VN mất 'vàng' vì không hiểu luật
Lẽ ra ngày thi đấu cuối cùng của đội tuyển điền kinh VN sẽ tràn ngập niềm vui, nếu như không có sự cố đáng tiếc của Nguyễn Đình Cương: bị tước HC vàng cự ly 1500 m, do đồng đội Lê Văn Dương đã phạm luật trên đường chạy.
Đình Cương đã ăn mừng chiến thắng, nhưng....
Về đích với thành tích 3 phút 49 giây, tưởng như Đình Cương đã mang lại chiếc huy chương vàng thứ 8 cho đội tuyển điền kinh Việt Nam trong buổi chiều thi đấu cuối cùng. HLV Từ Tâm, phụ trách cự ly trung bình của đội tuyển điền kinh cũng không giấu được niềm vui khi 4 trong 5 học trò của bà ở đội tuyển là Thanh Hằng, Đỗ Thị Bông, Lê Văn Dương và Đình Cương đã đóng góp đến một nửa số HCV của ĐT điền kinh ở Đại hội lần này. Thế nhưng. niềm vui ngắn chẳng tày gang khi Ban tổ chức thông báo hủy bỏ kết quả của 2 VĐV Việt Nam do VĐV Lê Văn Dương đã phạm luật trên đường chạy. Cả ĐT điền kinh sững sờ, Trưởng bộ môn Dương Đức Thủy vội vàng chạy tới khiếu nại với trọng tài.
Cương ngồi khóc vì bị tước mất HC vàng.
Không ai ngờ rằng sự cố tụt giày của đồng đội Lê Văn Dương đã khiến nỗ lực tuyệt vời của Nguyễn Đình Cương đổ xuống sông xuống biển. Khi cả đoàn chạy được khoảng 50 m, Lê Văn Dương bị một vận động viên Malaysia giẫm vào vào gót trái khiến anh tuột giày. Bị bỏ lại đằng sau, Dương không chạy tiếp hoặc xin bỏ cuộc mà tiếp tục đứng lại chờ vòng sau để nhập vào đoàn đua để tiếp tục “kèm cặp” VĐV đối phương. Ban trọng tài của Liên đoàn điền kinh thế giới đã bắt lỗi này và loại cả 2 VĐV Việt Nam khỏi bảng thành tích và đưa đối thủ Myanmar tới chiếc HCV “từ trên trời rơi xuống”. Sau khi tham khảo ý kiến từ hội đồng trọng tài, Trưởng bộ môn Dương Đức Thủy trở về với khuôn mặt buồn bã và thừa nhận VN đã mất vàng và ĐT sẽ không khiếu nại về trường hợp của Cương.
Khi nhận được tin này, chàng trai Ninh Bình gần như đổ sụp xuống trên khán đài. Òa khóc tức tưởi trong vòng tay đồng đội, Cương mếu máo yêu cầu mọi người xem lại kết quả một lần nữa từ ban tổ chức. Chỉ ít phút trước, khoác trên mình lá cờ chiến thắng, chàng trai Ninh Bình còn tâm sự về sự tiếc nuối của mình khi ban huấn luyện yêu cầu Cương bỏ cự ly 800m để tập trung vào cự ly 1500 dù VĐV này xuất sắc ở cả 2 nội dung. Theo HLV Nguyễn Đức Nguyên, thoạt đầu ban huấn luyện đã chọn Trần Văn Thắng làm “chim mồi” cho Cương ở cự ly 1500 nhưng do VĐV này bị chấn thương sau khi đoạt huy chương bạc cự ly 3000m rào nên Lê Văn Dương được chọn thế chỗ. 2 ngày trước, cũng chính Dương cũng đã xuất sắc đoạt HCV cự ly 800m nam.
Chiến thắng kịch tính của Thu Cúc
Thu Cúc.
