Đinh Tuấn Anh đã viết:
Về phần chính trị trong ca khúc của ông thì em ko muốn bàn đến sợ ảnh hưởng forum, nhưng đó là nguồn sáng tác chính và góp phần tạo tên tuổi ông....
hehe trở về với tiền chiến cho dzui, phải vội đi làm hẹn anh khi khác đàm đạo
Đường về miền Bắc
Sáng tác: Đoàn Chuẩn Từ Linh
Trình bày Trần Thái Hòa
Hihi, đồng ý thôi (về vụ các sáng tác làm nên tên tuổi TTT
)
Vụ "Đường về Việt Bắc" (chứ ko phải "miền Bắc" như mọi người hay hát, kể cả Quang Dũng trong nước gần đây), anh có 1 tư liệu này, gửi để cả nhà tham khảo.
L.
===========
Đoàn Chuẩn, người nghệ sĩ hào hoa
Trong thuở bình minh của Tân nhạc Việt Nam, có một người nghệ sĩ được coi là hào hoa bậc nhất trong giới âm nhạc Việt Nam, chỉ sáng tác vỏn vẹn mười mấy bài ca, trong đó có muơi bài tuyệt tác, ghi dấu ấn trong lịch sử Âm nhạc Việt Nam. Đó là nhạc sĩ Đoàn Chuẩn.
Đoàn Chuẩn sinh năm 1924 tại Cát Hải, Hải Phòng, trong một gia đình tư sản, chủ hãng nước mắm Vạn Vân lừng danh. Ông học Tây Ban Cầm (guitare espagnole) với Nguyễn Thiện Tơ, rồi Hạ Uy Cầm (guitare hawaiienne) với William Chấn. Thời trẻ, ông nổi tiếng hào hoa, phong nhã và sang trọng (ông có thú sưu tầm xe hơi, với 6 chiếc ô tô trong đó có chiếc Ford Frégatte sang hơn Thủ Hiến!), với những mối tình lãng mạn nhuốm màu huyền thoại đến giờ vẫn được truyền tụng.
Năm 1946, Đoàn Chuẩn cùng gia đình dời về Thanh Hóa, Đoàn Chuẩn gặp các nhạc sĩ trẻ đương thời - về sau đều là những tên tuổi lớn của Tân nhạc Việt Nam - như Tô Vũ, Tạ Phước, cùng đi hát với Ngọc Bích và sáng tác ca khúc đầu tay "Tình Nghệ Sĩ" (1948). Sau đó, từ bến sông Chu, ông theo một đoàn nữ cứu thương, lên Việt Bắc, làm bài "Đường Về Việt Bắc".
Về thành khoảng 1950, Đoàn Chuẩn cho ấn hành một loạt ca khúc - như "Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay", "Lá Đổ Muôn Chiều", "Tà Áo Xanh" (Dang Dở), "Cánh Hoa Duyên Kiếp", "Lá Thư"... - được các đài phát thanh nồng nhiệt phát sóng và nhà Tinh Hoa xuất bản dưới tên: Nhạc Đoàn Chuẩn - Lời Từ Linh. Đến năm 1954, Đoàn Chuẩn chọn ở lại Hà Nội, Từ Linh di cư vào Nam, mất năm 1992. Dù có ký tên chung để tôn vinh người bạn tri âm, tôn vinh tình bạn đã góp phần tạo cảm hứng nghệ thuật, Đoàn Chuẩn là tác giả duy nhất cả nhạc và lời. (Sau khi Từ Linh đã mất, nhưng Đoàn Chuẩn vẫn gửi một nửa các khoản nhuận bút nhận được cho gia đình Từ Linh như một nghĩa cử, một biểu hiện của tình bạn keo sơn giữa hai người nghệ sĩ).
