằn thắn đằng Đinh Liệt hay Mai Hắc Đế là không ổn đâu.
8.
Bún chả - Góc phố Hàng Mã với phố Hàng Đồng. Hơi chen lấn chật chội nóng nực tí nhưng bõ công buổi trưa lọ mọ đi ăn. Hơn đứt cái anh bún chả Hàng Mành, chẳng ra thế nào cả.
9.
Bún riêu ốc - Đây kiểu này thì tha hồ mà cho rau tía tô rau xà lách thái nhỏ rau nọ rau kia vào nhá, chả ai kêu. Bún có cả riêu cua, có cả ốc loại bé tí ti. Quà quê đúng kiểu các chị em yêu thích. Làng Khương Thượng, ngõ chính đi vào đình. Ăn buổi sáng. Đường Trường Chinh mới mở rộng bung bét tè le hết cả, chả biết hàng bún thế nào... có còn đấy không.
10.
Tất cả các thức quà được mang đi rong ngoài đường, muốn ăn thì gọi lại - Bánh cuốn Thanh Trì đội thúng, bánh đúc đội mẹt, bánh rán mật, bún ốc gánh nữa (có một bà già (cũng chả biết còn không) đi dọc tuyến Hàng Giấy, Đồng Xuân, vẫn còn sử dụng cái muôi bằng tre để múc nước ốc nguội), rồi thì đêm có bà đội thúng đi rao "bánh-nếp-bánh-tẻ-bánh-chưng-đi-yê"...
Tạm thời liệt ra 10 quả đại biểu, hoàn toàn chủ quan, và đầy thiên vị. Còn bao nhiêu thứ nữa - xôi xéo, chè kho, miến lươn, bún thang, bún móng dọc mùng, bánh giò nóng, bánh đúc sốt, lòng lợn tiết canh, cháo trai... "to name but a few"... Chưa kể đến các quán cà phê, các bãi bia hơi... hôm nào có thời gian tao lại rì-viu.
Lan man tí về những gì ở Hà Nội mình thích, mình yêu, mình quen, mình nhớ... đến bao nhiêu là người khác, bao nhiêu là chuyện khác, bao nhiêu là những quãng thời gian khác... ở nhà. Bao nhiêu là tình yêu, bao nhiêu là lãng mạn. Lẩm cẩm quá.