Năm Cam và đồng bọn.

Dương Quốc Bình
(beckham)

New Member
Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam: Đề nghị truy tố 156 bị can

Theo nguồn tin riêng của Dương Quốc Bình, ngày 18/10, ông Nguyễn Thế Bình, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ký bản Kết luận điều tra số 50 về các hành vi của tổ chức tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen của Năm Cam và đồng bọn, kết thúc quá trình điều tra kéo dài từ tháng 5/2001.

Tại bản Kết luận điều tra dày hơn 600 trang, đồ sộ nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam, cơ quan công an đề nghị Viện kiểm sát truy tố 156 bị can, bao gồm cả ba cán bộ cao cấp mới bị khởi tố ngày 10/10 (ông Bùi Quốc Huy, Trần Mai Hạnh, Phạm Sĩ Chiến). Theo đó, cơ quan điều tra cũng đề nghị truy tố, kỷ luật hơn 50 người là công an (1 cấp tướng, 22 cấp tá, 26 cấp uý). Số còn lại là 2 nhà báo, các đối tượng là đàn em và những người liên quan đến hoạt động cờ bạc, giết người của Năm Cam.

24 tội danh của các bị can này được cơ quan điều tra đề nghị Viện kiểm sát xem xét, với tội danh có khung hình phạt với mức án cao nhất là tử hình (tội giết người) và mức thấp nhất là 2-7 năm (tội che giấu tội phạm). Cơ quan điều tra đã làm rõ hành vi phạm tội của Trương Văn Cam (Năm Cam) với 6 tội danh, trong đó có tội giết người.

Viện kiểm sát sẽ có cáo trạng về vụ án này trong vòng 1 tháng nữa, để kịp đưa các bị cáo ra xét xử trước tết âm lịch.
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:
Vụ án Năm Cam: Nguyễn Minh Tuân được miễn truy tố

Nguồn tin riêng của Dương Quốc Bình cho biết, thứ 2 tới VKSND Tối cao sẽ có bản cáo trạng truy tố 155 bị can, thay vì 156 như đề nghị của Cơ quan điều tra Bộ Công an. Bị can Nguyễn Minh Tuân - điều tra viên thuộc phòng CSĐT Công an TP HCM - được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và hiện đã được trả tự do.

Nguyễn Minh Tuân bị khởi tố về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án theo khoản 2, Điều 236 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1985, nay là khoản 2, Điều 300 BLHS năm 1999. Hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án của Nguyễn Minh Tuân được thể hiện trong kết luận điều tra của Bộ Công an như sau:

Ngày 13/2/1988 Công an quận I, TP HCM có quyết định di lý vụ án Châu Phát Lai Em phạm tội giết người đến phòng PC16 - Công an TP HCM để điều tra theo thẩm quyền. Nguyễn Minh Tuân là điều tra viên đã được phân công thụ lý điều tra vụ án này. Ngày 22/2/1988, Nguyễn Minh Tuân viết bản kế hoạch điều tra vụ án và được lãnh đạo đội duyệt, sau đó tiến hành điều tra. Ngày 8/4/1988 kết luận điều tra vụ án và hồ sơ vụ án chuyển đến VKSND TP HCM đề nghị truy tố Châu Phát Lai Em về tội giết người theo Điều 101 khoản 3 BLHS năm 1985 là trường hợp phạm tội "trong tình trạng thần kinh bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân”.

Quá trình điều tra vụ án bị can Nguyễn Minh Tuân đã để ngoài hồ sơ vụ án lời khai của nhân chứng trực tiếp rất quan trọng là anh Nguyễn Minh Chánh (BL số: V10.T1-15,16). Kết luận điều tra vụ án chỉ dựa theo lời khai chối tội của bị can Châu Phát Lai Em.

Bị can Nguyễn Minh Tuân còn biết rõ con dao mà Công an quận I chuyển không phải là con dao mà bị can Châu Phát Lai Em đã sử dụng để gây án nhưng Tuân vẫn chuyển cùng hồ sơ vụ án để đề nghị truy tố. Mặt khác theo phiếu nhập, xuất và bàn giao tang vật mà Nguyễn Minh Tuân chuyển đến Toà án TP HCM gồm: 01 con dao và 2 thanh sắt, nhưng trên kết luận điều tra vụ án chỉ thấy nêu tang vật là 1 con dao (biên bản thu hồi tang vật tại hiện trường ngày 26/12/1987 cũng chỉ có 1 con dao).

Các hành vi trên của Nguyễn Minh Tuân đã dẫn đến làm sai lệch bản chất của vụ án. Mặc dù Tuân vẫn thảo kết luận điều tra đề nghị truy tố Châu Phát Lai Em, nhưng lại trên cơ sở hồ sơ đã bị làm sai lệch theo hướng không phạm tội như đã nêu trên. Bị can Nguyễn Minh Tuân đã thừa nhận việc làm sai phạm của mình (BL số: V10.T3-133) là do điều tra không thận trọng, cẩu thả, trình độ non kém. Nhưng Tuân không thừa nhận có tiêu cực trong việc này.

Theo các chuyên gia pháp luật, hành vi phạm tội của Nguyễn Minh Tuân là rõ ràng. Tuy nhiên, theo Điều 23 BLHS năm 1999, để xác định thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự là 10 năm, trong khi đó, thời điểm Tuân phạm tội là năm 1988 (cách đây 14 năm). Nếu chiếu theo quy định về thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự của Điều 45, BLHS năm 1985 (quy định thời hạn truy cứu là 15 năm), thì Tuân vẫn bị truy tố. Song, theo khoản 3 Điều 7, BLHS năm 1999 thì "những quy định nào có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với hành vi mà họ thực hiện trước 0h00' ngày 1/7/2000 (thời điểm BLHS năm 1999 có hiệu lực) mà sau 0h00' ngày 1/7/2000 mới bị phát hiện". Vì vậy, trường hợp của Tuân được VKSND Tối cao áp dụng điều luật theo hướng có lợi.

Các phần khác của chuyên án Năm Cam và đồng bọn, về cơ bản VKSND Tối cao đều nhất trí với Cơ quan điều tra Bộ Công an. VnExpress sẽ lần lượt chuyển đến bạn đọc các phần nội dung điều tra hành vi phạm tội của 155 bị can trong vụ án này.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Nguyên văn kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 1)

Từ hôm nay, bản kết luận điều tra đồ sộ nhất trong lịch sử tố tụng VN của Ban chuyên án Năm Cam và đồng bọn, do Phó thủ trưởng cơ quan điều tra Bộ Công an Nguyễn Thế Bình ký, với 240 trang nêu rõ hành vi phạm tội và 398 trang lý lịch của 156 bị can, sẽ được VnExpress lần lượt đăng tải.

Kết luận điều tra Chuyên án Năm Cam và đồng bọn, số 50/ĐT - BCA ngày 18/10/2002.

- Căn cứ Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự nước CHXHCN Việt Nam.

Tình hình chung

Trương Văn Cam (Năm Cam) là đối tượng hình sự đặc biệt nguy hiểm, hoạt động phạm tội có tổ chức, liên tục gây ra nhiều tội ác đối với nhân dân trong thời gian dài. Trước giải phóng miền Nam 1975, Trương Văn Cam đã có tiền án về tội giết người và đã tham gia các tổ chức cờ bạc chuyên nghiệp của các tên Nguyễn Văn Sy (Bảy Sy - anh rể của Trương Văn Cam), Thành đôla….

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Trương Văn Cam tiếp tục hoạt động cờ bạc bằng cách tạo dựng thanh thế, tụ tập một số đối tượng lưu manh hình thành các băng nhóm và sử dụng bọn này làm lực lượng che chắn các tổ chức cờ bạc, tranh giành quyền lợi đối với các băng nhóm tội phạm khác. Là một đối tượng hình sự đặc biệt nguy hiểm nên Trương Văn Cam đã bị chính quyền TP HCM bắt đưa đi cải tạo vào các năm 1978, 1982. Từ năm 1992 đến 1995, bằng các thủ đoạn nham hiểm, tiếp tục tập hợp nhiều tên có tiền án, tiền sự hình thành nhiều sòng bạc với quy mô lớn, hoạt động lưu động ở quận 4, quận 8… TP HCM.

Trong khoảng thời gian này, các cơ quan Đảng và chính quyền các cấp nhận được nhiều đơn của cán bộ, viên chức nhà nước và nhân dân TP HCM tố giác các hành vi vi phạm pháp luật của Trương Văn Cam và đồng bọn. Tháng 3/1995, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt nhận được báo cáo của Quân báo - Bộ Quốc phòng phản ánh hoạt động phạm tội của Trương Văn Cam và đồng bọn trong việc tổ chức các sòng bạc để tạo nguồn thu bất chính, tiếp tục tạo dựng thanh thế để cầm đầu một số băng nhóm lưu manh hoạt động phạm tội nguy hiểm hơn. Đồng chí Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Bộ trưởng Bộ Nội vụ Bùi Thiện Ngộ (nay là Bộ Công an) đề nghị tiến hành các biện pháp cần thiết làm rõ những nội dung mà Quân báo đã báo cáo.

Sau khi các đơn vị thuộc Bộ Nội vụ và Công an TP HCM xác minh thẩm định, đối chiếu nội dung trong báo cáo của Quân báo - Bộ Quốc phòng hoạt động phạm tội của Trương Văn Cam và đồng bọn là có thật. Đồng thời phát hiện Trương Văn Cam đã dùng mọi thủ đoạn đối phó với hoạt động điều tra, kể cả việc hối lộ mua chuộc một số cán bộ trong lực lượng công an có chức năng đấu tranh chống tội phạm thuộc loại tội phạm Trương Văn Cam đang hoạt động và một số phóng viên báo nhằm tạo bức màn che chắn để lẩn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Bên cạnh các thủ đoạn trên, Trương Văn Cam sẵn sàng trốn ra nước ngoài khi sự che chắn bất lực.

Tổng cục Cảnh sát và Công an TP HCM đã kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ công an) và đã nhận được sự chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ là: Khẩn trương điều tra, lập hồ sơ đưa Trương Văn Cam đi tập trung cải tạo để ngăn chặn các hoạt động phạm tội của Trương Văn Cam, đồng thời tiếp tục điều tra làm rõ, triệt phá tổ chức tội phạm do Trương Văn Cam cầm đầu, vừa ngăn chặn tội ác, vừa ngăn chặn sự lôi kéo, lũng đoạn một số thanh niên vào con đường tội lỗi, bất chấp pháp luật, bất chấp mong muốn của nhân dân có cuộc sống an bình để chăm lo hạnh phúc và đời sống văn hóa ngàn năm của dân tộc Việt Nam sau mấy chục năm chiến tranh ác liệt, vừa củng cố xây dựng nội bộ các ngành, lấy lại lòng tin của Đảng, chính quyền, nhân dân, tiếp tục phát huy mạnh mẽ phong trào quần chúng bảo vệ An ninh Tổ quốc với phương châm: Để bảo vệ an ninh xã hội tốt phải đi từ thế trận lòng dân.

Sau khi được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt, Ủy ban nhân dân TP HCM ra quyết định tập trung cải tạo đối với Trương Văn Cam thời hạn 03 năm theo Nghị quyết số 49 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc đưa Trương Văn Cam đi tập trung giáo dục cải tạo năm 1995 đã được cán bộ, viên chức nhà nước, nhân dân và công luận hoan nghênh, ủng hộ, phong trào quần chúng bảo vệ An ninh Tổ quốc lúc bấy giờ tiếp tục được khơi dậy theo hướng: Sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự là sự nghiệp của quần chúng. Kết quả trên đã tạo điều kiện cho lực lượng Công an triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm có liên quan đến băng nhóm Trương Văn Cam như bắt và truy tố 09 tên tội phạm trong băng Tài lùn về tội cưỡng đoạt tài sản có giá trị lớn của nhân dân; bắt vụ tổ chức đánh bạc và đánh bạc ở Phường 12- quận Gò Vấp đưa truy tố 23 tên; bắt vụ tổ chức đánh bạc do Huỳnh Tỳ cầm đầu ở 98F Lê Lai, quận 1, TP HCM (đây là một trong những sòng bạc lớn do Trương Văn Cam lập ra và bảo kê); bắt 35 tên trong vụ tổ chức đánh bạc, đánh bạc ở xã Hóa An, Biên Hòa, Đồng Nai, trong đó có nhiều tên đàn em thân tín với Trương Văn Cam như Nguyễn Anh Tuấn (Tuấn Tăng), Tạ Đắc Lung (Lý Đôi), Thành "Đô La", Đại già, Vũ Thế Khải… Đồng thời, Công an TP HCM còn bắt xử lý hàng trăm đối tượng hình sự có liên quan đến băng nhóm Trương Văn Cam đưa ra truy tố hoặc đưa đi tập trung cải tạo.

Tháng 10/1997, sau khi đi tập trung cải tạo được tha về, Trương Văn Cam tiếp tục lao sâu vào con đường phạm tội. Trương Văn Cam đã tập hợp và giao cho bọn tay chân thân tín dùng mọi thủ đoạn để phục hồi, sắp xếp lại tổ chức, bố trí địa bàn, hình thành các sòng bạc một cách chặt chẽ, quy mô lớn, vừa để tạo nguồn thu nhập bất chính lớn cho bản thân và đồng bọn, mặt khác dùng sòng bạc làm nơi tập hợp bọn tay chân thân tín gồm những tên lưu manh có nhiều tiền án tiền sự hình thành lực lượng thường trực để Trương Văn Cam sử dụng bọn này vào các hoạt động bảo kê, tranh giành, mở rộng lãnh địa hoạt động phạm tội. Với tham vọng là thống lĩnh các băng nhóm tội phạm, hình thành và phát triển tổ chức tội phạm không chỉ ở TP HCM mà còn lan rộng nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước; đồng thời liên kết với các băng nhóm tội phạm bên ngoài (băng Trúc Liên của A Lý…), Trương Văn Cam đã thực hiện nhiều thủ đoạn xảo quyệt nhằm che đậy hoạt động phạm tội của mình. Một mặt Trương Văn Cam chạy đua với thời gian, bất chấp dư luận để phát triển các tổ chức cờ bạc, kể cả hoạt động cờ bạc bịp để tạo ra nguồn thu nhập bất chính lớn, ráo riết thu hút, dung nạp các đối tượng thuộc băng nhóm tội phạm khác tại TP HCM và các tỉnh thành; mặt khác Trương Văn Cam mở ra một số cơ sở kinh doanh hợp pháp như nhà hàng, vũ trường… để ngụy tạo là Trương Văn Cam đã “rửa tay gác kiếm” làm ăn lương thiện nhằm che giấu các hoạt động phạm tội. Thâm độc hơn, xảo quyệt hơn, Trương Văn Cam đã mua chuộc bằng tiền, gái làm tha hóa một số cán bộ thoái hoá biến chất thành những kẻ che chắn cho hoạt động phạm tội của y.

Trước, trong và sau khi Trương Văn Cam bị tập trung cải tạo năm 1995, bản thân Trương Văn Cam và thân nhân trong gia đình y, đặc biệt là Dương Ngọc Hiệp (Hiệp "Phò Mã") đã cùng tên Trần Văn Thuyết, Nguyễn Thập Nhất lôi kéo, mua chuộc nhiều cán bộ ở cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, báo chí can thiệp để không bị xử lý hình sự, hủy bỏ quyết định tập trung giáo dục cải tạo và sau đó được tha trước thời hạn. Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, cụ thể là ông Phạm Sỹ Chiến - nguyên phó Viện trưởng - đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ kiến nghị hủy bỏ tập trung giáo dục cải tạo đối với Trương Văn Cam và ông Trần Mai Hạnh - nguyên Tổng giám đốc đài tiếng nói Việt Nam - đã có một số bài báo can thiệp nhằm ngăn chặn Bộ Nội vụ không đưa Trương Văn Cam đi TTGDCT. Ngày 24/7/1997, Trương Văn Cam được tha trước thời hạn 07 tháng. Trương Văn Cam và đồng bọn còn mua chuộc, làm tha hóa nhiều cán bộ chủ chốt trong các cơ quan phòng chống tội phạm ở TP HCM và một số địa phương để những người này bao che cho hoạt động phạm tội của chúng, như bị can Dương Minh Ngọc, Võ Văn Tâm, Lê Minh Hùng... Những bị can này vốn là những cán bộ có thời gian dài đóng góp nhiều công lao cho công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm nhưng đã bị Trương Văn Cam và đồng bọn lôi kéo, sa ngã trước những cám dỗ vật chất. Khi đã bị cám dỗ, tự biến mình thành những tên tội phạm đắc lực cho hoạt động phạm tội có tổ chức do Trương Văn Cam cầm đầu, đi ngược lại nguyện vọng thiết tha của nhân dân, làm mất lòng tin, tổn hại đến danh dự, uy tín của lực lượng công an, làm mất uy tín của lực lượng công an đối với các cấp Uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân.

Trước tình hình tội phạm phát triển phức tạp, hoạt động phạm tội ngày càng trắng trợn, lộng hành của Trương Văn Cam và đồng bọn đã gây nên sự phẫn nộ rất lớn, âm ỉ trong cán bộ, viên chức nhà nước và các tầng lớp nhân dân. Các cấp lãnh đạo, chính quyền và các cơ quan chức năng của TP HCM và Bộ Công An đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp tích cực trong công tác phòng chống tội phạm giữ bình yên cuộc sống cho nhân dân. Thực hiện Nghị quyết số 09/CP về chương trình quốc gia phòng chống tội phạm của Chính phủ, đặc biệt là việc tổ chức thực hiện đề án III - Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm của Chính phủ: “Các giải pháp đấu tranh phòng chống tội phạm có tổ chức; tội phạm hình sự nguy hiểm; tội phạm hoạt động mang tính quốc tế”. Bộ trưởng Bộ Công an đã có Chỉ thị số 05 về đấu tranh phòng chống tội phạm hoạt động có tổ chức, tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, lãnh đạo Bộ Công an và CA TP HCM đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo đấu tranh một cách kiên quyết, nghiêm khắc đối với loại tội phạm này. Công an TP HCM đã xác lập nhiều chuyên án hình sự để thu thập chứng cứ về các hoạt động phạm tội của Trương Văn Cam và đồng bọn nhằm đưa bọn chúng trừng trị nghiêm khắc trước pháp luật. Được sự chỉ đạo trực tiếp, chặt chẽ của Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Công An và Thành ủy UBND TP HCM, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng TW, đoàn thể, sự giúp đỡ to lớn của nhân dân, đặc biệt có sự quan tâm thường xuyên của đồng chí nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Lãnh đạo Bộ công an, Thành ủy TP HCM giao nhiệm vụ, Tổng cục Cảnh sát - Bộ công an đã phối hợp chặt chẽ với Công An TP HCM tổ chức điều tra một số vụ án có dấu hiệu do tổ chức tội phạm của Trương Văn Cam gây ra như vụ giết Vũ Hoàng Dung (Dung Hà), vụ giết chiến sĩ cảnh sát hình sự Phan Lê Sơn, vụ các băng nhóm lưu manh thanh toán nhau ở vũ trường Metropolis, vũ trường Monaco…Việc điều tra thu thập chứng cứ để xử lý Trương Văn Cam được thực hiện đồng thời trên cả hai hướng, đó là hoạt động tổ chức đánh bạc của Trương Văn Cam và vai trò của y trong các vụ giết người, tổ chức thanh toán nhau giữa các băng nhóm của bọn lưu manh, côn đồ.

Ngày 09/10/2001, Công an TP HCM đã bắt quả tang sòng bạc của Trương Văn Cam ở phường 13 quận 8 và khẩn trương thu thập, củng cố chứng cứ để xử lý Trương Văn Cam. Ngày 12/12/2001, Tổng cục Cảnh sát sau khi thu thập được chứng cứ về vai trò chủ mưu của Trương Văn Cam trong vụ giết Vũ Hoàng Dung (Dung Hà) đã cùng với Công An TP.HCM mở các đợt tấn công với quy mô lớn bắt giữ Trương Văn Cam và đồng bọn.

Sau khi Trương Văn Cam và một số tên tay chân thân cận trong băng nhóm tội phạm này bị bắt, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã nhận được hàng ngàn đơn, thư, điện thoại tố cáo tội ác của bọn chúng và tố cáo những cán bộ thoái hóa, biến chất tiếp tay cho bọn tội phạm nguy hiểm trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Với sự chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và sự phối hợp với tinh thần trách nhiệm cao và hiệu quả của các cơ quan ngôn luận, công tác đấu tranh đối với tổ chức tội phạm do Trương Văn Cam cầm đầu đã làm bừng lên khí thế tấn công bọn tội phạm sôi nổi, đạt hiệu quả thiết thực. Không những làm rõ các hành vi phạm tội hiện hành của bọn chúng mà còn phục hồi điều tra lại các vụ án có sai phạm trong quá trình điều tra, xử lý tội phạm trước đây. Đồng thời đã xác định được bằng các hoạt động phạm tội như tổ chức đánh bạc, hoạt động bảo kê ... chỉ trong một thời gian ngắn, Trương Văn Cam và gia đình y đã có một khối tài sản khổng lồ trị giá hàng chục tỉ đồng. Trương Văn Cam đã dùng số tiền này để nuôi dưỡng đàn em, tổ chức hoạt động phạm tội với mức độ ngày càng tinh vi, nguy hiểm, manh động hơn. Quá trình điều tra vụ án đã tạm giữ và kê biên số tài sản của Trương Văn Cam và gia đình y gồm: 1,3 tỉ đồng, 29.200 USD, 88 lượng vàng, 4 căn nhà, 7.970 m2 đất và nhiều tài sản có giá trị khác. Tổng ước tính trị giá khoảng 25 tỉ đồng.

Tấn công triệt phá băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu “xã hội đen” do Trương Văn Cam cầm đầu là một thành công lớn, có sự chuẩn bị công phu, tấn công bất ngờ, đánh trúng, đánh đúng, đánh liên tục vào bọn đầu sỏ, chủ mưu, cầm đầu… tạo thuận lợi để triệt phá tận gốc băng nhóm tội phạm này. Việc triệt phá và xử lý triệt để, kiên quyết, nghiêm khắc băng nhóm tội phạm này và cán bộ có liên quan đã góp phần củng cố và nâng cao lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước cũng như các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Trước những chứng cứ quả tang, những tố cáo chính xác, bọn chúng đã nhận tội. Để sớm đưa bọn tội phạm nguy hiểm này ra xét xử, Cơ quan CSĐT - Bộ công an đã hoàn thành kết luận điều tra.
 
Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 2): Vụ giết Dung Hà

Để mở rộng uy tín trong giới giang hồ, Trương Văn Cam đã chỉ đạo đàn em thủ tiêu những kẻ không chịu quy phục. Trong đó, nổi lên vụ giết Vũ Hoàng Dung (tức Dung Hà, nữ quái cầm đầu băng nhóm tội phạm ở Hải Phòng vào làm ăn tại TP HCM). Đây là đầu mối để cơ quan điều tra lần ra thế giới ngầm của "ông trùm".

Nội dung vụ án

A. Các vụ án do Trương Năm Cam và đồng bọn thực hiện

I. Vụ giết Vũ Hoàng Dung

Khoảng 0h25’ ngày 2/10/2000 tại trước số nhà 17 Bùi Thị Xuân, phường Bến Thành, Q1, TP HCM, khi Vũ Hoàng Dung (Dung Hà) ngồi uống nước với Nguyễn Thị Bích Thanh, Đoàn Thị Tú Anh và Nguyễn Thị Nghiệp thì có 1 thanh niên khoảng 26 tuổi, dáng người gầy, cắt tóc ngắn, mặc quần áo màu xanh đen, đi bộ từ đường Cách Mạng Tháng Tám (CMT8) đến chỗ Vũ Hoàng Dung ngồi. Từ phía sau lưng Vũ Hoàng Dung, sát chỗ Dung ngồi, tên thanh niên này rút trong túi quần một khẩu súng ngắn kê vào đầu Dung bắn một phát. Súng nổ và Vũ Hoàng Dung gục xuống. Sau đó tên thanh niên chạy ra đường CMT8 nhảy lên xe Spacy màu trắng do một tên khác chở trốn thoát. Vũ Hoàng Dung được đưa vào Bệnh viện Sài Gòn cấp cứu nhưng đã chết trước khi đến bệnh viện (BL: V1 T1:36).

Công an TP HCM đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, kết quả như sau:

Tại biên bản khám nghiệm hiện trường số 225 ngày 2/10/2000 của Phòng kỹ thuật hình sự CA TP HCM kết luận: “Nơi xảy ra sự việc tại lề đường trước nhà số 17 Bùi Thị Xuân, P.Bến Thành, Q1, TP HCM. Lề đường rộng 5,3m, trên lề đường sát mặt đường có 1 cây cổ thụ, thân cây có đường kính 0,98 m. Nhà số 17 nằm phía bên phải đường Bùi Thị Xuân theo hướng đi tới đường Cách Mạng Tháng Tám và cách đường này khoảng 100 m. Đèn cao áp 2 bên đường sáng. Phía bên trái thân cây cổ thụ hướng ra mặt đường, dưới mặt đường có 1 vũng máu còn tươi, kích thước 1 x 0,75m, cách nhà số 17 là 4m, cách vỉa hè là 0,8m. Xung quanh vũng máu có 5 chiếc ghế nhựa màu nâu, có 4 ly uống nước (2 ly nằm trong khay, 2 ly nằm trên lề đường), 4 tạp chí có tựa đề Tình yêu hôn nhân gia đình, 2 xâu chìa khoá và 1 mũ nam kiểu vành rộng, chất liệu cứng, bên ngoài màu nâu, bên trong màu xanh. Cách vũng máu 5m trước nhà số 15 có 1 ghế nhựa màu nâu tình trạng ngã đổ” (BL: V1 T1: 213).

Tại biên bản khám nghiệm tử thi số 225 ngày 2/10/2000 của Phòng kỹ thuật hình sự CA TP HCM kết luận: “Khám ngoài: Tử thi 35 tuổi, cao khoảng 1,57m, ở thái dương cách trên đỉnh vành tai trái 4cm có 1 vết thủng da hình bầu dục kích thước 0,8cm x 0,6cm. Xung quanh vết thủng da bị bầm dập, tụ máu và ám khói đen mờ, bầm tụ máu ở má và gò má phải. Khám trong: Tụ máu dưới da đầu và cơ thái dương trái 6cm x 5cm, thủng xương thái dương không rõ hình, kích thước 1cm x 0,8cm. Nứt xương thái dương, xương trán và chẩm trái. Đường đạn đi xuyên qua bán cầu não trái làm vỡ nền sọ (thân bướm), tìm thấy đầu đạn 9 mm ở dưới da vùng gò má bên phải, chiều hướng đi từ trên xuống dưới, từ trái sang phải” (BL: V1 T1: 39).

Qua công tác điều tra đã xác định Vũ Hoàng Dung (tức Dung Hà), sinh 1965 tại Hải Phòng, ngụ tại 2/23 Trạng Trình, phường Phan Bội Châu, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng là một đối tượng hình sự có nhiều tiền án (năm 1986 phạm tội cướp giật, Toà án quận Hồng Bàng xử 12 tháng tù giam; tháng 10/1990, đánh nhau gây mất trật tự trị an, Toà án Hồng Bàng xử 7 tháng tù giam, đến tháng 7/1991 được tha; tháng 4/1995, Toà án TP Hải Phòng xử 7 năm tù giam về tội tổ chức đánh bạc, đến 1/9/1998 được ân xá về địa phương) chuyên tổ chức các hoạt động cờ bạc, bảo kê tại địa bàn Hải Phòng và một số tỉnh phía Bắc, cầm đầu một băng nhóm tội phạm gồm các tên đàn em như Huỳnh Văn Hải (Hải "Hấp"), Nguyễn Duy Quân (Quân "Béo") (BL: V1 T1: 44).

Tháng 10/1998, Vũ Hoàng Dung vào TP HCM, được Trương Văn Cam nâng đỡ, Dung xin phép và được Trương Văn Cam cho mở sòng bài tại 17 Bùi Thị Xuân và thu tiền xâu một ngày được 70 triệu đồng. Nhưng vốn là loại lưu manh (dân anh chị), Vũ Hoàng Dung tiếp tục tổ chức các hoạt động bảo kê và cờ bạc đã gây ra nhiều vụ gây rối trật tự công cộng, quậy phá ở các vũ trường như Monaco, Phi Thuyền, tổ chức gây rối tại sòng bài của Ba Mậu ở 180 khu tập đoàn 45, Phường Long Bình, Biên Hoà, Đồng Nai, đang có ý đồ gây thanh thế lấn lướt các băng nhóm tội phạm khác giành địa bàn cờ bạc, bảo kê, gây ra nhiều mâu thuẫn giữa các băng nhóm tội phạm ở TP HCM, Hà Nội và Hải Phòng (BL: V1 T3: 342 - 343).

Cũng thời gian này, Vũ Hoàng Dung nghe tin Nguyễn Tuấn Hải mở tiệm cắt tóc ở TP HCM và được Trương Văn Cam đỡ đầu cho bảo kê vũ trường Phi Thuyền, nên tìm gặp Nguyễn Tuấn Hải và yêu cầu bắt buộc tất cả lợi nhuận thu được từ tiệm uốn tóc phải chi cho Vũ Hoàng Dung để phụ nuôi đàn em (vì đàn em của Dung ngoài Bắc vào rất đông). Vũ Hoàng Dung tuyên bố sẽ cho đàn em đi quậy phá và thu tiền bảo kê ở các nhà hàng, vũ trường bất kể đó là của ai. Vũ Hoàng Dung buộc Nguyễn Tuấn Hải phải gặp chủ vũ trường Phi Thuyền yêu cầu cho Dung đóng góp cổ phần 1.000.000 đồng nhưng hàng tháng phải chia bằng phần cổ đông cao nhất và buộc chủ Phi Thuyền phải mua căn nhà 21 Thủ Khoa Huân cho Nguyễn Tuấn Hải và Dung, nếu không Dung sẽ quậy phá vũ trường Phi Thuyền. Vũ Hoàng Dung còn yêu cầu Nguyễn Tuấn Hải về phụ mở sòng bạc, mỗi ngày hoạt động 3 ca và giao cho Hải phụ trông coi 1 ca. Nguyễn Tuấn Hải không thực hiện nên khoảng giữa tháng 9.2000, Vũ Hoàng Dung cho đàn em đổ 2 xô phân vào tiệm hớt tóc của Hải, buộc Hải phải gỡ máy lạnh ở tiệm cắt tóc đưa cho Vũ Hoàng Dung sử dụng. Ngày 21/9/2000, Vũ Hoàng Dung cho đàn em ném mắm tôm vào vũ trường Phi Thuyền. Trước đó, Vũ Hoàng Dung đã cho đàn em quậy phá vũ trường Monaco của Trương Văn Cam, tổ chức cho đàn em phá sòng bạc ở Đồng Nai, mục đích là quậy phá gây mất uy tín của Trương Văn Cam, gây tiếng vang ở TP.HCM để tạo uy thế của băng nhóm Hải Phòng tại TP HCM (BL: V1 T3: 342).

Đêm 29/9/2000, Vũ Hoàng Dung tiếp tục cho đàn em (khoảng 15 người) vào vũ trường Phi Thuyền tổ chức sinh nhật giả để quậy phá bằng cách ném mắm tôm vào vũ trường. Bảo vệ vũ trường có bắt đàn em của Vũ Hoàng Dung nên Dung yêu cầu Nguyễn Tuấn Hải đứng ra xin giùm. Khi Vũ Hoàng Dung ra về, tiếp tục yêu cầu Nguyễn Tuấn Hải buộc chủ Phi Thuyền cho Vũ Hoàng Dung hùn vốn 1 triệu đồng và được chia lợi nhuận bằng với cổ đông có phần hùn nhiều nhất, nếu không Dung sẽ quậy phá vũ trường Phi Thuyền. Do đó đã nhiều lần Hải kêu Vũ Hoàng Dung có gì gặp anh Trương Văn Cam để bàn và thương lượng (BL: V1 T3: 381-382).

Từ quan hệ và hành động quậy phá của Vũ Hoàng Dung (Dung Hà) đã thể hiện Dung không chịu dưới trướng Trương Văn Cam (quậy phá bất kể nơi đó là của ai), trực tiếp mâu thuẫn và va chạm quyền lợi là Nguyễn Tuấn Hải và những người đứng sau Nguyễn Tuấn Hải. Qua điều tra, thu thập tài liệu thấy nổi lên đối tượng Nguyễn Tuấn Hải (Hải "Bánh") sinh 1967 tại Hà Nội, HKTT: 36 Hàng Cót, phường Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nguyễn Tuấn Hải là đối tượng hình sự, đã có 6 tiền án tội trộm cắp, cố ý gây thương tích, gây rối…. đã từng đâm thuê chém mướn, sống phiêu bạt giang hồ nên quen biết nhiều băng nhóm “xã hội đen”. Tháng 11/1998, Hải mãn hạn tù được tha về nhưng không chịu làm ăn lương thiện, tiếp tục tụ tập băng nhóm bảo kê các nhà hàng, vũ trường ở Hà Nội.

Trong băng nhóm của Nguyễn Tuấn Hải có Nguyễn Thế Phát ở 207 Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; Nguyễn Xuân Trường ở 28 tổ 7, Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội; Nguyễn Việt Hưng ở 9A Lê Quý Đôn, P.Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội; Lê Duy Long ở F52 B19, Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội là các đối tượng đã có nhiều tiền án, tiền sự về tội cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, được Nguyễn Tuấn Hải tin tưởng - hiện cũng đang hoạt động trên địa bàn TP HCM dưới vỏ bọc kinh doanh quán nhậu. Hưng, Trường và Phát đang ở nhà thuê tại 36 Lô 1, chung cư Lý Thái Tổ (Nguyễn Thiện Thuật), P1, Q3, TP HCM còn Lê Duy Long và Nguyễn Tuấn Hải ở tại 21 Thủ Khoa Huân, P.Bến Thành, Q1, TP HCM (BL: V1 T4: 542 - 544).

Do thường xuyên vào TP HCM, quen biết nhiều băng nhóm, trong đó có Trương Văn Cam (Năm Cam), trùm băng nhóm tội phạm tại TP HCM và Vũ Hoàng Dung (Dung Hà). Hiện Nguyễn Tuấn Hải được Trương Văn Cam đưa vào làm bảo kê cho vũ trường Phi Thuyền tại 34 Tôn Đức Thắng, Q1, TP.HCM. Chính vũ trường này đã bị Vũ Hoàng Dung cùng bọn đàn em của Dung đến quậy phá hai lần vào ngày 21/9/2000 và ngày 29/9/2000, vứt phân người, chuột chết, mắm tôm… vào vũ trường. Với hành động ngang tàng, quậy phá xem thường tất cả củaVũ Hoàng Dung, những người có quyền lợi tại vũ trường bị hạ nhục. Trương Văn Cam và Nguyễn Tuấn Hải rất căm phẫn hành động của Vũ Hoàng Dung.

Trong bảng thanh toán cước phí các cuộc điện thoại số máy 091.239889 của Hải thấy: Trước và sau thời điểm Vũ Hoàng Dung bị bắn lúc 0h25’ ngày 2/10/2000, máy điện thoại của Nguyễn Tuấn Hải liên tục điện thoại cho các số máy của các đối tượng nghi vấn và ở quanh khu vực hiện trường vụ án, trong đó có các cuộc điện thoại của Trương Văn Cam (số 090.936711) gọi vào máy điện thoại của Nguyễn Tuấn Hải lúc 23h06’59” và Nguyễn Tuấn Hải gọi vào máy của Trương Văn Cam lúc 16h32’06” (BL: V1 T10: 1073). Chiếc xe Spacy chở hung thủ gây án có đặc điểm giống chiếc xe của Nguyễn Thị Anh Thư là bồ của Nguyễn Tuấn Hải.

Trong khi Cơ quan CSĐT đang tập trung thu thập tài liệu, chứng cứ về Nguyễn Tuấn Hải thì ngày 24/5/2001, y đã gây ra vụ gây rối trật tự công cộng tại quán ăn Tân Hải Vân (đối diện quán Dìn Ký) số 139 ter Nguyễn Trãi, P.Bến Thành Q1, TP HCM nên ngày 29/5/2001 Cơ quan CSĐT đã quyết định ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Tuấn Hải về tội gây rối TTCC để điều tra mở rộng vụ án giết Vũ Hoàng Dung và các hành vi liên quan khác. Sau một thời gian tập trung đấu tranh, đến ngày 5/12/2001, bị can Nguyễn Tuấn Hải đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của y và tố giác đồng bọn trong vụ án giết Dung Hà. Kiểm tra lời khai của Nguyễn Tuấn Hải phù hợp với tài liệu điều tra thu thập được, Cơ quan CSĐT đã tiến hành ra lệnh bắt các đối tượng:

1. Trương Văn Cam

2. Lưu Tấn Nhơn

3. Nguyễn Thị Anh Thư

4. Lê Duy Long

5. Nguyễn Xuân Trường

6. Nguyễn Việt Hưng

7. Nguyễn Thế Phát.

Ngày 12/12/2001, Cơ quan CSĐT đã phối hợp nhiều lực lượng đã tiến hành ra quân đồng loạt để tổ chức thi hành lệnh bắt đối với Trương Văn Cam và đồng bọn, nhưng mới chỉ bắt được Trương Văn Cam, Lưu Tấn Nhơn, Nguyễn Thị Anh Thư và một số đối tượng liên quan khác. Còn Nguyễn Việt Hưng và Nguyễn Xuân Trường, sau khi gây án đã bỏ trốn. Nguyễn Xuân Trường trốn ra Nha Trang, Đà Nẵng, Huế rồi ra Hà Nội. Do bị truy lùng ráo riết, không có nơi ẩn nấp nên phải ra đầu thú ngày 11/1/2002 (BL: V1 T5: 596). Còn Nguyễn Việt Hưng trốn tại bãi đào vàng Khe Tăng thuộc xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, Quảng Nam, bị lực lượng CSĐT – Bộ công an bắt giữ ngày 31/01/2002 (BL: V1 T4: 485 - 486).

Căn cứ vào lời khai của Nguyễn Tuấn Hải, lời khai của đồng bọn, lời khai nhân chứng, kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, kết quả thu thập dấu vết và các tài liệu khác có đủ cơ sở xác định nội dung tình tiết vụ án xảy ra như sau:

Trương Văn Cam, sinh 1947 tại Quảng Nam, trú quán tại 107/38 Trương Định, P6, Q3, TP HCM là một đối tượng hình sự có nhiều tiền án, tiền sự từ thời kỳ trước năm 1975, đã có 1 tiền án về tội giết người, nhiều tiền án tiền sự về tội đánh bạc. Năm 1997, sau khi TTGDCT, được tha về đã không ăn năn hối cải mà tiếp tục tiến hành các hoạt động phạm tội với thủ đoạn tinh vi hơn, quy mô rộng và chặt chẽ hơn. Trong một thời gian dài đã tập hợp được nhiều đàn em thân tín trên địa bàn Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM và dùng vào các hoạt động phạm tội như: Trên lĩnh vực cờ bạc có Nguyễn Thành Thảo (Thảo ma), Tạ Đắc Lung (Lý Đôi), Nguyễn Chung Tâm….; trên lĩnh vực bảo kê, thanh toán nhau có Nguyễn Tuấn Hải (Hải "Bánh"), Vũ Hoàng Dung (Dung Hà), Châu Phát Lai Em, Trần Quốc Sơn (Sơn "Bạch Tạng"), Nguyễn Văn Thắng (Thắng "Tài Dậu"). Trương Văn Cam cũng đã dùng nguồn tiền bất chính thu được từ việc tổ chức cờ bạc để lo chi phí nuôi dưỡng đàn em và quan hệ (ngoại giao) với một số cán bộ có chức quyền, sa đoạ biến chất bao che cho hoạt động phạm tội của y. Đồng thời tiến hành mở các doanh nghiệp kinh doanh trên lĩnh vực nhà hàng, khách sạn tạo vỏ bọc chắc chắn cho bản thân. Từ đó uy thế của Trương Văn Cam trong giới giang hồ càng được củng cố, đàn em ở các địa bàn khác về TP HCM đều biết tiếng và nể trọng Trương Văn Cam. Khi bọn chúng muốn thực hiện các hành vi phạm tội thì đều phải hỏi và thông qua ý kiến của Trương Văn Cam, nếu Trương Văn Cam cho làm thì mới được thực hiện. Điển hình nhất là vào khoảng tháng 8.2000, do mâu thuẫn trong giới giang hồ giữa Sơn Bạch Tạng và Dung Hà, Sơn đã tổ chức cho 20 tên đàn em thân tín (một số đi bằng đường hàng không, một số đi tàu hoả từ Hà Nội vào TP HCM) mang theo vũ khí để thanh toán băng Vũ Hoàng Dung. Nhưng khi Trương Văn Cam nghe được tin này đã triệu tập cuộc họp tại nhà hàng Maxim gồm Trần Quốc Sơn, Thắng tài dậu, Minh sứt, Vũ Hoàng Dung và nhiều đàn em khác để dàn hoà (BL: V1 T2: 283 - 284). Tuy vậy, Trương Văn Cam cũng sẵn sàng tổ chức thanh toán bọn đàn em nếu như không nghe theo lệnh của y.

Tháng 10/1998, qua giới thiệu của Vũ Hoàng Dung (Dung Hà), Nguyễn Tuấn Hải biết Trương Văn Cam, từ đó có quan hệ thân thiết. Trương Văn Cam coi Hải là một trong những đàn em thân tín nhất. Tháng 8/2000, Nguyễn Tuấn Hải vào TP.HCM được Trương Văn Cam giúp đỡ cho Hải làm bảo kê vũ trường Phi Thuyền tại 34 Tôn Đức Thắng, Q1, TP.HCM, mỗi tháng Trương Văn Cam cho Nguyễn Tuấn Hải 10.000.000 đồng. Để che giấu hoạt động bảo kê, Nguyễn Tuấn Hải thuê căn nhà 21 Thủ Khoa Huân mở tiệm cắt tóc thanh nữ “Vân’s” nhằm hợp thức việc làm ăn bất chính (BL: V1 T3: 469 - 471). Để thực hiện cho các hành vi phạm tội, thanh toán nhau giữa các băng nhóm, đầu tháng 9/2000, Nguyễn Tuấn Hải đã nhờ Lê Duy Long (Long Tây) chở đến nhà Lưu Tấn Nhơn (Đằng Tây) tại 156 Nguyễn Phi Khanh, Q1, TP HCM mượn khẩu súng Rulo và 06 viên đạn. Khẩu súng này Nhơn mua tại bến cảng tàu biển ở Campuchia vào năm 1994 trong thời gian Nhơn làm thuỷ thủ tàu Vietranximex với giá 6 chỉ vàng và cất giữ trong người từ đó nhưng chưa kịp gây ra vụ án nào (BL: V1 T6: 667). Cũng thời gian này, Nguyễn Tuấn Hải còn mượn của Lê Quốc Lâm, ngụ tại 110B Trần Bình Trọng, P1, Q5, TP HCM một khẩu súng Col 45 đã cũ (hỏng kim hoả). Khẩu súng này, Lâm khai đã nhặt được tại một căn phòng ở của căn nhà số 6 Nguyễn Tất Thành, P12Q4, TP HCM (khu nhà tập thể của CA TP HCM).

Những sự việc trên của Vũ Hoàng Dung làm Trương Văn Cam bực mình nên Trương Văn Cam điện thoại cho Hải, yêu cầu Hải phải gặp Vũ Hoàng Dung dàn xếp cho êm xuôi để chấm dứt tình trạng Dung quậy phá. Trương Văn Cam nói với Nguyễn Tuấn Hải “chú gặp Dung Hà nói với nó là chỗ làm ăn của anh em, đừng quậy phá nữa, phải điều đình với nó để mà sống”, Nguyễn Tuấn Hải hỏi lại “nếu không điều đình được thì sao”, Trương Văn Cam trả lời “việc của chú là phải biết làm sao rồi, điều đình không được thì tự chú tính, nếu có xảy ra chuyện gì dính dáng đến pháp luật, chính quyền để anh lo, anh không muốn thấy mặt Dung Hà nữa…”. Nguyễn Tuấn Hải hiểu ý Trương Văn Cam và nói: “được rồi việc này để em làm”. Từ những lời nói như trên, Nguyễn Tuấn Hải hiểu là Trương Văn Cam đã đồng ý cho Hải giết Dung Hà. Nếu có dính dáng đến pháp luật thì có Trương Văn Cam lo (BL: V1 T2: 283).

Khoảng 24h ngày 29/9/2000, Nguyễn Tuấn Hải điện vào máy điện thoại của Nguyễn Thế Phát nhắn Hưng và Trường đến gặp, nói rõ việc Vũ Hoàng Dung mới quậy phá vũ trường và bàn cách trả thù. Ngay trong đêm ngày 29/9/2000, ngay sau khi Vũ Hoàng Dung cho đàn em quậy phá vũ trường Phi Thuyền, Nguyễn Tuấn Hải, Long tây, Hưng, Trường đi 1 xe Toyota biển số 52M-9330 (BL: V1 T10: 952 - 956) mượn của vũ trường Phi Thuyền do Long tây lái đi tìm Dung. Trên xe, Nguyễn Tuấn Hải đã mang theo 2 khẩu súng, Hải đưa cho Trường khẩu súng Rulo đã mượn của Nhơn, còn khẩu súng Col45 của Lâm thì Nguyễn Tuấn Hải giữ. Bọn chúng đều thể hiện ý chí quyết tâm bắn chết Vũ Hoàng Dung. Nguyễn Tuấn Hải nói “phải làm thịt con này thôi”. Hưng và Trường hỏi rõ đặc điểm nhận dạng của Dung, Hải nói “Dung Hà dáng người mập, tóc cắt ngắn”. Hưng nói “để đó em tính, chơi luôn nó ở nhà mới xây cho tiện”… nhưng đêm đó bọn chúng không thực hiện được vì không gặp được Vũ Hoàng Dung.

Ngày 30/9/2000, Hưng và Trường lại gặp Nguyễn Tuấn Hải bàn bạc. Ngay đêm đó, tại nhà nghỉ ở đường Nguyễn Thiện Thuật, Trường nói với Hưng “anh Hải nhờ tôi và ông bắn Dung Hà”, Hưng hỏi lại “ý ông thế nào”, Trường nói “việc này anh Hải nói chỉ có ông và tôi biết, anh Hải nhờ thì mình phải làm thôi” (BL: V1 T4: 530).

19h ngày 1/10/2000, Hưng và Trường đến tiệm uốn tóc của Nguyễn Tuấn Hải. Khoảng 20h, Hải gọi Hưng lên gác đưa khẩu súng Rulo có 6 viên đạn, hướng dẫn cho Hưng cách sử dụng súng và cho xem ảnhcủa Vũ Hoàng Dung. Sau đó cả bọn gồm Nguyễn Tuấn Hải, Long tây, Anh Thư, Hưng, Trường đến vũ trường Phi Thuyền uống rượu, Hưng uống 1 ly thì ngủ gục xuống bàn. Khoảng 23h30, Nguyễn Tuấn Hải gọi Hưng dậy, đưa điện thoại của Long tây cho Hưng, lấy xe Spacy của Anh Thư đưa cho Trường để Trường chở Hưng đi bắn Vũ Hoàng Dung. Trước khi Hưng và Trường đi bắn Dung, tại bãi gửi xe của vũ trường Phi Thuyền, Nguyễn Tuấn Hải dặn “khi tìm thấy Dung Hà thì 1 đứa vào bắn còn 1 đứa chờ ở ngoài vì xe Spacy của Anh Thư là xe biển số thật nên dễ bị lộ”. Sau khi nghe Nguyễn Tuấn Hải dặn, Trường chở Hưng bằng xe Spacy biển số 52H4 - 3321 (BL: V1 T7: 769 - 770) của Anh Thư đi từ vũ trường Phi Thuyền về ngã 6 Phù Đổng. Đến ngã ba Cách Mạng Tháng Tám – Bùi Thị Xuân thì rẽ trái, đi qua số nhà 17 Bùi Thị Xuân không nhìn thấyVũ Hoàng Dung, Trường lái xe chạy đến cây xăng trên đường Bùi Thị Xuân. Khi quay lại thì phát hiện thấy Vũ Hoàng Dung đang ngồi uống nước cùng với 3 người khác ở trước cửa nhà 17 Bùi Thị Xuân. Trường nói “Dung Hà kìa” và cho xe chạy ra đường Cách Mạng Tháng Tám, cách ngã 3 Cách Mạng Tháng Tám – Bùi Thị Xuân 50m phía bên phải đường thì dừng xe lại nói với Hưng “ông đưa súng cho tôi để tôi vào bắn”, Hưng nói “ông có vợ và con rồi, để tôi”. Nói xong Hưng đi bộ về phía Vũ Hoàng Dung ngồi, súng để ở túi quần bên phải, khi tới sát chỗ Dung ngồi thì rút súng kê sát vào đầu Dung từ trái qua phải bắn 1 phát, Vũ Hoàng Dung gục xuống. Sau đó Hưng chạy ra đường Cách Mạng Tháng Tám lên xe do Trường chờ sẵn bỏ chạy. Bọn chúng chạy thẳng theo đường Cách Mạng Tháng Tám (hướng về phía quận 1) được một đoạn rẽ trái (ngược chiều đường Nguyễn Du), đi được một đoạn thì mất phương hướng (vì quá hoảng sợ). Trường cho xe dừng lại và nhận biết đó là khu vực gần khách sạn ABC trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Tại đây Trường dừng xe cho Hưng xuống đi taxi về nhà trọ ở Nguyễn Thiện Thuật còn Trường chạy xe Spacy ra cuối đường Trần Quốc Thảo đoạn gần ngã 4 Trần Quốc Thảo – Lý Chính Thắng vào quán bán hột vịt lộn ở bên đường để bình tĩnh lại (BL: V1 T4: 530 - 531). Sau đó khoảng 0h’45” ngày 2/10 thì Trường vào một nhà dân có máy điện thoại cho thuê ở đường Trần Quốc Thảo điện vào máy di động của Anh Thư (Nguyễn Tuấn Hải đang cầm) báo là Hưng đã bắn Dung Hà, Hưng đã đi vứt súng, còn Trường đang ở một quán bán hột vịt lộn bên lề đường, đoạn đầu đường Trần Quốc Thảo – Lê Văn Sỹ và yêu cầu Nguyễn Tuấn Hải cho người ra lấy xe và điện thoại di động. Nhận được tin của Trường, Nguyễn Tuấn Hải đã điện thoại cho Lưu Bạch Đằng nhờ Đằng ra lấy xe và địên thoại. Lúc đầu Đằng nói đang bị ốm không đi được, Nguyễn Tuấn Hải đã nói thật cho Đằng biết việc Hưng, Trường vừa giết Vũ Hoàng Dung. Nghe nói vậy Đằng chở Lê Quốc Lâm, trú quán 110B Trần Bình Trọng, P1, Q5 đi lấy xe giúp cho Nguyễn Tuấn Hải. Trên đường đi, Đằng và Lâm có ghé qua vũ trường Phi Thuyền và gặp Lê Duy Long ở trước cửa vũ trường, cả ba tên cùng đi đến chỗ Trường hẹn. Sau khi gặp Trường, Lâm lấy xe đưa về quán cà phê Ca Dao của Đằng tại 38 Lý Tự Trọng, Long lấy điện thoại của Long (trước đó Nguyễn Tuấn Hải đã mượn đưa cho Trường và Hưng) đi về nhà ở 21 Thủ Khoa Huân, còn Đằng chở Trường về nhà trọ ở đường Nguyễn Thiện Thuật, sau đó Đằng về nhà (BL: V1 T3: 364).