Đánh rơi chiếc huy chương vàng trong tay, đội tuyển điền kinh chỉ còn chờ đợi niềm hy vọng cuối cùng Nguyễn Thị Thu Cúc ở nội dung 7 môn phối hợp. Trước khi bước vào vòng thi chạy 800 m, Thu Cúc còn kém đối thủ người Thái Lan 148 điểm và chỉ có chạy nhanh hơn đối thủ 10 giây, Cúc mới có khả năng lật ngược thế cờ. Lỗi xuất phát trước khi trước hiệu lệnh của Cúc khiến ban huấn luyện một lần nữa thót tim lo lắng. Tuy nhiên, cô gái trẻ quê đất “gạo trắng nước trong” Cần Thơ đã bắt tốc độ cực tốt và nhanh chóng vượt lên dẫn đầu. Cho đến hết vòng thứ nhất, Cúc chỉ cách VĐV Thái Lan khoảng một chục mét.
Gạt mồ hôi đầm đìa trên trán, ông Dương Đức Thủy lo lắng thốt lên: “Gay quá, nếu Cúc không vượt thật xa để về đích sớm hơn 10 giây thì mình chỉ được bạc thôi”. Tuy nhiên, khi chỉ còn chưa đầy 200 m, Cúc băng băng vượt lên và về đích trước trước đối thủ cạnh tranh đúng 13 giây. Cả đội tuyển điền kinh vẫn chưa dám… ăn mừng cho đến khi Ban tổ chức thông báo kết quả chính thức, Thu Cúc đã chiến thắng đầy kịch tính với 5350 điểm, hơn VĐV Thái Lan vỏn vẹn 12 điểm. Như vậy, Cúc đã mang về chiếc HCV thứ 8 cho điền kinh Việt Nam, bảo vệ được chức vô địch SEA Games 22 đồng thời phá kỷ lục quốc gia (5343 điểm). Đội tuyển điền kinh đã khép lại chiến dịch SEA Games với thành tích xuất sắc đoạt 8 huy chương vàng, vượt chỉ tiêu trước lúc lên đường 2 chiếc đồng thời ra mắt “nữ hoàng tốc độ” mới của Đông Nam Á: Vũ Thu Hương.
HLV trường Dương Đức Thủy đã giải thích về trường hợp mất HCV của VĐV Nguyễn Đình Cương.
- Nguyễn Đình Cương đã vượt trước đối thủ người Myanmar một khoảng cách đáng kể trước khi cán đích. Vậy tại sao ban tổ chức vẫn loại cả 2 VĐV Việt Nam do lỗi của mình Lê Văn Dương?
- Đây là một trường hợp rất đáng tiếc. Hội đồng trọng tài cho rằng Dương đã cố tình cản trở đối phương để tạo thuận lợi cho đồng đội. Đây là một hành động không fail play, trái với tinh thần Olympic. Chính vì vậy ban tổ chức đã phạt rất nặng.
- Theo ông, đây là lỗi của mình Dương hay ban huấn luyện đã sai lầm trong chiến thuật?
- Việc cử một VĐV “mồi” hỗ trợ cho VĐV có hy vọng cao là hoàn toàn bình thường. Chúng ta cũng đã thành công trong chiến thuật này ở các cự ly 800m nữ và 1500m nữ khi Bông và Hằng kết hợp với nhau rất hiệu quả. Tôi cho rằng hậu quả này xảy ra do VĐV ta đã nắm luật quá ấu trĩ. Dương không cố tình phạm lỗi mà chỉ bởi anh đã quá nhiệt tình.
- Vậy chúng ta phải làm gì để tránh những trường hợp đáng tiếc như trên?
- Đây cũng là căn bệnh chung của điền kinh Việt Nam. Ở các địa phương, nhiều khi HLV vì chạy theo thành tích nên đã không chú ý giáo dục các VĐV về luật lệ thậm chí còn khuyến khích dùng tiểu xảo để chiến thắng bằng mọi giá. Rõ ràng đây chính là bài học đắt giá cho điền kinh VN.
Lê Văn Dương: “Em rất buồn và ân hận”:
Niềm vui với tấm HCV cự ly 800 m 2 ngày trước chẳng còn hiển hiện trên mặt Dương. Nhìn đồng đội khóc tức tưởi vì hụt mất chiếc HCV, Dương chỉ lặng lẽ ngồi một chỗ. Chỉ vào đôi giày chạy hiệu Mizuno có giá gần 200 USD đã rách toạc ở phần gót, Dương buồn bã nói với phóng viên VnExpress: “VĐV Malaysia chạy sau đã cố tình đạp thẳng vào gót em. Lúc đó, em đã cố xỏ giày chạy tiếp nhưng không kịp nên lại quyết định chạy sau một vòng. Em thực sự không biết là điều này đã phạm luật. Em rất ân hận và muốn gửi lời xin lỗi tới Cương”.
