hihi!THxn anh Nghĩa nhiều!!Nếu em nói là em là ... thì anh Nghĩa không tin được đâu!!!hihi,...Em là 0983766070 đây..hihi!!!
Vào WTO: Lạc lõng nguy hiểm hơn lạc hậu
Chậm còn hơn không, song vì gia nhập sau nhiều nước, nên chúng ta đã phải chấp nhận những điều kiện khắt khe hơn Trung Quốc trước đây.
Nếu như không có gì bất ngờ xảy ra, đầu tháng 9/2006, Việt Nam sẽ kết thúc phiên đàm phán đa phương cuối cùng với nhóm công tác của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Gevena. Và trong phiên họp cấp bộ trưởng WTO từ 10/10/2006, Việt Nam sẽ được chấp nhận là thành viên thứ 150 của tổ chức này, kết thúc quá trình đàm phán lâu dài và khó khăn.
Đó sẽ là một bước tiến quan trọng trong cuộc trường chinh cải cách, tăng trưởng và phát triển của nước ta. Gia nhập WTO không phải là mục đích tự thân mà chỉ là phương tiện để thực hiện mục tiêu cháy bỏng của dân tộc ta là phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu.
Chậm còn hơn không, song vì gia nhập sau nhiều nước, nên chúng ta đã phải chấp nhận những điều kiện khắt khe hơn Trung Quốc trước đây. Nếu như khi bắt đầu nộp đơn năm 1995 chúng ta đã đưa ra ngay những điều kiện gia nhập hiện thực hơn thì chắc đã được chấp nhận sớm hơn, với những điều kiện ít thắt buộc hơn so với những cam kết ngày nay.
Cách đây không lâu, tại một cuộc hội thảo được tài trợ bằng tiền ngân sách ở Hà Nội, đã có diễn giả kịch liệt phê phán gia nhập WTO là “hội nhập tư bản chủ nghĩa, phải chờ đến hội nhập cộng sản chủ nghĩa hãy hội nhập”. Không biết đến lúc đó, điều kiện gia nhập sẽ còn cao đến đâu và gia nhập tổ chức nào vậy?
Gia nhập WTO là tham gia vào kinh tế thị trường thế giới được điều tiết bằng những luật chơi rõ ràng, khắt khe, đem lại những cơ hội và thách thức đều lớn. Cơ hội lớn nhất là đẩy mạnh cải cách, phát huy lợi thế cạnh tranh để tăng trưởng và phát triển có chất lượng cao và tốc độ nhanh hơn. Thách thức là phải cạnh tranh với những đối thủ mạnh hơn ngay trên thị trường trong nước, tuân thủ những quy định khắt khe và cao hơn so với trước đây.
Cơ hội và thách thức không tĩnh tại và nhất thành bất biến, không đồng đều cho mọi ngành, mọi địa phương mà là tương quan động, cơ hội và thách thức có thể chuyển hóa cho nhau. Càng chủ động, năng động, quyết tâm học hỏi, cải cách, phát huy lợi thế thì cơ hội càng lớn và thách thức càng giảm đi.
Ngược lại, thụ động, không chịu đổi mới tư duy, không biết người, biết mình, thì cơ hội hiển nhiên cũng không nắm bắt được mà thách thức sẽ ngày càng lớn và dồn dập hơn. Thắng, thua trước hết tại mình chứ không phải tại WTO vì cho đến nay, chưa có nước nào vì vào WTO mà khánh tận, phá sản và cũng chưa nước thành viên nào nạp đơn xin rút lui khỏi tổ chức này.
Gia nhập WTO, hợp tác và cạnh tranh với thế giới, rất cần một cuộc “tổng kiểm tra sức khỏe” của tất cả các ngành, các tỉnh, thành phố, của mỗi một doanh nghiệp, của từng sản phẩm, dịch vụ để biết ta đang ở đâu trên bản đồ thế giới, mặt mạnh, mặt yếu, cơ hội và thách thức ở đâu.
Giáo dục, đào tạo, khoa học-công nghệ, y tế, hệ thống an sinh xã hội, nguồn nhân lực, bộ máy nhà nước, và hệ thống chính trị, luật pháp, tòa án... tất cả đều cần một sự đánh giá cầu thị, khách quan, chính xác, đối chiếu với các cam kết và yêu cầu của WTO để “biết người biết mình” cho cuộc hội nhập này.
Và thay vì tiếp tục xây dựng kế hoạch theo cách truyền thống, xuất phát từ cái gì hiện có, chúng ta phải nghiên cứu thị trường, nghiên cứu các nhà đầu tư tiềm tàng và các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng để có quyết sách phù hợp với cơ hội và thách thức, tức là có lợi nhất cho đất nước. Có như vậy, chúng ta mới có chiến lược, chiến thuật đúng đắn trong cuộc cạnh tranh và hợp tác mới này.
Lạc hậu nói về khoảng cách về phát triển, về thời gian, tốc độ cần thiết để đuổi kịp, nhưng lạc lõng lại là nguy cơ lớn hơn và đáng nói hơn. Biết rõ khoảng cách, chỗ mạnh, chỗ yếu ta có thể có cách đi, có chính sách huy động mọi nguồn lực để rút ngắn khoảng cách. Lạc lõng là nói đến cách nghĩ, cách làm không phù hợp với thời đại và luật chơi của WTO.
Chỉ riêng mình làm theo cách “khôn nhà dại chợ” như nông dân tiêm tạp chất vào tôm cho nặng cân; doanh nghiệp vi phạm các quy định về xuất xứ hàng hóa, không tôn trọng các quy định về chất lượng, buôn lậu, trốn thuế; quan chức quyết định đầu tư, cấp ưu đãi qua quan hệ thân quen chứ không theo luật pháp... sẽ không đem lại lợi ích chân chính nào của doanh nghiệp và của đất nước.
Với cách làm lạc lõng như vậy thì lạc hậu càng xa và học phí nhập cuộc càng lớn. Phải nói rõ rằng, với nếp suy nghĩ và cách làm như vậy, với tư cách là thành viên WTO, ta chỉ tự gây khó cho chính mình chứ không thể qua mặt được thiên hạ.
Rất tiếc, cho đến nay, đối với không ít doanh nghiệp và nông dân, cách làm đó vẫn là thói quen khó từ bỏ. Song, từ bỏ những nếp nghĩ, cách làm như vậy là bước tất yếu để trở thành một nền kinh tế hiện đại.