Đối với Hưng sau khi gây án, từ khách sạn ABC, Hưng đi xe taxi về nhà trọ Nguyễn Thiện Thuật, gọi điện cho Nguyễn Thế Phát nói rõ toàn bộ sự việc giết Vũ Hoàng Dung cho Phát nghe, sau đó nhờ Phát chở đi vứt súng tại 1 cây cầu trong địa bàn TP HCM. Theo mô tả của Hưng, cây cầu có đặc điểm: Cầu dài khoảng 100 m, cầu có lan can làm bằng xi măng cao khoảng 1m. Mặt cầu làm băng bê tông nhựa rộng 6-7 m, hai bờ sông hình như có bờ kè, nước dưới sông bình thường, do buổi tối nên không nhận rõ màu xanh hay đen. Dưới sông có nhiều bèo tây (bèo mắc ở cả những mố cầu). Dọc theo cầu có đường ống nước to cỡ 20 cm, làm cách cầu khoảng 20 cm, thành cầu quét vôi trắng. Khu vực cầu vắng người, dọc theo bờ sông không có đường, không có đèn sáng, trên cầu có lắp bóng đèn vàng. Cơ quan điều tra đã cho Hưng xem bản đồ TP HCM và đưa đi trực tiếp nhận dạng các cây cầu có đặc điểm như mô tả ở địa bàn TP HCM nhưng Hưng không khẳng định được đã vứt súng ở cây cầu nào nên cơ quan điều tra chưa thu được khẩu súng gây án. Sau khi vứt súng xong, Phát và Hưng quay về Nguyễn Thiện Thuật thì gặp Trường, lúc này khoảng 2h ngày 2/10/2000. Phát chở Hưng và Trường đến nhà bạn của Phát ở Q7 ngủ đêm tại đó (BL: V1 T4: 523).

Sáng ngày 2.10.2000, Nguyễn Tuấn Hải điện thoại cho Trương Văn Cam báo Vũ Hoàng Dung đã bị bắn chết, xác đang để ở bệnh viện và hỏi ý kiến về việc có đi viếng Dung không, nhưng Trương Văn Cam không đồng ý và nói “chú đừng đến bệnh viện, ở đó công an rất đông”. Trong thời gian này, Trương Văn Cam rất lo sợ, tâm trạng hoang mang lo lắng, mất ngủ nhiều đêm, sợ hãi Nguyễn Tuấn Hải bị bắt sẽ khai ra Trương Văn Cam. Vì vậy Trương Văn Cam hạn chế tiếp xúc, không dùng số máy điện thoại di động cũ mà mua simcard mới để dùng. Thời gian sau Trương Văn Cam có điện thoại cho Nguyễn Tuấn Hải dặn “chú hãy cẩn thận, Công an đang theo dõi dữ lắm” (BL: V1 T2: 278). Từ đó về sau (2.10.2000 đến đầu tháng 12.2000), Trương Văn Cam và Nguyễn Tuấn Hải tạm thời không liên lạc nữa.

Ngày 5/10/2000, Hưng và Trường đến 21 Thủ Khoa Huân gặp Nguyễn Tuấn Hải nói rõ toàn bộ diễn biến sự việc giết Vũ Hoàng Dung. Nguyễn Tuấn Hải đã đưa Hưng và Trường xuống Vũng Tàu trốn và nhiều lần liên lạc với Trương Văn Cam, mục đích là yêu cầu Trương Văn Cam lo cho Hưng và Trường trốn đi nước ngoài (vì trước đó, Trương Văn Cam đã hứa hẹn giúp đỡ và lo cho Nguyễn Tuấn Hải) nhưng Trương Văn Cam không nghe máy. Vì vậy khoảng 2 tháng sau khi bắn Dung Hà, Nguyễn Tuấn Hải và Trường đã đến vũ trường Monaco gặp Trương Văn Cam để gây áp lực, tại đây Nguyễn Tuấn Hải và Trường rất tức giận Trương Văn Cam. Sau khi đặt yêu cầu với Trương Văn Cam là phải lo cho Hưng và Trường thì Trương Văn Cam trả lời “các chú cứ nằm im, từ từ để anh tính” và Trương Văn Cam đưa cho Nguyễn Tuấn Hải 10 triệu đồng để lo cho Trường và Hưng (BL: V1 T3: 258).

Đối với Anh Thư: Anh Thư quen Nguyễn Tuấn Hải (Hải Bánh) từ khoảng tháng 6.2000 trong một lần đi chơi tại vũ trường Phương Đông, Q1, TP HCM. Ngày 8.9.2000, Nguyễn Tuấn Hải khai trương tiệm uốn tóc “Vân’s” tại số 21 Thủ Khoa Huân, P.Bến thành, Q1, TP HCM, đã cho Anh Thư vào làm quản lý tại tiệm, mỗi tháng trả 2,5 triệu. Từ đó, Nguyễn Tuấn Hải và Anh Thư sống với nhau như vợ chồng. Trong đêm 1.10.2000 (đêm xảy ra vụ giết Vũ Hoàng Dung), Anh Thư có lên vũ trường Phi Thuyền chơi cùng với Nguyễn Tuấn Hải, Lê Duy Long, Trường, Hưng và một số người bạn của Nguyễn Tuấn Hải. Thời gian từ 22h30 ngày 1/10/2000, Nguyễn Tuấn Hải có mượn xe Spacy, biển số 52H1-3321 của Anh Thư đưa cho Trường và Hưng đi đâu không rõ. Đồng thời trong thời điểm này, Nguyễn Tuấn Hải cũng mượn điện thoại di động của Anh Thư thực hiện nhiều cuộc gọi đi các nơi. Song Anh Thư không biết Nguyễn Tuấn Hải điện cho ai, nội dung nói gì. Khi vụ án xảy ra, Anh Thư đã bị CA TP HCM mời gọi nhiều lần về việc sử dụng chiếc xe Spacy và điện thoại di động của Thư trong đêm ngày mồng 1 và ngày 2.10.2000, qua đó Thư biết rằng Nguyễn Tuấn Hải đã gây ra vụ giết Vũ Hoàng Dung nhưng vì sợ không dám tố giác (BL: V1 T9: 770).

Đối với Lê Duy Long, được Nguyễn Tuấn Hải nuôi dưỡng tại nhà 21 Thủ Khoa Huân, luôn luôn đi theo Nguyễn Tuấn Hải. Long biết rất rõ những mâu thuẫn giữa băng nhóm của Nguyễn Tuấn Hải và Vũ Hoàng Dung. Đêm ngày 29/9/2000, ngay sau khi Vũ Hoàng Dung cho đàn em quậy phá vũ trường Phi Thuyền, chính Long đã lái xe chở Nguyễn Tuấn Hải, Hưng và Trường đi tìm Dung để trả thù. Trên xe Long đã chứng kiến Nguyễn Tuấn Hải cầm theo súng bàn bạc với Hưng, Trường về đặc điểm nhận dạng và nơi Vũ Hoàng Dung thường lui tới. Đêm ngày 1/10/2000, Long "Tây" cũng có mặt tại vũ trường Phi Thuyền, tuy không được Nguyễn Tuấn Hải bàn bạc và cho tham gia vụ án giết Vũ Hoàng Dung song khi vụ án xảy ra, Long biết được Nguyễn Tuấn Hải, Hưng và Trường đã gây ra vụ án này nhưng không tố giác hành vi phạm tội của đồng bọn (BL: V1 T8: 810 - 811).

Đối với Nguyễn Thế Phát: Tuy không trực tiếp tham gia vụ án giết Vũ Hoàng Dung nhưng là người nuôi dưỡng, bao che cho Trường và Hưng. Ngày 2/10/2000, ngay sau khi Trường và Hưng gây án xong, Hưng đã gặp và báo cho Phát biết rõ toàn bộ nội dung sự việc bắn Vũ Hoàng Dung vừa mới gây ra. Nguyễn Thế Phát đã trực tiếp chở Nguyễn Việt Hưng đi vứt khẩu súng gây án, mục đích che giấu hành vi phạm tội của đồng bọn. Ngay trong đêm đó, Phát lại sắp xếp, bố trí chổ ẩn náu cho Trường và Hưng tại nhà bạn của Phát ở Q7, TP HCM. Hiện, Nguyễn Thế Phát đã bỏ trốn, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định truy nã và tổ chức truy bắt (BL: V1 T4: 523 - 524).

Đối với Tống Việt Hoà, giám đốc doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Cánh Buồm, chủ vũ trường Phi Thuyền, Cơ quan điều tra cũng đã tiến hành áp dụng các biện pháp điều tra rất kỹ về Tống Việt Hoà, kể cả thanh tra đối với doanh nghiệp Cánh Buồm để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án giết Dung Hà. Cho đến nay, chưa có tài liệu xác định Tống Việt Hoà có liên quan đến vụ án này. Lời khai các bị can Trương Văn Cam, Nguyễn Tuấn Hải đều xác định Vũ Hoàng Dung tiến hành các hành vi quậy phá vũ trường Phi Thuyền như đã nêu trên vì nghĩ rằng đó là vũ trường của Trương Văn Cam. Thực chất, Vũ Hoàng Dung muốn quậy phá và làm mất uy tín của Trương Văn Cam chứ không có mâu thuẫn gì với Tống Việt Hoà (BL: V1 T10: 909 - 917).

Kết quả hỏi cung, các bị can đều đã khai nhận hành vi bắn chết Vũ Hoàng Dung, các hành vi giúp sức và liên quan khác phù hợp với lời khai nhân chứng và các tài liệu chứng cứ mà cơ quan điều tra đã thu thập được. Trương Văn Cam đã khai nhận rõ hành vi chủ mưu, chỉ đạo cho Nguyễn Tuấn Hải tổ chức bắn Dung Hà. Sau khi vụ án xảy ra, tại vũ trường Monaco, Trương Văn Cam có đưa cho Nguyễn Tuấn Hải 5 triệu đồng để lo cho Trường và Hưng nhưng Nguyễn Tuấn Hải khai số tiền mà Trương Văn Cam đưa là 10 triệu chứ không phải 5 triệu đồng như Trương Văn Cam đã khai.

Nguyễn Việt Hưng khai trước khi thực hiện hành vi bắnVũ Hoàng Dung, Hưng được Nguyễn Tuấn Hải cho xem ảnh Dung, đưa khẩu súng Rulo gây án và dạy cách thao tác súng tại phòng riêng của Nguyễn Tuấn Hải ở 21 Thủ Khoa Huân, phường Bến Thành, Q1. Nhưng Nguyễn Tuấn Hải không thừa nhận chi tiết này mà khai không có việc cho Hưng, Trường xem ảnh Dung, còn khẩu súng gây án thì Nguyễn Tuấn Hải đưa cho Hưng tại vũ trường Phi Thuyền trước khi gây án, không phải đưa tại nhà riêng của Nguyễn Tuấn Hải như Hưng đã khai.

Cơ quan điều tra đã xác minh và khai thác kỹ các tình tiết trên nhưng do thời gian đã lâu, sự việc lại không có nhân chứng khác chứng kiến, các bị can khai không nhớ rõ và luôn né tránh, đổ tội cho nhau nên chưa làm rõ được. Tuy nhiên các tình tiết này không làm ảnh hưởng đến bản chất của vụ án nên cũng không ảnh hưởng đến quá trình điều tra và xét xử.

Vật chứng thu được gồm 01 đầu đạn súng Rulo 9mm tìm thấy ở dưới da vùng gò má bên phải của tử thi Vũ Hoàng Dung. Cơ quan CSĐT đã cho các bị can Lưu Tấn Nhơn, Nguyễn Tuấn Hải, Nguyễn Việt Hưng nhận dạng mẫu một số loại súng qua ảnh. Kết quả bọn chúng đều nhận ra loại súng đã dùng để gây án bắn Vũ Hoàng Dung là súng Rulo, là loại súng bắn đạn cỡ 9 mm như đầu đạn đã tìm thấy trong tử thi Vũ Hoàng Dung.

Với nội dung và tình tiết như phân tích nêu trên, các bị can trong vụ án đã phạm vào các tội:

1. Trương Văn Cam phạm tội giết người với vai trò chủ mưu. Tội danh được quy định tại điểm O (giết người có tổ chức), khoản 1, điều 93 BLHS.

2. Nguyễn Tuấn Hải phạm tội giết người với vai trò tổ chức thực hiện, tội danh được quy định tại điểm O khoản 1 (giết người có tổ chức), điều 93 BLHS, và tội tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, tội danh được quy định tại điều 230 BLHS.

3. Nguyễn Việt Hưng phạm tội giết người với vai trò trực tiếp thực hiện (kẻ thủ ác) được quy định tại điểm O, khoản 1, điều 93 BLHS, và tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, tội danh được quy định tại điều 230 BLHS.

4. Nguyễn Xuân Trường phạm tội giết người với vai trò đồng phạm (giúp sức đắc lực cho Nguyễn Tuấn Hải và Hưng gây án) được quy định tại điểm O, khoản 1, điều 93 BLHS.

5. Lưu Tấn Nhơn phạm tội che giấu tội phạm và tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng, tội danh được quy định tại điều 313, 230 BLHS.

6. Nguyễn Thị Anh Thư phạm tội không tố giác tội phạm, tội danh được quy định tại điều 314 BLHS.

7. Lê Duy Long phạm tội không tố giác tội phạm, tội danh được quy định tại điều 314 BLHS. Trong đó hành vi không tố giác Nguyễn Tuấn Hải tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng là tình tiết tăng nặng cần xem xét khi xét xử.

8. Nguyễn Thế Phát phạm tội che giấu tội phạm, tội danh được quy định tại điều 313 BLHS.

Vụ án giết Vũ Hoàng Dung là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, do mâu thuẫn trong quá trình phân chia địa bàn làm ăn, tranh chấp ngôi vị giữa các băng nhóm tội phạm nên Trương Văn Cam là một tên trùm tội phạm hoạt động có tổ chức trên địa bàn TP HCM đã chỉ đạo cho đàn em là Nguyễn Tuấn Hải và đồng bọn thực hiện hành vi bắn chết Vũ Hoàng Dung (Dung Hà) - cũng là một tên trùm cầm đầu băng nhóm tội phạm ở Hải Phòng vào TP HCM tranh giành ngôi vị với Trương Văn Cam.

Hành vi phạm tội của Trương Văn Cam gây chấn động dư luận trong quần chúng nhân dân trên địa bàn cả nước, gây hoang mang mất lòng tin đối với nhân dân, ảnh hưởng lớn đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Hành vi phạm tội của Trương Văn Cam và đồng bọn rất trắng trợn, dã man với mục đích trả thù đê hèn, tước đoạt sinh mạng của Vũ Hoàng Dung, thể hiện tính chất của bọn tội phạm hoạt động có tổ chức theo kiểu xã hội đen, coi thường kỷ cương pháp luật. Hành vi phạm tội của Trương Văn Cam và đồng bọn cần phải được xử lý nghiêm khắc với mức án cao nhất và thực sự thoả đáng đối với từng hành vi mà các bị can đã gây ra.
 
Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 3): Vụ giết Phan Lê Sơn và Hồ Phước Hưng

Trung sĩ cảnh sát hình sự Phan Lê Sơn đã bị cháu ruột Năm Cam giết hại. Ngay sau đó, "ông trùm" đã thông đồng cùng Nguyễn Mạnh Trung, phó phòng cảnh sát điều tra Công an TP HCM, làm sai lệch toàn bộ hồ sơ vụ án, bố trí lời khai cùng nhân chứng đưa người giả nhận tội thay thủ phạm.

A. Các vụ án do Trương Năm Cam và đồng bọn thực hiện

II. Vụ giết Phan Lê Sơn và Hồ Phước Hưng

Khoảng hơn 1h ngày 27/1/2000, tại quán Cấm Chỉ (số 4, đường Hải Triều, quận 1, TP HCM) xảy ra vụ đâm đánh nhau đông người, làm 2 người chết. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM đã tiến hành giải phẫu tử thi và trưng cầu giám định pháp y kết luận:

- Phan Lê Sơn, sinh năm 1976, trung sĩ Phòng cảnh sát hình sự Công an TP HCM, ngụ tại 95/642 Nguyễn Kiệm, phường 3, Gò Vấp, TP HCM, vùng đầu có 9 vết thương rách da; toàn thân và tứ chi có 14 vết thương rách da, có những vết thương làm đứt xương sườn; thủng bao màng ngoài tim, thủng tâm thất phải tận cùng ở vách liên thất; làm thủng cơ hoành phải, thủng thùy phải của gan. Khoang ngực và ổ bụng có khoảng 2 lít máu cục và loãng. Nồng độ rượu trong máu là 1,4g/l.

Kết luận: Phan Lê Sơn chết do bị đâm thủng tim, gan, gây chảy máu nặng. Trong máu có rượu với nồng độ 1,4g/l.

- Hồ Phước Hưng, sinh năm 1976, ngụ tại 66/9 Quang Trung, phường 11, Gò Vấp, có 1 vết thương rách da ở thắt lưng trái và 1 vết thương ở hạ sườn trái làm thủng mạc nối lớn dạ dày, thủng mạc treo đại tràng ngang và thủng động mạch chủ bụng. Ổ bụng có khoảng 1 lít máu cục và loãng. Nồng độ rượu trong máu là 1,8g/l.

Kết luận: Hồ Phước Hưng chết do bị đâm thủng động mạch chủ bụng, gây chảy máu nặng. Trong máu có rượu với nồng độ 1,8g/l.

1. Kết quả điều tra vụ án của Công an TP HCM

Sau khi vụ án xảy ra, Công an thành phố đã tiến hành điều tra và đã có Kết luận điều tra số 36-25/KLĐT-PC16(Đ4) ngày 8/5/2001 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM. Kết quả điều tra và nội dung vụ án theo Kết luận điều tra nói trên tóm tắt như sau:

Khoảng hơn 1h ngày 27/1/2000, các tên Nguyễn Hữu Thịnh, Văn Công Tiến (Khắc Sinh), Từ Anh Kiệt (Út "Lùn"), Huỳnh Anh Tuấn (Hùng "Nhỏ"), Nguyễn Thị Kim Yến (bạn gái của Tiến) sau khi đã uống bia tại quán 136 Nguyễn Thái Học đi 4 xe máy đến quán cơm phở Hà Nội (quán Cấm Chỉ), số 4, đường Hải Triều để ăn khuya. Đến trước cửa quán, pha đèn xe Suzuky Sport của Kiệt chiếu thẳng vào bàn ăn của các anh Phan Lê Sơn, Hồ Phước Hưng cùng các bạn (tất cả gồm 9 người) cũng đang ngồi uống bia, ăn khuya tại quán. Sơn đứng lên gây gổ, chửi, đánh Kiệt và rút chìa khóa xe của Kiệt ném xuống đường. Thịnh lại can thiệp thì bị Sơn đá vào bụng. Sau đó mọi người can ngăn, Sơn về chỗ cũ ngồi.

Do bị Sơn đánh, Nguyễn Hữu Thịnh tức giận nên gọi điện thoại di động (ĐTDĐ) cho Bùi Anh Việt (Bảy Việt) đang ngồi nhậu cùng Nguyễn Văn Thọ (Thọ "Đại Úy", cha của Thịnh), Phạm Văn Minh (Minh "bu"), Trương Tấn Phi, Trần Dương… ở quán 136 Nguyễn Thái Học. Thịnh nói với Bảy Việt rằng Thịnh đang bị đánh ở Phủ Kiệt (Hải Triều), nhờ Việt ra giúp (BL: V2-T1: số 629-632, 956). Sau khi nghe điện thoại của Thịnh, Bảy Việt nói lại cho Thọ biết, đồng thời rủ các tên Toàn, Dương, Phi, Tùng (là người trông xe ở quán 136 Nguyễn Thái Học) lấy xe máy chạy ra Hải Triều (BL: V2 T1: số 692, 698, 1020, 1022, 1045, 1075).

Khi đến đường Hải Triều thì không gặp Thịnh nên Bảy Việt tiếp tục chạy xe đi tìm, đến trước trụ sở Cục Hải Quan TP trên đường Hàm Nghi thì cả bọn gặp Tiến, Yến, Hùng, Kiệt, Tuấn. Bảy Việt gọi ĐTDĐ cho Thịnh hỏi Thịnh đang ở đâu, sau đó mở cốp xe Spacy lấy một con dao bấm đưa cho Tùng, đồng thời đưa cho các tên Toàn, Dương, Phi, mỗi tên một con dao nhọn và nói: “Bây giờ không cần biết tụi nó là ai, vào quất (đánh) luôn”. Bảy Việt gọi điện thoại cho Thịnh một lần nữa và biết Thịnh đang đứng chờ ở ngã 3 đường Hải Triều - Nguyễn Huệ và dẫn cả bọn chạy xe lại đường Hải Triều (BL: V2 T1: số 812, 961, 1022, 1046, 1093).

Đối với Nguyễn Hữu Thịnh, sau khi gọi điện báo cho Bảy Việt biết mình bị đánh, y chạy xe Spacy về quán 136 Nguyễn Thái Học vào bếp lấy một con dao nhọn giấu vào người. Khi đi ngang qua bàn nhậu của Thọ và Minh đang ngồi, Thọ hỏi khuya rồi còn đi đâu, sao không về nhà ngủ? Thịnh nói bị đánh ở đường Hải Triều, sau đó chạy xe ra quán Cấm Chỉ… (BL: V2 T1: số 648, 649).

Sau khi Thịnh đi được một lúc, Nguyễn Văn Thọ, Phạm Văn Minh cũng biết việc Thịnh đi đến Hải Triều để đánh nhau nên Thọ lấy xe máy đi theo. Minh xuống bếp tìm hung khí thì được tên Nguyễn Hữu Chung (đầu bếp) đưa cho một con dao và ngồi sau xe máy do Nguyễn Hữu Chung điều khiển chạy theo Thọ ra Hải Triều. Nguyễn Hùng Cường là chủ quán 136 Nguyễn Thái Học (con rể Năm Cam) cũng đi xe máy chạy theo Thọ ra đường Hải Triều (BL: V2 T1: số 768, 769, 919, 927).

Khi nhóm của Bảy Việt gặp Thịnh ở ngã 3 đầu đường Hải Triều - Nguyễn Huệ thì Bảy Việt, Thịnh dẫn đầu cùng đồng bọn chạy xe đến trước cửa quán Cấm Chỉ, dừng lại và xuống xe, xông vào bao vây nơi Sơn và các bạn đang ngồi nhậu. Thịnh xông lại chỗ Sơn, rút dao giấu trong người đâm vào bụng Sơn. Sơn đứng lên, giơ tay đỡ được nhát dao của Thịnh và chạy vào phía trong nhà của quán Cấm Chỉ (BL: V2 T1: số 653, 654). Thịnh cùng đồng bọn dùng dao, vỏ chai bia đập vỡ, ly, chén tại bàn đâm, đánh túi bụi vào các bạn của Sơn làm họ chạy tán loạn, đồng thời bọn chúng hò hét, đuổi theo Sơn vào trong quán.

Cùng lúc với việc Sơn bị đuổi đánh chạy vào trong quán, anh Hồ Phước Hưng là bạn ngồi cùng bàn cũng bỏ chạy, nhưng bị vấp té xuống gốc cây trước cửa quán Cấm Chỉ thì bị tên Tùng đứng phía sau nắm tóc, kẹp cổ nâng lên, dùng dao bấm đâm liên tiếp 2 nhát vào bụng anh Hưng, anh Hưng bị đâm gục ngay tại chỗ (BL: V2 T1: số 875).

Trong lúc đâm, đánh hỗn loạn, các tên Nguyễn Văn Thọ, Trương Tấn Phi cũng bị đồng bọn đâm nhầm bị trọng thương (Thọ bị Tùng đâm thương ở sau lưng, Phi bị Thịnh đâm thương ở bụng).

Phan Lê Sơn bị đánh ở trong quán Cấm Chỉ bỏ chạy ra ngoài, chạy trên vỉa hè theo hướng đường Hàm Nghi, cách quán Cấm Chỉ khoảng 20 m thì bị các tên Bảy Việt, Nguyễn Hữu Chung chạy xe máy vượt lên trên chặn đường (BL: V2 T1: số 519, 875, 927, 1084, 1085, 1088). Tên Nguyễn Hùng Cường cầm dao chặn đầu (BL: V2 T1: số 874, 879, 1128, 1144) buộc Sơn phải quay trở lại chạy theo hướng Nguyễn Huệ. Đến trước cửa quán phở Lan thì bị vấp té và bị các tên Minh, Cường, Chung, Kiệt, Tiến, Dương, Thịnh xông vào dùng chai, cốc đập; dao đâm rất nhiều nhát vào đầu, bụng, ngực, lưng, đùi… anh Sơn (BL: V2 T1: số 874, 879, 1128, 1144).

Thấy có đánh nhau, anh Nguyễn Văn Đông là chiến sĩ đội cảnh sát hình sự Công an quận 1, ngụ tại quán phở Lan dùng súng bắn chỉ thiên nên cả bọn đang đánh anh Sơn bỏ chạy. Tên Dương bỏ quên chiếc xe máy Kawasaki Max II tại hiện trường. Theo lời khai của các bị can, sau khi gây án và trên đường bỏ chạy bọn chúng đều vứt dao tại hiện trường và trên dọc đường đi.

Cơ quan điều tra đã thu giữ tang vật là các phương tiện gồm:

1. 1 xe Suzuki Sport màu đỏ, biển số: 61F2-3663; SK: 406070, SM:106070 do Từ Anh Kiệt sử dụng.

2. 1 xe Honda Kawasaki, biển số: 51T3-7918; SM: AN 090 GEA 27262 do Trần Dương sử dụng bỏ lại hiện trường.

3. 1 xe Cagiva Speed, biển số: 51F3-5263; SK: 323-000704, SM: 323-000704 của nạn nhân Phan Lê Sơn sử dụng để lại hiện trường.

Sau khi hoàn thành cuộc điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM đã đề nghị VKSND TP HCM truy tố 11 bị can gồm Nguyễn Hữu Thịnh, Bùi Anh Việt (Bảy Việt), Phạm Văn Minh (Minh "Bu"), Hồ Thanh Tùng (Hai Lợi), Văn Công Tiến (Khắc Sinh), Nguyễn Hùng Cường (Cường Anh, con rể Trương Văn Cam), Từ Anh Kiệt (Út Lùn), Nguyễn Hữu Chung, Trương Tấn Phi, Trần Dương, Võ Song Toàn về tội giết người theo quy định tại điều 101 - BLHS năm 1985; đề nghị truy tố bị can Nguyễn Thị Kim Yến tội che giấu tội phạm theo quy định tại điều 246 - BLHS năm 1985; Huỳnh Anh Tuấn (Hùng Nhỏ), tội không tố giác tội phạm theo quy định tại điều 247 - BLHS năm 1985; Nguyễn Văn Thọ (Thọ "Đại Uý") tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại điều 198 - BLHS năm 1985 (Điều 245 - BLHS năm 1999).

Căn cứ vào kết quả điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM, VKSND TP HCM có Cáo trạng số 437/KSĐT-TA ngày 24/9/2001 truy tố các bị can nêu trên trước pháp luật theo đề nghị của Cơ quan điều tra.

Theo Kết luận điều tra và Cáo trạng thì Nguyễn Hữu Thịnh và Bùi Anh Việt là những tên chủ mưu, lôi kéo, xúi giục đồng bọn tham gia thực hiện tội phạm, đồng thời là những kẻ tích cực thực hiện hành vi phạm tội. Tên Phạm Văn Minh là tên thủ ác rất tích cực và hung hãn.

Ngày 1/2/2002, TAND TP HCM đã có Quyết định số 17/HS trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo những yêu cầu sau đây:

- Theo kết luận điều tra và cáo trạng thì 2 vết thương trên người Hồ Phước Hưng do Hồ Thanh Tùng đứng ở phía sau, tay trái kẹp cổ anh Hưng nhấc bổng lên, tay phải dùng con dao bấm hình cây viết cài túi áo có 2 lưỡi sắc đâm vào bụng và vào sườn trái anh Hưng. Riêng phát đâm vào bụng, khi đâm bị can còn rạch ngang mới rút dao ra. Trong khi đó tại bản giải thích hung khí gây nên thương tích của nạn nhân Hưng (giải thích theo yêu cầu của cơ quan điều tra), Tổ chức giám định pháp y - pháp y tâm thần TP HCM do bác sĩ Bùi Thanh Tuyền ký lại nêu thương tích trên người nạn nhân Hưng do 02 loại hung khí: Loại dao có 1 lưỡi sắc, loại dao có 2 lưỡi sắc (dao bấm) và kết luận là Hồ Phước Hưng bị đâm do loại dao bấm, thủ phạm đứng phía sau nạn nhân cũng có thể gây nên được thương tích trên. Đề nghị thực nghiệm điều tra để làm rõ.

+ Xác định vai trò của Bùi Anh Việt.

+ Làm rõ nguồn gốc hung khí...

2. Kết quả điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ công an

Sau khi Trương Văn Cam và nhiều tên đàn em là tội phạm nguy hiểm khác trong tổ chức tội phạm do Trương Văn Cam cầm đầu đã bị bắt, dư luận quần chúng nhân dân phản ánh có một số vụ án nghiêm trọng đã xảy ra do Trương Văn Cam hoặc bọn đàn em, tay chân thân cận của Trương Văn Cam gây ra đã được các Cơ quan tiến hành tố tụng ở TP.HCM điều tra, kết luận và xử lý nhưng có nhiều dấu hiệu sai phạm trong hoạt động điều tra, xử lý vụ án, dẫn đến việc bỏ lọt người, lọt tội.

Theo đề nghị của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an, Viện KSND Tối cao đã ra quyết định chuyển các vụ án có các dấu hiệu sai phạm trong hoạt động điều tra, xử lý và giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an trực tiếp điều tra thụ lý. Trong đó có vụ án: “Nguyễn Hữu Thịnh cùng đồng bọn phạm tội giết người, che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm, gây rối trật tự công cộng (TTCC)” xảy ra tại quán Cấm Chỉ, số 4, đường Hải Triều, quận 1 vào ngày 27/1/2000. Mặc dù vụ án đã có Kết luận điều tra, Cáo trạng của VKSND TP HCM nhưng dư luận quần chúng, nhất là các Cơ quan báo chí, thông tin đại chúng ở TP HCM rất bất bình với kết quả điều tra, xử lý của các Cơ quan tiến hành tố tụng ở TP HCM; cho rằng thủ phạm gây án gồm những tên là con cháu trong gia đình hoặc tay đàn em thân cận của Trương Văn Cam nên ngay sau khi vụ án xảy ra đã có sự dàn xếp, can thiệp của Trương Văn Cam vào quá trình điều tra, xử lý vụ án, làm sai lệch hồ sơ vụ án… nhằm bỏ lọt tên chủ mưu. Cầm đầu vụ án là Nguyễn Văn Thọ cháu ruột Trương Văn Cam (mẹ của Thọ là chị gái Trương Văn Cam). Thọ chỉ bị khởi tố về tội “Gây rối TTCC” và được tại ngoại, bỏ lọt nhiều tên có hành vi “Che giấu tội phạm” trong đó có Trương Văn Cam, Dương Ngọc Hiệp (Hiệp "Phò Mã"). Nguyễn Văn Thọ là tên có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các hoạt động tội phạm của Trương Văn Cam đã bỏ trốn ngay sau khi Trương Văn Cam bị bắt.

Xét tính chất đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp của vụ án, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương và Ban chuyên án đã tập trung chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khẩn trương tiến hành điều tra, xác minh lại vụ án này.

Ngay sau khi nhận hồ sơ của TAND TP HCM trả lại để điều tra bổ sung, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành trưng cầu Viện khoa học hình sự Bộ Công an (Viện KHHS) cử Giám định viên Pháp y có kinh nghiệm tiến hành nghiên cứu, thực nghiệm, giám định pháp y để làm rõ các cơ chế hình thành dấu vết, thương tích, xác định các loại hung khí gây nên thương tích trên người 2 nạn nhân Phan Lê Sơn và Hồ Phước Hưng.

Kết quả nghiên cứu các thương tích của 2 nạn nhân trên hồ sơ và kết quả thực nghiệm của Viện KHHS Bộ Công an kết luận:

* Nghiên cứu thương tích trên cơ thể nạn nhân Phan Lê Sơn (Những thương tích còn nhận biết rõ trên ảnh chụp):

- Vùng đầu mặt:

+ Vết thương rách da bờ nham nhở ở thái dương - đỉnh trái do vật cứng có cạnh tác động theo hướng từ trái sang phải.

+ Các vết thương khác ở vùng đầu mặt do vật cứng có phần lưỡi sắc hoặc cạnh sắc tác động.

- Tại 1/3 trên mặt trước cánh tay phải có đâm xuyên (có lỗ vào và lỗ ra) do vật sắc nhọn có một lưỡi dao tác động, hướng thương tích từ trước ra sau.

Qua thực nghiệm thấy: Vật sắc nhọn có 1 lưỡi sắc tương ứng như dao sắc nhọn số 4 có thể tạo nên được vết thương như vết thương này.

- Các vết thương như:

+ Vết đâm thấu ngực ở liên sườn 4, cạnh xương ức - ngực trái, làm thủng da, đứt cơ liên sườn và sụn sườn 4, thủng tâm thất phải, hướng thương tích từ trước ra sau, từ phải hơi chếch sang trái.

+ Vết đâm thấu bụng, thủng gan ở liên sườn 6 đường giữa đòn bên phải, hướng thương tích từ trước ra sau.

+ Vết đâm thấu bụng, thủng gan ở liên sườn 7 đường nách giữa bên phải, có hướng thương tích từ phải sang trái hơi chếch ra sau.

+ Vết đâm thủng da cơ vai bên trái, có hướng thương tích từ trên xuống dưới.

+ Vết thương thủng da ở mặt trước đùi bên trái, có hướng thương tích từ trước ra sau hơi chếch lên trên.

Tất cả các vết thương này đều do vật sắc nhọn có 1 lưỡi sắc tác động gây nên.

Qua thực nghiệm thấy: Vật sắc nhọn có 1 lưỡi sắc tương tự như các dao 1, 2, 4 có thể tạo được vết thương như các vết thương này.

- Vết thương rách da ở bụng bên phải (gần rốn): Rìa vết thương sắc gọn, do vật sắc nhọn tác động, hướng thương tích từ trước ra sau, hơi chếch sang phải.

- Vết lạng da ở vùng thượng vị có kích thước 15 x 1,5 cm do phần mũi nhọn của vật sắc nhọn (có phần lưỡi rất sắc) tác động tạo nên.

* Nghiên cứu thương tích trên cơ thể nạn nhân Hồ Phước Hưng (Những thương tích còn nhận biết rõ trên ảnh chụp):

- Tại vùng thắt lưng bên trái có vết đâm thủng da, cơ thắt lưng trái do vật sắc nhọn tác động.

- Tại hạ sườn trái có vết thủng rách da cơ thành bụng, hình khe, rìa vết thương sắc gọn, kích thước dài 09 cm, ở rìa dưới của vết thương có vết rách da phụ dài 0,8 cm, vết rách áo tương ứng dài 06 cm, rìa vết rách áo gọn, bên trong thủng mạc nối lớn, thủng mạc treo đại tràng ngang, thủng động mạch chủ bụng tương ứng với vị trí đốt sống thắt lưng số 1 (L1).

Đây là vết đâm thấu bụng, hướng đâm từ phía trước do dao sắc nhọn tạo nên, khi rút dao ra thì có sự thay đổi vị trí và tư thế tương đối giữa lưỡi sắc của dao với thành bụng của nạn nhân.

Kết quả thực nghiệm cơ chế hình thành thương tích đối với các vết thương ở thắt lưng trái và thành bụng trái trên cơ thể nạn nhân Hồ Phước Hưng thấy: Trong tình huống thủ phạm đứng trước, hoặc đứng phía sau bên phải của nạn nhân (nếu cầm dao tay phải), đứng phía sau bên trái nạn nhân (nếu cầm dao tay trái) và dùng dao nhọn có hình dáng, kích thước, tính chất tương tự như các dao số 1, 2, 5, 6 để đâm, thì có thể tạo nên được các vết thương nói trên.

Trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ ban đầu về vụ án, kết quả nghiên cứu thực nghiệm và giám định pháp y của Viện KHHS và kết quả điều tra lại của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có đủ cơ sở để kết luận nội dung vụ án sau khi đã được điều tra lại như sau:

2.1 Nguyễn Hữu Thịnh cùng đồng bọn phạm tội giết người; che giấu tội phạm; không tố giác tội phạm xảy ra ngày 27/1/2000 tại quán Cấm Chỉ, số 4, Hải Triều, quận 1.

Khoảng 23h ngày 26/1/2000, anh Lê Tâm Việt (chiến sĩ Phòng Cảnh sát hình sự - CSHS) ngồi ở quán Cơm - Phở Hà Nội (quán Cấm Chỉ), số 4 đường Hải Triều, Q1, TP HCM gọi ĐTDĐ cho anh Phan Lê Sơn (là chiến sĩ Phòng Cảnh sát hình sự) rủ anh Sơn đến đường Hải Triều nhậu tiếp. Anh Sơn đang ngồi nhậu cùng một số bạn tại đường Phạm Ngũ Lão - quận Gò Vấp, sau khi nhận được điện thoại của anh Việt đã rủ nhóm bạn gồm: Hồ Phước Hưng, Lê Trần Thịnh, Đào Văn Thành (Tỷ), Trần Văn Năng, Nguyễn Hoàng Lộc (Bi), Quách Ngọc Thanh (bạn gái Sơn mới quen) đến quán Cấm Chỉ đường Hải Triều để nhậu tiếp và ăn khuya với Lê Tâm Việt. Tất cả nhóm bạn của Sơn và Việt (gồm 9 người, có cả nữ) ngồi chung một dãy bàn kê tại vỉa hè trước cửa quán “Cấm Chỉ” sát Kho bạc Nhà nước, phía đường Nguyễn Huệ, cả nhóm uống bia Heineken và ăn phở (BL: V2 T2 số: 424, 425).

Cũng trong buổi tối ngày 26/1/2000, các tên Nguyễn Hữu Thịnh, Huỳnh Anh Tuấn (Hùng Nhỏ), Từ Anh Kiệt (Út Lùn) và Hùng lớn, Văn Công Tiến (Khắc Sinh), Nguyễn Thị Kim Yến (bạn gái của Tiến), Bùi Anh Việt (Bảy Việt), Trương Tấn Phi, Trần Dương, Võ Song Toàn (cả 3 do Bảy Việt gọi đến) và Lê Thị Hồng Ngọc chủ quán Tân Hải Vân (162 Nguyễn Trãi, Q1) ngồi nhậu chung bàn tại quán 136 Nguyễn Thái Học, quận 1. Đến hơn 1h ngày 27/1, Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Văn Minh (Minh "Bu") và một số phụ nữ bạn của Thọ đến quán 136 Nguyễn Thái Học uống rượu nhưng ngồi riêng bàn khác. Nguyễn Hữu Thịnh khi thấy cha mình (Thọ đại úy) đến bèn cùng các tên Kiệt, Tiến, Yến, Tuấn, Hùng lớn đứng dậy đi nơi khác. Còn lại ở quán 136 Nguyễn Thái Học, Bảy Việt và các tên Phi, Dương, Toàn, Ngọc lại ngồi chung bàn với Thọ và Minh để tiếp tục nhậu.

Sau khi đưa Hùng lớn về nhà riêng ở Đoàn Văn Bơ, Q4, Nguyễn Hữu Thịnh rủ mọi người ra đường Hải Triều để ăn khuya và nhậu tiếp. Thịnh đi một mình bằng xe Spacy màu lông chuột, Tuấn (Hùng nhỏ) đi một mình bằng xe Spacy màu trắng (mượn của Hùng lớn), Tiến chở Yến bằng xe Spacy màu trắng, Kiệt đi một mình bằng xe Suzuki Sport màu đỏ. Cả bọn đến quán Cấm Chỉ, số 4 đường Hải Triều, Q1 vào khoảng 1h30’ ngày 27/1/2000. Các tên Thịnh, Tiến, Yến, Tuấn đến trước ngồi vào bàn kê phía gần đường Nguyễn Huệ, cách bàn của Phan Lê Sơn đang ngồi khoảng 4 - 5 mét. Từ Anh Kiệt đến sau, dọi pha đèn vào bàn của Sơn đang ngồi. Thấy vậy, Sơn đứng dậy gây sự, cự cãi với Từ Anh Kiệt và tát vào mặt Kiệt 2 cái. Thịnh đứng dậy bước lại gần Sơn bị đá một cái trúng bộ hạ. Sơn còn tiếp tục đá vào dè trước và rút chìa khóa xe của Kiệt ném xuống đường. Thấy có đánh nhau, một số bạn của Sơn (trong đó có anh Hưng) và chủ quán Cấm Chỉ là cô Đặng Thu Thơm ra can ngăn nên hai bên không ẩu đả nữa, ai về bàn người đó ngồi. Theo một số nhân chứng có mặt tại hiện trường lúc đó chứng kiến thì hành động của Sơn lúc đó như người đã say rượu, bia, nên khi ngồi vào bàn Sơn vẫn tiếp tục nói to, chửi tục. Tức giận vì bị đánh đau, nên Nguyễn Hữu Thịnh gọi ĐTDĐ cho Bùi Anh Việt (Bảy Việt) nói cho Bảy Việt biết Thịnh bị đánh ở Phủ Kiệt (Hải Triều) và kêu Bảy Việt ra giúp. Sau khi gọi điện thoại, Thịnh lấy xe bỏ đi, lúc đó là 1h36’ ngày 27/1/2000, còn các tên Tiến, Kiệt, Tuấn, Yến vẫn ngồi lại quán Cấm Chỉ nhưng không ăn uống gì.

Đang ngồi nhậu với Thọ đại úy thì Bảy Việt nghe điện thoại của Thịnh lúc 1h36’ (BL: V2 T1: số 1330 và BL: V2 T2: 724) báo việc Thịnh bị đánh ở Hải Triều và kêu Bảy Việt. Bảy Việt nói lại cho Thọ và mọi người biết việc Thịnh đang bị đánh ở Hải Triều và bảo các tên Toàn, Dương, Phi cùng đi ra Hải Triều gặp Thịnh để “giải quyết” việc đánh nhau (BL: V2 T2 số: 726, 939, 954, 971). Bảy Việt sai Hồ Thanh Tùng (Hai Lợi) là người giữ xe của quán 136 Nguyễn Thái Học dắt xe Spacy màu trắng của Bảy Việt ra và bảo Tùng ngồi phía sau cùng đi ra Hải Triều với Bảy Việt. Khi ra Hải Triều, Bảy Việt và Tùng không gặp Thịnh, chạy xe đến ngã ba Hải Triều - Nguyễn Huệ thì Bảy Việt nghe điện thoại của Thịnh gọi lần thứ 2 (lúc 1h40’) (BL: V2 T1: 1330), đến trước cổng Cục Hải Quan TP góc đường Bạch Đằng - Hàm Nghi thì gặp các tên Toàn, Dương, Phi, Tiến, Kiệt, Tuấn, Yến tất cả dừng lại. Tại đây, Văn Công Tiến nói với Bảy Việt “Tụi nó giống hình sự lắm”, Bảy Việt nói “Tụi nó là hình sự thì muốn đánh ai, thì đánh hả, đi ra quất luôn (đánh luôn)”. Sau đó Bảy Việt mở cốp xe Spacy lấy một con dao bấm đưa cho Hồ Thanh Tùng, lấy áo gió màu đen đưa cho Trương Tấn Phi mặc vào người, còn bản thân y lấy 01 bình xịt hơi cay màu vàng bỏ vào túi quần. Bảy Việt lấy ĐTDĐ gọi lại cho Thịnh (1h45’), biết Thịnh đang chờ ở ngã tư Nguyễn Huệ - Hải Triều nên dẫn cả bọn gồm: Tùng, Toàn, Dương, Phi, Tiến, Yến, Kiệt, Tuấn cùng đi ra đó theo hướng đường Nguyễn Huệ - Hải Triều (BL: V2 T2: 724, 935, 939, 954, 972). Với diễn biến nói trên, ngay từ đầu thể hiện rõ ý thức sử dụng vũ lực, bất chấp hậu quả của bọn chúng.

Nguyễn Hữu Thịnh sau khi gọi điện cho Bảy Việt, lấy xe chạy xe theo đường Nguyễn Huệ - Bạch Đằng - Hàm Nghi, mục đích là gặp Bảy Việt, nhưng không gặp, nên y chạy xe về quán 136 Nguyễn Thái Học và gặp cha mình là Nguyễn Văn Thọ (Thọ đại úy) đang ngồi nhậu với Phạm Văn Minh và Lê Thị Hồng Ngọc (chủ quán Tân Hải Vân)..., ngoài ra còn gặp Nguyễn Hùng Cường (Cường anh - chủ quán 136 Nguyễn Thái Học) là con rể Trương Văn Cam đang đứng bên ngoài. Thọ hỏi Thịnh “Sao giờ này chưa về, đi đâu vậy?”, Thịnh trả lời “ Con đi ăn khuya ngoài Hải Triều, bị mấy người đánh”, Thọ hỏi tiếp “Có sao không? Chở ba ra ngoài đó coi sao?”. Thịnh nói với Thọ “ Đợi con đi toilet một chút” và Thịnh vào khu vực bếp đến chỗ kệ rửa chén lấy 02 con dao giấu vào thắt lưng, phủ áo thun bên ngoài và quay trở lại lấy xe của Thịnh chở Thọ ra ngoài đường Hải Triều (BL: V2 T2: 669). Trước khi đi với Thịnh, Thọ nói với Minh “Đi”, Minh hiểu ý Thọ nói đi ra Hải Triều để đánh nhau (BL: V2 T2: 774, 799), nên đứng lên tìm hung khí. Tên Nguyễn Hữu Chung là đầu bếp quán 136 Nguyễn Thái Học hỏi Minh “Tìm gì đấy? Dao được không?” và lấy 1 con dao trên bàn bếp có chiều dài khoảng 25 cm; lưỡi thẳng, trắng, nhọn, rộng khoảng 02cm (BL: V2 T2: 799) đưa cho Minh dắt vào trong người. Theo lời Minh khai thì y thấy Thọ "đại úy" đã chạy xe trước (thực tế Thịnh chở tên Thọ chạy trước) nên tên Chung hỏi Minh “đi theo Thọ phải không?” Minh bảo “ừ”, tên Chung lấy 1 chiếc xe Drem II màu nho chở Minh chạy đuổi theo Thọ ra Hải Triều. Sau khi biết Thọ cùng các tên Minh, Chung đầu bếp cùng đi ra Hải Triều để đánh nhau, tên Nguyễn Hùng Cường (Cường anh - con rể Trương Văn Cam) cũng vào bếp lấy 1 con dao, theo Cường mô tả dao dài khoảng 30-35 cm, lưỡi rộng 4-5 cm, cán nhựa màu đen, lưỡi tù không nhọn, thường dùng để gọt trái cây trong quán (BL: V2 T2: 888, 895, 897, 900…), giấu vào sau lưng áo và sai em trai của mình là Nguyễn Tuấn Hùng (Cường em) dùng xe DH chở chạy theo Thọ và Thịnh.

Thịnh chở Thọ chạy ra Hải Triều nhưng không gặp Bảy Việt và đồng bọn, nên Thịnh gọi điện thoại cho Bảy Việt để hỏi Bảy Việt đang ở đâu (lúc 1h40’) (BL: V2 T2: 650, 652). Điều này phù hợp với lời khai của nhân chứng thì tại thời điểm nói trên thấy 02 (trong đó có người khoảng 40 tuổi) người đi xe Spacy qua quán Cấm Chỉ và dừng lại ở đầu đường Nguyễn Huệ - Hải Triều (BL: V2 T2: 699 và BL: V2 T1: 1330). Đến 1h 45’, Bảy Việt gọi điện lại cho Thịnh, hỏi Thịnh đang ở đâu, Thịnh trả lời đang đợi ở ngã ba Nguyễn Huệ - Hải Triều, ngay sau đó Thịnh gọi điện cho Văn Công Tiến (1h46’) báo cho Tiến quay lại quán Cấm Chỉ để đánh nhau (BL: V2 T2: 655 và BL: V2 T1: 1330).

