Năm Cam và đồng bọn.

Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 11): Hành vi trục lợi của Thuyết "Buôn Vua"

Trong lần lo cho Trương Văn Cam ra khỏi trại cải tạo, Thuyết đã nhận của gia đình "ông trùm" 68.000 USD cùng chiếc đồng hồ Rolex trị giá 5.000 USD. Trong số này, đủ cơ sở khẳng định Trần Mai Hạnh, Phạm Sĩ Chiến, Nguyễn Thập Nhất... đã nhận 43.000 USD. Phần còn lại Thuyết được sử dụng.

A. Các vụ án do Trương Năm Cam và đồng bọn thực hiện

V. Các tội về chức vụ có liên quan đến hành vi phạm tội và chạy tội cho Trương Văn Cam

2. Hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi của Trần Văn Thuyết

Sau khi Trương Văn Cam và Dương Ngọc Hiệp đặt vấn đề nhờ Thuyết lo chạy tội cho Trương Văn Cam (năm 1995), Thuyết đã lợi dụng sự quen biết của mình thông qua cơ quan ngôn luận đăng đơn kêu oan của Trương Văn Cam để gây dư luận và tạo áp lực. Đồng thời đặt vấn đề với một số cá nhân có chức quyền ở các cơ quan bảo vệ pháp luật nhờ xem xét và gỡ tội cho Trương Văn Cam. Từ số tiền và tài sản nhận được của Năm Cam và Hiệp, cơ quan điều tra xác minh được Thuyết đã chi tiền cho những người sau:

- Ông Phạm Sỹ Chiến (nguyên phó viện trưởng VKSND Tối cao): Tháng 7/1996 tặng cho ông Chiến một dàn máy nghe nhạc trị giá 3.000 USD và một túi quà trị giá 2.000 USD.

- Ông Trần Mai Hạnh (nguyên tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam): 6.000 USD và một chiếc đồng hồ Omega trị giá 2.500 USD. Năm 1996, Thuyết cho ông Hạnh mượn 10.000 USD để mua nhà.

- Ông Nguyễn Thập Nhất (nguyên trưởng phòng kiểm sát giam giữ VKSND TP Hà Nội): 5.000 USD và một dàn máy nghe nhạc trị giá 4.500 USD.

- Đưa cho ông Cường (thư ký của ông Lê Thanh Đạo) 5.000 USD và gửi ông Cường để đưa cho ông Đạo 5.000 USD.

Tổng cộng Thuyết đưa cho 4 người trên 43.000 USD, số còn lại Thuyết trục lợi được 30.000 USD. Riêng số tiền 5.000 USD Thuyết khai đưa cho ông Triệu Quốc Kế (Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra), Cơ quan Cảnh sát điều tra nhận thấy việc bắt Trương Văn Cam đi tập trung giáo dục cải tạo, ông Kế không trực tiếp chỉ đạo. Hơn nữa lời khai về việc đưa tiền cho ông Kế của Thuyết và Hiệp còn mâu thuẫn, nên không đủ sơ sở kết luận. Do đó buộc Thuyết phải chịu trách nhiệm về số tiền này.

Như vậy, ngoài hành vi phạm tội đưa hối lộ, Trần Văn Thuyết còn phạm tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi, tội danh được quy định tại Điều 291 Bộ luật Hình sự (số tiền trục lợi là 30.000 USD) cần phải được xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
 
Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 12): Hành vi thiếu trách nhiệm của ông Bùi Quốc Huy

Nguyên giám đốc Công an TP HCM Bùi Quốc Huy (nguyên thứ trưởng Bộ Công an) có quan hệ thân thiết với Hồ Việt Sử (đệ tử thân tín của Năm Cam), và đã giới thiệu Sử làm ăn với Công an thành phố. Năm 1996-1997, Sử đã đưa 22.000 USD và 15 triệu đồng để ông Huy đưa vợ đi chữa bệnh ở nước ngoài.

A. Các vụ án do Trương Năm Cam và đồng bọn thực hiện

V. Các tội về chức vụ có liên quan đến hành vi phạm tội và chạy tội cho Trương Văn Cam

3. Hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của Bùi Quốc Huy

Trong quá trình làm giám đốc Công an TP HCM (từ tháng 4/1996 đến tháng 7/2001), biết Trương Văn Cam là đối tượng hình sự nguy hiểm, có nhiều hoạt động băng nhóm theo kiểu xã hội đen, thời gian hoạt động phạm tội nghiêm trọng, công khai, kéo dài trong các năm 1998-2001 nhưng ông Bùi Quốc Huy (Năm Huy) đã thiếu chỉ đạo, thiếu biện pháp điều tra có hiệu quả để tội phạm có tổ chức xảy ra trong một thời gian dài gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP HCM. Cụ thể như sau:

Tháng 7/1997, Trương Văn Cam đi tập trung giáo dục cải tạo được tha về trước thời hạn, V26 Bộ Công an thông qua điện mật số 02 ngày 27/9/1997 giao cho Công an TP HCM tiếp tục theo dõi và quản lý Trương Văn Cam. Đến tháng 1/1998, ông Năm Huy được ông Thân Thành Huyện (Ba Huyện), Phó giám đốc phụ trách cảnh sát, cho biết Trương Văn Cam là đối tượng chuyên cờ bạc từ thời ngụy. Sòng bạc do Trương Văn Cam tổ chức có đàn em canh gác nên rất khó bắt. Như vậy, ông Năm Huy đã biết Trương Văn Cam là một đối tượng hình sự chuyên nghiệp hoạt động phạm tội có tổ chức.

Lẽ ra với cương vị là Giám đốc Công an TP HCM, ông Năm Huy phải chỉ đạo các phòng ban nghiệp vụ cùng công an các quận, huyện xây dựng kế hoạch cụ thể để theo dõi, quản lý Trương Văn Cam. Nhưng ông lại chỉ giao cho quận, phường theo dõi quản lý Trương Văn Cam, không có kế hoạch cụ thể, thiếu biện pháp tổ chức, kiểm tra xem việc Trương Văn Cam có tiếp tục hoạt động phạm tội nữa hay không.

Khoảng tháng 10/1998, ông Năm Huy được bà Huyền Linh, cán bộ hưu trí ở quận 3 và một số cán bộ trong Thành uỷ cho biết hiện nay ở TP HCM có nhóm đi đòi nợ thuê, đập phá nhà cửa của con nợ nhưng không ai dám tố cáo, nghe nói đây là đàn em của Trương Văn Cam. Đồng thời có thông tin phản ánh đêm đến tại TP HCM xảy ra các vụ đâm chém nhau. Khi công an tới chúng chạy hết không bắt được ai, không biết là băng nhóm nào. Ông Bùi Quốc Huy đã giao cho ông Thân Thành Huyện (phó giám đốc phụ trách cảnh sát) và Dương Minh Ngọc (trưởng Phòng Cảnh sát hình sự) xác minh làm rõ hoạt động phạm tội của Trương Văn Cam và các băng nhóm tội phạm. Sau một thời gian chỉ đạo xác minh, ông Ba Huyện và Dương Minh Ngọc báo cáo không phát hiện thấy Trương Văn Cam hoạt động phạm tội. Sau đó, ông Năm Huy chỉ đạo ông Ba Huyện viết báo cáo gửi Thành uỷ TP HCM về kết quả này vào tháng 9/1999. Lẽ ra với cương vị là giám đốc Công an TP HCM với chức năng, nhiệm vụ của mình, ông Năm Huy phải tập trung chỉ đạo các lực lượng phù hợp và đề ra kế hoạch, biện pháp cụ thể để ngăn chặn kịp thời và điều tra, xác minh làm rõ băng nhóm hoạt động tội phạm của Trương Văn Cam. Nhưng thực tế ông Năm Huy chỉ phó mặc cho ông Thân Thành Huyện và Dương Minh Ngọc, quá tin vào cấp dưới và chỉ nghe cấp dưới báo cáo, thiếu tổ chức kiểm tra, đôn đốc xem cấp dưới thực hiện nhiệm vụ được giao làm đến đâu, tại sao không đạt kết quả, chưa chủ động đề ra biện pháp cụ thể để ngăn chặn và đấu tranh và làm rõ hoạt động phạm tội của băng nhóm Trương Văn Cam. Chính vì vậy từ năm 1997 đến cuối năm 1999, ông Năm Huy với cương vị là Giám đốc Công an TP HCM đã để băng nhóm Trương Văn Cam hoạt động tội phạm theo kiểu xã hội đen trong một thời gian dài mà không được phát hiện, xử lý.

Trong năm 2000, trên địa bàn TP HCM xảy ra hai vụ án mạng là vụ giết cảnh sát hình sự Phan Lê Sơn và vụ giết Vũ Hoàng Dung, gây dư luận xôn xao. Ông Năm Huy chỉ đạo thành lập chuyên án và giao cho ông Võ Văn Măng (tự Út Măng, phó giám đốc phụ trách cảnh sát) làm trưởng ban và một số phòng ban nghiệp vụ tham gia. Trong quá trình chỉ đạo điều tra hai vụ án trên, lẽ ra với cương vị là giám đốc, ông Huy phải tập trung thời gian nghe cấp dưới báo cáo cụ thể, thường xuyên kiểm tra công việc đã giao xem thực hiện đến đâu để đề ra các biện pháp thích hợp, huy động tổng lực các lực lượng và các biện pháp nghiệp vụ chủ động quyết đoán táo bạo trong công tác chỉ đạo, phá án để truy tìm ra Trương Văn Cam là thủ phạm của hai vụ án trên. Nhưng thực tế ông Năm Huy giao hẳn công việc này cho hai phó giám đốc, thiếu tập trung, tin cấp dưới, chỉ nghe báo cáo, thiếu tổ chức kiểm tra sâu sát công việc đã làm. Trong công tác chỉ đạo phá án, thiếu chủ động kiên quyết. Chính vì vậy kết quả điều tra khám phá hai vụ án trên kéo dài, hiệu quả không cao, để lọt tội phạm.

Trong công tác quản lý cán bộ, với chức năng nhiệm vụ của Giám đốc Công an TP HCM là phải tổ chức quản lý tốt cán bộ, chiến sĩ và bố trí, sắp xếp kiện toàn bộ máy để đủ mạnh, đảm đương và hoàn thành nhiệm vụ giữ gìn trật tự an ninh trên địa bàn TP HCM và các nhiệm vụ chính trị khác. Thực tế từ tháng 6/1996 đến tháng 7/2001, trong thời gian ông Năm Huy làm giám đốc, đã buông lỏng công tác quản lý cán bộ. Thiếu tổ chức kiểm tra sâu sát nên đã để cho nhiều cán bộ chiến sĩ ở công an các cấp thoái hoá biến chất, quan hệ với Trương Văn Cam thời gian dài mà giám đốc không nắm được. Thậm chí trong quá trình chỉ đạo đấu tranh chuyên án CD99 và hai vụ án giết Phan Lê Sơn và vụ bắn Dung Hà, ông Năm Huy đã có thông tin về một số cán bộ có biểu hiện nghi vấn trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ mà ông giao cho họ, vậy mà vẫn không tổ chức kiểm tra, xác minh kết luận để có biện pháp xử lý, ngăn chặn. Các cán bộ trên, mặc dù ông Năm Huy đã đưa ra Ban giám đốc để bàn nhưng thiếu kiên quyết xử lý hoặc điều chuyển để ngăn chặn mà vẫn sử dụng, thậm chí có trường hợp còn được bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn.

Căn cứ vào văn bản tạm thời số 110/QĐ/BNV ngày 20/12/1981 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) quy định về chức năng, nhiệm vụ của công an tỉnh, thành phố và Quyết định số 03/QĐ/CA TP HCM – PV11 ngày 10/8/1996 phân công trách nhiệm giữa giám đốc và các đồng chí phó giám đốc Công an TP HCM, thấy trong thời gian làm Giám đốc Công an TP HCM, ông Năm Huy đã không hoàn thành nhịêm vụ được giao trong công tác lãnh đạo, thiếu tập trung, phó mặc công việc cho cấp dưới, thiếu tổ chức kiểm tra sâu sát cụ thể. Trong công tác chỉ đạo đấu tranh chống tội phạm chưa chủ động, quyết đoán, còn nặng về báo cáo nên hiệu quả chưa cao, đã để băng nhóm Trương Văn Cam hoạt động tội phạm theo kiểu xã hội đen một thời gian dài, gây hậu quả rất nghiêm trọng về an ninh trật tự xã hội, làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân đối với lực lượng công an, buông lỏng công tác quản lý cán bộ, để nhiều cán bộ đảng viên vi phạm kỷ luật và pháp luật, bị Trương Văn Cam và đồng bọn lợi dụng tha hoá dẫn đến bao che tiếp tay cho hoạt động của chúng.

Hành vi trên của ông Bùi Quốc Huy đã phạm vào tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tội danh được quy định tại điều 285 BLHS.

Ngoài ra, trong quá trình điều tra có tài liệu chứng minh việc ông Năm Huy có mối quan hệ với Trương Văn Cam từ trước khi Trương Văn Cam bị đưa đi tập trung giáo dục cải tạo. Thông qua Hồ Việt Sử, Trương Văn Cam đã đến thăm ông Năm Huy hai lần. Khi Trương Văn Cam bị đưa đi tập trung giáo dục cải tạo thì Sử có dẫn Hiệp (con rể của Trương Văn Cam) đến nhờ ông Năm Huy xem xét giúp đỡ, nhưng ông Huy chỉ nói là bị bắt ở đâu thì gửi đơn ở nơi đó.

Ông Năm Huy còn có quan hệ lâu dài và thân thiết với Hồ Việt Sử, phần tử xấu từ những năm 1990. Ông đã giúp đỡ cho Sử nhập hộ khẩu ở TP HCM năm 1992. Đến năm 1996, ông Năm Huy giới thiệu cho Sử làm đối tác liên doanh Bowling với Công an TP HCM. Qua đó Sử đã cho Bùi Minh Tấn (con ông Năm Huy) vào làm phó giám đốc công ty liên doanh trên, và được trả lương rất cao. Sử còn khai năm 1996-1997 đã cho gia đình ông Năm Huy mượn tiền để mua xe và đưa bà Quế (vợ ông Năm Huy) đi chữa bệnh ở Singapore, Trung Quốc là 22.000 USD và 15 triệu đồng, đến nay chưa trả.

Hành vi trên của ông Bùi Quốc Huy có dấu hiệu của tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Nhưng với tài liệu điều tra hiện có thì mới chứng minh được yếu tố vụ lợi cá nhân, song chưa đủ căn cứ thật chắc chắn xác định yếu tố làm trái công vụ gây thiệt hại. Vì vậy để đảm bảo thận trọng, chắc chắn sẽ tiếp tục điều tra và đề nghị xử lý sau.
 
Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 13): Hành vi nhận hối lộ của Dương Minh Ngọc

Mối quan hệ thân thiết giữa nguyên trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP HCM Dương Minh Ngọc và Năm Cam được thể hiện qua việc ông này góp vốn 300 triệu đồng vào 3 nhà hàng của Năm Cam. Ngoài ra, ông Ngọc còn nhận lót tay khoảng 80 triệu đồng từ "ông trùm".

A. Các vụ án do Trương Năm Cam và đồng bọn thực hiện

V. Các tội về chức vụ có liên quan đến hành vi phạm tội và chạy tội cho Trương Văn Cam

4. Vụ nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản của Dương Minh Ngọc và Võ Quang Thắng

4.1. Hành vi nhận hối lộ của Dương Minh Ngọc

Dương Minh Ngọc được đề bạt chức vụ Phó phòng Cảnh sát hình sự Công an TP HCM từ tháng 12/1988 và bắt đầu quen Trương Văn Cam năm 1991-1992. Trong thời gian quen biết, Trương Văn Cam thường xuyên mời anh Ba Tung (tức Phan Thanh, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP HCM) và Dương Minh Ngọc đi ăn nhậu. Đến tháng 5/1998, Dương Minh Ngọc được đề bạt chức Trưởng phòng Cảnh sát hình sự. Lúc này, Trương Văn Cam đã đi cải tạo về (tháng 10/1997) tiếp tục chủ động gặp tìm Dương Minh Ngọc để củng cố mối quan hệ đã có từ trước. Đến khoảng giữa năm 1998, mối quan hệ giữa các tên Trương Văn Cam, Nguyễn Thành Thảo (Thảo "Ma"), Dương Ngọc Hiệp (Hiệp "Phò Mã") và Dương Minh Ngọc trở nên thân thiết.

Năm 1997, sau khi cải tạo về, Trương Văn Cam tiếp tục mở sòng bài tại quận 8. Khi sòng bạc hoạt động, Ngọc biết nên đã giao nhiệm vụ cho Võ Văn Tâm (Đội trưởng Đội chống tệ nạn xã hội Phòng Cảnh sát hình sự) lên phương án bắt. Võ Văn Tâm tìm gặp Trương Văn Cam và báo cho Trương Văn Cam biết việc Ngọc chỉ đạo cho bắt sòng bài quận 8. Nghe vậy, Trương Văn Cam tìm gặp Ngọc ở sân bóng Tao Đàn nói rõ cho Ngọc biết việc mở sòng bạc tại quận 8 và đặt vấn đề làm ngơ cho sòng bạc này hoạt động. Dương Minh Ngọc đồng ý và bảo Trương Văn Cam chơi cẩn thận, do đó sòng bạc này tiếp tục tồn tại và hoạt động. Vì lý do trên, Trương Văn Cam khai thường xuyên cho Ngọc tiền, mỗi lần 3-5 triệu đồng, tổng cộng khoảng 80 triệu đồng. Ngoài ra, Trương Văn Cam còn trả tiền cho Ngọc và bạn bè của Ngọc ăn nhậu nhiều lần tại nhà hàng Ra Khơi và Cánh Buồm khoảng 20 triệu đồng (BL: V8: 49-52).

Tuy nhiên quá trình điều tra, Minh Ngọc không thừa nhận việc làm ngơ cho Trương Văn Cam mở sòng bạc tại quận 8 như đã nêu trên mà chỉ thừa nhận có nhận của Trương Văn Cam 10 triệu đồng do Nguyễn Thành Thảo đưa trong năm 2001. Lần 1 nhận 5 triệu đồng tại tầng 10 nhà hàng khách sạn trên đường Hàm Nghi, lần 2 nhận 5 triệu đồng tại quán trên đường Cánh Mạng Tháng Tám (không nhớ rõ địa chỉ). Minh Ngọc cũng thừa nhận có 4-5 lần cùng bạn bè đến nhà hàng Cánh Buồm, Ra Khơi ăn nhậu, được Trương Văn Cam trả tiền khoảng 6 triệu đồng (BL: V8: 35-48).

Qua khám xét nhà Võ Văn Tâm, Cơ quan Cảnh sát điều tra thu được 1 đơn của quần chúng tố cáo sòng bài ở quận 8 và bút phê của Ngọc giao cho Tâm, nhưng Tâm không tiến hành điều tra (BL: V8: 100).

Từ những căn cứ trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra kết luận về việc Dương Minh Ngọc đã cố ý làm ngơ, bao che cho Trương Văn Cam mở sòng bài ở quận 8, được Trương Văn Cam cho 10 triệu đồng, trả tiền ăn nhậu (lợi ích vật chất khác) 6 triệu đồng, tổng cộng là 16 triệu đồng. Riêng số tiền Trương Văn Cam khai đưa cho Ngọc và “bao” cho Ngọc ăn nhậu so với lời khai của Ngọc còn mâu thuẫn. Việc đưa tiền chỉ có Ngọc và Trương Văn Cam biết nên chưa đủ cơ sở kết luận Ngọc đã nhận 80 triệu đồng và 20 triệu đồng tiền ăn nhậu mà Trương Văn Cam khai, chỉ có căn cứ xác định Ngọc nhận tiền và lợi ích vật chất khác, tổng cộng 16 triệu đồng của Trương Văn Cam thông qua Nguyễn Thành Thảo (Thảo "Ma"). Ngoài ra, Trương Văn Cam còn khai năm 1993, khi Ngọc sửa nhà tại đường 3/2, Trương Văn Cam có giúp Ngọc 10 triệu đồng nhưng chưa có cơ sở kết luận (BL: V8: 49-52).

Hành vi trên của Dương Minh Ngọc đã phạm tội nhận hối lộ, tội danh được quy định tại điểm a, khoản 3 điều 279 BLHS nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

4.2. Hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ của Dương Minh Ngọc

Để lợi dụng triệt để chức vụ quyền hạn của Dương Minh Ngọc nhằm tạo bình phong che đậy hành vi phạm tội của mình và đồng bọn. Ngoài việc Trương Văn Cam thường xuyên mời Ngọc đi nhậu, đồng thời để ràng buộc mối quan hệ giữa Ngọc và băng nhóm của mình, Trương Văn Cam còn tạo điều kiện cho Ngọc hùn vốn vào 3 nhà hàng mà Trương Văn Cam có cổ phần kinh doanh và trả lãi suất, cụ thể như:

- Tại nhà hàng Cánh Buồm (số 127 Pasteur, phường 6 quận 3, TP HCM), Trương Văn Cam cho Minh Ngọc hùn vốn 100 triệu đồng, Trương Văn Cam trả tiền lợi nhuận hằng tháng cho Dương Minh Ngọc trên cơ sở lợi nhuận kinh doanh hằng tháng nhà hàng thu được, trừ chi phí, chia theo tỷ lệ góp vốn. Thời gian chia lợi nhuận từ tháng 10/1998 cho tới ngày Trương Văn Cam bị bắt. Số lợi nhuận thu được mà Trương Văn Cam đã trả cho Ngọc khoảng 260 triệu đồng. Hiện số tiền vốn 100 triệu đồng tại nhà hàng này, Trương Văn Cam vẫn chưa thanh toán cho Minh Ngọc.

- Tại nhà hàng Ra Khơi (số 5 công trường Mê Linh, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM), Trương Văn Cam cho Minh Ngọc hùn 100 triệu đồng. Trương Văn Cam trả tiền hằng tháng cho Ngọc trên cơ sở lợi nhuận kinh doanh hằng tháng nhà hàng thu được, trừ chi phí, chia theo tỷ lệ góp vốn. Thời gian góp vốn từ tháng 6/1999 cho tới khi bị bắt, Trương Văn Cam đã trả cho Ngọc khoảng 300 triệu đồng.

- Tại nhà hàng Thanh Vy (số 146 Nguyễn Văn Trỗi, phường 8, Phú Nhuận), Trương Văn Cam cho Minh Ngọc hùn 7.000 USD (tương đương 100 triệu đồng). Thời gian hùn vốn từ tháng 7/2001, Trương Văn Cam trả tiền lời cho Ngọc hằng tháng trên cơ sở lợi nhuận kinh doanh của nhà hàng thu được trong tháng, trừ chi phí, chia theo tỷ lệ góp vốn mỗi tháng 7-8 triệu đồng. Tổng cộng từ tháng 7/2001 đến khi bị bắt, Trương Văn Cam đã trả cho Ngọc khoảng 28 triệu đồng.

Như vậy tổng số vốn Dương Minh Ngọc hùn cho Trương Văn Cam vào 3 nhà hàng nói trên là 300 triệu đồng. Ngọc đã nhận 600 triệu đồng tiền lợi nhuận hằng tháng, đều do Nguyễn Thành Thảo, đàn em Trương Văn Cam, trực tiếp giao cho Ngọc tại nhiều địa điểm khác nhau. Riêng 300 triệu đồng mà Minh Ngọc hùn vào 3 nhà hàng hiện chưa được Trương Văn Cam thanh toán trả lại cho Ngọc.

Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đã có căn cứ chứng minh trong quá trình giữ cương vị Phó phòng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Ngọc có mối quan hệ rất thân thiết với Trương Văn Cam, tên tội phạm rất nguy hiểm và đã có việc làm bao che cho băng nhóm tội phạm của Trương Văn Cam, thể hiện như sau: Tháng 7/1999, Trương Văn Cam tìm gặp Minh Ngọc đặt vấn đề nhờ giúp đỡ trường hợp của Tạ Đắc Lung (Lý "Đôi") là đàn em của Trương Văn Cam bị Công an Đồng Nai truy nã về tội tổ chức đánh bạc đang lẩn trốn tại TP HCM. Minh Ngọc đồng ý và điện thoại gặp ông Hoàng Mai (Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an Đồng Nai) trao đổi về việc đối tượng Tạ Đắc Lung ra đầu thú. Mục đích của Ngọc muốn sử dụng Tạ Đắc Lung cho công tác nghiệp vụ và yêu cầu Công an Đồng Nai giúp đỡ. Vì vậy sau khi Lý "Đôi" ra đầu thú, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai lập biên bản, ghi lời khai và hướng dẫn cho Lý "Đôi" làm thủ tục để cho gia đình bảo lãnh. Tiếp đó, Dương Minh Ngọc viết một lá thư tay gửi cho ông Hoàng Mai. Theo Nguyễn Thành Thảo khai: Minh Ngọc đưa lá thư này cho Thảo, Thảo đưa cho Lý "Đôi" mang lên Đồng Nai đưa cho một cán bộ không rõ tên nhờ chuyển cho ông Mai, nhưng Dương Minh Ngọc khai đưa thư cho một cán bộ Phòng PC14 Công an TP HCM (không nhớ tên) chuyển cho ông Mai. Nội dung thư khẳng định việc muốn sử dụng Lý "Đôi" cho công tác nghiệp vụ. Vì vậy, Phòng Cảnh sát hình sự Đồng Nai đã cho gia đình Tạ Đắc Lung bảo lãnh mà không giam giữ để xử lý. Để trừ các chi phí cho việc giao dịch này, Trương Văn Cam khai đã khấu trừ 4 tuần tiền xâu của Lý "Đôi" ở sòng bài quận 8 (nơi Lý "Đôi" góp vốn cùng Trương Văn Cam mở sòng bài) khoảng 14 triệu đồng. Tuy nhiên chưa có đủ cơ sở xác định Dương Minh Ngọc được nhận số tiền này. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thu giữ một thư tay do ông Ngọc viết gửi ông Hoàng Mai đề ngày 24/7/1999 với nội dung: “Rất cảm ơn các anh đã nhiệt tình giúp đỡ trường hợp của anh Tạ Đắc Lung. Hôm nay gia đình có làm đầy đủ thủ tục theo hướng dẫn của cán bộ lấy lời khai, trình các anh xem xét quyết định. Vì tình nghĩa, các anh xem xét, giải quyết dứt điểm trường hợp này để tôi có hướng sau này đối với anh Tạ Đắc Lung. Rất cảm ơn các anh” (BL: V8: 88).

Qua kiểm tra công tác hồ sơ nghiệp vụ tại Phòng Cảnh sát hình sự và cơ quan quản lý hồ sơ Công an TP HCM thấy không thể hiện việc sử dụng Tạ Đắc Lung cho công tác nghiệp vụ như đề nghị của Dương Minh Ngọc. Sau khi được Minh Ngọc bảo lãnh không phải truy cứu trách nhiệm hình sự, Tạ Đắc Lung tiếp tục phạm tội và đã bị bắt trong vụ đánh bạc tại sòng bài của Trương Văn Cam.

