Văn Trương bị phê bình
Hậu vệ trái này bị HLV Riedl phê bình và không cho ngồi trong khu kỹ thuật của đội trong trận gặp U23 Indonesia sau khi tập luyện thiếu nghiêm túc.
Sau thất bại đầu tiên tại SEA Games 23 trước U23 Indonesia, hôm qua, đội U23 Việt Nam chỉ thực hiện các bài tập nhẹ để phục hồi thể lực. Tin mừng là tiền đạo Lê Công Vinh không bị chấn thương nặng sau cú va chạm với hậu vệ đội Indonesia.
Sau trận thua trước U23 Indonesia, rõ ràng HLV Riedl cũng phải thừa nhận một thực tế: Ông không có lớp dự bị hùng hậu. Hoàng Thương, Quý Sửu, Văn Biển, Vũ Phong... đã không đáp ứng được yêu cầu như ông Riedl đã kỳ vọng.
Thất bại trước U23 Indonesia thật ra chỉ làm day dứt người hâm mộ về mặt tinh thần, nhất là nó lại chất chồng thêm món nợ thua đội này 0-3 ở Tiger Cup 2004. Vấn đề ở U23 VN là phải nhanh chóng tìm lại sự tập trung, nhất là trở lại “mặt đất” thật sớm. Năm ngày trước trận bán kết sẽ rất ngắn nếu các tuyển thủ không chú tâm ngay từ lúc này.
Điều đáng nói là có những dấu hiệu bất ổn ở đội U23 VN sau khi các học trò của HLV Riedl chơi không thành công trước U23 Myanmar và U23 Indonesia. Cầu thủ đầu tiên bị HLV Riedl “nắn gân” chính là hậu vệ trái Lê Văn Trương.
Trong buổi tập trước trận gặp U23 Indonesia, Văn Trương đã bị ông Riedl phê bình vì thái độ tập luyện thiếu nghiêm túc. Sau đó, nhà cầm quân người Áo này không cho Văn Trương ngồi trong khu kỹ thuật của đội ở trận gặp U23 Indonesia, dù trước đó Văn Trương đã xin lỗi ông và lý giải rằng việc tập luyện không đúng ý thầy là do bị chấn thương.
Tâm lý của các cầu thủ U23 VN hiện khá căng do bị cấm trại quá lâu. Hơn thế nữa, tác động về những nghi kỵ sau chiến thắng nhọc nhằn trước U23 Myanmar đã ảnh hưởng đến tâm lý nhiều cầu thủ. Nhằm giảm bớt sự căng thẳng, hôm nay (28/11), toàn đội U23 VN lần đầu tiên được xả trại để đi shopping.
(Theo Người Lao Động)
Như phim hành động
Với lợi thế dẫn trước 6 điểm so với người đứng thứ hai sau vòng loại (557 - 551), Mạnh Tường đã rơi vào trạng thái tâm lý không ổn định, chỉ ghi được những điểm số tồi như 6,8 hay 7,7. Tận dụng thời cơ, Maung (Myanmar) và Jakrit (Thái Lan) lần lượt đẩy anh xuống những vị trí bất lợi.
Tuy vậy, bằng bản lĩnh của một xạ thủ từng trải, Tường đã thực hiện 4 phát bắn cuối mà không mắc một sai lầm nào, qua đó vượt lên Maung với khoảng cách mong manh - 0,5 điểm để giành HC vàng (646,8 - 646,3).
Đây là lần thứ ba liên tiếp Nguyễn Mạnh Tường vô địch nội dung súng ngắn tự chọn tại SEA Games. Anh giải thích về khoảnh khắc mất phong độ của mình ở đầu loạt bắn chung kết: “Người dẫn đầu sau vòng loại thường chịu rất nhiều áp lực tâm lý ở loạt chung kết. Nếu không cẩn thận, chuyện đánh mất lợi thế rất dễ xảy ra. Lúc đó là thời điểm hết sức cam go, nhưng sau đó tôi đã ngay lập tức lấy lại cân bằng”.
Đàm Thị Nga tại trường bắn ở Manila.
Trái ngược với kịch bản phim hành động của “lão tướng” Nguyễn Mạnh Tường, con đường chinh phục tấm HC vàng "quý hiếm" của Đàm Thị Nga lại lặng lẽ. Lần đầu tiên Việt Nam có HC vàng nội dung súng trường hơi 10 m nữ tại SEA Games, kể từ thời điểm Việt Nam tái hội nhập với thể thao Đông Nam Á năm 1989. Và chủ nhân của chiến tích trên là cô gái 25 tuổi người Hà Nội - Đàm Thị Nga.