Khi các tên do Bùi Anh Việt (Bảy Việt) dẫn đầu chạy xe lại gặp Nguyễn Hữu Thịnh và Nguyễn Văn Thọ (Thọ "đại úy") ở đầu đường Hải Triều - Nguyễn Huệ, cả bọn dừng lại. Tên Bùi Anh Việt hỏi Thịnh “Nãy ai đánh mày?”, Thịnh chỉ vào bàn anh Sơn và các bạn đang ngồi và nói “Đó, bàn đó, thằng mập mặc áo xanh đang ngồi đó”. Nói xong, Thịnh, Việt dẫn đầu cùng cả bọn chạy ào xe lại trước cửa quán Cấm Chỉ số 4 đường Hải Triều thì tất cả dừng lại, xuống dựng xe dưới lòng đường, chỉ riêng Bùi Anh Việt vẫn ngồi trên xe máy, Huỳnh Anh Tuấn và Nguyễn Thị Kim Yến đứng bên lề đường nhìn, không tham gia đánh nhau.

Tên Thịnh đưa cho Văn Công Tiến một con dao kiểu Thái Lan cán vàng, dài khoảng 25 cm và dẫn đầu xông vào chỗ Phan Lê Sơn đang ngồi, cùng lúc các tên Toàn, Dương, Phi, Tiến, Kiệt, Tùng cũng xông vào bao vây xung quanh bàn của Sơn và các bạn đang ngồi. Thịnh quát “Sao lúc này mày đánh tao?”, Sơn đứng lên nói “Tao đánh mày rồi sao? Tụi mày muốn gì?” tên Thịnh rút dao trong người ra đâm vào bụng Sơn, Sơn tránh được, hất bàn chạy vào phía bên trong quán Cấm Chỉ (BL: V2 T2: 669). Cùng lúc đồng bọn của Thịnh cũng dùng vỏ chai bia, ly, cốc thủy tinh lấy ở bàn đánh, ném túi bụi, làm các bạn của Sơn bỏ chạy tán loạn, trốn vào phía bên trong quán Cấm Chỉ và các nơi khác để thoát thân.

Sau khi Sơn bỏ chạy vào phía bên trong quán Cấm Chỉ, tên Thịnh lập tức đuổi theo, trên đường chạy vào trong quán, Thịnh gặp anh Hồ Phước Hưng cũng đang bỏ chạy vào trong quán, hai bên đối diện, Thịnh cầm dao đâm sọc vào bụng anh Hưng một nhát và rút dao ra rất nhanh, tiếp tục chạy vào phía bên trong quán Cấm Chỉ để đuổi đánh anh Sơn (BL: V2 T2: 669, 670, 674). Cùng lúc đó các tên Toàn, Dương, Phi, Kiệt cũng chạy theo Thịnh vào bên trong quán Cấm Chỉ đuổi đánh anh Sơn, bọn chúng dùng vỏ chai bia, ly, cốc thủy tinh trong quán đập, đánh, ném về phía Sơn. Riêng tên Thịnh cầm dao, đứng đối diện với Sơn, cạnh thùng nước lèo phở, chém liên tiếp 3-4 nhát vào mặt, vùng đầu và trán anh Sơn, làm Sơn bị thương chảy máu ở vùng đầu, mặt (BL: V2 T2: 670).

Sau khi bị Thịnh đâm một nhát vào bụng, anh Hưng bị thương nặng, ôm bụng lảo đảo, chạy được 3-4 bước ra hướng gốc cây trên lề đường, trước cửa quán Cấm Chỉ, thì gặp tên Hồ Thanh Tùng múa dao đâm trúng một nhát vào bên hông trái, trên thắt lưng. Hưng bước thêm vài bước nữa thì ngã gục xuống gốc cây sát lề đường trên vỉa hè, trước quán Cấm Chỉ và chết tại đây. Sau khi đâm anh Hưng, Hồ Thanh Tùng tiếp tục cầm dao chạy về phía trong quán Cấm Chỉ, thấy một người đang quay lưng ra ngoài đường, hai tay cầm 02 vỏ chai bia, miệng hò hét, chửi bới cản đường của đồng bọn đang đuổi đánh anh Sơn đang chạy từ bên trong quán chạy ra. Tùng tưởng nhầm là người của phía bên anh Sơn nên đã đâm một nhát vào lưng người này. Sau đó Tùng biết là đâm nhầm vào lưng Thọ, nên nói “Con xin lỗi, con đâm nhầm” (BL: V2 T2: 917). Tên Văn Công Tiến (Khắc Sinh) thấy Tùng đâm Thọ nên kêu lên “Sao mày đâm chú tao? Tao đâm chết mẹ mày luôn”, Tiến đứng gần, sau lưng Tùng, tay trái Tiến kẹp cổ nhấc Tùng lên, tay phải vung dao định đâm xuống người Tùng, thì Bùi Anh Việt đang đứng ngoài quan sát vội kêu lên “Lầm rồi Sinh ơi, lầm rồi Sinh ơi, nó là thằng giữ xe ở quán 136”. Cùng lúc đó có tiếng kêu “Thịnh, Thịnh ba mày bị đâm”, tên Thịnh đang đuổi đánh anh Sơn phía trong quán chạy ra ngoài hỏi “Ai đâm ba?”, khi đó Tiến đang còn ôm Tùng, chưa buông ra và nói “Thằng này đâm ba mày” Thịnh hỏi “Sao mày đâm ba tao” và vung dao đâm xuống người Tùng, Tùng vội kêu lên “Buông em ra, buông em ra” đúng lúc đó Tiến nghe Bảy Việt đứng ngoài kêu nhầm nên kéo lùi Tùng lại và buông tên Tùng ra tránh được nhát dao của Thịnh. Tên Thịnh đâm hụt tên Tùng, cũng là lúc Trương Tấn Phi đuổi theo Sơn chạy từ phía bên trong quán chạy ra đến phía sau lưng Thịnh, Thịnh không kịp thu dao nên đâm trúng vào bụng Phi làm Phi bị thương nặng. Tên Tùng sau khi được Tiến buông ra bỏ chạy ra y còn vung dao đâm sượt vào bả vai trái, gần cổ tên Võ Song Toàn lúc đó cũng vừa ở bên trong quán đuổi theo Sơn chạy ra bên ngoài, làm Toàn bị thương nhẹ, xước da, Tùng bỏ chạy ra ngoài theo hướng đường Hàm Nghi.

Tên Nguyễn Hữu Thọ cũng tích cực đuổi theo Phan Lê Sơn, miệng hò hét chửi bới “Đ.m …thằng nào đánh con tao, đánh chết nó đi…” (BL: V2 T1: 812, 818, 819). Thọ trực tiếp cầm 2 vỏ chai bia đập vỡ làm hung khí để đuổi đánh anh Sơn chạy vào trong quán “Cấm Chỉ” (BL: V2 T1: số 812, 818, 819), khi y vừa bước lên bậc thềm của quán để đuổi theo Sơn chạy vào trong nhà thì bị tên Hồ Thanh Tùng đứng phía sau đâm trúng vào lưng bị trọng thương (vì tên Tùng nhầm tưởng Thọ là người phía bên anh Sơn). Sau đó Nguyễn Văn Thọ, Trương Tấn Phi được đồng bọn đưa đi cấp cứu ở Trung tâm cấp cứu bệnh viện Sài Gòn.

Sau khi bị thương ở trong quán Cấm Chỉ, Sơn chạy bung được ra ngoài vỉa hè bên phải và bỏ chạy lại phía đường Hàm Nghi, các tên Thịnh, Tiến, Kiệt lập tức đuổi theo. Anh Sơn chạy được khoảng 20 m, thì bị tên Thịnh chạy vượt lên chặn đầu. Tên Bùi Anh Việt cũng chạy xe vượt lên chặn đầu Phan Lê Sơn.

Tên Nguyễn Hữu Chung chở tên Phạm Văn Minh ra đến đường Hải Triều thì đang xảy ra đánh nhau, tên Minh nhìn thấy Thọ đang đi ra ngoài, đã bị thương chảy máu ở lưng. Minh nhìn thấy Thịnh, Tiến, Kiệt đang đuổi theo Sơn nên Minh cầm dao chạy đuổi theo, vượt lên trước chặn đầu Sơn (BL: V2 T2: 798). Tên Nguyễn Hữu Chung vẫn ngồi trên xe máy, phóng xe vượt lên trước chặn đường chạy của Sơn.

Nguyễn Hùng Cường (Cường anh) chủ quán 136 Nguyễn Thái Học và em trai là Nguyễn Tuấn Hùng chạy xe đến sau cùng. Khi ra đến nơi đã thấy các tên Thịnh, Tiến, Minh "Bu"… đang đuổi theo anh Sơn chạy trên vỉa hè, Cường em cho xe chạy theo hướng đường Hàm Nghi, Cường anh cầm dao nhảy xuống cùng Minh "bu" đón đầu, chặn đường không cho Sơn chạy tiếp.

Phan Lê Sơn chạy đến dãy quán bán ruợu, cách quán Cấm Chỉ khoảng 15-20 mét thì phía trước bị các tên Thịnh, Minh, Cường anh cầm dao chặn đầu. Ngoài ra còn có các tên Bảy Việt, Nguyễn Hữu Chung phóng xe máy chặn bên trên, phía sau thì có các tên Tiến, Kiệt đuổi theo. Sơn quay đầu chạy ngược lại theo hướng Hàm Nghi - Nguyễn Huệ đến gần quán Phở Lan (liền kề với quán Cấm Chỉ) thì bị Văn Công Tiến dùng ghế nhựa đập vào đầu, Sơn loạng choạng chạy được 3-4 bước đến trước quán phở Lan thì bị vấp té nằm trên vỉa hè. Sơn té nằm ngửa, đầu quay hướng đường Nguyễn Huệ, chân quay hướng đường Hàm Nghi. Các tên Thịnh, Tiến, Minh, Cường anh, Kiệt cùng chạy lại dùng dao, cốc thủy tinh đâm, đánh liên tiếp vào người Sơn. Tên Thịnh đứng phía bên tay phải, ngang ngực Sơn, dùng dao đâm liên tiếp nhiều nhát vào vùng ngực của Sơn. Tên Tiến đứng cùng phía với Thịnh, ngang phần sườn, bụng của Sơn dùng dao đâm 2-3 nhát vào vùng sườn, bụng của Sơn. Đối diện với Văn Công Tiến phía bên ngoài đường, bên tay trái Sơn là tên Minh ngồi theo tư thế quỳ, đè một đầu gối lên thắt lưng bên trái của Sơn và đâm nhiều nhát vào vùng ngực của Sơn. Tên Từ Anh Kiệt ngồi phía trên đầu Sơn dùng vỏ chai bia, cốc thủy tinh đập vào đầu Sơn nhiều cái, mảnh vỏ chai bia và cốc thủy tinh vỡ cứa đứt da trên 03 ngón tay trái của Kiệt, Phạm Văn Minh cũng bị thương nơi gót chân trái khi ngồi đâm Sơn. Tên Nguyễn Hùng Cường ngồi phía sau chân, cùng phía với Minh Bu, dùng dao đâm vào đùi trái của Sơn 1-2 nhát (các BL: V2 T2: 662, 671, 366, 989, 991, 824, 832, 836, 837, 842, 844, 850). Anh Nguyễn Văn Đông là chồng chị Nguyễn Thị Lan chủ quán phở, chiến sĩ CSHS - Công an Q1 đang ngủ trên lầu 1 của quán phở Lan (nhà số 4, Hải Triều), thấy có ồn ào đánh nhau dưới đường, lấy súng K54 bắn cảnh cáo nên tất cả bọn chúng mới bỏ chạy (BL: V2 T2: 390).

Theo lời khai của các nhân chứng có mặt ở hiện trường và các bị can thì vụ án xảy ra rất nhanh, từ lúc tên Thịnh xông vào chỗ Sơn đang ngồi nhậu đâm Sơn đến khi anh Đông bắn súng, Thịnh và đồng bọn tẩu thoát khỏi đường Hải Triều chỉ trong thời gian khoảng 3 phút.

Tên Trần Dương sau khi đuổi đánh Phan Lê Sơn ở trong quán Cấm Chỉ, y chạy ra ngoài đường, thấy Nguyễn Văn Thọ bị thương nên đã đỡ Thọ lên xe của Thịnh và chở Thọ đi cấp cứu ở Trung tâm cấp cứu bệnh viện Sài Gòn, do vậy chiếc xe Kawasaki Max II BS: 51T3 - 7918 của Dương bỏ quên lại hiện trường vụ án. Riêng Trương Tấn Phi, do bị thương nặng và bị choáng nên y không biết ai đưa vào bệnh viện.

Nguyễn Hữu Thịnh sau khi tiếng súng nổ vứt bỏ con dao tại hiện trường và bị anh Đông túm được cổ áo, nhưng Thịnh kêu “không phải cháu” nên anh Đông buông ra, Thịnh chạy thoát, đến ngồi lên sau xe Dương chở Thọ đến Trung tâm cấp cứu Sài Gòn (BL: V2 T2: 671, 955).

Sau khi Sơn bị đâm thì Bùi Anh Việt bảo Hồ Thanh Tùng ngồi lên xe Việt chở chạy về quán 136 Nguyễn Thái Học, để Tùng lại đó và chạy lại quán Hoàng Hôn số 57 - 59 Lê Lợi, quận 1 của Lê Thị Kim Anh báo cho Kim Anh biết việc xảy ra đánh nhau và Thọ bị thương đang cấp cứu ở bệnh viện Sài Gòn (BL: V2 T2: 726). Tên Tùng sau khi về quán 136 Nguyễn Thái Học đã bỏ con dao bấm gây án có dính máu lên bàn tính tiền, Lê Kim Cang là em vợ của Nguyễn Hùng Cường thấy vậy đã vứt con dao ra đường Nguyễn Thái Học nên Cơ quan điều tra không thu được.

Tên Phạm Văn Minh tiếp tục ngồi lên xe do tên Nguyễn Hữu Chung chở để thoát khỏi hiện trường, theo lời khai của Minh thì khi đến vòng xoay đường Hàm Nghi - Hồ Tùng Mậu thì y vứt con dao gây án xuống dọc đường đi. Sau đó Minh bảo tên Chung chở Minh đến khách sạn Minh Thắng số 53/1 Nguyễn Khắc Nhu, Q1. Tên Chung đi xe máy về quán 136 Nguyễn Thái Học, còn tên Minh nói dối bị tai nạn giao thông, bị thương ở chân, mất hết giấy tờ nên xin ngủ lại đến sáng sẽ đi. Nhân viên lễ tân của K/s Minh Thắng tưởng thật nên cho y thuê phòng, Minh còn nhờ nhân viên phục vụ phòng giặt hộ bộ quần áo dính máu (BL: V2 T2: 762, 767, 775).

Văn Công Tiến chạy ra xe, chở Yến chạy khỏi hiện trường. Theo lời khai của Tiến trên đường đi ngang tiệm bánh mì Như Lan đường Hàm Nghi, Tiến quăng con dao xuống đường và chạy đến bệnh viện Sài Gòn thăm Thọ "đại úy" đang cấp cứu. Khi biết anh Hưng, anh Sơn bị chết, Tiến sợ, chở Yến chạy về nhà Yến và về nhà Tiến. Sau đó thị Yến đã tổ chức cho tên Tiến trốn ra Nha Trang ở nhà bà Nguyễn Thị Lan, là dì ruột của Yến tại số 28/11 đường Hải Đức, phường Phương Sơn, Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, đến sau tết Nguyên đán mới quay về TP HCM.

Tên Từ Anh Kiệt chở tên Nguyễn Hùng Cường (Cường anh) chạy đến Trung tâm cấp cứu Sài Gòn thăm Nguyễn Văn Thọ. Sau đó về quán cafe Bé Nhỏ số 76 đường Nguyễn Trường Tộ, Q4 nhờ chị Nguyễn Thị Duyên là người giúp việc trong quán băng bó hộ vết thương ở tay cho y.

Các tên Huỳnh Anh Tuấn (Hùng nhỏ), Nguyễn Tuấn Hùng (Cường Em), có mặt ở hiện trường giữ xe và chứng kiến đồng bọn đâm đánh các nạn nhân, sau khi nghe tiếng súng nổ đều bỏ chạy khỏi hiện trường.

Hai nạn nhân: Phan Lê Sơn và Hồ Phước Hưng được Công an phường Bến Nghé đưa đến Trung tâm cấp cứu Sài Gòn nhưng đã chết.

Về hung khí gây án: Theo mô tả của Nguyễn Hữu Thịnh thì y sử dụng con dao dài khoảng 30cm, cán đen, lưỡi trắng, mũi nhọn vếch lên, dài khoảng 20cm, rộng 3-4 cm (BL: V2 T2: 654). Văn Công Tiến khai đã sử dụng con dao do Nguyễn Hữu Thịnh đưa có đặc điểm: dao kiểu Thái lan, cán vàng, dài khoảng 20cm, lưỡi trắng, nhọn rộng khoảng 02cm (BL: V2 T2: 845, 828, 849, 853). Phạm Văn Minh mô tả con dao y gây án có chiều dài khoảng 25 cm, lưỡi thẳng, trắng, nhọn, rộng khoảng 02cm (BL: V2 T2: 799). Nguyễn Hùng Cường khai sử dụng con dao dài khoảng 30-35 cm, cán đen, lưỡi trắng rộng khoảng 4-5 cm. Hồ Thanh Tùng khai đã sử dụng con dao bấm hình cây viết cài ngực, lưỡi sắc, nhọn đều, rộng khoảng 1-1,5 cm).
 
Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 4): Vụ cố ý gây thương tích Lê Ngọc Lâm

Trước khi cho đàn em xử lý Dung Hà, Năm Cam đã kịp dùng nữ quái đất cảng này vào phi vụ tạt axít Lê Ngọc Lâm (Lâm "Chín Ngón") khi tên này hé ra ý định tranh giành chức "đại ca" trong thế giới ngầm. Do Lâm có thể lực tốt, lại được cấp cứu kịp thời, nên thoát chết, nhưng bị thương tật rất nặng.

A. Các vụ án do Trương Năm Cam và đồng bọn thực hiện

III. Vụ cố ý gây thương tích Lê Ngọc Lâm (Lâm "Chín Ngón")

Lê Ngọc Lâm sinh năm 1945 tại Hà Tây. Năm 1954, theo mẹ và bố dượng di cư vào TP HCM. Đến năm 1957 thì bị bố dượng đuổi ra khỏi nhà, bắt đầu cuộc sống lang thang. Quá trình ở ngoài xã hội đã giao du với các phần tử xấu hoạt động phạm pháp, bị chính quyền Sài Gòn bắt giam nhiều lần về các tội: trộm cắp, cưỡng đoạt, đánh người, giết người... Từ năm 1966 đến 1968, bị bắt đi trại tập trung tại Phú Quốc. Từ năm 1970 đến 1975, bị giam tại Côn Đảo. Năm 1975-1988, chính quyền cách mạng vẫn tiếp tục giam giữ cải tạo sau đó trả tự do (BL: V3 T1: 37, 131, 132, 133, 134). Năm 1995-1996, có quan hệ mật thiết với Minh Samasa, trùm xã hội đen chuyên hoạt động cưỡng đoạt, trốn thuế tại cảng cá Vũng Tàu sau đó đã bị lực lượng công an xoá sổ. Với bề dày hoạt động tội phạm như vậy, Lâm "Chín Ngón" được giới tội phạm tôn sùng như một "đại ca".

Lợi dụng hoàn cảnh của Lâm khi mới ra tù gặp nhiều khó khăn, Trương Văn Cam đã tìm cách "giúp đỡ" Lâm với ý đồ để Lâm bị mang ơn mà thực hiện các yêu cầu phạm pháp của Trương Văn Cam sau này, bằng cách nói với anh Mười Đen cho Lâm một phần hùn bán đồ điện tử tại chợ Huỳnh Thúc Kháng. Kinh doanh được một thời gian thì anh Lâm và anh Mười Đen mâu thuẫn nhau, hai người chia vốn không làm chung nữa. Anh Lâm chuyển sang quận 10 buôn bán thuốc tây. Đồng thời, Năm Cam lại hùn hạp với Tư Râu, Mười Đen, Chín Cam thuê mặt bằng tại 49 Huỳnh Thúc Kháng buôn bán hàng điện tử. Thấy Năm Cam làm ăn phát đạt, Lâm thường qua lại kiếm chuyện chửi Mười Đen, thỉnh thoảng còn chửi xiên xỏ Năm Cam: "Tụi bay dựa hơi Năm Cam, tao thách tụi bay kêu Năm Cam ra đây" (BL: V3 T1: 47, 53). Bắt đầu từ thời điểm này, mâu thuẫn giữa hai người phát sinh.

Tiếp đến năm 1995, bà Nguyễn Thị Mai chủ vựa cá tại chợ Cầu Ông Lãnh có hợp đồng tiêu thụ cá với Xí nghiệp đánh cá Kiên Giang. Khi chuyển ngư trường về Vũng Tàu thì bị một số tên xã hội đen hăm doạ giết và cản trở việc kinh doanh cá. Bà Mai đã tìm cách liên hệ với nhóm người này qua điện thoại để xin được yên ổn làm ăn thì được trả lời người quyết định việc này là anh Lâm. Nguyễn Hữu Thế Trạch (con rể bà Mai) đã nhờ Năm Cam nói với Lâm để được giúp đỡ. Việc vai trò của Lâm rất đặc biệt đối với giới xã hội đen ở Vũng Tàu và việc một "ông trùm" như Trương Văn Cam lại phải đi xin Lâm giúp làm danh dự của bị tổn thương, nhưng vì nể Trạch, Trương Văn Cam đã phải nhịn nhục, đích thân cùng Trạch tới nhà Lâm để nói với Lâm: "Đây là thằng cháu có gì nhờ anh giúp" (BL: V3 T1 : 44, 51, 54).

Khoảng năm 1997-1998, có lần Lâm mời Trương Văn Cam đến uống bia tại nhà hàng karaoke trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5. Khi thấy một số đàn em của Lâm mời Trương Văn Cam uống bia và tỏ vẻ thân thiện, Lâm chửi đàn em " Đ...mẹ bọn bay, nó là thằng cờ bạc chứ là gì mà tụi bay xum xoe nó". Ngoài ra, còn có thông tin đến tai Trương Văn Cam (Bình Kiểm nói) là Lâm muốn gây chuyện với Cam. Tháng 7/1999, vợ Lâm điện thoại tới nhà Trương Văn Cam, yêu cầu Cam phải tới nhà Lâm trao đổi công chuyện, nếu không đến mai mốt đừng trách. Tất cả những mâu thuẫn trên đã làm cho Trương Văn Cam hết sức bực bội và quyết định thanh toán Lâm để loại trừ hiểm hoạ (BL: V3 T1 : 44, 50, 52, 54).

Tối ngày 9 hoặc 10/7/1999, Vũ Hoàng Dung (Dung Hà) hộ khẩu thường trú tại số 1/23 phố Trạng Trình, phường Phan Bội Châu, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng, tạm trú tại số 19 Bùi Thị Xuân, quận 1, TP HCM đi xe máy do Nguyễn Duy Quân (Quân béo) hộ khẩu thường trú tại số 22/10 đường Trần Nguyên Hãn, phường Cát Dài, quận Lê Chân, TP Hải Phòng, tạm trú tại số 448/3G đường Nguyễn Tất Thành, phường 18, quận 4, TP HCM chở đến nhà Trương Văn Cam ở số 107/38 đường Trương Định, phường 6, quận 3, TP HCM để thăm Trương Văn Cam bị ốm. Trong lúc Trương Văn Cam nói chuyện với Vũ Hoàng Dung có Nguyễn Duy Quân cùng ngồi nghe. Cam nói với Dung Hà: "Có Lâm "Chín Ngón" thường nói xấu anh, làm mất uy tín của anh giữa đám đàn em của Lâm. Em xem cho đứa nào chém cho Lâm "Chín Ngón" vài dao để nó không kiếm chuyện với anh nữa". Vũ Hoàng Dung nói: "Chém làm gì, vì mang dao đi lình kình, cho nó một ca axít". Trương Văn Cam đồng ý và gọi điện cho Nguyễn Văn Thọ (Thọ "Đại Uý") đi mua axít. Hôm sau, Thọ mang axít về đựng trong bình nhựa màu trắng (loại can nhựa 1 lít) đưa cho Dung tại nhà Trương Văn Cam. Vũ Hoàng Dung hỏi Trương Văn Cam mặt Lâm chín ngón. Trương Văn Cam đã chỉ số nhà Lâm chín ngón ở 297, đường 3-2, quận 10 và tả hình dáng Lê Ngọc Lâm cho Vũ Hoàng Dung. Dung đổ một ít axít trong can xuống cống thoát nước tại nhà Trương Văn Cam để thử và và chê axít này loãng quá không đạt yêu cầu rồi nói với Trương Văn Cam để em mua axít đậm đặc, Cam đồng ý. Sau đó, Quân chở Dung đem theo can axít còn lại về số 19 Bùi Thị Xuân, quận 1, nơi Dung tạm trú, cất can axít và hai người tiếp tục đi đến ngã tư đường 3-2 - Sư Vạn Hạnh (khu vực nhà Lê Ngọc Lâm). Tại đây Quân ngồi uống nước mía còn Dung đi bộ cách xa chỗ Quân ngồi khoảng 100 m, gặp và nói chuyện với Nguyễn Văn Thọ và 3 thanh niên nữa nhưng Quân không biết tên. Sau đó, Quân lại chở Dung về số 19, Bùi Thị Xuân, quận 1 (BL: V3 T1 : 45, 48, 50, 56).

Khoảng 20h15' ngày 14/7/1999, sau khi dọn hàng xong, Lê Ngọc Lâm chở vợ là Nguyễn Thị Kim Liên cùng con trai 4 tuổi đi ăn tối tại quán phở Lài trên đường Cửu Long thuộc cư xá Bắc Hải phường 15, quận 10, TP HCM. Khi đến nơi, chị Liên và con trai vào bàn ngồi trước (lúc này khoảng 20h30'), Lâm đang dựng xe máy thì bị một thanh niên khoảng 30 tuổi đi đến cầm chiếc ca nhựa màu đỏ đựng axít bất ngờ tạt vào mặt và bỏ chạy sang bên kia đường, nhảy lên chiếc xe máy đang nổ máy đợi sẵn bỏ chạy. Lâm hét lên và gục xuống. Chị Liên cùng mọi người đưa Lâm đến cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy (BL: V3 T1 : 15-35). Kết quả giám định pháp y tại bản giám định y-pháp số 41/GĐYP ngày 18-5-2002 của Viện Y học Tư pháp Trung ương - Bộ Y tế khu vực phía Nam kết luận: Tổn thương do bị tạt axít để lại di chứng sẹo xấu vùng mặt gây ảnh hưởng thẩm mỹ bình thường của mặt, tổn hại toàn bộ mi mắt, hở mi, sau đã ghép da phục hồi, tổn hại giác mạc gây sẹo mộng thịt giả co kéo giác mạc, tổn hại hai bên, giảm thị lực nghiêm trọng. Tổn thương bỏng do bị tạt axít đã gây ảnh hưởng về mặt tâm lý cho nạn nhân. Tỷ lệ tổn hại sức khoẻ toàn bộ vĩnh viễn là 75% (BL: V3 T1: 9).

Được tin báo của quần chúng, công an phường 15, quận 10 đã đến ngay hiện trường đưa Lâm đi cấp cứu, đồng thời ghi lời khai của những người biết việc. Thu tại hiện trường một chiếc ca nhựa màu đỏ có quai, cao 11,3 cm, đường kính miệng ca 9,7 cm, đồng thời tiến hành ghi lời khai ban đầu của Lâm. Ngày 15/7/1999, công an phường 15 báo cáo và chuyển hồ sơ ban đầu cho trực ban đội Cảnh sát Điều tra công an quận 10 (BL: V3 T1 : 15-24).

Quá trình thụ lý vụ án, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an đã xuống công an quận 10 để xác minh thì được báo cáo hồ sơ đã bị thất lạc. Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an chỉ thu được bản phôtô hồ sơ ban đầu của công an phường 15 còn lưu lại tại phòng Cảnh sát Hình sự công an TP HCM và chiếc ca nhựa màu đỏ thu được ở hiện trường do công an quận 10 chuyển giao (BL: V3 T1 : 127, 128, 129, 130).

Sau khi bị tạt axít gây thương tích, Lâm không dám tố cáo mặc dù nghi vấn chủ mưu việc này do Trương Văn Cam (vì sợ thế lực của Trương Văn Cam trong giới giang hồ). Nếu tố cáo, sẽ liên lụy đến bản thân và gia đình. Đến khi Trương Văn Cam bị bắt trong vụ án khác, ngày 12/12/2001, Lâm mới gửi đơn đến cơ quan pháp luật tố cáo sự việc trên.

Trước cơ quan điều tra, Trương Văn Cam đã thừa nhận toàn bộ việc chủ mưu để Vũ Hoàng Dung tổ chức thực hiện việc tạt axít Lâm "Chín Ngón" như nêu trên. Lời khai của Nguyễn Duy Quân, người trực tiếp chở Dung Hà tới nhà Trương Văn Cam, chứng kiến cuộc trao đổi giữa Cam với Dung Hà, chứng kiến việc Cam giao nhiệm vụ tạt axít cho Dung, việc thử axít, việc nhận diện Lâm "Chín Ngón" (BL: V3 T1: 96, 97, 98, 99) phù hợp với lời khai của bị can là chứng cứ khẳng định vai trò chủ mưu của y.

Anh Lê Ngọc Lâm có trình bày với cơ quan điều tra: Trước khi anh bị tạt axít khoảng hơn 30 phút, anh có nhận một cuộc điện thoại của người có tên Phạm Sinh bán dụng cụ y khoa tại Trung tâm Thương mại quận 10, rủ Lâm cá độ bóng đá. Cũng ngay sau đó có 4 người gồm: Đặng Huy Hải (Nam lùn), Nguyễn Phúc, Hoàng nổ (còn gọi là Hoàng MEXICO) cùng một thanh niên nữa đi hai xe máy đến nhà Lâm tại số 297, đường 3-2 quận 10 rủ Lâm đi nhậu nhưng Lâm không đi. Cơ quan điều tra đã triệu tập ghi lời khai của Phạm Sinh, Đặng Huy Hải (Nam lùn), Nguyễn Phúc đều khai không quen biết gì với Lâm, không có quan hệ gì, không biết số điện thoại của nhà Lâm và chưa bao giờ rủ Lâm đi nhậu. Cơ quan điều tra đã cho Lâm và Đặng Huy Hải đối chất nhưng anh Hải vẫn khẳng định không quan hệ và chưa bao giờ đến rủ Lâm đi nhậu. Người có tên là Hoàng "Nổ" (còn gọi là Hoàng MEXICO) chạy xe ôm ở cổng Trung tâm Thương mại quận 10, cơ quan điều tra đã xác minh nhưng không biết họ tên thật và địa chỉ cư trú và từ năm 2001 Hoàng không còn chạy xe ôm ở đó nữa (BL: V3 T1: 74 - 84).

Theo nguồn tin của quần chúng thì Hoàng "nổ" hiện làm cho Tân "Hói" buôn bán xe ôtô ở quận 4. Cơ quan điều tra gọi hỏi Nguyễn Trọng Hoàng (Hoàng "đệ") đang làm thuê cho Tân "Hói" hiện ở 240 Đoàn Văn Bơ, phường 14, quận 4 nhưng Hoàng không thừa nhận có quan hệ với anh Phạm Sinh, Nguyễn Phúc, Đặng Huy Hải. Các anh Sinh, Phúc, Hải và cả Lâm, người bị hại, cũng xác định Hoàng "Đệ" không phải là Hoàng "Nổ" (BL: V3 T1: 123, 125). Do vậy cơ quan điều tra thấy không đủ cơ sở kết luận số đối tượng mà Lâm tố cáo có liên quan đến vụ án.

Dương Hà Thanh (Thanh "Xoăn") phạm nhân đang cải tạo tại A2-V26 - Bộ Công an khai báo: Tháng 12/1992, Trương Văn Cam triệu tập đàn em đến quán cà phê số 50 Nguyễn Huệ, quận 1, để bàn việc xử lý Lâm do Lâm coi thường và làm nhục Cam, thường quậy phá các sòng bạc do Cam tổ chức. Trương Văn Cam giao cho nhóm tội phạm đâm thuê chém mướn gốc Hải Phòng là Thành (Thành "Chân") đang định cư ở nước ngoài, Quốc "Lủi", Long "Rắn", Thuỷ "Ba Thỏ", Dũng "Bắc Cạn", Sơn "Con", Tuấn "Cơm", Văn "Con" (đã chết), Tiệp "Chó", Tới "Hen" (đã bị tử hình về tội giết người) tổ chức đánh nhau tại cầu Công Lý (sở dĩ chọn điểm này vì đây là địa bàn giáp ranh giữa phường 7 quận 3 và phường 16 quận Phú Nhuận có nhiều đường ngang ngõ tắt dễ bề tẩu thoát) với băng nhóm của Lâm chín ngón gồm: Sáu "Nhỏ", Đức "Năm Nghệ", Châu "Râu", Út "Dẹp", Long "Lòi", Tuấn "Điên", Hùng "Chuột", Cu "Sún", Quý "Heo". Kết quả là Tuấn "Cụm" bị chém vào vai trái, Tiệp "Chó" bị chém trúng bàn tay phải, Út "Dẹp" bị chém trúng lưng và một số tên khác bị chém vào đầu và tay. Cuối cùng băng của Lâm đã thua và bỏ chạy (BL: V3 T1: 119 - 122).

Cơ quan điều tra đã tiến hành ghi lời khai Lê Kim Quyền (Cu "Sún") hiện bị tạm giam tại trại Chí Hoà về tội mua bán ma tuý, từ năm 1990 đến 1997, Cu "Sún" đang thụ hình trong trại Tống Lê Chân nên không thể tham gia đánh nhau tại cầu Công Lý vào năm 1992 được. Dũng "Bắc Cạn" không thừa nhận tham gia đánh nhau đêm 23/ 12/1992 vì đầu năm 1993 Dũng mới vào TP HCM. Đức "Năm Nghệ" khai không biết sự kiện đêm 23/12. Trương Văn Cam, Lê Ngọc Lâm đều không công nhận tổ chức vụ đánh nhau như nêu trên. Do vậy không có cơ sở kết luận lời khai của Dương Hà Thanh là đúng sự thật (BL: V3 T1: 100 - 104, 108, 117, 118).

Căn cứ vào tài liệu điều tra thu thập được, kết luận: Giữa Lê Ngọc Lâm và Trương Văn Cam có mâu thuẫn gay gắt với nhau trong việc tranh giành quyền lợi, vị trí ngôi thứ trong "thế giới ngầm", Trương Văn Cam quyết định thanh toán Lâm, tiêu diệt Lâm để ngăn ngừa hiểm hoạ về sau. Để tránh bị bại lộ từ phía nạn nhân và cơ quan công an, Trương Văn Cam đã chỉ đạo Vũ Hoàng Dung, trùm "xã hội đen" gốc Hải Phòng, tổ chức thực hiện tạt axít Lâm "Chín Ngón". Hành vi sử dụng axít đậm đặc với thể tích lớn tạt vào mặt và đầu nạn nhân là rất nguy hiểm, xâm hại tới sức khoẻ, thẩm mỹ và cả sinh mạng của Lâm. Nhưng do Lâm có thể lực tốt, lại được cấp cứu kịp thời nên thoát chết, nhưng bị thương tật rất nặng (tỷ lệ 75%), đã cấu thành tội cố ý gây thương tích được quy định tại điều 104 Bộ luật Hình sự. Trong vụ án này, Trương Văn Cam giữ vai trò chủ mưu, Vũ Hoàng Dung giữ vai trò tổ chức thực hiện, Nguyễn Văn Thọ là người mua axít và chỉ nhà, chỉ mặt Lê Ngọc Lâm cho Vũ Hoàng Dung nhận diện. Nhưng do Vũ Hoàng Dung đã bị bắn chết ngày 2/10/2000 nên không khởi tố bị can đối với Dung. Nguyễn Văn Thọ đã bị khởi tố bị can, nhưng do y bỏ trốn nên cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định truy nã, khi nào bắt được sẽ xử lý sau. Mặc dù quá trình điều tra rất công phu nhưng tới nay ngoài Vũ Hoàng Dung, kẻ trực tiếp tổ chức thực hiện vụ tạt axít, cơ quan điều tra chưa tìm thêm kẻ mà Dung Hà cử trực tiếp tạt axít anh Lê Ngọc Lâm.

Hành vi của Trương Văn Cam đã phạm vào tội cố ý gây thương tích, tội danh được quy định tại khoản 3, điều 104 Bộ luật Hình sự.
 
Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 5): Các vụ tổ chức đánh bạc và đánh bạc

Năm 1999-2001, Năm Cam đã thu nhiều tỷ đồng từ việc gây dựng các sòng bài xập xám và xóc đĩa... mở khắp TP HCM. Hệ thống cờ bạc này được tổ chức quy mô và chặt chẽ. Thậm chí, hằng ngày quản lý sòng còn biếu tiền từng nhà dân sống xung quanh để họ không tố giác với công an.

A. Các vụ án do Trương Năm Cam và đồng bọn thực hiện

IV. Vụ tổ chức đánh bạc

1. Các vụ tổ chức đánh bạc và đánh bạc do Trương Văn Cam cầm đầu tại TP HCM

Cơ quan điều tra đã xác định được các hành vi phạm tội cụ thể của Trương Văn Cam và đồng bọn như sau:

1.1 Hệ thống sòng bạc xóc đĩa


Tiền lời phần hùn làm cái được chia làm 10 phần trong ngày gọi là tiền “đầu mười”: Ba Mạnh 1 phần, Trương Văn Cam 1 phần, còn lại 8 phần chia đều theo các mức góp vốn cho các phần hùn làm cái. Trương Văn Cam lấy một đầu mười (1/10) của mình chia lại cho Thảo, Nguyễn Văn Thọ (Thọ "Đại Úy", cháu ruột của Trương Văn Cam), Nhã mỗi tên 2 phần, còn lại Trương Văn Cam 4 phần. Nếu cái thua thì chủ sòng cũng chia theo tỷ lệ trên để thu lại tiền bù đắp vào phần hùn làm cái cho ngày hôm sau sòng bạc tiếp tục hoạt động. Với cách thức ăn chia như trên, chúng khuyến khích các con bạc hùn vốn làm cái trong sòng bạc. Mỗi phần hùn làm cái là 1.000.000 (một triệu) đồng. Các con bạc hùn vốn làm cái thì bọn chủ sòng thực hiện được hai mục đích: Một là con bạc có vốn trong sòng bạc, có quyền lợi gắn bó với sòng bạc, thường xuyên đến đánh bạc nên bọn tổ chức thu được nhiều tiền xâu; hai là chủ sòng lợi dụng được vốn của con bạc, không phải bỏ tiền mặt vào sòng bạc nhưng sòng bạc vẫn hoạt động được, vẫn được chia nhiều tiền lời của phần hùn khống làm cái. Do đó trong suốt thời gian mở sòng bạc, Tô Văn Tốt và Trương Văn Cam chưa phải xuất vốn cho sòng bạc.

Tô Văn Tốt đã đặt thợ làm ra và mua sắm các dụng cụ phương tiện đánh bạc gồm:

- Bộ bát, đĩa dùng để nhà cái lắc đồng vị.

- Các miếng “đồng vị” được làm từ 1 lá bài cỡ nhỏ (bài tây 54 lá) cắt thành 4 hình tròn.

- Chiếu bạc được làm bằng tấm vải simili lớn kẻ ô, một bên ô đánh số chẵn 2 - 4 - 6, một bên ô đánh số lẻ 1 - 3 - 5 và khoảng 400 (bốn trăm) miếng phỉnh thay thế cho tiền mặt, để cho các con bạc đánh với số lượng tiền lớn thì đổi ra phỉnh cho dễ tính.

- Phỉnh được làm bằng vải simili hình chữ nhật chiều rộng 7 cm, chiều dài 13 cm, bốn góc đục 4 lỗ, trên mặt phỉnh in 2 hình dấu: hình tròn in một chữ Trung Quốc, dịch ra tiếng Việt là chữ “lý”; hình vuông in 3 dòng chữ Trung Quốc dịch ra tiếng Việt là “Công ty Tân Đức Thái thuộc công ty Hàn”. Phỉnh có 3 loại, theo quy ước của bọn tổ chức sòng bạc: loại màu vàng tương đương 500.000 (năm trăm nghìn)/phỉnh, màu trắng xám tương đương 1.000.000 (một triệu) đồng/phỉnh, màu xanh tương đương 5.000.000 (năm triệu) đồng/phỉnh.

Hình thức đánh bạc xóc đĩa: Các con bạc chọn ô (chẵn hoặc lẻ) trên chiếu bạc để đặt tiền (nếu đặt tiền với số lượng lớn thì đổi ra phỉnh). Người ngồi xóc bỏ 4 miếng đồng vị vào bát, úp chiếc đĩa lại và lắc. Khi mở bát nếu 4 miếng “đồng vị” có 2 sấp 2 ngửa hoặc cả 4 sấp hoặc 4 ngửa thì cái thua ở ô chẵn, ăn ở ô lẻ, và ngược lại trong 4 miếng “đồng vị” có 1 sấp hoặc 1 ngửa hoặc 3 sấp hoặc 3 ngửa thì con bạc đặt ở ô lẻ ăn.

Từ tháng 10/1999 đến lúc bị phát hiện bắt giữ, bọn chúng đã lập ra sòng bạc xóc đĩa hoạt động tại các địa điểm sau:

a. Nhà Trương Thoại số 74/18 Trần Nguyên Hãn, phường 13, quận 8 (từ tháng 10/1999 đến tháng 4/2000)

Tô Văn Tốt thuê nhà Trương Thoại tại số 74/18 Trần Nguyên Hãn, phường 13, quận 8 để đặt sòng bạc với giá 400.000 (bốn trăm nghìn) đồng/ngày và thuê nhà Lê Định Quốc tại 74/16 Trần Nguyên Hãn, phường 13, quận 8 với giá 30.000 (ba mươi nghìn) đồng đến 50.000 (năm mươi nghìn) đồng/ngày để đặt két sắt và thủ quỹ ngồi giữ tiền cho sòng bạc.

Để có thêm tay chân giúp Nguyễn Văn Nhã quản lý điều hành sòng bạc, bọn chúng thu nạp một số tay chân thân cận có bề dày phạm tội đánh bạc, trộm cắp, cướp giật như: Phạm Văn Minh (Minh "Bu"), Nguyễn Anh Tuấn (Tuấn "Tăng"), Lê Đình Bang (Quang "Hói"), Trung "Heo", Nguyễn Ngọc Chung (Chung Tâm) và Nguyễn Hoàng Khương (con của Nguyễn Văn Nhã), Trần Văn Lợi (Lợi "Hói") thay phiên nhau làm cái (xóc đĩa); Bùi Viết Hùng (Tùng "Béo"), Nguyễn Văn Hơn (Út "Mỡ") và Vũ Thế Khải làm nhiệm vụ giám sát; Mã Chung Phát (Phệt), Tăng Văn Sên, Trịnh Chảy (Bé Dỹ), Đào Thế Minh (Lực) làm nhiệm vụ chung chi tiền cho chủ sòng (vai trò “hồ lỳ”); Lê Thị Thu Hà - vợ Phạm Văn Minh - làm thủ quỹ giữ tiền của sòng bạc ngồi tại nhà 74/16 Trần Nguyên Hãn, phường 13, quận 8, Phạm Thị Thu Trang (con Hà "Trề") làm nhiệm vụ giữ phỉnh đổi tiền cho con bạc trong sòng bạc; Đặng Thị Bé, Liên, Nguyễn Thị Kim Hòa (em của Thảo "Ma") phục vụ dọn dẹp, ăn uống, khăn lạnh cho con bạc. Nguyễn Minh Tiến, Nguyễn Thành Hiệp và tên Thông làm nhiệm vụ cảnh giới, bảo vệ, chỉ dẫn con bạc vào sòng bạc. Mỗi ngày, bọn chúng được Ba Mạnh, Sáu Nhà trả công từ 80.000 (tám mươi nghìn) đến 120.000 (một trăm hai mươi nghìn) đồng.

Hằng ngày sòng bạc hoạt động từ khoảng 14h đến khoảng 22h. Trước khi sòng bạc mở cửa Trang nhận từ Hà 20.000.000 (hai mươi triệu) đồng tiền mặt và 180.000.000 (một trăm tám mươi triệu) đồng tiền phỉnh đem vào sòng bạc làm cái. Cái thua thì lấy thêm tiền từ Hà đem vào sòng bạc. Nếu cái ăn thì Trang lấy tiền từ sòng bạc đem cho Hà cất giữ.

Sòng bạc hoạt động được khoảng nửa tháng thì Lê Thị Thu Hà đưa Trần Thị Anh Anh (tự Sơn) vào thay Hà làm thủ quỹ giữ tiền cho sòng bạc. Tiền của chủ sòng bạc được đựng trong một chiếc tủ sắt nhỏ để trong phòng ngủ của Lê Định Quốc. Sau đó, Anh đưa Lương Tiểu Chánh vào thay Trang làm nhiệm vụ giữ phỉnh đổi tiền được gần 3 tháng. Do Chánh mê đánh bạc và tự tiện cho con bạc vay mượn làm thâm hụt tiền quỹ nên Hà cho Chánh nghỉ việc, giao Hòa và thị Phượng (Hòa và Phượng đều là em ruột của Thảo "Ma") thay nhiệm vụ của Chánh. Khi sòng bạc mở cửa những ai hùn vốn làm cái thì báo cho Chánh hoặc Phượng ghi sổ số lượng phần hùn và nộp tiền hùn vốn cho Anh (Sơn).

Các con bạc tham gia đánh bạc gồm có Nguyễn Văn Nhã, Nguyễn Ngọc Chung, Bùi Viết Hùng, Vũ Thế Khải, Tạ Đắc Lung, Tăng Văn Sên, Đào Thế Minh, Nguyễn Anh Tuấn, Phạm Ngọc Kim, Nguyễn Thị Kiệm, Phạm Thị Lượng, Hồ Thị Út, Nguyễn Thị Kim Hòa, Nguyễn Khánh Quốc, Phạm Văn Lắm, Kiều Văn Xường (Sườn), Nguyễn Thị Thủy (Nguyễn Thị Kim Ngân), Lê Đình Bang, Trần Văn Lợi, Phạm Văn Đào, Phạm Công Tuyến, Trần Xuân Cường, Trung Heo, Dũng Cận, Đặng Văn Chung (Chung Vi Phông), Vân, Nguyễn Văn Dương (Dượng), Lương Tiểu Chánh, Trần Quốc Dân (Gia), Triệu Tô Hà (Tài Ngạn), Nguyễn Duy Dũng (Dũng "Đui"), Phạm Văn Đào, Lâm, Thành, Man, Nam…. Mỗi ván con bạc đặt từ 50.000 (năm mươi nghìn) đồng đến 5.000.000 (năm triệu) đồng, nếu con bạc thắng chủ sòng thu 5%/ván. Chủ sòng khuyến khích các con bạc tham gia hùn tiền làm cái. Tổng số tiền hùn làm cái mỗi ngày từ 800.000.000 (tám trăm triệu) đồng đến 1 (một) tỷ đồng.

Bảo vệ sòng bạc gồm các tên Nguyễn Thành Hiệp, Nguyễn Minh Tiến và tên Thông chịu trách nhiệm bảo vệ, cảnh giới vòng ngoài, nếu phát hiện có công an thì Hiệp làm ám hiệu cho tên ngồi trước cửa sòng bạc báo cho sòng bạc tẩu tán, chạy trốn.

Ngày 26/1/2000 Phạm Văn Minh phạm tội giết người, bỏ trốn, Trương Văn Cam và Tô Văn Tốt ra lệnh cho sòng bạc tạm nghỉ.

Khoảng cuối tháng 2/2000 Trương Văn Cam và Ba Mạnh giao cho Nguyễn Văn Nhã mở lại sòng bạc xóc đĩa tại 74/18 Trần Nguyên Hãn, phường 13, quận 8. Thành phần tham gia tổ chức sòng bạc, cách thức ăn chia và các con bạc vẫn giữ nguyên như cũ. Cuối tháng 4 đầu tháng 5/2000 Tô Văn Tốt chết đột ngột nên Trương Văn Cam cho sòng bạc tạm ngưng hoạt động.