Tháng 6/1992, với cương vị là Phó phòng Cảnh sát hình sự trực tiếp phụ trách đội săn bắt cướp, Ngọc đã chỉ đạo cho chiến sĩ dưới quyền làm thủ tục tiếp nhận đối tượng Nguyễn Khánh Quốc, sinh 1961, trú tại số 25 lô A7, khu Vạn Mỹ, Hải Phòng phạm tội cướp tài sản công dân và đánh bạc, án phạt 78 tháng tù đang cải tạo tại Trại tạm giam Công an Hải Phòng, là đối tượng có lệnh truy nã bỏ trốn. Ngày 18/6/1992, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP HCM tiếp nhận, làm biên bản đầu thú ghi lời khai tên Quốc, nhưng không tạm giữ và thông báo cho đơn vị ra lệnh truy nã biết mà cho Quốc được tự do. Ngày 24/9/1992, sau 3 tháng Ngọc mới chỉ đạo cho Trương Công Hớn (Đội phó săn bắt cướp) soạn thảo công văn gửi cho PC14 Hải Phòng đề nghị xác minh lai lịch tên Quốc để Ngọc sử dụng cho công tác nghiệp vụ, công văn do Minh Ngọc duyệt nhưng sau khi Công an Hải Phòng có công văn phúc đáp và Trại tạm giam Công an Hải Phòng đề nghị đưa tên Quốc vào Trại thì lúc này Quốc đã bỏ trốn. Năm 1994, Quốc phạm tội cố ý gây thương tích bị PC14 Công an TP HCM bắt chuyển cho PC16 Công an TP HCM xử lý. Hiện nay, Nguyễn Khánh Quốc bị bắt về tội tổ chức đánh bạc trong đường dây tội phạm Trương Văn Cam. Cơ quan điều tra đã làm kháng nghị phục hồi điều tra các hành vi phạm tội của Nguyễn Khánh Quốc đã gây ra ở các thời điểm trước đây.

Hành vi của Minh Ngọc đã cấu thành tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi thành công vụ, tội danh được quy định tại điều 281 BLHS nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Số tiền thu lợi bất chính là 600 triệu đồng.

Như vậy, Dương Minh Ngọc đã phạm vào 2 tội: nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi thành công vụ, tội danh được quy định tại điều 279 và 281 BLHS.

Tuy nhiên, trong quá trình công tác, Dương Minh Ngọc đã có nhiều thành tích đóng góp cho phong trào đấu tranh bảo vệ an ninh tổ quốc và trật tự an toàn xã hội, đã được nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nên cần được xem xét giảm nhẹ trong khi xét xử.

Số đối tượng liên quan đến hành vi phạm tội của Dương Minh Ngọc như Trương Văn Cam, Nguyễn Thành Thảo, Nguyễn Khánh Quốc, Võ Văn Tâm đều đã bị khởi tố để điều tra trong vụ án đưa nhận hối lộ, nội dung vụ án đã được nêu tại phần IV - mục 1.4.

Riêng số cán bộ tham gia giải quyết trường hợp của Nguyễn Khánh Quốc theo lệnh của Dương Minh Ngọc ở Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP HCM và việc một số người giải quyết trường hợp của Tạ Đắc Lung ở PC14 Đồng Nai, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thấy lỗi sai phạm cụ thể của từng người chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nên đã có văn bản đề nghị công an các địa phương trên kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xử lý hành chính.
 
Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 14): Hành vi lạm dụng chức vụ của Võ Quang Thắng

Bằng nghiệp vụ nhà báo, nguyên phó ban thư ký tòa soạn báo Công An TP HCM Võ Quang Thắng biết được nhiều thông tin về việc kinh doanh vi phạm pháp luật của Trương Văn Cam và một số doanh nhân, nên đã "tống tiền" họ để chiếm đoạt hơn 150 triệu đồng, cùng một số yêu cầu khác.

A. Các vụ án do Trương Năm Cam và đồng bọn thực hiện

V. Các tội về chức vụ có liên quan đến hành vi phạm tội và chạy tội cho Trương Văn Cam

4. Vụ nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản của Dương Minh Ngọc và Võ Quang Thắng

4.3. Hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản của Võ Quang Thắng

Võ Quang Thắng nguyên là phó ban thư ký báo Công An TP HCM. Quá trình làm phóng viên báo Công An TP HCM, Quang Thắng được giao nhiệm vụ điều tra, viết các bài báo về đề tài chống tệ nạn xã hội trên địa bàn TP HCM. Lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, Quang Thắng đã tìm cách làm quen với một số đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật như Trương Văn Cam và các tổ chức kinh doanh có sai phạm nhằm mục đích vụ lợi cá nhân, không đấu tranh phanh phui việc làm vi phạm pháp luật mà chỉ cảnh báo, đe dọa để bọn chúng cho tiền và dẫn đi ăn nhậu, đi du lịch… cụ thể như sau:

- Năm 1989, thông qua ông Huỳnh Bá Thành (Tổng biên tập báo Công An TP HCM) Quang Thắng biết và làm quen với Trương Văn Cam.

- Năm 1993-1994, tại quán ăn ở đường Lê Quý Đôn, quận 3, TP HCM, Quang Thắng nói với Trương Văn Cam là đã có nhiều tài liệu về việc Trương Văn Cam tổ chức đánh bạc tại quận 4, TP HCM. Để Quang Thắng không viết bài đăng báo về việc tổ chức đánh bạc của mình, Trương Văn Cam thường xuyên rủ Quang Thắng, Hoàng Linh, Tư Lê và bạn bè của Quang Thắng đi nhậu tại các nhà hàng như Hoàn Mỹ (đường Trần Quang Khải, quận 3, TP HCM); Cúc Phương (đường Callmet, quận 1)… hết 20 triệu đồng. Ngoài ra Trương Văn Cam trực tiếp đưa tiền cho Quang Thắng 2 lần tại tòa soạn báo Công An TP HCM và vũ trường Cam ở quận 4, TP HCM khoảng 8 triệu đồng.

- Năm 1992 và 1993, Quang Thắng là phóng viên báo Công An TP HCM, phụ trách địa bàn Tân Bình và Phú Nhuận, Công ty Tamexco nằm trong địa bàn Quang Thắng phụ trách, do thường xuyên đến lấy thông tin và tài liệu nên Quang Thắng quen ông Huỳnh Thanh Vân và ông Võ Quang Luyến (Phó giám đốc Công ty Tamexco). Để tạo tình cảm với Quang Thắng, Công ty Tamexco đã lo cho Quang Thắng một chuyến du lịch tại Singapore thời gian 4 ngày. Chi phí vé đi - về hết 260 USD và cho 200 USD để chi phí cá nhân. Ngoài ra, trong năm 1992 và 1993, ông Luyến đưa cho Quang Thắng 2 lần tiền (Thắng đi công tác), mỗi lần 1 triệu đồng, tổng cộng là 2 triệu đồng. Và ông Huỳnh Thanh Vân đưa cho Quang Thắng mượn 5 triệu đồng để làm nhà ở Bàu Cát, Tân Bình. Nguồn tiền này là của Tamexco.

- Do Quang Thắng thường xuyên đến ăn nhậu tại nhà hàng Thanh Vy nên biết rõ một số sai phạm của nhà hàng này như kinh doanh quá giờ, có biểu hiện chứa gái mại dâm. Nếu Quang Thắng viết bài đăng báo về những vi phạm của nhà hàng Thanh Vy sẽ ảnh hưởng tới việc kinh doanh của nhà hàng nên Châu Đức Nghĩa (chủ nhà hàng) đã chỉ đạo cho bộ phận phục vụ của nhà hàng không tính tiền những lần Quang Thắng, Hoàng Linh, Tư Lê và bạn bè Quang Thắng đến nhậu trong các năm 1997, 1998 hết 3,2 triệu đồng; chi phí mua quần áo cho Quang Thắng hết 2,7 triệu đồng và các chi phí khác 10 triệu đồng. Ngoài ra các dịp Tết từ 1995 đến 1998 và 2001, Nghĩa còn cho Quang Thắng 6 triệu đồng.

- Tháng 7/1998, Trần Quốc Đạt sinh 1962 ở 15B/57 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM (chủ vũ trường Đêm Màu Hồng) mở vũ trường Đêm Màu Hồng Trong quá trình kinh doanh thường có những vi phạm như mở cửa quá giờ, khách vào chơi sử dụng thuốc "lắc"… Quang Thắng đến vũ trường đặt vấn đề cho vợ Quang Thắng bỏ mối rượu ngoại các loại với giá cao hơn so với người khác bình quân 10.000-20.000 đồng/chai, mỗi tháng bỏ khoảng 1.000 chai trong thời gian 4-5 tháng. Tháng 3/1999 Trần Quốc Đạt không cho vợ Quang Thắng bỏ mối rượu nữa nên đến tháng 5/1999 báo Công An TP HCM đăng một số bài phản ánh vũ trường Đêm Màu Hồng kinh doanh không lành mạnh. Do vậy, UBND TP HCM đã ký quyết định rút giấy phép kinh doanh, vũ trường Đêm Màu Hồng bị đóng cửa. Trong thời gian quan hệ với Quang Thắng, Đạt thường dẫn Quang Thắng và bạn bè của Quang Thắng đi ăn nhậu tại các nhà hàng 236 Lê Hồng Phong, phường 9 quận 5, TP HCM; 450 Trần Hưng Đạo, quận 5, TP HCM hết 8 triệu đồng. Vào các dịp lễ tết, anh Đạt còn cho Quang Thắng tiền và vật chất, trị giá 4 triệu đồng.

- Năm 1998, Phan Văn Chất, sinh 1962 tại 45 Đồng Khởi, quận 1, TP HCM thành lập Công ty TNHH Hoàng Thành, ngành nghề kinh doanh là xây dựng, kinh doanh các trung tâm thương mại. Do công ty mới thành lập nên Chất phải huy động vốn. Quang Thắng biết được tình hình tài chính không lành mạnh, hơn nữa cửa hàng 45 Đồng Khởi, quận 1 có buôn bán đồ cổ nên Quang Thắng nói với bạn của Chất (tên là Sơn - Việt Kiều Mỹ, làm nghề buôn bán) tại quán cà phê Boda đường Đồng Khởi, TP HCM là muốn “luộc” Chất lúc nào cũng được. Sợ nếu Quang Thắng viết bài nêu rõ sự thật về hoạt động của công ty sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của mình, Chất đã thông qua Hoàng Linh, báo Tuổi Trẻ tổ chức 1 bữa nhậu để nhờ Quang Thắng giúp đỡ. Trong thời gian quen biết Quang Thắng, Chất đã dẫn Quang Thắng và bè bạn của Thắng đi nhậu 2-3 lần hết 3,2 triệu đồng.

- Năm 1992, Phạm Quốc Hùng, sinh 1961, trú tại 193 Hùng Vương, phường 9 quận 6, TP HCM biết và quen Quang Thắng. Năm 1996, Hùng thành lập Công ty TNHH Tân Gia Đại, ngành nghề kinh doanh là xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm. Tháng 8/1997, Hùng bị Đội 8 Phòng Cảnh sát hình sự Công An TP HCM bắt giữ về tội đánh bạc, tạm giữ 9 ngày, sau đó được tha về, không bị xử lý về mặt hình sự. Tháng 10/1997, Quang Thắng điện cho Hùng đi nhậu tại nhà hàng Boda đường Nguyễn Văn Thiệp, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM với bạn của Quang Thắng. Quang Thắng nói với Hùng là Hoàng Linh, phóng viên báo Tuổi Trẻ đang tìm hiểu tài liệu về Hùng trong các lĩnh vực như tài chính, nhập lậu, đánh bài để viết bài đăng báo. Sau đó 1 tháng, Quang Thắng tổ chức cho Hùng gặp Hoàng Linh để dàn xếp sự việc trên. Do vậy, năm 1997-2000, Hùng đã trả tiền ăn nhậu cho Quang Thắng hết khoảng 40-50 triệu đồng. Năm 1999 nhân ngày sinh nhật của Thắng, tại nhà riêng của Thắng (110 Huỳnh Mẫn Đạt, quận 5), Hùng cho Quang Thắng 1 đồng hồ Rolex (chiếc đồng hồ này do người bạn ở Singapore cho nên Hùng không biết giá trị là bao nhiêu, hiện Cơ quan điều tra đã thu giữ). Hùng mua cho Quang Thắng 1 thẻ hội viên câu lạc bộ khách sạn Equatorio trị giá 3.000 USD. Ngoài ra tại nhà hàng Thanh Vy, Hùng còn cho Quang Thắng 3 triệu đồng.

Năm 1997, thông qua bạn bè, Nguyễn Minh Tâm ở 89 Lý Thường Kiệt, Tân Bình là Giám đốc Công ty Tanimex quen và biết Quang Thắng - phóng viên báo Công An TP HCM. Đến năm 1998, Quang Thắng mời anh Tâm dự tân gia nhà, anh Tâm không đi được (công tác ở Hà Nội). Anh Tâm đã điện về cho cơ quan (không nhớ điện cho ai vì đã lâu ngày) lấy một máy lạnh hiệu Figo loại 1,2 ngựa (hàng tồn kho lắp ghép không đồng bộ) đem đến mừng tân gia nhà cho Quang Thắng (trị giá khoảng 3 triệu đồng).

Tổng cộng, thời gian từ năm 1989 đến năm 1997, Quang Thắng đã nhận của 7 đối tượng gồm Trương Văn Cam, Châu Đức Nghĩa, Trần Quốc Đạt, Phạm Anh Hùng, Phan Văn Chất, Nguyễn Minh Tâm và Võ Quang Luyến tiền và vật chất gồm 1 đồng hồ Rolex, 1 thẻ VIP trị giá 3.000 USD, tổng trị giá 150 triệu đồng.

Qua đấu tranh, khai thác, Quang Thắng thừa nhận: Do Quang Thắng là phóng viên công tác tại báo Công An TP HCM nên Trương Văn Cam, Châu Đức Nghĩa và một số đối tượng khác đã tìm cách quan hệ, thường xuyên dẫn Quang Thắng đi ăn nhậu và đưa tiền, vật chất (thẻ VIP, đồng hồ Rolex của Hùng, quần áo của Nghĩa) trong các ngày lễ, tết để không tố cáo việc làm vi phạm pháp luật của họ. Lời khai của Trương Văn Cam, Châu Đức Nghĩa, Võ Quang Luyến, Trần Quốc Đạt cũng đều xác nhận có việc cho tiền và dẫn Quang Thắng ăn nhậu như đã nêu trên.

Quang Thắng là Phó ban thư ký Tòa soạn báo Công An TP HCM. Bằng nghiệp vụ của nhà báo nên Quang Thắng biết được nhiều thông tin vi phạm pháp luật của Trương Văn Cam và một số đối tượng khác. Lẽ ra Quang Thắng phải kết hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh làm rõ những vi phạm pháp luật của bọn chúng, nhưng Quang Thắng lại không làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình mà lạm dụng chức vụ quyền hạn được giao để quan hệ và đe dọa Trương Văn Cam và một số phần tử xấu trong thời gian dài để chiếm đoạt tiền và vật chất khác của bọn chúng, trị giá 150 triệu đồng. Việc làm của Quang Thắng tạo niềm tin cho Trương Văn Cam và đồng bọn, chúng cho rằng sẽ không bị vạch trần và tố cáo trên báo nên tiếp tục hoạt động phạm tội gây hậu quả rất lớn cho xã hội. Việc làm của Võ Quang Thắng đã làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan ngôn luận, cần phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Hành vi trên đây của Võ Quang Thắng đã phạm vào tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, tội danh được quy định tại khoản 3 điều 280 BLHS.

4.4. Hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ của Võ Quang Thắng

Lợi dụng chức vụ nghề nghiệp của mình, Võ Quang Thắng còn quan hệ với nhiều nhà hàng, vũ trường trong địa bàn TP HCM như Monaco, Thanh Vy, Đêm Màu Hồng để cho vợ là Dương Thanh Thủy bỏ mối rượu ngoại với giá cao hơn người khác 20.000-30.000 đồng/chai, thu lợi bất chính 60 triệu đồng. Hành vi này của Quang Thắng đã phạm vào tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tội danh được quy định tại điều 281 BLHS nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
 
Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 15): Hành vi lợi dụng chức vụ của nhà báo Hoàng Linh

Năm 1992-2001, nguyên phóng viên báo Tuổi Trẻ Hoàng Linh đã chiếm đoạt hơn 260 triệu đồng bằng việc dọa sẽ viết bài đăng báo về những hoạt động cờ bạc của Trương Văn Cam; Liên Khui Thìn (giám đốc Epco) trong kinh doanh địa ốc; Trần Nghệ Dân trong quản lý nhà hàng karaoke...

A. Các vụ án do Trương Năm Cam và đồng bọn thực hiện

V. Các tội về chức vụ có liên quan đến hành vi phạm tội và chạy tội cho Trương Văn Cam

5. Vụ lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản của Hoàng Linh

5.1. Hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản của Trương Văn Cam 75 triệu đồng và 8 chỉ vàng

Hoàng Linh sinh 1962, nguyên là phóng viên báo Tuổi Trẻ. Trong quá trình làm phóng viên, lạm dụng quyền hạn nghề nghiệp của mình, Hoàng Linh đã có các hành vi chiếm đoạt tài sản của một số cá nhân, cụ thể như sau:

Hoàng Linh quen biết Trương Văn Cam từ năm 1989 thông qua sự giới thiệu của anh Huỳnh Bá Thành (nguyên Tổng biên tập báo Công An TP HCM). Năm 1992, khi Hoàng Linh về làm tại Ban chính trị xã hội báo Tuổi Trẻ thì mối quan hệ đó trở nên thân thiết (BL: V9 T1: 53).

Theo lời khai của Trương Văn Cam: Vào khoảng giữa năm 1993, do biết Trương Văn Cam tổ chức sòng bài nên Hoàng Linh đã nói với Trương Văn Cam về việc Trương Văn Cam có đơn tố giác tổ chức sòng bài gửi tới tòa soạn báo Tuổi Trẻ, nếu không muốn bị đăng báo thì phải đưa tiền để Hoàng Linh mời Ban biên tập đi nhậu. Thấy Hoàng Linh đe dọa như trên, sợ bị đăng báo về hành vi phạm pháp của mình, Trương Văn Cam đã đưa cho Hoàng Linh 5 triệu đồng và từ đó tới tháng 10/1994, Trương Văn Cam đưa thêm cho Hoàng Linh 13 triệu đồng gồm 5 lần tiền, lần 3 triệu lần 2 triệu. Như vậy, từ giữa năm 1993 đến tháng 10/1994, Trương Văn Cam đã cho Hoàng Linh tổng cộng 18 triệu đồng (BL: V9 T1: 54, 64-65, 74, 78, 83-84, 87, 89, 91).

Tháng 10/1994, khi Trương Văn Cam mở nhà hàng Cam tại 154-158 Nguyễn Tất Thành, quận 4, sau nhiều lần đến ăn nhậu Hoàng Linh lại nói với Trương Văn Cam: nhà hàng đông khách cẩn thận có tiêu cực, coi chừng bị báo đăng. Hiểu được ý của Hoàng Linh đe dọa đòi tiền nên từ tháng 10/1994 đến tháng 5/1995, mỗi tháng Trương Văn Cam cho Hoàng Linh 3 triệu đồng, tổng cộng 8 tháng là 24 triệu đồng (BL: V9 T1: 54, 64, 74, 78, 83-84, 87, 89, 91).

Tháng 6/1995, Trương Văn Cam bị bắt tập trung cải tạo, tháng 7/1997 được tha, Trương Văn Cam nối lại quan hệ với Hoàng Linh. Đến khoảng tháng 4/2000, khi Trương Văn Cam có cổ phần tại vũ trường Monaco, Hoàng Linh nói với Trương Văn Cam có đơn tố cáo Vũ trường Monaco có hiện tượng thuốc 'lắc", mại dâm, có ý đe dọa bị đăng báo, biết Hoàng Linh lại muốn đòi tiền như trước đây, nên từ đó đến tháng 12/2000, mỗi tháng Trương Văn Cam phải cho Hoàng Linh 200 USD, tổng cộng 9 tháng là 1.800 USD. Từ năm 2001 đến khi bị bắt, Trương Văn Cam còn đưa Hoàng Linh 2 lần, mỗi lần 200 USD.

Như vậy năm 1993-2001, Hoàng Linh đã nhận của Trương Văn Cam 42 triệu đồng và 2.200 USD (tương đương 33 triệu đồng). Tổng cộng là 75 triệu đồng (BL: V9 T1: 74, 78, 83-84, 87, 89, 91).

Qua đấu tranh, Hoàng Linh đã khai nhận của Trương Văn Cam tổng cộng khoảng 70 triệu đồng gồm rất nhiều lần nên không nhớ cụ thể, trong đó thời điểm 1999-2000 cho nhiều lần, mỗi lần 200 USD. Ngoài số tiền trên, vào khoảng 1992 Hoàng Linh còn được Trương Văn Cam cho 8 chỉ vàng để trả tiền mua xe máy.

Việc đưa tiền và vàng cho Hoàng Linh được thực hiện tại nhà của Trương Văn Cam ở 107/38 Trương Định, 365 Võ Văn Tần quận 3 TP HCM, tại nhà hàng Quang Mỹ trên đường Trần Quang Khải, nhà hàng Ra Khơi, quận 1, và một số địa điểm khác (không nhớ cụ thể). Việc giao nhận tiền không có người thứ 3 chứng kiến.

5.2. Hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt 165 triệu đồng và 1 điện thoại di động của Liên Khui Thìn

Liên Khui Thìn (Giám đốc Công ty Epco) biết Hoàng Linh từ năm 1992 nhưng không quan hệ với nhau. Năm 1995, Hoàng Linh có tới Epco để gặp Liên Khui Thìn trao đổi về việc Hoàng Linh định viết một bài báo về tình hình kinh doanh địa ốc của Epco, có chiều hướng bất lợi cho công ty. Thấy vậy Liên Khui Thìn đề nghị Hoàng Linh cân nhắc khi viết bài để đảm bảo cho sự phát triển của công ty. Sau đó bài viết trên không được đăng báo (BL: V9 T1: 72-73, 93).

Liên Khui Thìn khai: Sau buổi làm việc trên do đã được nghe nói về bản chất của Hoàng Linh nên Liên Khui Thìn hiểu Hoàng Linh có ý định đe dọa, nếu không đối xử tốt đối với Hoàng Linh thì sẽ có nhiều bất lợi cho công ty. Vì vậy khoảng 2-3 ngày sau, Hoàng Linh có điện thoại đề nghị Thìn cho 1 điện thoại di động để tiện liên lạc giữa 2 bên. Thìn đã bảo anh Đinh Ngọc Tài (Phó phòng tổ chức Công ty Epco) mua 1 điện thoại di động hiệu Ericsson trị giá 15 triệu đồng đem đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ tại Lý Chính Thắng quận 3 cho Hoàng Linh. Từ đó đến tháng 3/1997 (khi vụ án Epco xảy ra) Liên Khui Thìn đã cho Hoàng Linh tiền rất nhiều lần (không nhớ số lần cụ thể) trong đó có 3 lần nhân ngày sinh nhật, thôi nôi con, tân gia của gia đình Hoàng Linh. Thìn đã cho Hoàng Linh mỗi lần khoảng 20 triệu đồng. Tổng cộng trong 2 năm 1995-1997, Thìn cho Hoàng Linh khoảng 150 triệu đồng (BL: V9 T1: 66, 72-73, 93-97, 101-102). Ngoài số tiền cho Hoàng Linh, vào các dịp lễ tết, Thìn còn thông qua Hoàng Linh cho Ban biên tập báo Tuổi Trẻ nhiều lần tiền, mỗi lần khoảng 20 triệu đồng. Tất cả số tiền đưa Hoàng Linh đều do Đinh Ngọc Tài lấy từ quỹ của Công ty Epco, trực tiếp đưa cho Hoàng Linh. Theo Thìn khai số tiền đưa cho Linh được lấy từ số tiền tiếp khách, giao dịch trích từ phần lãi cổ phần của Liên Khui Thìn, gửi tại quỹ công ty. Còn số tiền chi cho Ban biên tập báo Tuổi Trẻ lấy từ quỹ chung của Công ty Epco. Do Epco đã giải thể, các chứng từ sổ sách đã bị thất lạc nên các chứng từ liên quan đến việc chi số tiền trên Cơ quan Cảnh sát điều tra không thu giữ được. Tuy vậy chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (nguyên tổ trưởng tổ quỹ công ty) khai có nhiều lần Liên Khui Thìn cử anh Tài xuống lấy tiền dùng vào mục đích gì chị Mai không rõ, do việc lấy tiền gồm nhiều lần nên chị Mai không thể nhớ được số lượng mỗi lần là bao nhiêu (BL: V9 T1: 67, 76-77, 96-97, 99-105).

Đinh Ngọc Tài thừa nhận nhiều lần trực tiếp nhận tiền từ công ty và đưa cho Hoàng Linh như nội dung nêu trên nhưng do tiền đều được tổ quỹ gói sẵn nên Tài không thể biết được số tiền đã đưa cho Hoàng Linh là bao nhiêu (BL: V9 T1: 101-102).

Hoàng Linh khai nhận: Sau buổi làm việc với Liên Khui Thìn tại Công ty Epco cho tới khi Thìn bị bắt (đầu năm 1997), Hoàng Linh đã được Liên Khui Thìn cho 1 điện thoại di động Ericsson và nhiều lần cho tiền, do thời gian đã lâu nên Hoàng Linh không nhớ được cụ thể bao nhiêu lần nhưng tổng số tiền Hoàng Linh nhận khoảng 105 triệu đồng. Ngoài số tiền trên, từ năm 1995 đến 1997, Hoàng Linh còn nhận 4 lần tiền, mỗi lần 15 triệu đồng, tổng cộng là 60 triệu đồng do Liên Khui Thìn gửi cho ông Huỳnh Sơn Phước (Phó tổng biên tập báo Tuổi trẻ), ông Hoàng Quý (nguyên chánh văn phòng báo Tuổi trẻ), ông Huy Đức (nguyên phóng viên báo Tuổi trẻ), mỗi người 20 triệu đồng. Tuy nhiên những người trên đều không thừa nhận lời khai của Hoàng Linh (BL: V9 T1: 76-77, 119-123, 146-147).

5.3. Hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt 8 triệu đồng của anh Trần Nghệ Dân

Vào tháng 12/2001 sau khi Trương Văn Cam bị bắt, Hoàng Linh đã gặp anh Trần Nghệ Dân đồng chủ nhân nhà hàng karaoke 67 Sương Nguyệt Ánh, quận 1 yêu cầu anh Dân nếu có liên quan gì tới Trương Văn Cam thì đưa tiền để Hoàng Linh nhờ người giúp che giấu. Do Trương Văn Cam cũng thường hay đến chơi nhà hàng của anh Dân, vì vậy sợ mất uy tín ảnh hưởng đến kinh doanh, anh Dân đã phải đưa cho Hoàng Linh 3 lần tiền tổng cộng 8 triệu đồng. Hoàng Linh cũng thừa nhận đã lấy của anh Dân số tiền trên (BL: V9 T1: 79, 127).