Khánh Sơn (từ Manila)
Vất vả trong sinh hoạt
Bị ngộ độc thức ăn tập thể cùng những quyết định bất lợi từ các trọng tài khiến chúng ta mất đi nhiều tấm HC vàng karatedo, và đánh mất vị trí nhất toàn đoàn vào tay Indonesia. Karate VN lẽ ra có thể làm tốt hơn ở SEA Games 23. Nhưng HLV Lê Công cũng hài lòng phần nào bởi đã vượt chỉ tiêu đề ra một HC vàng.
HLV trưởng Lê Công và cơm hộp thời SEA Games ở Philippines.
Được chuẩn bị rất kỹ lưỡng cả về chuyên môn lẫn tâm lý thi đấu, đoàn karatedo Việt Nam sang Philippines tham dự SEA Games 23 với hy vọng sẽ giành được nhiều hơn chỉ tiêu đề ra (4 HC vàng). Tuy nhiên, ngay khi đặt chân đến Cebu, thành phố diễn ra môn thi đấu này, toàn đội bị ngộ độc thức ăn ở khách sạn đóng quân. Hơn nửa số VĐV bị rối loạn tiêu hóa và nhiều người trong số đó phải tiếp nước suốt đêm. Tất cả toilet của khách sạn đều trong tình trạng quá tải. Những khuôn mặt hốc hác và méo xệch đi trong những cơn đau quằn quại đã báo hiệu trước những khó khăn của đoàn karatedo Việt Nam. Và quả là như vậy, trong ngày thi đấu hôm sau (ngày đấu đầu tiên), chúng ta không đoạt được một HC vàng nào, dù những nội dung hôm đó, chúng ta đều từng khẳng định được sự vượt trội so với đối thủ.
Không chỉ có vậy, những quyết định kém công minh của trọng tài cũng là tác nhân đánh tụt thành tích của karatedo Việt Nam tại SEA Games 23. Phạm Trần Nguyên, Nguyễn Bảo Toàn, Nguyễn Ngọc Thành đều là những VĐV hàng đầu Việt Nam từng thi đấu rất thành công ở các giải vô địch châu Á, trong đó, Trần Nguyên là đương kim vô địch châu Á nhưng cả ba VĐV này đều chỉ giành được HC bạc. HLV Lê Công cho biết: “Thi đấu trên đất nước bạn khiến nhiều VĐV của chúng ta bị tâm lý. Thêm vào đó, những quyết định của các trọng tài không phải là trung lập gây thiệt hại cho karatedo Việt Nam. Nếu họ bắt công tâm, tôi tin chắc rằng chúng ta còn có thể giành thêm 1-2 HC vàng nữa và chắc chắn sẽ xếp thứ nhất toàn đoàn”.
HLV lo lắng khi học trò bị xử ép.
Bên cạnh đó, điều kiện sinh hoạt kém thoải mái cũng khiến các VĐV của chúng ta không thể phát huy được hết khả năng của mình. Sau mỗi trận đấu căng thẳng, các VĐV lại ngồi trên khán đài, với vẻ mỏi mệt hằn lên trên mỗi khuôn mặt. Đến giờ nghỉ, họ lại kéo nhau ra phía sau nhà thi đấu nằm vạ vật ở đó và ăn những suất cơm “khó nuốt nổi”. Trong mỗi khẩu phần ăn, chỉ có thịt gà và một khoanh cơm và tuyệt đối, không có một chút rau xanh nào.
Dù còn những điều không vừa ý nhưng kiến trúc sư cho những thành công của karatedo Việt Nam trong khoảng chục năm gần đây, ông Lê Công, vẫn tâm sự: “Tôi rất hài lòng bởi trước áp lực ghê gớm như vậy cùng những vấn đề phát sinh về thực phẩm, chúng ta vượt được chỉ tiêu như vậy là tuyệt vời. Tuy nhiên, tôi cũng rất tiếc bởi ngay cả trong điều kiện đó, chúng ta vẫn có thể giành thành tích cao hơn”.
