SỨC MẠNH THỰC SỰ LÀ GÌ ?
1. Vì sao lại mong muốn trở nên mạnh mẽ ?
Trong chúng ta tự bản thân không ai muốn làm việc gì xấu cả nhưng đôi khi vẫn bị người khác uy hiếp, bắt nạt, hoặc bạn bè người thân ta bị kẻ xấu bắt nạt. Khi đó bạn phải làm gì? Nếu ta có sức mạnh hơn đối phương ta có thể đánh lại kẻ xấu, giúp đỡ người bị bắt nạt. Nếu yếu đuối ta chỉ có thể hậm hực nhìn người khác bị bắt nạt mà không thể làm được gì để giúp họ. Lúc đó ta chỉ mong sao có được sức mạnh.
Để trở nên mạnh mẽ ta không chỉ cần một thân thể khỏe mạnh mà ta còn cần phải nuôi dưỡng một tinh thần kiên định bất khuất không nản lòng trước khó khăn.
Để có được một sức mạnh đích thực cần phải xây dựng sự tự tin vào bản thân mình. Shorinji Kempo luôn hướng đến mục tiêu đạt được sức mạnh đích thực này.
2. Sức mạnh thực sự không phải là những miếng võ mà là sự tự tin
Mục đích của việc luyện tập Shorinji Kempo là để phấn đấu trở thành một người có cả sức mạnh thể xác và sức mạnh tinh thần. Ta phải nhớ điều này, đừng biến mục tiêu tập võ của ta để trở thành người mạnh nhất hay để đánh bại mọi đối thủ. Vì nếu mục tiêu của ta đơn giản chỉ để đánh bại đối thủ thì ta không cần đến những kỹ thuật chiến đấu tay không mà đơn giản chỉ cần dùng đến vũ khí là đủ. Việc rèn luyện những miếng võ của Shorinji Kempo là nhằm đem đến cho ta sự tự tin vào bản thân và một sức mạnh để bảo vệ bản thân mà không cần đến vũ khí.
Sự tự tin là rất quan trọng đối với mỗi người chúng ta. Khi định làm một việc gì nếu ta không có lòng tin thì chưa làm đã thất bại rồi. Nếu có sự tự tin thì dù có gặp thất bại ta vẫn kiên định lập trường mà tiếp tục phấn đấu để đạt được thành công.
Tương tự, nếu ta gặp một kẻ địch mạnh hơn ta, trong đầu ta luôn nghĩ rằng ta sẽ không thể chống đỡ lại được thì ta sẽ thua, ngược lại nếu ta tin tưởng vào những miếng võ ra được học thì chưa chắc đã thua. Sự tự tin không có ai cho ta cũng như không thể mua được bằng tiền mà chỉ có rèn luyện mới có được.
Thông qua tập luyện Shorinji Kempo mỗi chúng ta sẽ có được lòng tự tin, sự hợp tác và hiểu được hạnh phúc chỉ trọng vẹn khi ta chia sẻ với những người xung quanh chứ không dành riêng cho một mình ai.
VÕ ĐẠO LÀ GÌ ?
Chữ Võ trong tiếng Hán là một chữ tượng hình, nó được tạo thành từ 3 chữ có nghĩa là "hai", "cây thương" và "dừng lại", nghĩa là "ngăn hai cây thương lại". Nghĩa gốc của chữ Võ không phải để đánh nhau, để thắng bại, để sát thương kẻ khác mà là ngăn chặn sự phân tranh giữa hai bên. Võ thuật không phải dùng để chứng minh ai là kẻ mạnh mà dùng để duy trì công lý và một xã hội với các giá trị đạo đức. Trong võ thuật thì "Tôn sư trọng đạo" là điều đầu tiên được nhắc đến.
1. Bu no tai và Bu no yo
Tập luyện các bài quyền, các cách tấn công, phòng thủ mới chỉ là phần hình của Võ mà thôi. Đó gọi là "Bu no tai".
Tập võ không chỉ phục vụ lợi ích bản thân mà phải đem phục vụ cho cộng đồng, bảo vệ cho cái lương thiện chống lại cái ác mới là ý nghĩa cao cả của võ. Đó chính là "Bu no yo".