Năm 1956, hãng nước mắm Vạn Vân bị tiếp quản và tài sản Đoàn Chuẩn bị tịch thu trong đợt cải tạo công thương nghiệp tư bản, nhưng gia đình ông còn mua được căn nhà số 9 đường Cao Bá Quát, Hà Nội. Thời gian này, ông có làm bài "Gửi Người Em Gái Miền Nam" nổi tiếng với những huyền thoại đi kèm. Ông sống âm thầm, ngưng sáng tác, chỉ dạy nhạc tại nhà, được gọi là Phân bộ 2 của Trường Âm Nhạc Dân Lập. Đầu năm 2000, ông bị tai biến mạch máu não, sau đó thì mất tiếng nói, chỉ tỉnh trí để bút đàm cho đến lúc qua đời, 22 giờ, ngày 15-11-2001.
Đoàn Chuẩn sáng tác trong một thời gian ngắn 1948-1956, mà chủ yếu là 3 hay 4 năm chung quanh thời điểm 1950. Theo nhận định của nhà phê bình Đặng Tiến, mặc dù sự lựa chọn đề tài của Đoàn Chuẩn không khác mấy so với các nhạc sĩ nổi tiếng đương thời nhưng điểm đặc biệt là Đoàn Chuẩn "
có tiếng nói khác: ông phát ngôn trên tư cách nghệ sĩ, đưa tác phẩm nghệ thuật đến một quần chúng nghệ thuật, trên những tiêu chuẩn thẩm mỹ".
Tại Miền Bắc, tác phẩm Đoàn Chuẩn không đựợc hát, vì nội dung ủy mỵ của ca khúc và lý lịch tác giả; khi đất nước thống nhất, sau 1975, nhạc ông vẫn bị cấm hát cho đến khoảng 1990. Tại Miền Nam trước 1975, đáp ứng với hoài niệm của giới văn nghệ sĩ gốc Bắc và nhu cầu của giới trí thức, thanh niên, sinh viên thành phố, ca khúc Đoàn Chuẩn được phổ biến sâu rộng với lớp người di cư, nhưng với phần lời nhiều khi bị thay đổi.
Trong chương trình "Một giờ vòng quanh thế giới tuần này", cuộc trò chuyện giữa Việt Hùng và Đoàn Liêm, con trai thứ của người nhạc sĩ, sẽ làm rõ thêm một số điểm liên quan đến ca khúc "Đường Về Việt Bắc" (1948) của Đoàn Chuẩn.
*
"Đường Về Việt Bắc", một ca khúc của cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn
Việt Hùng: "
Chiều nào áo tím nhiều quá lòng thấy rộn ràng nhớ người". Vâng, câu hát mở đầu trong bài "Đường về Việt Bắc" của cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn ra đời cách đây 60 năm thế nhưng "
áo tím nhiều quá lòng thấy rộn ràng nhớ người" thì dù ở đâu áo tím bao giờ cũng rộn ràng quá phải không thưa quý vị. Phải chăng nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã cảm được những gì để lại cho đời bằng chính những lời than thở của mình " Đường về Việt Bắc".
Đoàn Liêm: Tức là năm 1946 thì cả gia đình tôi mới đi tản cư, ông ấy vào Thanh Hóa, vào Thanh Hóa thì đến năm 1948 ông ấy nhớ gia đình và rất là nhớ, thì ông ấy lên Việt Bắc và năm 48 ông ấy lên Việt Bắc thăm gia đình và đón gia đình về Hà Nội.
Việt Hùng: Qua lời người con trai thứ của cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn mà quý vị đang nghe: Đoàn Liêm.
