DSBA – “màn chào hỏi” hay “bắt nạt học đường”?
Ghé thăm web của HN-Ams, tớ thấy có một cụm từ lạ: “… không khéo lại bị đi DSBA thì chết!”. Tò mò về cụm từ lạ đó, tớ quyết định tìm hiểu về nó!
Qua một số bạn bè ở trường HN-Ams tớ được biết DSBA là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Down Stairs By Ass - có nghĩa là: "Đi xuống cầu thang bằng bàn toạ". Nghe mô tả thì khá là rùng rợn: Hai người tóm hai chân của một người và lôi xềnh xệch xuống cầu thang. Nói về hình thức thì rất chi là "phong phú": Đi lên, đi xuống, đi theo đường zic zac (xoắn), đi sát mép và vòng lại ở cuối cầu thang (quẩy), đi đôi (hay đi bè), đi một tầng, hai tầng hay ba, bốn thậm chí bốn tầng cả lên và xuống. Quang cảnh khi có người bị đi cầu thang khá đông vui, có nhiều người xem và "cổ vũ"?!
Phải cúi đầu công nhận rằng trí tưởng tượng của bạn Giang Loa mới rất chi là "phong phú". Tài bịa chuyện, bốc phét của bạn có lẽ đủ để Anderson dưới suối vàng không nhắm nổi mắt, để J.K.Rowling ôm hận khóc thầm. Không hiểu bạn đã bao giờ tận mắt chứng kiến những cảnh DSBA "zic zac", "quẩy" rồi “đi một, hai, ba đến bốn tầng, thậm chí “bốn tầng cả lên cả xuống” như bạn nói chưa, mà bạn có thể liệt kê chi tiết đến như vậy? Hay đó chỉ là những suy đoán riêng của bạn khi lướt qua trang diễn đàn HAO, qua những cuộc nói chuyện của các học sinh trường Ams hay qua những điều mà bạn nghe kể từ một (vài) người bạn của bạn đang học tại Ams? Chẳng lẽ trình độ tiếng Việt của bạn lại kém đến mức không thể phân biệt được những câu nói đùa và nói thật? Chẳng lẽ bây giờ tôi lên HAO bảo: “Làm mất cái mũ đẹp của thằng A rồi, không khéo lại bị nó tẩn cho chết” thì bạn cũng sẽ quyết tâm đi “tìm hiểu về nó” ư?
Nếu quả thật định nghĩa và tính chất DSBA mà bạn hiểu, cùng những hình thức DSBA bạn kể đều chỉ từ những điều bạn hay bạn bè của bạn suy diễn ra, không có tính xác thực thì bạn thực sự là một con người thiếu suy nghĩ, thiếu hiểu biết, vô học và ngu dốt.
Có lẽ do hầu hết các “nạn nhân” của trò này đều là “ma mới” nên nó đã được hiểu dưới dạng “chào hỏi”. DSBA không trừ thành phần nào cả, “ma mới” đến trường, giới học sinh “quý tộc” và cả giới mọt sách nữa cũng bị “sờ đến”. Thậm chí dân thường không làm gì cũng không tránh khỏi chịu chung số phận. Nhưng vì sao bạn lại bị DSBA?
Nếu bạn chẳng may làm “ngứa mắt” các bậc đàn anh, đàn chị trong trường! Cấp độ trừng phạt sẽ tỉ lệ thuận với tội lỗi mà bạn “sơ ý” phạm phải. Nhẹ thì đi xuống một tầng, nặng thì vừa lên vừa xuống, vừa “xoắn” vừa “quẩy”… bốn tầng liền !!! H. - một bạn trai lớp H2 hiện đang giữ kỷ lục đi lên đi xuống 4 tầng liền mà vẫn “bình an vô sự”: “Càng chống cự thì chỉ càng thiệt thân thôi. Cách tốt nhất là cố gắng lựa từng bậc, đỡ đau hơn nhiều đấy! Nếu không, nhẹ thì gãy móng tay, rách quần áo, nặng cũng bong gân, gãy tay chưa biết chừng”.
Bạn Giang Loa chắc hẳn phải là một fan hâm mộ cuồng nhiệt của các thể loại phim học đường Holywood, Hồng Kông hay Đài Loan, hâm mộ đến mức nhầm tưởng giữa phim ảnh và đời thật, đến mức tưởng tượng ra rằng ngay tại Ams cũng diễn ra những kịch bản phim như vậy. Với lòng hâm mộ ấy bạn có thể kể tên mấy tay “anh chị” mà bạn biết chăng? Đề chúng tôi còn biết đường mà tránh, không “sơ ý” làm “ngứa mắt” họ nữa. Và có lẽ cũng cần Giang Loa nói luôn xem bạn H. học H2 phải chịu khổ “đi lên đi xuống 4 tầng liền”, để đến nỗi tí nữa thì “gãy móng tay, rách quần áo, gãy tay, bong gân”, để chúng tôi còn biết đường đến hỏi thăm và xin lỗi bạn ấy.
Nếu người được phỏng vấn đó không có thật, hoặc lời nói của người đó đã được bạn thêm bớt, phóng đại lên một cách quá đáng thì quả thật bạn là một con người mộng tưởng, gian xảo và dối trá.