Võ đạo là sự kết hợp cả hình và ý. Võ giúp cho con người trở nên khỏe mạnh và dạy cách bảo vệ bản thân. Võ đào tạo những con người có sức khỏe, lòng can đảm, có chính nghĩa để mang lại lợi ích cho cộng đồng.
2. Quan niệm sai lệch về Võ đạo
Một số môn phái võ cho rằng võ thuật chân chính là phải đánh bại được mọi đối thủ. Họ luyện võ với một mục đích duy nhất là để tự khẳng định mình luôn là người chiến thắng. Họ luyện võ chỉ với mục đích phục vụ cho danh vọng và lợi ích cá nhân, họ đề cao những người đạt được danh hiệu vô địch trong các cuộc thi và một số người lấy đó làm mục tiêu để tập võ.
Giá trị thật sự của võ đạo không phải ở sức mạnh mà là ở khía cạnh tinh thần. Một người giỏi võ mà không có đạo đức thì chỉ là một kẻ võ phu, ỷ mình có võ để trấn áp kẻ khác thì so với bọn côn đồ lưu manh chẳng có gì khác biệt.
3. Giá trị của võ thuật là ở tay không
Thưở sơ khai con người chỉ sử dụng chân tay để tự bảo vệ mình chống lại sự tấn công của muông thú. Trải qua hàng trăm năm, con người tìm ra lửa và sắt, và từ đó các loại vũ khí ra đời. Từ gươm đao, giáo mác, cung tên đến súng ống, đại bác toàn những thứ có thể lấy đi mạng sống chỉ trong nháy mắt, với những loại vũ khí tối tân, với sức hủy diệt kinh khủng như vũ khí hạt nhân thì việc giết hàng ngàn người trong khoảnh khắc từ khoảng cách xa hàng trăm kilômét chỉ đơn giản là một nút bấm khai hỏa. Vậy thì ở đây đặt ra một câu hỏi liệu ta có nên uổng phí khi bỏ ra khoảng thời gian 5 năm chỉ để học cách chiến đấu tay không ? Việc tập luyện chỉ vì mục đích đánh bại kẻ khác liệu có còn ý nghĩa không khi với súng đạn chỉ cần bóp cò là đủ để làm điều đó.
Con người xấu hay tốt, thiện hay ác tùy vào sự suy nghĩ của chính bản thân họ. Sự ganh ghét đố kị, sự hằn thù chỉ xuất hiện khi bản thân chúng ta muốn thế. Nếu thế giới này không có sự phân tranh, mọi dân tộc sống hòa bình với nhau thì lúc đó những vũ khí giết người tối tân chỉ có thể xếp vào kho mà thôi. Trong thực tế, sự bất công, sự phân tranh vẫn tồn tại và xảy ra trước mắt chúng ta hàng ngày và chúng ta - những người tập võ phải cố gắng dùng một phần sức của mình để làm cho cuộc sống xung quanh ngày một tốt đẹp hơn. Vì thế, võ đạo là cách giúp ta hiểu được võ thuật không phải dùng để đánh bại hay giết kẻ khác mà thông qua nó rèn luyện, hoàn thiện bản thân vì một mục đích là được sống và giúp cho người khác sống tốt hơn.
SHORINJI KEMPO LÀ GÌ ?
Shorinji kempo là một phương pháp rèn luyện cả thể xác và tinh thần. Mục đích chính của việc tập luyện Shorinji Kempo bao gồm 3 nội dung:
1. "Goshin rentan" tức là làm cho con người có dũng khí và sức mạnh để bảo vệ bản thân trong mọi tình huống.
2. "Seishin syuyo" tức là làm cho con người có một tinh thần kiên định, lòng tin vào chính nghĩa và công lý
3. "Keiko zoshin" tức là làm cho con người có sức mạnh phi thường
Shorinji Kempo mong muốn đem lại cho mọi người có sức khỏe, sự can đảm, lòng tự tin sống sao cho ra sống, giáo dục con người cách suy nghĩ và hành động theo lẽ phải, cách sống không phải chỉ biết đến bản thân mà phải biết nghĩ cho những người xung quanh, nhờ những con người như vậy chúng ta mới tạo ra được một xã hội lý tưởng. Khẩu hiệu của Shorinji Kempo là "Live haft for yourseft and haft for others" nghĩa là hãy học cách "Sống vì mình và vì mọi người xung quanh".