Trong tất cả các lần nhận tiền của những người nêu trên, mặc dù Hoàng Linh không thừa nhận có mục đích uy hiếp, đe dọa họ để chiếm đoạt tiền. Nhưng căn cứ vào lời khai của những người bị hại cũng như diễn biến của sự việc thấy có đủ cơ sở kết luận từ năm 1992 đến năm 2001, lợi dụng quyền hạn của nhà báo (quy định tại luật Báo chí), thông qua các cơ quan Nhà nước, tổ chức để thu thập các thông tin có dấu hiệu tiêu cực vi phạm pháp luật hoặc các thông tin bất lợi cho các hoạt động kinh doanh của Trương Văn Cam, Liên Khui Thìn, Trần Nghệ Dân. Qua đó, bằng thủ đoạn dùng lời nói mang tính chất uy hiếp đe dọa, gợi ý sẽ viết bài, đăng báo về những hoạt động của Trương Văn Cam trong kinh doanh cờ bạc, nhà hàng, của Liên Khui Thìn trong kinh doanh địa ốc, của Trần Nghệ Dân trong kinh doanh nhà hàng karaoke để gây bất lợi cho họ, Hoàng Linh đã buộc những người trên chi tiền cho mình, qua đó đã chiếm đoạt của Trương Văn Cam 75 triệu đồng và 8 chỉ vàng, của Liên Khui Thìn 165 triệu đồng và 1 điện thoại di động trị giá 15 triệu đồng và của Trần Nghệ Dân 8 triệu đồng.

Hành vi trên của Hoàng Linh đã phạm vào tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản được quy định tại khoản 3, điều 280 BLHS năm 1999.

5.4. Hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ

Ngoài hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Hoàng Linh còn có hành vi lợi dụng nghề nghiệp báo chí để trục lợi, cụ thể như:

- Vào tháng 3/1997, sau khi viết bài báo về các hoạt động tiêu cực tại tiệm hớt tóc Gia Linh số 27 Hàm Nghi và tiệm hớt tóc Tâm đường Ngô Đức Kế, quận 1, Hoàng Linh đã được chị Đoàn Thị Minh Hương (tức Tâm) chủ 2 tiệm hớt tóc trên gặp làm quen, và đã cho Hoàng Linh 5-6 lần tiền tổng cộng là 15 triệu đồng (BL: V9 T1: 75-76, 80-81, 111).

- Vào khoảng năm 1998, Hoàng Linh đã viết 1 bài báo về việc nhập khẩu hàng hóa có lợi cho Công ty XNK nông sản, tiểu thủ công nghiệp Vũng Tàu (SINHANCO). Từ đó Hoàng Linh đã được chị Huỳnh Liên Thuận (Phó giám đốc công ty) cho 1 đồng hồ Rado trị giá 2,8 triệu đồng và nhiều lần cho tiền, mỗi lần từ 1 đến 2 triệu đồng tổng cộng khoảng 12 triệu đồng (BL: V9 T1: 75, 80, 112-113, 124).

- Từ năm 1993 đến 1996, Hoàng Linh đã nhiều lần được Phạm Huy Phước (Giám đốc Công ty Tamexco) cho tổng cộng 15 triệu đồng, Võ Quang Luyến (Phó giám đốc) cho tổng cộng 20 triệu đồng, Huỳnh Thanh Vân (Phó giám đốc) cho 5 triệu đồng và 100 USD (BL: V9 T1: 68-69, 76, 80-81).

- Từ năm 1997 đến 1998, Hoàng Linh đã được Phạm Ngọc Lâm (Giám đốc Công ty Thái Bình Dương) cho 4 lần tiền, tổng cộng 11 triệu đồng (BL: V9 T1: 60, 75, 81).

- Từ năm 1996 đến năm 2000, Hoàng Linh đã được Phan Trứ Phiêu (chủ nhà hàng 236 Lê Hồng Phong, quận 5) cho 13 lần tiền, mỗi lần 2 triệu đồng, tổng cộng 26 triệu đồng (BL: V9 T1: 79, 125-126).

Như vậy từ năm 1993 đến 2000, Hoàng Linh đã nhận của những người nêu trên tổng cộng 105 triệu đồng và 1 đồng hồ Rado. Khi được cho số tiền này, mặc dù không có hành vi uy hiếp, đe dọa, nhưng Hoàng Linh cũng hiểu rằng những người trên đều vì danh nghĩa nhà báo của Hoàng Linh mà cho tiền để gây cảm tình, tạo điều kiện thuận lợi cho họ khi Hoàng Linh thực hiện công vụ nhà báo của mình. Tuy nhận thức như vậy, nhưng vì tư lợi Hoàng Linh vẫn nhận tiền của họ. Hành vi trên của Hoàng Linh đã phạm vào khoản 2 của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tội danh được quy định tại điều 281 BLHS.

Trong thời gian gần đây, có một số ít nhà báo trong khi thực hiện nhiệm vụ được nhà nước giao phó, đã lợi dụng quyền hạn của mình có những hoạt động sai trái mang tính tiêu cực như viết bài sai sự thật, gây sức ép hạch sách, nhũng nhiễu các đơn vị, cá nhân vì mục đích tư lợi… Các hành vi tiêu cực của các nhà báo trên đã gây tác động xấu trong công luận, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan tuyên truyền của Đảng, Nhà nước. Những hành vi tiêu cực này là chỗ dựa để bọn tội phạm có tổ chức lợi dụng trong các hoạt động phạm tội của chúng.

Vì vậy hành vi phạm tội của Hoàng Linh cần phải được trừng trị nghiêm khắc để giáo dục, răn đe cho những kẻ khác.

Đối với những người đã chi tiền cho Hoàng Linh, mặc dù là người bị hại nhưng khi đưa tiền cho Hoàng Linh thì các cá nhân này đều có mục đích lợi dụng quyền hạn nhà báo và uy tín của Hoàng Linh để phục vụ cho những lợi ích cá nhân, trong đó có những hoạt động tiêu cực của mình. Vì vậy số tiền mà Hoàng Linh đã chiếm đoạt không thể trả lại cho những người bị hại mà cần phải tịch thu, sung công quỹ Nhà nước.
 
Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 16): Vụ Châu Phát Lai Em giết Đổng Chí Nam

Khi thụ lý vụ án đệ tử thân tín của Năm Cam giết người này, điều tra viên Nguyễn Minh Tuân cùng kiểm sát viên Lâm Xuân Phát đã để ngoài hồ sơ nhiều tình tiết quan trọng, làm mất hồ sơ gốc... Nhờ vậy, Lai Em thoát nạn và ung dung tiếp tục phạm tội. Hiện Nguyễn Minh Tuân được đình chỉ điều tra do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

B. Các vụ phạm tội do các đối tượng khác thực hiện

I. Vụ Châu Phát Lai Em giết Đổng Chí Nam

1. Hành vi giết người của Châu Phát Lai Em

Khoảng 12h ngày 26/12/1987, Đổng Chí Nam sinh năm 1963 tại Sài Gòn, trú tại 1/17 đường Calmett, phường 19 (nay là phường Nguyễn Thái Bình), quận 1, TP HCM là công nhân bốc xếp tại chợ cá Cầu Ông Lãnh, đòi tiền bốc xếp của chủ hàng tôm tên là Mỹ, dẫn tới có sự cãi nhau giữa Nam với chị Mỹ và anh Hùng lái xe chở hàng cho chị Mỹ (không xác định được địa chỉ của chị Mỹ và anh Hùng). Biết chủ hàng tôm là khách giao hàng thường xuyên cho chị ruột của mình là Châu Kim Hoa nên Châu Phát Lai Em đến để can thiệp, dẫn tới mâu thuẫn cãi nhau giữa Nam và Châu Phát Lai Em. Hai bên thách thức đánh nhau tay đôi nhưng được mọi người can ngăn nên cả hai cùng bỏ về nhà và lấy hung khí. Đổng Chí Nam chạy về nhà lấy 2 thanh sắt, mỗi thanh dài khoảng 80-90 cm, rồi đi đến đứng trước hẻm 88X Bến Chương Dương. Lúc đó Châu Phát Lai Em cũng từ nhà 88X (nhà của Châu Kim Hoa) trong hẻm 88X đi ra và gặp Nam ở đầu hẻm. Khi gặp Lai Em, Nam có hỏi “mày muốn chơi tay không hay có đồ” sau đó Nam vừa vứt 2 thanh sắt xuống đất thì Lai Em lao đến và dùng dao đã chuẩn bị trước đâm thẳng vào bụng Nam. Sau đó đâm liên tiếp 2 nhát nữa làm Đổng Chí Nam gục xuống đường, Lai Em bỏ chạy, trên đường bỏ chạy thì vứt con dao gần khu vực hiện trường rồi trốn khỏi nơi cư trú. Đến ngày 11/2/1988 thì bị bắt. Còn Đổng Chí Nam được mọi người đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Sài Gòn, khoảng 14h cùng ngày thì chết.

Biên bản giải phẫu tử thi Đổng Chí Nam:

- Vùng ngang rốn bên trái có 1 lỗ thủng kích thước 3x1 cm vết thương này làm thủng 1/3 phần dưới dạ dày kích thước 1,5 x 1 cm.

- Vết thương vùng nách trái khoảng liên sườn số 6, 7 kích thước 3x1 cm, vết thương này làm thủng thùy dưới phổi trái kích thước 2,5x1 cm.

- Vết thương vùng nách sau trái kích thước 3 x 1 cm; vết thương này làm thủng mặt dưới tim thất phải kích thước 1x 0,5 cm.

Nguyên nhân chết: Do thủng mặt dưới tim thất phải.

Nhân chứng Nguyễn Minh Chánh, là công nhân bốc xếp chứng kiến trực tiếp sự việc từ đầu đến cuối, có khai (lúc 14h30' ngày 26/12/1987 ngay sau khi sự việc xảy ra) “... Sau đó tôi thấy anh Nam đi đến đứng trước căn nhà 89X Bến Chương Dương (cạnh hẻm 88X Bến Chương Dương), trên tay anh Nam có cầm 1 cây sắt đặc và 1 cây sắt ống nước dài khoảng 80-90 cm. Sau đó tôi thấy anh Lai Em cũng vừa đi đến gặp mặt anh Nam, anh Nam có hỏi: mày muốn chơi tay không hay có đồ?; liền sau đó tôi thấy anh Nam bỏ 2 cây sắt xuống đất thì anh Lai Em nhào vô đánh đâm anh Nam bị lòi ruột, chảy máu, té gục xuống đường ...” (BL số: V10.T1,T3 -15,16,185). Lời khai này phù hợp với 3 vết tử thương trên người nạn nhân theo biên bản giải phẫu tử thi (BL số: V10.T1-13); phù hợp với kết luận giám định số 2447/C21 (CIII) ngày 18/6/2002 kết luận: Muốn đâm vào vùng nách trái, nách sau trái bị can phải cầm dao tay phải (phần A mục A1, BL số: V10.T4-287); phù hợp với kết quả thực nghiệm điều tra ngày 26/6/2002, quá trình thực nghiệm có điều tra viên, kiểm sát viên, giám định viên: Cũng tư thế mà Lai Em khai là bị Nam đè lên người. Lai Em cầm dao tay trái để đâm Nam, nhưng khi yêu cầu Châu Phát Lai Em đâm sang sườn trái thì bị can trả lời không thực hiện được (BL số: V10.T3-295), phù hợp với lời khai của nhân chứng Lê Thị Hương buôn bán cá tại chợ cá Cầu Ông Lãnh và có mặt hôm đó, gián tiếp nghe thấy sự việc: “...Lai Em mặc áo sơ mi, trong tay áo có giấu 1 con dao găm, khi gặp Nam ở hẻm 88X thì Lai Em có nói với Nam là: Nếu có ngon thì chơi tay đôi, sau đó Nam vứt móc sắt xuống đường Lai Em xông vào đâm Nam nhiều nhát bị lòi ruột sau đó Lai Em bỏ chạy... tôi nghe thấy mọi người kể như vậy...” (BL số: V10.T3-198,199).

Lời khai của bị can Châu Phát Lai Em không ghi ngày tháng năm 1988 và bản kết luận điều tra số: 196/PC16 - HS ngày 8/4/1988: “... Lai Em trượt chân té trên lề đường đồng thời cướp 1 con dao của một người bán buôn ngồi tại lề đường để chống cự lại Nam, và bị Nam chạy đến ôm cổ, nên Lai Em dùng dao đâm 1 nhát vào bụng Nam ... ” (BL số: V10.T1-27,28).

Bị can Châu Phát Lai Em còn khai trong các bản cung ngày 20/3; 12/4; 6/6 và ngày 26/6/2002: “... tôi bỏ chạy ... Nam phóng con dao theo nhưng không trúng... tôi vấp ngã ngửa, anh Nam lao đến đè lên người... tay trái tôi quơ được con dao của Nam, tôi (Lai Em) cầm dao tay trái đâm anh Nam nhiều nhát, sau đó hất anh Nam xuống đất và bỏ chạy... ” (BL số: V10.T3-101 đến 110). Với những tài liệu, kết quả điều tra nêu trên (lời khai nhân chứng, biên bản giải phẫu tử thi, kết luận giám định, thực nghiệm điều tra ...) đã bác bỏ hoàn toàn lời khai chối tội của bị can Châu Phát Lai Em.

Với những tài liệu đã thu thập được, có đủ cơ sở xác định Lai Em đã sử dụng dao mang theo để đâm nhiều nhát rất quyết liệt vào chỗ hiểm của Nam trong khi Nam đã bỏ hung khí để định đánh nhau tay không với tên Lai Em. Hành động giết người của Lai Em thể hiện rất rõ tính côn đồ, hung hãn của y. Hành vi của Châu Phát Lai Em đã phạm tội giết người, tội danh được quy định tại điểm g khoản 1 điều 101 BLHS năm 1985 của nước Cộng hòa XHCN VN.

Tang vật của vụ án là con dao đã bị mất nhưng với lời khai nhân chứng, bị can, biên bản giải phẫu tử thi, sổ tay trang 401 của bác sĩ pháp y Nguyễn Thanh Tuyền, kết luận giám định pháp y có thể khẳng định: Hung khí mà bị can đã sử dụng để gây án là con dao sắc nhọn có bản rộng khoảng 3 cm. Con dao thu tại hiện trường (BL số: V10.T1-11) đã được thay bằng con dao khác tại biên bản bàn giao hồ sơ và tang vật vụ án (BL số: V10.T1-12) và hai thanh sắt theo phiếu nhập, xuất và bàn giao tang vật (BL số: V10.T4-278 đến 280), nhưng hiện nay TAND TP HCM không tìm thấy (BL số: V10.T4-282) không xác định được 2 thanh sắt này có phải là tang vật của vụ án không.

2. Hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án của Nguyễn Minh Tuân

Ngày 13/2/1988 Công an quận 1, TP HCM có quyết định di lý vụ án Châu Phát Lai Em phạm tội “giết người” đến phòng PC16- Công an TP HCM để điều tra theo thẩm quyền. Nguyễn Minh Tuân là điều tra viên đã được phân công thụ lý điều tra vụ án này. Ngày 22/2/1988 Nguyễn Minh Tuân viết bản kế hoạch điều tra vụ án đã được lãnh đạo đội duyệt, sau đó tiến hành điều tra. Ngày 8/4/1988 kết luận điều tra vụ án và chuyển hồ sơ vụ án đến VKSND TP HCM đề nghị truy tố Châu Phát lai Em về tội giết người theo điều 101 khoản 3 Bộ luật hình sự năm 1985 là trường hợp phạm tội “trong tình trạng thần kinh bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân”.

Quá trình điều tra vụ án bị can Nguyễn Minh Tuân đã để ngoài hồ sơ vụ án lời khai của nhân chứng trực tiếp rất quan trọng là anh Nguyễn Minh Chánh (BL số: V10.T1-15,16). Kết luận điều tra vụ án chỉ dựa theo lời khai chối tội của bị can Châu Phát Lai Em.

Bị can Nguyễn Minh Tuân còn biết rõ con dao mà Công an quận 1 chuyển không phải là con dao mà bị can Châu Phát Lai Em đã sử dụng để gây án nhưng Nguyễn Minh Tuân vẫn chuyển cùng hồ sơ vụ án để đề nghị truy tố. Mặt khác theo phiếu nhập, xuất và bàn giao tang vật mà Nguyễn Minh Tuân chuyển đến TAND TP HCM gồm: 1 con dao và 2 thanh sắt nhưng trên kết luận điều tra vụ án chỉ thấy nêu tang vật là 1 con dao (biên bản thu hồi tang vật tại hiện trường ngày 26/12/1987 cũng chỉ có 1 con dao).

Các hành vi trên đây của Nguyễn Minh Tuân đã dẫn đến làm sai lệch bản chất của vụ án. Mặc dù Tuân vẫn thảo kết luận điều tra đề nghị truy tố Châu Phát Lai Em, nhưng lại trên cơ sở hồ sơ đã bị làm sai lệch theo hướng không phạm tội như đã nêu trên. Bị can Nguyễn Minh Tuân đã thừa nhận việc làm sai phạm của mình (BL số: V10. T3-133). Mặc dù thừa nhận sai phạm của mình nhưng Nguyễn Minh Tuân không thừa nhận có tiêu cực trong việc này, chỉ thừa nhận việc làm sai phạm của mình là do điều tra không thận trọng, cẩu thả, trình độ non kém.

Hành vi trên của Nguyễn Minh Tuân đã phạm vào tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, tội danh được quy định tại khoản 2 điều 236 BLHS 1985 của nước CHXHCNVN.

3. Hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của Lâm Xuân Phát

Ngày 25/4/1988 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM chuyển kết luận điều tra cùng toàn bộ hồ sơ vụ án đến VKSND TP HCM đề nghị truy tố Châu Phát Lai Em về tội giết người. VKSND TP HCM đã giao cho kiểm sát viên Lâm Xuân Phát kiểm sát điều tra vụ án này.

Ngày 08/10/1988 ông Nguyễn Văn Bông (Phó viện trưởng) ký lệnh tạm tha số 106/KSĐT-TA đối với bị can Châu Phát Lai Em về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Ngày 31/12/1988 cũng chính ông Bông ký quyết định đình chỉ điều tra vụ án, bị can.

Sau khi vụ án được đình chỉ điều tra, Lâm Xuân Phát đã không chuyển giao hồ sơ vụ án cho bộ phận tổng hợp để chuyển lưu giữ, dẫn tới mất toàn bộ hồ sơ vụ án (hồ sơ chính và hồ sơ kiểm sát điều tra). Xác minh tại VKSND TP HCM thấy sổ lưu kho hồ sơ tạm đình chỉ điều tra, đình chỉ điều tra từ năm 1976 đến 1994 không thấy thể hiện hồ sơ vụ án này được đưa vào lưu kho (BL số: V10.T4-313 đến 318). Xác minh tại VKSND TP HCM thì được biết toàn bộ hồ sơ vụ án đã bị mất. Mặc dù bị can Lâm Xuân Phát khai đã giao lại hồ sơ vụ án này cho văn thư của Phòng kiểm sát điều tra án trị an là chị Hải (chị Hải hiện nay đang định cư tại Mỹ), nhưng Phát cũng thừa nhận là không có cơ sở nào xác định hồ sơ Phát đã giao lại cho văn thư của phòng, toàn bộ hồ sơ vụ án bị mất trách nhiệm thuộc về Phát.

Bị can Lâm Xuân Phát còn khai: Khi được phân công thụ lý kiểm sát điều tra, sau khi nghiên cứu hồ sơ và kết luận điều tra, Lâm Xuân Phát đã viết đề xuất với nhận thức là Châu Phát Lai Em có dấu hiệu của tội “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”. Nay được điều tra viên cho xem lại bản kết luận điều tra vụ án này còn lưu lại thì thấy nạn nhân không có hành vi tấn công bị can, như vậy đã để lọt tội giết người đối với bị can Châu Phát Lai Em. Mặc dù thời gian đã lâu, nhưng rõ ràng việc để mất hồ sơ gốc của vụ án và cả hồ sơ kiểm sát đã dẫn đến rất nhiều vấn đề tồn tại trong quá trình giải quyết vụ án này, đến nay không thể giải đáp được.

Hành vi trên của Lâm Xuân Phát đã phạm vào tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tội danh được quy định tại khoản 2 điều 220 BLHS 1995 của nước CHXHCNVN.

Đối với ông Nguyễn Văn Bông (nguyên phó viện trưởng VKSND TP HCM) đã ký lệnh tạm tha và quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, bị can như nêu ở trên. Đến nay mất hồ sơ gốc nên không xác định được là dựa vào cơ sở nào mà ông Bông đã thay đổi tội danh từ tội “giết người” (Điều 101 BLHS năm 1985) sang tội “giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 102 BLHS năm 1985) rồi sau đó ký quyết định đình chỉ điều tra về tội “giết người” còn tội “giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” thì không thấy kết quả xử lý. Vì hồ sơ gốc đã mất, do đó không có cơ sở để xác định mức độ sai phạm của ông Bông trong việc đình chỉ đối với bị can Châu Phát Lai Em.

Việc để lọt tội giết người của Châu Phát Lai Em (một đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, tay chân thân tín của Trương Văn Cam), hắn tiếp tục có điều kiện thực hiện các việc phạm tội khác trong thời gian dài, làm mất ổn định trật tự xã hội trên địa bàn rộng lớn, ảnh hưởng lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Hậu quả mà bọn chúng đã gây ra là đặc biệt nghiêm trọng.
 
Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 17): Vụ Châu Phát Lai Út cố ý gây thương tích

Châu Phát Lai Út đã cùng đồng bọn gây ra hai vụ chém anh Trần Văn Minh và Trát Minh Dũng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Phong (nguyên là Viện trưởng VKSND quận 1) đã can thiệp để đình chỉ điều tra vụ án. Hiện ông Phong đã bị truy tố về tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội.

B. Các vụ phạm tội do các đối tượng khác thực hiện

I. Vụ Châu Phát Lai Em giết Đổng Chí Nam

II. Các vụ cố ý gây thương tích của các đối tượng khác

1. Châu Phát Lai Út cố ý gây thương tích (dùng dao chém Trần Văn Minh và Trát Minh Dũng)

1.1. Hành vi cố ý gây thương tích

a. Châu Phát Út và đồng bọn chém Trần Văn Minh ngày 10/8/1999

Sau khi tổ chức tội phạm của Trương Văn Cam và đồng bọn bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt giữ, ngày 31/1/2002 Trần Văn Minh (thường gọi Minh "Cuội"), sinh 1963, trú tại 152/1, đường Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, quận 7, TP HCM làm đơn tố cáo Châu Phát Út, đã nhờ đồng bọn chém gây thương tích cho Minh vào tối 10/8/1999 tại quán Cà phê 3B, bến Chương Dương. Trước đây, Minh không dám tố cáo vì khiếp sợ thế lực của anh em nhà Châu Phát Lai Em (Lai Em là anh ruột Châu Phát Út và là tay chân thân cận của Trương Văn Cam) cụ thể vụ việc như sau:

Do có sự cãi nhau giữa Lân là con trai của Châu Phát Lai Anh (Lai Anh là anh ruột của Châu Phát Út) và Hòa là em trai của Trần Văn Minh, Minh đã nói lại sự việc này với Châu Phát Út nên dẫn tới Út bực tức với Minh. Khoảng 20h ngày 10/8/1999, Châu Phát Út đến quán “BARCONKET” (sau đổi thành nhà hàng Hoàng Hôn), thì gặp Nguyễn Trần Lam (Lam là bạn tù trước đây với Út ở trại Xuyên Mộc) và Đinh Tuấn Huy (bạn của Lam) cùng Châu Phát Lai Em ngồi uống rượu, được một lát thì Út đứng lên chửi “đù mẹ đù cha” và đến kéo Lam đứng dậy, Lam kéo Huy đi theo. Út đi 1 xe máy chạy trước, Lam đi xe mô tô L.A chở Huy chạy theo sau. Đi đến chợ cá Cầu Ông Lãnh Út dựng xe bên lề đường và đi vào nhà em rể tên là Của (hiện Của đã chết), Của đưa cho Út 1 thanh kiếm rồi Út đi ra và đưa kiếm cho Huy cầm, lúc này Lam và Huy biết là đi đâm chém ai đó. Út lên xe chạy trước Lam chở Huy chạy theo sau, đi một đoạn đến quán 3B Bến Chương Dương thấy Trần Văn Minh đang ngồi uống cà phê với một số người, Út chỉ tay vào Minh và nói: “chém chết mẹ thằng mặc áo xanh cho tao”. Ngay lúc đó, Huy cầm kiếm lao vào chém Minh, Minh giơ tay trái lên đỡ thì bị thương ở tay rồi bỏ chạy, Huy đuổi theo mấy mét chém tiếp nhưng không trúng, Huy chạy lại chỗ Lam đang chờ. Xe không nổ máy nên Huy phải đẩy khoảng 100 m thì xe nổ máy. Lam chở Huy cầm kiếm ngồi sau bỏ chạy đến đầu đường Nguyễn Công Trứ (cửa Công ty SAIGON SHIP) thì dừng lại và Lam gọi điện thoại cho Út nhưng không gặp. Sau khi gọi điện cho Út không được, Lam nói Huy giấu chiếc kiếm ở bồn hoa trước cửa Công ty SAIGON SHIP rồi chở Huy về nhà mình thuê ở 600 Lê Quan Định ngủ. Châu Phát Út lúc đó đã chạy xe về nhà thay quần áo khác và ra HTX bốc xếp bến Chương Dương để làm việc. Trần Văn Minh được mọi người đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình điều trị.

Khoảng 2 tuần sau Lam gặp Út, sau đó Út có rủ Lam, Huy đi nhậu và “bao chơi gái” chứ Út không cho tiền Lam và Huy.

Trần Văn Minh điều trị tại bệnh viện khoảng 20 ngày thì về nhà. Châu Phát Lai Em tới thăm Minh và có ý đe dọa nếu như Minh làm đơn tố cáo với công an. Châu Phát Út cũng tới thăm và đưa cho Minh 2 triệu đồng. Vì lo sợ thế lực của gia đình Châu Phát Lai Em, nên trước đây Minh không dám tố cáo như đã nêu ở trên. Vợ Trần Văn Minh có đơn trình bày tổng số tiền điều trị cho Minh là: 9,2 triệu đồng (BL số: V11.T2 -195).

Gia đình Đinh Tuấn Huy tự nguyện bồi thường cho gia đình Minh 2 triệu đồng nhưng chị Phượng (vợ Trần Văn Minh) không nhận (BL số:V11.T3 - 454)

Lời khai nhận tội của các bị can Út, Lam, Huy, Lời khai của Minh (bị hại) và lời khai nhân chứng phù hợp với nội dung sự việc nêu trên (BL số:V11.T2 -119 -121; 153 - 160; 168-171; 179-180).