Khi sòng bạc hoạt động, mỗi ngày Tô Văn Tốt và Nguyễn Văn Nhã giao cho Trương Thoại 160.000 (một trăm sáu mươi nghìn) đồng đi phân phát cho 8 hộ dân trong hẻm 74 Trần Nguyên Hãn quận 8 mỗi hộ 20.000 (hai mươi nghìn) đồng để các hộ dân này không tố giác hành vi phạm tội của chúng. Ngoài ra mỗi ngày Nguyễn Văn Nhã giao cho Tô Văn Tốt 3.300.000 đồng trong đó trả tiền nhà 400.000 đồng, tiền bảo vệ sòng bạc 300.000 đồng, còn lại 2.600.000 đồng Tốt dùng để đưa hối lộ cho một số cán bộ có trách nhiệm phòng chống tội phạm tại quận 8 nhằm bảo vệ cho sòng bạc hoạt động an toàn.

b. Nhà Nguyễn Thị Liên số 351A khu phố 1, phường Phước Long A, quận 9, TP HCM

Khoảng cuối tháng 1/2001 (hạ tuần tháng Chạp năm Canh Thìn), Nguyễn Văn Nhã bàn với Trương Văn Cam và Nguyễn Thành Thảo tiếp tục mở sòng bạc xóc đĩa tại quận 9. Được Trương Văn Cam và Thảo đồng ý, Nhã đến gặp Nguyễn Văn Dương để nhờ Dương tìm địa điểm mở sòng bạc. Dương đến gặp Nguyễn Thị Liên thỏa thuận giá thuê nhà của Liên số 351A khu phố 1, phường Phước Long A, quận 9 với giá 300.000 (ba trăm nghìn) đồng/ngày để Nhã tổ chức sòng bạc. Sau đó Dương báo cho Nhã biết đã thuê nhà xong. Tiền nhà và tiền lo an ninh cho sòng bạc mỗi ngày phải giao cho Dương là 800.000 đồng (tám trăm nghìn). Thuê nhà xong, Nhã thông báo cho những tên đã phục vụ tại sòng bạc xóc đĩa cũ đến nhà Liên để phục vụ cho sòng bạc hoạt động và thông báo cho các con bạc đến tham gia đánh bạc. Ngay ngày hôm sau sòng bạc bắt đầu hoạt động, bộ phận phục vụ trong sòng bạc có mặt hầu hết những tên đã phục vụ tại sòng bạc cũ ở nhà Trương Thoại, chỉ thay đổi khâu hồ lỳ (chung chi tiền bạc) Tăng Văn Sên và Nguyễn Văn Hơn không tham gia. Khâu bảo vệ cảnh giới có thêm tên Tý. Những tên hùn vốn làm cái và đánh bạc gồm: Nguyễn Văn Nhã, Nguyễn Văn Dương, Trương Văn Lang, Phạm Ngọc Kim, Kiều Văn Xường, Nguyễn Khánh Quốc, Triệu Tô Hà, Đào Quang Cường, Trần Xuân Cường, Trần Duy Lai, Phát Con, Thân, Phong, Trung Đen, Trần Văn Lợi, Bùi Viết Hùng, Tạ Đắc Lung, Nguyễn Thành Thảo, Trần Thị Anh Anh, riêng Lê Thị Thu Hà chỉ tham gia góp vốn làm cái 50.000.000 đồng (năm mươi triệu). Tổng số tiền làm cái trong sòng bạc mỗi ngày từ 700.000.000 đồng (bảy trăm triệu) đến 900.000.000 đồng (chín trăm triệu). Hàng ngày sòng bạc hoạt động tư 14h đến khoảng 23 giờ. Ngoài những tên góp vốn làm cái và tham gia đánh bạc nêu trên còn có thêm các con bạc như: Đặng Văn Chung, Liên, Nguyễn Thị Thủy.

Việc ăn chia trong sòng bạc được Trương Văn Cam chỉ đạo Nguyễn Văn Nhã chia như sau: Tiền xâu thu 5%/ván, mỗi ngày Nhã trích ra 800.000 đồng (tám trăm nghìn) giao cho Phượng để Phượng đưa cho Dương trả tiền nhà, tiền bảo vệ và 2.000.000 (hai triệu) đồng gọi là “phí bảo kê sòng bạc” giao cho Nguyễn Thị Kim Phượng giữ, cứ một tuần thì Phượng giao cho Nguyễn Văn Nhã để Nhã giao lại cho Nguyễn Thành Thảo đem về cho Trương Văn Cam. Còn lại chia làm hai phần: Một phần bỏ vào phần tiền lời của nhà cái để chia cho các phần hùn vốn làm cái, phần còn lại chia làm ba phần: 1/3 Nhã đem về cho Trương Văn Cam để Trương Văn Cam chia cho Nhã một phần, Thọ và Thảo một phần, Trương Văn Cam hai phần. 2/3 tiền xâu còn lại Nhã chia cho những tên có phần hùn lớn, có công lôi kéo con bạc đến đánh bạc gồm Nguyễn Khánh Quốc, Trần Xuân Cường, Trần Duy Lai, Lê Thị Thu Hà, Nguyễn Văn Dương, Phạm Ngọc Kim, Tạ Đắc Lung, Trung "Đen", Lợi "Hói" tùy theo công sức uy tín đối với sòng bạc mà Nhã chia tiền xâu cho nhiều hay ít. Riêng Lê Thị Thu Hà tuy có 50 (năm mươi) phần hùn nhưng không tham gia đánh bạc và không có công lôi kéo con bạc nên lúc đầu không được chia tiền xâu. Hà yêu cầu Trương Văn Cam chia cho một phần tiền xâu để dùng số tiền xâu này nuôi Phạm Văn Minh đang bị tạm giam về tội giết người, nên Trương Văn Cam ra lệnh cho Nhã chia cho Hà một nửa phần xâu.

Tổng số tiền lời làm cái hằng ngày được chia làm 10 phần (gọi là tiền “đầu mười”): Nhã đem về giao Trương Văn Cam một đầu mười, Trương Văn Cam chia lại đầu mười của mình cho Nhã 2/10, Trương Văn Cam hưởng 8/10, còn lại Nhã chia đều cho các phần hùn. Sòng bạc hoạt động khoảng nửa tháng thì đến Tết nên tạm nghỉ.

Khoảng mùng 10 Tết Canh Thìn (tức khoảng tháng 2/2001) Trương Văn Cam đi Mỹ, Nguyễn Văn Nhã và Nguyễn Thành Thảo tiếp tục mở sòng bạc tại nhà Liên số 351A khu phố 1, phường Phước Long A, quận 9. Thành phần tham gia sòng bạc cũng như cách thức ăn chia vẫn được giữ nguyên như cũ. Sòng bạc hoạt động được hơn 10 ngày thì Trương Văn Cam từ Mỹ trở về và Trương Văn Cam cho sòng bạc nghỉ vì công an đang truy bắt một số tên tham gia trong sòng bạc có liên quan đến vụ án giết Vũ Hoàng Dung (Dung Hà).

c. Nhà Triệu Tô Hà số 46/12 Âu Cơ - Phường 9 - Quận Tân Bình

Tháng 7/2001 Triệu Tô Hà rủ Tạ Đắc Lung cùng nhau mở sòng bạc xóc đĩa tại nhà Triệu Tô Hà số 46/12 Âu Cơ, phường 9, quận Tân Bình. Triệu Tô Hà phân công Tạ Đắc Lung đến "xin phép" Trương Văn Cam được mở sòng bạc. Lung đến công viên dinh Thống Nhất nơi Trương Văn Cam tập thể dục buổi sáng gặp Trương Văn Cam để xin mở sòng bạc tại nhà Triệu Tô Hà nhưng Trương Văn Cam không đồng ý với lý do TP HCM đang xảy ra một số vụ án, công an để ý Trương Văn Cam. Lung cho rằng Lung và Triệu Tô Hà bị thua bạc nhiều, không có uy tín trong giới cờ bạc nên Trương Văn Cam không cho y mở sòng bạc, nên Lung nói với Trương Văn Cam là cho Lung và Hà mở sòng bạc, nếu có lời chút đỉnh thì Lung và Hà chia lại cho Trương Văn Cam một ít tiêu xài. Thấy Trương Văn Cam không nói gì nên Lung và Hà quyết định cho sòng bạc hoạt động và mời Nguyễn Văn Nhã tham gia sòng bạc nhưng Nhã không tham gia. Do Trương Văn Cam không cho "phép" mở và Nhã không tham gia nên sòng bạc ít có con bạc đến đánh bạc. Hằng ngày, những tên tổ chức và một số tên phục vụ tham gia sát phạt nhau: Bộ phận phục vụ chỉ có Khải, Minh, Sên, Phát, Chảy, Hiệp, Sơn, Hòa. Tham gia góp vốn có Triệu Tô Hà, Tạ Đắc Lung, Trương Mạnh Long (Long "Giấy"). Đồng thời Triệu Tô Hà giao cho Vương Thanh (Sện) làm nhiệm vụ giám sát. Sòng bạc mở tại nhà Triệu Tô Hà được 5 ngày thì nghỉ vì ít người đến đánh bạc và sợ bị lộ.

d. Nhà Hà Gia Quyền số 27/23 Văn Thân phường 8 quận 6 (tháng 7/2001)

Để bảo đảm an toàn, Triệu Tô Hà và Tạ Đắc Lung quyết định chuyển sòng bạc đến nhà Hà Gia Quyền. Hà và Lung đã được Hà Gia Quyền cho mở sòng bạc tại nhà mình số 27/23 Văn Thân quận 6 và thuê nhà Nguyễn Thị Dung 27/6 Văn Thân, quận 6 để đặt két tiền và cho thủ quỹ ngồi. Mặc dù giữa Quyền và Triệu Tô Hà không thỏa thuận giá thuê nhà tổ chức sòng bạc vì Hà và Quyền là bạn thân, Hà cho Quyền bao nhiêu tiền thuê nhà thì cho nhưng mỗi ngày Hà vẫn lấy từ sòng bạc 4.500.000 (bốn triệu năm trăm nghìn) đồng là số tiền mà sòng bạc quy định phải chi để lo tiền nhà, tiền lo lót bảo vệ cho sòng bạc. Sòng bạc mở tại nhà Hà Gia Quyền được khoảng 5 ngày vẫn ít con bạc lớn đến tham gia.

e. Nhà Nguyễn Thị Dung số 27/6 Văn Thân phường 8 quận 6 (tháng 7/2001)

Thấy nhà Quyền nhỏ, dễ bị lộ nên Quyền và Triệu Tô Hà gặp Nguyễn Thị Dung bàn bạc thuê với giá 200.000 (hai trăm nghìn) đồng/ngày phần gác trên căn nhà số 27/6 Văn Thân quận 6 của Nguyễn Thị Dung làm nơi tổ chức sòng bạc.

Sau khi, Dung đồng ý và mời được Nguyễn Văn Nhã tham gia, Hà chuyển sòng bạc sang nhà thị Dung, két sắt và thủ quỹ chuyển về ngồi tại nhà Hà Gia Quyền. Đồng thời Tạ Đắc Lung đem 20 triệu đồng đến nhà hàng Ra Khơi đưa cho Trương Văn Cam nhằm đền ơn Trương Văn Cam vì đã cho Nguyễn Văn Nhã tham gia tổ chức sòng bạc nhưng Trương Văn Cam không nhận. Khi Nhã tham gia thì các con bạc và phần hùn vốn làm cái cũng được tăng lên. Phần hùn gồm có: Nguyễn Văn Nhã, Tạ Đắc Lung, Triệu Tô Hà, Lê Thị Thu Hà, Phạm Thị Thu Trang, Phạm Ngọc Kim, Kiều Văn Xường, Nguyễn Thị Kiệm, Nguyễn Thị Giang, Long Thành, Thăng, Trần Thị Anh Anh, Lâm, Tuấn. Các con bạc có thêm Đặng Văn Chung, tên Long. Tổng số vốn làm cái mỗi ngày khoảng 800 triệu đồng. Bộ phận phục vụ sòng bạc có các tên Nguyễn Thành Hiệp, Nguyễn Minh Tiến, Trần Thị Anh Anh, Nguyễn Thị Kim Hòa, Nguyễn Thị Kim Phượng, Đặng Thị Bé, Mã Chung Phát, Vũ Thế Khải, Đào Thế Minh, Tăng Văn Sên, Trịnh Chảy.

Số tiền xâu 5% ván thu tại các sòng mở tại nhà Triệu Tô Hà và nhà Hà Gia Quyền được sử dụng ăn chia như sau: Lấy một nửa số tiền xâu nhập vào phần lời của nhà cái; còn lại chia đều làm 3 phần cho Lung, Triệu Tô Hà, Long Giấy hưởng. Tiền lời hùn cái chia đều cho các phần hùn. Khi sòng bạc mở tại nhà Nguyễn Thị Dung, có thêm Nguyễn Văn Nhã tham gia, số tiền xâu mỗi ngày trích ra 2.000.000 (hai triệu) đồng tiền “phí bảo kê” giao cho Trương Văn Cam và 4.500.000 (bốn triệu năm trăm nghìn) đồng giao cho Triệu Tô Hà đi lo khâu an ninh cho sòng bạc và trả tiền thuê nhà. Số tiền xâu còn lại chia ra làm hai phần: Một phần bỏ vào tiền lời làm cái; phần còn lại chia làm 13 phần cho những người sau: Tạ Đắc Lung, Triệu Tô Hà và Long Giấy mỗi người 3 phần; Hà Gia Quyền 2 phần, Lê Thị Thu Hà và Phạm Ngọc Kim mỗi người 1 phần. Tiền lời làm cái (đầu mười) được chia làm 10 phần: Nguyễn Văn Nhã nhận 1 phần để đem về cho Trương Văn Cam; 9 phần còn lại chia đều cho các phần hùn cái. Trương Văn Cam nhận tiền đầu mười đã chia lại cho Nhã 2 phần, còn Trương Văn Cam hưởng 8 phần.

Sòng bạc hoạt động tại nhà Nguyễn Thị Dung được 10 ngày.

f. Nhà Nguyễn Văn Nghĩa số 1102 đường Tự Lập, phường 4, quận Tân Bình

Cuối tháng 8/2001 Nguyễn Khánh Quốc và Nguyễn Văn Nhã xin phép Trương Văn Cam mở lại sòng bạc xóc đĩa tại Tân Bình. Nguyễn Khánh Quốc nhờ Bùi Viết Hùng tìm địa điểm mở sòng, Hùng đã giới thiệu địa điểm quán cà phê của Nguyễn Văn Nghĩa (quán 12 kinh doanh cà phê có chiếu bóng đá thu qua vệ tinh) số nhà 1102 đường Tự Lập, phường 4, Tân Bình. Nguyễn Khánh Quốc thuê gác trên để mở sòng bạc xóc đĩa với giá 4.500.000 (bốn triệu năm trăm nghìn) đồng/ngày, bao gồm tiền thuê nhà 2.000.000 (hai triệu) đồng và 2.500.000 (hai triệu năm trăm nghìn) đồng để Nghĩa lo hối lộ, bảo vệ cho sòng bạc. Tầng dưới quán vẫn kinh doanh bình thường, thủ quỹ và két sắt đặt tại quán (tầng trệt).

Khoảng ngày 4/9/2001, sòng bạc bắt đầu hoạt động do Nguyễn Khánh Quốc và Nguyễn Văn Nhã trực tiếp điều hành sòng bạc. Bộ phận phục vụ sòng bạc gồm có các tên: Trần Thị Anh Anh (thủ quỹ), Nguyễn Hoàng Khương (lắc cái), Nguyễn Thị Kim Phượng, Nguyễn Thị Kim Hòa (giữ phỉnh đổi tiền trong sòng bạc), Vũ Thế Khải, Bùi Viết Hùng (giám sát), Tăng Văn Sên, Mã Chung Phát, Đào Thế Minh, Trịnh Chảy (hồ lỳ), Đặng Thị Bé, Nguyễn Thanh Tuấn (phục vụ ăn uống), Nguyễn Minh Tiến, Bùi Thanh Tuấn, Nguyễn Thành Hiệp (cảnh giới, bảo vệ).

Góp vốn làm cái gồm: Nguyễn Khánh Quốc, Nguyễn Văn Nhã, Nguyễn Thành Thảo, Kiều Văn Xường, Phạm Ngọc Kim, Nguyễn Văn Dương, Tạ Đắc Lung, Nguyễn Hoàng Khương, Lê Thị Thu Hà, Trần Xuân Cường, Bùi Viết Hùng, Đào Quang Cường, Nguyễn Thị Kim Phượng, Nguyễn Thị Kim Hòa, Phạm Thị Thu Trang, Nguyễn Văn Quý, Nguyễn Văn Quang, Phạm Văn Lắm, Nguyễn Thị Kiệm, Trần Thị Anh Anh, Tuân, Thân, Phong, Vân, Liên, Lê Thanh Mão, Long, Hoàng, Bính, Dung, Nguyễn Thị Giang (Mợ Giang)…

Các con bạc tham gia ngoài những tên có phần hùn nêu trên còn có: Lê Tấn Hổ, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Thị Thủy, Phạm Thị Lượng, Hồ Thị Út, Đặng Văn Chung. Riêng Nguyễn Thị Kim Phượng có phần hùn, giữ vai trò giữ phỉnh đổi tiền nên không tham gia đánh bạc.

Tổng số phần hùn làm cái hằng ngày khoảng 1,3 tỷ (một tỷ ba trăm triệu) đồng. Hằng ngày sòng bạc mở cửa từ 13h đến khoảng 22h. Mỗi ván con bạc đặt từ 50.000 (năm mươi nghìn) đồng đến 10.000.000 đồng (mười triệu). Tiền xâu thu 5%/ván, mỗi ngày chủ sòng trích ra 2.000.000 (hai triệu) đồng làm tiền phí bảo kê giao cho Thảo đem về cho Trương Văn Cam. Số tiền xâu còn lại sau khi trừ các khoản chi phí tiền nhà, tiền người phục vụ… được chia làm 2 phần: một phần bỏ vào phần tiền lời làm cái; phần còn lại chia làm 4 phần: Quốc và Trương Văn Cam mỗi người một phần (Trương Văn Cam chia lại phần của mình cho Nhã 1 phần, Thọ 1 phần, Trương Văn Cam 2 phần); hai phần còn lại Quốc chia cho những tên có công lôi kéo con bạc. Những con bạc có phần hùn lớn thì chủ sòng xét theo uy tín, có công nhiều hay ít để chia. Cụ thể những tên được chia tiền xâu gồm Bùi Viết Hùng, Kiều Văn Xường, Nguyễn Văn Dương, Tạ Đắc Lung, Trần Xuân Cường, Đào Quang Cường, Phạm Ngọc Kim. Riêng Lê Thị Thu Hà tuy chỉ góp vốn, không tham gia đánh bạc nhưng được Trương Văn Cam chỉ đạo cho Quốc và Nhã chia cho 1 phần tiền xâu để nuôi Phạm Văn Minh đang bị tạm giam.

Tiền lời làm cái (đầu mười) được chia làm 10 phần: Trương Văn Cam 1 phần, Quốc 1 phần. Trương Văn Cam lấy phần của mình chia lại cho Nhã 2 phần, còn Trương Văn Cam hưởng 8 phần. Còn lại 8/10 (tám đầu mười) đem chia tiếp ra làm 10 phần: Nhã lấy 3 phần; Còn lại 7 phần chia cho những tên có phần hùn trong sòng. Phần của Nhã đem về chia tiếp làm 10 phần gồm Thảo, Nhã, Thọ mỗi người 2 phần, Quang, Quý mỗi người 1,5 phần và Phạm Văn Lắm 1 phần.

- Ngày 27/9/2001 Nguyễn Văn Nghĩa sợ bị lộ nên không cho Quốc và Nhã tiếp tục thuê mở sòng bạc.

g. Nhà Trương Thoại số 74/18 Trần Nguyên Hãn, phường 13, quận 8, TP HCM

Ngày 28/9/2001, Nhã thuê nhà Trương Thoại mở lại sòng bạc và nhờ Thoại thuê lại nhà của Lê Định Quốc số 74/16 Trần Nguyên Hãn, phường 13, quận 8 cho Trần Thị Anh Anh ngồi giữ két sắt đựng tiền của sòng bạc. Trương Thoại đồng ý cho Nhã thuê nhà mở sòng bạc với giá 500.000 (năm trăm nghìn) đồng/ngày và Quốc cho thuê nhà để két sắt sòng bạc với giá 30.000 (ba chục nghìn) đồng đến 50.000 (năm chục nghìn) đồng/ngày.

Ngày 29/9/2001, Nhã và Quốc cho sòng bạc chuyển về nhà Trương Thoại tiếp tục hoạt động. Toàn bộ những người phục vụ trong sòng bạc và số lượng phần hùn các con bạc và cách thức ăn chia trong sòng bạc cũng giống như sòng bạc hoạt động ở 1102 đường Tự Lập, phường 4, Tân Bình. Về con bạc có thêm Phạm Văn Phàn. Chủ nhà Trương Thoại thuê Trương Diệu Hán và Trịnh Lang đến phục vụ bưng bê cơm nước cho bọn tổ chức sòng bạc mỗi ngày Thoại trả công cho Hán và Lang 20.000 (hai chục nghìn) đồng. Đồng thời Trương Thoại hàng ngày nhận tiền từ sòng bạc do Nguyễn Văn Nhã giao để phân phát cho 8 hộ dân trong hẻm 74 Trần Nguyên Hãn quận 8 mỗi hộ 20.000 (hai chục nghìn) đồng/ngày để các hộ dân này không tố giác hành vi phạm tội của chúng. Mặt khác Nhã cũng lấy tiền từ sòng bạc mỗi ngày 3.900.000 đồng (ba triệu chín trăm nghìn) giao cho Nguyễn Thị Kim Phượng để Phượng giao cho Nguyễn Văn Thọ và Cô Đệ chi phí bảo vệ và “ngoại giao” với một số cán bộ công an phường 13, quận 8 và Cảnh sát Hình sự quận 8 (trong đó 3.600.000 đồng dùng để hối lộ, 300.000 đồng trả công bảo vệ canh gác vòng ngoài sòng bạc).

Ngày 9/10/2001, sòng bạc bị bắt quả tang, Trần Thị Anh Anh bỏ trốn. Trong khi bắt giữ sòng bạc, Cơ quan Công an yêu cầu Lê Định Quốc giao nộp những tài sản của sòng bạc, những con bạc chạy trốn trong nhà Quốc nếu có. Nhưng Quốc cố tình che giấu chiếc két sắt của sòng bạc. Sau khi sòng bạc bị bắt giữ, Anh trở lại nhà Quốc mở két sắt lấy đi toàn bộ số tiền của sòng bạc (khoảng 800.000.000 đồng) rồi bỏ trốn.
 
1.2. Hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy và trốn khỏi nơi giam của Nguyễn Khánh Quốc

Trong quá trình bắt quả tang sòng bạc xóc đĩa tại nhà Trương Thoại ngày 9/10/2001, cơ quan điều tra khám xét người Nguyễn Khánh Quốc đã thu giữ trong ví của Quốc 5 viên thuốc tân dược màu đỏ có khắc chữ WY và một gói nylon chất bột màu trắng. Tổ chức giám định kỹ thuật hình sự kết luận: 5 viên thuốc tân dược màu đỏ có khắc chữ WY nặng 0,5016 g có chứa thành phần Methamphetamin và 1,7666g chất bột trắng trong gói nylon là heroin. Một số bị can trong vụ án này như Trương Văn Cam, Nguyễn Văn Nhã và Nguyễn Văn Nghĩa đều khai Nguyễn Khánh Quốc nghiện nặng ma túy.

Nguyễn Khánh Quốc luôn luôn khai báo gian dối về lai lịch bản thân để che giấu tiền án - tiền sự, hành vi trốn trại và đồng bọn cùng phạm tội nhưng cơ quan điều tra chứng minh được quá trình phạm tội của Nguyễn Khánh Quốc như sau: Ngày 8/9/1984, Quốc bị Công an TP. Hải Phòng bắt về tội cướp tài sản công dân, bị TAND TP Hải Phòng xử 5 năm tù giam. Trong khi đang chấp hành án phạt tù tại trại Phi Liệt (nay là trại Xuân Nguyên), Nguyễn Khánh Quốc cùng đồng bọn đánh bạc xóc đĩa, bị bắt quả tang ngày 20/1/1986 (việc đánh bạc do Quốc rủ rê các phạm nhân khác tham gia và chính Quốc là người chuẩn bị dụng cụ như bát, đĩa và cắt lá bài tổ tôm làm đồng vị… Ngày 20/4/1986, TAND huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng xử phạt Quốc 18 tháng tù về tội đánh bạc, tổng hợp hình phạt 2 tội là 78 tháng tù. Ngày 4/5/1986, Quốc đang thi hành án phạt tù đến tháng thứ 21 thì trốn trại trong khi trại cải tạo cho đi lao động. Như vậy Quốc còn phải thụ hình tiếp 57 tháng.

1.3 Hệ thống sòng bạc xập xám

Đánh bạc bằng hình thức chơi bài xập xám là sử dụng bộ bài Tây 52 lá chia ra bốn tụ, mỗi tụ 13 lá (tiếng Quảng Đông - Trung Quốc số 13 là xập xám), đổ hột xí ngầu chọn ngẫu nhiên mỗi người lấy một tụ bài, người ngồi ngoài có thể ké (góp vốn) vào mỗi tụ, các con bạc ăn thua với nhau. Chủ sòng bạc lo địa điểm, cung cấp bài mới, phục vụ ăn uống, làm trọng tài, cử người chia bài, ghi chép sổ sách theo dõi ăn thua, cho con bạc vay tiền, cuối ngày tính sổ ăn chia cho khách chơi bạc, thu tiền xâu.

Trương Văn Cam và đồng bọn đã tổ chức sòng bạc xập xám tại các địa điểm sau:

a. Nhà Triệu Tô Hà thuê tại 780 Nguyễn Đình Chiểu phường 1, quận 3, TP HCM

Khoảng tháng 6/2000 tên Vương Tử (tự Xây - Việt kiều Canada, anh vợ trước của Triệu Tô Hà) cho Triệu Tô Hà biết: Xây và Lâm Như Thiên (Việt kiều Canada) có một bộ máy camera, máy rung phục vụ cho việc đánh bạc xập xám gian lận. Xây bàn với Triệu Tô Hà (Tài Ngạn) cùng đến gặp Trương Văn Cam bàn bạc mở sòng bạc tại nhà 780 Nguyễn Đình Chiểu phường 1, quận 3. Nhà này do Tài Ngạn thuê để vợ chồng Tài Ngạn ở. Hợp đồng thuê nhà do vợ Tài Ngạn là Nguyễn Thị Ngọc Nga đứng tên. Sau khi thuê nhà Ngọc Nga không chịu ở nên Tài Ngạn để cho Xây ở và Tài Ngạn cùng Xây làm nơi chứa bạc. Tài Ngạn, Xây và Trương Văn Cam cùng bàn bạc phân công: Trương Văn Cam có nhiệm vụ tìm kiếm lôi kéo các con bạc giàu có đến đánh bạc, quản lý tiền xâu và thu nhận tiền của người thua bạc chung cho người thắng bạc. Nguyễn Thành Thảo trực tiếp ghi sổ người thắng, người thua, thu tiền xâu giao lại cho Trương Văn Cam. Vương Tử (Xây) và Trần Quốc Dân (Gia) mỗi tên nhận một máy rung để trong người và trực tiếp ngồi đánh bạc theo sự chỉ đạo của tên Thiên và Tài Ngạn. Trong sòng có gắn camera quan sát trộm bài của các con bạc, Lâm Như Thiên bí mật ngồi ngoài xe du lịch 15 chỗ ngồi đậu cách sòng bạc khoảng 300 m quan sát màn hình và điều khiển máy rung báo cho Dân và Xây đánh bạc. Người lái chiếc xe này là Khui con rể của Lâm Như Thiên.

Bàn bạc xong, Trương Văn Cam lôi kéo được Trần Lệ Nguyên đến nhà 780 Nguyễn Đình Chiểu, phường 1, quận 3 gặp Xây và tổ chức sòng bạc. Khi Nguyên tham gia sòng bạc, Trương Văn Cam gọi điện cho Lương Cẩm Huy và Trần Quốc Dân đến tham gia. Đồng thời Xây dẫn thêm hai người bạn nữa (không rõ tên tuổi, địa chỉ) cùng đến tham gia đánh bạc.

Sòng bạc đánh mỗi chến từ 30 đến 45 triệu đồng, ăn thua mỗi chi 1 triệu đồng. Ngoài ra các con bạc còn “đá ngang” với nhau. Tiền xâu Trương Văn Cam thu 4 triệu đồng 1 ván. Một nửa tiền xâu được bỏ vào sòng, một nửa chủ sòng thu.

Ngày đầu đánh bạc sát phạt nhau, Trần Lệ Nguyên và Vương Tử thắng bạc. Trần Quốc Dân thua gần 20.000 USD và Lương Cẩm Huy thua 200 triệu đồng nên Huy nghỉ. Dân không có tiền trả nên Trương Văn Cam cho Dân vay 20.000 USD. Những ngày sau, Trần Lệ Nguyên thua bạc. Sau 7 ngày sát phạt nhau, Trương Văn Cam cộng sổ, trừ các khoản đã thanh toán thì Trần Lệ Nguyên còn thiếu các con bạc là 100.000 USD, Trần Quốc Dân thắng 37.500 USD và 15 triệu, Vương Tử thắng 30.000 USD và 200 triệu đồng. Triệu Tô Hà và Lâm Như Thiên mỗi tên được 50 triệu đồng. Một người bạn của Xây không rõ thắng bao nhiêu.

Nguyên không có tiền trả một lần nên Trương Văn Cam lấy tiếp 20.000 USD của Trương Văn Cam trả trước một phần cho Xây và Dân. Hằng tháng, Nguyên trả cho Trương Văn Cam 10.000 USD, Trương Văn Cam trả cho Xây và Dân mỗi tên 3.000 USD (tiền của Xây do Triệu Tô Hà nhận), còn lại 4.000 USD, Trương Văn Cam trừ vào số tiền Trương Văn Cam ứng trả trước 2 lần là 40.000 USD

Tiền xâu thu được 850 triệu đồng, Trương Văn Cam khai chia số tiền xâu thu được cho Dân, Xây, Hà và Trương Văn Cam mỗi tên 150 triệu đồng; cho Nguyên 200 triệu và cho Nguyễn Thành Thảo 50 triệu nhưng Nguyên, Hà và Dân không thừa nhận số tiền xâu thu được chia mà Trương Văn Cam đã khai. Do đó Trương Văn Cam phải chịu trách nhiệm số tiền xâu 800 triệu đồng.

b. Nhà Triệu Tô Hà thuê tại 835/1-2 Trần Hưng Đạo, phường 1, quận 5

Khoảng tháng 12/2000 Triệu Tô Hà, Vương Tử (Xây) và Nguyễn Thành Thảo bàn nhau tổ chức sòng bạc xập xám tại 835/1-2 Trần Hưng Đạo, phường 1, quận 5. Nhà này do tên Xây thuê làm nơi ở và tổ chức sòng bạc (Xây nhờ Nguyễn Công Án, ngụ tại 46/12A Âu Cơ P9 Tân Bình đứng tên hợp đồng thuê nhà). Xây, Thảo và Tài Ngạn phân công: Thảo tìm kiếm con bạc, ghi chép phần thắng thua của con bạc và thu tiền của người thua chung cho người thắng. Xây và Triệu Tô Hà tìm kiếm con bạc và điều hành sòng bạc. Tên Lâm Như Thiên ngồi ở xe ôtô điều khiển camera và máy rung. Trần Quốc Dân và Trần Văn Hên (còn có tên là Đực, do tên Tý giới thiệu cho Triệu Tô Hà) làm nhiệm vụ giữ máy rung và đánh bạc theo sự điều khiển của Xây, Thiên và Triệu Tô Hà. Sau khi bàn bạc thống nhất, Nguyễn Thành Thảo đưa Trần Thị Cẩm và Phạm Ngọc Kim đến sòng bạc. Vương Tử đưa 2 người Hoa (không rõ tên tuổi, địa chỉ) đến đánh bạc. Mỗi chến đánh từ 15 triệu đến 30 triệu đồng. Ăn thua mỗi chi 500.000 đồng, tiền xâu thu 1 triệu đồng 1 ván.

Sau 5 ngày sát phạt nhau, Trần Văn Hên được chủ sòng chia 200 triệu đồng thắng bạc, Trần Quốc Dân được 100 triệu, Thảo thu được 75 triệu đồng tiền xâu. Thảo chia cho Triệu Tô Hà 30 triệu đồng, Xây 15 triệu đồng và Thảo 30 triệu đồng.

c. Nhà vợ chồng Lương Cẩm Huy thuê tại số 122 Trần Hưng Đạo B phường 7, quận 5, TP HCM

Ngày 8/10/2001 Trương Văn Cam yêu cầu Lương Cẩm Huy cho Trương Văn Cam sử dụng phần gác trên của căn nhà 122 Trần Hưng Đạo B phường 7, quận 5 làm nơi tổ chức sòng bạc xập xám. Nhà 122 Trần Hưng Đạo B phường 7, quận 5 do Lương Cẩm Huy thuê cho vợ bé là Đỗ Thị Quyên mở tiệm uốn tóc. Huy đồng ý và Trương Văn Cam giao cho Nguyễn Thành Thảo và Bé Ba (Võ Thị Kim Hương) và Nguyễn Hữu Đức trực tiếp ghi sổ và thu tiền xâu. Mỗi chến từ 15 đến 30 triệu đồng, mỗi chi ăn thua 500.000 đồng, tiền xâu thu mỗi chến 1.000.000 đồng. Các con bạc tham gia gồm Trần Lệ Nguyên, Trần Quốc Dân, Nguyễn Hiếu Minh (Minh "Mít"), hai vợ chồng Thảo - Trinh và một số tên khác không rõ tên tuổi địa chỉ. Sòng bạc hoạt động sang ngày thứ hai (9/10/2001) thì sòng bạc xóc đĩa tại 74/18 Trần Nguyên Hãn, phường 13, quận 8 bị bắt, Trương Văn Cam vội vàng cho sòng bạc xập xám giải tán. Sau hai ngày tổ chức đánh bạc, Trương Văn Cam thu được 30 triệu đồng tiền xâu, đã chia lại cho Lương Cẩm Huy 15 triệu đồng và trả công cho Bé Ba - Đức mỗi người 50.000 đồng/ngày.

Hành vi tổ chức đánh bạc, gá bạc, đánh bạc do Trương Văn Cam chủ mưu cầm đầu được thực hiện trong một thời gian dài và được tổ chức một cách tinh vi chặt chẽ có hệ thống, với số lượng đối tượng tham gia đông và đánh bạc với số lượng ăn thua rất lớn. Thu nhập bất chính từ hệ thống sòng bạc là nguồn tài chính quan trọng của tổ chức tội phạm do Trương Văn Cam cầm đầu.
 
Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 6): Hối lộ công an bảo kê các sòng bài tại quận 8

Năm Cam đã chỉ đạo đàn em "tung tiền" mua chuộc lực lượng công an TP HCM, từ cảnh sát khu vực đến các trưởng phòng, để hệ thống sòng bài được tự do hoạt động. Người bắt mối cho Năm Cam là Võ Văn Tâm, đội trưởng Đội chống tệ nạn xã hội, Phòng cảnh sát hình sự, Công an thành phố.

A. Các vụ án do Trương Năm Cam và đồng bọn thực hiện

IV. Vụ tổ chức đánh bạc

1. Các vụ tổ chức đánh bạc và đánh bạc do Trương Văn Cam cầm đầu tại TP HCM

1.4 Hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ tại quận 8

a. Hành vi đưa hối lộ tại các sòng bạc

* Hành vi đưa hối lộ tại sòng bạc tài sửu:

Cuối tháng 1/2001 Cô Đệ (tức Tư "Râu") và Nguyễn Văn Thọ (tức Thọ "Đại Uý") tổ chức sòng bạc bằng hình thức đánh tài sửu mở tại nhà của Lương Trung, số 62/2B Trần Nguyên Hãn phường 13 quận 8. Bọn chúng phân công Cô Đệ lo quản lý điều hành toàn bộ hoạt động của sòng bạc, trả tiền thuê nhà cho Lương Trung 150.000 đồng/ngày; Nguyễn Văn Thọ lo phần an ninh sòng bạc. Thọ và Cô Đệ đã trích tiền xâu mỗi tuần 10.000.000 đồng giao cho Nguyễn Xuân Liệu (con rể Tô Văn Tốt, tức Ba Mạnh) hối lộ cho một số cán bộ, chiến sĩ công an phường 13, quận 8 và đội Cảnh sát hình sự - Công an quận 8 để đảm bảo cho sòng bạc không bị công an triệt phá. Quá trình hoạt động liên tục từ cuối tháng 1 đến 9/10/2001 có khoảng 2 tuần Cô Đệ tạm chuyển sòng bạc sang hoạt động tại hẻm 41 Cần Giuộc phường 12, quận 8 (do bị quần chúng phường 13, quận 8 tố cáo). Tại đây Cô Đệ cũng sử dụng tiền xâu thu được từ việc tổ chức sòng bạc đưa cho Nguyễn Xuân Liệu để mua chuộc một số cán bộ Công an phường 12 quận 8 bao che sòng bạc.

* Hành vi đưa hối lộ tại sòng bạc xóc đĩa:

Sau khi đi tập trung cải tạo về (được trả tự do vào tháng 10/1997), Trương Văn Cam cùng đồng bọn là các tên Tô Văn Tốt (Ba Mạnh), Nguyễn Văn Nhã (Sáu Nhà), Nguyễn Khánh Quốc (Quốc "Lủi"), Phạm Văn Minh (Minh "Bu"), Lê Thị Thu Hà (Hà "Trề") và Thành "Chân" đã phục hồi lại sòng bạc xóc đĩa.

Khoảng tháng 10/1999, bọn chúng tổ chức sòng bạc xóc đĩa tại địa bàn quận 8 và phân công Tô Văn Tốt lo việc thuê nhà tổ chức sòng bạc và lo khâu bảo vệ, an ninh tại địa bàn quận 8; Trương Văn Cam lo tìm kiếm móc nối con bạc đến đánh bạc và lo “ngoại giao” cho sòng bạc; Sáu Nhà lo điều hành quản lý sòng bạc. Việc mua chuộc cán bộ để đảm bảo an ninh cho sòng bạc chúng phân công cho Ba Mạnh lo các cấp ở quận 8, Trương Văn Cam cùng Nguyễn Thành Thảo lo cấp thành phố.

Trương Văn Cam chủ trương nguồn tiền dùng để mua chuộc cán bộ công an bao che sòng bạc lấy từ nguồn tiền xâu thu mỗi ván 5% của người thắng bạc và được trích ra làm 2 khoản sử dụng:

Khoản thứ nhất gọi là tiền “phí ngoại giao” 2.000.000 (hai triệu) đồng/ngày nộp về cho Trương Văn Cam dùng làm chi phí hối lộ, mua chuộc một số cán bộ đơn vị có chức năng phòng chống tội phạm thuộc Công an TP HCM để bao che dung túng cho hoạt động vi phạm pháp luật của băng nhóm Trương Văn Cam và các sòng bạc của y.

Về chủ trương lập ra khoản tiền hối lộ này, Trương Văn Cam khai: Trương Văn Cam lập ra khoản chi phí này để sử dụng đưa hối lộ, trước đây Trương Văn Cam trực tiếp ở trong sòng bạc nên mỗi ngày trích ra 2.000.000 đồng thì những người cùng hùn làm chủ sòng đều biết. Sau khi tái lập sòng bạc xóc đĩa ở quận 8, Trương Văn Cam không trực tiếp vào sòng bạc mà hằng ngày Nguyễn Văn Nhã rồi Nguyễn Thành Thảo đem tiền về nộp Trương Văn Cam. Vì muốn công khai không để người khác nghi ngờ Trương Văn Cam chiếm đoạt sử dụng riêng nên Trương Văn Cam đã kêu Nguyễn Văn Nhã vào sòng bạc bàn bạc với các chủ sòng khác, sau đó Sáu Nhà báo lại cho Trương Văn Cam là các chủ sòng khác đều nhất trí mỗi ngày trích ra 2.000.000 đồng nộp cho Trương Văn Cam làm "phí ngoại giao" để Trương Văn Cam quan hệ mua chuộc, đút lót cho cán bộ cấp thành phố. Từ năm 1999 đến tháng 10/2001, các chủ sòng bạc xóc đĩa (kể cả người mới tham gia như Nguyễn Khánh Quốc) đều phải nộp về cho Trương Văn Cam khoản tiền trên.

Khoản thứ hai là tiền thuê nhà và tiền lo “an ninh cho sòng” tại quận, phường nơi sòng hoạt động, mỗi ngày Nguyễn Văn Nhã (Sáu Nhà) giao cho Tô Văn Tốt (Ba Mạnh) 3.300.000 (ba triệu ba trăm nghìn) đồng, trong đó có 400.000 đồng trả tiền thuê nhà, 300.000 đồng để chi cho bọn canh gác sòng bạc, còn lại 2.600.000 (hai triệu sáu trăm nghìn) đồng dùng để đưa hối lộ hằng tuần cho một số cán bộ công an quận và công an phường nơi có sòng bạc hoạt động.

Thời gian Ba Mạnh còn sống, Trương Văn Cam giao cho Ba Mạnh lo hối lộ Công an quận 8. Tô Văn Tốt lợi dụng sự quen biết với ông Lê Văn Tiếu (tức Năm Tiếu, nguyên phó trưởng Công an quận 8) để tiếp xúc móc nối với Lê Minh Hùng (Đội trưởng cảnh sát hình sự, Công an quận 8) nhờ bao che sòng bạc xóc đĩa của Tốt tại phường 13.

Sau khi Ba Mạnh chết, Trương Văn Cam giao cho Nguyễn Văn Thọ lo việc chạy hối lộ để bao che cho sòng bạc. Thọ đã móc nối Nguyễn Xuân Liệu (con rể Ba Mạnh) đi hối lộ cho Công an quận 8 để bảo đảm an ninh cho sòng bạc.

Sòng bạc xóc đĩa hoạt động tại 74/18 Trần Nguyên Hãn, phường 13, quận 8 vào các thời điểm sau:

- Từ tháng 10/1999 đến khoảng giữa tháng 1/2000 (do Phạm Văn Minh tức Minh "Bu" phạm tội giết người ở đường Hải Triều, quận 1 nên Trương Văn Cam cho sòng tạm nghỉ); hoạt động lại từ cuối tháng 2/2000 đến đầu tháng 5/2000 (do Tô Văn Tốt chết đột ngột nên Trương Văn Cam cho sòng bạc tạm ngưng hoạt động). Tổng cộng số ngày sòng bạc hoạt động là 135 ngày, tiền “phí ngoại giao” đã nộp cho Trương Văn Cam là 270.000.000 đồng, tiền Nguyễn Văn Nhã và Tô Văn Tốt dùng để đi hối lộ là 351.000.000 đồng.

- Sau khi di chuyển nhiều địa điểm sòng bạc xóc đĩa lại quay về hoạt động từ 29/9/2001 đến 9/10/2001 thì bị Công an TP HCM bắt quả tang. Thời gian sòng bạc hoạt động là 11 ngày, tiền “phí ngoại giao” đã nộp cho Trương Văn Cam là 8.000.000 đồng (vì sòng bạc nộp tiền về Trương Văn Cam qua Nguyễn Thành Thảo theo tuần, Thảo mới thu tiền tuần đầu, tuần kế tiếp chưa đến kỳ thu), tiền Cô Đệ và Nguyễn Văn Thọ đã lấy để đi hối lộ là 36.000.000 đồng.

Trong thời gian năm 1999-2000, sòng bạc xóc đĩa này còn rời tới hoạt động tại các địa điểm sau:

- Nhà Nguyễn Thị Liên số 351Akhu phố 1, phường Phước Long A, quận 9 từ cuối tháng 1/2001 (hạ tuần tháng chạp năm Canh Thìn) đến Tết và từ mùng 10 Tết Canh Thìn (tức khoảng tháng 2/2001) hoạt động thêm 10 ngày. Tiền “phí ngoại giao” đã nộp cho Trương Văn Cam là 54.000.000 đồng, tiền hối lộ cấp địa phương không xác định được.

- Nhà Nguyễn Thị Dung số 27/6 Văn Thân phường 8, quận 6 hoạt động hơn 10 ngày. Tiền “phí ngoại giao” đã nộp cho Trương Văn Cam là 20.000.000 đồng, chi phí canh gác sòng bạc và tiền hối lộ cấp địa phương Triệu Tô Hà thu hằng ngày 4.300.000 đồng nhưng Triệu Tô Hà khai đã chiếm hưởng riêng để đánh bạc.

- Nhà Nguyễn Văn Nghĩa số 1102 đường Tự Lập, phường 4, quận Tân Bình 23 ngày. Tiền “phí ngoại giao” đã nộp cho Trương Văn Cam là 46.000.000 đồng, tiền hối lộ cấp địa phương Nguyễn Khánh Quốc và Nguyễn Văn Nhã đã giao cho Nguyễn Văn Nghĩa 57.500.000 đồng. Nhưng Nguyễn Văn Nghĩa khai đã chiếm hưởng sử dụng riêng số tiền này (Nguyễn Văn Nghĩa đã nộp lại cho Cơ quan điều tra số tiền này cùng với số tiền sòng bạc trả tiền thuê nhà tổng cộng là 103.500.000 đồng).

Riêng vào tháng 7/2001 Triệu Tô Hà và Tạ Đắc Lung mở sòng tại số 46/12 Âu Cơ phường 9, quận Tân Bình 5 ngày rồi chuyển sang nhà Hà Gia Quyền số 27/23 Văn Thân phường 8 quận 6 hoạt động thêm 5 ngày. Vì hai sòng bạc này Trương Văn Cam không nhận bảo kê nên Triệu Tô Hà và Tạ Đắc Lung không nộp “phí ngoại giao” 2.000.000 đồng/ngày và chưa trích tiền của sòng bạc lo lót, hối lộ cho cán bộ địa phương.

Tổng số tiền Trương Văn Cam đã nhận “phí ngoại giao” từ các sòng bạc nộp về là 398.000.000 đồng, là khoản tiền để mua chuộc, hối lộ cho một số cán bộ thuộc các đơn vị chức năng phòng chống tội phạm cấp thành phố. Trương Văn Cam khai đã sử dụng hết số tiền 398.000.000 đồng để đưa hối lộ và chi ăn nhậu với một số cán bộ chức năng của Công an thành phố. Đồng phạm với Trương Văn Cam gồm có Nguyễn Thành Thảo, Nguyễn Văn Nhã, Tô Văn Tốt (đã chết), Nguyễn Khánh Quốc, Tạ Đắc Lung, Triệu Tô Hà.

Các bị can trực tiếp quản lý sòng bạc xóc đĩa và tài xỉu đã đưa hối lộ tổng cộng 811.000.000 đồng (gồm: Cô Đệ và Nguyễn Văn Thọ đưa hối lộ 310 triệu đồng của sòng bạc tài xỉu; Nguyễn Văn Nhã và Tô văn Tốt dùng để đi hối lộ là 351.000.000 đồng của sòng bạc xóc đĩa quận 8 từ năm 1999 đến 2000; Nguyễn Khánh Quốc và Nguyễn Văn Nhã giao cho Cô Đệ và Nguyễn Văn Thọ đi hối lộ là 36.000.000 đồng của sòng bạc xóc đĩa quận 8 tháng 10/2001; Nguyễn Khánh Quốc và Nguyễn Văn Nhã đã giao cho Nguyễn Văn Nghĩa 57.500.000 đồng để đi hối lộ cho sòng bạc xóc đĩa ở Tân Bình tháng 09/2001); 13.500.000 đồng Nhã giao cho Nguyễn Văn Dương lo hối lộ tại sòng quận 9; 43.000.000 đồng Nhã và Lung giao cho Triệu Tô Hà lo hối lộ, bảo vệ cho sòng bạc ở đường Văn Thân, quận 6, TP HCM.

Như vậy theo chỉ đạo của Trương Văn Cam, tổng số tiền đã lấy từ tiền xâu của sòng bạc xóc đĩa để đi đưa hối lộ là 899.000.000 đồng, Nguyễn Văn Nhã đồng phạm đưa hối lộ là 899.000.000 đồng, Nguyễn Thành Thảo đồng phạm đưa hối lộ là 134.000.000 đồng, Nguyễn Khánh Quốc đồng phạm đưa hối lộ là 145.500.000 đồng (gồm các khoản nộp 2.000.000 đồng/ngày cho Trương Văn Cam: 46 triệu đồng sòng bạc Tân Bình, 8 triệu đồng sòng bạc quận 8 tháng 10/2001, 57.500.000 đồng cùng Nhã giao cho Nghĩa, 36.000.000 đồng cùng Nhã giao cho Cô Đệ), Tạ Đắc Lung đồng phạm đưa hối lộ 63.000.000 đồng. Triệu Tô Hà đồng phạm đưa hối lộ 20 triệu đồng.

Nguyễn Văn Thọ và Cô Đệ đưa hối lộ 310.000.000 đồng của sòng bạc tài sửu.

Dựa vào mối quan hệ sẵn có với một số cán bộ công an phường 13 quận 8 và đội Cảnh sát hình sự, Công an quận 8 khi cha vợ (Tô Văn Tốt) còn sống, Nguyễn Xuân Liệu đã liên hệ và được những người có trách nhiệm trong công tác phòng chống tội phạm tại địa bàn sòng bạc hoạt động đồng ý thỏa thuận bao che cho sòng bạc tài sửu hoạt động gồm:

Ở đội Cảnh sát hình sự Công an quận 8: Lê Minh Hùng (Đội trưởng), Trần Văn Chính (Phó đội trưởng), Vũ Quốc Đạt (Phó đội trưởng), Huỳnh Công Thành (trinh sát địa bàn) và Nguyễn Văn Phương (trinh sát địa bàn).

Ở Công an phường 13 quận 8: Đặng Văn Hoãn (Phó công an phường), Huỳnh Văn Long (Phó công an phường), Nguyễn Bá Thanh (cảnh sát khu vực, nơi có sòng bạc tài xỉu hoạt động).