NGUỒN GỐC VÀ MỤC ĐÍCH SÁNG LẬP
1. Lịch sử của Shorinji Kempo
Truyền thuyết kể lại khoảng 1500 năm trước có một nhà sư Ấn Độ tên là Boddhidhamar (Bồ Đề Đạt Ma) trên đường truyền bá đạo Phật đến Trung Quốc đã dừng chân ở chùa Thiếu Lâm ở Tung Sơn. Tại đây ông đã truyền dạy cho các nhà sư phương pháp luyện tập thân thể và kỹ thuật tự vệ của mình, đó chính là tiền thân của võ Thiếu Lâm.
Năm 1928, ông Kaiso Doshin đến Trung Quốc với mong muốn cháy bỏng được học môn võ này. Ông đã ở lại chùa Thiếu Lâm 17 năm, trong khoảng thời gian này ông đã được học nhiều hệ phái võ cổ truyền và đã kế thừa sư phụ Tai Zong Wen trở thành trưởng môn đời thứ 21 của Thiếu Lâm Bắc Phái.
Năm 1945, Nhật Bản bị đánh bại trong Đệ Nhị Thế Chiến. Năm 1946, ông trở về nước, lúc này xã hội Nhật Bản thời hậu chiến vô cùng hỗn loạn, không có luật pháp. Mọi giá trị của cuộc sống đều bị xâm hại. Cảm nhận sự thống khổ đó, ông nhận ra mọi giá trị vật chất hay tinh thần, mọi tư tưởng hay tôn giáo đều bắt nguồn từ con người và tùy vào con người mà nó trở nên tốt đẹp hay xấu xa. Vì vậy để xây dựng lại xã hội thì trước tiên phải nuôi dưỡng những con người có sức khỏe, can đảm, lấy chính nghĩa là nòng cốt, từ đó nhân rộng ra thành một tổ chức phấn đấu vì một xã hội tốt đẹp hơn. Ông lấy đó làm động cơ để sáng lập Shorinji Kempo.
Tháng 10 năm 1947 ông đã thành lập một võ quán ở quê nhà ông ở thị trấn Tadotsu, tỉnh Kagawa với mục đích thông qua võ thuật mà ông đã trải nghiệm tổng hợp được thu hút mọi người đến luyện tập và truyền dạy những giáo lý tư tưởng của đạo Phật.
Năm 1980, sau 33 năm phấn đấu với mục đích đào tạo được ngày càng nhiều người trẻ tuổi khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần để xây dựng xã hội, ngày 12 tháng 5 năm 1980 ông qua đã qua đời sau một cơn đau tim. Kế tục sự nghiệp của cha, con gái ông là Yuki So đã đảm nhiệm cương vị chủ tịch Liên đoàn Shorinji Kempo quốc tế, tiếp tục dẫn dắt Shorinji Kempo đi theo con đường đã lựa chọn.
2. Về cái tên của Shorinji Kempo
Cái tên Shorinji Kempo (Thiếu Lâm Tự Quyền Pháp) bắt nguồn từ 2 lí do:
* Một là Kaiso đã có một khoảng thời gian dài học võ ở chùa Thiếu Lâm và sư phụ của ông - Tai Zong Wen cũng đã truyền lại chức chưởng môn cho ông tại đây. Kaiso muốn duy trì cái tên Thiếu Lâm Tự (Shorinji) để tưởng nhớ tới vị tổ sư sáng lập Thiền môn Bồ Đề Đạt Ma, người đã tạo ra một phương pháp rèn luyện cả thể chất và tinh thần tuyệt vời. Đó là sự kết hợp giữa Thiếu Lâm quyền thuật và triết lý đạo Phật.
*Hai là võ thuật của Shorinji Kempo tuy là một môn võ đã được Kaiso tổng hợp nghiên cứu và hệ thống lại nhưng vẫn giữ trong đó những kỹ thuật chiến đấu tay không đặc trưng của chùa Thiếu Lâm, đó là Thiếu Lâm Trường Quyền và Thiếu Lâm Cầm Nã Thủ.
(Trích từ tài liệu giới thiệu về Shorinji Kempo)