Kiều Minh: ở các nước sinh viên còn làm thành công cả đề tài tiến sĩ về ca từ trong các bài hát của Trịnh kia mà.
Minh chịu khó đọc tiếp nhé!
Triết lý hay không triết lý:
“Tôi vốn ưa thích triết học và vì thế tôi muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình,”(3)TCS giải thích về việc người ta tìm thấy những triết lý ẩn chứa trong ca từ của ông.
Những triết lý tản mạn được ông “đưa vào những ca khúc của mình” có thể dễ dàng tìm thấy trong một số bài hát, một số câu hát. Những triết lý ấy không mới (nếu không phải cũ kỹ), hoặc nếu có mới chỉ là mới ở cách thể hiện bằng “ngôn ngữ TCS”. Hơn thế nữa, những triết lý ấy hầu hết đều nằm trong những pho sách ở “tàng kinh các” của nhà Phật. Đó là những “triết lý” về số kiếp, về định mệnh, về “sắc sắc không không”, về “lẽ vô thường của đất trời”, hoặc những giáo điều khá phổ biến mà không ai không biết, như “đời là bể khổ trầm luân”, “oán thù nên giải không nên kết”... vân vân. Chính ông cũng thừa nhận: “Phật giáo tác động rất sâu xa trong đời sống tâm linh của tôi. Cái phần siêu hình trong ngôn ngữ của tôi là do ảnh hưởng của Phật giáo... Không hiểu sao, những năm gần đây, tôi thường nghĩ về Phật giáo như là một tôn giáo mang nhiều tính hiện sinh nhất. Bắt đầu bằng chữ sát na, một đơn vị thời gian siêu nhỏ. Phải biết sống hết mình trong mỗi sát na của thực tại...”(4)Ông phấn khởi, hồ hởi tìm thấy nơi triết lý nhà Phật con đường giải thoát, và còn hăng hái rủ rê mọi người cùng theo ông đến gõ cửa thiền: “Với tôi, Phật giáo là một triết học làm cho ta yêu đời hơn, chứ không phải làm cho ta lãng quên cuộc sống.(4)Đó là một thứ triết học siêu thoát mà ai cũng cần phải học, ngay cả những người thuộc tôn giáo khác. Mỗi người cần phải nỗ lực để xây dựng cho bằng được một ngôi chùa tĩnh lặng trong lòng mình. Nó sẽ giúp ta nhìn thế giới khác đi, nhìn cuộc sống khác đi. Với tôi, đó cũng là thiền, là một cách sống đích thực...”(4)
Thiền, liệu đấy có phải là “một cách sống đích thực”? Ai sẽ trả lời câu hỏi này? Chỉ biết rằng “Hãy Cứ Vui Như Mọi Ngày”, “Để Gió Cuốn Đi”, “Nguyệt Ca”, “Đóa Hoa Vô Thường”, “Giọt Lệ Thiên Thu”... và những bài về sau nữa nghe đẫm hương thiền, trong lúc người viết những ca khúc ấy vẫn còn đang dọ dẫm những bước đầu “khái niệm nhập môn” để phấn đấu trở thành một môn sinh của Thiền. “Tôi đang tập hành Thiền về sự lãng quên,” ông cho biết thêm. “Lãng quên những gì không cần thiết cho đời và cho chính bản thân mình”(4)
Liệu ông còn phải tập tành đến bao lâu, đến mức nào mới gọi là đủ công phu, nội lực để lọt hẳn được vào cánh cửa thiền (không phải chân trong chân ngoài)? Liệu ông có “thiền” nổi, có “lãng quên” nổi, hay rồi cũng chỉ là “quên trong nỗi nhớ” (Nguyệt Ca) hoặc “tưởng rằng đã quên, nhưng tim yếu mềm...” (Tưởng Rằng Đã Quên).
Ông thích “triết lý” về sự sống, về cái chết, về tình yêu, về thân phận con người..., bằng những góp nhặt và vay mượn từ những mảng triết học từ đông sang tây, chỗ này một ít, chỗ kia một ít.
“Đời cho ta thế, những sớm tối không đổi thay...” (Đời Cho Ta Thế), định mệnh chỉ cho ta một quả chanh, hãy vui vẻ đón nhận, hãy vắt lấy nước mà uống. Triết lý “thỏa hiệp với nghịch cảnh” ấy ta nghe đã từ lâu lắm.
“Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, chọn những bông hoa và những nụ cười”
(Mỗi Ngày Tôi Chọn Một Niềm Vui), không phải đợi cho tới lúc những câu hát ấy được ông viết ra, người ta mới thấu hiểu được ý nghĩa của triết lý sống đơn giản ấy. Hạnh phúc ở quanh đây, hạnh phúc thật bình thường, cái “nghệ thuật sống” ấy từng được nhiều người biết đến, có khi còn trước cả ông Lâm Ngữ Đường nữa.
Triết lý về nhân sinh ấy được đẩy xa thêm chút nữa thành ra những “hãy cứ vui chơi cuộc đời” (Hãy Cứ Vui Như Mọi Ngày), “còn cuộc đời ta cứ vui” (Để Gió Cuốn Đi), “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ” (Mưa Hồng). Đến đây thì những câu hỏi “tôi là ai mà yêu quá đời này? Tôi là ai mà còn trần gian thế?...” (Tôi Ơi, Đừng Tuyệt Vọng) bắt đầu được đặt ra... “Tôi là ai?” hoặc “tôi hiện hữu hay không hiện hữu?”, những vấn nạn đại loại như thế đã có từ nhiều năm trước, khi mà tuổi trẻ ngày ấy mới bước đầu làm quen với những tên tuổi A. Camus, J.P. Sartre. Thế nhưng, đây lại là một kiểu hiện sinh khác, theo như TCS giải thích: “... không phải hiện sinh theo kiểu sống vội sống vàng, mà ở đây, con người sống bình thản trong từng sát na”(3). Một trong những lập luận vẫn thường được TCS nhắc đi nhắc lại, như một phát kiến của nhà tư tưởng: “Tôi hát là tôi hiện hữu. Tôi tồn tại cũng có nghĩa là tôi sẽ mất đi. Tôi mất đi nhưng tiếng hát còn ở lại. Tiếng hát còn ở lại cũng có nghĩa là tôi hiện hữu.”(4). Cứ theo lối lập luận ấy, ông đã không thừa nhận là ông “mất đi” sau khi ông... mất. Trước đây, ông vẫn phủ nhận những quy luật về tuổi tác và nhất định “không chịu già”. Nay, ông đứng vào hàng ngũ những người “không chịu chết”, mặc dù chính ông cũng là người viết “Cát Bụi”.
Thử nghe lại “Cát Bụi”, một trong những ca khúc khá phổ biến của TCS, mang tính triết lý về thân phận con người (trở thành bài hát chính tiễn đưa ông trong ngày ông “về làm cát bụi”). “Để một mai tôi về làm cát bụi” thì không có gì mới (cát bụi trở về cát bụi, ai cũng biết). “Ôi, cát bụi mệt nhoài” thì có mới hơn (mặc dầu từ nhiều năm trước đó, nhà thơ cũng tên với ông, Nguyễn Đức Sơn, cũng từng nói đến “cát bụi mệt mỏi”). “Mệt nhoài” vì những nỗi gian truân, những lao đao giữa cuộc sống, những lận đận của kiếp người... “Ôi, cát bụi tuyệt vời” cũng mới hơn. Thật là tuyệt vời khi rũ sạch nợ trần (hay phủi sạch bụi trần) để lại được hóa thân về làm... cát bụi!
“Tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi...” là “tiếng động”gì vậy? Giữa đời sống cơ hồ bị bủa vây bởi trùng trùng thanh âm, bởi trăm nghìn tiếng động, làm sao biết được tiếng động nào là tiếng động nào? Bao nhiêu người hát, bao nhiêu người nghe, ít có ai đặt câu hỏi. Tiếng động nghe được và không nghe được. Tiếng động có tên và không tên. Có thể là tiếng búa nện đinh trên nắp quan tài. Hoặc, có thể là tiếng động “tích tắc” gõ nhịp đều đặn của chiếc kim đồng hồ, từng ngày từng giờ vận chuyển những vòng lăn của chiếc bánh xe thời gian. Hoặc, có thể là tiếng mưa nhỏ giọt, từng giọt từng giọt trong đầu (“có mưa quanh chỗ nằm...”). Hoặc, có thể, có thể..., và còn biết bao nhiêu loại tiếng động khác nữa giữa cuộc sống bộn bề. Thử nghĩ xem, ông nhạc sĩ muốn nói điều gì? Thử nghe qua vài loại tiếng động lạ thường trong những lời nhạc của ông:
đêm ta nằm nghe tiếng trăm năm... (Còn Có Bao Ngày)
có tiếng tù và hối thúc trong tim... (Bay Đi Thầm Lặng)
một chiều đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa... (Một Cõi Đi Về)
Lại còn có cả một bài nhạc (Nghe Tiếng Muôn Trùng) nói về đủ thứ đủ loại tiếng động mà chỉ có mỗi mình ông nghe được.