Đoàn Liêm: Đón gia đình về Hà Nội ông ấy viết bài này là bài duy nhất tặng mẹ tôi. Tặng mẹ tôi là vì hồi ấy mẹ tôi lên Việt Bắc cùng với anh tôi, và năm ấy tôi chưa sinh ra, thì trong bài này có câu nói một câu về sau ông ấy có nói là tình cảm của những người vợ hiền mà đến buổi chiều tối ông lại nhớ đến không thể nào chịu nổi, cứ đến buổi chiều nhớ đến cồn cào cả ruột gan. Mà ở trong này có lời: "
Lòng dù xao xuyến anh nhớ em nhiều quá - Anh nhớ tới em những khi chiều tối". Cái nỗi nhớ ấy ông không chịu nổi khi đêm về và ông víêt bài này cho mẹ tôi. Và mẹ tôi rất tự hào là bài này ông víêt cho bao ngừơi phụ nữ có thể là người phụ nữ trong tưởng tượng, hoặc là thoáng gặp mà có được nhạc phẩm duy nhất tặng cho bà mà đến bây giờ tối bà ngủ, bao nhiêu năm ông mất rồi mà bà vẫn nghe những bài của ông và bài này bà nghe đầu tiên.
Việt Hùng: Sau này cũng có nhiều một số ít thất thoát trong việc in ấn và không rõ ràng. Có khi lại thấy mọi người bảo rằng là bài "Đường về Việt Bắc" lại nói là bài "Đường về miền Bắc".
Đoàn Liêm: Bài này nó như thế này. Bài này ở ngoài này không phổ biến lắm từ những năm không có, thì ở trong miền Nam họ sửa lời lại là "Đường về miền Bắc" Khi anh đọc lời thì thấy không có nói lên vấn đề Nam Bắc. Bài này là anh có biết ở Việt Bắc núi đồi của nó màu xanh, những ngừơi nông dân, dân tộc người ta mặc áo màu chàm màu tím, trên triền đồi màu xanh lác đác có bóng người làm nương làm rẫy màu tím, anh hiểu không nào? Cho nên lời bài này hoàn toàn mang không khí âm hưởng của vùng rừng núi của miền đồng bằng Bắc Bộ. Câu đầu tiên: "
Chiều nào áo tím nhiều quá, lòng thấy rộn ràng nhớ người - Đường về Việt Bắc xa cách mây, nhìn về đường lối muôn khó khăn - Bên núi cao, bên suối sâu, bên lá xanh, bên ngàn sương". Nếu mà anh ghép câu "Đường về miền Bắc" thì nó không thể nào hợp được. "
Đường về Việt Bắc xa cách mây - Nhìn về đường lối muôn khó khăn - Đây núi cao, đâu suối sâu, đây lá xanh đây ngàn sương - Đường về ngập gió tha hương - Tiếc đời gấm hoa ta đành quên màu sắc núi rừng". Tức là ngày xưa ông già ở lại Hà Nội mà, tiếc đời gấm hoa thì ông ấy đành quên màu sắc núi rừng của ông, ông đi kháng chiến. Anh hiểu không? Tới câu "Qua bao rừng núi anh về - Nhớ nhau từng phút yêu từng giây" thì không thể nào có trong "Đường về miền Bắc" nó hợp được.
Việt Hùng: "Đường về Việt Bắc" của cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn qua phần giới thiệu của con ông - Đoàn Liêm - cũng như để nói lời chia tay cùng quý vị. Vâng, "
áo tím nhiều quá thấy rộn ràng nhớ người", chẳng hề bao giờ phai màu áo mà nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã để lại cho đời cho bao người dù 60 năm đã qua nhưng vẫn ngẩn ngơ nhớ người. Biết rằng nói lời chia tay với qúy vị cũng chẳng đành nhưng cũng đành thôi thưa quý vị. Minh họa trong chương trình hôm nay tiếng hát Lê Dung. Chương trình phát thanh hôm nay đã mãn xin cảm ơn qúy vị đã dành thì giờ theo dõi và xin hẹn quý thính giả trong buổi phát thanh tới vào tối thứ Sáu hằng tuần từ 10:30 -11:30 tính theo giờ miền Tây Hoa Kỳ, trên băng tần 1480 của đài Little Sài Gon Radio.