Tất cả các học sinh đã và đang học tại Ams, và kể cả các thầy cô giáo đã và đang công tác, giảng dạy tại trường đều có thể khẳng định rằng không bao giờ có cảnh “ma cũ bắt nạt ma mới”, hay bất kỳ một hình thức kéo bè kéo cánh, tụ tập thành băng nhóm “anh chị” như bạn hay xem trong phim ảnh diễn ra tại trường chúng tôi.Tất cả mọi hình thức trêu đùa, trong đó có DSBA đều chỉ diễn ra trong những nhóm bạn có quen biết và chơi thân với nhau. Tôi, và nhiều học sinh khác nữa từng tham gia DSBA có thể khẳng định rằng chưa bao giờ một người trong số chúng tôi đã bắt nạt một học sinh mới vào trường, hoặc một học sinh không quen biết bằng cách cho họ đi DSBA, hoặc bất cứ các hành động “bắt nạt học đường” nào khác cả. Chúng tôi cũng một lần nữa khẳng định rằng DSBA chưa bao giờ gây cho ai bất kỳ thương tích nặng nề nào như “bong gây, gãy tay gãy chân” như trong bài bạn đã viết.
Điều đáng ngạc nhiên là nhiều giáo viên trong trường không biết một chút gì về trò “chào hỏi… bạo lực” này. Còn các phụ huynh cũng xót khi thấy con mình đi học về tay chân trầy xước, quần áo bị rách song hỏi thế nào cũng nhất định không chịu nói, có bạn trả lời bừa: ngã xe.
Đến lúc hỏi các bạn cùng lớp của con mình thì mới biết rằng con mình là nạn nhân của hình thức bắt nạt học đường mới. Định làm căng lên nhà trường nhưng sợ con tiếp tục làm nạn nhân nên thôi, hi vọng chỉ bị một lần rồi sau đó cũng yên ổn. Cũng có một số bạn về nói với bố mẹ và sau đó thì tha hồ lãnh đủ.
B. người đang giữ “kỷ lục” là ba tầng vừa đi xuống vừa xoắn kể lại rằng: “Thực sự lúc đó tớ rất sợ hãi và hoảng loạn, nhưng không đủ can đảm nói với phụ huynh vì có thể bị nặng hơn. Phải gần một tuần sau mới dám đi học lại.”
Vâng, lần cuối tôi phải khẳng định lại rằng DSBA không phải là một màn “chào hỏi” ma cũ dành cho ma mới, lại càng không phải là một hành động “bạo lực học đường”. Đó chỉ là một trò vui đùa mang tính chất của học sinh, và đương nhiên không phải giáo viên nào cũng biết hết được tất cả các trò chơi của học sinh. Và một lần nữa tôi lại mạo muội xin bạn Giang Loa nêu rõ những ai đã từng chịu cảnh vì DSBA mà “chân tay trầy xước, quần áo rách và sống trong sự sợ hãi, hoảng loạn”, để rồi đễn nỗi phải “nghỉ học tới gần một tuần mới dám đi học lại”. Chẳng lẽ có bậc phụ huynh dù đã biết chuyện (như bạn nói) mà không dám phản ánh lại với nhà trường chỉ vì sợ con tiếp tục là nạn nhân? Họ cũng “sợ hãi”, cũng “hoảng loạn”, cũng sợ bị DSBA chăng? Chẳng lẽ ban giám hiệu của một trường THPT chuyên danh tiếng nhất Hà Nội (chưa muốn nói đến Việt Nam) lại không thể bảo vệ con em họ, để dù có phản ánh thì những học sinh bị bắt nạt vẫn tiếp tục là nạn nhân? Nếu như vậy tại sao trường trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam lại là ngôi trường hàng đầu của Hà Nội trong suốt 20 năm qua? Lại là ước mơ vươn tới của bao thế hệ học sinh? Tại sao lại có thể là ngôi trường đã đào tạo ra hàng ngàn học sinh ưu tú, mỗi năm mang về vô số các giải thưởng ở các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, cấp quốc gia và cả ở các kỳ thi Olympic quốc tế? Chắc không phải vì môi trường sư phạm đầy “bạo lực” khiến các học sinh phải mang tâm lý “hoảng loạn, sợ hãi” mỗi khi đến trường đâu bạn Giang Loa nhỉ.
Cuối cùng, tôi muốn hỏi bạn Giang Loa liệu bạn có cảm thấy xấu hổ với bản thân mình khi viết những dòng báo thiếu trung thực trên? Liệu bạn có cảm thấy vô duyên khi nhận tiền nhuận bút qua bài báo không có căn cứ, lừa người đọc như vậy? Chỉ với lối suy diễn vô căn cứ, những nhân chứng, những lời nói không thể kiểm chứng, và có thể hoàn toàn không có thật rồi từ đó làm nên một bài viết trên một tờ báo phát hành trên toàn quốc, đến tay hàng triệu người đọc liệu bạn có bị lương tâm của một người viết báo cắn rứt? Như trên đã viết, từ tất cả những điều từ bài báo của Giang Loa, chúng tôi cảm thấy bạn là một con người thiếu suy nghĩ, thiếu hiểu biết, vô học, ngu dốt, mộng tưởng, gian dối và xảo trá. Liệu chúng tôi có nên khẳng định điều này luôn chăng hay nên chờ lời đính chính từ Giang Loa? Nhưng dù gì thì danh tiếng của trường trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam, cùng với danh dự của học sinh Ams chúng tôi đã bị tổn hại nghiêm trọng vì hành động vô trách nhiệm này. Chúng tôi yêu cầu tác giả bài viết, cùng quý báo Hoa Học Trò có lời xin lỗi và nhận trách nhiệm thích đáng trước toàn thể ban giám hiệu và học sinh nhà trường. Đồng thời, có 1 bài viết giải trình cụ thể về sự việc lần này trên 1 số báo gần nhất.