Và niềm tin đã thành chiến thắng.
Hôm nay, cả đội karatedo Việt Nam sẽ được nghỉ xả hơi một ngày ở bãi biển để thư giãn và hồi phục thể lực, trước khi lên máy bay trở về Việt Nam vào ngày 2/12. Tuy nhiên, HLV trưởng Lê Công, người đã thức trắng 2 đêm dòng, sẽ tự thưởng cho mình một ngày ngủ bù.
Minh Hải (từ Cebu)
Hoàn thành nhiệm vụ ‘vàng’
Hai ngôi vô địch ở cự ly 1.500 m nữ của Trương Thanh Hằng và 10 môn phối hợp của Vũ Văn Huyện chiều nay đã khẳng định thành công lớn của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 23. Tuy nhiên, HLV trưởng Dương Đức Thủy vẫn còn mong mỏi hướng đến tấm HC vàng thứ 8 và thứ 9 trong ngày mai.
Thanh Hằng.
Xuất phát tốt và sớm vươn lên dẫn đầu, Thanh Hằng băng băng về đích trong tiếng hò reo cỗ vũ của các CĐV Việt Nam và các đồng đội trên khán đài. Thành tích 4’18’’50 còn phá luôn kỷ lục quốc gia (4’19’’42) lẫn kỷ lục SEA Games (4’19’’48) ở nội dung 1.500 m, và khiến HLV trưởng Dương Đức Thủy thực sự kinh ngạc: “Tôi tin Hằng có thể đoạt HC vàng nhưng lập kỷ lục mới thì quả là chuyện khó tưởng tượng”.
Tấm huy chương thứ 6 này của đoàn điền kinh Việt Nam được coi là sự “đền ơn” xứng đáng của Đỗ Thị Bông. Nếu như hôm qua, Hằng làm “chim mồi” giúp Bông phá kỷ lục SEA Games tồn tại suốt 20 năm ở cự ly 800 m nữ, thì đến chiều nay, Bông “kèm” các đối thủ để Hằng dễ dàng cán đích mà không chút trở ngại. Chỉ có một điều đáng tiếc, khi nỗ lực cố gắng để đoạt HC bạc của Bông biến thành ác mộng khi chị bị căng cơ ngay sau vạch đích. Ông Thủy cho biết, chị thậm chí bị sốc tâm lý lớn và có thể phải nhập viện nếu không thể tự giải quyết. Đây không phải là lần đầu tiên kỷ lục gia Đỗ Thị Bông bị choáng vì chấn thương bất ngờ.
Nếu như tấm HC vàng của Hằng là sự kiện lớn thì vị trí thứ nhất của Vũ Văn Huyện ở nội dung 10 môn phối hợp thực sự khẳng định vị trí đáng nể của Việt Nam trong làng điền kinh. Đây là lần đầu tiên chúng ta có tấm huy chương quý giá trên kể từ khi tái hội nhập thể thao với Đông Nam Á năm 1989. HLV trực tiếp của Huyện tiết lộ: “Các nước trong khu vực, nhất là Thái Lan, rất giàu kinh nghiệm ở nội dung 10 môn phối hợp. Hầu như Việt Nam chỉ biết đứng ngoài cuộc trong các SEA Games cũng như những giải đấu khu vực khác”. Còn ông Dương Đức Thủy dù bớt xúc động như hôm qua, nhưng cũng không dấu được vẻ tự hào: “5, 6 năm gần đây và ít nhất 3 kỳ SEA Games trước, chẳng có ai dự môn này mà được hơn 7.000 điểm. Huyện thực sự đã làm nên kỳ tích”.
Vũ Văn Huyện.
Hôm nay sẽ là ngày thi đấu cuối cùng của điền kinh - môn thể thao được chú trọng nhất trong các kỳ đại hội. Chúng ta đã vượt chỉ tiêu xuất sắc với 7 HC vàng, nhưng vẫn còn những nội dung ẩn chứa hy vọng lớn, đáng kể là 1500 m nam và 7 môn phối hợp của nữ. HLV Dương Đức Thủy khẳng định: “Chúng ta hoàn toàn có thể giành thêm ít nhất 1 HC vàng và 1 HC bạc nữa để san bằng kỷ lục 8 HC vàng trên sân nhà tại SEA Games 22”.