Do đã quá lâu nên đến nay chiếc kiếm không thu hồi được, nhưng với lời khai nhận của các bị can và lời khai của bị hại, nhân chứng có đủ cơ sở xác định hung khí mà các bị can sử dụng để gây án là 1 thanh kiếm dài khoảng 80 cm, rộng 5 cm, mũi nhọn (BL số: V11.T2 - 172,173).

Bản kết luận giám định y pháp số 2284/C21 (CIII) ngày 18/6/2002 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an kết luận thương tích của Minh: Cứng các khớp liên đốt ngón trỏ, giữa, nhẫn và út bàn tay trái, tỷ lệ thương tật là: 27% (BL số: V11.T2- 133 -139).

b. Châu Phát Út dùng dao chém Trát Minh Dũng đêm 21/11/2000 tại chợ cá Cầu Ông Lãnh

Khoảng 2h30' ngày 21/11/2000 tại chợ cá Cầu Ông Lãnh, quận 1, tên Châu Phát Út và anh Trát Minh Dũng, sinh 1970, trú tại 81/65 Bến Chương Dương, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM cùng là công nhân bốc xếp thuộc hợp tác xã số 1 Bến Chương Dương đang làm việc. Tên Út có nói với Trát Minh Dũng: Mày làm ở trong chợ hay ngoài đường?; anh Dũng trả lời: Làm ở đâu thì cùng là làm. Hai người cãi nhau, anh Dũng có đẩy làm Út ngã vào chậu cá, Út đứng dậy bỏ đi còn anh Dũng tiếp tục làm việc. Sau vài phút anh Dũng nghe có người kêu, liền quay lại thì thấy tên Út đang vung dao lên chém mình, Dũng đưa tay phải lên đỡ, tên Út chém liên tục anh Dũng 3 nhát, sau đó vứt dao tại hiện trường, rồi bỏ đi và trốn khỏi nơi cư trú, đến ngày 14/2/2001 tới Công an phường Cầu Ông Lãnh tự thú. Còn anh Dũng được mọi người đưa đi cấp cứu và điều trị tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình thành phố.

Bản kết luận giám định y pháp số 1632/TT.OO ngày 15/12/2000 của tổ chức giám định pháp y - Pháp y tâm thần TP HCM kết luận: tỷ lệ thương tật 31% vĩnh viễn.

Sau khi Cơ quan điều tra có kết luận điều tra vụ án đề nghị truy tố Út thì VKSND quận 1 lại trưng cầu giám định lại. Bản giám định y pháp số 33/2001/GĐYP ngày 25/5/2001 của tổ chức giám định pháp y Trung ương khu vực phía Nam kết luận: Liệt thần kinh trụ bàn tay phải, có ảnh hưởng chức năng bàn tay phải một phần, tỷ lệ thương tật là 22% vĩnh viễn.

Xét thấy việc giám định thương tích của Dũng có nghi vấn nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã trưng cầu giám định lại. Bản kết luận giám định pháp y số 2283/C21(CIII) ngày 18/6/2002 của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận: Tỷ lệ thương tật của Trát Minh Dũng là 31% (BL số: V11.T3 -243 -256).

Mặc dù không thu hồi được con dao mà tên Út đã sử dụng để gây án nhưng lời khai của nạn nhân phù hợp với lời khai nhận của Châu Phát Út là đã sử dụng con dao dùng để chặt cá dài khoảng 40 cm, rộng 10 cm, đầu vuông, cán gỗ chém anh Dũng (BL số: V11.T3 -225,229,234,264,267,269,273,276), mặt khác thương tích để lại trên người nạn nhân đủ cơ sở xác định hung khí mà tên Út sử dụng là con dao dài khoản 40 cm, rộng 10 cm, cán gỗ.

Chi phí điều trị vết thương là 4 triệu đồng, gia đình Châu Phát Út đã bồi thường cho anh Dũng.

Xét nhân thân Châu Phát Út là đối tượng rất côn đồ: vừa mới mãn hạn tù 17 năm về tội giết người, mới được tha vào cuối năm 1998, thì Lai Út liên tiếp gây ra 2 vụ án trên. Điều đó thể hiện Lai Út là kẻ rất coi thường pháp luật, sẵn sàng đâm chém người khác dù là thân quen và với lý do rất đơn giản.

Hành vi của Châu Phát Út đã phạm vào tội cố ý gây thương tích, tội danh được quy định tại khoản 4 điều 104 BLHS nước Cộng hòa XHCN VN.

1.2 Hành vi không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội của Nguyễn Bá Phong

Ngày 18/4/2001 Công an quận 1 TP HCM có kết luận điều tra vụ án nêu trên, chuyển VKSND quận 1 đề nghị truy tố bị can Châu Phát Út về tội cố ý gây thương tích, nhưng Nguyễn Bá Phong (nguyên là Viện trưởng VKSND quận 1) đã từng bước chỉ đạo và đến ngày 23/7/2001 thì đình chỉ điều tra vụ án, bị can cụ thể như sau:

Ngày 15/2/2001 Nguyễn Bá Phong trực tiếp nhận “đơn xin bãi nại” (bản photo) không ghi ngày tháng năm 2001 của Trát Minh Dũng, “đơn xin bảo lãnh” của Châu Kim Hoa (chị ruột của Châu Phát Út) và công văn đề nghị của HTX bốc xếp số 1 bến Chương Dương do Châu Phát Lai Em (anh ruột của Châu Phát Út) đưa. Các đơn này không được vào sổ đơn thư của VKSND quận 1. Ngay sau khi nhận đơn Nguyễn Bá Phong đã có ý kiến chỉ đạo trên “đơn xin bãi nại”: "Cố ý gây thương tích do lỗi của người bị hại trước. Nay đã có đơn bãi nại, nếu thương tích không trầm trọng (11%) thì phân loại xử lý đề nghị công an hủy bỏ biện pháp ngăn chặn” (BL số: V11.T3 - 418). Trong khi đó Cơ quan điều tra chưa chuyển hồ sơ đến VKSND quận 1 mà hôm sau 16/2/2001 Công an quận 1 mới chuyển hồ sơ đề nghị phê chuẩn lệnh tạm giam đối với bị can Châu Phát Út. Mặt khác lúc này kết luận pháp y xác định thương tích nạn nhân là 31% vĩnh viễn. Nguyễn Bá Phong đã yêu cầu anh Nguyễn Thủy Chung là cán bộ tổng hợp đưa hồ sơ vụ án này cho Phong, rồi sau đó đến ngày 21/2/2001 Phong đã giao trực tiếp cho kiểm sát viên Đinh Duy Hưng (BL số: V11.T3 - 433), mặc dù chức năng giao vụ án này cho cấp dưới để kiểm sát điều tra là trách nhiệm của ông Lê Mạnh Quân (Phó viện trưởng phụ trách án hình sự).

Sau khi Công an quận 1 chuyển kết luận điều tra cùng hồ sơ vụ án đến VKSND quận 1 như nêu ở trên, thì ngày 15/5/2001 Phong lại trực tiếp nhận “đơn xin cứu xét giám định lại vết thương” của bị hại, đơn của Châu Kim Hoa và công văn của hợp tác xã bốc xếp số 1 cũng do Châu Phát Lai Em đưa và cũng không được vào sổ văn thư của viện. Nguyễn Bá Phong không chuyển đơn cho ông Lê Mạnh Quân để xem xét giải quyết hoặc chỉ đạo kiểm sát viên yêu cầu Cơ quan điều tra làm rõ để trả lời bị hại mà lại có bút phê chỉ đạo kiểm sát viên Đinh Duy Hưng làm quyết định trưng cầu giám định lại thương tật theo yêu cầu của người bị hại (BL số: 422). Thực hiện ý kiến của Phong, kiểm sát viên Đinh Duy Hưng đã làm quyết định trưng cầu lại. Sau khi có kết luận giám định pháp y như nêu trên, Nguyễn Bá Phong chỉ đạo kiểm sát viên Đinh Duy Hưng viết đề xuất cho Châu Phát Út tại ngoại. Theo sự chỉ đạo của Phong, ngày 30/5/2001 kiểm sát viên Đinh Duy Hưng có phiếu đề xuất: “cho bị can Châu Phát Út tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú” và trình ông Lê Mạnh Quân, ông Quân đã có bút phê: “bị can phạm tội thuộc khoản 2 điều 104 BLHS (có tính chất côn đồ và dùng hung khí nguy hiểm), mặt khác có tiền án thuộc tội đặc biệt nghiêm trọng, báo cáo Viện trưởng quyết định”. Cùng ngày Nguyễn Bá Phong có ý kiến chỉ đạo: “...không có hành vi côn đồ... tính chất nguy hiểm không lớn. Do đó có thể truy tố ở khoản 1. Tuy nhiên cần xin ý kiến Phòng kiểm soát xét xử trước khi quyết định xử lý... duyệt hủy bỏ biện pháp tạm giam...” (BL số: V11.T3 -425).

Ông Đinh Duy Hưng, viết dự thảo công văn gửi Phòng kiểm sát điều tra VKSND TP HCM để báo cáo vụ án và xin đường lối xử lý, ngày 16/7/2001 ông Quân đã ký “đồng ý’’ và Nguyễn Bá Phong có sửa một vài ý trên bản thảo này (BL số: V11.T3 - 426). Nhưng sau đó Nguyễn Bá Phong lại quyết định không cần báo cáo VKS thành phố nên văn bản này không được phát hành và chỉ đạo ông Đinh Duy Hưng làm quyết định đình chỉ điều tra vụ án, bị can để ông Lê mạnh Quân, ký như đã nêu ở trên. Theo quy định án đình chỉ điều tra cuối tháng phải báo cáo và chuyển hồ sơ lên VKS cấp trên để kiểm tra, nhưng hồ sơ vụ án này sau khi đình chỉ không được chuyển VKS thành phố để kiểm tra.

Lời khai của bị can Nguyễn Bá Phong:

Bị can khai nhận: Việc nhận đơn do Châu Phát Lai Em đưa không qua sổ sách văn thư của cơ quan là không đúng quy định của ngành (BL số:V11.T3- 302, 303). “Có đơn do Lai Em đưa từ đó tôi mới cho giám định lại Trát Minh Dũng và cho tạm tha Châu Phát Út sau đó đã đình chỉ điều tra vụ án” (BL số: V11.T3 - 314,315). Nguyễn Bá Phong cũng thừa nhận con dao mà Châu Phát Út sử dụng để gây án là hung khí nguy hiểm (BL số: V11.T3 - 310). Nguyễn Bá Phong còn thừa nhận người chịu trách nhiệm về việc đình chỉ điều tra vụ án, bị can Châu Phát Út là Phong (BL số: V11.T3 -294, 295, 315).

Lời khai của ông Đinh Duy Hưng:

Khi nhận được đơn của người bị hại, có bút phê chỉ đạo của Nguyễn Bá Phong ngày 15/2/2001 do Phong đưa, ông Hưng biết vụ án này Nguyễn Bá Phong có quen biết với người nhà của bị can Châu Phát Út, cụ thể hôm Phong nhận đơn là do Châu Phát Lai Em đưa (BL số: V11.T3 - 329, 334, 353, 357). Ông Đinh Duy Hưng còn khai Nguyễn Bá Phong chỉ đạo ông Hưng vụ án này từ đầu đến khi đình chỉ điều tra (BL số: V11.T3 - 333). Ông Hưng khai tiếp: Ngày 30/5/2001, khi anh Lê Mạnh Quân có ý kiến phải truy tố ở khoản 2 điều 104 như bút phê trên phiếu đề xuất, nhưng thấy Nguyễn Bá Phong ngay từ đầu đã đề nghị công an hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đối với Châu Phát Út nên quan điểm của ông Hưng thiên hướng theo Phong (BL số: V11.T3 - 329,330).

Lời khai của ông Lê Mạnh Quân:

Quan điểm từ trước cho đến nay là phải truy tố Châu Phát Út, như bút phê ngày 30/5/2001 (BL số: V11.T3 - 425), nhưng ông Quân ký quyết định đình chỉ điều tra vụ án, bị can là phải chấp hành theo ý kiến của Viện trưởng vì theo nguyên tắc “thủ trưởng chế” của ngành kiểm sát. Ông Lê Mạnh Quân cũng thừa nhận sai phạm của mình là không đấu tranh kiên quyết đối với Nguyễn Bá Phong và lẽ ra sau khi chấp hành quyết định của viện trưởng thì phải báo cáo lên lãnh đạo cấp trên nhưng không báo cáo (BL số: V11.T3 - 367).

Không những đã cố tình để lọt tội của tên Út, Nguyễn Bá Phong còn có văn bản cản trở khi Công an quận 1 lập hồ sơ đề nghị đưa Châu Phát Út đi cơ sở giáo dục bắt buộc năm 2001, cho rằng Út không thuộc đối tượng đưa đi cơ sở giáo dục. Chính vì vậy tên Út tiếp tục lộng hành cho đến khi băng nhóm Trương Văn Cam bị triệt phá (BL số: V11.T3 - 431,432).

Hành vi trên của Nguyễn Bá Phong đã phạm vào tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội, tội danh được quy định tại điểm b, khoản 2, điều 294 BLHS.

Đối với ông Lê Mạnh Quân và kiểm sát viên Đinh Duy Hưng đã có hành vi sai phạm, nhưng vì là cấp dưới phải chấp hành theo ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Đến nay đã thành khẩn kiểm điểm nhận rõ những sai phạm của mình, xét thấy không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự, ngày 24/7/2002 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có công văn số 1066/C16 -C3 ngày 24/7/2002 gửi VKSND Tối cao đề nghị xử lý nghiêm khắc về hành chính đối với ông Quân và ông Hưng.
 
Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 18): Lê Duy Long dùng dao chém người tại Hà Nội

Khi uống rượu tại Halecub (Hà Nội), Lê Duy Long đã to tiếng với hai bạn nhậu Nguyễn Văn Đức và Nguyễn Văn Thảo. Trên đường về, Long đã "mượn" dao thái phở ở quán bên đường, đến phục sẵn ngã ba Tống Duy Tân để chém ngang mặt Đức và vào tay Thảo.

B. Các vụ phạm tội do các đối tượng khác thực hiện

II. Các vụ cố ý gây thương tích của các đối tượng khác

2. Lê Duy Long cố ý gây thương tích (dùng dao chém Nguyễn Đăng Đức và Nguyễn Văn Thảo tại ngã ba Tống Duy Tân - Trần Phú, Hà Nội)

Khoảng 22h ngày 19/8/2001, Lê Duy Long (Long Tây) ngồi uống rượu với Nguyễn Xuân Trường, sinh năm 1974, trú tại 28 tổ 7, Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội; Vũ Đình Thi, sinh 1974 trú tại 31B Phạm Ngũ Lão, Phạm Ngũ Lão, Hải Dương và một người bạn của Thi (chưa xác định được) tại quán Haleclub ở 64 Nguyễn Du, Hà Nội. Trong lúc uống rượu, Trường điện thoại rủ Nguyễn Đăng Đức (sinh 1969, trú quán 16 Hàn Thuyên, Hai Bà Trưng, Hà Nội), Nguyễn Văn Thảo (sinh 1972, trú tại 13 Thanh Miến, Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội là bạn của Trường) đến uống rượu. Quá trình uống rượu, Long say nên có hành vi đập phá cốc chén của quán. Anh Thảo và Đức can ngăn Long không cho đập phá, Long thôi không đập phá nữa nhưng rất tức Thảo và Đức.

Khoảng 1h30' ngày 20/8/2001, Đức và Thảo đi ra ngã 3 Tống Duy Tân - Trần Phú ngồi ăn phở, Long, Trường, Thi về sau. Trường có nói với Long say rượu thì về nhà nghỉ, còn Trường, Thi và bạn của Thi ra ngã ba Tống Duy Tân - Trần Phú gặp Thảo và Đức xin lỗi thay Long. Long ra gọi xe taxi Matiz để đi về, trên đường về Long nảy sinh ý định chém Đức và Thảo. Long đã vào quán bên đường lấy trộm 1 con dao (loại dao thái phở) rồi lên ôtô ra ngã ba Tống Duy Tân - Trần Phú. Thấy Đức, Thảo, Trường, Thi đang ngồi ăn phở, Long cởi áo vắt lên tay che dao và xuống đi bộ vào hàng phở. Bất ngờ Long dùng dao chém anh Đức 1 nhát ngang mặt gây thương tích, sau đó cầm dao bỏ chạy thì bị Trường và Thảo đuổi theo. Long cầm dao chém tiếp anh Thảo bị rách da tay và bỏ trốn. (BL: V12.T1: 49-53)

Ngày 18/12/2001, Long đến Công an quận Hoàn Kiếm tự thú khai báo thành khẩn hành vi phạm tội của bản thân và bồi thường thương tích cho anh Nguyễn Đăng Đức. Anh Đức có đơn đề nghị không truy tố đối với Long, còn anh Thảo bị rách da tay không yêu cầu bồi thường thương tích nên Công an quận Hoàn Kiếm đã áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Ngày 21/12/2001, do yêu cầu điều ra khai thác mở rộng vụ án, bị can Long có mối quan hệ đặc biệt với một số đối tượng có liên quan trong vụ án Trương Văn Cam do Bộ Công an đang chỉ đạo điều tra nên Công an quận Hoàn Kiếm ra lệnh bắt tạm giam Lê Duy Long (có phê chuẩn của VKSND quận Hoàn Kiếm).

Về thương tích của bị hại Nguyễn Đăng Đức, tại giấy chứng nhận thương tích số 89 ngày 10/9/2001 của Viện răng hàm mặt Hà Nội xác định: Có 1 vết thương trên mũi dài 7 cm xuyên thấu suốt chiều cao thóp mũi. Tại bản giám định y pháp số 939/01 ngày 4/10/2001 của tổ chức Giám định pháp y Trung ương kết luận tỷ lệ thương tật là 30%. (BL:V12 T1: 19-20)

Về thương tích của bị hại Nguyễn Văn Thảo, tại giấy chứng thương số 85 ngày 21/9/2001 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba xác định: Có vết thương rách da kẽ ngón 1,2 tay trái kích thước 0,7x2,5 cm. Cơ quan Cảnh sát điều tra yêu cầu anh Thảo đi giám định tỷ lệ thương tật nhưng anh Thảo từ chối giám định. (BL:V12 T1-21)

Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra, Lê Duy Long thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và tự nguyện bồi thường cho anh Nguyễn Đăng Đức mà số tiền anh Đức có đơn yêu cầu là 10 triệu đồng. Anh Đức đã nhận đủ 10 triệu và có đơn đề nghị không truy tố đối với bị can Long. Đối với bị hại Nguyễn Văn Thảo không yêu cầu bồi thường thương tích, chỉ đề nghị xử lý bị can Long theo quy định của pháp luật.

Nguồn gốc con dao sử dụng gây án là do Long lấy tại một quán phở mà Long không nhớ được ở phố nào, do đó không xác định được chủ sở hữu. Sau khi gây án, Long đã vứt con dao trên đường bỏ chạy, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tổ chức truy tìm nhưng không thu hồi được (BL: V12 T1-51).

Hành vi trên của Lê Duy Long đã phạm vào tội cố ý gây thương tích, tội danh được quy định tại khoản 2 điều 104 BLHS.
 
Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 19): Vụ cố ý gây tích tại quán Tân Hải Vân

Nguyễn Tuấn Hải đã dùng 3 đĩa thức ăn ném vào Lê Quang Hiếu gây thương tích nặng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 1, TP HCM chỉ khởi tố Hải về tội gây rối trật tự công cộng. Nhưng trong lúc điều tra vụ án Năm Cam, nhận thấy có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã truy tố Hải về tội cố ý gây thương tích.

B. Các vụ phạm tội do các đối tượng khác thực hiện

II. Các vụ cố ý gây thương tích của các đối tượng khác

3. Nguyễn Tuấn Hải cố ý gây thương tích (dùng đĩa đựng thức ăn đập vào đầu anh Lê Quang Hiếu tại quán ăn Tân Hải Vân, đường Nguyễn Trãi, Bến Thành, quận 1, TP HCM)

Hồi 0h30' ngày 24/5/2001, trước quán ăn Tân Hải Vân (đối diện quán Dìn Ký, số 139 Nguyễn Trãi, Bến Thành, quận 1), Nguyễn Tuấn Hải (sinh 1967, trú tại 36 Hàng Cót, Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội) ngồi chờ đồ ăn cùng với 3 thanh niên là Nguyễn Toàn Thắng (sinh 1975, ngụ 66/3 Phó Đức Chính, Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM), Nguyễn Tiến Minh (anh của Thắng, sinh 1965) và Phạm Chung Thành (sinh 1973, đối tượng sống lang thang). Lúc đó, anh Lê Quang Hiếu (sinh 1974, ngụ 364/8A Cộng Hoà, phường 13, Tân Bình) từ quán ăn Dìn Ký đi bộ băng qua gặp Thành. Do có mâu thuẫn với nhau từ trước, Hiếu đã đấm làm Thành ngã xuống đất, tiếp theo Hiếu đá một cái vào ngực anh Thành. Lúc này, Nguyễn Toàn Thắng đứng dậy can ngăn không cho Hiếu đánh nữa và Thành bỏ chạy vào quán ăn Tân Hải Vân. Thắng can ngăn và đưa Hiếu về quán ăn Dìn Ký.

Nguyễn Tuấn Hải đi tới bàn chén đĩa nấu ăn của quán Dìn Ký lấy 3 cái đĩa, đến cách chỗ Hiếu đứng 1,5 m, Hải ném mạnh vào vùng trán bên trái của Hiếu. Bạn của Hiếu đưa Hiếu vào Bệnh viện sài Gòn cấp cứu, khâu vết thương.

Sau khi đánh Hiếu, Nguyễn Tuấn Hải cùng Thắng, Minh và Thành đi về quán Hoạ Mi trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Chiều 24/5/2001, Nguyễn Tuấn Hải trốn ra Vũng Tàu. 21h ngày 29/5/2001, Nguyễn Tuấn Hải trở về TP HCM và bị bắt tại quán karaoke trên đường Nguyễn Biểu, quận 5. (BL: V13-T1: 35-42)

Tại bản giám định pháp y số 732/TT.01 ngày 29/5/2001 của tổ chức Giám định pháp y tâm thần TP HCM kết luận: “Lê Quang Hiếu có 3 vết thương rách da vùng trán đỉnh trái, sẹo 2 cm - 2 cm - 1cm, tỷ lệ thương tật toàn bộ 0,5% vĩnh viễn”. (BL: V13-T1: 30)

Qua đấu tranh, khai thác, Nguyễn Tuấn Hải đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội nêu trên, phù hợp với lời khai nhân chứng, bị hại và tài liệu mà Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thu thập được.

Căn cứ vào tài liệu chứng cứ đã thu thập được đã có đủ cơ sở kết luận Nguyễn Tuấn Hải (Nguyễn Tuấn Hải) phạm tội cố ý gây thương tích, có tính chất côn đồ hung hãn, tội danh được quy định tại điểm i, khoản 1, điều 104 BLHS.

Ngày 1/6/2001, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 1, TP HCM đã khởi tố Nguyễn Tuấn Hải về tội gây rối trật tự công cộng. Ngày 10/8/2002, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thay đổi tội danh đối với Nguyễn Tuấn Hải từ tội gây rối trật tự công cộng sang tội cố ý gây thương tích để kết luận và nhập vào vụ án Trương Văn Cam đề nghị xét xử chung.
 
Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 20): Nguyễn Minh Khánh cưỡng đoạt tài sản

Từ tháng 1/2001 đến tháng 2/2002, Nguyễn Minh Khánh đã buộc anh Nguyễn Minh Đức, chủ khách sạn Minh Thắng (số 53/1 Nguyễn Khắc Nhu, Cô Giang, quận 1, TP HCM) giao 109,5 triệu đồng tiền bảo kê. Số tiền cưỡng đoạt này, Khánh dùng để hút chích ma túy và tiêu xài.

B. Các vụ phạm tội do các đối tượng khác thực hiện

III. Các vụ cưỡng đoạt tài sản

Trong quá trình điều tra vụ án Trương Văn Cam cùng đồng bọn phạm tội, Cơ quan Cảnh sát điều tra nhận được rất nhiều đơn thư và điện thoại của quần chúng nhân dân tố cáo hành vi cưỡng đoạt tài sản của một số tên (đàn em của Trương Văn Cam) trên nhiều địa bàn ở TP HCM, bằng các hình thức bảo kê nhà hàng, vũ trường, các khu vực chợ và trung tâm buôn bán lớn. Thủ đoạn của bọn chúng là quậy phá, đánh đập bắt người dân ở những nơi này phải đưa tiền hoặc đáp ứng các yêu cầu khác của chúng. Đây là một hiện tượng phức tạp đang diễn ra tại một số tụ điểm của TP HCM. Qua điều tra, Cơ quan điều tra đã có đủ cơ sở kết luận hành vi cưỡng đoạt tài sản của một số đối tượng, cụ thể như sau:

1. Hành vi cưỡng đoạt tài sản của Nguyễn Minh Khánh

Sau khi nhận được đơn của anh Nguyễn Minh Đức, chủ khách sạn Minh Thắng (số 53/1 Nguyễn Khắc Nhu, Cô Giang, quận 1, TP HCM) tố cáo Nguyễn Minh Khánh (Khánh "Bà Mì") đến quậy phá khách sạn, yêu cầu anh Đức hằng tháng phải đưa tiền bảo kê. Từ tháng 1/1996 đến tháng 2/2002 anh Đức đã phải đưa cho Khánh mỗi tháng 1,5 triệu đồng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành điều tra thu thập các tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của Nguyễn Minh Khánh. Kết quả điều tra nay có đủ cơ sở kết luận Nguyễn Minh Khánh phạm tội cưỡng đoạt tài sản:

- Bị can Hứa Văn Em đang bị khởi tố về tội tổ chức đánh bạc khai: Vào một buổi sáng khi Hứa Văn Em đang ngồi ăn sáng, uống nước với Châu Phát Lai Em ở ngã tư đường Ký Con - Nguyễn Công Trứ, quận 1 thì thấy Nguyễn Minh Khánh đến xin phép Châu Phát Lai Em cho thu tiền bảo kê khách sạn Minh Thắng mỗi tháng 5 triệu đồng. Lai Em không đồng ý mà chỉ cho Khánh thu mỗi tháng 1,5 triệu đồng vì khách sạn Minh Thắng là của Nguyễn Minh Đức (em vợ của Hứa Văn Em). Sau đó Hứa Văn Em về nói lại việc này với anh Đức về nội dung Khánh xin Lai Em thu tiền bảo kê khách sạn Minh Thắng. Từ đầu năm 1996 đến tháng 2/2002, hằng tháng anh Đức đều phải đưa cho Khánh 1,5 triệu đồng. (BL: V14 T6: 190-191, 199-200, 794-797)

- Châu Phát Lai Em khai: Vào cuối năm 1995, Lai Em được Hứa Văn Em cho biết hiện khách sạn Minh Thắng của anh Đức là em vợ của Hứa Văn Em bị Nguyễn Minh Khánh đến quậy phá đòi tiền bảo kê và nhờ Lai Em can thiệp. Một hôm khi Lai Em đang ngồi ăn sáng, uống nước với Hứa Văn Em thì Nguyễn Minh Khánh đến, khi đó Lai Em có mắng Khánh rồi để cho Hứa Văn Em và Khánh trao đổi với nhau. Về nội dung trao đổi, Lai Em khai vì đã lâu nên Lai Em không nhớ. (BL: V14 T6: 801)

- Anh Tuấn, anh Thạch, anh Đông là nhân viên bảo vệ khách sạn Minh Thắng xác định có biết việc Nguyễn Minh Khánh đến nhận tiền bảo kê hằng tháng; tháng 2/2002 anh Đông vẫn thấy Khánh đến nhận tiền bảo kê. (BL: V14 T6: 182-185; 798, 799)

Qua đấu tranh khai thác bị can Nguyễn Minh Khánh, sinh 1968 là đối tượng nghiện hút, sống lang thang ở lầu 5, lô C, chung cư Cô Giang, Cô Giang, quận 1, TP HCM cũng thừa nhận đã cưỡng đoạt tài sản của anh Đức và xác định việc anh Đức tố cáo là đúng đồng thời đã khai nội dung diễn biến vụ việc như sau (V14 T6: 789, 791-793): Vào cuối năm 1995 Khánh thấy có một số khách đến ăn nghỉ tại khách sạn Minh Thắng, do đó Khánh đã đến yêu cầu chủ khách sạn phải chi tiền bảo vệ hằng tháng, nếu không Khánh sẽ tìm cách ngăn cản không cho khách vào nghỉ ở khách sạn Minh Thắng. Khi Khánh đang “quậy” thì thấy Châu Phát Lai và một số thanh niên đi xe máy đến và yêu cầu sáng hôm sau đến quán nước ở đường Ký Con để bàn. Theo hẹn sáng hôm sau, Khánh đến quán nước này thì thấy Châu Phát Lai Em đang ngồi uống nước với Hứa Văn Em, khi đó Châu Phát Lai Em có hỏi Khánh tại sao đến khách sạn Minh Thắng quậy phá. Khánh nói vì không có việc làm nên muốn vào làm “bảo vệ” khách sạn; sau đó thấy Hứa Văn Em có nói là sẽ về bảo anh Đức chủ khách sạn mỗi tháng đưa cho Khánh 1,5 triệu đồng, do đó mỗi tháng Khánh đã đến nhận 1,5 triệu đồng; tháng 2/2002 Khánh vẫn đến khách sạn để nhận tiền (BL: V14 T6: 786-788). Còn việc Khánh khai đến xin làm bảo vệ là lời khai chống chế để chối tội. Số tiền cưỡng đoạt của anh Đức, Khánh đã dùng để hút chích ma túy và tiêu cá nhân.