Tiếng động, nỗi ám ảnh thường trực, không nguôi, không dứt, không rời, chính là nỗi ám ảnh về cái chết, về cát bụi, đeo đẳng theo ông mãi một đời.
Tiếng động là ảo giác.
Làm gì có tiếng động nào. Làm gì có triết lý nào. TCS, đôi lúc ta thấy ông như đang loay hoay cố tìm kiếm điều gì đó mới mẻ, nhưng tìm chưa thấy, kiếm chưa gặp, nên vẫn cứ loanh quanh luẩn quẩn, vẫn còn chạy lòng vòng. Trước sau ông vẫn chỉ như một con người suy tưởng, một nhà tư tưởng (thinker) hơn là một triết gia, dù đôi lúc ông có điệu bộ lừng khừng hoặc trầm tư của một triết nhân.
Khi nghe nhạc TCS là khi ta lên đường cùng với ông, đi tìm kiếm những lời giải đáp, những câu trả lời về thân phận, về tình yêu, về cuộc sống, về cái chết, về đủ mọi vấn nạn trong cõi nhân sinh này. Những câu hỏi đại loại: “tôi là ai, là ai, là ai...?”, hoặc lắm lúc chỉ là những câu hỏi bâng quơ “làm sao, thế nào...?” tưởng như vớ vẩn, lẩm cẩm: “làm sao em biết bia đá không đau?”, “làm sao em biết đờụi sống buồn tênh?” “Làm sao, làm sao...?” Những câu hỏi cứ dấy lên mà không bao giờ có được lời giải đáp. Những câu hỏi “như từng viên đá cuội rót vào lòng biển khơi” (Tình Nhớ), hoặc theo cách nói của ông, những câu hỏi ném vào hư vô, hư không, hay hư... gì gì đó!
TCS không phải là người đầu tiên “muốn đưa triết học vào những ca khúc”. Trước ông khá lâu, Phạm Duy chẳng hạn, đã có những tâm ca, rồi đạo ca, thiền ca... Về giá trị nghệ thuật, từ “Đóa Hoa Vô Thường” đến những bài phổ thơ Phạm Thiên Thư của Phạm Duy như “Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng”, “Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu” vẫn còn là những khoảng cách. (Tương tự, “Còn Mãi Tìm Nhau” là một cố gắng khác để viết lại “Tìm Nhau”, một sáng tác của Phạm Duy, năm 1956. Ở Phạm Duy: “tìm nhau trong cơn gió”, ở TCS là “tìm trong gió vô tình..., tìm trong ngọn gió hư vô”. Ở Phạm Duy: “ tìm nhau khi nắng đổ”, ở TCS là “tìm trong nắng hững hờ”. Ở Phạm Duy: “tìm nhau trong mưa bão”, ở TCS là “tìm khi gió mưa về”. Ở Phạm Duy: “tìm nhau trong muôn thuở”, ở TCS là “tìm nhau giữa vô cùng”. Ở Phạm Duy: “tìm nhau như thiên cổ tìm ngàn thu”, ở TCS là “tìm xa vắng muôn trùng……..., tìm nhau ta hẹn với đời nhau”. Sau hết, ở Phạm Duy: “gặp nhau, đôi tâm hồn được nghỉ ngơi”, ở TCS là “tìm nhau trong hạnh phúc vô thường”. Trong lúc Phạm Duy vẫn còn miệt mài “tìm trong câu thơ cổ, tìm qua tranh tố nữ, tìm...” thì TCS có lẽ đã... thấm mệt nên tạm thời từ bỏ ý định “còn mãi tìm nhau”!...).