Hai nhà vô địch mới nhất của điền kinh VN tại SEA Games 23:
Trương Thanh Hằng: sinh năm 1986, đang sống ở TPHCM, tập điền kinh từ năm 2000, trước khi lên tuyển 3 năm sau đó và lập những thành tích đặc biệt xuất sắc.
Vũ Văn Huyện: sinh năm 1983, quê Hải Dương, vừa nhập ngũ tháng 12/2004 và đang thi đấu cho đoàn Thể Công. Anh được phát hiện năm 2001 qua một giải phong trào, và có tố chất đều về mọi mặt, rất hợp cho nội dung 10 môn phối hợp.
Các huy chương điền kinh của Việt Nam hôm 29/11: 2 vàng (Thanh Hằng, Vũ Văn Huyện) và 3 bạc (Nguyễn Thị Nụ, 400 m rào nữ), đội chạy tiếp sức nữ, Đỗ Thị Bông (1500 m nữ).
Thanh Hằng được trao thưởng nóng 600 USD (300 của Ủy ban TDTT và 300 của sở TDTT TPHCM).
Sau ba ngày thi đấu, điền kinh Việt Nam đã có tất cả 7 HC vàng: Bùi Thị Nhung (nhảy cao nữ), Nguyễn Duy Bằng (nhảy cao nam), Vũ Thị Hương (100 m nữ), Lê Văn Dương (800 m nam), Đỗ Thị Bông (800 m nữ), Trương Thanh Hằng (1500 m), Vũ Văn Huyện (10 môn phối hợp).
Ông Riedl phiền lòng
Tại sao ông Riedl lại buồn khi U23 đã có một cú nhảy tam cấp vào đến bán kết? Giấu mãi rồi ông đã nói rất buồn: "Tôi chia sẻ với Công Vinh, nhưng tất cả phải biết chấp nhận"
Ông Riedl thấy phiền lòng vì những lời trách của Công Vinh.
Câu chuyện ông nhắc tới bắt đầu từ lời phát biểu thiếu khiêm tốn của Công Vinh trách rằng HLV "nhốt" Vinh quá lâu trên ghế dự bị. Tất nhiên là ông Riedl không đọc được tiếng Việt nhưng có quá nhiều người hỏi ông.
Và ông buộc phải lên tiếng: “Tôi đã nhiều lần giải thích với Công Vinh rằng, một cầu thủ dự bị không có nghĩa là anh ấy chơi không hay bằng các cầu thủ thi đấu trên sân. Một cầu thủ giỏi là một cầu thủ phải vì lối chơi của toàn đội. Đấy là điều mà những cầu thủ lớn đều biết cách chấp nhận và vươn lên thay vì phản ứng”.
Bấy nhiêu hình như đã quá đủ cho một nỗi buồn mà một cầu thủ trẻ chưa nghiệm ra được vị trí của mình dù là ở hàng ghế dự bị. Có thể ông Riedl hiểu cho Vinh và hiểu cả cho cái tính bồng bột của cầu thủ này. Nhưng ở cương vị một HLV trưởng thì rõ ràng, ông không thể không buồn.
Với Văn Trương lại là sự phật ý bởi cái tính vô kỷ luật. Trương đã nghỉ tập với lý do không đúng và không hợp lý về cái cớ chấn thương. Theo ông Riedl, thái độ của Trương trước toàn đội thật đáng trách.
Ông nói: "Tôi không chấp nhận bất kỳ một trường hợp cầu thủ nào vô kỷ luật, dù đó là một cầu thủ chơi tốt nhất trong đội. Sức mạnh của một đội bóng dựa trên một tập thể mà ở đó tinh thần cầu tiến luôn được đặt lên hàng đầu".
Ở trận Việt Nam gặp Singapore, Trương có tên trong danh sách đăng ký nhưng bị buộc lên khán đài ngồi và đấy là một hình thức kỷ luật. Nói về trường hợp này, ông tâm sự: "Không còn gì phải bào chữa cho hành động đó. Anh ấy đã vô kỷ luật với tập thể chứ không phải riêng cá nhân tôi".