Như vậy, bằng việc đến khách sạn quậy phá, đe dọa bắt buộc khách sạn phải chi tiền bảo kê mà trong suốt thời gian 73 tháng kể từ tháng 1/2001 đến tháng 2/2002, Nguyễn Minh Khánh luôn đến nhận tiền bảo kê mỗi tháng 1,5 triệu đồng, tổng số tiền mà Khánh đã nhận được là 109,5 triệu đồng.

Quá trình điều tra xác định Châu Phát Lai Em đã có sự can thiệp vào hành vi cưỡng đoạt tài sản của Khánh "Bà Mì" nhưng chưa xác định được Lai Em chủ mưu hoặc cùng tham gia và ăn chia số tiền đã cưỡng đoạt với Khánh nên chưa có đủ cơ sở kết luận Châu Phát Lai Em phạm tội cưỡng đoạt tài sản cùng với Nguyễn Minh Khánh về hành vi này.

Hành vi cưỡng đoạt tài sản của Nguyễn Minh Khánh tại khách sạn Minh Thắng diễn ra trong thời gian dài, liên tục, thể hiện sự coi thường pháp luật gây bất bình trong quần chúng nhân dân, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương cần phải được xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Hành vi của Nguyễn Minh Khánh đã phạm tội cưỡng đoạt tài sản, tội danh được quy định tại khoản 2, điều 135 Bộ luật hình sự nước Cộng hòa XHCN VN.
 
Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 21): Hành vi cưỡng đoạt tài sản của Đỗ Đạt Giang

Lợi dụng vị thế của Năm Cam, Đỗ Đạt Giang đã đe dọa cưỡng đoạt căn nhà 21/15A đường Trường Sơn của chị Nguyễn Thanh Tuyền, 5 lượng vàng của bà Nguyễn Thị Ngọc Nương; 100 triệu đồng của chị Lê Thị Hồng Ngọc, 30 triệu đồng của anh Lâm Hưng Quốc.

B. Các vụ phạm tội do các đối tượng khác thực hiện

III. Các vụ cưỡng đoạt tài sản

2. Hành vi cưỡng đoạt tài sản của Đỗ Đạt Giang

Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã nhận được đơn của chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền tố cáo Đỗ Đạt Giang cưỡng đoạt của chị căn nhà số 21/15A đường Trường Sơn; đơn của bà Nguyễn Thị Ngọc Nương (mẹ của chị Tuyền) tố cáo Đỗ Đạt Giang đã cưỡng đoạt 5 lượng vàng và cưỡng đoạt của chị Tuyền căn số 21/15A đường Trường Sơn. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành điều tra thu thập tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của Giang. Đến nay đã có đủ cơ sở kết luận Đỗ Đạt Giang phạm tội cưỡng đoạt tài sản bởi các căn cứ cụ thể như sau (BL: V14 T2: 198, 200-202):

2.1. Hành vi cưỡng đoạt căn nhà 21/15A đường Trường Sơn

- Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền đã khai: Năm 1996, chị Tuyền có quen biết với Đỗ Đạt Giang. Năm 1997 Tuyền đã thuê căn nhà số 21/15A đường Trường Sơn của anh Trần Huy Hoan để ở và đã sinh sống với Giang ở đây như vợ chồng (BL: V14 T2: 204). Năm 1998, chị Tuyền đã mua lại căn nhà này với giá 52 lượng vàng. Toàn bộ quá trình giao dịch, mua bán, Tuyền đều trực tiếp làm việc với anh Hoan, giấy tờ mua bán căn nhà này do anh Hoan viết cũng chỉ ghi bán căn nhà này cho Tuyền (BL: V14 T2: 206-208), nhưng sau đó Đỗ Đạt Giang đã nhiều lần đánh Tuyền, bắt Tuyền phải ghi thêm tên Giang vào trong giấy mua bán. Khi Tuyền về nhà mẹ đẻ ở, giấy tờ căn nhà này Tuyền gửi bà Nương (mẹ của Tuyền), nhưng Giang đã đến đe dọa ép bà Nương phải giao toàn bộ giấy tờ nhà cho Giang rồi bắt Tuyền phải viết giấy cam kết không tranh chấp căn nhà này với Giang (BL: V14 T2: 205, 208). Quá trình mua bán căn nhà này Giang chỉ tham gia ở giai đoạn cuối là khi đến hạn phải thanh toán số tiền còn thiếu, lúc đó Tuyền không có tiền nên đã nhờ anh Hoan giới thiệu đến vay tiền của anh Chí ở 198 đường Trần Quốc Thảo, phường 7 quận 3 với lãi suất 3%/tháng. Lúc đầu anh Chí chưa đồng ý cho vay, sau đó mấy ngày anh Chí mới đồng ý. Khi đi đến nhà anh Chí để hỏi vay tiền thì có Giang đi cùng và khi đến nhận tiền của anh Chí, Giang cũng đi cùng và Giang trực tiếp viết giấy vay tiền của anh Chí thay cho Tuyền (BL: V14 T2: 207, 221). Xác minh lời khai của Tuyền kết quả như sau:

- Anh Trần Huy Hoan, chủ căn nhà 21/15A đường Trường Sơn xác định chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền là người trực tiếp mua căn nhà 21/15A đường Trường Sơn với giá 52 lượng vàng, đã trả đủ tiền cho anh Hoan. Mọi quan hệ mua bán và thanh toán tiền đều do Tuyền trực tiếp, riêng chỉ có lần cuối cùng khi đi vay tiền của anh Chí để trả cho anh Hoan thì Giang có tham gia và là người ký giấy vay tiền của anh Chí. Anh Hoan khẳng định giấy mua bán căn nhà này chỉ có anh Hoan và Tuyền ký chứ không có Giang, còn hiện nay tại sao giấy mua bán này lại có Giang ký thì anh Hoan không rõ. Lời khai này phù hợp với lời khai của Tuyền về việc Giang bắt Tuyền phải để Giang ký thêm vào giấy mua bán (BL: V14 T2: 222-230).

- Anh Bùi Quốc Chí ở 198 Trần Quốc Thảo, phường 7, quận 3 xác định: Anh Hoan là người dẫn Tuyền và Giang đến nhà anh Chí hỏi vay tiền để trả cho anh Hoan. Khi anh Hoan cho Tuyền và Giang vay 7 lượng vàng thì Giang là người viết giấy vay tiền của anh Chí với lãi suất 3%/tháng. Sau khi vay thì chị Tuyền là người đã trả tiền lãi cho anh Chí. Hết thời hạn vay anh Chí đã đòi nhiều lần thì Giang mới trả được 5 lượng vàng, còn nợ 2 lượng vàng, nhưng khi trả thì anh Chí thấy bà Nương (mẹ của Tuyền) là người mang vàng đến giao cho anh Chí. Cụ thể hôm đó Giang hẹn anh Chí đến nhà Giang để Giang trả tiền. Theo hẹn, anh Chí đến nhà Giang nhưng khi đến thì Giang chưa có tiền trả, đợi một lúc sau thấy có một người phụ nữ mang đến 5 lượng vàng giao cho anh Chí. Khi đó, Giang cho anh Chí biết người này là bà Nương mẹ của Tuyền, anh Chí thấy Giang hỏi bà Nương là sao không mang hết, thì bà Nương nói chỉ vay được có vậy (BL: V14 T2: 235,236).

- Bà Nguyễn Thị Ngọc Nương là mẹ của Tuyền cũng có đơn tố cáo Đỗ Đạt Giang cưỡng đoạt của Tuyền căn nhà 21/15A đường Trường Sơn (BL: V14 T2: 198), và trình bày là khi Tuyền bị Giang đánh đập nhiều nên không sống với Giang ở căn nhà 21/15A đường Trường Sơn nữa mà bỏ về ở với bà Nương. Khi về Tuyền có đem theo giấy tờ căn nhà này và gửi bà Nương giữ hộ, nhưng sau đó Giang đã đến đe dọa, ép bà Nương phải giao cho Giang giấy tờ căn nhà này, Giang đe dọa nếu không đưa Giang sẽ cho nổ mìn căn nhà của bà Nương đang sống. Do quá sợ hãi nên bà Nương đã phải giao giấy tờ cho Giang. Trước lúc Giang đến ép bà Nương phải giao giấy tờ nhà thì chị Thủy là chị của Giang có đến nhà bà Nương để gặp Tuyền bàn bạc việc thanh toán tiền hụi, nên đã chứng kiến (BL: V14 T2: 238, 239).

- Đỗ Thị Thu Thủy là chị của Giang xác định có chơi hụi với Tuyền, do đó có đến nhà bà Nương để gặp Tuyền nhưng Tuyền không có nhà. Sau đó chị Thủy thấy Giang đến nhà bà Nương, nhưng đến làm gì, có trao đổi gì không thì chị Thủy không nhớ (BL: V14 T2: 240).

- Anh Nguyễn Văn An là người hàng xóm ở cạnh nhà 21/15A đường Trường Sơn khai chính anh An là người giới thiệu để Tuyền mua căn nhà 21/15A của anh Hoan. Khi chị Tuyền giao tiền lần đầu cho anh Hoan thì được anh Hoan và Tuyền mời sang chứng kiến. Anh An thấy Giang thường đánh Tuyền, nhưng khi đánh Tuyền thì cửa nhà đều đóng kín, mọi người không vào được để can ngăn, nên không biết Giang đánh thế nào mà chỉ nghe thấy tiếng kêu la của chị Tuyền. Thời gian Tuyền bỏ đi không ở với Giang nữa thì thấy Tuyền càng bị đánh nhiều hơn, khi chị Tuyền bỏ đi không sống với Giang nữa thì chị Tuyền có sang nhà anh An nói cho vợ chồng anh An biết là bị Giang đánh đập quá nhiều nay không thể sống chung với Giang được nữa mà về nhà mẹ đẻ ở. (BL: V14 T2: 233, 234)

- Đấu tranh với Đỗ Đạt Giang thì Giang ngoan cố không thừa nhận hành vi này và khai chính Giang là người đã bỏ tiền ra mua căn nhà này. Mọi quan hệ mua bán với anh Hoan đều do Giang trực tiếp quan hệ còn Tuyền chỉ là người đi cùng với Giang, ở giai đoạn cuối khi Giang đến vay tiền của anh Chí để trả cho anh Hoan. Lời khai của Giang không đúng với lời khai của anh Hoan về việc bán nhà cho Tuyền và không phù hợp với lời khai của anh An là người đã chứng kiến khi Tuyền thanh toán tiền cho anh Hoan (BL: V14 T2: 145,146,161,162,169). Hơn nữa, Đinh Văn Được là anh rể của Giang cũng khai Giang hoàn toàn không có tiền, khi Giang ăn ở với Tuyền như vợ chồng thì mọi chi phí trong cuộc sống đều dựa vào Tuyền vì Tuyền có chồng ở nước ngoài thường gửi tiền về cho Tuyền (BL: V14 T2: 254-256). Lời khai này của Được phù hợp với lời khai của Tuyền về việc này.

Với các căn cứ nêu trên thấy có đủ cơ sở kết luận: Nguyễn Thanh Tuyền là người đã mua căn nhà 21/15A đường Trường Sơn của anh Trần Huy Hoan. Giai đoạn cuối, Giang mới đi cùng với Tuyền và anh Hoan đến nhà anh Chí vay vàng và đã thay Tuyền ký giấy vay vàng của anh Chí. Việc Giang ép buộc Tuyền phải để Giang ký thêm vào giấy mua bán nhà, ép lấy toàn bộ giấy tờ nhà và sau đó lại bắt Tuyền viết giấy cam kết không được tranh chấp căn nhà để chiếm đoạt đã cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản. Sau khi đã chiếm đoạt được căn nhà này thì anh Chí đến đòi số vàng mà Giang và Tuyền đã vay để trả anh Hoan, nên Giang đã phải trả anh Chí 5 lượng vàng. Như vậy thực tế số vàng đã trả cho anh Hoan là 52 lượng, trong đó có 7 lượng của anh Chí. Sau đó Giang đã phải trả cho anh Chí 5 lượng. Do đó xác định giá trị tài sản của Tuyền mà Giang đã chiếm đoạt là 45 lượng vàng.

2.2. Hành vi cưỡng đoạt tài sản 5 lượng vàng của Nguyễn Thị Ngọc Nương

- Bà Nguyễn Thị Ngọc Nương có đơn tố cáo Đỗ Đạt Giang cưỡng đoạt của bà Nương 5 lượng vàng. Cụ thể vào năm 1997 Nguyễn Thanh Tuyền và Nguyễn Thị Ngọc Xuân là con gái của bà Nương chung nhau mua căn nhà số 129/3 Lê Lợi, phường 3, quận Gò Vấp, lúc đó chìa khóa căn nhà này do Tuyền giữ (khi đó Giang và Tuyền vẫn đang sống với nhau). Sau đó bà Nương đã mua lại căn nhà này và đã làm đầy đủ các giấy tờ sang tên cho bà Nương (đã thu bản photocopy giấy tờ mua bán, sang tên căn nhà này cho bà Nương). Khi bà Nương muốn bán căn nhà này thì Giang gây khó khăn không cho bán và không trả lại bà Nương chìa khóa căn nhà này. Giang yêu cầu bà Nương phải đưa cho Giang 10 lượng vàng thì Giang mới trả chìa khóa và không gây khó khăn nữa. Lúc đầu bà Nương không đồng ý, nhưng sau đó do cần bán nhà và sợ Giang gây khó khăn nên bà Nương đã chấp nhận mang 5 lượng vàng đến nhà Giang giao cho Giang. Khi đến bà Nương thấy trong nhà Giang còn có hai người đàn ông nữa nhưng bà Nương không biết đó là ai. (BL: V14 T2: 238, 239)

- Anh Bùi Quốc Chí khai: Sau nhiều lần đến đòi số vàng mà Giang và Tuyền đã vay thì vào một hôm Giang hẹn anh Chí đến nhà để Giang trả vàng cho anh Chí. Theo hẹn anh Chí đến nhà Giang nhưng khi đến thì Giang chưa có tiền trả, đợi một lúc sau thấy có một người phụ nữ mang đến 5 lượng vàng giao cho anh Chí, khi đó Giang cho anh Chí biết là bà Nương (mẹ của Tuyền), anh Chí thấy Giang hỏi bà Nương là sao không mang hết, thì bà Nương nói chỉ vay được có vậy. (BL: V14 T2: 236)

Căn cứ vào các tài liệu nêu trên thấy có đủ cơ sở kết luận Giang đã cưỡng đoạt của bà Nương 5 lượng vàng.

2.3. Hành vi cưỡng đoạt 30 triệu đồng của anh Lâm Hưng Quốc

- Nguyễn Thanh Tuyền khai: Vào 1998, do quen biết với anh Lâm Hưng Quốc nên anh Quốc có nhờ chị Tuyền làm giúp hồ sơ hoàn công xưởng dệt, anh Quốc đã đưa cho Tuyền 100 triệu đồng. Tuyền đã nhờ anh Thức và anh Vinh làm giúp với thỏa thuận là Tuyền sẽ trả 40 triệu đồng, Tuyền đã ứng trước cho anh Vinh 10 triệu, ứng cho anh Thức 15 triệu đồng để làm các giấy tờ hoàn công. Đến năm 1999 thì anh Thức và Vinh mới làm xong giấy tờ hoàn công (khi đó Tuyền đã không còn ở chung với Giang tại 21/15A đường Trường Sơn nữa). Khi anh Thức và Vinh mang hồ sơ hoàn công đến trả thì không có Tuyền ở đó nữa nên anh Vinh và Thức đã giao hồ sơ này cho Giang. Lợi dụng việc này Giang đã buộc anh Quốc phải đưa cho Giang 30 triệu đồng nữa thì Giang mới giao hồ sơ cho anh Quốc. (BL: V14 T2: 211, 212, 216-220)

- Anh Trần Quang Vinh và anh Vũ Huy Thức khai: Vào năm 1998 Vinh có nhận làm cho Tuyền hồ sơ hoàn công xưởng dệt của anh Quốc (bạn của Tuyền) với giá 40 triệu đồng. Vinh về giao cho anh Thức làm một phần việc với giá 30 triệu đồng, còn Vinh làm một phần với giá 10 triệu đồng. Tuyền đã đưa cho Vinh đủ 10 triệu đồng, còn đưa cho Thức bao nhiêu thì Vinh không biết. Khi làm xong hồ sơ thì Thức và Vinh mang hồ sơ đến nhà 21/15A đường Trường Sơn để giao hồ sơ cho Tuyền nhưng không gặp được Tuyền, Giang nói Tuyền đã bỏ đi không có nhà. Do anh Thức và anh Vinh đã biết Giang từ trước và tưởng Giang và Tuyền là 2 vợ chồng nên đã giao hồ sơ cho Giang (BL: V14 T2: 168). Khi giao hồ sơ, anh Thức yêu cầu phải đưa thêm 15 triệu đồng nữa vì anh Thức mới chỉ nhận 15 triệu đồng. Khi đó Giang chỉ đưa trả 10 triệu đồng và nói thế là đủ nên Thức và Giang cãi nhau, thấy Giang không sòng phẳng nên anh Vinh đã bỏ thêm ra 5 triệu đồng để trả anh Thức cho đủ số tiền 15 triệu đồng mà anh Thức yêu cầu. (BL: V14 T2: 276- 283)

- Anh Lâm Hưng Quốc khai: Vào năm 1998 anh Quốc có nhờ Tuyền làm giúp hồ sơ hoàn công xưởng dệt với tiền công và chi phí là 100 triệu đồng, số tiền này anh Quốc đã đưa đủ cho Tuyền. Anh Quốc đã nhiều lần đến nhà yêu cầu làm sớm, nhưng mãi đến năm 1999 hồ sơ mới làm xong. Khi anh Quốc đến để yêu cầu trả lại hồ sơ thì Giang nói Tuyền đã bỏ đi, hồ sơ hoàn công Giang đang giữ và yêu cầu anh Quốc phải đưa cho Giang thêm 30 triệu đồng nữa thì Giang mới giao hồ sơ. Vì cần lấy hồ sơ này nên anh Quốc đã phải chấp nhận đưa cho Giang 30 triệu đồng. (BL: V14 T2: 273- 275, 311, 312)

Căn cứ vào các tài liệu nêu trên thấy: Khi anh Thức và anh Vinh mang bộ hồ sơ hoàn công đến trả lại thì Tuyền không còn ở với Giang nữa. Lợi dụng việc này Giang đã bỏ ra 10 triệu đồng trả anh Thức để nhận lại bộ hồ sơ này, rồi sau đó ép buộc anh Quốc phải đưa cho Giang 30 triệu đồng.

2.4. Hành vi cưỡng đoạt 100 triệu đồng của chị Lê Thị Hồng Ngọc

Chị Lê Thị Hồng Ngọc khai: Giang biết gia đình chị Ngọc mở quán ăn Tân Hải Vân ở số 162 đường Nguyễn Trãi, thì cứ đến khoảng 23 giờ, Giang lại đến ngồi ở quán nói là đến để giúp, nhưng thực tế Giang chỉ ngồi ở đó mà không làm gì khiến cho gia đình chị Ngọc và những người làm việc ở quán này rất khó chịu nhưng không dám nói gì. Chị Ngọc thường từ quán về nhà rất khuya, nên Giang đã đe dọa là đi đường rất hay bị cướp hoặc bị giật đồ rồi qua đó lấy cớ đưa chị Ngọc về để nhận tiền hằng tháng. Theo chị Ngọc khai lần đầu chị Ngọc đã đưa cho Giang 50 triệu đồng để Giang mua xe máy và lấy vốn làm ăn, sau đó cứ khoảng 7 đến 10 ngày chị Ngọc lại đưa cho Giang 1 triệu đồng. Thời gian bắt đầu đưa tiền cho Giang là từ khoảng cuối năm 2000 cho đến tháng 8 năm 2001 thì chị Ngọc đuổi không cho Giang đến quán nữa vì khi đó chị Ngọc nghe nhiều khách đến chơi nói Giang là người xấu. Khi đuổi không cho Giang đến quán, chị Ngọc có bảo Giang nếu làm quá thì chị Ngọc sẽ báo công an, do đó không thấy Giang đến quậy phá gì. (BL: V14 T2: 278-291)

Đỗ Đạt Giang cũng xác định lúc đầu chị Ngọc nói cho Giang 50 triệu để Giang mua xe và lấy vốn làm ăn, nhưng thực tế chị Ngọc chỉ đưa 30 triệu đồng, số tiền này Giang đã dùng để mua xe máy. Bắt đầu từ tháng 4 hoặc tháng 5/1999 thì Giang đến làm ở quán Tân Hải Vân cho đến tháng 6/2001 thì nghỉ, trong thời gian làm ở đây thì mỗi tháng chị Ngọc đưa cho Giang từ 4 đến 5 triệu đồng. Giang khai tổng số tiền mà Giang đã nhận của chị Ngọc là khoảng 100 triệu đồng. (BL: V14 T2: 144, 149-153, 159)

Căn cứ vào tài liệu trên có đủ cơ sở kết luận, bằng hình thức bảo kê, đe dọa tinh thần với chị Lê Thị Hồng Ngọc, Đỗ Đạt Giang đã cưỡng đoạt của chị Ngọc 100 triệu đồng.

Ngoài ra Giang còn khai: Thông qua Đinh Văn Được mà Giang quen biết với Trương Văn Cam, có thời gian Giang được Trương Văn Cam cho đi theo làm vệ sĩ. Trong quá trình quen biết, Giang được Trương Văn Cam giao cho 6 nhà hàng, vũ trường nhận tiền bảo kê hằng tháng về cho Trương Văn Cam, mỗi tháng Trương Văn Cam cho Giang 2 triệu đồng. Cụ thể Giang đã đến (BL: V14 T2: 154-157):

- Nhà Hàng Đại Phú Thành, nhận mỗi tháng 8 triệu đồng và đã nhận từ đầu năm 2000 cho đến khi bị bắt.

- Nhà hàng Hong Kong, nhận mỗi tháng 8 triệu đồng và đã nhận từ đầu năm 2000 cho đến khi bị bắt.

- Nhà hàng New Word, nhận mỗi tháng 8 triệu đồng và đã nhận từ đầu năm 2000 cho đến khi bị bắt.

- Nhà hàng vũ trường Maxim, nhận mỗi tháng 20 triệu đồng và đã nhận từ giữa năm 2000 cho đến khi bị bắt.

- Vũ trường Queenbee, nhận mỗi tháng 20 triệu đồng và đã nhận từ cuối năm 2000 cho đến khi bị bắt.

- Vũ trường Metropolis, nhận mỗi tháng 20 triệu đồng và đã nhận từ cuối năm 2000 cho đến khi bị bắt.

Nhưng qua đấu tranh khai thác Trương Văn Cam không khai nhận hành vi này (BL: V14 T2: 248, 249), kết quả xác minh tại các nhà hàng, khách sạn trên thì các chủ nhà hàng, khách sạn này đều không thừa nhận có nộp tiền bảo kê (BL: V14 T2: 324, 325, 300-312, 315, 319, 298). Do đó không có cơ sở để kết luận.

Như vậy, với các căn cứ nêu trên có đủ cơ sở kết luận Đỗ Đạt Giang đã cưỡng đoạt của Nguyễn Thanh Tuyền căn nhà 21/15A đường Trường Sơn, giá trị tài sản đã chiếm đoạt là 45 lượng vàng mà chị Tuyền đã thanh toán trả cho anh Hoan khi mua nhà; chiếm đoạt của bà Nguyễn Thị Ngọc Nương 5 lượng vàng; chiếm đoạt của chị Lê Thị Hồng Ngọc 100 triệu đồng, chiếm đoạt của anh Lâm Hưng Quốc 30 triệu đồng. Tổng số tài sản mà Giang đã chiếm đoạt được là 50 lượng vàng và 130 triệu đồng.

Đỗ Đạt Giang là một đối tượng hình sự phạm tội chuyên nghiệp trong một thời gian dài, là đàn em thân tín của Trương Văn Cam, đã lợi dụng vị thế của Trương Văn Cam để đe dọa cưỡng đoạt tài sản của nhiều người. Tổng số tiền mà Đỗ Đạt Giang đã thực hiện hành vi cưỡng đoạt chiếm đoạt được là 50 lượng vàng và 130 triệu đồng. Hành vi của Giang rất trắng trợn, mang tính côn đồ hung hãn, coi thường kỷ cương pháp luật, cần phải xử lý nghiêm khắc để làm gương cho những người khác.