Ngoài những lần Nguyễn Xuân Liệu trực tiếp đưa tiền hối lộ, Nguyễn Xuân Liệu còn sử dụng Lý Minh Tòng và Nguyễn Văn Việt đi đưa hối lộ, cụ thể như sau:

- Sử dụng Lý Minh Tòng (tức A Phò, là người thường xuyên chở Tô Văn Tốt đi quan hệ với một số cán bộ công an bao che sòng bạc xóc đĩa khi Tốt còn sống) dẫn Liệu đi đưa hối lộ cho Lê Minh Hùng (đội trưởng Cảnh sát hình sự) 2 lần, mỗi lần 1.000.000 đồng/tuần. Sáu tuần tiếp theo Liệu giao hẳn cho Tòng một mình đến nhà Lê Minh Hùng đưa hối lộ.

- Từ tháng 4 đến ngày 9/10/2001 (trừ 2 tuần sòng nghỉ), Liệu thuê Nguyễn Văn Việt (xe ôm) đi đưa tiền hằng tuần cho Lê Minh Hùng với tiền công mỗi lần từ 60.000 đến 80.000 đồng. Ngoài ra Việt còn được Liệu giao thường xuyên đi đưa tiền cho Đặng Văn Hoãn.

- Nhờ chị Ông Tam Muổi (chủ quán cà phê 85 Trần Nguyên Hãn phường 13, quận 8) chuyển hộ tiền cho Chính, Đạt, Thành (BL: V5 T1: 69-72).

Liệu không cho Nguyễn Văn Việt, Ông Tam Muổi biết rõ việc đưa tiền cho Lê Minh Hùng và một số cán bộ Công an khác là để hối lộ nhằm được bao che sòng bạc (BL: V5 T1: 63, 70; BL: V5 T6: 333F).

Hằng tuần Cô Đệ giao cho Nguyễn Xuân Liệu 10.000.000 đồng để Liệu sử dụng làm chi phí mua chuộc, tạo quan hệ, hối lộ cho một số cán bộ chiến sĩ công an phường 13 và đội Cảnh sát hình sự Công an quận 8 để họ dung túng, bao che cho sòng bạc.

Sau khi được Thọ và Cô Đệ giao tiền hối lộ, Nguyễn Xuân Liệu đã quan hệ móc nối đặt vấn đề, ấn định mức tiền đưa hối lộ cho một số cán bộ chiến sĩ ở đội Cảnh sát hình sự và Công an phường 13 quận 8 nhờ họ bao che sòng bạc.

Từ tháng 2 đến tháng 9/10/2001, Liệu đưa hối lộ hằng tuần: 31 lần mỗi tuần một lần cho một số cán bộ đội Cảnh sát hình sự, 27 lần mỗi tuần một lần cho một số cán bộ Công an phường 13 quận 8, 2 lần mỗi tuần một lần cho một số cán bộ Công an phường 12, quận 8. Liệu nhận tiền của Cô Đệ là 310.000.000 đồng, mang đi hối lộ cho một số Công an phường 13 là 47.300.000 đồng, đội Cảnh sát hình sự 131.300.000 đồng, Công an phường 12 là 6.000.000 đồng; Liệu còn khai đưa cho ông Lê Văn Tiếu, Mai Út Hoàng, Lưu Tấn Đức mỗi người 15.500.000 đồng/3 tuần (ba người này không thừa nhận được Liệu cho tiền), Liệu còn lại: 121.600.000 đồng.

Ngày 29/9/2001, sòng bạc xóc đĩa chuyển về hoạt động tại 74/18 Trần Nguyên Hãn, phường 13, quận 8. Trương Văn Cam phân công Nguyễn Văn Thọ lo phần an ninh cho sòng bạc tại địa bàn quận 8. Thọ đã nhờ Cô Đệ bố trí tay chân canh gác sòng bạc ở đầu hẻm và hàng ngày vào sòng bạc gặp Nguyễn Văn Nhã, Nguyễn Khánh Quốc nhận 3.900.000 đồng để chi phí tiền canh gác là 300.000 đồng và 3.600.000 đồng chi hối lộ cho cán bộ địa phương cấp quận, phường. Sẵn có đường dây đưa hối lộ bao che cho sòng bạc tài sửu, Thọ và Cô Đệ giao cho Liệu lo lót hối lộ công an.

Cô Đệ đã vào sòng bạc 10 ngày lấy số tiền 39.000.000 đồng, đã giao cho Liệu 10.000.000 đồng để Liệu đưa đi hối lộ. Số còn lại Cô Đệ chiếm hưởng và nuôi tay chân canh gác sòng bạc.

Ngày 8/10/2001, Nguyễn Văn Nhã lấy từ sòng bạc 10.000.000 đồng giao cho Nguyễn Hoàng Khương đem cho vợ Tô Văn Tốt. Nguyễn Xuân Liệu nhầm tưởng đây là tiền sòng bạc chi hối lộ nên đã mang đi đưa hối lộ. Sáng hôm sau Cô Đệ giao 20.000.000 đồng (gồm tiền hối lộ tuần đầu của sòng bạc xóc đĩa và tiền hối lộ tuần của sòng bạc tài sửu) thì Nguyễn Xuân Liệu mới phát hiện bị nhầm (BL: V5 T6: 308).

Nguyễn Xuân Liệu đã đưa hối lộ cho một số Công an phường 13, quận 8 số tiền 1.200.000 đồng, đội Cảnh sát hình sự: 1.700.000 đồng, Liệu còn lại: 17.100.000 đồng.

Như vậy vào năm 2001, Cô Đệ đã giao tổng số tiền 320.000.000 đồng cho Nguyễn Xuân Liệu đưa hối lộ để mua chuộc các cán bộ có thẩm quyền nhờ bao che cho 2 sòng bạc (xóc đĩa và tài sửu) hoạt động tại phường 13 quận 8. Nguyễn Xuân Liệu đã dùng số tiền đó đưa hối lộ cho một số cán bộ chiến sĩ đội Cảnh sát hình sự và Công an phường 12, 13 của Công an Quận 8 là 176.200.000 đồng, còn lại Liệu chiếm hưởng riêng số tiền 150.900.000 đồng và Liệu còn chiếm hưởng 10.000.000 đồng của sòng bạc cho mẹ vợ. Cô Đệ làm môi giới hối lộ cho sòng bạc xóc đĩa số tiền 36.000.000 đồng. Lý Minh Tòng đưa hối lộ 9 lần số tiền 8.500.000 đồng.

Ngày 26/1/2002, Nguyễn Xuân Liệu đến Bộ Công an đầu thú, nộp 78.900.000 đồng là số tiền trong phần Liệu chiếm hưởng qua hoạt động đưa hối lộ cho sòng bạc.

b. Hành vi nhận hối lộ

* Hành vi nhận hối lộ của cán bộ đơn vị chức năng thuộc Công an thành phố:

Trương Văn Cam đã có mối quan hệ quen biết với Võ Văn Tâm (Đội trưởng Đội chống tệ nạn xã hội - phòng Cảnh sát hình sự - Công an thành phố) từ năm 1989, lợi dụng mối quan hệ này, khi đi học tập cải tạo về Trương Văn Cam đã tổ chức lại một số sòng bạc và móc nối đưa hối lộ Võ Văn Tâm để bao che cho sòng bạc. Đầu năm 2000, Trương Văn Cam yêu cầu Nguyễn Thành Thảo (tức Thảo "Ma") liên hệ với Võ Văn Tâm nhờ tiếp tục bao che cho sòng bạc. Võ Văn Tâm nhận lời, trong suốt quá trình công tác chưa lần nào Võ Văn Tâm thể hiện có hoạt động trinh sát các sòng bạc của Trương Văn Cam và đồng bọn. Trương Văn Cam đã sử dụng nguồn tiền từ khoản “phí ngoại giao” 2.000.000 đồng/ngày thu từ sòng bạc để đưa hối lộ. Trương Văn Cam khai nhận đã sử dụng khoảng 200 triệu đồng cùng với Nguyễn Thành Thảo đưa hối lộ, ăn nhậu với một số cán bộ các đơn vị chức năng phòng chống tội phạm để họ dung túng cho các hoạt động phạm tội và bao che cho sòng bạc của băng nhóm Trương Văn Cam.

Trương Văn Cam khai hắn và Nguyễn Thành Thảo đã đưa hối lộ cho Võ Văn Tâm tổng cộng khoảng 24.000.000 đồng và Dương Minh Ngọc 10 triệu đồng. Nguyễn Thành Thảo khai đã đưa hối lộ cho Võ Văn Tâm 7 lần tổng cộng 18.000.000 đồng. Võ Văn Tâm khai nhận đã được Nguyễn Thành Thảo trực tiếp hối lộ 7 lần nhưng tổng số tiền chỉ là 9 triệu đồng, và được Trương Văn Cam trực tiếp hối lộ một lần số tiền 1.000.000 đồng.

* Hành vi nhận hối lộ của cán bộ công an phường và đội Cảnh sát hình sự Công an quận 8:

Nhận hối lộ để bao che sòng bạc tài sửu:

Đúng như thỏa thuận, sòng bạc tài sửu hoạt động liên tục từ tháng 2/2001 đến 9/10/2001 có sự bao che của một số cán bộ công an bị Liệu mua chuộc. Trong thời gian trên, vào hai tuần cuối tháng 8/2001 Lê Minh Hùng, Huỳnh Văn Long và Nguyễn Ái Vĩnh thông báo sòng bạc bị quần chúng tố cáo, phải tạm nghỉ để công an phường kiểm tra chiếu lệ nhằm đối phó với tố cáo của quần chúng. Như vậy thời gian hoạt động của sòng bạc là 31 tuần gồm 27 tuần tại phường 13 quận 8, 2 tuần tại phường 12 quận 8 và 2 tuần nghỉ.

Từ tháng 2 đến tháng 9/10/2001, Liệu đưa hối lộ hàng tuần: 31 lần mỗi tuần một lần cho một số cán bộ đội Cảnh sát hình sự, 27 lần mỗi tuần một lần cho một số cán bộ Công an phường 13, quận 8, 2 lần mỗi tuần một lần cho một số cán bộ Công an phường 12, quận 8. Cụ thể:

+ Ở đội Cảnh sát hình sự: Nguyễn Xuân Liệu đã đưa hối lộ 31 tuần cho Lê Minh Hùng: 31.000.000 đồng, Trần Văn Chính: 15.500.000 đồng, Vũ Quốc Đạt: 15.500.000 đồng, Huỳnh Công Thành: 9.300.000 đồng và một số người khác.

+ Ở Công an phường 13, quận 8: Nguyễn Xuân Liệu đã đưa hối lộ cho Đặng Văn Hoãn 13.500.000 đồng (27 lần, mỗi tuần một lần 500.000 đồng); Huỳnh Văn Long 8.100.000 đồng (27 lần, mỗi tuần một lần 300.000 đồng); Nguyễn Bá Thanh 7.300.000 đồng (8 lần, mỗi tuần một lần 200.000 đồng và 19 lần, mỗi tuần một lần 300.000 đồng), một điện thoại di động trị giá 1.000.000 đồng và một tờ ngân phiếu 1.000.000 đồng.

Ngoài ra, Nguyễn Xuân Liệu khai còn thông qua chỉ huy các đơn vị để quan hệ cho tiền gây ảnh hưởng, mua chuộc một số người khác như sau:

- 5 cán bộ chiến sĩ Công an phường 12 quận 8: 6.000.000 đồng.

- Nguyễn Văn Phương, Lê Kỳ Nam và 14 cán bộ chiến sĩ đội Cảnh sát hình sự Công an Quận 8: 56.400.000 đồng.

- 7 cán bộ chiến sĩ Công an phường 13 quận 8: 16.400.000 đồng.

Nhận hối lộ để bao che sòng bạc xóc đĩa:

Vào tuần đầu của tháng 10/2001 tại đường Trần Nguyên Hãn phường 13, quận 8 có 2 sòng bạc xóc đĩa và tài xỉu cùng hoạt động. Nguyễn Xuân Liệu đã đưa hối lộ cho sòng bạc xóc đĩa như sau: Lê Minh Hùng 1.000.000 đồng, Trần Văn Chính 300.000 đồng, Vũ Quốc Đạt 300.000 đồng, Đặng văn Hoãn 500.000 đồng, Huỳnh văn Long 300.000 đồng và một số người khác (Hãn, Nam, Vĩnh) số tiền là 500.000 đồng.

Tổng số tiền các bị can đã nhận hối lộ là 116.800.000 đồng (tính theo lời khai nhận của các bị can nhận hối lộ). Ngoài số bị can đã nhận hối lộ, còn 10 trường hợp (nguyên là cán bộ chiến sĩ công an phường 12, phường 13 và đội Cảnh sát hình sự Công an quận 8) đã tự giác khai nhận có nhận tiền của sòng bạc và giao nộp lại tổng số tiền 26.900.000 đồng.

Ngoài ra, Nguyễn Xuân Liệu còn thông qua chỉ huy các đơn vị để quan hệ cho tiền gây ảnh hưởng, mua chuộc một số người khác như sau:

- 5 cán bộ chiến sĩ Công an phường 12 quận 8: 6.000.000 đồng.

- Nguyễn Văn Phương, Lê Kỳ Nam, 14 cán bộ chiến sĩ và Nguyễn Thị Ửng (làm cấp dưỡng) đội Cảnh sát hình sự Công an quận 8: 56.400.000 đồng.

- 7 cán bộ chiến sĩ Công an phường 13 quận 8: 16.800.000 đồng.

Như vậy, Trương Văn Cam, Nguyễn Thành Thảo, Nguyễn Văn Nhã, Nguyễn Khánh Quốc, Tạ Đắc Lung, Triệu Tô Hà, Nguyễn Xuân Liệu, Lý Minh Tòng đã phạm tội đưa hối lộ được quy định tại điều 289 Bộ Luật hình sự; Lê Minh Hùng, Võ Văn Tâm, Trần Văn Chính, Vũ Quốc Đạt, Đặng Văn Hoãn, Huỳnh Văn Long, Nguyễn Bá Thanh, Huỳnh Công Thành đã phạm tội nhận hối lộ được quy định tại điều 279 Bộ luật hình sự; Lương Trung đã phạm tội gá bạc được quy định tại điều 249 Bộ luật hình sự.

Vì Tô Văn Tốt đã chết nên cơ quan điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với bị can Cô Đệ và Nguyễn Văn Thọ đã có hành vi tổ chức đánh bạc và đưa hối lộ cho sòng tài xỉu tại hẻm 62 Trần Nguyên Hãn với vai trò chủ sòng. Thông qua việc thuê nhà của Lương Trung, Cô Đệ đã tổ chức được sòng bạc trong thời gian dài và Cô Đệ đã dùng 10.000.000 đồng trích ra hằng tuần từ tiền xâu của sòng bạc để đưa hối lộ với tổng số tiền giá trị rất lớn (310.000.000 đồng) mua chuộc lôi kéo làm sa ngã hư hỏng nhiều cán bộ công an. Đồng thời, Nguyễn Văn Thọ đồng phạm tội đưa hối lộ, Cô Đệ đồng phạm tội làm môi giới hối lộ cho sòng xóc đĩa tại 74/18 Trần Nguyễn Hãn, phường 13, quận 8. Hành vi của Cô Đệ đã phạm vào các điều 249, 289, 290 của BLHS, hành vi của Nguyễn Văn Thọ đã phạm vào các điều 249, 289 của BLHS. Cô Đệ và Nguyễn Văn Thọ đã bỏ trốn, Cơ quan Điều tra đã truy nã, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Đối với trường hợp Nguyễn Ái Vĩnh (nguyên là cán bộ trực ban hình sự Công an phường 13, quận 8) tuy có hành vi nhận hối lộ nhưng sớm nhận ra sai phạm, tự thú khai báo thành khẩn hành vi phạm tội của mình và đồng bọn, giúp Cơ quan điều tra nhanh chóng làm rõ sự thật vụ án; tự giác nộp lại số tiền 8.200.000 đồng đã nhận của sòng bạc, xé thấy xử lý hành chính là thỏa đáng nên không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với các trường hợp Nguyễn Văn Phương, Lê Kỳ Nam tuy có hành vi nhận hối lộ nhưng đã thành khẩn khai báo, giúp cơ quan điều tra nhanh chóng làm rõ sự thật vụ án, đã nộp lại đủ tiền thu lợi bất chính, đã bị xử lý hành chính tước danh hiệu Công an nhân dân, xét thấy không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với các trường hợp Lý Chí Thanh, Nguyễn Liêm Thảo, Phạm Văn Thắng tuy có nhận tiền hối lộ, nhưng đã tự giác khai báo và nộp lại số tiền thu lợi bất chính. Công an TP HCM đã đề nghị Bộ Công an tước danh hiệu Công an nhân dân, xét thấy xử lý hành chính là thỏa đáng, không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với các trường hợp Nguyễn Văn Móng, Phạm Hùng Tuấn, Lê Thanh Hùng, Nguyễn Văn Đua tuy có nhận tiền, nhưng không biết là tiền hối lộ của sòng bạc, đã nộp lại số tiền thu lợi bất chính, nên cơ quan điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nguyễn Xuân Liệu và Nguyễn Ái Vĩnh đều khai có chi tiền tuần cho Lê Ngọc Thanh và Huỳnh Chí Công nhưng số tiền không lớn, đã bị xử lý hành chính, tước danh hiệu Công an nhân dân, xét thấy không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Riêng các trường hợp Nguyễn Văn Hường, Mai Út Hoàng, Lê văn Tiếu và Lưu Tấn Đức do chỉ có một lời khai về việc nhận tiền nên không có đủ cơ sở kết luận.

Các trường hợp Nguyễn Văn Móng, Nguyễn Văn Hường là chỉ huy Công an phường nơi sòng bạc hoạt động, Công an TP HCM đã xử lý kỷ luật tước danh hiệu Công an nhân dân về hành vi thiếu trách nhiệm.

Đối với Ông Tam Muổi và Nguyễn Văn Việt có hành vi làm trung gian chuyển tiền hối lộ, nhưng Nguyễn Xuân Liệu không cho biết rõ việc đưa tiền cho một số cán bộ là đưa hối lộ nên không phạm tội.

Đối với 14 chiến sĩ đội Cảnh sát hình sự và Nguyễn Thị Ửng không biết tiền được chia có nguồn gốc là tiền hối lộ nên không phạm tội.
 
Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 7): Cá độ, đánh bạc do đệ tử tổ chức

Năm Cam còn chỉ đạo đệ tử thuê đất ở khắp TP HCM để tổ chức đá gà ăn tiền; cá độ các trận bóng đá trong nước và thế giới tại nhiều quán cà phê. Nhờ có "ông trùm", ngoài việc "sân chơi" được đảm bảo an toàn, thì các fan không có mặt tại tụ điểm chỉ cần gọi điện thoại để đặt tỷ số, mức cá cược. Hàng tháng Năm Cam chỉ việc thu tiền nộp "xâu".

A. Các vụ án do Trương Năm Cam và đồng bọn thực hiện

IV. Vụ tổ chức đánh bạc

2. Các vụ tổ chức đánh bạc và đánh bạc do các đối tượng khác thực hiện

2.1. Đoàn Minh Chánh (Tư Chánh), Nguyễn Anh Minh (Cu "Nhứt") Nguyễn Văn Sy (Bảy Sy) tổ chức sòng bài và tổ chức đá gà

a. Hành vi tổ chức trường đá gà ăn tiền, thu tiền xâu của Đoàn Minh Chánh và Nguyễn Anh Minh

Tháng 3/1999, Đoàn Minh Chánh chủ động rủ Nguyễn Anh Minh là con bạc chuyên nghiệp tại 204/45 Đoàn Văn Bơ, phường 9 quận 4, TP HCM cùng tổ chức mở trường gà, mục đích thu tiền xâu chia nhau (BL: V6 T1: 68). Chúng phân công Chánh thuê địa điểm để tổ chức, Minh lo tìm mua gà nòi (loại gà chuyên đá chọi), số lượng 3-5 con (BL: V6 T1 từ 63-64, từ 124-125). Từ tháng 3/1999 đến khoảng tháng 3/2001 (thời gian không liên tục), do đặc điểm của trường gà có nhiều người tham gia, phải chơi đá gà vào ban ngày, dễ bị cơ quan công an phát hiện nên Chánh và Minh đã thuê các điểm đất trống của nhiều gia đình ở địa điểm nằm sâu trong hẻm, trên cánh đồng với giá 100.000-150.000 đồng/ngày để tổ chức trường gà. Chơi khoảng nửa tháng thì chúng thay đổi địa điểm khác nhằm tránh sự phát hiện bắt giữ của cơ quan công an (BL: V6 T1 từ 124-125). Các điểm thuê cụ thể là:

- Thuê đất của gia đình Dương Văn Tư (Tư Đình) ở khu vực Đồng Diều, gần hồ bơi Hoà Bình thuộc phường 4 quận 8 giáp ranh xã Bình Hưng, Bình Chánh. Tại địa điểm này Chánh và Minh tổ chức được khoảng 1 tháng. Đã trả tiền thuê đất 1,2 triệu đồng (BL: V6 T1: 73).

- Thuê đất của Nguyễn Văn Quang, sinh 1962 ngụ tại 769/1 Phạm Thế Hiển, phường 4 quận 8, ngụ tại ấp 4 xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Tại địa điểm này, Chánh và Minh chuyển di chuyển đến 4 lần, thời gian chơi các lần tổ chức khoảng 2 tháng rưỡi. Đã trả tiền thuê đất 1,2 triệu đồng (BL: V6 T1: 182).

- Thuê đất của Nguyễn Trung Trước (sinh 1948) tại nhà không số ở tổ 45, khu phố 5, phường 7 quận 8, thời gian thuê khoảng 2 tuần. Đã trả tiền thuê đất 400.000 đồng (BL: V6 T1: 73).

- Thuê đất của bà Nguyễn Thị Thương, sinh 1939 ở 769/4A tổ 123, phường 4 quận 8 khoảng 2 tuần, sau đó chuyển đi rồi quay lại khoảng 2-3 lần. Đã trả tiền thuê đất 1,2 triệu đồng (BL: V6 T1: 73).

- Ngoài ra Chánh và Minh còn thuê đất của một số gia đình trong cánh đồng thuộc huyện Bình Chánh, Nhà Bè, quận 7. Đã trả tiền thuê đất tổng cộng 1,4 triệu đồng (BL: V6 T1: 65, 73).

Khi thuê được địa điểm, Chánh và Minh dựng lều tạm để mở trường đá gà ăn tiền. Thông thường chúng tổ chức đá gà từ 13h đến 18h các ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. Thường có khoảng 25-30 con bạc từ khắp các quận đến chơi. Có lúc đông đến 50 người. Mỗi ngày chúng thường tổ chức đá khoảng 5-7 trận, tiền cá độ mỗi trận 2-10 triệu đồng (tuỳ theo mức độ tham gia cá độ của các con bạc). Trước khi đá gà, Chánh và Minh là người trực tiếp thu tiền xâu. Có nhiều lúc, Minh nhờ anh Nam "Cao", anh Long, không biết địa chỉ, thu tiền xâu. Cách thức thu: Các con bạc cá độ với nhau 1-2 triệu đồng/trận thì mỗi bên phải nộp 100.000 đồng tiền xâu; 3-5 triệu đồng/trận thì mỗi bên phải nộp 200.000 đồng tiền xâu; 5-7 triệu đồng/trận thì mỗi bên phải nộp 300.000 đồng tiền xâu; 7-10 triệu đồng/trận thì mỗi bên phải nộp 400.000 đồng hoặc 50.000 đồng tiền xâu (tuỳ theo khách). Các con bạc khác không có gà đá (đá ngoài với nhau), Chánh và Minh thu tiền xâu mỗi người 50.000-70.000 đồng/trận. Bằng cách thu tiền xâu như trên, Chánh và Minh thu được ít nhất 2 triệu đồng, nhiều nhất là 7 triệu đồng tiền xâu/ngày (BL: V6 T1: 63-64, 67-68). Trong suốt thời gian mở trường gà, Chánh và Minh thu được 600 triệu đồng tiền xâu, đã trả tiền thuê đất, trả cho nhiều người giúp việc hết 100 triệu, Chánh chia cho Minh 200 triệu đồng (BL: V6 T1: 118). Còn lại 300 triệu, Chánh sử dụng cá nhân.

Về các con bạc đến trường gà của Chánh và Minh để đá gà ăn tiền, Chánh khai: Trước khi mở trường gà, Chánh và Minh đều là các con bạc đá gà chuyên nghiệp nên biết nhiều các con bạc. Khi Chánh và Minh mở trường gà, các con bạc đá gà ở nhiều quận trong thành phố đến rất đông. Chánh chỉ nhớ tên, địa chỉ của một số con bạc có đến trường gà của Chánh và Minh đá gà ăn tiền gồm:

- Phạm Thái Hoà (Bò "Lục"), sinh 1964, trú tại 189Q/9 Tôn Thất Thuyết, phường 3 quận 4 TP HCM (BL: V6 T1: 54). Hoà đã bỏ trốn khỏi địa phương, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can và ra quyết định truy nã về tội tổ chức đánh bạc.

- Nguyễn Văn Lắn (Lũng "Đầu bò"), sinh 1962 trú tại 109D/1/9 Bến Vân Đồn, phường 8 quận 4 TP HCM (BL: V6 T1: 53-54, 61). Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt giam ngày 21/1/2002 về tội tổ chức đánh bạc. Qua đấu tranh xét hỏi, Lắn đã thừa nhận có tham gia đá gà ăn tiền ở trường gà của Chánh và Minh 3 lần (BL: V6 T1: 155).

- Nguyễn Minh Đức (Đức "Què"), sinh 1958, trú tại 53/1 Nguyễn Khắc Nhu, phường Cô Giang quận 1 TP HCM. Tiến hành ghi lời khai, Đức khai nhận có tham gia đá gà ăn tiền ở trường gà của Chánh và Minh 3 lần (BL: V6 T1: 174, 177).

- Nguyễn Văn Định (Út Định), sinh 1963, trú tại C13/35 Bis Tôn Đản phường 13 quận 4 TP HCM (BL: V6 T1: 120-121). Tiến hành ghi lời khai, Định khai nhận có đến đá gà ăn tiền ở trường gà của Chánh và Minh khoảng 3-4 tháng (không liên tục) (BL: V6 T1: 187-188).

- Hứa Văn Em (Hai Bé Em) sinh 1951 trú tại 105 Ký Con, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 TP HCM. Tiến hành xét hỏi, Hứa Văn Em khai nhận tham gia đá gà ăn tiền ở trường gà của Chánh và Minh 3-4 lần (BL: V6 T1: 184).

- Châu Phát Lai (Lai Anh) sinh 1957, trú tại 18 đường 17 phường 4 quận 4, TP HCM (BL: V6 T1: 49). Tiến hành xét hỏi, Châu Phát Lai khai nhận tham gia đá gà ăn tiền ở trường gà của Chánh và Minh một vài lần.

- Châu Phát Lai Em, sinh 1959, trú tại 88X Bến Chương Dương, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1 (BL: V6 T1: 49). Tiến hành xét hỏi, Châu Phát Lai Em khai nhận tham gia đá gà ăn tiền ở trường gà của Chánh và Minh một vài lần cùng với anh Công, bốc xếp ở chợ cá Cầu Ông Lãnh.

- Ngoài các tên nêu trên, Chánh còn khai nhận biết các con bạc Thoàn, Bánh "Bao", Sơn, Vũ, Dũng "Chùa", Phong, Cu "Đen" nhiều lần đến trường gà của mình để đá gà ăn tiền nhưng không biết địa chỉ ở đâu (BL: V6 T1: 48, 113).

Như vậy từ tháng 3/1999 đến 3/2001, Đoàn Minh Chánh cùng với Nguyễn Anh Minh đã thuê đất trống của nhiều gia đình ở các quận 7, quận 8, huyện Nhà Bè, Bình Chánh (đã xác định được 4 địa điểm cụ thể như đã nêu ở phần a) để tổ chức trường đá gà ăn tiền thu tiền xâu. Chúng thường tổ chức đá gà 13-18h của các ngày lễ, tết, thứ bảy, chủ nhật; có 20-50 con bạc tham gia.

Cách thức thu: Các con bạc cá độ với nhau 1-2 triệu đồng/trận thì mỗi bên phải nộp 100.000 đồng tiền xâu; 3-5 triệu đồng/trận thì mỗi bên phải nộp 200.000 đồng tiền xâu; 5-7 triệu đồng/trận thì mỗi bên phải nộp 300.000 đồng tiền xâu; 7-10 triệu đồng/trận thì mỗi bên phải nộp 400.000 đồng hoặc 50.000 đồng tiền xâu (tuỳ theo khách). Các con bạc khác không có gà đá (đá ngoài với nhau), Chánh và Minh thu tiền xâu mỗi người 50.000-70.000 đồng/trận. Bằng cách thu tiền xâu như trên, Chánh và Minh thu được ít nhất 2 triệu đồng, nhiều nhất là 7 triệu đồng tiền xâu/ngày. Chánh và Minh thu được 600 triệu đồng tiền xâu, đã trả tiền thuê đất, trả cho nhiều người giúp việc hết 100 triệu đồng, Chánh chia cho Minh 200 triệu đồng. Còn lại 300 triệu, Chánh sử dụng cá nhân.

b. Hành vi tổ chức sòng bài (đánh bạc ăn tiền để thu tiền xâu) của Đoàn Minh Chánh và Nguyễn Văn Sy

Đầu tháng 9/2001, Nguyễn Văn Sy (Bảy Sy) chủ động rủ Đoàn Minh Chánh mở sòng bài thu tiền xâu, được Chánh đồng ý (BL: V6 T1: 57). Chúng phân công Chánh có trách nhiệm lo thuê địa điểm, Bảy Sy lo rủ các con bạc quen biết từ trước về để tổ chức sòng bạc (BL: V6 T3: 273). Chánh trực tiếp điện cho Võ Tấn Phước (Lành) sinh 1972, hộ khẩu 65/2 Đoàn Như Hài, phường 12 quận 4, chỗ ở C200/12 Vòm Chiếu, phường 14 quận 4 để thuê căn nhà không số bỏ không của Phước tại hẻm bên cạnh hồ bơi Hoà Bình thuộc phường 4 quận 8 TP HCM, được Phước đồng ý. Hai bên thoả thuận Chánh sẽ trả cho Phước 80.000 đồng/ngày (BL: V6 T1: 64). Chánh và Sy đã hùn vốn mỗi người 5 triệu đồng để làm vốn mở sòng bài (BL: V6 T1: 69).

Sòng bài này chính thức chơi từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 12/2001 thì nghỉ. Lúc đầu Bảy Sy đưa đến một số con bạc như bà Bảy, bà Năm, bà Mười, bà Bầu, cô Hoa, bà Phượng… Sau đó các con bạc này rủ thêm một số con bạc khác (BL: V6 T1: 69). Chánh, Sy tổ chức từ 12h đến 19h, có hôm đến 21h cùng ngày. Thường có khoảng 12-16 con bạc tham gia, hình thức chơi binh xập xám hoặc xí ngầu. Ngoài việc tổ chức sòng bài, Chánh và Sy cũng tham gia chơi cùng với các con bạc (BL: V6 T1: 69).

Cách thức tổ chức đánh bài xập xám và thu tiền xâu: Dùng bộ bài 52 lá chia đều cho 4 người chơi, mỗi người 13 lá. 13 lá chia thành 3 chi: Chi dưới 5 lá, chi giữa 5 lá, chi đầu 3 lá, ăn thua theo từng chi. Mỗi người đứng cái 1 cặp (2 ván bài), mỗi chi tuỳ theo con bạc chơi mà đặt từ 200.000-1 triệu đồng/chi. Nếu con bạc nào đó làm cái 2 ván bài, 3 người đặt 500.000 đồng/chi, nếu cái thắng hết 3 chi của 3 con bạc thì số tiền thắng là 4,5 triệu đồng, nếu thắng 2 bàn liên tục thì thắng 9 triệu đồng, nếu thua thì ngược lại. Sau mỗi ván, Chánh trực tiếp thu tiền xâu, ai thắng 1 triệu thì thu 30.000 đồng, thắng 10 triệu thì thu 300.000 đồng (BL: V6 T1: 71).

Cách thức tổ chức đánh bài xí ngầu và thu tiền xâu: Dùng 4 hột xí ngầu (do khách mua), mỗi hột xí ngầu có 6 mặt có từ 1 nút đến 6 nút. 4 hột xí ngầu được để trên cái đĩa, phía trên đĩa úp 1 cái chén (bát ăn cơm). Mỗi lần lắc 3 cái gọi là chơi 1 chén, bên ngoài có tấm vẽ ngang dọc theo số chẵn, lẻ 1, 2, 3, 4. Trên mỗi chén, tuỳ theo các con bạc đặt nhiều hay ít (150.000-1 triệu đồng/chén) chọn đặt số tiền chẵn hoặc lẻ theo 4 cửa 1, 2, 3, 4. nếu con bạc nào đặt cửa 4, khi lắc xong, cộng tất cả các nút trên mặt con xí ngầu rồi tính đến 10 hoặc 20 còn thừa ra 4 nút thì người đó thắng (thắng cả cái và các con bạc), hai nút thì thua (thua cả cái và các con bạc khác); 1 hoặc 3 nút thì sề (huề). Chánh hoặc Sy, hoặc con bạc nào đó làm cái, sau mỗi chén, con bạc nào thắng phải nộp cho Chánh, cứ 1 triệu đồng thì nộp 40.000 đồng tiền xâu (BL: V6 T1: 71, 170).

Với các hình thức chơi, các con bạc tham gia đánh xập xám, xí ngầu, cách thu tiền xâu như nêu trên. Mỗi ngày Chánh và Sy thu ít nhất là 1,5 triệu đồng, nhiều là 3 triêụ đồng tiền xâu. Cả quá trình thu được khoảng 56 triệu đồng, trả tiền nhà cho Phước (Lành) 6 triệu, trừ các khoản ăn uống, thuốc nước thì Chánh và Sy mỗi người được chia 25 triệu đồng. Số tiền trên, Chánh và Sy dùng để trả lãi suất vay vốn và tiêu sài hết (BL: V6 T1: 73, 74).

Hành vi trên (phần a và b) của Đoàn Minh Chánh, Nguyễn Anh Minh và Nguyễn Văn Sy đã phạm vào tội tổ chức đánh bạc, tội danh được quy định tại điều 249 BLHS.

Đoàn Minh Chánh đã khai nhận toàn bộ hành vi cùng Nguyễn Anh Minh mở trường đá gà ăn tiền và cùng với Nguyễn Văn Sy mở sòng bài tổ chức đánh bạc ăn tiền để thu tiền xâu chia nhau phù hợp với tài liệu chứng cứ mà Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thu thập được. Để được chia phần tiền nhiều hơn Nguyễn Anh Minh 100 triệu đồng, Chánh nói với Minh là dùng 100 triệu để “chi phí ngoại giao” nhưng thực chất Chánh đã dùng để trả nợ và sử dụng cá nhân. Đoàn Minh Chánh là con bạc chuyên nghiệp, đã bị cơ quan chức năng xử lý nhiều lần, được chính quyền địa phương nhắc nhở, giáo dục, răn đe, bắt viết cam kết nhiều lần nhưng không chịu hối cải, không chịu làm ăn lương thiện, tiếp tục lao vào con đường cờ bạc, tổ chức đánh bạc bằng các hình thức đá gà, sòng bài để thu tiền xâu với mục đích trục lợi cá nhân. Hành vi trên của Đoàn Minh Chánh phải được xử lý nghiêm minh trước pháp luật nhằm lập lại trật tự trị an, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân.

Nguyễn Văn Sy cũng khai nhận toàn bộ hành vi cùng Đoàn Minh Chánh mở sòng đánh bạc ăn tiền thu tiền xâu chia nhau phù hợp với tài liệu chứng cứ mà Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thu thập được (BL: V6 T3: 277-280). Nguyễn Văn Sy cũng là con bạc chuyên nghiệp, đã bị bắt, xử lý nhiều lần. Sau khi ra tù tìm đến đồng bọn để tổ chức đánh bạc thu tiền xâu. Hành vi của Sy thể hiện sự coi thường pháp luật và tái phạm nhiều lần cần xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Đối với Nguyễn Anh Minh: Sau khi đồng bọn bị bắt giữ, Minh đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Do bị truy lùng ráo riết, ngày 21/8/2002 Minh đã ra tự thú tại Công an tỉnh Đồng Nai và khai nhận toàn bộ hành vi tổ chức đá gà cùng Đoàn Minh Chánh như đã nêu trên và thừa nhận được chia 200 triệu đồng từ nguồn thu nhập bất chính. Trong quá trình tổ chức đá gà, Chánh có nói với Minh đã dùng số tiền 100 triệu đồng để lo chi phí cho việc bảo kê trường gà, còn việc chi phí cụ thể như thế nào thì Minh không được biết. Kết quả điều tra và lời khai nhận của Chánh xác định không có việc Chánh dùng 100 triệu đồng để lo bảo vệ sòng bài, đây chỉ là thủ đoạn để Chánh ăn chặn tiền xâu của Minh.

Tiến hành ghi lời khai các con bạc như Ba Kiệm, Mười Lượng (BL: V6 T1: 168-169), Nguyễn Minh Đức (BL: V6 T1: 174, 177), Nguyễn Văn Định (BL: V6 T1: 120-121), Kim Anh (BL: V6 T1: 281-283) đã thừa nhận có đến sòng bài của Chánh và Sy đánh bạc nhiều lần, Võ Tấn Phước cũng thừa nhận cho Chánh và Sy thuê địa điểm tổ chức đánh bạc, được trả mỗi ngày 80.000 đồng. Tổng cộng khoảng 7 triệu đồng.

Đối với các chủ cho thuê đất làm địa điểm mở sòng bài, do nhận thức pháp luật còn hạn chế, phạm tội nhất thời chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự mà xem xét xử lý hành chính, thu lại tiền thu lợi bất chính.

Đối với các con bạc tham gia chơi bạc tại sòng bài của Nguyễn Văn Sy và Đoàn Minh Chánh đều đã được khởi tố điều tra và đề nghị xử lý. Riêng Nguyễn Minh Đức, Nguyễn Văn Định, Nguyễn Thị Kim Anh không phải là con bạc chuyên nghiệp, phạm tội nhất thời chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự mà xem xét xử lý hành chính.

c. Hành vi tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng của Nguyễn Anh Minh (Cu "Nhứt")

Quá trình khai thác, bị can Nguyễn Anh Minh (Cu "Nhứt") khai nhận: Ngoài hành vi cùng Đoàn Minh Chánh tổ chức trường đá gà ăn tiền để thu tiền xâu chia nhau, do mâu thuẫn với Nguyễn Văn Dũng (Dũng Quốc Thanh) là nhân viên bảo vệ vũ trường Viễn Đông, ngày 19/2/2001, Anh Minh đã đến vũ trường Viễn Đông trên đường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM chém Nguyễn Văn Dũng gây thương tích. Vì biết Dũng là đệ tử thân thiết của Bình "Kiểm", sợ băng nhóm của Bình kiểm trả thù nên tháng 3/2001, Minh đã mua một khẩu súng ngắn có 6 viên đạn của tên Bòn chạy xe ôm (không rõ địa chỉ) ở địa phận núi Sam, Tịnh Biên, An Giang với giá 3 triệu đồng. Minh đã chôn cất khẩu súng tại vườn nhà ông Huỳnh Văn Muôi, sinh 1936, ngụ tại 55/2 Lâm Văn Bền, phường Tân Kiểng, quận 7, TP HCM. Cơ quan điều tra đã thu được khẩu súng trên và 6 viên đạn. Qua giám định, xác định đó là khẩu súng quân dụng còn sử dụng được, loại súng ngắn, cỡ nòng 6,35 mm, số Z519750 do Cộng hoà Czech - Slovakia sản xuất (bắn thực nghiệm: 4 viên nổ, 2 viên không nổ).

Hành vi trên của Nguyễn Anh Minh đã phạm tội tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng, tội danh được quy định tại điều 230 BLHS.

2.2. Hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá, đánh bài ăn tiền của các tên Trương Hiền Bảo, Lê Văn Đại, Lưu Hồng Lâm, Huỳnh Chí Đức, Nguyễn Văn Thành, Hứa Tấn Bửu, Tiêu Quân, Nguyễn Chí Dũng, Ngô Quang Vinh, Lương Cẩm Huy

Tháng 12/2000, thấy có nhiều con bạc tụ tập tại các quán cà phê để chơi cá độ bóng đá, Trương Hiền Bảo nghĩ cách dựa vào thế lực và uy tín của mình (là con Trương Văn Cam) tìm địa điểm để thu hút các con bạc tập trung lại thành điểm tổ chức cá độ bóng đá nhằm bán hàng (cơm, nước giải khát) giá cao cho các con bạc để thu lợi nhuận bất chính và tổ chức đánh bài ăn tiền để thu tiền xâu. Để dễ di chuyển thay đổi địa điểm khi cần, tránh sự phát hiện của cơ quan pháp luật, Bảo tính toán rất kỹ là dựa vào các quán cà phê đang hoạt động để thuê lại một phần thời gian từ 10h đến 17h hằng ngày, như vậy Bảo không phải đứng tên đăng ký kinh doanh, không phải đầu tư tài sản, đồng thời Bảo cho chế biến đồ ăn từ nhà hàng Ra Khơi (nhà hàng của gia đình Bảo) rồi cử nhân viên mang đến quán bán. Phần nước uống, Bảo cho lấy ngay tại quán để vừa đỡ phải đầu tư, quán cũng có phần lợi ích, dễ thoả thuận cho thuê. Bảo không nói rõ mục đích tổ chức cá độ bóng đá mà Bảo chỉ đặt vấn đề với chủ quán là xin hợp tác làm ăn bằng cách thuê lại quán để kéo khách về bán cơm, còn quán được bán nước cho cả khách của Bảo để các chủ quán yên tâm đồng ý cho Bảo thuê quán. Để chiêu mộ được nhiều con bạc đến cá độ bóng đá và đánh bài ăn tiền, Bảo dùng cách chỉ tổ chức các con bạc 10-17h hằng ngày. Trong thời gian này không có truyền hình bóng đá nhưng các con bạc đến đây để thanh toán tiền cá độ của hôm trước, trao đổi, bình luận, nắm bắt thông tin về bóng đá… và bắt độ với nhau các trận tiếp theo. Sau khi bắt độ với nhau, buổi tối chúng đến các quán cà phê có truyền hình trực tiếp bóng đá khác để theo dõi kết quả. Từ đó chúng tuyên thuyền thông tin cho nhau biết điểm tổ chức cá độ bóng đá của Bảo và ngày càng nhiều con bạc đến cá độ tại các địa điểm này.

Kết quả Trương Hiền Bảo đã tổ chức các điểm cá độ bóng đá tại các quán cà phê ở số nhà 11D Thi Sách, quận 1 và 196 Trần Bình trọng quận 5, như sau:

a. Điểm tổ chức cá độ bóng đá tại 11D Thi Sách, quận 1, TP HCM

Tháng 11/2000, Trần Anh Tuấn, sinh năm 1967, ngụ tại 1166 đường 3/2, phường 12, quận 11, TP HCM thuê lại mặt bằng diện tích 950 m2 tại 11D Thi Sách, quận 1, TP HCM của anh Đặng Đình Thanh ở 68 Nguyễn Huệ, quận 1 để làm quán cà phê. Hàng ngày Tuấn giao cho Nguyễn Thị Hồng Sâm và Trần Thanh Quý (là người yêu và em của Tuấn) quản lý, bán hàng. Tuấn xây một nhà cấp 4 rộng 100 m2 làm phòng lạnh bán hàng, phần còn lại Tuấn bán hàng ngoài trời. Thấy địa điểm trên rộng, ở khu vực yên tĩnh thuận lợi cho việc mở điểm tổ chức cá độ bóng đá, tháng 12/2000 Trương Hiền Bảo, sinh năm 1974, ngụ tại: 107/38 Trương Định, phường 6, quận 3, TP HCM đã chủ động đến gặp Tuấn (trước đó Bảo và Tuấn chưa quen biết nhau) và đặt vấn đề hợp tác làm ăn bằng cách thuê lại một phần quán để Bảo kéo khách về bán cơm từ 11h đến 16h hằng ngày, còn Tuấn bán nước bình thường. Tuấn thấy có thêm khách để bán hàng (cà phê, nước giải khát) nên đã đồng ý cho Bảo thuê một góc quán ngoài trời nhưng không thu tiền thuê quán (vì Tuấn bán nước cho cả khách của Bảo). Bảo chỉ nói với Tuấn là thuê quán để bán cơm, nhưng mục đích của Bảo là để làm điểm tổ chức cá độ bóng đá nhằm thu lợi nhuận từ việc bán cơm, nước giá cao cho các con bạc. Sau khi hỏi thuê được quán của Tuấn, Bảo nói với Trương Thị Lan (chị ruột của Bảo) - làm quản lý ở nhà hàng Ra Khơi giúp Bảo cử người đi chợ mua và chế biến đồ ăn tại nhà hàng Ra Khơi; cử nhân viên đi bán hàng, theo dõi thu, chi, trả tiền lương cho nhân viên. Số tiền còn lại, Lan đưa cho Bảo. Lan phân công các tên Đặng Văn Tâm sinh năm 1972, ở 521/90 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 26, quận Tân Bình; Lê Công Thạo sinh năm 1964, ở 148/12/30/31/6 Tôn Đản, phường 8, quận 4; Chi, Thuỷ (không biết địa chỉ) - nhân viên nhà hàng Ra Khơi trực tiếp chở đồ ăn đã chế biến sẵn ở nhà hàng Ra Khơi đến quán 11D Thi Sách để bán, cụ thể:

- Đặng Văn Tâm viết phiếu bán hàng gồm 2 liên, liên 1 đưa cho tên Thạo (kế toán) để theo dõi, thu tiền của khách, đối chiếu, nộp tiền cho Trương Thị Lan. Liên 2 đưa cho nhân viên của Tuấn để theo dõi, đối chiếu, thanh toán tiền bán hàng hàng tháng giữa Bảo và Tuấn.

- Tên Thạo làm kế toán theo dõi, thu tiền bán hàng, hết ngày về đối chiếu và nộp tiền cho Trương Thị Lan.

- Các tên Chi, Thuỷ làm phục vụ.

Hằng ngày các tên Thạo, Tâm, Thuỷ, Chi chở đồ ăn đã chế biến sẵn từ nhà hàng Ra khơi đến bán giá cao cho các con bạc (20 đến 30 nghìn đồng/suất) tại quán 11D Thi Sách. Đối với việc bán nước giải khát, khi khách của Bảo yêu cầu nước thì nhân viên của Bảo viết phiếu bán hàng và giao cho Tuấn một liên để Tuấn xuất hàng. Sau đó hằng tuần, Bảo thanh toán tiền nước cho Tuấn theo giá bán hàng bình thường của Tuấn (10.000-15.000 đồng/ly nước), còn Bảo thu của các con bạc giá cao (20.000-25.000 đồng/ly). Trung bình mỗi ngày có 30-60 con bạc đến đây chơi cá độ bóng đá và Bảo bán hàng thu được trên dưới 2 triệu đồng, sau khi trừ đi phần tiền vốn, trả lương cho nhân viên và các chi phí khác…, Bảo còn thu được1.000.000 đồng tiền lời từ việc bán cơm, nước giá cao cho các con bạc. Bảo tổ chức tại đây từ tháng 12/2000 đến ngày 12/3/2001 là 3 tháng và đã thu được 90.000.000 đồng tiền lời (BL số: V6T8: 870, 878).

Bảo khai trước Cơ quan điều tra là khi đặt vấn đề thuê quán của Tuấn, Bảo có nói rõ với Tuấn mục đích thuê quán là để làm điểm tổ chức cá độ bóng đá (BL số: V6 T7: 637-638). Nhưng Tuấn không thừa nhận việc Bảo nói mục đích thuê quán để làm điểm tổ chức cá độ bóng đá (BL số: V6 T7: 776-777). Xét thấy Tuấn không quen biết Bảo, Tuấn cho Bảo thuê quán không lấy tiền thuê quán, không tính tăng giá bán nước đối với khách mà mục đích để bán được thêm hàng và giới thiệu thêm nhiều người đến quán của Tuấn, còn Bảo bán hàng giá cao cho các con bạc để thu lời bất chính nhưng không chia một phần lợi nhuận nào cho Tuấn. Do vậy chưa có đủ cơ sở xác định Tuấn phạm tội tổ chức đánh bạc cùng với Bảo.

Đến ngày 12/3/2001, thấy điểm cá độ bóng đá này đã bị lộ (bị công an phường Bến Nghé kiểm tra), Bảo cho quán tạm ngừng hoạt động để tìm thuê địa điểm khác.
 
b. Điểm tổ chức cá độ bóng đá tại 196 Trần Bình Trọng, phường 4, quận 5, TP HCM

Ngày 11/8/1997, Lưu Hồng Lâm sinh năm 1971, ngụ tại: 8/12A Bùi Văn Ba, Tân Thuận Đông, quận 7, TP HCM hùn vốn với Châu Tuấn Thành ở 169 Võ Thị Sáu, phường 7, quận 3 ký hợp đồng thuê mặt bằng của anh Trần Anh Dũng tại 196 Trần Bình Trọng, phường 4 quận 5 TP HCM diện tích rộng 190 m2 trong đó có tầng trệt rộng 130 m2 và một tầng lầu rộng 60 m2 với giá 8 triệu đồng/tháng, thời hạn thuê là 5 năm để làm quán cà phê - bida theo giấy phép kinh doanh số M.086 do UBND quận 5 cấp ngày 28/8/1997 do Trần Anh Dũng đứng tên. Sau khi ký hợp đồng, Châu Tuấn Thành không tham gia kinh doanh nữa, chỉ còn một mình Lưu Hồng Lâm sửa chữa, cải tạo, trang trí, mua sắm dụng cụ để kinh doanh cà phê - bi da. Ngày 9/1/2001 Lâm nhờ anh Dũng đứng tên ký hợp đồng số 31 với công ty truyền hình cáp Saigontourist lắp đặt hệ thống truyền hình cáp MMDS theo giấy phép số 530 do Trung tâm quản lý khoa học truyền hình - Đài truyền hình Việt Nam cấp ngày 25/1/2001, để xem các trương trình truyền hình trực tiếp bóng đá thế giới. Hằng ngày Lâm giao cho Phạm Minh Tâm (Tâm "Quầy"), sinh năm 1966, trường trú tại xã Hoà Hưng, Châu Thành, Đồng Tháp là người làm thuê cho gia đình Lâm từ nhiều năm nay làm quản lý bán hàng.