Trở lại chuyện triết lý hay không triết lý? Kỳ thực, chẳng có triết lý nào cả, chẳng có triết học nào “đưa vào những ca khúc” như TCS nói. Những triết lý ấy (nói cho có vẻ “triết lý”), thực chất là giáo lý, tiềm ẩn trong tôn giáo, hay nói đúng hơn, là những mảnh vụn triết lý vay mượn, sao chép trong kinh Phật. Những “triết lý” ấy thực sự không xa lạ gì đối với tín đồ Phật giáo, đối với một phật tử thuần thành như TCS. Phật giáo, nói như TCS, đấy là một thứ “triết học siêu thoát”, chứ không hẳn chỉ là một tôn giáo. “Tôi đang cố gắng quên Phật giáo như một tôn giáo,” ông nói, và còn thêm rằng ông không “tìm đến với Phật, mà là trở về với Phật tính trong cõi riêng mình”(4). Ông gọi đó là “chiếc ngai Phật”. “Tôi ngồi, Phật sẽ tràn ngập tôi và tôi sẽ tràn ngập Phật”(4). Càng về cuối đời, hay càng cận kề nỗi tuyệt vọng, người ta càng có khuynh hướng đến gần với tôn giáo, điều này cũng dễ hiểu và cũng giải thích trường hợp TCS. Dù là “tìm đến với Phật” hay “trở về với Phật tính”, dù có muốn “quên Phật giáo như một tôn giáo” thì tôn giáo ấy cũng đã là chỗ dựa, là đôi nạng nhiệm mầu cho ông tựa vào để gắng gượng sống, để có đủ sức chống trả và hóa giải mọi bủa vây nghiệt ngã, hay ít nhất cũng đã vỗ về, trấn an ông, cũng đã ít nhiều tạo cho ông cái ảo giác là ông có thể an nhiên tự tại trong cõi sống đầy hệ lụy này. Tôn giáo là con đường cứu rỗi, là chiếc phao cho kẻ sắp chết đuối là ông bám vào, khi mà sự tuyệt vọng và cái chết là hai nỗi ám ảnh không rời trong những năm tháng cuối đời.
Ông đã nói về tôn giáo của ông như những lời rao giảng về đức tin, về chân lý trong một bài thuyết pháp. Ông đã tin vào tôn giáo như tin vào một thứ triết học siêu thoát. Ông đã tập hành thiền để mong “siêu thoát”, để tìm sự lãng quên, thế nhưng mục đích của hành thiền đâu có phải là để lãng quên. Chẳng ai tập lãng quên được cả. Ai cũng biết khi muốn quên là khi lòng còn nhớ; khi muốn “thoát” là chưa dứt nợ trần. Ông không quên, ông chỉ muốn tìm quên; ông chưa thoát, ông chỉ muốn được thoát,và đấy là những điều ông “muốn”, chứ không phải là ông đã đạt được.
Tôn giáo, sau cùng đã cho ông được những gì? Liệu ông có đủ vật liệu (đức tin, sự bền bỉ, lòng quyết tâm...) để xây được “ngôi chùa tĩnh lặng trong lòng mình”. Đâu cần phải xây dựng những ngôi chùa nguy nga, những đền đài tráng lệ, chỉ cần một cái am nhỏ thôi, tôi nghĩ, với một chút lòng thành, cũng đủ cho ông tìm gặp được chính mình.
Liệu ông có thực sự tin vào những lời rao giảng của chính mình hay chỉ... nửa tin nửa ngờ? Liệu “đức tin” ấy có “cứu” được ông? Chắc không ai có được câu trả lời rõ ràng hơn chính ông: “Những đấng tối cao, có lẽ đã ngủ quên cùng với chân lý...,”(3)sau cùng ông đã phải thốt lên như vậy. Trong nỗi tuyệt vọng, ông phải lần dò đi gõ từng cánh cửa, kể cả cánh cửa tình yêu để khẩn cầu “Chúa đả bỏ loài người, Phật đã bỏ loài người, này em, xin cứu một người...” (Này Em Có Nhớ).
Triết học, sau cùng đã cho ông được những gì? Chắc cũng không ai có được câu trả lời rõ ràng hơn chính ông: “Tôi đang muốn quên đi những trang triết lý, những luận điệu phỉnh phờ...,”(3) ông nói thẳng thừng. Tất cả, những gì ông đã dày công nghiền ngẫm, sục sạo..., rốt cuộc đều là giả trá, bịp bợm cả hay sao? “Những luận điệu phỉnh phờ”, khi nói thế, ông cũng đã “triết lý” vậy. Chỉ có điều, triết lý ấy đã ứng dụng cho cả chính ông, đã quay ra phỉnh phờ cả chính ông.
Tôn giáo là triết học hay triết học là tôn giáo? TCS, ông đã đồng hóa hai thứ ấy. Triết học và tôn giáo chỉ là một. Ông đã tìm thấy trong tôn giáo của ông những triết lý đời thường mà ông tin rằng có thể ứng dụng được để cứu rỗi ông, để giúp ông tìm được sự bình ổn trong tâm hồn. Điều đó cũng giải thích tại sao ông đã “muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình”.
Nhạc và lời