Hành vi của Đỗ Đạt Giang đã phạm vào tội cưỡng đoạt tài sản, tội danh được quy định tại điểm a, khoản 3, điều 135 BLHS.
 
Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 22): Hành vi cưỡng đoạt tài sản của nhóm Lai Em

Châu Phát Lai Em cho đàn em đến một số nhà hàng, khách sạn để bắt phải chi tiền bảo kê hằng tháng. Hai đàn em của hắn, Trần Văn Minh và Lê Văn thơm là dân phòng của phường Cầu Ông Lãnh, đã cưỡng đoạt tài sản của các hộ buôn bán cá tại chợ bằng thủ đoạn quậy phá, xin tiền, gây mất trật tự.

B. Các vụ phạm tội do các đối tượng khác thực hiện

III. Các vụ cưỡng đoạt tài sản

3. Hành vi cưỡng đoạt tài sản của Châu Phát Lai Em và hai đồng phạm Trần Văn Minh, Lê Văn Thơm

- Qua đấu tranh khai thác, bị can Trần Văn Minh khai là đệ tử của Châu Phát Lai Em, luôn sẵn sàng đi quậy phá ở bất cứ đâu theo yêu cầu của Lai Em, ngay cả việc quậy phá ở chợ. Năm 1983, để lấy uy tín với anh Phương cảnh sát khu vực và công an phường Cầu Ông Lãnh, Lai Em bảo Minh cầm dao dọa chém anh Phương rồi Lai Em sẽ vào can ngăn để lấy uy tín với anh Phương (BL: V14 T4: 434, 436). Minh đã làm theo rồi bị bắt đưa đi lao động cưỡng bức. Khi Minh đi cưỡng bức lao động về thì Lai Em đã giới thiệu Minh với anh Phương và bố trí ngay Minh vào làm ở tổ dân phòng do anh Phương - cảnh sát khu vực phụ trách. Lai Em có tổ chức đá gà ở chợ nên đã giao nhiệm vụ cho Minh ở tổ dân phòng là phải thông tin cho Lai Em các chiến dịch truy quét tội phạm của cơ quan công an. Lai Em, Lai Anh, Lai Út là 3 anh em rất nổi tiếng trong giang hồ, đặc biệt là ở khu vực chợ Cầu Ông Lãnh, ai muốn làm gì phải được sự đồng ý của Lai Em, nếu không sẽ bị Lai Em cho đàn em đến quậy phá, không thể làm ăn buôn bán được. Năm 1986, Lai Em đã dẫn Minh, Thơm "Đui", Thành và anh Phương cảnh sát khu vực đến từng ô cá yêu cầu mỗi ô phải nộp 120.000 đồng rồi tuyên bố các ô cá phải nộp mỗi tháng 120.000 đồng và nói đó là tiền bảo vệ. Vì sợ Lai Em quậy phá nên các ô cá đều nộp, hằng tháng thì anh Thành cầm sổ đến từng ô cá thu tiền về nộp lại cho anh Phương, anh Phương lại chia cho mỗi người từ 300.000 đến 500.000 đồng/tháng. Việc thu tiền này được duy trì từ đó cho đến khi Minh bị bắt, sau đó anh Phương nghỉ việc thì anh Biết về thay anh Phương, Lai Em cũng lại dẫn bọn Minh và anh Biết đi từng ô cá để “dằn mặt” yêu cầu các ô cá phải nộp tiền hằng tháng. Sau anh Biết là anh Hùng làm cảnh sát khu vực thì hằng tháng nhóm của Minh đều có người cầm sổ đến thu tiền của từng ô cá, đầu tiên là anh Thành đi thu, sau anh Thành nghỉ thì thay anh Phàn, sau khi anh Phàn chết thì thay anh Pha. Ngoài khoản thu này thì nhóm của Minh và Thơm "Đui" còn thu tiền của các xe ôtô chở cá vào chợ (gọi là tiền bến bãi) mỗi xe Minh và Thơm đui thu từ 20.000 đến 30.000 đồng. Số tiền này đều đưa cho cảnh sát khu vực để chi cho các anh em trong tổ dân phòng. Đến năm 1997 do có đơn tố cáo của nhân dân về việc này, Phòng cảnh sát điều tra Công an TP HCM đã tiến hành điều tra, sau đó UBND phường đã cử người ra thu tiền bến bãi và bọn Minh không được thu nữa. Do đó Minh đã xin phép Lai Em cho Minh thu riêng tiền bảo kê 3 ô cá, đó là ô Năm "Mọi" thu 600.000 đồng/tháng; ô Hùng Nho thu 200.000 đồng/tháng; ô Mai thu 100.000 đồng/tháng. Hằng tháng Minh giao cho Thơm Đui đi thu số tiền này về giao cho Minh, mỗi tháng Minh chia cho Thơm Đui 200.000 đồng. (BL: V14 T4: 437-475)

- Châu Phát Lai Em khai: Để thu được tiền bảo kê của các ô cá, Lai Em cho Minh và đàn em của Minh quậy phá các ô cá, để các chủ ô cá phải nhờ Lai Em can thiệp, từ đó Lai Em yêu cầu họ phải nộp tiền hàng tháng. Lai Em trực tiếp thu tiền của ô cá Tâm, Hoa San, Ngọc, Năm "Mọi", Hồng Lệ, Hai Bòn mỗi ô 1.000.000 đồng/tháng, còn các ô cá khác để cho Minh thu. Ngoài ra, Minh còn xin phép Lai Em cho Minh thu tiền bến bãi và Lai Em đã đồng ý cho Minh thu mỗi xe từ 20.000 đến 30.000 đồng. Mỗi ngày, Minh thu được khoảng 50 xe, do đó mỗi tháng Minh thu được từ 30 đến 40 triệu đồng, số tiền này Lai Em để Minh giữ, nhưng khi nào cần tiền thì Lai Em bảo Minh đưa và mỗi tháng trung bình Minh đã đưa cho Lai Em khoảng từ 5 đến 10 triệu đồng. Ngoài ra, Lai Em còn khai khi các nhà hàng khai trương thì Lai Em cho đàn em đến quậy phá, sau đó Lai Em đến dàn xếp để nhận bảo kê. Cụ thể đã bảo kê cho khách sạn Phong Phú, Vy Vy, Việt Thanh, Việt Hùng và quán Hai Lúa, mỗi tháng thu 900.000 đồng. (BL: V14 T1: 43, 44, 48, 50, 54-56, 59-79)

- Lê Văn Thơm (tức Thơm "Đui") khai: Đã cùng với Trần Văn Minh đi thu tiền của các ô cá như Minh đã khai, ngoài ra hằng tháng theo chỉ đạo của Trần Văn Minh, Thơm đã trực tiếp đi thu 600.000 đồng của ô cá Năm "Mọi", thu 200.000 đồng của ô cá Hùng Nho, toàn bộ số tiền thu được Thơm đưa cho Minh và được Minh chia cho 200.000 đồng/tháng. Sau khi Minh bị bắt thì không thu nữa và thực tế Thơm đi thu khoản tiền này được 12 tháng. (BL: V14 T4: 476-485)

Cơ quan điều tra tiến hành xác minh, ghi lời khai của những người bị hại, cũng như thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của các bị can. Nay có đủ cơ sở kết luận hành vi phạm tội của các bị can như sau:

3.1. Đối với Trần Văn Minh, Lê Văn Thơm

- Cơ quan điều tra đã ghi lời khai của 31 chủ ô cá, các chủ ô cá đều xác định theo yêu cầu của cảnh sát khu vực và tổ dân phòng, trong đó có Trần Văn Minh thu mỗi tháng đã nộp 120.000 đồng cho nhóm Minh "Cuội" gọi là tiền bảo vệ và nộp từ thời anh Phương làm cảnh sát khu vực cho đến nay. Mỗi xe ôtô khi vào chợ cũng phải nộp tiền cho Minh, xe lớn nộp 30.000 đồng, xe nhỏ nộp 20.000 đồng, nếu không nộp thì sẽ bị gây khó khăn như không cho xe vào sớm làm cho cá bị ươn khó bán. Các chủ ô cá đều xác định biết phải nộp các khoản tiền này là vô lý nhưng vẫn phải nộp vì sợ bị gây khó khăn trong việc mua bán cá ở chợ. (BL: V14 T4: 486-537)

- Về 3 ô cá, Minh khai có thu tiền bảo kê riêng thì chủ ô cá Năm Mọi khai ngoài số tiền 120.000 đồng phải nộp hằng tháng thì còn nộp cho Minh 300.000 đồng và nộp được khoảng 24 tháng. Chủ ô cá, Hùng Nho khai ngoài số tiền 120.000 đồng phải nộp hằng tháng thì còn nộp cho Minh 200.000 đồng và đã nộp được khoảng 12 tháng. Chủ ô cá Mai khai chỉ nộp 120.000 đồng tiền bảo vệ cho nhóm Minh, ngoài ra không nộp khoản tiền riêng nào cho Minh. (BL: V14 T4: 506)

- Các ông Phương, Biết, Hùng (cảnh sát khu vực phụ trách tổ dân phòng) cũng xác định đã chỉ đạo cho tổ dân phòng thu khoản tiền này theo thỏa thuận với các chủ ô cá, rồi chia cho anh em trong tổ. Việc thu và chi hằng tháng tổ đều trình báo cáo cảnh sát khu vực. Hiện nay, ông Ninh Văn Hùng - cảnh sát khu vực đã nộp cho ban chỉ huy công an phường Cầu Ông Lãnh 1 quyển sổ “thu tiền bảo vệ ô cá”, Ban chỉ huy công an phường đã nộp quyền sổ này cho cơ quan điều tra. Nội dung trong sổ phản ánh việc thu tiền hằng tháng của các chủ ô cá và việc phát lương cho các nhân viên trong tổ dân phòng từ tháng 12/1999 cho đến tháng 2/2002. Tháng thu thấp nhất là 26 ô, cao nhất là 34 ô, khi nộp tiền các chủ ô cá đều ký vào sổ, số tiền thu được hằng tháng và chia cho 8 người là Trần Văn Minh (Minh "Cuội"); Lê Văn Thơm (Thơm "Đui"), Lâm Trung Phàn, Lê Văn Hùng, Nguyễn Kiểm Bình, Trần Văn Xính, Lê Công Đông, Nguyễn Văn Long (có tháng chia cho 7 người, có tháng 6 người, nhưng Minh, Thơm, Phàn, Hùng, Xính là cố định), tháng cao bọn Minh được hơn 600.000 đồng, tháng thấp bọn Minh được hơn 300.000 đồng. Hằng tháng sổ được trình cho anh Hùng xem. Có tháng anh Hùng ký và có tháng không ký. (BL: V14 T4: 541-554, 664-704)

- Xác minh tại Công an và UBND phường Cầu Ông Lãnh xác định: Công an và UBND phường không có chủ trương cho thu khoản tiền 120.000 đồng của các chủ ô cá và cũng không biết có việc thu khoản tiền này. Cảnh sát khu vực và tổ dân phòng của Minh đi thu khoản tiền này là sai. Hiện nay chỉ thu được danh sách phát lương năm 2000 và năm 2001 của UBND phường Cầu Ông Lãnh, còn danh sách lương các năm từ 1999 trở về trước UBND không thu được, vì lý do UBND phường không lưu giữ vì khi các đồng chí lãnh đạo trước chuyển công tác không bàn giao lại. Theo danh sách phát lương này thì hằng tháng UBND phường đã trả lương cho mỗi dân phòng chuyên trách mỗi tháng 500.000 đồng: Trần Văn Minh (Minh "Cuội"), Lê Văn Thơm (Thơm "Đui"), Lâm Trung Phàn, Lê Văn Hùng, Trần Văn Xính là dân phòng chuyên trách.

Về việc thu tiền bến bãi mỗi xe từ 20.000 đến 30.000 đồng, năm 1997 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM cũng đã điều tra xác minh và xác định trước đây thời đồng chí Phương là cảnh sát khu vực thì đồng chí Phương chỉ đạo cho đi thu tiền về để phát lương cho các tổ viên. Đến thời điểm đồng chí Biết làm cảnh sát khu vực thì việc thu tiền xe có sự chỉ đạo của đồng chí Khoa là Chủ tịch UBND phường lúc bấy giờ. Đến năm 1998 thì UBND phường không cho tổ dân phòng thu nữa và cử cán bộ của phường đến thu đưa vào quỹ an ninh quốc phòng của phường. (BL: V14 T4: 590-632)

Căn cứ lời khai của bị can Trần Văn Minh, của Lê Văn Thơm và lời khai của người bị hại thấy có đủ cơ sở xác định Minh và Thơm đã cưỡng đoạt tài sản của chị Lê Thị Lắm (Năm "Mọi") 7.200.000 đồng và của chị Đặng Thị Kim Nho là 2.400.000 đồng bằng hình thức nhận bảo kê. Tổng số tiền đã cưỡng đoạt của chị Lắm và Nho là 9.600.000 đồng. Ngoài ra trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra còn phát hiện Minh và đồng bọn đã thu tiền các xe chở cá khi vào chợ, thu 120.000 đồng/tháng của các chủ ô cá như đã nêu trên. Song thấy không đủ yếu tố cấu thành của tội cưỡng đoạt tài sản mà hành vi này có dấu hiệu của tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản cần phải xem xét và xử lý. Do vụ án có rất nhiều bị can, thời hạn điều tra có hạn, mặt khác xét thấy hành vi “lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” này không có liên quan gì đến các hoạt động phạm tội của Trương Văn Cam và có thể đưa xét xử sau ở một vụ độc lập, do vậy cơ quan điều tra đã tách hành vi này để xử lý sau.

Trần Văn Minh và Lê Văn thơm là dân phòng của phường Cầu Ông Lãnh, là những người được UBND phường giao nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự của khu vực chợ cá. Song bọn chúng đã lợi dụng vị trí của mình thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản của các hộ buôn bán cá tại chợ bằng thủ đoạn quậy phá, xin tiền, xin cá gây mất trật tự, làm cho quần chúng nhân dân hoang mang lo sợ, mất lòng tin vào chính quyền địa phương. Hành vi của Minh và Thơm đã phạm vào tội cưỡng đoạt tài sản, tội danh được quy định tại khoản 2, điều 135 BLHS cần được xét xử nghiêm khắc.

3.2. Đối với Châu Phát Lai Em

Trong 31 chủ ô cá chỉ có một chủ ô cá là anh Văn Công Hòa khai: Lúc đầu đi thu tiền có Lai Em đi cùng với bọn Minh cuội đến từng ô cá bắt phải nộp tiền bảo vệ 120.000 đồng/tháng (BL: V13, T5: 763, 764), còn các chủ ô cá khác khai không nhớ có Lai Em hay không. Đã ghi lời khai của chủ ô cá Tâm, Hoa San, Ngọc, Năm "Mọi", Hồng Lệ, Hai Lệ là những chủ ô cá mà Lai Em khai thu tiền bảo kê mỗi tháng 1 triệu đồng, thì các chủ ô cá này đều khẳng định hằng tháng chỉ phải nộp tiền bảo vệ cho nhóm của Trần Văn Minh chứ hoàn toàn không nộp tiền bảo kê cho Lai Em. (BL: V14 T5: 492- 495, 500, 506)

- Xác minh về các khách sạn mà Lai Em khai đã nhận bảo kê thì khách sạn Vy Vy, Việt Thanh, Việt Hùng và quán Hai Lúa đều xác định là không nộp bảo kê cho Lai Em. Riêng chỉ có khách sạn Phong Phú là có đơn tố cáo Lai Em cưỡng đoạt tài sản bằng hình thức nhiều lần đến ăn, nghỉ ở khách sạn không trả tiền. Cụ thể vào năm 1995, khách sạn Phong Phú được đưa vào sử dụng, thời gian đầu không có việc gì xảy ra, nhưng sau đó có bị một số thanh niên đến quậy phá, làm cho không thể kinh doanh được nên Hứa Văn Em là chủ khách sạn đã phải nhờ Lai Em thu xếp. Sau khi được Lai Em nhận lời giúp, thì khách sạn không bị quậy phá nữa. Sau đó Lai Em thường dẫn bạn đến khách sạn ăn, nghỉ nhưng không trả tiền, chủ khách sạn vì sợ nên không dám đòi, số tiền mà Lai Em đã ăn, nghỉ không trả khoảng 16 triệu đồng. (BL: V14 T1: 80-103)

Hiện nay bị can Châu Phát Lai Em cũng khai đã dùng thủ đoạn cho một số đàn em đến quậy phá một số nhà hàng, khách sạn để các nhà hàng, khách sạn phải nhờ Lai Em can thiệp, thông qua việc này mà bắt các nhà hàng, khách sạn phải chi tiền bảo kê hằng tháng. Một trong những khách sạn mà Lai Em cho đàn em đến quậy phá để nhận bo kê có khách sạn Phong Phú của Hứa Văn Em. Căn cứ vào đơn tố cáo của Hứa Văn Em, cũng như lời khai nhận của bị can Châu Phát Lai Em thấy có đủ cơ sở kết luận Châu Phát Lai Em phạm tội cưỡng đoạt tài sản, số tiền đã cưỡng đoạt là 16 triệu đồng, còn đối với các nhà hàng, khách sạn khác không đủ cơ sở để kết luận. (BL: V14 T1: 80-90)

Châu Phát Lai Em là một tên tội phạm hình sự có nhiều tiền án tiền sự về tội giết người, cố ý gây thương tích, có nhiều thủ đoạn chạy các cơ quan pháp luật để giảm nhẹ tội lỗi mà y gây ra. Do vậy, mỗi lần sau khi ra tù, y lại càng lộng hành hơn, táo bạo hơn. Quá trình điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ đã khẳng định Châu Phát Lai Em là một tên cầm đầu một số băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” ở khu vực quận 1 dưới trướng của Trương Văn Cam. Đàn em của Trương Văn Cam gồm Hòa búa, Minh Hồ, Ngọc sọ não, Dũng sọ dừa, Minh đen… Mọi hoạt động của các đối tượng hình sự này đều phải xin phép ý kiến của y hoặc nhờ y đứng ra dàn xếp. Bọn chúng thực hiện các hành vi bảo kê, cưỡng đoạt tài sản tại các khu vực chợ, khách sạn, nhà hàng, vũ trường trong khu vực quận 1. Hành vi của bọn chúng hoạt động trong một thời gian dài, gây hoang mang, mất lòng tin đối với quần chúng nhân dân trên địa bàn rộng tại trung tâm TP HCM. Do bản tính côn đồ hung hãn nên quần chúng nhân dân ở khu vực này rất sợ hãi bọn chúng, vì vậy khi tiến hành điều tra về các hoạt động phạm tội của Lai Em và đồng bọn, nhiều nhân chứng, bị hại đều không dám tố giác các hoạt động phạm tội mà chúng gây ra. Do đó quá trình điều ra gặp nhiều khó khăn, Cơ quan điều tra chỉ chứng minh được hành vi cưỡng đoạt tài sản của Lai Em tại khách sạn Phong Phú, chiếm đoạt 16 triệu đồng. Tuy số tài sản mà Lai Em cưỡng đoạt đã chứng minh được có giá trị nhỏ, song thực chất Lai Em là một đối tượng nguy hiểm, tạo điều kiện cho đàn em dựa vào vị thế của Lai Em để thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, hành vi cưỡng đoạt của Châu Phát Lai Em cần được xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra còn khởi tố các hành vi phạm tội khác của Lai Em và đề nghị xử lý trước pháp luật.

Hành vi của Châu Phát Lai Em đã phạm vào tội cưỡng đoạt tài sản, tội danh được quy định tại khoản 2, điều 135 BLHS.
 
Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 23): Hành vi cưỡng đoạt tài sản của Trần Văn Tâm

Mỗi tháng, Trần Văn Tâm đến đòi các chủ ô cá ở chợ Cầu Ông Lãnh phải đóng tiền bảo kê từ 20.000 đến 100.000 đồng. Ai không "quy phục" thì Tâm đến quậy phá cản trở buôn bán. Ngoài ra, Tâm còn tự ý vào cửa hàng lấy cá mang đi, bất chấp sự phản đối của chủ hộ.

B. Các vụ phạm tội do các đối tượng khác thực hiện

III. Các vụ cưỡng đoạt tài sản

4. Hành vi cưỡng đoạt tài sản của Trần Văn Tâm

Qua đấu tranh khai thác, bị can Trần Văn Tâm đã khai nhận hành vi cưỡng đoạt tài sản của một số chủ vựa cá bằng hình thức đến xin tiền, xin cá. Nếu không cho thì Tâm sẽ quậy phá để không cho bán được hàng. Đặc biệt, vào năm 1996 Tâm có đi thu tiền bảo kê của 8 chủ ô cá, mỗi ô 200.000 đồng, thu được một tháng thì bị bắt đi cai nghiện. Để làm rõ lời khai của Tâm, cơ quan điều tra đã ghi lời khai của 31 chủ ô cá thì có 9 chủ ô cá khẳng định đã bị Trần Văn Tâm cưỡng đoạt cá và tiền bằng hình thức đến xin, nếu không cho thì sợ Tâm quậy phá. Khi xin cá thì Tâm chỉ nói cho xin con cá rồi không cần chủ ô cá có đồng ý hay không, Tâm đã tự lấy, thích con cá nào thì Tâm lấy con cá đó. Cụ thể (BL: V14 T5: 728-758):

- Phạm Minh Trang khai: Có 3 đến 4 lần Tâm vào xin tiền, xin cá, nếu xin tiền thi cho từ 30.000 đến 50.000 đồng (không nhớ bao nhiêu lần).

- Lê Thị Lắm (Năm "Mọi") khai: Tâm nhiều lần vào xin tiền và xin cá, nếu xin tiền thì cho 10.000-20.000 đồng, nếu xin cá thì không cần có đồng ý hay không, Tâm vẫn cứ lấy (không nhớ bao nhiêu lần). (BL: V14 T5: 759)

- Lê Thị Kim Hùng khai: Tâm rất nhiều lần đến xin tiền, không xin cá (không nhớ bao nhiêu lần). (BL: V14 T4: 496)

- Hà Thị Đạo khai: Tâm đến xin tiền, xin cá rất nhiều lần, lần cao nhất thì cho 100.000 đồng, lần thấp thì cho 20.000 đồng. Khi đến xin thì Tâm luôn nói “hôm nay muốn giết người” rồi sau đó mới xin (không nhớ bao nhiêu lần). (BL: V14 T4: 504, 505)

- Nguyễn Thị Ngọc Nhạn khai: Tâm nhiều lần đến xin tiền, xin cá; mỗi lần xin tiền thì cho từ 30.000 đến 50.000 đồng (không nhớ bao nhiêu lần). (BL: V14 T5: 761, 762; BL: V14 T4: 494, 495)

- Nguyễn Văn Bình khai: Tâm đã nhiều lần đến xin tiền, xin cá, nhưng không nhớ bao nhiêu lần. (BL: V14 T5: 765)

- Phạm Hữu Danh khai: Tâm đến xin tiền nhiều lần, mỗi lần cho Tâm từ 20.000 đến 30.000 đồng. (BL: V14 T5: 772)

- Trần Văn Dũng Khai: Tâm đến xin tiền nhiều lần, mỗi lần cho Tâm từ 40.000 đến 50.000 đồng. (BL: V14 T5: 768, 769)

- Lê Văn Đậu khai: Tâm đến xin tiền nhiều lần, mỗi lần cho Tâm từ 20.000 đến 50.000 đồng.

- Bị can Trần Văn Minh là anh của Trần Văn Tâm cũng khai Tâm là một đối tượng nghiện hút, đã bị đưa đi cai nghiện bắt buộc và thường hay quậy phá ở chợ. Để có tiền chi tiêu, Tâm đã đến các chủ ô cá để xin tiền, các chủ ô cá sợ Tâm quậy phá nên phải cho, có một vài lần Minh biết nên đã đuổi Tâm.

Với lời khai nhận tội của Tâm, kết hợp với lời khai của các chủ ô cá thấy Trần Văn Tâm đã dùng thủ đoạn đe dọa để cưỡng đoạt tài sản của 11 chủ ô cá ở chợ Cầu Ông Lãnh. Hiện nay các chủ cá đều khai đã kinh doanh cá ở chợ hàng chục năm nay và đã nhiều lần Tâm đến cưỡng đoạt bằng hình thức “xin đểu”, mỗi lần Tâm đến xin thì các chủ ô cá đã pỉai cho Tâm ít nhất là 20.000 đồng, cao nhất là 100.000 đồng. Như vậy có thể xác định số tiền mà Tâm đã cưỡng đoạt của các chủ ô cá lên đến hàng chục triệu đồng. (BL: V14: 736-773)

Tuy số tài sản mà Trần Văn Tâm chiếm đoạt không lớn, song hành vi của y diễn ra trong thời gian dài, thể hiện sự coi thường pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, gây bất bình trong quần chúng nhân dân.

Hành vi phạm tội của Trần Văn Tâm đã phạm vào tội cưỡng đoạt tài sản, tội danh được quy định tại khoản 2, điều 135 BLHS cần được xử lý nghiêm minh.
 
Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 24): Hành vi cưỡng đoạt tài sản của Dương Ngọc Hiệp

Con rể của Năm Cam, Dương Ngọc Hiệp, nhiều lần đưa bạn gái đến ăn, nghỉ ở khách sạn Phong Phú nhưng "quỵt" tiền không trả. Hiệp còn theo lệnh của bố vợ đi thu tiền bảo kê các nhà hàng, vũ trường trong TP HCM. Tuy nhiên, do sợ bị trả thù nên chủ các địa điểm trên không khai nhận đã đưa tiền.