Sau khi tạm ngừng hoạt động tại 11D Thi Sách vài ngày, Bảo biết Lưu Hồng Lâm (người quen cũ của Bảo) đang làm chủ quán càphê - bida tại 196 Trần Bình Trọng, phường 4, quận 5, Bảo đã gặp Lâm và hỏi thuê lại toàn bộ quán từ 10h đến 17h hằng ngày để bán cơm, nước, nhưng mục đích là để tiếp tục làm điểm tổ chức cá độ đá bóng. Lâm đồng ý, hai bên thoả thuận số tiền lời thu được từ bán cơm, nước của Bảo sẽ chia cho Lâm một nửa để trả tiền thuê quán. Sau khi đã thoả thuận với Lâm, ngày 15/3/2001 Bảo tiếp tục thuê các nhân viên nhà hàng Ra Khơi mang đồ ăn đến quán 196 Trần Bình Trọng để bán cho các con bạc với cách thức tổ chức như ở quán 11D Thi Sách.

Hằng ngày có từ 60 đến 100 lượt người tụ tập đến đây để uống cà phê, chơi bida, trong đó có nhiều người chơi cá độ bóng đá và chơi đánh bài binh xập xám ăn tiền ở lầu 1 (đánh bài vào các ngày thứ bảy, chủ nhật trong tuần). Mỗi ngày Bảo bán hàng thu được 2-5 triệu đồng, sau khi tính toán trừ đi mọi chi phí như tiền mua đồ ăn, đồ uống, tiền trả lương cho nhân viên… mỗi tháng Bảo còn thu được 60 triệu đồng tiền lời từ việc bán cơm, nước giá cao cho các con bạc (BL số: V6 T8: 871). Bảo đã tổ chức tại đây 9 tháng và đã thu được 540 triệu đồng. Mặc dù đã thoả thuận là chia cho Lưu Hồng Lâm ½ số tiền lời, nhưng mỗi tháng Bảo chỉ trả cho Lâm 15 triệu đồng, tổng cộng Bảo đã trả cho Lâm 135 triệu đồng, chia cho Trương Thị Lan 135 triệu, chia cho Lê Thị Điệu, ở 41 Lý Chính Thắng, phường 8 quận 3, TP HCM, 135 triệu (Lê Thị Điệu là vợ của Nguyễn Văn Thọ (Thọ "Đại uý"), là chị dâu của Bảo, hai người này có tham gia chế biến đồ ăn để mang đi bán). Còn lại 135 triệu đồng Bảo sử dụng cá nhân (BL số: V6 T7: 699).

Đến tháng 5/2001, Phạm Minh Tâm (Tâm "Quầy") nhân viên quản lý quán 196 Trần Bình Trọng của Lưu Hồng Lâm có nói với Lâm là tên Bảo có tổ chức cá độ bóng đá tại quán gây ồn ào mất trật tự (BL số: V6 T8: 880), ngay sau đó Lâm đến quán và trực tiếp biết Bảo tổ chức cá độ bóng đá tại đây, nhưng Lâm vẫn cho Bảo thuê quán tiếp đến ngày Bảo bị bắt (12/12/2001) (BL số: V6 T8: 835).

Xét thấy: Lưu Hồng Lâm là chủ quán, là người quyết định mọi hình thức hoạt động kinh doanh của quán cà phê 196 Trần Bình Trọng. Mặc dù Lâm đã biết mục đích Bảo thuê quán để tổ chức cá độ bóng đá nhằm bán hàng giá cao cho các con bạc để thu lời bất chính thay cho việc bán vé vào cửa hoặc thu tiền xâu, trong đó có chia cho Lâm 50%. Lâm biết số tiền hằng tháng Bảo chia cho Lâm là 50% số tiền thu lời bất chính từ việc đánh bạc mà có nhưng Lâm vẫn cho Bảo thuê quán cho đến khi Bảo bị bắt (12/12/2001) để được chia 50% số tiền thu lời bất chính nói trên. Tổng cộng Lâm đã được chia 135 triệu đồng (mỗi tháng được chia 15 triệu đồng trong suốt thời gian 9 tháng Bảo tổ chức cá độ bóng đá tại quán của Lâm).

Hành vi trên đây của Lưu Hồng Lâm đã tích cực giúp sức, tạo điều kiện quyết định cho Trương Hiền Bảo thực hiện tội phạm và được chia 50% số tiền từ phạm tội mà có.

c. Hành vi tổ chức đánh bài binh xập xám tại 196 Trần Bình Trọng, phường 4, quận 5, TP HCM

Ngoài việc tổ chức cá độ bóng đá, từ tháng 6 đến tháng 10/2001, vào các ngày thứ bảy, chủ nhật, Bảo còn tổ chức cho các con bạc đến đây chơi đánh bài binh xập xám ăn tiền để thu tiền xâu. Cách thức chơi bài binh xập xám là dùng bộ bài tú lơ khơ 52 lá chia cho bốn người, mỗi người 13 lá, sau đó mỗi người tự sắp xếp bài của mình thành ba nhóm, nhóm 1 gồm ba quân, nhóm 2 và nhóm 3 mỗi nhóm 5 quân bài rồi ngửa bài lên và mỗi người so bài của mình với 3 người kia để tính điểm thắng, thua. Các nhóm tương ứng so với nhau gọi là một chi, mỗi chi ăn thua 50; 100; 150.000 đồng… tuỳ theo thoả thuận của cuộc chơi, mỗi lần chia và so bài như vậy gọi là một ván. Trước khi vào chơi có thống nhất nếu một người bị thua đến 3 triệu hoặc 5 triệu đồng là hết 1 chến và khi đó có thể thay đổi người khác vào chơi chến mới. Người nào thắng nhiều nhất trong 1 chến phải bỏ tiền xâu vào một chiếc hộp giấy với mức 500.000 đồng với chến 3 triệu và 1 triệu đồng với chến 5 triệu. (BLc số: V6 T7: 619). Bảo giao cho tên Lê Văn Đại, sinh năm 1975, ngụ tại 220/9Y/111 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 21, quận Bình Thạnh hằng ngày theo dõi việc nộp tiền xâu của các con bạc và hết ngày Đại lấy hộp tiền xâu đưa cho Bảo.

Hàng ngày có từ 1 đến 2 chiếu chơi đánh bài binh xập xám ăn tiền ở lầu 1 (đánh bài vào các ngày thứ bảy, chủ nhật trong tuần). Bảo thu tiền xâu từ việc đánh bài trung bình được 10 triệu đồng mỗi ngày. Bảo tổ chức đánh bài từ tháng 6 đến tháng 10 là 32 ngày, tổng cộng thu được 320 triệu đồng, Bảo chia cho Lâm 160 triệu, chia cho Đại 22.400.000 đồng (mỗi ngày chia cho Đại 700.000 đồng) còn lại 137.600.000 đồng, Bảo sử dụng cá nhân.

Quá trình điều tra vụ án, Lưu Hồng Lâm không thừa nhận việc cùng Bảo tổ chức đánh bài ăn tiền và được ăn chia tiền xâu. Nhưng tại Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bảo khai việc đánh bài như trên, Bảo đã bàn bạc cùng Lâm để tổ chức thực hiện và giao cho Lê Văn Đại trực tiếp theo dõi thu tiền. Hết ngày, Đại lấy hộp tiền đựng tiền xâu đưa cho Bảo để kiểm đếm rồi Bảo chia cho Lâm một nửa, chia cho Đại 700.000 đồng/ngày (BL: V6 T7: 711).

Lê Văn Đại cũng khai nhận có nghe Bảo nói số tiền xâu thu được thì chia cho Lâm một nửa nên Đại đã trực tiếp đưa tiền xâu cho Lâm 3 lần tại quán 196 Trần Bình Trọng. Đại cũng đã nhiều lần trực tiếp thấy Lâm cùng Bảo kiểm đếm tiền xâu tại quán và đã trực tiếp chứng kiến Bảo đưa tiền xâu cho Lâm, số tiền cụ thể thì Đại không rõ (BL: V6 T9: 18, 34).

Từ các căn cứ trên có đủ cơ sở xác định Lưu Hồng Lâm đã cùng Trương Hiền Bảo tổ chức đánh bài ăn tiền để thu tiền xâu tại quán 196 Trần Bình Trọng và được ăn chia tiền xâu. Theo thoả thuận của Bảo là 50%, như vậy Lưu Hồng Lâm đã được chia 160 triệu đồng.

Ngoài ra Bảo còn khai nhận: tháng 9/2001, Bảo đã chuyển địa điểm đánh bạc đến quán Hoa Viên tại 28 Mạc Đĩnh Chi, nhưng tổ chức ở đây được 2 ngày thì các con bạc gây ồn ào mất trật tự, chủ quán không cho Bảo làm nữa. Bảo lại trở về tiếp tục làm tại 196 Trần Bình Trọng cho đến ngày bị bắt. Qua điều tra, chủ quán Hoa Viên tại 28 Mạc Đĩnh Chi là Ngô Hồng Chuyên, sinh năm 1965 ở 16f Phùng Khắc Hoan, phường Đa Kao, quận 1 không thừa nhận có sự việc trên nên chưa đủ cơ sở xác định Bảo tổ chức cá độ bóng đá tại địa điểm này.

Hành vi trên đây của của Trương Hiền Bảo và Lưu Hồng Lâm đã phạm vào tội Tổ chức đánh bạc, tội danh được quy định tại điều 249 BLHS. Hành vi của của Trương Hiền Bảo còn phạm vào tội đánh bạc, tội danh được quy định tại điều 248 BLHS.

Đối với các con bạc thường xuyên đến các điểm trên để cá độ bóng đá gồm: Lê Văn Đại; Huỳnh Chí Đức (Bánh "Ú"); Nguyễn Văn Thành (Mười "Lù"); Hứa Tấn Bửu (Bò "Nghé"); Tiêu Quân (Hải "Ba càng"); Nguyễn Chí Dũng (Dũng "Nội"); Ngô Quang Vinh (Man); và Lương Cẩm Huy (Huy "Râu"). Qua điều tra, xác minh thu thập tài liệu, chứng cứ và lời khai nhận của từng đối tượng đều xác định có đến quán 196 Trần Bình Trọng để chơi cá độ bóng đá. Vì vậy Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can về tội đánh bạc đối với các đối tượng có tên trên. Kết quả điều tra cụ thể như sau:

* Hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc của Lê Văn Đại:

Từ tháng 6 đến 10/2001, Trương Hiền Bảo tổ chức đánh bài ăn tiền thu tiền xâu tại quán cà phê 196 Trần Bình Trọng, phường 4 quận 5 vào các ngày thứ bảy, chủ nhật, do Lê Văn Đại chơi thân với Bảo từ nhỏ và là đàn em tin cậy của Bảo. Bảo đã phân công cho Lê Văn Đại mỗi ngày đi mua 4 bộ bài tú lơ khơ về cho các con bạc đánh bài. Trong thời gian các con bạc đánh bài, Đại luôn có mặt để theo dõi, quản lý việc nộp tiền xâu của các con bạc. Hết ngày, Đại lấy hộp đựng tiền xâu giao cho Bảo. Sau khi kiểm đếm tiền xâu, có 3 lần Bảo giao cho Đại cầm tiền xâu (phần chia cho Lâm) trực tiếp đưa cho Lâm. Mỗi lần như vậy, Bảo chia cho Đại 700.000 đồng, tổng cộng Bảo tổ chức đánh bài thu tiền xâu 32 ngày, thu được 320 triệu tiền xâu. Bảo đã chia cho Đại 22,4 triệu đồng (BL số: V6,T9-1841).

Ngoài ra Lê Văn Đại còn có hành vi đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá như sau:

- Trong thời gian Lê Văn Đại đến quán 196 Trần Bình Trọng để theo dõi thu tiền xâu cho Bảo, Đại còn trực tiếp tham gia cá độ bóng đá với hình thức góp tiền với tên Sáu già (không biết địa chỉ) để cá độ bóng đá (chơi ké). Mỗi lần Đại góp 0,5-1 triệu đồng, Đại chơi 4 trận và đều bị thua. Còn tên Sáu cá độ với ai, bắt đội nào thuộc giải nào thì Đại không biết (BL số: V6,T9-1828).

- Từ tháng 6 đến 12/2001, Bảo giao cho Đại hằng ngày (buổi tối thứ bảy và chủ nhật) đến quán cà phê 38 Lý Tự Trọng, quận 1 để xem có ai chơi cá độ bóng đá thì điện thoại cho Bảo, Bảo sẽ quyết định bắt đội nào, bao nhiêu tiền. Hôm sau nếu thua thì Bảo trả tiền cho con bạc chơi với mình thông qua Đại và nếu thắng thì ngược lại. Đại đã bắt độ bóng đá giúp Bảo 25 trận với các tên Hoàng, Hải, Thành (ở Gò Vấp); Hùng (Đại khai không biết địa chỉ các tên này), mỗi trận 5-30 triệu đồng, do lâu ngày Đại không nhớ cụ thể đã bắt độ trận nào, thuộc giải nào và kết quả thắng thua Đại không nhớ (BL số: V6,T9-1830; 1841).

Tại Cơ quan điều tra, Lê Văn Đại khai nhận chỉ bắt độ cho Bảo 4-5 lần, nhưng căn cứ lời khai của Trương Hiền Bảo: cùng giao cho Đại và Đức bắt độ cho Bảo từ tháng 6 đến 12/2001, tổng cộng Đại và Đức đã bắt độ cho Bảo 50-60 lần như đã nêu trên và Đức cũng thừa nhận lời khai của Bảo là đúng. Do vậy có đủ cơ sở xác định Lê Văn Đại đã bắt độ cho Bảo 25 lần (BL: V6 T9: 1830; V6 T7: 704-706: V6 T11: 2002).

Hành vi trên của Lê Văn Đại đã phạm vào hai tội: Tội tổ chức đánh bạc và tội đánh bạc, tội danh được quy định tại điều 249, 248 BLHS cần phải truy tố trước pháp luật.
 
* Hành vi đánh bạc của Huỳnh Chí Đức:

Từ tháng 4 đến 12/2001, Đức thường đi cùng Trương Hiền Bảo đến quán cà phê 196 Trần Bình Trọng để nghe các thông tin về cá độ bóng đá và đã chơi cá độ 6 lần. Mỗi lần 1 triệu đồng, trong đó có hai lần chơi với tên Cu "Đen", 4 lần chơi với người không biết tên. Những người này Đức khai không biết địa chỉ nên Cơ quan Điều tra không tiến hành xác minh được. Trong 6 lần cá độ bóng đá, Đức thua 1 lần, thắng 5 lần được 5 triệu đồng. Đức thường chơi cá độ ở các trận đấu thuộc các giải ngoại hạng Anh và giải vô địch quốc gia Italy. Do lâu ngày nên Đức không nhớ từng lần chơi bắt đội nào thuộc giải nào (BL: V6 T11: 1985).

Ngày 20/1/2002 Đức đã đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để đầu thú và nộp 5 triệu đồng.

Ngoài hành vi cá độ bóng đá tại 196 Trần Bình Trọng, Đức còn có hành vi cá độ bóng đá khác, cụ thể:

- Góp tiền với Nguyễn Văn Thành (Mười "Lù") để cùng cá độ bóng đá 4 lần. Mỗi lần 2-4 triệu đồng như sau: biết Thành hay chơi cá độ bóng đá và hay thắng cược nên những lần đi xem bóng đá cùng với Thành thấy Thành chơi cá độ bóng đá thì Đức xin góp 2-4 triệu đồng mỗi trận, hôm sau nếu thắng thì Thành lấy tiền từ con bạc chơi với mình đưa cho Đức số tiền mà Đức đã góp, nếu thua thì ngược lại. Do lâu ngày nên Đức không nhớ được thắng thua bao nhiêu lần và không biết Thành bắt độ đội nào, bắt độ với ai (BL: V6 T11: 1996).

- Giúp sức cho một số đối tượng chơi cá độ bóng đá như sau: Nguyễn Thành Thảo (Thảo "Ma") và Phạm Văn Lắm góp tiền với Nguyễn Văn Thành (Mười "Lù") để chơi cá độ bóng đá nhiều lần, có nhờ Đức thông báo cho Thảo và Lắm biết Thành chơi trận nào, bao nhiêu tiền và nếu Thành thắng độ thì Đức chuyển tiền từ Thành đến cho Thảo và Lắm, nếu thua thì ngược lại.

Tại Cơ quan Điều tra, Đức không thừa nhận hành vi giúp sức cho Thành, Thảo và Lắm chơi cá độ bóng đá nhưng Thành, Thảo và Lắm đều khai nhận có được Đức giúp sức để chơi cá độ bóng đá như đã nêu trên. Do vậy có đủ cơ sở xác định Đức đã có hành vi giúp sức cho Thành Thảo và Lắm chơi cá độ bóng đá.

- Từ tháng 6 đến 12/2001, do Đức là đàn em tin cậy của Bảo nên Bảo giao cho Đức hằng ngày (thứ bảy và chủ nhật) đến quán cà phê 101/41A Phạm Đình Hổ, phường 4 quận 6 để xem có ai chơi cá độ bóng đá thì điện thoại cho Bảo, Bảo sẽ quyết định bắt đội nào, bao nhiêu tiền. Hôm sau nếu thua thì Bảo trả tiền cho con bạc chơi với mình thông qua Đức và nếu thắng thì ngược lại, Đức đã bắt độ bóng đá giúp Bảo 25 trận, mỗi trận 5-30 triệu đồng, Do lâu ngày nên Đức không nhớ được đã bắt độ đội nào, bắt độ với ai và kết quả thắng thua Đức không nhớ (BL: V6 T11: 2002).

Ngoài ra, Lương Cẩm Huy (bị can trong vụ án) có khai là đã chơi cá độ bóng đá với Đức 90 lần, mỗi lần 10-20 triệu đồng, Nguyễn Văn Thành (bị can trong vụ án) khai đã chơi đánh bài tiến lên và chơi cá ngựa ăn tiền với Đức tại khách sạn Rits ở 333 Trần Hưng Đạo quận 1, nhiều lần. Nhưng Đức không thừa nhận có chơi cá độ bóng đá với Huy. chơi đánh bài tiến lên và chơi cá ngựa ăn tiền với Thành do vậy chưa có đủ cơ sở xác định Đức đã chơi cá độ bóng đá với Huy, chơi đánh bài tiến lên và chơi cá ngựa ăn tiền với Thành.

Hành vi trên của Huỳnh Chí Đức đã phạm vào tội đánh bạc, tội danh được quy định tại điều 248 BLHS.

* Hành vi đánh bạc của Nguyễn Văn Thành (Mười "Lù"):

Trong thời gian từ tháng 6 đến 12/2001, Thành đã nhiều lần đến điểm cá độ bóng đá do Trương Hiền Bảo tổ chức để chơi cá độ bóng đá. Thành thường đến đây từ khoảng 14 đến 15h hằng ngày để thanh toán tiền cá độ của hôm trước, nghe thông tin về các trận bóng đá sắp tới và tìm các con bạc chơi với mình. Mỗi lần cá độ Thành chơi từ 50 đến 100 triệu đồng VN tuỳ vào từng lần chơi. Trong số tiền Thành chơi cá độ nói trên, có một số tên thấy Thành chơi cá độ bóng đá có nhiều kinh nghiệm, hay thắng cược nên đã góp tiền với Thành để cùng chơi cá độ. Cụ thể là các tên:

- Trương Văn Cam (Năm Cam) góp 10%

- Nguyễn Thành Thảo (Thảo "Ma") góp 10%

- Nguyễn Văn Thọ (Thọ "Đại uý") góp 5%

- Phạm Văn Lắm (Lắm "Đen") góp 5%

- Huỳnh Chí Đức (Bánh "Ú") góp 2-4 triệu đồng/trận tương đương 4%

Tổng cộng 5 tên góp 34% số tiền chơi mỗi trận, còn lại 66% là của Thành. Hình thức góp tiền chơi chung: Vào những hôm có bóng đá, ban ngày sau khi đến các điểm cá độ bóng đá để nắm bắt các thông tin và quyết định chơi trận nào, bao nhiêu tiền, Thành trực tiếp hoặc nhờ Huỳnh Chí Đức điện thoại cho những người góp tiền thông báo Thành sẽ bắt đội nào, số tiền bao nhiêu… Đến ngày hôm sau nếu thắng độ thì Thành lấy tiền từ con bạc chơi với mình rồi chia theo tỷ lệ góp tiền, Thành trực tiếp hoặc nhờ Huỳnh Chí Đức đưa tiền cho các tên tham gia. Nếu thua độ thì ngược lại (BL: V6 T10: 1902).

Ngoài ra, từ tháng 6/1998 đến tháng 12/2001, Thành còn chơi cá độ bóng đá ở các quán cà phê tại:

- Nhà số 84C Cống Quỳnh, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, do tên Mai Thành Đức sinh năm 1974 và tên Trí làm chủ quán.

- Nhà số 101/41A Phạm Đình Hổ, phường 6, quận 6, do bà Huỳnh hị Lai (Tư "Trầu") sinh năm 1946 làm chủ quán.

- Nhà số 177 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, do tên Sơn làm chủ quán

- Nhà số 38 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1, do tên Lưu Bạch Đằng (Đằng "Tây") làm chủ quán.

- Khách sạn Khải Hoàn Đường 3/2, quận 10.

- Khách sạn Mặt Trời đường Nguyễn Hữu Cầu, quận 1.

Mỗi lần chơi từ 1 đến 2 triệu đồng. Thành thường chơi cá độ với các tên: Tuấn (Tuấn "Mập") ở đường Lạc Long Quân, quận 11; Ngô Quang Vinh (Man) ở đường Bùi Viện, quận 1; Phạm Minh Tâm (Tâm "Lùn") ở 57 An Dương Vương, phường 8 quận 5; và một số tên khác Thành không biết địa chỉ như các tên Quang, Thuỷ, Đông, Chỉ… (BL: V6 T10: 1984-1985).

Thành thường chơi cá độ bóng đá các trận thuộc các giải vô thế giới năm 1998 tại Pháp, giải ngoại hạng Anh và giải vô địch quốc gia Italy. Các lần chơi cá độ bóng đá ăn tiền nói trên đều có thắng, có thua. Do lâu ngày nên Thành không nhớ số trận đã chơi, cụ thể từng trận đã chơi, số trận thắng, số trận thua, số tiền thắng độ, số tiền thua độ.

Ngoài hành vi chơi cá độ bóng đá ăn tiền nêu trên, Thành còn có hành vi đánh bạc bằng hình thức đánh bài tiến lên, chơi cá ngựa ăn tiền, cụ thể: Vào các ngày thứ bảy, chủ nhật, trong khi chờ xem xá độ bóng đá ban đêm, Thành đến chỗ ở của Phạm Minh Tâm (Tâm "Lùn") ở phòng 402 khách sạn Rits tại 333 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM đánh bài tiến lên hoặc chơi cá ngựa ăn tiền với các tên cũng chờ xem bóng đá như Tâm "Lùn" (chủ nhà), Ngô Quang Vinh (Man), Sanh, Huỳnh Chí Đức (Bánh "Ú") mỗi ván ăn thua 50.000-100.000 đồng (BL: V6 T10: 1985).

Hành vi trên của Nguyễn Văn Thành đã phạm vào tội đánh bạc, tội danh được quy định tại điều 248 BLHS.

* Hành vi đánh bạc của Hứa Tấn Bửu (Bò "Nghé")

Từ tháng 1 đến 12/2001, Bửu thường đến quán cà phê ở 196 Trần Bình Trọng, quận 5; 177 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 và một số quán cà phê vỉa hè khác để cá độ bóng đá với các tên Hùng, Cường, Man (ốm) (Bửu không biết địa chỉ). Bửu chơi mỗi trận 500.000-4 triệu đồng. Hình thức chơi: Vào các ngày thứ bảy, chủ nhật có truyền hình trực tiếp bóng đá thế giới các giải ngoại hạng Anh, Italy, Bửu thường đến các địa điểm nói trên vào buổi chiều 16-17h để nắm thông tin về các trận đấu, tỷ lệ cá cược và bắt độ với nhau, Đồng thời hẹn nhau địa điểm ngày hôm sau gặp để thanh toán tiền cá độ. Buổi tối, Bửu đến các quán cà phê khác hoặc ở nhà để xem trận đấu, ngày hôm sau gặp lại các con bạc tại một địa điểm do hai bên hẹn trước để thanh toán tiền cá độ. Bửu chơi tất cả các ngày thứ bảy, chủ nhật có truyền hình trực tiếp bóng đá giải ngoại hạng Anh, Italy. Nếu một ngày có truyền hình trực tiếp hai trận thì Bửu chơi cả hai trận. Bửu đã chơi tổng cộng 96 trận, do lâu ngày và chơi quá nhiều lần nên Bửu không nhớ cụ thể từng trận bắt đội nào, chơi với ai và kết quả thắng thua thế nào (BL số: V6 T15: 2199).

Hành vi trên của Hứa Tấn Bửu đã phạm vào tội đánh bạc, tội danh được quy định tại điều 248 BLHS.

* Hành vi đánh bạc của Tiêu Quân (Hải "Ba càng")

Từ tháng 3 đến tháng 12/2001, vào các ngày thứ bảy, chủ nhật có truyền hình trực tiếp bóng đá thế giới các giải ngoại hạng Anh, Italy. Ban ngày Quân thường đến quán 196 Trần Bình Trọng, quận 5 để nghe thông tin về các trận đấu, tỷ lệ cá cược để buổi tối Quân đi xem truyền hình trực tiếp bóng đá và cá đôï với người ngồi bên cạnh (không biết tên và địa chỉ). Quân chơi mỗi trận 1-2 triệu đồng, chơi tất cả các trận trong các ngày thứ bảy, chủ nhật nói trên (rất ít hôm nghỉ không chơi). Quân thường bắt các đội As Roma, Juventus, Acmilan của Italy; các đội Manchester United, Arsenal, Liverpool của Anh. Do lâu ngày và chơi nhiều trận nên Quân không nhớ tổng số các trận đã chơi, cụ thể từng trận bắt đội nào, chơi với ai và thắng thua như thế nào (BL số: V6 T16: 2217).

Hành vi trên của Tiêu Quân đã phạm vào tội đánh bạc, tội danh được quy định tại điều 248 BLHS.

* Hành vi đánh bạc của Nguyễn Chí Dũng (Dũng "Nội")

Từ tháng 6 đến tháng 12/2001, vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, Dũng thường đi xe máy một mình đến quán cà phê 196 Trần Bình Trọng từ lúc 13h30' để cá độ bóng đá. Khi tới quán, Dũng ngồi uống cà phê, nghe mọi người bàn luận về bóng đá và tỷ lệ cá cược trận đấu. Nếu trận nào Dũng thấy hợp ý mình thì Dũng bắt độ với người đó rồi về xem tivi tại nhà, ngày hôm sau lại đến quán cà phê 196 để thanh toán tiền thắng - thua. Tổng cộng Dũng chơi 20 trận thuộc các giải ngoại hạng Anh, Italy, mỗi lần 1-2 triệu đồng với các tên Tuấn (Bắc), Tý và một số người khác Dũng không nhớ tên. Những người này Dũng không biết địa chỉ nên Cơ quan Cảnh sát điều tra không xác minh được. Trong các lần cá độ, Dũng khai có thắng, có thua nhưng do lâu ngày Dũng không nhớ được cụ thể từng trận, nhưng tổng cộng Dũng thua 14 triệu đồng (BL: V6 T12: 2046).

Ngoài cá độ bóng đá tại 196 Trần Bình Trọng, Dũng còn cá độ bóng đá với các tên Tuấn, Khanh ở Lạng Sơn cụ thể như sau:

- Tháng 7/1998, khi đang diễn ra giải Worldcup 98, Dũng có người quen tên Tuấn ở Lạng Sơn (Dũng không biết địa chỉ) vào TP HCM chơi, nhờ Dũng bắt độ giúp để chơi cá độ bóng đá. Dũng gặp tên Thương (không biết địa chỉ) tại quán cà phê ở góc đường Hồ Hảo Hớn và đường Trần Hưng Đạo quận 1 và nhờ Thương bắt độ giúp Tuấn bằng cách Thương thông báo các tỷ lệ cá cược cho Dũng, Dũng báo lại cho Tuấn. Nếu Tuấn đồng ý đội nào, bao nhiêu tiền thì báo lại cho Dũng để Dũng báo lại cho Thương. Sau đó nếu Tuấn thắng độ thì Thương trả tiền cho Tuấn qua Dũng, nếu thua thì ngược lại. Thương là cò bóng đá nên nếu Tuấn thắng thì phải trả Thương 2,5% (thắng 2 triệu thì trả Thương 50.000 đồng), nếu hoà hoặc thua thì thôi không phải trả tiền cò. Dũng bắt độ giúp Tuấn 5 trận, không nhớ rõ thắng thua như thế nào. Sau đó Tuấn trở về Lạng Sơn (BL số: V6,T12-2043).

- Cuối năm 1998, Tuấn và bạn Tuấn tên là Khanh ở Lạng Sơn (không biết rõ địa chỉ) điện thoại nhờ Dũng (ở TP HCM) bắt độ cá độ bóng đá giúp Tuấn và Khanh, Dũng đồng ý, hai bên thống nhất nếu thắng thì Dũng được 2% số tiền cá cược (tiền cò), nếu hoà hoặc thua thì Dũng không được tiền cò, tiền thắng, thua sẽ chuyển cho nhau qua đường bưu điện. Cách thức bắt độ: Những ngày thứ bảy, chủ nhật có bóng đá, Dũng đến các điểm có cá độ bóng đá để nắm bắt thông tin và điện thoại cho Tuấn, Khanh thông báo tỷ lệ cá cược giữa các đội. Nếu Tuấn, Khanh đồng ý đội nào, chơi bao nhiêu tiền sẽ điện thoại lại cho Dũng để Dũng bắt độ. Sau đó Dũng đã đến khách sạn Thái Thiên ở đường Bùi Thị Xuân, quận 1 bắt độ cho Tuấn 5 trận, bắt cho Khanh 1 trận thuộc các giải ngoại hạng Anh, Italy với tên Minh ở quận Gò Vấp (không biết địa chỉ), mỗi trận 1-2 triệu đồng. Kết quả có thắng, có thua nhưng tổng cộng là hoà nên hai bên không có chuyển tiền cá độ bóng đá cho nhau. Cũng tại khách sạn Thái Thiên Dũng còn trực tiếp chơi cá độ bóng đá với tên Minh nói trên 3 trận, mỗi trận từ 0,5 đến 2 triệu đồng, do lâu ngày nên Dũng không nhớ kết quả thắng thua thế nào (BL số: V6,T12-2045-2046).

Ngoài ra, Lương Cẩm Huy (bị can trong vụ án) có khai là đã chơi cá độ bóng đá với Dũng 20 lần, mỗi lần 10-20 triệu đồng, Hồ Việt Sử (bị can trong vụ án) khai Sử góp tiền với tên Tiến (Tiến "Đầu bạc", không biết địa chỉ) chơi cá độ với Dũng 4 lần, mỗi lần 1-3 triệu đồng. Sử trực tiếp chơi với Dũng 1 lần bị thua 3 triệu đồng, nhưng Dũng không thừa nhận có chơi cá độ bóng đá với Huy, Tiến và Sử do vậy chưa có đủ cơ sở xác định Dũng đã chơi cá độ bóng đá với Huy, Tiến và Sử.

Hành vi trên của Nguyễn Chí Dũng đã phạm vào tội đánh bạc, tội danh được quy định tại điều 248 BLHS.

* Hành vi đánh bạc của Ngô Quang Vinh (Man)

Từ tháng 10 đến tháng 12/2001, Vinh nghe nhiều người (không nhớ cụ thể là ai) nói tại quán cà phê 196 Trần Bình Trọng, phường 4 quận 5 có điểm tổ chức cá độ bóng đá, sau đó vào các ngày thứ bảy, chủ nhật, chủ nhật hằng tuần, Vinh đi một mình đến quán cà phê 196 Trần Bình Trọng để cá độ bóng đá. Vinh thường chơi bắt kèo dưới và mỗi trận 5 triệu đồng. Đến tối Vinh đến những quán cà phê khác có cá độ bóng đá, Vinh xem đến khi trận đấu gần kết thúc (trận đấu còn khoảng 20-30 phút) thì tuỳ theo tình hình trận đấu mà Vinh bắt ngược lại kèo trên với số tiền 3-4 triệu đồng (bán lại cho người khác 3-4 triệu đồng). Như vậy Vinh chỉ thắng hoặc thua phần chênh lệch 1-2 triệu đồng nhưng tỷ lệ thắng sẽ nhiều hơn thua. Vinh thường cá độ với tên Phước, Sơn và một số tên khác Vinh không nhớ rõ tên, không biết địa chỉ. Do đó Cơ quan Cảnh sát điều tra không xác minh được. Mỗi ngày Vinh chơi cả hai trận, tổng số Vinh đã chơi 40 trận thuộc các giải ngoại hạng Anh, Italy, có thắng, có thua nhưng do lâu ngày nên Vinh không nhớ rõ cụ thể từng trận đã chơi và số tiền thắng thua là bao nhiêu nhưng tổng số tiền thắng cược được 10 triệu đồng (BL số: V6 T13: 2065-2066).

Ngoài ra Nguyễn Văn Thành (bị can trong vụ án) khai có chơi cá độ bóng đá, chơi đánh bài tiến lên và chơi cá ngựa ăn tiền với Ngô Quang Vinh tại khách sạn Rits ở 333 Trần Hưng Đạo quận 1. Nhưng tại Cơ quan Cảnh sát điều tra, Vinh không thừa nhận có chơi cá độ bóng đá, chơi đánh bài tiến lên và chơi cá ngựa ăn tiền với Nguyễn Văn Thành do đó chưa có đủ cơ sở xác định Vinh đã chơi cá độ bóng đá và đánh bài ăn tiền với Thành.

Hành vi trên của Ngô Quang Vinh đã phạm vào tội đánh bạc, tội danh được quy định tại điều 248 BLHS.

* Hành vi đánh bạc của Lương Cẩm Huy

Lương Cẩm Huy quen biết Nhã "Lùn" ở TP HCM (không biết địa chỉ) từ năm 1999. Từ tháng 3 đến tháng 12/2001, Huy thường đến quán cà phê 196 Trần Bình Trọng, phường 4 quận 5 để cá độ bóng đá với các đối tượng gồm Huỳnh Chí Đức, Nguyễn Chí Dũng và Nhã "Lùn" (không biết địa chỉ). Huy khai đã cá độ bóng đá với Nhã "lùn" 3 trận, mỗi trận 2 triệu đồng. Cách thức chơi: Huy và Nhã lùn gặp và bắt độ với nhau tại quán cà phê 196 Trần Bình Trọng, sau khi có kết quả trận đấu, chúng lại gặp nhau tại đây để thanh toán tiền cá độ. Huy thường cá độ những trận đấu tại các giải ngoại hạng Anh, vô địch quốc gia Italy, cúp C1 châu Âu, do lâu ngày Huy không nhớ cụ thể các trận cá độ và kết quả thắng thua như thế nào.

Ngoài ra, từ năm 1999 đến nay, Huy đã chơi cá độ bóng đá với Huỳnh Chí Đức 90 lần, với Nguyễn Chí Dũng 20 lần, mỗi lần 10-20 triệu đồng ở các giải ngoại hạng Anh, giải vô địch quốc gia Italy, giải vô địch cúp C1 châu Âu. Hình thức bắt độ: dùng điện thoại để liên lạc bắt độ với nhau và hẹn địa điểm để hôm sau gặp nhau thanh toán tiền cá độ (trong đó có nhiều lần hẹn nhau thanh toán tiền cá độ tại 196 Trần Bình Trọng). Do lâu ngày Huy không nhớ được cụ thể từng lần chơi, kết quả thắng thua thế nào. Huy chỉ nhớ đã phải vay Trương Hiền Bảo 20.000 USD tương đương 300 triệu đồng để chơi cá độ bóng đá đến nay vẫn chưa trả cho Trương Hiền Bảo. Ngày 7/1/2002, Lương Cẩm Huy đã đến Cơ quan Cảnh sát điều tra để đầu thú và nộp 20.000USD nói trên và 200 triệu đồng (số tiền 200 triệu đồng này Huy khai do chơi hụi với Bảo, Huy được lấy tiền đợt đầu mà chưa phải đóng tiền hụi lần nào nên Huy nộp lại cho Cơ quan Cảnh sát điều tra).

Hành vi trên của Lương Cẩm Huy đã vào tội đánh bạc, tội danh được quy định tại điều 248 BLHS.

Ngoài ra còn một số tên khác không biết địa chỉ nên Cơ quan Điều tra không tiến hành xác minh được.

Đối với Trương Thị Lan, Lê Thị Điệu (chị gái, chị dâu của Trương Hiền Bảo) đã có hành vi phân công người đi chợ mua và chế biến đồ ăn tại nhà hàng Ra Khơi; cử nhân viên đi bán hàng; theo dõi thu, chi; trả tiền lương cho nhân viên, trả tiền thuê quán. Trương Thị Lan và Lê Thị Điệu mỗi người được Bảo chia cho 135 triệu đồng là tiền vốn đầu tư nấu đồ ăn và lợi nhuận do bán đồ ăn thu được, nhưng xét thấy Bảo không nói với họ việc mình tổ chức cá độ bóng đá mà chỉ nói nhờ Lan chế biến đồ ăn, cử nhân viên đi bán cho Bảo, Lan và Điệu chỉ làm việc tại nhà hàng Ra Khơi, không có mặt tại những nơi Bảo tổ chức đánh bạc nên không biết việc Bảo tổ chức cá độ bóng đá mà chỉ giúp Bảo trong việc làm ăn, bán cơm, nước, do vậy chưa có căn cứ xác định Trương Thị Lan và Lê Thị Điệu phạm tội tổ chức đánh bạc với Trương Hiền Bảo.

Đối với các tên Đặng Văn Tâm, Lê Công Thạo, Chi, Thuỷ đều là nhân viên nhà hàng Ra Khơi, đã có hành vi trực tiếp bán hàng cho các con bạc tại các điểm cá độ bóng đá của Bảo nhưng xét thấy họ chỉ là người làm thuê cho Bảo và được trả lương 400.000 đồng/tháng. Họ không được tham gia bàn bạc và ăn chia tiền lời trong việc tổ chức đánh bạc của Bảo. Do vậy chưa có cơ sở xác định họ phạm tội tổ chức đánh bạc với Trương Hiền Bảo.

Ngoài hai điểm tổ chức cá độ bóng đá nói trên, một số con bạc Như Nguyễn Văn Thành, Hứa Tấn Bửu, Huỳnh Chí Đức, Lê Văn Đại còn đến các quán cà phê có truyền hình trực tiếp bóng đá để chơi cá độ bóng đá cụ thể là các điểm:

1/ Quán cà phê tại nhà số 84 đường Cống Quỳnh, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM do tên Mai Thành Đức, sinh năm 1974 và tên Trí làm chủ quán.

2/ Quán cà phê tại nhà số 101/41A đường Phạm Đình Hổ, phường 6, quận 6, TP HCM do bà Huỳnh Thị Lai (Tư "Trầu"), sinh năm 1946 làm chủ quán.

3/ Quán cà phê tại nhà số 177 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM do tên Nguyễn Phú Sơn làm chủ quán

4/ Quán cà phê tại nhà số 38 đường Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM do Tên Lưu Bạch Đằng làm chủ quán.

5/ Khách sạn Mặt Trời, đường Nguyễn Hữu Cầu, quận 1, TP HCM

6/ Khách sạn Khải Hoàn đường 3/2, quận 10, TP HCM

Tại các quán cà phê này, chủ quán không tổ chức chơi cá độ bóng đá mà các con bạc đến đây xem bóng đá và tự chơi cá độ với nhau. Do vậy chưa có căn cứ xác định các chủ quán này phạm tội tổ chức đánh bạc.
 
Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 8): Cá độ, đánh bạc do đệ tử tổ chức (tiếp)

Trong số đàn em của Năm Cam, Hồ Việt Sử là tên đánh bạc và cá độ "sành điệu" nhất. Hắn còn là kẻ trải chiếu hoa cho "ông trùm" tiếp cận với thứ trưởng Bộ Công an Bùi Quốc Huy. Cũng chính hắn đưa ra lời khai về việc một số danh thủ đội tuyển bóng đá quốc gia có dính đến đường dây cá độ.

A. Các vụ án do Trương Năm Cam và đồng bọn thực hiện

IV. Vụ tổ chức đánh bạc

2. Các vụ tổ chức đánh bạc và đánh bạc do các đối tượng khác thực hiện.

2.3. Hành vi đánh bạc của Hồ Việt Sử

Từ tháng 12/1997 đến tháng 12/1999, Sử thường đến quán cà phê số 200 Trần Bình Trọng, phường 4, quận 5 để cá độ bóng đá với cách thức: vào những ngày có truyền hình trực tiếp bóng đá thế giới, các tên cò cá độ bóng đá cũng có mặt tại quán cà phê 200 Trần Bình Trọng để ra kèo trận đấu. Nếu Sử thích đội nào thì bắt độ với tên cò đó, còn các tên cò bắt độ với ai thì Sử không biết. Buổi tối, Sử xem tivi tại nhà và hôm sau lại ra quán cà phê 200 Trần Bình Trọng để thanh toán tiền cá độ.

Sử thường bắt độ với các tên Trần Văn Lẹ (Rớt) ở 12 AB Lương Hữu Khánh, quận 1 (hiện Lẹ đang định cư tại Mỹ) và các tên Tuấn (Bắc), Tùng (Dũng), Minh, Mạn (Sử không biết địa chỉ các tên này). Tổng cộng, Sử đã "chơi" 50 trận thuộc các giải vô địch thế giới năm 1998 tại Pháp, giải ngoại hạng Anh và giải vô địch quốc gia Italy, mỗi trận từ 1 đến 10 triệu, kết quả có thắng, có thua nhưng do lâu ngày nên Sử không nhớ rõ. Trận chung kết World Cup 1998 giữa Brazil và Pháp, Sử bắt độ với Tùng (Dũng) 5 triệu đồng tại quán cà phê số 200 Trần Bình Trọng, phường 4, quận 5. Sử bắt đội Pháp, thỏa thuận nếu Pháp thắng thì chỉ ăn 92% tiền cược. Kết quả Pháp thắng 2-0. Hôm sau, Tùng trả cho Sử 4.600.000 đồng tại quán cà phê số 200 Trần Bình Trọng, phường 4, quận 5 (BL: V6 T14: 2128-2129).

Xác minh tại quán cà phê 200 Trần Bình Trọng, chị Lê Thị Bé Ba (chủ quán) cho biết trong thời gian từ cuối 1997 đến 1999, Hồ Việt Sử thường tới quán cà phê của chị Ba uống cà phê và cá độ bóng đá. Cụ thể chơi với ai, như thế nào thì chị Ba không biết rõ (BL: V6 T14: 2172).

Xét thấy Lê Thị Bé Ba không tổ chức chơi cá độ bóng đá mà Sử và các con bạc đến đây xem bóng đá và tự chơi cá độ với nhau. Do vậy, chưa có căn cứ xác định Lê Thị Bé Ba phạm tội tổ chức đánh bạc.

Ngoài ra Sử còn khai có cá độ bóng đá với Dương Hùng Phong ở 20-22 Huỳnh Mẫn Đạt, phương 1, quận 5, 20 lần, mỗi lần từ 0,5 đến 5 triệu, góp tiền với tên Tiến (Tiến "Đầu bạc") cá độ với Nguyễn Chí Dũng (Dũng "Nội" - bị can trong vụ án) 4 lần, mỗi lần từ 1 đến 3 triệu và trực tiếp cá độ với Dũng nội 1 lần và thua 3 triệu. Nhưng Phong và Dũng không thừa nhận có cá độ bóng đá với Sử và Tiến, do vậy không có cơ sở xác định Sử đã chơi cá độ bóng đá với Phong và Dũng.

Dương Hùng Phong có nhận chơi cá độ bóng đá với Hồ Việt Sử hai lần, mỗi lần 1 chai rượu trị giá 800.000 đồng tại vũ trường Metropolis. Phong thắng 1 lần, Sử thắng 1 lần nhưng Sử không thừa nhận có chơi 2 trận này nên không có cơ sở kết luận Phong cá độ bóng đá với Sử.

Hành vi trên của Hồ Việt Sử đã phạm tội đánh bạc, tội danh quy định tại điều 248 BLHS.

Ngoài ra, Hồ Việt Sử còn gây ra nhiều vụ cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng đang được điều tra, làm rõ ở vụ án khác để đề nghị truy tố và xét xử.

2.4. Hành vi tổ chức trường đá gà ăn tiền, thu tiền xâu của Châu Phát Lai (Lai Anh), Hứa Văn Em (Bé Em) và Hồ Văn Nhị (Sang "Lùn").

Châu Phát Lai (Lai Anh), Hứa Văn Em (Bé Em) có quan hệ hàng xóm láng giềng và chơi thân với nhau từ lâu. Cả hai đều đam mê đá gà ăn tiền ở nhiều trường gà ở các quận trong TP HCM. Thấy việc mở trường gà đầu tư ít tiền, thu lợi nhuận cao (thu tiền xâu) (BL: V6 T4: 323, 325-326, 386), vào khoảng cuối tháng 9/2000, Lai Anh chủ động bàn với Bé Em tham gia mở trường đá gà ăn tiền để thu tiền xâu, được Bé Em tán thành. Lai Anh, Bé Em mỗi người góp 200.000 đồng để Bé Em mua bạt, cân đồng hồ, cót (BL: V6 T5: 441). Trong khi chuẩn bị, Bé Em bàn với Lai Anh cho Hồ Văn Nhị (bạn thân của Bé Em) cùng tham gia, được Lai Anh đồng ý. Chúng phân công Bé Em lo tìm địa điểm đá gà và báo cho Lai Anh biết kiểm tra lại, nếu được Lai Anh sẽ dùng điện thoại di động số 0903.918686 điện cho các con bạc đến địa điểm đã chọn để đá gà ăn tiền (BL: V6 T5: 441). Nhị làm nhiệm vụ ghi chép các con bạc cá độ với nhau để thu tiền xâu. Cách thu tiền xâu: hai con bạc cá đôi với nhau 1 triệu/1 trận thì mỗi bên nộp 100.000 đồng; độ 2 triệu/1 trận thì mỗi bên nộp 150.000 đồng; độ từ 5 triệu trở lên/1 trận thì mỗi bên nộp 250.000 đồng. Thu tiền xâu xong, Lai Anh ở vòng trong, dàn xếp các con bạc có rắc rối gì thì giải quyết. Bé Em ở vòng ngoài làm nhiệm vụ bảo vệ canh chừng công an, nếu động thì báo cho cả trường gà bỏ chạy (BL: V6 T4: 386). Cuối mỗi ngày, Nhị đưa sổ sách ghi chép và toàn bộ tiền xâu cho Lai Anh hoặc Bé Em được Lai Anh, Bé Em cho từ 100.000 đồng đến 200.000đồng/ngày. Số tiền xâu thu được trả tiền thuê đất, tiền thuê người giúp việc, còn lại hai tên chia đều cho nhau (BL: V6 T6: 519).

Các địa điểm mở trường gà gồm:

- Tháng 10/2000, Bé Em tìm chọn được một bãi đất trống của ông Cầm, là người trong nội thành TP HCM mua chưa sử dụng còn bỏ hoang thuộc tổ 57 khu phố 9, phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức, sát bờ sông Sài Gòn đối diện quán cà phê của Từ Văn Nghiêm, cạnh ký túc xá trường đại học Mỹ Thuật (địa điểm này không phải thuê đất) (BL: V6 T5: 463-464), Bé Em báo cho Lai Anh xuống kiểm tra, Lai Anh đồng ý và điện cho các con bạc đến chơi. Tại địa điểm này, chúng thường tổ chức đá từ lúc 14h đến 16h ngày thứ bảy, chủ nhật. Thời gian đầu có khoảng 20-25 con bạc tham gia, sau lên đến 30-40. Chơi được khoảng 2 ngày, Lai Anh, Bé Em thu được 10 triệu đồng tiền xâu, Lai Anh nhờ Lai Em chuyển cho Trương Văn Cam xin được mở trường gà. Hai ngày sau Lai Em trả lại cho Lai Anh, Bé Em và nói là Trương Văn Cam không đồng ý. Lai Anh, Bé Em, Nhị vẫn tiếp tục tổ chức trường gà tại địa điểm trên được gần một tháng thì nghỉ đến Tết Nguyên đán 2001 (BL: V6 T4: 334, 382, 384).

