Dựa vào linh cảm?
Bắt đầu trung tuần tháng 8/2006, sàn giao dịch của các Cty chứng khoán lại nóng lên với hàng trăm nhà đầu tư chen chúc nhau để đặt lệnh, khiến những mất mát về công sức và tiền bạc của nhiều nhà đầu tư vào thời điểm các tháng 6,7 chìm vào quên lãng. Và rải rác đâu đó trên các sàn giao dịch, các nhà đầu tư lại xúm nhau lại bàn tán, toan tính cho một thời vận mới đang dần hiện hữu. Và chính lợi nhuận trong ngắn hạn thu được trong hơn một tháng qua có thể làm họ quên đi những bài học đắt giá đã từng phải trả.
Tại một sàn giao dịch của một Cty chứng khoán đóng trụ sở ở đường Bà Triệu, Hà Nội, thỉnh thoảng lại có một số nhà đầu tư mới đến tìm hiểu thì ngay lập tức họ được nhập vào đám đông và có một vài "chuyên gia" là nhà đầu tư lâu năm đang giảng giải là nên mua loại cổ phiếu này, cổ phiếu kia và rất nhiều người nghe và thực hiện theo. Và trong một số phiên giao dịch nhất định những nhà đầu tư mới này thu được lợi nhuận. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là liệu có phải những chuyên gia đó có tầm nhìn xa trông rộng hơn những nhà đầu tư thuộc loại trung bình và không chuyên nghiệp kia không? Và nếu đúng là như vậy, tại sao họ lại giúp đỡ "miễn phí" một cách nhiệt tình như vậy. Liệu những thông tin của những người dẫn dắt kia đáng tin cậy không khi chính họ cũng là nhà đầu tư (hay nhà kinh doanh) mà điều sơ đẳng ai cũng biết là phải cạnh tranh?
Trên thực tế, hiện nay có rất nhiều người vẫn có khuynh hướng hành động theo xu thế chung trên thị trường. Ví dụ, khi thị trường trầm lắng, họ chọn cách đứng xa để quan sát, nghe ngóng. Khi thị trường tăng mạnh, với tâm lý lạc quan họ lại lao bổ vào để mua/bán mà không cần nghĩ ngợi nhiều. Và khi thị trường sụt giảm, cùng với những người khác bán hoảng hốt và thị trường sụt giảm lại càng sụt giảm thêm. Cũng rất nhiều nhà đầu tư tâm sự, nhiều lúc biết như thế là không tốt nhưng thấy giá cổ phiếu lên nhanh quá, sốt ruột lại đổ tiền vào đầu tư. Và ngược lại khi cổ phiếu giảm giá mạnh thấy thiên hạ bán thì mình cũng phải bán vợi kẻo ngộ nhỡ thị trường tụt dốc mạnh thì mình lại mất tiền.
Khác xu thế đầu tư trên, chị C ở sàn Habubank không giấu được niềm vui khi giá cổ phiếu của VNM tăng trở lại với mức trên 83.000 đồng/cổ phiếu, vì tại thời điểm cuối tháng 5/2006 chị đã phải mua cổ phiếu này với mức giá 88.000 đồng/cổ phiếu. Trong lúc thị trường sụt dốc mạnh chị cũng rất hoang mang, có thời điểm giá cổ phiếu của VNM đã xuống dốc ở mức 66.000 đồng cổ phiếu, nhưng một phần là do tiếc của và một phần khác là chị đã "linh cảm" được rằng là giá cổ phiếu sẽ lên. Và sự linh cảm của chị đã đúng, với đà tăng trưởng của thị trường chị hi vọng cổ phiếu VNM sẽ còn tăng nữa. Như vậy, trong dài hạn chị vẫn có lợi nhuận từ cổ tức, từ những đợt phát hành cổ phiếu với giá ưu đãi trong tương lai của cổ phiếu này. Chị cho biết, với những kiến thức ít ỏi có được trong các khoá đào tạo ngắn hạn về chứng khoán và TTCK mà chị đã học được cách đây không lâu, thành công trong trong đầu tư của chị chủ yếu dựa vào "linh cảm". Cách đây 3 tháng khi cổ phiếu bắt đầu có dấu hiệu giảm sút, đã có một người bạn gửi thư điện tử cho chị và khuyên chị nếu có "ôm" nhiều cổ phiếu thì hãy bán hết vì giá cổ phiếu sẽ sụt giảm mạnh và chỉ số VN-Index sẽ sụt giảm dưới 300 điểm. Sau một vài ngày trấn tĩnh cộng thêm những thông tin từ các chuyên gia thị trường đưa ra trên các phương tiện thông tin đại chúng chị đã quyết định mua thêm cổ phiếu và bây giờ là lúc chị được hưởng những thành quả của mình.
Với trường hợp của chị C, khi đưa ra bàn luận với một số chuyên gia thì họ cũng đã công nhận rằng, trong đầu tư chứng khoán ngoàI kiến thức và thông tin ra đôi khi cũng phải dựa vào "linh cảm". Tuy nhiên, nó chỉ phù hợp với những nhà đầu tư có kiến thức và có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường, thường thì những người này đã hình thành những phản xạ "nghề nghiệp" trong đầu. Còn đối với các nhà đầu tư mới thì "linh cảm" có thể đúng hoặc có thể sai, cho nên các chuyên gia khuyên nhà đầu tư nhỏ, lẻ trên TTCK không nên dựa vào linh cảm mà phải dựa vào lượng kiến thức và thông tin.