B. Các vụ phạm tội do các đối tượng khác thực hiện

III. Các vụ cưỡng đoạt tài sản

5. Hành vi cưỡng đoạt tài sản của Dương Ngọc Hiệp

Bị can Châu Phát Lai Em khai: Theo chỉ đạo của Trương Văn Cam, Lai Em đã nhiều lần trực tiếp đưa Hiệp đến nhà hàng Phương Đông và đến vũ trường Metropolis để Hiệp nhận tiền bảo kê cho Trương Văn Cam. Khi đến nơi thì Lai Em ở ngoài để Hiệp vào nhận tiền. Đấu tranh với Hiệp thì Hiệp không khai nhận hành vi này. Căn cứ lời khai của Lai Em, cơ quan điều tra đã xác minh, ghi lời khai của chủ nhà hàng Phương Đông, vũ trường Metropolis, nhưng các nhà hàng và vũ trường này đều không thừa nhận đã nộp tiền bảo kê cho Năm Cam hoặc bất kể ai khác. Do đó, chưa có cơ sở kết luận Hiệp cưỡng đoạt tài sản của các nhà hàng, vũ trường này. (BL: V14 T1: 54, 55; V14 T3: 345, 372-404)

Mặc dù vậy nhưng hiện nay bị can Hứa Văn Em đã có đơn tố cáo Dương Ngọc Hiệp đã cưỡng đoạt của Hứa Văn Em khoảng 8 triệu đồng bằng hình thức đưa khách đến ăn, nghỉ tại khách sạn Phong Phú của Hứa Văn Em rồi không thanh toán tiền. Do Hứa Văn Em biết Hiệp là con rể của Trương Văn Cam, một đối tượng giang hồ có tiếng nên, không dám đòi tiền của Hiệp. (BL: V14 T3: 391-401)

Đấu tranh với Hiệp thì Hiệp rất ngoan cố, khai báo quanh co, hiện nay Hiệp mới chỉ khai nhận là đã nhiều lần đưa bạn gái đến ăn, nghỉ ở khách sạn Phong Phú, nhưng lại khai các lần này Hiệp đều thanh toán tiền đầy đủ. (BL: V14 T3: 345-372)

Với các tài liệu chứng cứ nêu trên thấy đủ cơ sở kết luận Dương Ngọc Hiệp phạm tội cưỡng đoạt tài sản, giá trị tài sản đã cưỡng đoạt là 8 triệu đồng, còn việc Hiệp khai có trả tiền đầy đủ chỉ là lời khai ngụy biện, ngoan cố để trốn tránh tội lỗi mà y gây ra. Hành vi này cần phải đưa truy tố trước pháp luật, còn đối với hành vi đánh bạc hiện không đủ cơ sở để kết luận, nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can Dương Ngọc Hiệp về hành vi đánh bạc. (BL: V14: 370-388)

Sau khi Dương Ngọc Hiệp bị bắt giữ, Cơ quan điều tra nhận được nhiều đơn thư tố cáo Hiệp là tay chân đắc lực của Trương Văn Cam, được Trương Văn Cam giao nhiệm vụ đi thu tiền bảo kê tại các nhà hàng, vũ trường, các quán cà phê trên địa bàn TP HCM. Tuy nhiên, do sợ bị trả thù nên các điểm mà Dương Ngọc Hiệp thường xuyên đến thu tiền không dám tố giác hành vi phạm tội của chúng. Qua đấu tranh xét hỏi, Hiệp và đồng bọn rất ngoan cố, không chịu khai báo và nhận tội. Cơ quan điều tra mới chỉ có chứng cứ xác định Hiệp có hành vi cưỡng đoạt 8 triệu đồng của khách sạn Phong Phú bằng thủ đoạn đến ăn nghỉ nhưng không trả tiền.

Hành vi phạm tội của Dương Ngọc Hiệp đã phạm vào tội cưỡng đoạt tài sản, tội danh được quy định tại khoản 2, điều 135 BLHS cần được xét xử nghiêm minh.
 
Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 25): Hành vi cho vay lãi nặng của Trúc "Mẫu Hậu"

Từ năm 1992, Phan Thị Trúc, vợ "ông trùm" đã dựa vào uy thế của chồng để tổ chức cho vay với lãi suất gấp 10 lần quy định. Riêng việc cho Lê Thị Hồng Ngọc và Hoàng Thị Ngọc Hương vay, Trúc đã thu lợi hơn 1 tỷ đồng.

B. Các vụ phạm tội do các đối tượng khác thực hiện

IV. Các vụ cho vay lãi nặng

Cho vay lãi nặng là một vấn đề nhức nhối tại TP HCM từ nhiều năm nay, xảy ra trên nhiều lĩnh vực (từ cho vay trong kinh doanh, buôn bán đến cho vay trong sinh hoạt tiêu dùng) trong mọi tầng lớp nhân dân (từ những người buôn bán đến những hộ dân nghèo), có liên quan đến nhiều tệ nạn xã hội (cho vay trong các tụ điểm cờ bạc, mại dâm), là nguyên nhân của các hành vi phạm tội như xiết nợ, cưỡng đoạt tài sản, đâm chém, cố ý gây thương tích… Đối tượng cho vay lãi nặng phần lớn là các đối tượng hình sự, cấu kết với nhau hoạt động mang tính chất xã hội đen hoặc các đối tượng dựa vào thế lực xã hội đen để đe dọa khống chế những người vay tiền. Bọn chúng đã làm cho nhiều gia đình tan cửa, nát nhà, gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của nhân dân, giảm lòng tin của nhân dân đối với chính quyền.

Qua điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng sau:

1. Hành vi cho vay lãi nặng của Phan Thị Trúc

Phan Thị Trúc là vợ của Trương Văn Cam, là đối tượng cho vay lãi nặng chuyên nghiệp, dựa vào uy thế của chồng là Trương Văn Cam, rất có uy tín trong giới giang hồ nên đã tổ chức cho vay lãi. Từ năm 1992, Trúc ở nhà không có nghề nghiệp gì, tiến hành cho vay lãi nặng làm nguồn thu nhập chính, cụ thể:

1.1. Cho Lê Thị Hồng Ngọc vay tiền và USD

Từ năm 1996, Trúc cho Lê Thị Hồng Ngọc trú tại 200/9 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 8, Phú Nhuận, TP HCM vay tiền với hình thức trả góp, sau khi trả hết lại vay tiếp, liên tục cho đến khi Trúc bị bắt, cụ thể:

- Từ tháng 12/1996 đến tháng 8/1997, cho vay 50 triệu đồng trả góp mỗi ngày 1,5 triệu đồng, trong 40 ngày thành 60 triệu đồng. Lãi suất 15%/tháng gấp 12 lần lãi suất bình quân cao nhất do Ngân hàng Nhà nước quy định (1,25%/tháng). Tổng lãi thu được trong 8 tháng là 60 triệu đồng. (BL: V15 T1: 45, 48, 50, 70, 72, 77, 78)

- Từ tháng 8/1997 đến tháng 8/1999, cho vay 130 triệu đồng trả góp mỗi ngày 3,9 triệu đồng trong 40 ngày thành 156 triệu đồng. Lãi suất 15%/tháng gấp 12,8 lần lãi suất bình quân cao nhất Ngân hàng Nhà nước quy định (1,17%/tháng). Tổng lãi thu được trong 24 tháng là 468 triệu đồng. (BL: V15 T1: 45, 48, 50, 70, 72, 77, 78)

- Từ tháng 8/1999 đến tháng 6/2000, cho vay 130 triệu đồng, trả góp mỗi ngày 3,25 triệu đồng trong 48 ngày thành 156 triệu đồng. Lãi suất 12,5%/tháng, gấp 11,9 lần lãi suất bình quân cao nhất Ngân hàng Nhà nước quy định (1,05%/tháng). Tổng lãi thu được trong 10 tháng là 162,5 triệu đồng. (BL: V15 T1: 45, 48, 50, 70, 72, 77, 78)

- Từ tháng 6/2000 đến tháng 12/2001, cho vay 130 triệu đồng trả góp mỗi ngày 2,6 triệu đồng trong 60 ngày thành 156 triệu đồng. Lãi suất 10%/tháng gấp 10 lần lãi suất bình quân cao nhất Ngân hàng Nhà nước quy định (1%/tháng). Tổng lãi thu được trong 18 tháng là 234 triệu đồng. (BL: V15 T1: 45, 48, 50, 68, 70, 72, 77, 78)

- Từ tháng 12/2001 tới khi Trúc bị bắt (tháng 1/2002), cho vay 130 triệu đồng với lãi suất 10%/tháng, gấp 11,1 lần lãi suất bình quân cao nhất Ngân hàng Nhà nước quy định (0,9%/tháng). Tổng tiền lãi thu được trong 2 tháng là 26 triệu đồng.

- Từ tháng 4/2001 đến 5/2001, cho vay 20.000 USD với lãi suất 5%/tháng, gấp 10,75 lần lãi suất bình quân cao nhất Ngân hàng Nhà nước quy định (5,58%/năm tức 0,465%/tháng). Mỗi tháng thu lãi 1.000 USD. Tổng tiền lãi Trúc thu được trong 1 tháng là 1.000 USD, tương đương 15 triệu đồng (tỷ giá 1 USD là 15.000 đồng). (BL: V15 T1: 45, 48, 50, 70-72, 79-80)

Khi Trúc bị bắt đến nay, Ngọc còn nợ Trúc 20.000 USD, 130 triệu đồng. (BL: V15 T1: 45, 48, 50, 67, 70-72)

1.2. Cho Hoàng Thị Ngọc Hương (Hồng) vay vàng và đôla

Từ tháng 1/2001 đến khi bị bắt, Phan Thị Trúc cho Hoàng Thị Ngọc Hương, trú tại 42 Trịnh Văn Cầu, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP HCM vay đôla Mỹ, cụ thể như sau:

- Từ tháng 4/2001 đến 10/2001, cho vay 10.000 USD với lãi suất 5%/tháng, mỗi tháng trả 500 USD, lãi suất gấp 10,36 lần lãi suất bình quân cao nhất Ngân hàng Nhà nước quy định (5,79%/năm tức 0,482%/tháng). Tổng tiền lãi Trúc thu được trong 7 tháng là 3.500 USD, tương đương 52,5 triệu đồng. (BL: V15 T1: 45, 47, 50, 64- 65, 79-80)

Tất cả các khoản cho vay trên giữa người cho vay và người vay đều không có sổ sách, chứng từ theo dõi, nhưng lời khai của Phan Thị Trúc phù hợp với lời khai của những người bị hại.

Theo yêu cầu của Cơ quan điều tra, ngày 10/7/2002 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (chi nhánh TP HCM) đã có công văn số 797/NHTP 2002 xác định lãi suất từng trường hợp vay tiền của Phan Thị Trúc nêu trên và lãi suất vay do Ngân hàng Nhà nước quy định tại từng thời điểm. (BL: V15 T1: 77-80)

Từ những tài liệu nêu trên, căn cứ vào lời khai của bị can, những người bị hại và văn bản xác định lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước TP HCM thấy có đủ cơ sở kết luận với các khoản tiền VNĐ và các khoản đôla Mỹ mà Phan Thị Trúc đã cho Lê Thị Hồng Ngọc và Hoàng Thị Ngọc Hương vay đều có lãi suất gấp 10 lần trở lên so với lãi suất cao nhất do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định tại từng thời điểm cho vay. Tổng số thu lợi bất chính từ các khoản tiền cho vay trên trị giá 1,018 tỷ đồng, gồm: 950,5 triệu đồng và 4.500 USD. Hoạt động cho vay lãi nặng mang tính bóc lột là nguồn thu nhập chính của Phan Thị Trúc và được thực hiện liên tục từ tháng 12/1996 đến tháng 1/2002, với thu lợi bất chính rất lớn, hành vi trên đã phạm vào khoản 2 tội cho vay lãi nặng được quy định tại điều 163 BLHS.

Ngoài các khoản cho vay trên, Phan Thị Trúc còn cho vay các khoản sau:

- Từ tháng 1 đến 3/1999, cho Ngọc vay 10.000 USD với lãi suất 5%/tháng, gấp 8 lần lãi suất ngân hàng quy định (7,5%/năm tức 0,625%/tháng). Mỗi tháng thu lãi 500 USD. Tổng tiền lãi Trúc thu được trong 3 tháng là 1.500 USD, tương đương 22,5 triệu đồng. (BL: V15 T1: 45, 48, 50, 70, 72, 79-80)

- Từ tháng 4/1999 đến 8/2000, cho Ngọc vay 20.000 USD với lãi suất 5%/tháng, gấp 8 lần lãi suất ngân hàng quy định (7,5%/năm tức 0,625%/tháng). Mỗi tháng thu lãi 1.000 USD. Tổng tiền lãi Trúc thu được trong 17 tháng là 17.000 USD, tương đương 255 triệu đồng. (BL: V15 T1: 45, 48, 50, 70, 72, 79-80)

- Từ tháng 9/2000 đến 3/2001, cho Ngọc vay 20.000 USD với lãi suất 5%/tháng, gấp 9,34 lần lãi suất ngân hàng quy định (6,42%/năm tức 0,535%/tháng). Mỗi tháng thu lãi 1.000 USD. Tổng tiền lãi Trúc thu được trong 7 tháng là 7.000 USD, tương đương 105 triệu đồng.

- Từ tháng 1/2001 đến 3/2001, cho Ngọc vay 10.000 USD với lãi suất 5%/tháng, mỗi tháng trả 500 USD, lãi suất gấp 9,34 lần lãi suất ngân hàng quy định (6,42%/năm tức 0,535%/tháng). Tổng tiền lãi Trúc thu được trong 3 tháng là 1.500 USD, tương đương 45 triệu đồng. (BL: V15 T1: 45, 48, 50, 70, 72, 79-80)

- Từ tháng 6/2001 đến 1/2002, cho vay 20.000 USD với lãi suất 5%/tháng. Mỗi tháng thu lãi 1.000 USD. Tổng tiền lãi Trúc thu được trong 7 tháng là 7.000 USD, tương đương 105 triệu đồng.

- Từ tháng 11/2001 đến 1/2002, cho vay 40.000 USD với lãi suất 5%/tháng, mỗi tháng trả 2.000 USD. Tổng tiền lãi Trúc thu được trong 3 tháng là 6.000 USD, tương đương 90 triệu đồng. Khi Trúc bị bắt, chị Hương đã trả Trúc toàn bộ số tiền trên. (BL: V15 T1: 50-51, 65-66, 79-80)

Về các khoản tiền đôla Mỹ cho vay từ tháng 3 năm 2001 trở về trước có lãi suất thấp hơn 10 lần lãi suất Ngân hàng Nhà nước quy định, và các khoản cho vay từ 1/6/2001 đến tháng 1/2002, Ngân hàng Nhà nước không có quy định về mức lãi suất cho vay USD nên các khoản cho vay của Trúc nói trên không cấu thành tội cho vay lãi nặng. (BL: V15 T1: 45, 48, 50, 70-72, 79-80)

- Tháng 1-8/1999, Trúc cho chị Hương vay 10 lượng vàng SJC với lãi suất 5%/tháng, mỗi tháng trả lãi 0,5 lượng, trong 7 tháng trả lãi tổng cộng 35 chỉ vàng SJC. (BL: V15 T1: 45, 47, 50, 64-65)

- Từ tháng 8.1999-1.2002, Trúc cho chị Hương vay 20 lượng vàng SJC với lãi suất 5%/tháng, mỗi tháng trả lãi 1 lượng, trong 28 tháng trả lãi tổng cộng 28 lượng vàng SJC. (BL: V15 T1: 45, 47, 50, 64-65).

- Giữa năm 1998, Trúc cho Quách Thu Phương ở 74A Lê Lợi, Bến Thành, quận 1, TP HCM vay 20 lượng vàng SJC với lãi suất 5%/tháng, mỗi tháng trả lãi 1 lượng vàng. Tổng số tiền lãi thu được trong 1 năm là 24 lượng vàng. (BL: V15 T1: 47, 51, 74)

Đối với các trường hợp Phan Thị Trúc cho Quách Thu Phương và Hoàng Thị Ngọc Hương vay vàng, do Ngân hàng Nhà nước không có quy định cụ thể về lãi suất vay vàng, và nếu có quy đổi số vàng cho vay trên ra VNĐ thì với lãi suất 5%/tháng cũng không cấu thành tội cho vay lãi nặng, vì vậy Cơ quan điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự. (BL: V15 T1: 77-78)

Về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có đã được khởi tố đối với Phan Thị Trúc ngày 14/1/2002, Cơ quan điều tra xác định Phan Thị Trúc không phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, nên ngày 17/7/2002 đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với Phan Thị Trúc về hành vi trên.
 
Post mấy cái này lên đây làm gì cho rác board, ai quan tâm thì thiếu gì chỗ khác để đọc.
 
Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 26): Hành vi cho vay lãi nặng của Châu Phát Lai Anh

Năm 1999-2000, trùm bảo kê chợ Cầu Ông Lãnh này, đã cho 26 người vay tiền với lãi suất gấp 20-30 lần quy định của ngân hàng. Người vay ít nhất 500.000 đồng, cao nhất 10 triệu bằng hình thức vay đứng (vay 1 triệu đồng, mỗi ngày trả lãi 10.000 đồng, khi nào trả hết vốn thì thôi); vay trả góp (1 triệu đồng trả 30 ngày, mỗi ngày trả 40.000 đồng).

B. Các vụ phạm tội do các đối tượng khác thực hiện

IV. Các vụ cho vay lãi nặng

2. Hành vi cho vay lãi nặng của Châu Phát Lai (Lai Anh) và Nguyễn Kim Thịnh tại chợ cá Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP HCM.

2.1. Hành vi cho vay lãi nặng của Châu Phát Lai (Lai Anh)

Từ cuối năm 1999 đến tháng 9/2000, Lai Anh (đối tượng hình sự, phạm tội chuyên nghiệp) lợi dụng uy thế của mình trong giới giang hồ đã dùng số tiền (vốn) 12-15 triệu cho 26 người làm các nghề bốc xếp, chạy xe ba gác máy, bán cá ở chợ cá Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP HCM vay tiền với lãi suất 20%/tháng (vay trả góp) và 30%/tháng (vay đứng). Người vay ít nhất là 500.000 đồng, cao nhất là 10 triệu bằng hình thức vay đứng (vay 1 triệu mỗi ngày trả lãi 10.000 đồng, khi nào trả hết vốn thì thôi); vay trả góp (1 triệu trả 30 ngày, mỗi ngày trả 40.000 đồng) (BL: 1353 - 1357 phần bổ sung), cụ thể:

1. Anh Vũ (đã chết), chạy xe ba gác ở chợ cá Cầu Ông Lãnh, vay 6 lần.

- Lần 1, 2, 3: Vay 1.000.000 đồng, trả góp trong vòng 30 ngày, mỗi ngày trả 40.000 đồng, một tháng trả 1.200.000 đồng. Tiền lãi phải trả 200.000 đồng, lãi suất 20% gấp 20 lần lãi suất ngân hàng. Tổng cộng 3 lần thu 600.000 đồng tiền lãi suất.

- Lần 4, 5: Vay dưới hình thức vay tiền đứng, mỗi lần vay 500.000 đồng, trả 5.000 đồng/ngày (hai lần trả 10.000 đồng/ngày). Mỗi tháng trả 300.000 đồng tiền lãi. Lãi suất 30%/tháng gấp 30 lần lãi suất ngân hàng.

- Lần 6: Vay đứng 1.000.000 đồng, mỗi ngày trả 10.000 đồng tiền lãi, một tháng trả 300.000 đồng tiền lãi, lãi suất 30% gấp 30 lần lãi suất ngân hàng.

Tổng số tiền cho vay 6 lần, tiền lãi thu được là 1,2 triệu đồng. (BL: 1353 phần bổ sung)

2. Anh Tài, phụ việc cho anh Công ở hợp tác xã bốc xếp số 1 (không xác định được địa chỉ), vay 5 lần.

- Lần 1, 2: Vay 1.000.000 đồng trả góp 30 ngày, mỗi ngày 40.000 đồng thành 1.200.000 đồng. Một tháng trả 200.000 đồng tiền lãi, lãi suất 20% gấp 20 lần lãi suất ngân hàng.

- Lần 3: Vay 2.000.000 đồng dưới hình thức vay tiền đứng, mỗi ngày trả 14.000 đồng, một tháng trả 420.000 đồng tiền lãi. Lãi suất 21% gấp 21 lần lãi suất ngân hàng.

- Lần 4, 5: Mỗi lần vay 1.000.000 đồng tiền đứng, mỗi ngày trả 10.000 đồng, một tháng trả 300.000 đồng tiền lãi. Lãi suất 30% gấp 30 lần lãi suất ngân hàng. Hai lần vay thu 600.000 đồng tiền lãi.

Tổng cộng 5 lần cho vay, thu tiền lãi là 1.420.000 đồng. (BL: 1354 phần bổ sung)

3. Anh Nguyễn Văn Sơn chạy xe ba gác ở chợ cá Cầu Ông Lãnh, ngụ tại vựa 13 chợ cá Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP HCM vay 5 lần.

- Lần 1, 2, 3, 4: Vay mỗi lần 500.000 đồng, trả góp trong 30 ngày, mỗi ngày 20.000 đồng thành 600.000 đồng. Một tháng trả 100.000 đồng. Lãi suất 20% gấp 20 lần lãi suất ngân hàng. Vay 4 lần phải trả 400.000 đồng.

- Lần 5: Vay 1.000.000 đồng trả góp trong 30 ngày, mỗi ngày 40.000 đồng, một tháng trả 200.000 đồng tiền lãi. Lãi suất 20% gấp 20 lần lãi suất ngân hàng.

Tổng cộng cho vay 5 lần, thu được 600.000đ tiền lãi. (BL: 1367 phần bổ sung)

4. Anh Lê Kim Vân, làm công đoàn bốc xếp số 1, ngụ tại số 4 Bến Chương Dương, phường Cầu Ông Lãnh, Q1, TP HCM vay 3 lần.

Mỗi lần vay 10.000.000 tiền đứng, mỗi ngày trả 70.000 đồng tiền lãi. Một tháng trả 2.100.000 đồng (vay 3 lần trả thành 6.300.000 đồng). Lãi suất 21% gấp 21 lần lãi suất ngân hàng.

Tổng số tiền lãi thu được qua 3 lần cho vay, tiền lãi là 6.300.000 đồng. (BL: 1360 phần bổ sung)

5. Anh Lê Kim Quyền, công đoàn bốc xếp số 1, ngụ tại 3B Bến Chương Dương, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP HCM vay 3 lần.

Mỗi lần 5.000.000 đồng, trả tiền lãi 35.000 đồng/ngày, trả tiền lãi tháng 1.050.000 đồng. 3 lần cho vay, trả 3.150.000 đồng tiền lãi. Lãi suất 21% gấp 21 lần lãi suất ngân hàng.

Tổng cộng 3 lần cho vay, thu tiền lãi là 3.150.000 đồng. (BL: 1358 phần bổ sung)

6. Anh Sang (đã chết), chạy xe ba gác ở chợ cá Cầu Ông Lãnh, vay 5 lần:

- Lần 1, 2 vay trả góp: Mỗi lần vay 500.000 đồng. Mỗi ngày trả 20.000 đồng, trả góp trong 30 ngày thành 600.000. Tiền lãi 1 tháng là 100.000 đồng, hai lần vay trả thành 200.000 đồng. Lãi suất 20% gấp 20 lần lãi suất ngân hàng.

- Lần 3, 4 vay trả góp: Mỗi lần vay 1.000.000 đồng. Mỗi ngày trả 40.000 đồng, trả góp trong 30 ngày thành 1.200.000. Tiền lãi 1 tháng là 200.000 đồng, hai lần vay trả thành 400.000 đồng. Lãi suất 20% gấp 20 lần lãi suất ngân hàng.

- Lần 5 vay tiền đứng: Vay 1.000.000 đồng. Mỗi ngày trả 10.000 đồng, tiền lãi 1 tháng trả 300.000. Lãi suất 30% gấp 30 lần lãi suất ngân hàng.

Tổng cộng 5 lần cho vay, thu tiền lãi là 900.000 đồng. (BL: 1364 phần bổ sung)

7. Anh Lê Thành Thái (Sơn "Đen"), công đoàn bốc xếp số 1, ngụ tại 10/2A khu phố 2, Nguyễn Tất Thành, Tân Thuận Đông, quận 7, TP HCM vay 8 lần.

- Lần 1, 2, 3, 4 vay tiền đứng: Mỗi lần vay 1.000.000 đồng, mỗi ngày trả 10.000 đồng, mỗi tháng trả 300.000 đồng tiền lãi. Vay 4 lần phải trả 1.200.000 đồng. Lãi suất 30% gấp 30 lần lãi suất ngân hàng.

- Lần 5 ,6, 7 vay trả góp: Mỗi lần vay 500.000 đồng, trả góp mỗi ngày 20.000 đồng, trả góp trong 30 ngày thành 600.000 đồng. Vay 3 lần phải trả 300.000 đồng. Lãi suất 20% gấp 20 lần lãi suất ngân hàng.

- Lần 8 vay trả góp: Vay 1.000.000 đồng, trả góp mỗi ngày 40.000 đồng, trả góp trong 30 ngày thành 1.200.000 đồng, thu lời 200.000 đồng. Lãi suất 20% gấp 20 lần lãi suất ngân hàng.

Tổng cộng 8 lần cho vay, thu tiền lãi là 1.700.000 đồng. (BL: 1361 phần bổ sung)

8. Anh Nguyễn Trung Thành (Sáu "Hô"), chạy xe ba gác ở chợ cá Cầu Ông Lãnh, ngụ tại 109D 16/3 Bến Vân Đồn, phường 8, quận 4, TP HCM vay 4 lần.

Mỗi lần vay 500.000 đồng, trả góp mỗi ngày 20.000 đồng, trả góp trong 30 ngày thành 600.000 đồng, thu lời 100.000 đồng. Vay 4 lần phải trả 400.000 đồng tiền lãi. Lãi suất 20% gấp 20 lần lãi suất ngân hàng.

Tổng cộng 4 lần cho vay, thu tiền lãi là 400.000 đồng. (BL: 1365 phần bổ sung)

9. Anh Châu Minh Hà (Chiến), công đoàn bốc xếp số 1, ngụ tại 138/170 Đoàn Văn Bơ, phường 14, quận 4, TP HCM vay 3 lần.

Mỗi lần vay 1.000.000 đồng, mỗi ngày trả 10.000, mỗi tháng trả 300.000 tiền lãi. Vay 3 lần phải trả 900.000 đồng. Lãi suất 30% gấp 30 lần lãi suất ngân hàng.

Tổng cộng 3 lần cho vay, thu tiền lãi là 900.000 đồng. (BL: 1359 phần bổ sung)

10. Anh Cà Lem, chạy xe ba gác ở chợ cá Cầu Ông Lãnh (không xác định được địa chỉ), vay 6 lần.

Sáu lần vay trả góp, mỗi lần vay 500.000 đồng, mỗi ngày trả 20.000, trả góp trong 30 ngày thành 600.000, tiền phải trả lãi một tháng là 100.000. Vay 6 lần phải trả 600.000đồng tiền lãi. Lãi suất 20% gấp 20 lần lãi suất ngân hàng.

Tổng cộng 6 lần cho vay, thu tiền lãi là 600.000 đồng. (BL: 1354 phần bổ sung)

11. Anh Dương Văn Đại (Tài Ba Lầu), chạy xe ba gác, vay 3 lần.

- Lần 1: Vay 500.000 đồng tiền đứng, mỗi ngày trả 5.000 đồng, mỗi tháng trả 150.000 tiền lãi. Lãi suất 30% gấp 30 lần lãi suất ngân hàng.

- Lần 2, 3: Vay trả góp, mỗi lần vay 500.000 đồng, trả góp mỗi ngày 20.000, trả góp trong 30 ngày thành 600.000, tiền phải trả lãi một tháng là 100.000 đồng. Vay 2 lần phải trả 200.000 đồng tiền lãi. Lãi suất 20% gấp 20 lần lãi suất ngân hàng.