- Đầu tháng 2/2001 (từ mồng 1 đến 6 Tết), Lai Anh, Bé Em, Nhị tổ chức đá gà tại quán cà phê Vườn Tràm của Châu Thái Sơn (Ba Vương) thuộc địa phận phường An Phú, quận 2, TP HCM. Tổ chức liên tục 6 ngày, mỗi ngày có 40-50 con bạc tham gia, đá khoảng 10 trận, mỗi trận cá độ từ 2-3 triệu, có trận trên 3 triệu tùy theo các con bạc. Thời gian chơi từ 13h đến 16h mỗi ngày. Địa điểm này Bé Em nhờ Sơn thuê đất của anh Vân nói là nuôi gà, hợp đồng thuê 6 tháng, mỗi tháng trả 500.000 đồng. Bé Em đã trả cho anh Vân 2 triệu đồng. Địa điểm này đã bị công an phường phát hiện và bố trí bắt nhưng không bắt được (BL: V6 T5: 439, 447-448).

- Cuối tháng 2/2001, Lai Anh, Bé Em, Nhị tổ chức đá gà tại khoảng đất trống (không chủ) đối diện quán cà phê của vợ chồng Thu - Hùng ở dốc cầu Năm Lý thuộc phường An Phú, quận 2, TP HCM. Tổ chức liên tục khoảng 2 tuần (vào thứ Bảy, Chủ Nhật) từ 13h đến 16h, có khoảng 40-50 con bạc tham gia, mỗi ngày đá khoảng 5-6 trận, mỗi trận cá độ từ 1 đến 3 triệu. Mặc dù không phải thuê đất, Bé Em, Lai Anh cho anh Hùng (Dũng) 450.000 đồng vì vợ chồng anh Hùng cho chúng gửi xe (BL: V6 T5: 439, 459-461).

- Cuối tháng 3 đầu tháng 4/2001, Lai Anh, Bé Em, Nhị thuê đất trống tại quán cà phê Bốn Mùa của anh Nguyễn Văn Lâm tại 149 tổ 3, khu phố 6, đường Lê Xuân Hợp, phường Phước Long B, quận 9, TP HCM với giá 150.000 đồng. Tổ chức khoảng 3 tuần, mỗi ngày đá khoảng 7-8 trận, mỗi trận cá độ từ 1 đến 2 triệu. Bé Em đã trả cho Lâm 600.000 đồng tiền thuê đất (BL: V6 T5: 439, 468-469).

- Đầu tháng 5/2001, Lai Anh, Bé Em, Nhị thuê đất trống tại quán cà phê của anh Sỹ ở dốc cầu Rạch Chiếc, đối diện nhà máy xi măng Hà Tiên, phường Phước Long A, quận 9, TP HCM. Bé Em đặt vấn đề trả 150.000 đồng/ngày được anh Sỹ đồng ý. Chúng tổ chức khoảng 4-5 ngày, mỗi ngày có khoảng 20 con bạc tham gia, chúng chơi từ 14h đến 16h vào thứ bảy, chủ nhật. Anh Sỹ đã được trả 450.000 đồng tiền thuê đất (BL: V6 T5: 439, 470-472).

- Tháng 6/2001, Lai Anh, Bé Em, Nhị tổ chức đá gà tại đất nhà ông Sáu Lạnh, số 153 khu phố 4, phường Phước Long A, quận 9, TP HCM. Tổ chức khoảng 5-6 ngày vào thứ bảy, chủ nhật, thời gian từ 12h đến 14h. Số lượng người chơi và xem lên đến 80 người, ông Sáu Lạnh được Bé Em trả 500.000 đồng tiền thuê đất. Cũng trong tháng 6/2001, chúng còn tổ chức đá gà ngay sau quán cơm Năm Thứ của anh Hoàng Xuân Thảo, trú tại 126 C khu phố 3, phường Phước Long A, quận 9. Địa điểm này chúng không phải thuê, chủ quán cho đá gà để bán đồ nhậu và bán cơm. Tại đây chúng chơi khoảng 6-7 ngày, thời gian 13h-16h vào thứ bảy, chủ nhật, có khoảng 15 con bạc tham gia (BL: V6 T4: 383; V6 T5: 439, 443).

Như vậy từ tháng 10/2000 đến tháng 6/2001, Lai Anh, Bé Em, Nhị thuê rất nhiều địa điểm (6 địa điểm) để tổ chức đá gà gần như thường xuyên liên tục vào các buổi chiều thứ bảy, chủ nhật. Tổng số chúng thu được 250 triệu tiền xâu. Lai Anh chia cho Hồ Văn Nhị 7 triệu, trừ tiền thuê đất, ăn nhậu, cho tiền xe ôm, thuê người bảo vệ, trọng tài hết 40 triệu, Lai Anh và Bé Em mỗi người được chia 100 triệu đồng (BL: V6 T4: 334, 383).

Xác minh tất cả các điểm đá gà, các chủ quán cho thuê đất, chủ quán chứng kiến việc Lai Anh, Bé Em, Nhị mở trường đá gà đều phù hợp với thời gian địa điểm, số lượng con bạc chơi, số tiền chúng trả thuê đất như lời khai nhận của 3 bị can phù hợp với tài liệu chứng cứ mà cơ quan CSĐT đã thu thập được.

Ngoài ra Lai Anh còn khai từ khi mở trường đá gà ăn tiền ở các quận 2, quận 9, quận Thủ Đức có một số người tên là Mẫn Long, khoảng 35 tuổi, Mẫn Cao khoảng 30 tuổi, Phương khoảng 30 tuổi, Hổ khoảng 30 tuổi, ông Bun khoảng 60 tuổi, Thanh khoảng 50 tuổi, Lương khoảng 50 tuổi, Sư Tử khoảng 40 tuổi, Đức "Móm" khoảng 40 tuổi không biết địa chỉ họ ở đâu, đến xin Lai Anh cho làm “biện” (người thu tiền xâu) được Lai Anh đồng ý. Số người trên đã làm “biện” cho trường gà của Lai Anh trong suốt quá trình tổ chức đá gà, số người này ghi chép, thu tiền của các con bạc không có gà đá, cáp độ đá ngoài với nhau rồi đưa tiền xâu cho Nhị theo quy định: cứ mỗi con bạc bên ngoài cáp độ 1 triệu/trận, biện thu 50.000 đồng tiền xâu mỗi bên, biện được hưởng 30.000 đồng, còn nộp lại cho Nhị 20.000 đồng. Nhị ghi chép, thu tiền, cuối ngày cộng sổ tất cả các khoản thu tiền xâu (đá trực tiếp, đá ngoài) được bao nhiêu, Nhị giao hết cho Lai Anh quản lý (BL: V6 T4: 387).

Ngoài số người nêu trên, có ông Xế khoảng 60 tuổi xin làm trọng tài, Hùng "Bắc kỳ" khoảng 40 tuổi, ba Lệ khoảng 30 tuổi, Chánh "Gấu" khoảng 60 tuổi. Những người này Lai Anh không biết địa chỉ họ ở đâu, Út ngoài 30 tuổi, ông Phụng ngoài 60 tuổi nhà ở hẻm bên hông rạp Trần Hưng Đạo trên đường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP HCM cũng đến xin làm thuê ở trường gà được Lai Anh sử dụng vào các công việc như cân gà, lấy bội chụp gà, cho gà ăn, tắm cho gà… Làm xong các việc nêu trên họ có trách nhiệm đứng xung quanh không cho các con bạc đá thua bỏ chạy. Cuối ngày Lai Anh cho họ từ 50.000 đến 100.000 đồng tùy theo số tiền xâu thu được trong ngày. Riêng ông xế được Lai Anh trả từ 400.000-500.000 đồng/ngày (BL: V6 T4: 384-385).

Về những con bạc đến đá gà, Lai Anh khai: Trước đây Lai Anh hay đá gà nên biết nhiều con bạc ở khắp trong thành phố, có cả con bạc ở Đồng Nai. Lai Anh xin số điện thoại của họ, ghi và lưu vào trong máy. Khi mở trường gà, Lai Anh dùng điện thoại cầm tay của mình thông báo cho các con bạc đến địa điểm của Lai Anh tổ chức đá gà để chơi. Trong số đông các con bạc, Lai Anh chỉ nhớ một số tên như Tiễn, Hòa, Nhật, Khoa, Bá Tước nhưng không biết địa chỉ cụ thể. Toàn bộ số điện thoại của các con bạc, Lai Anh lưu ở 1 chiếc sim điện thoại, trước khi bị bắt, Lai Anh đã vứt xuống sông (BL: V6 T4: 334).

Tuy vậy, cơ quan CSĐT đã phát hiện được một số con bạc tham gia đá gà ăn tiền ở trường gà của Lai Anh như:

- Nguyễn Trương Thanh Thiện Tùng, sinh 1972, đăng ký hộ khẩu 245/47, bến Vân Đồn, phường 5, quận 4, TP HCM, là con rể của Hồ Văn Nhị (BL: V6 T5: 441). Tiến hành ghi lời khai, Tùng nhận khi nghe tin bố vợ cùng với Lai Anh, Bé Em mở trường gà ở quận 9. Tùng có đến xem và chơi cáp độ một vài lần, số tiền cáp độ từ 100.000 đến 200.000 đồng/trận ở địa điểm trường gà gần cầu Năm Lý (BL: V6 T6: 552-553).

- Đặng Văn Phát (Phát râu), sinh 1960, ngụ 111/17 Lê Quốc Hưng, phường 12, quận 4, TP HCM (BL: V6 T5: 441). Phát khai trước Tết Nguyên đán năm 2001, Phát có đem gà do Phát nuôi đến trường gà của Lai Anh, Bé Em ở quán cà phê của anh Dũng ngay dốc cầu Năm Lý, quận 2 hai lần. Mỗi lần đá 1 trận mỗi trận cáp độ 1 triệu, Phát thắng 1 trận, thua 1 trận. Mỗi lần nộp 150.000 đồng tiền xâu cho Nhị. Khoảng 1 tháng sau, Lai Anh điện thoại thông báo đã rời trường gà sang dốc cầu Rạch Chiếc. Phát đến điểm này đá 2 lần, mỗi lần cáp độ 1 triệu/trận, nộp tiền xâu cho Nhị 150.000 đồng, thua 1 trận, thắng 1 trận (BL: V6 T4: 392-295).

- Trần Văn Hồng (Hồng lé), sinh 1957, ngụ tại lô G4, cư xá Vĩnh Hội, bến Vân Đồn, phường 6, quận 4, TP HCM. Tiến hành ghi lời khai, Hồng khai khoảng cuối năm 2000, Hồng có sang trường gà ở nhà ông Sáu Lạnh thuộc phường Phước Long A, quận 9 hai lần. Mục đích đến bán gà đá (Hồng nuôi gà đá từ năm 1997) và có tham gia đá gà 4 trận, mỗi trận cáp độ 100.000 đồng. Hồng không phải nộp tiền xâu vì cáp độ nhỏ. Những lần lên trường gà này, Hồng thấy Nhị là người trực tiếp thu tiền xâu.

Nguyễn Trương Thanh Thiện Tùng, Đặng Văn Phát, Trần Văn Hồng không phải là những con bạc chuyên nghiệp, phạm tội nhất thời. Hành vi đá gà ăn tiền (đánh bạc) của 3 đối tượng trên chưa đến mức phải đưa truy cứu trách nhiệm hình sự trước pháp luật mà đề xuất để xử lý hành chính.

2.5. Hành vi tổ chức đánh bạc của Phạm Minh Tâm và Huỳnh Phú Hải tại phòng 402 khách sạn 333 đường Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1, TP HCM.

Tháng 9/2000, Phạm Minh Tâm cùng vợ là Hồ Thị Tú Uyên thuê phòng 401 khách sạn 333 đường Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1 để ở. Thời gian này vợ chồng Tâm có thuê người làm công là Huỳnh Phú Hải, làm nhiệm vụ quét dọn phòng ở, mua đồ ăn uống, chở Tâm đi xem đá bóng và cá độ bóng đá. Hải cùng ăn ở với vợ chồng Tâm tại phòng 401. Đến tháng 10/2000, Tâm bàn với Hải thuê phòng 402 để cho Hải ở nhưng thực chất Tâm thuê để rủ bạn đến đánh bạc ăn tiền. Từ tháng 10/2000 đến giữa tháng 4/2001, Tâm thường xuyên tổ chức đánh bạc tại phòng 402 cùng các con bạc như Tư "Lé", Thành "Què", Đức "Nhớt", Thọ, Triều, Trí, Cường "Pêđê", Dũng, Quang, Nguyễn Văn Thành (Mười "Lù") và một số con bạc khác Tâm không biết tên. Hình thức đánh bạc chủ yếu là đánh xập xám để thu tiền xâu. Tâm cùng các con bạc dùng bộ bài túlơkhơ 52 lá, chia đều cho 4 người chơi, mỗi người có 13 lá. Sau khi tính toán, sắp xếp bài, mọi người úp bài xuống chiếu và từng người lật bài của mình lên. Cách tính 3 lá đầu, 5 lá giữa, 5 lá cuối và đem so sánh với bài người khác để tính điểm, ai nhiều điểm thì ăn, mỗi ván bài chơi khoảng 10 phút đồng hồ. Nếu thua thì mất từ 50.000 đồng đến 300.000đồng. Thời gian chơi bài khoảng 3-4 tiếng đồng hồ, nếu ai thua thì mất khoảng 5 triệu. Tiền xâu do Tâm và Hải thu được mỗi lần tổ chức chơi từ 200.000 đồng đến 1,5 triệu đồng. Mỗi tháng Tâm tổ chức đánh bạc khoảng 15 ngày, trung bình thu 8 triệu. Tổng số tiền xâu thu được từ tháng 10/2000 đến tháng 4/2001 là 40 triệu đồng (BL: V6 T17: 2255-2558). Các hình thức đánh bạc khác như đổ tài sửu, đổ bầu cua, đổ xí ngầu, chơi phỉnh, có chơi nhưng chơi rất ít, chủ yếu đánh xập xám để thu tiền xâu.

Nhân chứng Võ Thành Sơn, trú tại E4/34 Hương lộ 8, xã Tân Túc, Bình Chánh, quản lý khách sạn 333 Trần Hưng Đạo, quận 1 cho biết Phạm Minh Tâm cùng các con bạc trên có tụ tập đánh bài tại phòng 402 (BL: V6 T18: 2360-2361). Còn hình thức tổ chức đánh bạc như thế nào thì Võ Thành Sơn không biết cụ thể.

Nhân chứng Hồ Thị Tú Uyên, trú tại 35/14 Bà Hom, khu 7 xác nhận có thấy Tâm và các con bạc tổ chức đánh bài ăn tiền tại phòng 402, khách sạn 333 Trần Hưng Đạo, quận 1 (BL: V6 T17: 2346-2347).

Qua đấu tranh xét hỏi, Phạm Minh Tâm và Huỳnh Phú Hải đã khai nhận toàn bộ hành vi tổ chức đánh bạc của mình như đã nêu trên. Hành vi của Phạm Minh Tâm và Huỳnh Phú Hải đã phạm vào tội tổ chức đánh bạc, tội danh được quy định tại điều 249 BLHS nước CHXHCNVN.

2.6. Hành vi cá độ bóng đá của Phạm Minh Tâm và Trần Tuấn Anh

Ngoài việc tổ chức đánh bạc tại phòng 402, Tâm còn tham gia cá độ bóng đá với các tên Hùng, Tùng, Dũng, Khánh, Tiên, Thọ, Pháp Bắc, Thắng, Cường "Pêđê", Triều, Thái, Tuấn Anh tại các quán cà phê như 177 Nguyễn Thị Minh Khai, 84 Cống Quỳnh, quận 1; quán cà phê MiNi - khu phố 3, đường Phạm Đình Hổ, quận 6. Số tiền thắng thua trong quá trình cá độ bóng đá lên đến 300 triệu (BL: V6 T17: 2258).

Cơ quan điều tra đã tiến hành nhiều biện pháp để truy tìm các con bạc nhưng đến nay mới chỉ xác định được Trần Tuấn Anh, ngụ tại số 6 Đoàn Trần Nghiệp, Hà Nội. Qua thu thập lời khai các nhân chứng Trần Quốc Hùng và Phạm Thị Bích Ngà khai nhận có làm dịch vụ chuyển tiền giữa Huỳnh Phú Hải tại TP HCM và Trần Tuấn Anh ở Hà Nội nhiều lần với số tiền 139 triệu đồng (BL: V6 T17: 2350 - 2351; 2348 - 2349; 2355 - 2356).

Đấu tranh xét hỏi, Phạm Minh Tâm thừa nhận có hành vi cá độ bóng đá ăn tiền với Tuấn Anh. Kết quả thắng, thua đều giao cho Huỳnh Phú Hải giao - nhận tiền thông qua dịch vụ giao nhận của anh Trần Quốc Hùng ở TP HCM và Phạm Thị Bích Ngà ở Hà Nội.

Ngày 4/10/2002, cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố, bắt tạm giam đối với Trần Tuấn Anh. Qua khai thác, Tuấn Anh đã khai nhận hành vi cá độ bóng đá với Phạm Minh Tâm nhiều lần, không nhớ rõ cụ thể từng trận cá độ. Tuấn Anh không nhớ số tiền thắng cụ thể là bao nhiêu, chỉ nhớ số tiền thua cá độ với Phạm Minh Tâm 60 triệu đồng.

Hành vi của Phạm Minh Tâm và Trần Tuấn Anh đã phạm vào tội đánh bạc, tội danh được quy định tại điều 248 BLHS.

2.7. Hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc của Lê Thị Kim Anh

Năm 1998, Lê Thị Kim Anh sử dụng căn nhà của mình số 115/42 Trần Đình Xu, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP HCM làm nơi tổ chức đánh bạc. Hàng ngày Kim Anh cùng các con bạc gồm Lê Thị Yến, Võ Thị Bạch Hoa, chị Liễu, chị Ly, chị Phụng và một số con bạc khác đánh bài tứ sắc khoảng từ 9h, 10h đến 16, 22h thì nghỉ. Mỗi ngày đánh khoảng 3-10 chến, mỗi chến 1 người bỏ ra từ 300.000 đến 500.000 đồng, sau khi đánh xong 1 chến thì mỗi người đưa tiền xâu cho Kim Anh từ 5 đến 10.000 đồng. Như vậy 1 chến Kim Anh thu từ 20.000 đến 40.000 đồng. Kim Anh sử dụng tiền xâu này mua nước uống và thức ăn cho những con bạc chơi tại nhà mình. Vì vậy trừ tiền mua thức ăn cho những con bạc, mỗi ngày Kim Anh thu được từ 100.000-150.000 đồng tiền xâu.

Năm 1998, Kim Anh nghỉ không tổ chức đánh bạc tại nhà nữa mà chuyển sang kinh doanh nhà hàng, quán cà phê. Qua xác minh ghi lời khai của những người cùng tham gia chơi bạc với Kim Anh đều thừa nhận có chơi bạc với Kim Anh.

Đối với các con bạc tham gia chơi bạc gồm Lê Thị Yến, Võ Thị Bạch Hoa, chị Liễu đều đã khai nhận hành vi đánh bạc. Nhưng xét thấy hành vi đánh bạc nhỏ, vi phạm lần đầu nên chỉ đề nghị xử lý hành chính là đủ.

Ngoài ra, Lê Thị Kim Anh còn khai nhận đánh bạc bằng hình thức chơi số đề và đi sang Campuchia đánh bài cá lọt, nhưng quá trình điều tra chưa đủ cơ sở kết luận hành vi nêu trên.

Quá trình khám xét tại quán bar Hoàng Hôn (số 57 - 59 Lê Lợi, quận 1, TP HCM), Cơ quan điều tra có thu giữ 75 đĩa ca nhạc và 9 cuộn băng video. Tại bản giám định số 76/GĐ ngày 10/10/2002 của Tổ chức giám định tư pháp về văn hóa- Sở Văn hóa thông tin TP HCM kết luận: Tất cả số băng đĩa đều không có dán tem hợp pháp. Số băng đĩa hình ảnh mang tính chất hình sự Mỹ và truyện kiếm hiệp ma quái Trung Hoa, nội dung kích động bạo lực vừa thể hiện lối sống gấp, tất cả vì tiền, cám dỗ của đồng tiền là đĩa “Luyến tình nhân gian” với lối sống gấp. Số 65 đĩa tân nhạc lời Việt của ca sĩ Việt Nam. Đề nghị tịch thu toàn bộ băng đĩa trên và cho tiêu hủy hình ảnh có nội dung kích động bạo lực và sự cám dỗ của đồng tiền.

Căn cứ vào kết quả điều tra có đủ cơ sở kết luận Lê Thị Kim Anh phạm tội tổ chức đánh bạc, đánh bạc, tội danh được quy định tại điều 249, 248 BLHS nước CHXHCN Việt Nam.

2.8. Hành vi đánh bạc của Châu Đức Nghĩa và Võ Anh Dũng

Châu Đức Nghĩa quen biết Võ Anh Dũng (sinh 1970, trú tại 220/4 Cô Giang, phường 2, Phú Nhuận), là nhân viên phục vụ của nhà hàng Ra Khơi. Khoảng tháng 9/2001, Dũng đến nhà Nghĩa chơi và rủ nhau cá độ bóng đá ăn tiền. Hai bên thống nhất thông qua các trận bóng đá giải ngoại hạng Anh, Ý, cúp C1 trên VTV3, HTV7, HTV9 (BL: V6 T21 từ 2716 đến 2718). Trước khi có trận đấu trong giải trên (thường vào đêm thứ bảy, chủ nhật hàng tuần), Nghĩa dùng điện thoại di động số 0903.817745 điện cho Dũng số 0903.698896 hoặc Dũng điện cho Nghĩa (BL: V6 T21 từ 2650 đến 2651), hai bên bắt đội nào thắng, đội nào thua, tỉ số bao nhiêu. Nếu bên nào bắt đúng là thắng, sai là thua. Nếu cả hai bên đều sai là hòa. Thông thường mỗi bên đặt cược 5 triệu/độ. Nghĩa và Dũng cá độ với nhau tổng số 16 trận, Nghĩa thắng 8 trận, hòa 2 trận, thua 6 trận, thắng được 10 triệu đồng tiêu xài hết (BL: V6 T21: 2651). Sau trận đấu 2-3 ngày, Dũng trực tiếp đến nhà hàng Thanh Vy gặp Nghĩa nhận hoặc chung tiền.

Châu Đức Nghĩa và Võ Anh Dũng đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội nêu trên. Riêng Dũng khai cá độ với Nghĩa từ 12 đến 18 trận, mỗi trận từ 3 đến 5 triệu, có thắng, có thua. Vì thời gian lâu ngày nên không nhớ được cụ thể.

Ngoài ra, Châu Đức Nghĩa còn khai nhận: Ngoài việc cá độ bóng đá ăn tiền với Võ Anh Dũng, Nghĩa còn chơi bài tiến lên ăn tiền với Dũng (BL: V6 T21 từ 2719 đến 2721), Châu, Xương (BL: V6 T21 từ 2739-2741), Khánh (BL: V6 T21 từ 2735 - 2738) - là bạn bè của nhau, tại phòng hát karaoke trong nhà hàng Thanh Vy của Nghĩa. Mỗi lần chơi từ 10 đến 20 ván, nhất thắng 100.000 đồng, nhì thắng từ 30.000 đến 50.000 đồng. Nếu ai bị chặt hai, đè hai thì bị phạt 200.000 đồng (BL: V6 T21 từ 2654 - 2655).

Các đối tượng chơi bài với Nghĩa đều thừa nhận có hành vi đánh bài tiến lên ăn tiền như nêu trên nhưng mục đích là chơi giải trí, mức độ sát phạt nhỏ, các đối tượng đều có nhân thân tốt nên không xem xét xử lý về mặt hình sự đối với họ. Nghĩa còn khai nhận từ tháng 6/1999 đến cuối năm 2000, Nghĩa còn tham gia chơi bài xập xám ăn tiền tại phòng hát karaoke ở nhà hàng Thanh Vy với anh Cung (BL: V6 T21 từ 2722-2723), anh Lê Bá Bốn (BL: V6 T21 từ 2742-2744), anh Phi Long, anh Đoàn, anh Sửu (BL: V6 T21: 2745). Nhưng qua xác minh, các đối tượng trên không thừa nhận sự việc đánh bài xập xám với Nghĩa nên không có cơ sở kết luận (BL: V6 T21 từ 2656-2657).

Như vậy quá trình điều tra có đủ cơ sở kết luận Châu Đức Nghĩa có tham gia đánh bạc ăn tiền dưới hình thức cá độ bóng đá với Võ Văn Dũng, tham gia đánh bài tiến lên ăn tiền với Dũng, Châu, Xương, Khánh tại phòng karaoke. Hành vi của Châu Đức Nghĩa và Võ Anh Dũng đã đủ yếu tố cấu thành tội đánh bạc, tội danh được quy định tại điều 248 BLHS cần phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật
 
Bình ơi,mày copy cái đoạn này ở đâu ra vậy?Mày làm tao sợ đấy.Nhìn mỏi cả mắt.
 
Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 9): Các vụ đưa và nhận hối lộ khi "ông trùm" bị bắt lần đầu

Dưới sự dẫn dắt của Nguyễn Văn Thuyết (Thuyết "Buôn Vua"), đàn em Năm Cam đã tiếp cận ông Lê Thanh Đạo, Phạm Sĩ Chiến (nguyên viện trưởng và phó viện trưởng VKSND Tối cao) và Trần Mai Hạnh (nguyên tổng thư ký Hội nhà báo Việt Nam). Hàng trăm nghìn USD đã được chi để chạy tội cho "ông trùm".

A. Các vụ án do Trương Năm Cam và đồng bọn thực hiện

V. Các tội về chức vụ có liên quan đến hành vi phạm tội và chạy tội cho Trương Văn Cam

1. Hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ (xảy ra năm 1995 và 2001).

1.1. Hành vi đưa hối lộ của Trương Văn Cam thời điểm trước khi Trương Văn Cam bị đưa đi tập trung cải tạo năm 1995

Đầu năm 1995, Trương Văn Cam phát hiện đang bị công an điều tra về hoạt động phạm tội nên rất lo sợ và tìm cách lo chạy các cơ quan pháp luật để giảm thoát tội. Trương Văn Cam đã mua vé máy bay ra Hà Nội nhờ Thắng "Tài Dậu" dẫn đến nhà Trần Văn Thuyết ở số 91 Nguyễn Thái Học, Hà Nội để nhờ Thuyết lo chạy giúp (vì biết Thuyết có quen nhiều cán bộ ở các cơ quan pháp luật, các cơ quan báo chí ở trung ương). Thuyết hướng dẫn cho Trương Văn Cam viết đơn gửi các lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Theo lời khai của Trần Văn Thuyết và Năm Cam, Thuyết dẫn Trương Văn Cam đến nhà ông Cao Huy Phước (cán bộ công an về hưu) ở 111 Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tại đây, Thuyết đặt vấn đề nhờ ông Phước chuyển đơn kêu oan của Trương Văn Cam đến Bộ trưởng Nội vụ, ông Phước đồng ý. Việc Trương Văn Cam gửi đơn xin kêu cứu xét đến ông Bộ trưởng Nội vụ trước thời điểm Thuyết bị bắt tập trung giáo dục cải tạo năm 1995 là có thật. Sau đó theo yêu cầu của Thuyết, Trương Văn Cam đến nhà người em kết nghĩa tên là Nguyễn Văn Hậu, có vợ là Trâm, ở 105 ngõ 1, Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội, mượn 10.000 USD để Thuyết chi phí. Số tiền này Thuyết khai đưa cho ông Phước 3.000 USD, còn lại Thuyết tiêu xài cá nhân. Vợ chồng anh Hậu xác nhận có việc cho Năm Cam vay 10.000 USD ở thời điểm nói trên.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm việc với ông Cao Huy Phước, ông Phước khai có biết Trần Văn Thuyết, nh­ưng ông Phước không thừa nhận việc Thuyết dẫn Trương Văn Cam đến nhà đưa ông 3.000 USD và nhờ gửi đơn kêu oan của Trương Văn Cam đến Bộ trưởng Nội vụ.

Qua lời khai của bị can Trương Văn Cam và bị can Trần Văn Thuyết thấy có cơ sở khẳng định việc Thuyết dẫn Trương Văn Cam đến nhà ông Cao Huy Phước để đặt vấn đề nhờ ông Phước chuyển đơn kêu oan của Trương Văn Cam đến ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ là có thật. Còn việc ông Phước có nhận 3.000 USD từ Trần Văn Thuyết hay không thì chưa có cơ sở để khẳng định.

Một mặt lo "chạy tội", mặt khác Trương Văn Cam rất cảnh giác luôn lẩn tránh sự theo dõi, giám sát của công an và có biểu hiện chạy trốn. Xét thấy nếu để Trương Văn Cam ở ngoài xã hội sẽ trở ngại cho việc điều tra làm rõ hoạt động phạm tội của hắn và đồng bọn, và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ đã chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ của Bộ Nội vụ và Công an TP HCM khẩn trương lập hồ sơ đưa Trương Văn Cam đi tập trung giáo dục cải tạo. Qua đó để điều tra làm rõ các hành vi phạm tội của hắn và đồng bọn.

Thực hiện chủ trương trên, ngày 20/5/1995, Chủ tịch UBND TP HCM có quyết định số 73 đưa Trương Văn Cam đi tập trung giáo dục cải tạo với thời hạn 3 năm. Đến ngày 22/5/1995 Trương Văn Cam bị bắt đưa về Trại tạm giam Bộ Nội vụ ở Hà Tây.

Trương Văn Cam là một tên tội phạm có nhiều tiền án và tiền sự nên có rất nhiều kinh nghiệm đối phó với các cơ quan pháp luật nhằm che giấu hành vi phạm tội của mình. Khi biết tin Bộ Nội vụ chuẩn bị bắt, Năm Cam đã mua vé máy bay ra Hà Nội, thông qua Thắng "Tài Dậu" để gặp Trần Văn Thuyết. Hắn đã đưa cho Thuyết 10.000 USD nhằm mục đích lo chạy tội cho y tránh khỏi sự trừng phạt của pháp luật.

Hành vi trên của Trương Văn Cam đã phạm vào tội đưa hối lộ, tội danh được quy định tại điều 289 BLHS.

1.2. Hành vi đưa - nhận hối lộ sau khi Trương Văn Cam bị đưa đi tập trung giáo dục cải tạo của , Dương Ngọc Hiệp, Trần Văn Thuyết, Trần Mai Hạnh và Phạm Sỹ Chiến

Tháng 6/1995, Trúc cùng Hiệp ra Hà Nội thông qua Thắng "Tài dậu" dẫn đến gặp Trần Văn Thuyết tại 91 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Tại đây, Hiệp đặt vấn đề tiếp tục nhờ Thuyết lo "chạy tội" cho Trương Văn Cam thoát khỏi việc tập trung giáo dục cải tạo. Thuyết đồng ý và nói với Hiệp phải chuẩn bị tiền để đưa cho một số cá nhân có chức trách trong việc giải quyết vụ này, đồng thời gia đình phải viết đơn (kêu oan) cho Trương Văn Cam, do đứng tên, gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan pháp luật gồm VKSND Tối cao, Bộ Nội vụ và các cơ quan báo chí để lên tiếng gây áp lực. Để tìm đến những cơ quan và những người có thẩm quyền, Trần Văn Thuyết đã nhờ Nguyễn Thập Nhất, nguyên trưởng phòng kiểm sát giam giữ VKSND Hà Nội, nghiên cứu thảo đơn và sắp xếp trình tự gửi đơn đến các cơ quan bảo vệ pháp luật và công luận, sau đó đưa cho Dương Ngọc Hiệp đánh máy và ký tên gửi qua đường bưu điện đến các nơi cần thiết.

Mặt khác Trần Văn Thuyết nhờ Nguyễn Thập Nhất dẫn mình và Dương Ngọc Hiệp đến nhà ông Lê Thanh Đạo, nguyên viện trưởng VKSND Tối cao, để làm quen. Từ đó Thuyết đặt vấn đề nhờ xem xét giúp đỡ cho Trương Văn Cam. Để tập trung tiền lo chạy cho Trương Văn Cam, bàn với Hiệp "phò mã" và gia đình sử dụng số tiền 1 tỷ đồng trước đây đã thế chấp căn nhà 191 Lý Tự Trọng, phường Bến Thành, quận 1, TP HCM, cho Ngân hàng Sài Gòn công thương - chi nhánh Thái Bình (số tiền này trước khi Trương Văn Cam bị bắt tập trung cải tạo đã chuẩn bị trả, vì vậy, đã phải gia hạn từ sau khi Trương Văn Cam bị bắt tập trung cải tạo năm 1995, đến tháng 2/1998 đã trả xong) và bán một xe Nissan được 280 triệu đồng, tất cả gom được khoảng 1,3 tỷ đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã xác minh việc huy động tiền trên của gia đình Trương Văn Cam là có thật.

Theo lời khai của bị can Dương Ngọc Hiệp, năm 1995-1997 Hiệp thường xuyên có mặt ở Hà Nội để theo dõi việc Trần Văn Thuyết lo “chạy tội” cho Trương Văn Cam. Trong thời gian này, theo yêu cầu của Thuyết, Hiệp đã nhiều lần đến nhà riêng đưa tiền cho Thuyết để Thuyết đưa cho một số cá nhân ở cơ quan bảo vệ pháp luật và công luận. Tổng số tiền đã đưa là 75.000 USD, 20 triệu đồng tiền Việt Nam, 1 đồng hồ đeo tay hiệu Rolex trị giá 5.000 USD, mục đích nhờ vả lo chạy tội cho Trương Văn Cam. Sau mỗi lần đi quan hệ như trên, Thuyết đều thông báo kết quả công việc cho Hiệp biết và yên tâm.

Bị can Trần Văn Thuyết khai: Năm 1995 Trương Văn Cam và gia đình (Phan Tại Trúc và Hiệp "Phò mã") có nhờ Thuyết lo "chạy tội" cho Trương Văn Cam. Từ 1995 đến 1997, Thuyết nhận tiền của Trương Văn Cam tại nhà riêng của Thuyết (trước khi Trương Văn Cam bị bắt đưa đi tập trung cải tạo) và của Hiệp "Phò mã" nhiều lần. Tổng số tiền là 67.000 USD, 10 triệu đồng và một đồng hồ hiệu Rolex trị giá 5.000 USD. Như vậy, Thuyết khai nhận số tiền để lo "chạy tội" cho Trương Văn Cam ít hơn so với lời khai của Trương Văn Cam và Hiệp "Phò Mã" (tiền chênh lệch là 152.000.000 đồng).

Thuyết khai, để giải thoát tập trung giáo dục cho Trương Văn Cam, hắn đã thống nhất với Dương Ngọc Hiệp hai phương án sau: Thứ nhất, phải thông qua cơ quan ngôn luận để đăng tải đơn kêu oan của Trương Văn Cam trên báo chí, nhằm tạo áp lực của dư luận và công luận. Thứ hai, đặt vấn đề với một số cá nhân có chức quyền ở cơ quan pháp luật để nhờ xem xét và "chạy tội" cho Trương Văn Cam.

Trong thời gian 1995-1997, Thuyết đã dẫn Hiệp đến gặp một số cá nhân trong cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan ngôn luận nhờ vả và đưa tiền. Trước khi đến gặp những người đó, Thuyết yêu cầu Hiệp đưa tiền để Thuyết bỏ phong bì và mua quà. Sau đó, Thuyết trực tiếp đưa tại nhà riêng hoặc nơi làm việc cho một số cá nhân hoặc tại nhà riêng của Thuyết và các quán ăn nhậu. Số tiền Thuyết nhận của Hiệp nhiều nhưng Thuyết không đưa hết theo như đã nói với Hiệp, thường giữ lại một số để sử dụng cá nhân. Bằng thủ đoạn như trên, Thuyết lo chạy chi phí cho Trương Văn Cam hết 51.000 USD, còn lại 17.000 USD, Thuyết để sử dụng cá nhân, số tiền của Trần Văn Thuyết nhận của Hiệp do không có biên nhận với nhau, nên đến nay Trần Văn Thuyết khai số tiền đã nhận của Hiệp là 68.000 USD là có cơ sở tin cậy được.
 
ố tiền trên Trần Văn Thuyết khai đã đưa cho một số người, cụ thể là:

a. Trần Văn Thuyết và Dương Ngọc Hiệp đưa cho ông Trần Mai Hạnh, nguyên tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam 6.000 USD, 1 dàn máy nghe nhạc của Nhật trị giá 3.000 USD và một chiếc đồng hồ Omega trị giá 2.500 USD

Năm 1992, ông Trần Mai Hạnh bị tai nạn giao thông cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức - Hà Nội. Trong thời gian này, ông quen biết Trần Văn Thuyết (trước khi đó ông Hạnh không biết Thuyết). Năm 1993, Trần Văn Thuyết đến nhà riêng ông Hạnh tại khu tập thể Đài tiếng nói Việt Nam (dốc Thọ Lão, Hà Nội) thăm gia đình. Từ đó, Thuyết quan hệ thân thiết ông Trần Mai Hạnh cho đến trước khi y bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt, năm 2002.

Khi khám xét nhà ở của Trần Văn Thuyết tại Hà Nội và nhà ở của Tôn Vĩnh Đắc ở TP HCM, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thu được một số tấm ảnh ông Trần Mai Hạnh, Phạm Sỹ Chiến (nguyên phó viện trưởng VKSND Tối cao) và một số đối tượng khác trong vụ án Năm Can như Hiệp "Phò Mã", Tôn Vĩnh Đắc, Trần Văn Thuyết, Nguyễn Thập Nhất (chụp chung từ tháng 2/1997 tại Hà Nội, khi Trương Văn Cam đang bị tập trung cải tạo); tấm ảnh ông Trần Mai Hạnh chụp với vợ chồng Tôn Vĩnh Đắc năm 1998 tại thành phố Vũng Tàu. Hiệp "Phò Mã" khai rằng người chụp chung trong ảnh, như ông Hạnh, ông Chiến, Trần Văn Thuyết và Nguyễn Thập Nhất, là những người mà Hiệp và Thuyết có quan hệ để lo "chạy tội" cho Năm Cam khi bị tập trung giáo dục cải tạo thời điểm 1995-1997. Đến năm 2000, ông Hạnh còn đến dự buổi tiệc sinh nhật con gái Trần Văn Thuyết tại khách sạn Daewoo - Hà Nội… Điều đó thể hiện mối quan hệ giữa ông Hạnh và các bị can nói trên là liên tục thân thiết và trong một thời gian dài. Đồng thời còn thể hiện các việc làm sai trái, thiên lệch một cách tùy tiện của ông Trần Mai Hạnh, rõ ràng xuất phát từ động cơ cá nhân chứ không phải là làm theo chức năng thông thường của cơ quan báo chí.

Để thực hiện ý đồ gây áp lực bằng dư luận, công luận như nói ở trên, buộc các cơ quan bảo vệ pháp luật phải tha Trương Văn Cam, Thuyết đã nhờ ông Hạnh đăng đơn của bà kêu oan cho chồng là Trương Văn Cam trên báo, nhờ ông Hạnh vừa có công văn hỏi cơ quan pháp luật và vừa đăng việc đó trên báo. Thực tế, ông Trần Mai Hạnh với danh nghĩa là Tổng biên tập báo Nhà báo và Công luận đã cho đăng 2 bài báo theo yêu cầu của Thuyết (bài "Về đơn khiếu nại của bà Phan Thi Trúc" và bài "VKSND Tối cao kiến nghị về trường hợp tập trung cải tạo đối với Trương Văn Cam"). Đồng thời, dưới danh nghĩa Hội nhà báo Việt Nam, ông Trần Mai Hạnh đã trực tiếp ký 2 văn bản số 333/HNB ngày 1/2/1996 gửi ông Phạm Sỹ Chiến - Phó viện trưởng VKSND Tối cao - đề nghị xem xét đơn của , và văn bản số 703/HNB ngày 26/10/1996 đề nghị VKSND Tối cao cho biết quan điểm và kết quả việc xem xét đơn của .

Trần Văn Thuyết khai: Năm 1995 Thuyết dẫn Hiệp đến nơi làm việc của ông Hạnh đặt vấn đề nhờ đăng tải đơn của bà kêu oan cho Trương Văn Cam lên báo chí, ông Hạnh đồng ý. Kết quả ông Hạnh đã cho đăng đơn 2 kỳ, ký công văn gửi các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết đơn của bà như nói ở trên, và đăng tinh thần nội dung công văn số 1333 kiến nghị hủy bỏ quyết định tập trung giáo dục cải tạo đối với Năm Cam của VKSND Tối cao gửi Bộ Nội vụ. Trong các bài báo trên, ông Hạnh đã đưa ra các kết luận, nhận xét có tính chất khẳng định "sai phạm nghiêm trọng” trong việc tập trung cải tạo đối với Trương Văn Cam, chứ không phải chỉ có tính chất đưa tin, chuyển đơn. Lý lẽ mà hai bài báo đó nêu ra rất dễ làm cho người đọc tin là có thật.

Ngày 26 và 29/7/2002, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm việc với ông Trần Mai Hạnh về việc Thuyết và Hiệp đặt vấn đề nhờ xem xét việc đăng tải trên báo Nhà báo và công luận về đơn kêu oan cho Trương Văn Cam do đứng tên. Khi được hỏi về các kết luận trong các bài báo nói trên thì ông Trần Mai Hạnh khai không cử cán bộ đi xác minh, thu thập tài liệu; không nghiên cứu kết luận ngày 29/5/1989 của Hội đồng Nhà nước về việc tiếp tục thực hiện tập trung cải tạo theo nghị quyết 49/NQTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21/6/1961 mà lại đăng báo; khẳng định việc Bộ Nội vụ bắt Trương Văn Cam đi tập trung giáo dục cải tạo năm 1995 là vi phạm thủ tục xét duyệt, mà không xác minh trao đổi với Bộ Nội vụ. Ông Hạnh chỉ căn cứ vào đơn của bà mà đăng báo khẳng định không có tài liệu nào phản ánh Trương Văn Cam đã từng bị xử lý giáo dục cả về hành chính và hình sự, khẳng định ông Nguyễn Hữu Ngọc (cán bộ Cục Cảnh sát hình sự) thu giữ, sử dụng điện thoại di động của gia đình Trương Văn Cam gây thiệt hại gần 20 triệu đồng. Ông Hạnh thừa nhận việc đó là tùy tiện.

Bị can Tôn Vĩnh Đắc (Long "Đầu Đinh") khai: năm 1995-1996 chở ông Hạnh 2 lần từ nhà Thuyết về cơ quan và nhà riêng của ông Hạnh tại ngõ 101F15 Thái Hà, Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội.

- Về việc Trần Văn Thuyết và Dương Ngọc Hiệp khai đưa tài sản và tiền cho ông Trần Mai Hạnh như sau:

+ Thuyết và Hiệp khai đã đưa cho ông Mai Hạnh một đồng hồ Omega như sau: Năm 1996, Dương Ngọc Hiệp lấy chiếc đồng hồ Rolex trị giá 5.000 USD của Năm Cam, cùng đi với Thuyết bằng xe ôtô của Thuyết đến cơ quan của ông Hạnh. Đeo thử thấy to, ông Hạnh thích chiếc Omega của Thuyết đang đeo trên tay hơn. Do đó, ông Hạnh đã lấy chiếc Omega của Thuyết (trị giá 2.500 USD), còn Thuyết lấy chiếc đồng hồ Rolex của Hiệp để sử dụng. Việc này cả Thuyết và Hiệp đều biết.

+ Dương Ngọc Hiệp và Trần Văn Thuyết khai đưa tiền cho ông Hạnh 4 lần cụ thể là:

Lần thứ nhất: Tại nhà riêng của Trần Văn Thuyết, ông Hạnh đến ăn cơm trưa, trước khi ông Hạnh về Thuyết có chuẩn bị một phong bì 1.000 USD, loại 100 USD, Hiệp có biết và còn kiểm tra xem có đúng 1.000 USD không. Thuyết đưa cho Hiệp và Hiệp đưa cho ông Hạnh, Thuyết khai có biết việc này. Thời gian này theo Thuyết khai là thời gian gia đình Hiệp chuyển đơn để nhờ ông Hạnh đăng báo.

Lần thứ hai: Cách lần 1 khoảng 1 tháng, tại nhà Trần Văn Thuyết, chỉ có Hiệp, Thuyết và ông Hạnh. Thuyết chuẩn bị một phong bì bên trong bỏ 1.000 USD (loại 100 USD). Hôm đó, ông Hạnh đến nhà Thuyết ăn cơm trưa, khi ăn xong ông Hạnh ra về, Hiệp chạy theo bỏ phong bì có 1.000 USD vào túi áo vest của ông Hạnh (Thuyết khai thời điểm này là sau khi ông Hạnh cho đăng báo kêu oan của cho Năm Cam).

Lần thứ ba: Tại phòng làm việc của ông Hạnh, thời gian Hiệp không nhớ, có Hiệp và Thuyết với ông Hạnh. Thuyết chuẩn bị phong bì có bỏ 1.000 USD, Hiệp có nhìn thấy, Thuyết đưa cho ông Hạnh.

Lần thứ tư: Khi báo đăng kiến nghị của VKSND Tối cao đề nghị trả tự do cho Năm Cam thì Thuyết nói Hiệp chuẩn bị phong bì Hiệp có bỏ vào 3.000 USD (Hiệp chuẩn bị phong bì), Hiệp và Thuyết đến cơ quan của ông Hạnh bằng xe của Thuyết. Đến cơ quan ông Hạnh, Thuyết đã đưa phong bì này cho ông Hạnh, việc này có Hiệp chứng kiến.

Ngoài ra, Hiệp còn khai năm 1996, ông Hạnh sửa nhà, ông Hạnh hỏi mượn Thuyết 20 cây vàng, nhưng Thuyết không có, Thuyết hỏi Hiệp mượn 10.000 USD để đưa cho ông Hạnh mượn. Thuyết đã đưa tiền này cho ông Hạnh, theo Thuyết khai thì ông Hạnh đã trả Thuyết số tiền này, song khi ông Hạnh sửa nhà lần 2 thì ông có hỏi vay Thuyết 140 triệu đồng. Thuyết lấy 100 triệu trước đây chưa trả Hiệp (10.000 USD) và mượn 40 triệu đồng đưa cho ông Hạnh, ông Hạnh đã trả Thuyết 40 triệu đồng. Hiệp có hỏi Thuyết 2 lần số tiền trên nhưng Thuyết nói là chưa có, đến khi Hiệp bị bắt thì Thuyết chưa trả Hiệp số tiền trên.

Thuyết còn khai: Năm 1996, Thuyết đặt vấn đề lắp cho ông Hạnh một dàn máy nghe nhạc cho ông Hạnh nhưng đến năm 1999 thì Thuyết mới lắp (dàn máy gồm 1 tivi 21 in, một đầu video, một âm ly, hai loa thùng là loại hàng của Nhật), Thuyết khai là tiền của Thuyết vì năm 1997 Năm Cam đã được tha.

Mặc dù, ông Hạnh không thừa nhận đã nhận tiền, đồng hồ Omega, dàn máy nghe nhạc của Thuyết và Hiệp nhưng việc Thuyết và Hiệp khai đưa tiền cho ông Hạnh 4 lần thì đều có Hiệp và Thuyết. Khi Hiệp đưa tiền thì Thuyết chứng kiến hoặc khi Thuyết đưa tiền thì Hiệp chứng kiến trực tiếp. Việc đưa chiếc đồng hồ Omega có cả Hiệp và Thuyết trực tiếp đưa, chứng cứ này là chấp nhận được. Việc đưa, nhận hối lộ này lại phù hợp với những việc làm mà ông Hạnh đã làm cho Thuyết và Hiệp - làm theo yêu cầu của người đưa hối lộ (ông Hạnh cho đăng 2 bài báo trên và có 2 công văn hỏi VKSND Tối cao về việc của Năm Cam), do đó có căn cứ xác định.

Bị can Trần Văn Thuyết và Dương Ngọc Hiệp khai năm 1996, Thuyết bàn với Hiệp định mua cho ông Hạnh một dàn máy nghe nhạc loại của Nhật gồm 1 tivi 21 in, 1 âm ly, 1 đầu CD, 1 đầu video, 2 cặp loa trị giá 3.000 USD, nhưng do ông Hạnh nói đang định sửa nhà nên đến năm 1999 Thuyết mới lắp đặt dàn máy này cho ông Hạnh tại phòng ngủ tầng 2 nhà ông Hạnh ở Thái Hà - Hà Nội. Nguồn tiền mua dàn máy nghe nhạc nói trên, Thuyết đã nói rõ cho ông Hạnh biết là nguồn tiền của Hiệp đưa cho Thuyết. Khi Thuyết đem dàn máy trên ráp tại nhà ông Hạnh, có vợ ông Hạnh là bà Kim Anh biết.

Năm 1996, bị can Dương Ngọc Hiệp lấy chiếc đồng hồ Rolex của Trương Văn Cam sử dụng (do người bạn của Trương Văn Cam cho) trị giá 5.000 USD cùng với Thuyết đi xe ô tô của Thuyết do Thuyết lái đến cơ quan của ông Hạnh để đưa cho ông Hạnh là có thật. Nhưng ông Hạnh không lấy chiếc đồng hồ Rolex mà ông Hạnh lại thích chiếc đồng hồ Omega của Thuyết đang đeo ở tay và ông Hạnh lấy chiếc đồng hồ Omega (trị giá 2.500 USD) của Thuyết để sử dụng, còn chiếc đồng hồ Rolex thì Thuyết sử dụng (việc này cả bị can Trần Văn Thuyết và Dương Ngọc Hiệp đều biết và đều khai nhận hoàn toàn khớp với nhau).

Năm 1996, ông Hạnh hỏi mượn Thuyết 20 lượng vàng để mua nhà, Thuyết nói với Hiệp cho mượn 10.000 USD để đưa cho ông Hạnh sử dụng, cuối năm 1996, ông Hạnh đưa lại cho Thuyết. Năm 1999 gia đình ông Hạnh sửa nhà, ông Hạnh hỏi vay Thuyết vay 140 triệu, Thuyết sử dụng 100 triệu còn lại của Hiệp trước đây mà Thuyết chưa trả và Thuyết bỏ ra thêm 40 triệu đồng là 140 triệu đồng. Hiện nay ông Hạnh đã trả Thuyết 40 triệu, còn thiếu 100 triệu (nguồn tiền này Thuyết khai của Dương Ngọc Hiệp).