(Theo Lao Động)
'Cảm giác chết hụt thật sợ'
“Ngày thi đấu đầu tiên, tất cả các võ sĩ karate Việt Nam trước đó đều bị ngộ độc thức ăn và phải truyền nước, nên chúng ta không giành được HC vàng nào. Đêm đó, tôi không thể ngủ nổi. Và thật may, hôm nay, các em thi đấu nỗ lực và hoàn thành chỉ tiêu 4 HC vàng”, HLV Lê Công tâm sự.
HLV Lê Công.
- Cảm giác của ông thế nào lúc các VĐV karatedo Việt Nam bị ngộ độc thức ăn hàng loạt?
- Không chỉ cá nhân tôi mà ai nấy khi đó đều rất lo lắng bởi chỉ còn mấy tiếng nữa là là đến giờ lên thảm đấu mà đối thủ lại rất mạnh. Các VĐV luôn miệng kêu đau, cánh cửa toilet luôn đóng và mỗi khi, cửa mở ra, tôi lại nhìn những khuôn mặt biến dạng vì đau. Cứ thấy những khuôn mặt hốc hác của các học trò, lòng tôi lại thắt lại. Tất cả ban huấn luyện đều rất căng thẳng bởi nuôi quân đến ngày đánh trận mà như vậy thì biết ăn nói sao với người hâm mộ.
- Rồi sau ngày thi đấu đầu tiên mà không có được HC vàng nào, và Hoàng Ngân bị xử ép đến nỗi chỉ nhận được HC bạc?
- Lúc đó, tôi vừa buồn, vừa bực mình bởi chúng ta đã ra thảm đấu trong tình trạng mệt mỏi về thể lực và uể oải về tinh thần mà các trọng tài lại xử ép đội mình. Nhưng rồi, tôi tự động viên mình phải cố gắng vượt qua. Tuy nhiên, đêm đó tôi trằn trọc không sao chợp mắt nổi. Tôi ra khỏi phòng lúc 4h rồi đi dạo để lấy lại tinh thần. Rồi khi đưa các học trò đến nhà thi đấu, tôi phải cố gắng tạo sự tự tin để lấy khí thế cho các học trò. Rất may, cuối cùng, các VĐV karatedo Việt Nam cũng vượt qua khó khăn đó.
- Trong hoàn cảnh như vậy, ông đã nói gì với các VĐV để tiếp thêm lòng tin cho các học trò của mình?
- Ban huấn luyện hiểu rất rõ rằng chỉ có những lời động viên và sự tin tưởng thật sự mới giúp các VĐV vượt qua khó khăn. Tôi không những giấu sự lo lắng của mình mà còn khuyên các học trò vào trận với tâm lý thoải mái và đánh đúng với sức mình thì sẽ chiến thắng. Họ đã làm như vậy và chúng ta giành 4 HC vàng chỉ trong hôm nay.
- Ông đánh giá thế nào về phong độ và đẳng cấp của các VĐV karatedo Việt Nam?
- Dù trong hoàn cảnh nào, tôi vẫn rất tin tưởng vào các học trò. Theo tôi, chúng ta là một trong ba nước mạnh nhất khu vực và các VĐV đều xuất sắc, không làm thất vọng ban huấn luyện và người hâm mộ cả nước. Họ mới là những người hùng bởi trong tình thế khó khăn như vậy mà họ vẫn vượt qua đối thủ một cách thuyết phục để giành vinh quang cho tổ quốc.
- Ngày mai, karatedo của chúng ta còn nhiều nội dung mạnh nữa. Vậy theo dự đoán của ông, VN sẽ giành thêm bao nhiêu HC vàng?
- Chúng ta còn 6 nội dung có thể tranh chấp HC vàng nữa. Ngày mai, nếu các VĐV thi đấu đúng sức mình và các trọng tài chấm điểm công minh thì chúng ta sẽ có thêm hai, ba cái nữa. Tôi không muốn đoán bởi tôi sợ “nói trước, bước không qua”.
- Giờ đây, khi karate Việt Nam đã đạt chỉ tiêu 4 HC vàng, cảm giác của ông ra sao?
- Tôi có cảm giác của người chết hụt sống lại. Thú thật tôi rất sợ cảm giác đó. Hy vọng, từ nay về sau, chúng ta không bị đặt trong tình trạng khó khăn như vậy nữa.
Minh Hải (từ Cebu)