Tổng cộng 3 lần cho vay, thu tiền lãi là 350.000 đồng. (BL: 1375 phần bổ sung)

12. Anh Nguyễn Văn Hiền bưng cá ở chợ cá Cầu Ông Lãnh, ngụ tại 34/50 Dương Bá Trạc, phường 1, quận 8, TP HCM vay 6 lần.

- Lần 1, 2, 3: Vay trả góp, mỗi lần vay 1.000.000 đồng, trả góp mỗi ngày 40.000, trả góp trong 30 ngày thành 1.200.000, tiền phải trả lãi một tháng là 200.000 đồng. Vay 3 lần phải trả 600.000 đồng tiền lãi. Lãi suất 15% gấp 15 lần lãi suất ngân hàng.

- Lần 4, 5: Vay trả góp, mỗi lần vay 500.000 đồng, trả góp mỗi ngày 20.000 đồng, trả góp trong 30 ngày thành 600.000, tiền phải trả lãi một tháng là 100.000. Vay 2 lần phải trả 200.000 đồng tiền lãi. Lãi suất 15% gấp 15 lần lãi suất ngân hàng.

- Lần 6: Vay 1.000.000 đồng tiền đứng, mỗi ngày trả 10.000, mỗi tháng trả 300.000 tiền lãi. Lãi suất 30% gấp 30 lần lãi suất ngân hàng.

Tổng cộng 6 lần cho vay, thu tiền lãi là 1.110.000 đồng. (BL: 1385 phần bổ sung)

13. Anh Đặng Chí Bảo, bốc xếp công đoàn số 1, ngụ tại 287 Nguyễn Công Chứ, Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM vay 5 lần.

- Lần 1, 2: Vay trả góp, mỗi lần vay 1.000.000 đồng, trả góp mỗi ngày 40.000 đồng, trả góp trong 30 ngày thành 1.200.000 đồng, tiền phải trả lãi một tháng là 200.000. Vay 2 lần phải trả 400.000 đồng tiền lãi. Lãi suất 20% gấp 20 lần lãi suất ngân hàng.

- Lần 3, 4 vay tiền đứng (1 lần vay 1.000.000, 1 lần vay 3.000.000): Vay 1.000.000 đồng tiền đứng, mỗi ngày trả 10.000 đồng. Vay 3.000.000 đồng tiền đứng, mỗi ngày trả 30.000. Tổng cộng, mỗi tháng trả 1.200.000 đồng tiền lãi. Lãi suất 30% gấp 30 lần lãi suất ngân hàng.

- Lần 5: Vay 500.000 đòng, trả góp mỗi ngày 20.000, trả góp trong 30 ngày thành 600.000, tiền phải trả lãi một tháng là 100.000. Lãi suất 20% gấp 20 lần lãi suất ngân hàng.

Tổng cộng 5 lần cho vay, thu tiền lãi là 1.700.000 đồng. (BL: 1381 phần bổ sung)

14. Anh Trịnh Thanh Sang (Lý Tét), chạy xe ba gác ở chợ cá Cầu Ông Lãnh, ngụ tại sau 17A Bến Chương Dương, Cầu Ông Lãnh, vay 4 lần.

- Lần 1, 2, 3: Vay trả góp, mỗi lần vay 500.000 đồng, trả góp mỗi ngày 20.000, trả góp trong 30 ngày thành 600.000, tiền phải trả lãi một tháng là 100.000. Vay 3 lần phải trả 300.000 đồng tiền lãi. Lãi suất 20% gấp 20 lần lãi suất ngân hàng.

- Lần 4 vay tiền đứng: Vay 500.000 đồng tiền đứng, mỗi ngày trả 5.000 đồng, mỗi tháng trả 150.000 đồng tiền lãi. Lãi suất 30% gấp 30 lần lãi suất ngân hàng.

Tổng cộng 4 lần cho vay, thu tiền lãi là 450.000đ. (BL: 1354 phần bổ sung)

15. Anh Lê Văn Thơm (Thơm "Đui"), bảo vệ ở chợ cá Cầu Ông Lãnh, ngụ tại 290/14 Dương Bá Trạc, phường 1, quận 8, TP HCM vay 4 lần.

- Lần 1, 2, 3: Vay trả góp, mỗi lần vay 1.000.000 đồng, trả góp mỗi ngày 40.000 đồng, trả góp trong 30 ngày thành 1.200.000, tiền phải trả lãi một tháng là 200.000. Vay 3 lần phải trả 600.000 đồng tiền lãi. Lãi suất 20% gấp 20 lần lãi suất ngân hàng.

- Lần 4 vay tiền đứng: Vay 1.000.000đ tiền đứng, mỗi ngày trả 10.000đ, mỗi tháng trả 300.000đ tiền lãi. Lãi suất 30% gấp 30 lần lãi suất ngân hàng.

Tổng cộng 4 lần cho vay, thu tiền lãi là 900.000 đồng. (BL: 1368 phần bổ sung)

16. Anh Nguyễn Hữu Hạnh, chạy xe ba gác ở chợ cá Cầu Ông Lãnh, ngụ tại 79X/1 Bến Chương Dương, Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM vay 6 lần:

- Lần 1, 2, 3: Vay trả góp, mỗi lần vay 500.000 đồng, trả góp mỗi ngày 20.000, trả góp trong 30 ngày thành 600.000, tiền phải trả lãi một tháng là 100.000 đồng. Vay 3 lần phải trả 300.000 đồng tiền lãi. Lãi suất 20% gấp 20 lần lãi suất ngân hàng.

- Lần 4: Vay 1.000.000 đồng, trả góp mỗi ngày 40.000, trả góp trong 30 ngày thành 1.200.000, tiền phải trả lãi một tháng là 200.000 đồng. Lãi suất 20% gấp 20 lần lãi suất ngân hàng.

- Lần 5, 6 vay tiền đứng: Mỗi lần vay 1.000.000 đồng tiền đứng, mỗi ngày trả 10.000, mỗi tháng trả 300.000 tiền lãi Hai lần vay phải trả 600.000 đồng tiền lãi. Lãi suất 30% gấp 30 lần lãi suất ngân hàng.

Tổng cộng 6 lần cho vay, thu tiền lãi là 1.100.000 đồng. (BL: 1383 phần bổ sung)

17. Anh Phan Văn Trọng (Đạt), chạy xe ba gác ở chợ cá Cầu Ông Lãnh, ngụ tại 171 Nguyễn Cư Trinh, phường 15, quận 1, TP HCM vay 3 lần:

- Lần 1: Vay 500.000 đồng, trả góp mỗi ngày 20.000, trả góp trong 30 ngày thành 600.000, tiền phải trả lãi một tháng là 100.000 đồng. Lãi suất 20% gấp 20 lần lãi suất ngân hàng.

- Lần 2, 3 vay tiền đứng: Mỗi lần vay 500.000 đồng tiền đứng, mỗi ngày trả 5.000, mỗi tháng trả 150.000 tiền lãi. Vay 2 lần phải trả 300.000 đồng tiền lãi suất. Lãi suất 30% gấp 30 lần lãi suất ngân hàng.

Tổng cộng 3 lần cho vay, thu tiền lãi là 400.000 đồng. (BL: 1377 phần bổ sung)

18. Anh Nguyễn Huy Hoàng, chạy xe ba gác ở chợ cá Cầu Ông Lãnh (đang cai nghiện tại trường số 4, Tân Định, Tân Uyên, Bình Dương), vay 2 lần.

Mỗi lần vay 500.000 đồng, trả góp mỗi ngày 20.000, trả góp trong 30 ngày thành 600.000, tiền phải trả lãi một tháng là 100.000 tiền lãi suất. Vay 2 lần phải trả 200.000 đồng tiền lãi suất. Lãi suất 20% gấp 20 lần lãi suất ngân hàng. (BL: 1384 phần bổ sung)

19. Anh Hùng, chạy xe ba gác ở chợ cá Cầu Ông Lãnh (không xác định được địa chỉ), vay 2 lần.

Mỗi lần vay 500.000 đồng, trả góp mỗi ngày 20.000, trả góp trong 30 ngày thành 600.000, tiền phải trả lãi một tháng là 100.000đồng. Vay 2 lần phải trả 200.000 đồng tiền lãi suất. Lãi suất 20% gấp 20 lần lãi suất ngân hàng. (BL: 1355 phần bổ sung)

20. Anh Một, bưng cá ở chợ cá Cầu Ông Lãnh (không xác định được địa chỉ), vay 5.000.000 đồng tiền đứng, mỗi ngày trả 50.000 đồng, mỗi tháng trả 1.500.000 đồng tiền lãi. Vay 2 tháng phải trả 3.000.000 đồng tiền lãi suất. Lãi suất 30% gấp 30 lần lãi suất ngân hàng. (BL: 1355 phần bổ sung)

21. Anh Trần Quang Thọ, công đoàn bốc xếp số 1, ngụ tại số 66 đương số 6, khu Tái Thiết, phường 4, quận 4, TP HCM vay 1.000.000 đồng tiền đứng. Lãi suất 30% gấp 30 lần lãi suất ngân hàng. Tổng cộng thu tiền lãi là 300.000đ. (BL: 1379 phần bổ sung)

22. Chị Lê Kim Cúc (Gái), bán cà phê ở chợ cá Cầu Ông Lãnh, ngụ tại 111 Bến Chương Dương, Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM vay 1.000.000 đồng trả góp. Mỗi ngày trả góp 40.000 đồng, trong 30 ngày thành 1.200.000, một tháng là 200.000 đồng tiền lãi suất. Lãi suất 20% gấp 20 lần lãi suất ngân hàng. (BL: 1363 phần bổ sung)

23. Anh Nguyễn Kiến Bình (Út), chạy xe ba gác, ngụ tại 91/3 Bến Chương Dương, Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP HCM vay trả góp 500.000 đồng. Mỗi ngày trả 20.000 đồng, một tháng trả 600.000 tiền lãi suất. Lãi suất 20%/tháng, gấp 20 lần lãi suất ngân hàng. Tiền lãi thu được là 100.000 đồng. (BL: 1362 phần bổ sung)

24. Anh Tuấn, chạy xe ba gác (không xác định được địa chỉ), vay trả góp 500.000 đồng, mỗi ngày trả 20.000, thành 600.000 đồng. Lãi suất 20%/tháng, gấp 20 lần lãi suất ngân hàng. Tiền lãi thu được là 100.000 đồng. (BL: 1356 phần bổ sung)

25. Anh Nguyễn Văn Chiến (Sáu Cao), công đoàn bốc xếp, ngụ tại 15 Bến Chương Dương, Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP HCM vay trả góp 1.000.000 đồng. Mỗi ngày trả 40.000 đồng, thành 1.200.000 đồng. Lãi suất 20%/tháng, gấp 20 lần lãi suất ngân hàng. Tiền lãi thu được là 200.000đồng. (BL: 1365 phần bổ sung)

26. Anh Nguyễn Văn Hậu, chạy xe ba gác, ngụ tại M12-M14 khu tái thiết, Khánh Hội, quận 4, TP HCM vay trả góp 500.000 đồng. Mỗi ngày trả 20.000 đồng, thành 600.000. Lãi suất 20%/tháng, gấp 20 lần lãi suất ngân hàng. Tiền lãi thu được là 100.000 đồng. (BL: 1372 phần bổ sung)

Lấy lời khai 19/26 người đã vay tiền của Lai Anh đều xác nhận có vay tiền của Lai Anh. Số tiền vay, hình thức vay, lãi suất phải trả phù hợp với sổ sách, lời khai nhận của Lai Anh. Còn 7 trường hợp vay không lấy lời khai được (vì lý do đã chết; chuyển đi nơi khác làm ăn hoặc không xác định được địa chỉ). Song căn cứ vào cuốn sổ thu giữ được, Lai Anh thừa nhận có cho 7 trường hợp (không xác minh được) vay tiền, có thu lãi suất % từng tháng (gấp ít nhất là 15 lần so với lãi suất ngân hàng nhà nước cho vay cùng thời điểm) như phần nêu từng trường hợp cụ thể về hành vi cho vay lãi nặng của Châu Phát Lai.

Như vậy, với số vốn 12-15 triệu đồng cho 26 người vay từ cuối 1999 đến tháng 9/2000, Lai Anh thu được 27/570.000 đồng tiền lãi. Căn cứ vào công văn số 357/NHTP.2002 thông báo lãi suất cơ bản của NHNN cho vay cùng thời điểm Lai Anh cho 26 người vay tiền, xác định Lai Anh đã thu lời bất chính 27.570.000 đồng từ lãi suất thu được của 26 người vay tiền của Lai Anh.
 
Dang Hoang Vu đã viết:
Post mấy cái này lên đây làm gì cho rác board, ai quan tâm thì thiếu gì chỗ khác để đọc.
\
Ông anh chẳng hiểu gi` cả. Có người quan tâm đến Năm Cam nhờ thăng em post thì em mới post. Hơi đâu mà post không
 
Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 27): Hành vi cho vay lãi nặng của Nguyễn Kim Thịnh

Từ tháng 10/2000 đến tháng 1/2002, Nguyễn Kim Thịnh - đối tượng nổi tiếng là "rắn" trong giới giang hồ - đã cho 17 người vay, với lãi suất "cắt cổ". Các con nợ đều cố gắng trả tiền lời và tiền gốc cho đúng thời gian quy định vì sợ Thịnh cho người đe dọa và hành hung.

B. Các vụ phạm tội do các đối tượng khác thực hiện

IV. Các vụ cho vay lãi nặng

2.2. Hành vi cho vay lãi nặng của Nguyễn Kim Thịnh

Từ tháng 10/2000 đến tháng 1/2002, Lai Anh đã giao tiền cho Nguyễn Kim Thịnh 8-10 triệu đồng để Thịnh cho 17 người vay nhằm thu lợi bất chính. Hình thức vay trả góp và vay đứng như Lai Anh đã cho vay. Cụ thể như sau:

1. Lê Công Đồng (Quê), sinh 1966, trú tại hẻm 84, phường 14, quận 4, chạy xe ba gác máy tại chợ cá Cầu Ông Lãnh, vay 1.000.000 đồng tiền đứng, mỗi ngày trả 10.000, một tháng trả 300.000 đồng tiền lãi. Lãi suất 30%/tháng gấp 30 lần tiền lãi suất ngân hàng, vay 12 tháng tổng số tiền lãi suất là 3.600.000 đồng. (BL: V6 T4: 345-346)

2. Nguyễn Văn Hậu, sinh 1968, trú tại M12, M14 đường 36, phường 6, quận 4, chạy xe ba gác máy tại chợ cá Cầu Ông Lãnh, vay 7 lần, mỗi lần 500.000 đồng, trả góp 20.000 đồng/ngày, trả trong vòng 30 ngày. Một tháng trả 100.000 đồng tiền lãi. Lãi suất 20%/tháng gấp 20 lần lãi suất ngân hàng. Tổng số tiền lãi suất 7 lần (7 tháng) là 700.000 đồng. (BL: V6 T4: 347-348).

3. Vương Quang Minh (Minh "Trắng"), sinh 1972, trú tại nhà không số hẻm 34 Trần Xuân Soạn, Tân Hưng, quận 7, chạy xe ba gác máy tại chợ cá Cầu Ông Lãnh, vay 5 lần tiền (5 tháng), mỗi lần 500.000 đồng, trả góp 20.000 đồng/ngày, trả trong vòng 30 ngày là 600.000 đồng. Một tháng trả 100.000 đồng tiền lãi. Lãi suất 20%/tháng gấp 20 lần lãi suất ngân hàng. Tổng số tiền lãi suất 5 lần (5 tháng) là 500.000 đồng. (BL: V6 T4: 353-354)

4. Lê Kim Quyền, sinh 1952, trú tại 3B Bến Chương Dương, Cầu Ông Lãnh, quận 1, làm nghề bốc xếp cá, vay 2 lần tiền (2 tháng), mỗi lần 5.000.000 đồng, hình thức vay góp, mỗi ngày trả 100.000 đồng, trả trong vòng 60 ngày thành 6.000.000. Một tháng trả 1000.000 đồng tiền lãi. Lãi suất 10%/tháng gấp 10 lần lãi suất ngân hàng. Tổng số tiền lãi suất 2 lần (2 tháng) là 2.000.000 đồng. (BL: V6 T4: 355-356)

5. Lê Thành Thái (Sơn "Đen"), sinh 1959, trú tại 10/2A khu phố 2, Tân Thuận Đông, quận 7 nghề bốc xếp cá, vay 4 lần (4 tháng), mỗi lần 2.000.000 đồng, trả góp mỗi ngày 80.000 đồng, trong vòng 30 ngày thành 2.400.000 đồng. Một tháng trả 400.000 đồng tiền lãi. Lãi suất 20%/tháng gấp 10 lần lãi suất ngân hàng. Tổng số tiền lãi suất 4 lần (4 tháng) là 1.600.000 đồng. (BL: V6 T4: 357-358)

6. Nguyễn Văn Long (Long "Vịt"), sinh 1965, trú tại 19 Bến Chương Dương, Nguyễn Thái Bình, quận 1, làm nghề bốc xếp cá, vay 3 lần (3 tháng), mỗi lần 500.000 đồng, hình thức trả góp, mỗi ngày góp 20.000 trong vòng 30 ngày thành 600.000 đồng. Một tháng trả 100.000 đồng tiền lãi. Lãi suất 20%/tháng gấp 20 lần lãi suất ngân hàng. Tổng số tiền lãi suất 3 lần (3 tháng) là 300.000 đồng. (BL: V6 T4: 359-360)

7. Đặng Thái Bình (Hiếu), sinh 1960, trú tại 146 tổ 1, phường 9, Thủ Đức, làm nghề bốc xếp cá, vay 3 lần, mỗi lần 1.000.000 đồng, trả góp 60 ngày, mỗi ngày 20.000 đồng thành 1.200.000 đồng. Một tháng trả 100.000 đồng tiền lãi. Lãi suất 10%/tháng gấp 10 lần lãi suất ngân hàng. Tổng số tiền lãi suất 3 lần (3 tháng) là 600.000 đồng. (BL: V6 T4: 361-362)

8. Phạm Văn Tâm (Tâm A), sinh 1969, trú tại 371C/7 khu phố 1, Tân Quy, quận 7, làm nghề bốc xếp cá tại chợ Cầu Ông Lãnh, quận 1, vay 2 lần tiền, mỗi lần 1.000.000 đồng. Hình thức vay trả góp 30.000đ/ngày, góp trong 40 ngày thành 1.200.000 đồng. Một tháng trả 150.000 đồng tiền lãi. Lãi suất 15%/tháng gấp 10 lần lãi suất ngân hàng. Tổng số tiền lãi suất 2 lần là 400.000 đồng. (BL: V6 T4: 363-364)

9. Lê Văn Hoa (Nhiều), sinh 1958, trú tại 29/11 Cô Giang, Cầu Ông Lãnh, quận 1, làm nghề bốc xếp tại chợ cá Cầu Ông Lãnh, vay 2 lần tiền, mỗi lần 500.000 đồng, hình thức vay trả góp, mỗi ngày góp 20.000 đồng, góp trong 30 ngày thành 600.000 đồng. Một tháng trả 100.000 đồng tiền lãi. Lãi suất 20%/tháng gấp 20 lần lãi suất ngân hàng. Tổng số tiền lãi suất 2 lần là 200.000 đồng. (BL: V6 T4: 365-366)

10. Ngô Văn Sơn, sinh 1968, trú tại 70A An Dương Vương, phường 10, quận 6, làm nghề bốc xếp cá, vay 7 lần tiền (7 tháng), mỗi lần 500.000 đồng, hình thức trả góp 30 ngày, mỗi ngày trả 20.000 thành 600.000. Một tháng trả 100.000 đồng tiền lãi. Lãi suất 20%/tháng gấp 20 lần lãi suất ngân hàng. Tổng số tiền lãi suất 7 lần (7 tháng) là 700.000 đồng. (BL: V6 T4: 367-368)

11. Lê Kim Hóa (Hóa B), sinh 1971, trú tại số 4 Bến Chương Dương, Cầu Ông Lãnh, quận 1, làm nghề bốc xếp cá, vay 7 lần (7 tháng), mỗi lần 1.000.000 đồng, hình thức trả góp 30 ngày, mỗi ngày 40.000 thành 1.200.000 đồng. Một tháng trả 200.000 đồng tiền lãi. Lãi suất 20%/tháng gấp 20 lần lãi suất ngân hàng. Tổng số tiền lãi suất 7 lần (7 tháng) là 1.400.000 đồng. (BL: V6 T4: 369-370)

12. Nguyễn Văn Thân, sinh 1975, trú tại C102 Lý Văn Phức, Tân Định, quận 1, làm nghề bốc xếp cá, vay 1 lần 500.000 đồng, trả góp trong vòng 30 ngày, mỗi ngày 20.000 thành 600.000 đồng. Một tháng trả 100.000 đồng tiền lãi. Lãi suất 20%/tháng gấp 20 lần lãi suất ngân hàng. (BL: V6 T4: 371-372)

13. Trần Quang Thọ, sinh 1972, trú tại 66 đường số 6, khu Tái Thiết, phường 4, quận 4, làm nghề bốc xếp cá, vay 500.000 đồng. Hình thức trả góp 40 ngày, mỗi ngày 15.000 thành 600.000 đồng. Lãi suất 15%/tháng gấp 15 lần lãi suất ngân hàng. (BL: V6 T4: 373-374)

14. Nguyễn Văn Khiêm (Được), sinh 1964, trú tại 130/62 Nguyễn Văn Luông, làm nghề bốc xếp cá, vay 2 lần (2 tháng), mỗi lần 500.000 đồng, trả góp 30 ngày, mỗi ngày 20.000 thành 600.000 đồng. Một tháng trả 100.000 đồng tiền lãi. Lãi suất 20%/tháng gấp 20 lần lãi suất ngân hàng. Tổng số tiền lãi suất 2 lần (2 tháng) là 200.000 đồng. (BL: V6 T4: 375-377)

15. Cao Nhật Tân, sinh 1969, ngụ tại 241/9/12 Bến Vân Đồn, phường 5 quận 4, TP HCM. Năm 1999 vay 2 lần, mỗi lần 500.000 đồng. Trả góp 30 ngày, mỗi ngày 20.000 thành 600.000 đồng. Một tháng trả 100.000 đồng tiền lãi. Lãi suất 20%/tháng gấp 20 lần lãi suất ngân hàng. Tổng số tiền lãi suất 2 lần (2 tháng) là 200.000 đồng. (BL: V6 T4: 399-400)

16. Lê Thành Thái (Đen), sinh 1969, ngụ tại 10/2A khu phố 2, Phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP HCM, nghề nghiệp bốc xếp tại chợ cá Cầu Ông Lãnh. Vay 2 triệu trong năm 2001, trả góp mỗi tháng 500.000 đồng, trong 5 tháng thành 2.500.000 đồng. Tiền lời mỗi tháng là 100.000 đồng, lãi suất 5%/tháng. Tổng số tiền lãi là 500.000 đồng. (BL: V6 T4: 403)

17. Đặng Văn Nhàng (Sáu Lệ), sinh 1950, ngụ tại 44 lô C, chung cư Cô Giang, Cô Giang, quận 1, bán cà phê ở chợ cá Cầu Ông Lãnh. Năm 2000 vay 3 lần: Lần 1 vay 500.000 đồng, trả góp 30 ngày, mỗi ngày 20.000 thành 600.000 đồng. Tiền lãi 100.000, lãi suất 20%/tháng gấp 20 lần lãi suất ngân hàng, thu lời bất chính 95.000 đồng. Hai lần sau vay mỗi lần 1.000.000 đồng, trả góp trong 30 ngày, mỗi ngày trả 40.000 thành 1.200.000 đồng. Một tháng trả 200.000 đồng tiền lãi. Lãi suất 20%/tháng gấp 20 lần lãi suất ngân hàng. Tổng số tiền lãi suất 2 lần là 400.000 đồng. (BL: V6 T4: 401-402)

Tổng số tiền lãi suất mà Châu Phát Lai và Nguyễn Kim Thịnh thu được thông qua việc cho 17 người vay là 13.597.000 đồng. Căn cứ vào công văn 237/NHTP.2002 thông báo lãi suất cơ bản của NHNN cho vay cùng thời điểm thì Lai Anh và Nguyễn Kim Thịnh thu lời bất chính thông qua việc cho 17 người vay là 13.597.000 đồng.

Những người vay tiền của Lai Anh và Nguyễn Kim Thịnh đều khai nhận có vay tiền của Lai Anh với số lượng cụ thể nêu trên. Họ cũng đều biết được rằng lãi suất phải trả cho việc vay tiền của Lai Anh là quá cao nhưng vì điều kiện gia đình quá khó khăn nên bắt buộc phải vay tiền của bọn chúng. Việc trả tiền lời và tiền gốc cho Lai Anh đều phải đúng thời gian quy định, không dám sai hẹn vì Lai Anh và Nguyễn Kim Thịnh rất có tiếng trong giới giang hồ, sợ bị bọn chúng sẽ cho người đe dọa và hành hung.

Theo yêu cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an an tại công văn số 1041/C16(C3) ngày 18/7/2002 và công văn số 1447/C16(C3) ngày 12/8/2002, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP HCM có công văn số 855/NHTP.2002 ngày 22/7/2002 (BL: V6 T4: 404A), công văn số 993/NHTP.2002 ngày 21/8/2002 và công văn 357/NHTP.2002 trả lời kết quả tính lãi suất hằng tháng từng trường hợp vay tiền của Châu Phát Lai (Lai Anh) và Nguyễn Kim Thịnh nêu trên và lãi suất cho vay cao nhất của Ngân hàng Nhà nước quy định tại từng thời điểm, để làm căn cứ xác định số tiền thu lợi bất chính của Lai Anh và Nguyễn Kim Thịnh.

Như vậy thời gian từ tháng 10/2000 đến tháng 1/2002, Châu Phát Lai Anh và Nguyễn Kim Thịnh đã dùng tiền cho 43 người vay. Tổng số tiền thu lợi bất chính là 41.167.000 đồng. Trong đó Châu Phát Lai thu lời bất chính 27.570.000 đồng; Nguyễn Kim Thịnh và Châu Phát Lai thu lời bất chính 13.597.000 đồng.

Tuy số tiền mà Châu Phát Lai (Lai Anh) và Nguyễn Kim Thịnh dùng để cho vay lãi nặng không lớn nhưng đối tượng vay tiền đều là nhân dân lao động nghèo, có thu nhập bằng sức lao động chân chính và rất thấp. Vì vậy hành vi của Châu Phát Lai là rất nghiêm trọng, có tính chất bóc lột cao, làm mất lòng tin của những người có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực chợ cá Cầu Ông Lãnh.

Hành vi của Châu Phát Lai và Nguyễn Kim Thịnh đã phạm vào tội cho vay lãi nặng, tội danh được quy định tại khoản 2 điều 163 BLHS, cần phải được xử lý nghiêm khắc, đáp ứng với lòng mong mỏi của quần chúng nhân dân.
 
Back
Bên trên