Trong suốt 8 kỳ SEA Games gần đây, bắn súng của Việt Nam chưa bao giờ thành công ở nội dung này bởi VĐV các nước trong khu vực rất mạnh, nhất là Thái Lan. Bản thân Đàm Thị Nga cũng chưa một lần vươn tới đỉnh cao trong các đại hội trước đây. Tại Malaysia năm 2001, chị vào đến chung kết nhưng phải bỏ cuộc do... súng hỏng. Đến SEA Games 22 trên sân nhà, Nga thất bại trước đối thủ rất mạnh là Piyawan người Thái Lan.
Tuy nhiên, đến trưa nay, tài năng và vận may đã hòa làm một giúp Nga đăng quang tại Philippines, đem về tấm HC vàng bắn súng đầu tiên cho đoàn ở SEA Games 23. Sau khi đạt 393 điểm ở vòng loại, kém người VĐV đứng đầu người Singapore, Yong Yu, đúng 1 điểm, Nga đã thể hiện phong độ tuyệt vời trong loạt chung kết để ghi thêm 102,3 điểm, buộc đối thủ phải nhận HC bạc.
Ở 10 loạt bắn chung kết, Nga và Yong Yu liên tục thế chỗ nhau ở vị trí dẫn đầu. Phải đến nửa sau, khi đoạt 4/5 điểm 10 (trong khi đối thủ chỉ có 3), cô gái Hà Nội xuất sắc bứt lên với cách biệt 1,1 điểm (495,3 so với 494,2), giành HC vàng.
Với tư cách cá nhân, đây là lần đầu tiên Đàm Thị Nga thành công trên đấu trường khu vực. Nhưng chị không bộc lộ rõ sự sung sướng. Chị chỉ như cô học trò nỗ lực học tập và sau khi đạt điểm 10 thì cười mỉm, cho dù trong lòng rất đỗi hân hoan. Cảm xúc ấy được ông HLV trưởng Nguyễn Đức Uýnh giải thích: “Bắn súng là môn thể thao tĩnh nên nó không có cảnh ăn mừng chiến thắng như các môn tính động. Bản thân VĐV bắn súng cũng là những người có thần kinh rất vững vàng, biết kìm nén cảm xúc, nên cho dù rất vui cũng không có khả năng thể hiện hết ra ngoài. Đấy là đặc trưng của môn bắn súng”.
Với vẻ điềm đạm và duyên dáng, Đàm Thị Nga tiết lộ bí quyết: “Trong khi thi đấu, em chỉ nghĩ đến việc làm sao thực hiện thật tốt kỹ thuật, và tập trung quyết vượt qua chính bản thân mình. Nếu nghĩ đến đối thủ là ai thì không thể thắng được”.
Cô gái sinh năm 1980 này sẽ lập gia đình sau SEA Games với người đồng đội trong đội tuyển bắn súng, Dương Anh Quân. Nga đến với bắn súng từ cách đây 10 năm khi bác Nghiêm Văn Sở, Chủ nhiệm CLB bắn súng Hà Nội, cho chơi thử. Và ngay giải trẻ đầu tiên sau đó không lâu, Nga lập thành tích nổi bật và được phong luôn kiện tướng. Từ đó, bắn súng đã trở thành nghiệp của chị cho đến hôm nay.
Hôm nay, nội dung bắn đĩa bay nữ không thu được thành tích đáng kể nào khi hai VĐV Nguyễn Thùy Dương và Hoàng Thị Tuất thi đấu không thành công. Ngày mai, Hoàng Xuân Vinh, Phạm Cao Sơn (súng trường nam) cùng Phạm Thị Hà, Bùi Thị Thúy Hằng (súng ngắn nữ) sẽ xuất trận và đều là những niềm hy vọng vàng.
Sau khi giành HC vàng, Đàm Thị Nga và Nguyễn Mạnh Tường nhận được nhiều khoản thưởng nóng từ Liên đoàn Bắn súng quốc gia, Ủy ban Olympic... Nhưng đặc biệt nhất, Phó chủ tịch Liên đoàn Bắn súng châu Á và cũng là trọng tài ở SEA Games lần này, Lee Hak Suk, người Hàn Quốc, ngay lập tức tặng cho đội bắn súng Việt Nam hai bộ quần áo đấu cho nam và nữ, mỗi bộ trị giá 17 triệu đồng. Ông Lee còn là chủ một cơ sở sản xuất thiết bị phục vụ cho môn thể thao tĩnh này.
Lễ trao huy chương vàng cho Đàm Thị Nga và Nguyễn Mạnh Tường vẫn chưa được tiến hành do không có quan chức nào của BTC đủ thẩm quyền có mặt tại trường bắn PSC - PNSA. Buổi lễ sẽ được rời lại đến ngày mai.
