Tớ post cho mọi người nguyên bài viết cho báo của công ty
Góc Sài gòn
PHỞ NGHÊU
Tháng trước, vào forum của trường, mấy cô bạn bên Nhật và Úc hỏi mình đã từng ăn phở nghêu tại Sài Gòn bao giờ chưa? Chắc ai cũng có câu trả lời giống mình rằng tên còn chưa nghe tới nói gì tới phở. Vội vàng mở google ra tìm "phở nghêu" nhưng cũng không có nốt. dò hỏi mấy “đại ca” về Sài gòn, ai cũng ngơ ngác, có biết phở và nghêu nhưng chưa nghe tới phở nghêu bao giờ.
Cách đây vài ngày, tình cờ đọc báo trong mục thông tin thị trường thấy có quảng cáo phở Nghêu ở đường Lê Thánh Tôn, mấy chị em vội vàng tổ chức đi tiền trạm nhưng vẫn phải an ủi nhau rằng: “món lạ, ăn thử cho biết, không ngon thì đừng kêu”
Quán rộng rãi nhưng mới mở nên bàn ghế còn nhiều chỗ trống và vắng vẻ. Trên tường treo rất nhiều tranh vẽ theo phong cách thế kỷ 16. Thời đó mọi người quan niệm thiếu nữ nhiều da, nhiều thịt mới đẹp nên các họa sĩ cũng toàn vẽ các cô “mập” … không hoặc đang mặc đồ. Chả rõ vô tình hay hữu ý mà người xem khi nhìn thoáng qua tranh cô nào cô ấy có rất nhiều “nghêu”. Trong lúc chờ đợi mọi người tập đếm xem trong bức tranh kia (ý là cái cô trong tranh) trên người có bao nhiêu nghêu. Mấy chị em nhấm nháy nhau quán bán nghêu có khác. Thật ấn tượng.
Khi ngồi xuống ghế, trước mặt mỗi người thực đơn đồng thời là miếng lót bàn. Nhìn vào đó, chị em thấy toàn từ mới có khi tra từ điển tiếng Việt dầy cộp cả ngày không có nào là Phở Nghêu, Phở Phi lê cá, Phở Sa tế Nghêu, Da cá chiên - chả trách google tìm không ra.
Chị em order mỗi người một loại. Phở trong Sài gòn toàn đựng bằng “chậu” sứ hay “chậu” phíp, đoàn đi chưa đến chục người, quán vắng nhưng lại phục vụ theo kiểu đánh du kích chứ không phải “alôsô” (alé sur), cách mấy phút mới mang được 2 chậu phở lên một lần, chắc có lẽ tại nấu phở cho vào chậu nên mới lâu thế chăng.
Phở nấu bằng nước nghêu, bỏ thêm hành, mùi, bông hẹ, dĩ nhiên là có mấy con nghêu còn nguyên cả vỏ nữa . Bánh phở nhỏ, mỏng và ngon gần như tại HN. Đặc biệt nhất là nước phở, công nhận là nghệ thuật mặc dù nấu bằng nước nghêu nhưng rất thanh, trong và ngọt. Quán quảng cáo “nước dùng kết hợp hương vị thơm ngon của phở Việt truyền thống với chất ngọt thanh khiết của hải sản và không dùng xương hầm hoặc gia vị khác”. Công nhận là tuyệt cú mèo, ăn xong muốn quảng cáo cho SoftWeekly liền. Mình nháo nhác ngó quanh tìm chị chủ quán để hỏi xuất xứ hay làm sao mà nghĩ ra món này nhưng chị không có ở đó, mấy em phục vụ thì chẳng biết gì. Đến ngày viết bài này thì khi google “phở nghêu”, mọi người sẽ tìm thấy 5 kết quả, trong đó có 2 kết quả do mình post bài lên forum của trường. Một kết quả khác cho biết “khi sang Nhật thì chất liệu nấu phở Việt nam đã bị lai tạp và trở thành phở nghêu, phở tôm rồi”. Có lẽ chị chủ quán cũng từng ở Nhật chăng!?
Như đã nói, thấy quảng cáo ở quán có món da cá chiên, mình cũng thử nhưng chắc do đầu bếp không đều tay (do mỗi lần chiên chỉ được chục miếng) nên đĩa thì vừa, đĩa thì cháy, ăn đắng và không ngon.
Trong thực đơn còn quảng cáo phở phi lê cá nhưng thực tế kiểm nghiệm cho thấy cũng thường vì nước dùng là nước nghêu, không có gì đặc biệt.
Còn nghe phở sa tế nghêu, chắc ai cũng nghĩ rằng có lẽ đầu bếp chỉ cho thêm sa tế thôi, mấy cậu phục vụ lại bảo em thấy nước nó màu vàng, thật tên gọi với thực tế khác nhau quá, lúc mang ra món đó chẳng khác gì cà ri nghêu với phở, chỉ hơi có tí cay của sa tế thôi, mấy đứa la chắc chủ quán lừa đây hoặc món này phục vụ riêng cho khách Hồi giáo.
So với chợ Bến Thành thì giá cũng không đắt lắm, khoảng 25000 đồng một chậu, tô hay bát (phát âm và tả thực tùy theo vùng miền)
Tóm lại là nếu có ai ở Hà nội vào công tác, nhất định phải thử món này nhưng phải vào nhanh không nhỡ đầu bếp đi mất là không được thưởng thức thì uổng.
----------
Món này phải để bạn Nhung viết
, chứ giọng bọn con gái Toán, khô và chả khác gì ký sự cả