Ngày 29/6/2002, bị can Trần Văn Thuyết và ngày 29/5/2002 bị can Dương Ngọc Hiệp khai trong hai năm 1995 và 1996, Hiệp đưa cho ông Hạnh 2 lần tiền tại nhà riêng của Thuyết (91 Nguyễn Thái Học, Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội), mỗi lần 1.000 USD. Việc chuẩn bị phong bì này do Thuyết làm, Hiệp có biết. Khi Hiệp đưa phong bì cho ông Hạnh, có Thuyết chứng kiến. Và 2 lần đưa tiền cho ông Hạnh tại cơ quan làm việc của ông Hạnh, Hiệp chuẩn bị phong bì 1.000 USD và 3.000 USD, khi Thuyết đưa 2 phong bì trên cho ông Hạnh thì có Hiệp chứng kiến.

Ngày 26 đến 29/7/2002, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an làm việc với ông Hạnh, ông Hạnh không thừa nhận việc nhận tiền và vật chất như lời khai của Thuyết và Hiệp, ông Hạnh chỉ nhận 2 bộ đồ vest mới và quần áo sơmi, một số bộ đầm cho vợ ông Hạnh (ông Hạnh không biết giá trị Thuyết mua là bao nhiêu).

Khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an hỏi ông Trần Mai Hạnh về kết luận của Hội nghị lần thứ sáu khóa IX - Ban chấp hành Trung ương là ông Hạnh "đã sử dụng chức quyền và báo chí để liên tục đưa ra công luận nhiều thông tin thiếu trách nhiệm, không trung thực, sai sự thật, có trường hợp vi phạm luật báo chí nhằm chạy tội cho Trương Văn Cam và có quan hệ trực tiếp trong thời gian dài với một số phần tử xấu". Ông Hạnh đã trả lời: “Tôi không hiểu sâu sắc về pháp luật, theo tài liệu của VKSND Tối cao, tôi không lợi dụng thông tin để gỡ tội cho Trương Văn Cam, việc quan hệ với phần tử xấu chỉ có Trần Văn Thuyết còn các phần tử khác là không, khẳng định việc đưa tin không đúng sự thật, vi phạm luật báo chí là đúng”.

Mặc dù đến nay, ông Hạnh không thừa nhận việc Thuyết và Hiệp đưa tiền, tài sản cho ông như trình bày ở trên, ông Hạnh chỉ khai nhận có nhận 2 bộ đồ vest mới và quần áo sơmi, một số bộ đầm cho vợ ông Hạnh. Nhưng qua lời khai của bị can Trần Văn Thuyết ngày 29/6/2002 và của bị can Tôn Vĩnh Đắc, cùng với bức ảnh ông Hạnh chụp chung với các bị can có cơ sở để khẳng định việc ông Hạnh quan hệ thân thiết lâu dài với các đối tượng "chạy tội" cho Trương Văn Cam là có thật. Điều đó phù hợp với việc làm tùy tiện quá sốt sắng, thậm chí cả việc vi phạm luật báo chí để đáp ứng ý đồ của gia đình Trương Văn Cam và Trần Văn Thuyết là phải sử dụng báo chí nhằm để gây áp lực - sức ép đối với Cơ quan chức năng trong việc đưa Trương Văn Cam đi tập trung cải tạo. Từ việc đánh giá tổng hợp tất cả các tài liệu nói trên cho thấy: Việc bị can Thuyết và Hiệp khai có đưa 8.500 USD và dàn máy nghe nhạc của Nhật trị giá 3.000 USD cho ông Hạnh là có cơ sở.

Các hành vi trên của ông Trần Mai Hạnh đã phạm vào tội nhận hối lộ, tội danh được quy định tại điều 279 BLHS. Việc sử dụng báo chí để bảo vệ cho một tên cầm đầu băng nhóm tội phạm rất nguy hiểm là Trương Văn Cam, rõ ràng đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong xã hội, do đó cần thiết phải được xử lý nghiêm khắc trước pháp luật đối với ông Trần Mai Hạnh để có tác dụng răn đe giáo dục chung. Đồng thời, góp phần củng cố và phát huy chức năng quan trọng của báo chí trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn kỷ cương pháp luật.

Đối với công văn 1333 ngày 19/8/1996 của VKSND Tối cao gửi Bộ Nội vụ kiến nghị hủy bỏ quyết định tập trung giáo dục cải tạo đối với Năm Cam của UBND TP HCM là tài liệu mật nhưng ông Hạnh lại cho đăng tinh thần nội dung công văn trên lên báo chí, ông Hạnh thừa nhận việc đó là vi phạm luật báo chí. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an yêu cầu ông Hạnh trình bày về việc ai là người đi thu thập nội dung công văn trên, ai là người ở VKSND Tối cao cung cấp công văn số 1333 thì ông Hạnh không trả lời được và xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc này (vì công văn của VKSND Tối cao trả lời ông Hạnh không nêu cụ thể nội dung văn bản số 1333, trong khi đó bài báo lại nêu rất chi tiết văn bản này).

Hành vi trên của ông Trần Mai Hạnh đã phạm vào tội cố ý làm lộ bí mật công tác, tội danh được quy định tại điều 286 BLHS.
 
b. Trần Văn Thuyết đưa cho ông Phạm Sỹ Chiến, nguyên phó viện trưởng VKSND Tối cao 3.000 USD và 1 dàn máy nghe nhạc của Nhật trị giá 3.000 USD

Ngoài việc thông qua ông Hạnh để sử dụng phương tiện báo chí can thiệp cho Trương Văn Cam, Trần Văn Thuyết đã gặp Nguyễn Thập Nhất để quan hệ với một số cán bộ lãnh đạo của VKSND Tối cao, trong đó có ông Phạm Sỹ Chiến, Phó viện trưởng VKSND Tối cao. Kết quả điều tra, ngoài lời khai của Thuyết, Nguyễn Thập Nhất, Hiệp "Phò Mã", Long "Đầu Đinh" và anh Thông (lái xe cho Thuyết), Cơ quan điều tra còn thu được một số bức ảnh thể hiện rất rõ mối quan hệ chặt chẽ, lâu dài với các đối tượng tham gia trực tiếp vào việc "chạy" cho Trương Văn Cam thoát khỏi việc xử lý của pháp luật, cụ thể như sau:

Trong khi khám xét nhà ở của bị can Trần Văn Thuyết ở Hà Nội và bị can Tôn Vĩnh Đắc ở TP HCM, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an có thu giữ được một số tấm ảnh, trong đó có ảnh ông Phạm Sỹ Chiến (Phó viện trưởng VKSND Tối cao) chụp chung với một số đối tượng trong vụ án Năm Cam như Trần Văn Thuyết, vợ chồng ông Hạnh, Tôn Vĩnh Đắc, Dương Ngọc Hiệp, Nguyễn Thập Nhất. Một tấm ảnh khác chụp có bà Phạm Thị Chức (vợ ông Chiến), ông Phạm Sỹ Chiến, anh Vũ Văn Mão (lái xe cho Thuyết), vợ chồng anh Thành (giám đốc khách sạn Mai Anh). Tấm ảnh này được chụp tại bữa tiệc sinh nhật con gái của Thuyết là Trần Thị Hiền năm 2000 tại khách sạn Daewoo - Hà Nội. Điều đó, chứng tỏ trong thời gian Trương Văn Cam đang tập trung cải tạo và sau khi được tha thì ông Chiến vẫn có quan hệ thân thiết, chặt chẽ với nhóm "chạy tội" cho Trương Văn Cam.

Xem xét lại việc chỉ đạo thẩm tra và ra kiến nghị huỷ bỏ quyết định tập trung cải tạo đối với Trương Văn Cam của ông Phạm Sỹ Chiến có diễn biến như sau:

Tháng 6/1995, sau khi bàn bạc với Nguyễn Thập Nhất về việc quan hệ với các cơ quan pháp luật ở trung ương để lo chạy giúp Năm Cam được tha, thoát khỏi tập trung cải tạo và không bị truy tố trước pháp luật. Nhất dẫn Thuyết và Hiệp "Phò Mã" đến nhà riêng của ông Phạm Sỹ Chiến tại An Dương, Yên Phụ, Hà Nội. Thuyết giới thiệu với ông Chiến xem xét giúp đỡ đơn khiếu nại bị tập trung cải tạo oan cho Năm Cam do bà đứng tên. Ông Chiến hướng dẫn cho Thuyết là không tiếp nhận giải quyết đơn ở nhà riêng, yêu cầu gửi đơn cho các vụ nghiệp vụ của VKSND Tối cao xem xét và đề xuất. Sau đó, Thuyết, Nhất đã hướng dẫn cho Hiệp viết đơn khiếu nại Năm Cam bị tập trung cải tạo oan, do bà đứng tên gửi VKSND Tối cao qua đường bưu điện.

Sau khi VKSND Tối cao nhận được khiếu nại của , ông Chiến đã giao và chỉ đạo Vụ kiểm sát điều tra án trị án - TAND Tối cao thẩm tra xác minh. Đến ngày 6/10/1995, ông Phạm Sỹ Chiến đã ký công văn số 1597 gửi lãnh đạo Bộ Nội vụ đề nghị chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra cung cấp cho VKSND Tối cao: Lý do Năm Cam bị bắt, tài liệu về hành vi phạm pháp của Năm Cam, thành phần xét duyệt tập trung cải tạo và thủ tục bắt giam Năm Cam.

Đến ngày 25/10/1995, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát Bộ Nội vụ đã có công văn số 2457 phúc đáp công văn nói trên của VKSND Tối cao, nội dung văn bản này thể hiện rất chi tiết nội dung: Việc bắt tập trung giáo dục cải tạo đối với Trương Văn Cam là thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; việc tập trung Năm Cam là đúng thủ tục đúng đối tượng, được nhân dân TP HCM và công luận rất hoan nghênh, đồng tình ủng hộ.

Ngày 13/2/1996, ông Phạm Sỹ Chiến chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Bộ Nội vụ để bàn giải quyết đơn khiếu nại của cho Năm Cam và để trả lời báo Nhà báo và công luận, Đài truyền hình Việt Nam. Tại cuộc họp này, lãnh đạo Bộ Nội vụ đã nêu tóm tắt tình hình về việc tập trung cải tạo Năm Cam thể hiện có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiên quyết đấu tranh với Năm Cam, một đối tượng rất nguy hiểm cho an ninh trật tự xã hội. Cũng tại cuộc họp này, lãnh đạo Bộ Nội vụ đã quyết định cho Cơ quan Cảnh sát điều tra chuyển ba tập hồ sơ tài liệu: Tập hồ sơ về việc tập trung cải tạo Năm Cam đến VKSND Tối cao để nghiên cứu trao đổi xem xét có cơ sở khởi tố để xử lý hình sự đối với Năm Cam hay không?

Sau khi nghiên cứu hồ sơ do Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Nội vụ chuyển đến, Vụ kiểm sát điều tra án trị án - VKSND Tối cao có báo cáo ông Phạm Sỹ Chiến, được ông Chiến cho ý kiến: Căn cứ tập trung cải tạo không có cơ sở, không đúng đối tượng, gợi ý để họ báo cáo lãnh đạo xem xét hủy quyết định tập trung cải tạo, nếu cứ cho là đúng là VKSND Tối cao có văn bản kiến nghị.

Đến ngày 11/4/1996, ông Trần Thanh Phong, Vụ trưởng Vụ kiểm sát điều tra án trị án VKSND Tối cao chủ trì cuộc họp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Nội vụ. Nội dung cuộc họp thể hiện quan điểm của Vụ kiểm sát điều tra án trị an là: Việc tập trung cải tạo Năm Cam với các tài liệu có trong hồ sơ là chưa đúng tiêu chuẩn, thủ tục xét duyệt chưa đúng, không thông qua Hội đồng tư vấn. Nhưng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Nội vụ vẫn khẳng định quan điểm của mình: Việc tập trung cải tạo Năm Cam là có căn cứ theo đúng nghị quyết số 49 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thủ tục. Vì Hội đồng tư vấn chỉ là một bộ phận giúp việc cho chủ tịch UBND tỉnh, thành phố về việc xét duyệt tập trung cải tạo chứ không phải là cấp xét duyệt.

Sau cuộc họp này do không thống nhất quan điểm với Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Nội vụ nên Vụ kiểm sát điều tra án trị an - VKSND Tối cao đã có văn bản số 598 ngày 6/5/1996 gửi lãnh đạo Cục cảnh sát điều tra Bộ Nội vụ nêu rõ: "Quyết định tập trung cải tạo đối với Trương Văn Cam là chưa đủ cơ sở và không đúng thủ tục, chúng tôi cần báo cáo với lãnh đạo VKSND Tối cao và lãnh đạo Bộ Nội vụ để hủy quyết định tập trung cải tạo ngày 20/5/1995 của UBND TP HCM đối với Năm Cam". Trong văn bản này còn cho rằng, sau khi tập trung cải tạo Trương Văn Cam rồi mới đi thu thập tài liệu về tội phạm của Trương Văn Cam là không đúng nguyên tắc pháp luật. Ngày 30/5/1996, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Nội vụ đã có công văn số 603/P2 gửi đến Vụ kiểm sát điều tra án trị án nêu rõ: Tập tài liệu thứ hai, thứ ba chuyển đến VKSND Tối cao là để tham khảo ý kiến của các ông trước khi quyết định khởi tố vụ án chứ không phải bổ sung cho hồ sơ tập trung cải tạo Năm Cam và khẳng định việc tập trung cải tạo Năm Cam là cần thiết và tiến hành theo đúng nghị quyết số 49 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc này Tổng cục Cảnh sát - Bộ Nội vụ đã có công văn số 2457 ngày 25/10/1995 gửi đến ông Viện trưởng VKSND Tối cao (đến nay ông Chiến và một số cán bộ của VKSND Tối cao có liên quan đến việc này nói là chưa biết văn bản số 2457 nói trên là rất vô lý. Bởi vì, nếu không thấy công văn này tại sao không yêu cầu cơ quan điều tra cung cấp).

Ngày 14/8/1996, Vụ kiểm sát điều tra án trị an - VKSND Tối cao có công văn số 1134 gửi ông cục trưởng cục cảnh sát điều tra Bộ Nội vụ để gửi bản dự thảo kiến nghị hủy bỏ tập trung cải tạo đối với Năm Cam để Cục cảnh sát điều tra báo cáo với lãnh đao Bộ Nội vụ cho ý kiến về nội dung bản kiến nghị này. Sau khi báo cáo ý kiến Bộ trưởng Bộ Nội vụ về dự thảo kiến nghị nói trên của VKSND Tối cao, ngày 6/9/1996, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Nội vụ đã có văn bản số 210/P2 phúc đáp công văn số 1134 nói trên, tiếp tục khẳng định: Việc tập trung cải tạo Năm Cam có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là cần thiết và đúng với Nghị quyết số 49 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ngày 18/9/1996, ông Phạm Sỹ Chiến đã ký văn bản số 1333/KSĐT - TA để kiến nghị ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ hủy bỏ quyết định tập trung cải tạo số 73 ngày 20/5/1995 của UBND TP HCM đối với việc tập trung cải tạo Trương Văn Cam (cần lưu ý là văn bản số 1333 đóng dấu “mật” và chỉ sao gửi cho Văn phòng Quốc Hội, Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Chính phủ. Hiện nay chưa làm rõ được vì sao ông Hạnh lại có văn bản này để đăng báo). Đến ngày 30/11/1996, ông Chiến lại tiếp tục có công văn số 1734 gửi lãnh đạo Bộ Nội vụ nhắc và đôn đốc Bộ Nội vụ về công văn số 1333 của VKSND Tối cao, nội dung nêu rõ: VKSND Tối cao đã có kiến nghị đến nay đã trên 2 tháng chưa có phúc đáp, đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến về kiến nghị trên. Ngày 26/12/1996, Bộ Nội vụ có văn bản số 1117 gửi Viện trưởng VKSND Tối cao phúc đáp kiến nghị số 1333 với nội dung khẳng định: Trương Văn Cam là một đối tượng rất nguy hiểm đến an ninh trật tự; bắt tập trung cải tạo đảm bảo tiêu chuẩn; đúng đối tượng, không có căn cứ để hủy bỏ quyết định tập trung cải tạo đối với Trương Văn Cam. Từ sau công văn 1117 nói trên của Bộ Nội vụ thì ông Chiến không có văn bản nào gửi Bộ Nội vụ nói về việc hủy quyết định tập trung cải tạo đối với Trương Văn Cam. Đến ngày 13/5/1997, Văn phòng Chính phủ có công văn số 2336/NC gửi đến ông Phạm Sỹ Chiến đề nghị có ý kiến chính thức về đơn khiếu của , ngày 22/5/1997 ông Chiến ký công văn số 765- KSĐT -TA phúc đáp công văn 2336/NC của Văn phòng Chính phủ nêu rõ: VKSND Tối cao vẫn giữ quan điểm như nêu trong bản kiến nghị số 1333 ngày 18/9/1996. Qua đó cho thấy ông Chiến đã chỉ đạo can thiệp quyết liệt đối với việc tập trung cải tạo một tên trùm lưu manh là Trương Văn Cam, làm ngơ trước các tài liệu quan trọng do Thủ tướng chỉ đạo và nhiều công văn và tài liệu của Cơ quan chức năng trao đổi (phải chăng, tất cả những cái đó không đáng tin cậy bằng “lời kêu cứu” của vợ con tên trùm lưu manh hay sao). Tại buổi làm việc ngày 26/6/2002, do Ủy Ban kiểm tra Trung ương tổ chức (có lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra và điều tra viên cùng dự) ông Chiến đã thừa nhận: Đến nay thấy tài liệu (1995) để tập trung cải tạo đối với Trương Văn Cam là quá đủ (có khi còn thừa) và nếu ông Chiến biết được công văn số 2457 của Bộ Nội vụ có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì ông Chiến đã không ký bản kiến nghị số 1333 đề nghị hủy bỏ quyết định tập trung cải tạo đối với Trương Văn Cam. Nghĩa là khi đó ông Chiến chưa nắm được đầy đủ thông tin về Trương Văn Cam.

Bị can Trần Văn Thuyết khai: Trong việc nhờ ông Chiến xem xét giải quyết đơn kêu oan cho Trương Văn Cam của bà Trúc (thời điểm 1995), Thuyết đã dẫn Hiệp đến nhà ông Chiến hai lần và nhận hai lần tiền của Hiệp tại số 91 Nguyễn Thái Học, Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội là 6.000 USD. Thuyết sử dụng như sau: Vào cuối năm 1995, sau khi ông Chiến nhận lời giúp giải quyết đơn khiếu nại của gia đình Trương Văn Cam thì Thuyết đặt vần đề với ông Chiến là “hôm nào em lắp cho anh một dàn máy nghe nhạc”, ông Chiến nói lại “nếu có điều kiện thì lắp cho anh” (Thuyết nói rõ nguồn tiền này là của Dương Ngọc Hiệp). Sau đó Thuyết xuống Hải phòng mua một dàn máy nghe nhạc loại của Nhật gồm một tivi, một đầu vidéo, một dàn đĩa CD, một âm ly, một cặp loa trị giá 3.000 USD (ba nghìn đôla Mỹ) mang về biếu ông Chiến. Thuyết đã dùng xe ôtô của Thuyết do anh Trần Duy Thông điều khiển chở dàn máy nghe nhạc này và lắp đặt tại tầng 3 nhà ông Chiến ở bãi An Dương, phường Yên Phụ, Hà Nội, trong khi lắp ráp chỉ có bà Chức vợ ông Chiến ở nhà. Sau khi lắp dàn máy trên cho gia đình ông Chiến, Thuyết không lấy tiền của gia đình ông Chiến.

Ngoài ra, Thuyết khai Tết năm 1995-1996, Thuyết và Hiệp đến chúc Tết gia đình ông Chiến bằng xe gắn máy, Thuyết chuẩn bị một túi quà gồm rượu, trái cây và phong bì 10 triệu đồng tiền Việt Nam (trị giá khoảng 1.000 USD). Thuyết trực tiếp đưa túi quà trên cho bà Phạm Thị Chức để biếu ông Chiến (ông Chiến không có nhà).

Tết năm 1996-1997, Thuyết đi một mình đến chúc Tết gia đình ông Chiến, gặp ông Chiến ở nhà. Thuyết đã đưa cho ông Chiến một túi quà gồm rượu, thực phẩm, trái cây, một cành đào và phong bì 10 triệu đồng, tổng trị giá 1.500 USD. Còn lại 500 USD, Thuyết sử dụng cá nhân.

Ngoài ra, ngày 30 Tết nguyên đán 1996, vợ chồng ông Chiến đến nhà Thuyết (91 Nguyễn Thái Học) ăn tất niên và 3 lần ông Chiến đi ăn cơm với Thuyết, Hiệp, Long "Đầu Đinh" (một lần có mặt ) tại quán cơm niêu niêu đường Điện Biên Phủ, Hà Nội; quán Kỳ Hưng đường Yên Phụ; 1 lần tại nhà Nguyễn Thập Nhất).

- Trần Duy Thông khai: Vào khoảng cuối năm 1995, Thông có chở Thuyết bằng xe ôtô của Thuyết đem một bộ dàn máy đến lắp ráp cho ông Chiến tại nhà riêng ở An Dương, Tây Hồ, Hà Nội. Cụ thể việc lắp ráp như thế nào thì Thông không được chứng kiến.

- Bị can Nguyễn Thập Nhất khai: Thông qua Phạm Hùng Cường, thư ký của ông Lê Thanh Đạo, Nhất biết ông Chiến có trách nhiệm giải quyết đơn của bà Trúc; biết giữa VKSND Tối cao và Bộ Nội vụ chưa thống nhất quan điểm về việc đưa Trương Văn Cam đi tập trung giáo dục cải tạo. Nhất biết việc này và báo lại cho Thuyết biết. Vào năm 1996, Nhất đưa Thuyết đến nhà ông Chiến hai lần để giới thiệu Thuyết chạy lo cho Trương Văn Cam. Ngoài ra, Nhất có nghe Thuyết nói lại là trong việc lo chạy tội cho Trương Văn Cam, Thuyết có mua cho ông Chiến một dàn máy nghe nhạc.

- Bị can Dương Ngọc Hiệp khai: Trong thời gian lo chạy tội cho Trương Văn Cam (năm 1995), Nguyễn Thập Nhất và Trần Văn Thuyết đã dẫn Hiệp đến nhà ông Phạm Sỹ Chiến hai lần để nhờ ông Chiến xem xét, giúp đỡ, giải quyết đơn kêu oan cho Trương Văn Cam của bà , Hiệp đã đưa cho Thuyết hai lần tiền (6.000 USD) tại 91 Nguyễn Thái Học, Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội. Sau đó Hiệp được Thuyết cho biết đã sử dụng số tiền trên như sau:

+ Cuối năm 1995, Thuyết bàn với Hiệp mua cho ông Chiến một dàn máy nghe nhạc được Hiệp đồng ý. Sau khi tự mua và lắp ráp xong cho ông Chiến một dàn máy, Thuyết có nói lại cho Hiệp nghe tại nhà riêng của Thuyết.

+ Tết năm 1995-1996, Hiệp cùng với Thuyết có đến chúc Tết gia đình ông Chiến bằng xe gắn máy, chỉ gặp bà Chức ở nhà, Hiệp có thấy Thuyết đưa cho bà Chức một túi quà, còn trị giá túi quà là bao nhiêu, Hiệp không biết. Lời khai này phù hợp với lời khai của Thuyết.

- Bị can Tôn Vĩnh Đắc khai: Trong năm 1996, có một vài lần Long thấy ông Chiến, Thuyết và Hiệp ngồi bàn công việc tại nhà riêng của Thuyết. Còn nội dung như thế nào, Long không biết. Năm 1996, tại nhà riêng của Thuyết, Long nghe Thuyết nói với Hiệp “ông Chiến nói chờ kết quả họp 3 ngành để đưa Trương Văn Cam đi tập trung giáo dục cải tạo ở Vĩnh Phúc”. Lời khai của Long đầu đinh phù hợp với lời khai của Thuyết và Hiệp và đúng với thực tế bởi vì khi đó Trương Văn Cam đang bị tạm giam tại Trại T16 Bộ Nội vụ để phục vụ công tác khai thác, làm rõ hành vi tổ chức đánh bạc.

- Bà Phạm Thị Chức khai: Việc nhờ Thuyết mua dàn máy nghe nhạc là do Phạm Thị Hòa (con gái bà Chức đang du học tại Anh) đặt vấn đề với Thuyết. Sau khi Thuyết đem dàn máy đến lắp ráp cho gia đình thì bà Chức trả cho Thuyết khoảng 6-7 triệu đồng (bà Chức không nhớ cụ thể là bao nhiêu). Việc bà Chức thanh toán tiền cho Thuyết không có ai biết. Khi Cơ quan Điều tra Bộ Công an hỏi “dàn máy trên hiện nay để ở đâu” thì bà Chức khai “mất hết, chỉ còn lại một chiếc tivi 21 in” do chuyển nhà; lúc thì khai “hiện vẫn còn đầy đủ dàn máy trên, để ở nhà” (tổ 28, cụm 4, Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội).

Ngoài ra bà Chức không thừa nhận việc Tết năm 1995-1996, Thuyết và Hiệp đến chúc Tết gia đình như trình bày ở trên.

Lời khai trên của bà Chức không thống nhất, lời khai trước mâu thuẫn với lời khai sau. Qua đó chứng minh lời khai của bà Chức không trung thực nên không có cơ sở để tin cậy.

- Ông Phạm Sỹ Chiến khai: Sau khi Trương Văn Cam bị bắt (tháng 12/2001), ông Chiến đã kiểm tra, nghiên cứu tài liệu có trong hồ sơ do Bộ Nội vụ cung cấp cho VKSND Tối cao về Trương Văn Cam năm 1995. Ông Chiến đã thừa nhận việc Bộ Nội vụ bắt Trương Văn Cam đi tập trung cải tạo là đúng đối tượng, việc VKSND Tối cao ra kiến nghị số 1333 ngày 18/9/1996 đề nghị Bộ Nội vụ hủy bỏ quyết định tập trung cải tạo đối với Trương Văn Cam là không đúng. Theo ông Chiến với tài liệu về Trương Văn Cam năm 1995, do tổ công tác 63 của VKSND Tối cao kiểm tra thì có đủ căn cứ khởi tố hình sự đối với Trương Văn Cam để xử lý trước pháp luật chứ không phải chỉ đưa Trương Văn Cam đi tập trung cải tạo.

Ông Chiến khai việc giải quyết đơn khiếu nại của bà năm 1995 kêu oan cho Trương Văn Cam, ông Chiến đã giao cho Vụ 2B do ông Trần Phong Thanh phụ trách thụ lý giải quyết. Dựa trên báo cáo đề xuất của Vụ 2B nên ông Chiến ký kiến nghị số 1333.

Tại buổi làm việc Với Ủy Ban kiểm tra Trung ương ngày 26/6/2002, ông Chiến đã thừa nhận có nhờ Trần Văn Thuyết mua cho một dàn máy nghe nhạc nói trên - vì khi đó con ông Chiến có nhu cầu học ngoại ngữ, vợ ông Chiến đã trả tiền cho Thuyết. Nhưng đến nay, khi làm việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, ông Chiến lại khai vào tháng 8/1998, bà Chức (vợ ông Chiến) nhờ Thuyết mua dàn máy nghe nhạc hết 7 triệu đồng. Việc này do vợ con làm, ông Chiến không biết (ông Chiến đi công tác phía Nam).

Ông Chiến không thừa nhận việc Thuyết và Hiệp đưa tiền và vật chất như trình bày ở trên.

Như vậy lời khai của ông Chiến và bà Chức trước và sau không thống nhất, có nhiều mâu thuẫn nên không có cơ sở để tin cậy.

Từ những lời khai của những người liên quan như trình bày ở trên có cơ sở kết luận ông Chiến đã nhận một dàn máy nghe nhạc trị giá 3.000 USD của gia đình Trương Văn Cam do Thuyết và Hiệp đưa. Ngoài ra cùng năm 1995-1996, Thuyết và Hiệp đến chúc Tết gia đình ông Chiến tại An Dương, Tây Hồ, Hà Nội, đã đưa cho bà Chức một túi quà gồm rượu, trái cây, phong bì 10 triệu (tổng trị giá 1.000 USD) để biếu ông Chiến. Tổng cộng, ông Chiến đã nhận của Thuyết và Hiệp 4.000 USD.

Riêng việc Thuyết khai Tết năm 1996-1997, Thuyết đến chúc Tết gia đình ông Chiến, đã đưa cho ông Chiến một túi quà trị giá 1.500 USD nhưng đến nay ông Chiến không thừa nhận việc này. Với trình tự lôgic như trên, thấy lời khai của Thuyết là có căn cứ nhưng chưa đủ cơ sở để kết luận ông Chiến có nhận một túi quà của Thuyết trị giá 1.500 USD.

Từ tất cả các sự kiện, tài liệu nêu trên cho thấy: Nếu trong hoạt động điều tra và giám sát điều tra mà điều tra viên hoặc kiểm sát viên có quan hệ sâu sắc với một phía bị can hoặc bị hại thì đây chính là điều kiện phải thay đổi điều tra viên hoặc kiểm sát viên theo quy định của pháp luật. Ở đây, ông Phạm Sỹ Chiến, người có quyền năng pháp luật rất lớn lại có quan hệ thân thiết, sâu sắc và lâu dài với các đối tượng “chạy tội” cho Trương Văn Cam. Điều đó thể hiện sự không vô tư, không khách quan trọng quá trình chỉ đạo thẩm tra việc tập trung cải tạo cũng như kiến nghị hủy bỏ quyết định tập trung cải tạo đối với Trương Văn Cam. Việc Bộ Nội vụ kiên quyết không hủy bỏ quyết định tập trung cải tạo đối với Trương Văn Cam là ngoài ý muốn của ông Chiến. Cho đến nay, các cơ quan chức năng có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước (cụ thể là Ban cán sự Đảng của VKDND Tối cao) đã tiến hành thẩm định lại hồ sơ tập trung cải tạo Trương Văn Cam thời điểm năm 1995 đã kết luận: Việc quyết định tập trung cải tạo đối với Trương Văn Cam là đúng. Việc kiến nghị hủy bỏ quyết định tập trung cải tạo đối với Trương Văn Cam là không đúng. Chính vì vậy, việc các bị can Trần Văn Thuyết, Dương Ngọc Hiệp khai có việc đưa tiền và tài sản cho ông Chiến là có căn cứ, là lô gích với việc ông Chiến chỉ đạo cấp Vụ ra nhiều văn bản và trực tiếp ký kiến nghị hủy bỏ tập trung cải tạo đối với Trương Văn Cam một cách thái quá và quyết liệt như đã nói trên. Việc kiến nghị nói trên đã đáp ứng đúng nguyện vọng của vợ con Trương Văn Cam. Việc kiến nghị hủy bỏ quyết định tập trung cải tạo đối với Trương Văn Cam đã gây nên một sự nghi hoặc đối với các Cơ quan bảo vệ pháp luật làm ảnh hưởng đến uy tín của Bộ Nội vụ và UBND TP HCM (khi đó) cũng như uy tín của VKSND Tối cao hiện nay.

Hành vi trên của ông Phạm Sỹ Chiến đã phạm vào tội nhận hối lộ, tội danh được quy định tại điều 279 BLHS.

Đối với ông Trần Phong Thanh, nguyên Vụ trưởng Vụ 2B VKSND Tối cao: Sau khi được Viện trưởng giao tiếp nhận các tài liệu từ Vụ 4 chuyển tới, Vụ 2B đã phân công cho ông Đặng Chung là cán bộ trực tiếp nghiên cứu, xác minh, thụ lý giải quyết đơn khiếu nại của bà năm 1995 về việc Bộ Nội vụ đưa Trương Văn Cam đi tập trung giáo dục cải tạo là không đúng.

Ngày 14/8/1995, ông Đặng Chung viết báo cáo kết quả việc trên với lãnh đạo VKSND Tối cao (bản viết tay) do ông Thanh ký với nội dung: Qua làm việc với ông Tư Tạo, Phó giám đốc Công an TP HCM, ông Chung được biết Trương Văn Cam là đặc tình loại 3 của PC14 Công an thành phố nhưng có biểu hiện vi phạm pháp luật. Qua tài liệu trinh sát phản ánh, Trương Văn Cam đang tổ chức, điều hành nhiều sòng bạc lớn trên địa bàn Thành phố và tổ chức nhiều băng đảng xã hội đen để đâm thuê, chém mướn. Trước khi bắt Trương Văn Cam đưa đi tập trung giáo dục cải tạo, Bộ Nội vụ đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 24/6/1996, ông Đặng Chung viết báo cáo gửi lãnh đạo VKSND Tối cao (viết tay) do ông Thanh ký với nội dung: Về thủ tục bắt Trương Văn Cam đi tập trung giáo dục cải tạo (năm 1995) là không đúng, không qua hội đồng xét duyệt của TP HCM. Về đối tượng, Trương Văn Cam không thuộc đối tượng xét tập trung giáo dục cải tạo với lý do: Trong hồ sơ xét duyệt tập trung giáo dục cải tạo chưa thấy lần nào Trương Văn Cam bị các cơ quan pháp luật, chính quyền địa phương xử lý. Do có quan điểm chưa thống nhất giữa C16 và Vụ 2B đề nghị mời Bộ Nội vụ và VKSND Tối cao họp bàn để thống nhất giải quyết, đã được ông Chiến, Phó viện trưởng phê duyệt “đồng ý nhận xét và đề xuất của Vụ 2B”.
 
Ngày 6/9/1996, Vụ 2B nhận được công văn 280 của C16 do ông Trần Văn Nho ký việc bắt Trương Văn Cam đi tập trung giáo dục cải tạo là đúng đối tượng và thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Nếu không thể truy tố được Trương Văn Cam thì vẫn tập trung cải tạo, không được tha.

Ngày 18/9/1996, ông Nguyễn Danh Hưng - kiểm sát viên cao cấp được ông Thanh giao dự thảo kiến nghị 1333 đã được anh Chiến - Phó viện trưởng VKSND Tối cao duyệt đồng ý. Nội dung: Kiến nghị hủy bỏ quyết định tập trung cải tạo đối với Trương Văn Cam.

Khi làm việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, ông Thanh khai: Các tài liệu do Bộ Nội vụ chuyển cho VKSND Tối cao về Trương Văn Cam (năm 1995) gồm 3 tập, ông Thanh có đọc, nghiên cứu và cho rằng với tài liệu như vậy chỉ là báo cáo, chưa có xác minh và kết luận, không đủ cơ sở tin cậy nên việc VKSND Tối cao ra bản kiến nghị 1333 là đúng. Khi điều tra viên thông báo kết luận của tổ 63 VKSND Tối cao với nội dung: Bộ Nội vụ và công an TP HCM lập hồ sơ đưa Trương Văn Cam đi tập trung giáo dục cải tạo là đúng, VKSND Tối cao ra kiến nghị 1333 là không đúng thì ông Phong Thanh cho rằng chưa được nhận kết luận trên nên chưa có điều kiện phân tích nội dung nào nhất trí, nội dung nào không nhất trí.

Ông Thanh chỉ thừa nhận khi giữa Bộ Nội vụ và VKSND Tối cao chưa thống nhất quan điểm về việc xử lý đơn của bà , trong khi đó Bộ Nội vụ đã thông báo cho VKSND Tối cao biết việc bắt Trương Văn Cam đi tập trung giáo dục cải tạo là thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vậy mà VKSND Tối cao không xin ý kiến của Thủ tướng, lại đơn phương ký kiến nghị 1333 đề nghị hủy bỏ quyết định tập trung giáo dục cải tạo đối với Trương Văn Cam là không đúng. Về việc này, ông Thanh thấy trách nhiệm cấp vụ là chưa nhận thức hết vấn đề, đánh giá tài liệu chưa sâu nên không tham mưu hết cho lãnh đạo VKSND Tối cao trong việc ra kiến nghị 1333.

Việc làm trên của ông Nguyễn Phong Thanh đã có dấu hiệu thiếu trách nhiệm. Tuy nhiên trong quá trình điều tra chưa phát hiện thấy ông Phong Thanh có quan hệ với những người trong gia đình Trương Văn Cam, chưa có tài liệu chứng minh ý thức vụ lợi của ông Thanh. Hiện ông Thanh đã nghỉ hưu, già yếu nên đề nghị xử lý, kiểm điểm về mặt hành chính.

c. Đưa cho ông Lê Thanh Đạo, nguyên Viện trưởng VKSND Tối cao 5.000 USD; ông Cường (thư ký của ông Đạo, đã chết) 5.000 USD

Tháng 6/1995, theo đề nghị của Trương Văn Cam và Hiệp "Phò Mã", Nguyễn Thập Nhất (nguyên Trưởng phòng kiểm sát giam giữ VKSND TP Hà Nội) dẫn Thuyết, Hiệp "Phò Mã", Long "Đầu Đinh" đến nhà riêng của ông Lê Thanh Đạo và dự đám giỗ tại quê của ông Đạo ở Hải Dương (đi bằng xe ôtô của Thuyết do Long lái). Tại đây, Nhất đặt vấn đề với ông Đạo xem xét giúp đỡ giải quyết đơn kêu oan cho Năm Cam do bà đứng tên. Ông Đạo nói là đơn gửi cho ông Cường (thư ký riêng của ông Đạo).

Khoảng 4 ngày sau, Nhất dẫn Thuyết và Hiệp "Phò Mã" đến nhà riêng của ông Cường (khu tập thể của VKSND Tối cao), đặt vấn đề nhờ chuyển đơn của bà kêu oan cho Năm Cam đến các phòng nghiệp vụ của VKSND Tối cao và cho ông Lê Thanh Đạo, Viện trưởng VKSND Tối cao. Ông Cường đồng ý. Trước khi về, Thuyết trực tiếp gửi lại cho ông Cường 2 túi quà, một để biếu ông này và một nhờ chuyển cho ông Đạo. Mỗi túi có rượu, trái cây và một phong bì 5.000 USD.

- Bị can Dương Ngọc Hiệp khai: Việc Nhất và Thuyết dẫn Hiệp đến nhà ông Lê Thanh Đạo để dự đám giỗ như lời khai của Thuyết là có thật. Thuyết nói với Hiệp là đã gửi đơn kêu oan cho Năm Cam do bà đứng tên đến ông Lê Thanh Đạo -Viện trưởng VKSND Tối cao nhờ xem xét. Theo yêu cầu của Thuyết, Hiệp đã đưa cho Thuyết 2 lần tiền tại nhà Thuyết, mỗi lần 5.000 USD để đưa cho ông Lê Thanh Đạo.

- Bị can Tôn Vĩnh Đắc (Long "Đầu Đinh") khai: Vào năm 1995, Long có dùng xe ôtô của Thuyết chở Thuyết, Nhất, Hiệp đi dự đám giỗ tại quê của ông Đạo ở Hải Dương là có thật, Long chỉ làm nhiệm vụ lái xe.

Do ông Cường đã chết vì tai nạn giao thông vào tháng 3/2002 nên không có điều kiện làm rõ xem ông Cường có chuyển quà biếu và tiền của Trần Văn Thuyết và Dương Ngọc Hiệp cho ông Lê Thanh Đạo không.

Các tài liệu trên thấy việc Thuyết và Hiệp thông qua Nguyễn Thập Nhất gặp ông Đạo, nhờ xem xét đơn kêu oan cho Trương Văn Cam của bà (năm 1995) là có thật. Còn việc ông Đạo và ông Cường có nhận tiền và vật chất của Thuyết và Hiệp như thế nào thì chưa có cơ sở kết luận.

d. Đưa cho Nguyễn Thập Nhất, nguyên trưởng phòng kiểm sát giam giữ VKSND Hà Nội 10.000 USD

Để thực hiện lời hứa với Trương Văn Cam, Thuyết đã trực tiếp dẫn Hiệp phò mã đến gặp Nguyễn Thập Nhất để nhờ xem đơn và tìm cách giúp đưa đơn đến VKSND Tối cao. Nhất đồng ý giúp và đã đưa Thuyết, Hiệp phò mã đến nhà ông Lê Thanh Đạo (viện trưởng VKSND Tối cao lúc đó), nhà ông Cường (thư ký của Đạo), nhà ông Phạm Sỹ Chiến (phó viện trưởng VKSND Tối cao lúc đó) để đưa đơn kêu oan cho Trương Văn Cam.

Nguyễn Thập Nhất còn nhận đơn của Hiệp "Phò mã" và trực tiếp gửi đến các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ tại VKSND Tối cao. Ngày 23/5/2002, bị can Trần Văn Thuyết khai: Vào khoảng tháng 7/1995, theo yêu cầu của Nguyễn Thập Nhất là cần một số tiền để chi phí cho việc lo “chạy tội” cho Trương Văn Cam, Thuyết đã chuẩn bị một phong bì 7.000 USD đến nhà riêng của Nguyễn Thập Nhất tại 55 Thợ Nhuộm, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nhất nhận phong bì ngay trước cổng nhà vào khoảng 11h30-12h trưa. Lúc đó Nhất đi xe máy Vespa màu xanh. Ngoài ra theo yêu cầu của Nhất, trong hai năm 1995-1996, Thuyết đưa cho Nhất 4-5 lần, mỗi lần 300-500 USD tại các quán nhậu (Thuyết không nhớ), tổng cộng khoảng 3.000 USD để Nhất tiếp khách.

- Dương Ngọc Hiệp khai: Năm 1995, sau khi Trương Văn Cam bị bắt, Hiệp cùng với Thuyết đã đến gặp Nhất để nhờ giúp đỡ và đã đưa cho Thuyết 2 lần tiền để Thuyết đưa cho Nhất, tổng cộng 10.000 USD. Lời khai này của Dương Ngọc Hiệp là phù hợp với lời khai của Thuyết.

- Ngày 7/6/2002, bị can Nguyễn Thập Nhất khai nhận trong các năm 1995-1997, Nhất chỉ nhận tiền của Thuyết mỗi lần 300.000-500.000 đồng tại các bữa ăn sáng, trên ôtô của Thuyết và tại nhà riêng của Thuyết (91 Nguyễn Thái Học, Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội), tổng cộng khoảng 15 triệu.

Do có những hành vi “chạy tội” như trên, kết quả là ông Phạm Sỹ Chiến ký văn bản gửi Bộ Nội vụ kiến nghị huỷ bỏ quyết định tập trung cải tạo với Trương Văn Cam.

Nguyễn Thập Nhất, nguyên trưởng phòng kiểm sát giam giữ VKSND Hà Nội, là cán bộ công tác lâu năm trong ngành bảo vệ pháp luật. Vì vậy Nhất biết rõ Trương Văn Cam và đồng bọn là một tổ chức tội phạm rất nguy hiểm. Nhưng vì động cơ, mục đích trục lợi cho bản thân, Nhất đã lợi dụng sự quen biết với ông Lê Thanh Đạo (nguyên viện trưởng VKSND Tối cao), ông Phạm Sỹ Chiến (nguyên phó viện trưởng VKSND Tối cao) tiếp tay cho các bị can Trần Văn Thuyết, Dương Ngọc Hiệp, Tôn Vĩnh Đắc, dùng tiền lo chạy tội cho Trương Văn Cam và đồng bọn, để thu lợi bất chính khoảng 43 triệu đồng.

Hành vi trên của Nhất đã phạm vào tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ để trục lợi, quy định tại Điều 291 Bộ luật Hình sự. Nguyễn Thập Nhất là cán bộ công tác trong ngành pháp luật mà phạm tội, gây ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật, làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân trong công cuộc đấu tranh chống tội phạm; vì vậy, cần xử lý nghiêm trước pháp luật về hành vi phạm tội của Nhất để làm gương cho người khác.
 
Kết luận điều tra chuyên án Năm Cam (phần 10): Các vụ hối lộ khi “ông trùm” bị bắt lần hai

Sau khi Trương Văn Cam bị bắt về tội giết người (12/12/2001), con gái y là Trương Thị Lan (vợ Hiệp “Phò Mã”) đã móc nối với Tôn Vĩnh Đắc (Long “Đầu Đinh” và Nguyễn Thập Nhất (Trưởng phòng kiểm sát giam giữ cải tạo - VKSND TP HN) tìm cách lo lót chạy tội cho cha. Việc này bại lộ khi Đắc bị bắt.

A. Các vụ án do Trương Năm Cam và đồng bọn thực hiện

V. Các tội về chức vụ có liên quan đến hành vi phạm tội và chạy tội cho Trương Văn Cam

1. Hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ (xảy ra năm 1995 và 2001)

1.3. Hành vi đưa hối lộ sau khi Trương Văn Cam bị bắt về tội giết người (năm 2001) của Trương Thị Lan và hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi của Nguyễn Thập Nhất và Tôn Vĩnh Đắc.

Sau khi Năm Cam bị bắt khoảng 5 ngày, Trương Thị Lan (38 tuổi, trú tại 36 Nguyễn Hữu Cầu, Tân Định, quận 1, TP HCM) nhờ Long “Đầu Đinh” (274/21B Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8 quận 3) tìm người chạy tội cho Trương Văn Cam và Dương Ngọc Hiệp. Do quen biết từ trước (1995), Long ra Hà Nội gặp Nguyễn Thập Nhất, trưởng phòng kiểm sát giam giữ cải tạo VKSND Hà Nội, tại 97 Trần Hưng Đạo (điểm đại lý bán vé máy bay của ông Nhất đang sử dụng kinh doanh). Long đặt vấn đề với Nhất xem xét, vì biết Nhất quen ông Phạm Sỹ Chiến - Viện phó VKSND Tối cao. Nhất đồng ý và nói là chờ kết thúc điều tra chuyển hồ sơ sang VKSND Tối cao thì sẽ tiến hành chạy tội cho Năm Cam và Hiệp “Phò Mã”, nhưng trước hết phải có khoảng 5.000-10.000 USD để chi phí.

Sau đó Long “Đầu Đinh” điện thoại di động cho Trương Thị Lan gửi tiền 11.000 USD cho Nguyễn Tấn Lộc (em họ của Long) đưa ra Nghệ An giao cho Long. Tại Hà Nội, Long đưa cho ông Nhất 2.000 USD và được Nhất thông báo cho biết là Hiệp bị bắt về tội cờ bạc (cá độ bóng đá), hiện đang tạm giam tại Công an tỉnh Tiền Giang.

Tôn Vĩnh Đắc bị bắt sau đó, qua đấu tranh xét hỏi, đã khai ra sự việc nói trên, thừa nhận ngoài 2.000 USD đưa cho ông Nhất, còn lại y giữ sử dụng cá nhân. Bị can Trương Thị Lan bị bắt cũng thừa nhận có đưa tiền cho Long “Đầu Đinh”, và sau khi đưa 2.000 USD cho Nhất, Long có điện báo cho Lan biết.

Ngày 14/5/2002, Nguyễn Thập Nhất đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam về tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi. Ngày 7/6/2002, Nhất khai sáng thứ bảy, ngày 5/1, Long “Đầu Đinh” điện thoại cho Nhất (máy di động). Nhất hẹn gặp Long tại 97 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Tại đây, Long đưa cho Nhất 20 tờ loại 100 USD, tổng cộng 2.000 USD.

Cơ quan điều tra nhận định:

- Bị can Trương Thị Lan là vợ của Dương Ngọc Hiệp, con của Trương Văn Cam, nên biết rất rõ hành vi vi phạm pháp luật của chồng và bố, và còn sống nhờ vào tiền thu nhập bất chính do chồng và bố phạm tội mà có. Khi Hiệp và Năm Cam bị bắt, Lan đã đưa 11.000 USD cho Long đầu đinh tìm gặp Nguyễn Thập Nhất nhằm mục đích lo chạy tội cho người thân. Hành vi trên của Trương Thị Lan đã phạm tội đưa hối lộ, tội danh được quy định tại Điều 289 Bộ luật Hình sự.

- Đối với bị can Tôn Vĩnh Đắc: Cùng làm ăn chung với Hiệp “Phò Mã” nên Long biết rất rõ việc phạm tội của Năm Cam và Hiệp. Lợi dụng sự quen biết của bản thân với Nguyễn Thập Nhất và một số cán bộ có chức quyền (thông qua việc chạy tội cho Trương Văn Cam năm 1995), và được Trương Thị Lan nhờ lo việc, Long đã chiếm giữ 9.000 USD Lan. Hành vi trên của Tôn Vĩnh Đắc đã phạm tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ để trục lợi, tội danh được quy định tại Điều 291 Bộ luật Hình sự.

- Đối với bị can Nguyễn Thập Nhất: Là cán bộ công tác trong cơ quan bảo vệ pháp luật nên y quen biết với một số cán bộ có chức quyền, nhưng không chịu rèn luyện trau dồi đạo đức phẩm chất. Ngược lại chỉ vì mục đích cá nhân, đã liên tục lợi dụng sự quen biết với một số cán bộ có chức quyền và lợi dụng lòng tin của Long đầu đinh và gia đình Trương Văn Cam để chiếm giữ 2.000 USD của gia đình Trương Văn Cam sử dụng cá nhân thông qua việc chạy tội cho Trương Văn Cam và Hiệp “Phò Mã” năm 2001, đã làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật đối với nhân dân. Hành vi trên của Nguyễn Thập Nhất đã phạm vào tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ để trục lợi, tội danh được quy định tại Điều 291 Bộ luật Hình sự.
 
Back
Bên trên