Ngọc Tuấn (từ Manila)
VĐV karatedo VN bị ngộ độc
Bùi Việt Bằng - nằm vật giữa sàn đấu do đuối sức.
Điều xui xẻo đã ập đến với đoàn thể thao VN ngay ngày khai mạc SEA Games 23, khi các VĐV karatedo do bị ngộ độc thức ăn nên đã thi đấu không đúng phong độ. Đã thế, một vài trọng tài lại tỏ ra thiếu công tâm, nên chiếc HCV tuột khỏi tầm với của chúng ta.
Tối 26/11, sau khi dùng bữa ăn tối tại nơi đóng quân, khách sạn Grown Regency, 4 VĐV karatedo là Bùi Việt Bằng, Mai Xuân Lượng, Nguyễn Ngọc Chung, Nguyễn Bảo Linh có triệu chứng mệt mỏi và đi ngoài liên tục.
Cả đoàn lo lắng, vì đây là các VĐV chủ lực của karatedo VN. Đáng ngại nhất là Bùi Việt Bằng, HCV SEA Games 22, VĐV chủ lực của nội dung kumite đồng đội sẽ thi đấu ngay sáng 27/11. Bằng và Linh là 2 người bị nặng nhất (cả hai đều đi ngoài hơn 20 lần chỉ trong đêm 26/11).
Đến chiều ngày 27/11, Nguyễn Ngọc Chung và Nguyễn Bảo Linh vẫn còn nằm dài ở khách sạn mặc dù sáng 28/11, họ đã phải thi đấu nội dung kata đồng đội. Trước sự việc bất ngờ này, bác sĩ Lê Minh Sơn cho biết: "Chắc chắn các VĐV bị ngộ độc thức ăn. Chúng tôi đã cho uống thuốc bổ và uống sâm nên sức khỏe của các em đã tạm ổn".
Ở nội dung đồng đội nam, VN đăng ký 7 người và thi đấu 5. Trận đầu gặp Myanmar, VN dễ dàng thắng áp đảo với tỷ số 3 - 0. Trận đấu này, Bằng ngồi dự bị vì BHL xác định đối thủ khá yếu. Đến trận thứ 2, VN đụng ngay đối thủ mạnh là Malaysia, nên HLV trưởng Lê Công phải hội ý với bác sĩ để đưa Bằng vào thi đấu ở hiệp 2 (hiệp 1 Phạm Hoài Long hòa với đối thủ 3-3).
Do mất khá nhiều sức ở đêm trước đó, chỉ sau vài lần tung đòn, Bằng mệt nhoài và nằm dài dưới sân để thua đậm đối thủ đến 4-7. VĐV chủ lực thất bại, khiến các đồng đội của Bằng mất tinh thần và kết cục bị Malaysia loại với tỷ số chung cuộc 3-1, đành chấp nhận nhận HCĐ. Trước đó, đồng đội kumite nữ, ĐKVĐ SEA Games 22, cũng thất bại trước các đối thủ nữ Malaysia, phải nhận HCĐ.
Tuy VN nắm giữ đến 3/4 chức vô địch của các nội dung thi đấu trong ngày 27/11, nhưng hy vọng đã tan thành mây khói khi gương mặt xuất sắc nhất Nguyễn Hoàng Ngân, niềm hy vọng cuối cùng thất bại cay đắng ở trận chung kết. Đáng chú ý là tại trận chung kết bài quyền của Ngân rất ấn tượng, đạt kỹ thuật cao và có lực hơn hẳn HCV L.L Lee (Malaysia).
Sau khi Ngân thực hiện xong bài thi của mình, các HLV đều thở phào nhẹ nhõm còn các đồng đội của Ngân thì nhảy cẫng lên, vì chị đã không phạm một lỗi nhỏ nào.
Đến lượt Lee, cô cũng khá xuất sắc, nhưng những cú ra đòn của Lee yếu lực hơn hẳn Ngân. Bài biểu diễn của Lee kết thúc. Những lá cờ đỏ sao vàng trong nhà thi đấu Cultural & Sports Complex được các thành viên đoàn VN chuẩn bị phất lên, nhưng bất ngờ Ngân thất bại, khi 5 trọng tài chỉ có 2 người chấm Ngân thắng, còn 3 người còn lại cho điểm Lee.
Một trong 2 người chấm điểm cho Ngân là ông tổng trọng tài người Nhật - Yamamura, người hoàn toàn khách quan trong cuộc chơi của khu vực Đông Nam Á.
Ngay sau khi có quyết định của trọng tài, Nguyễn Hoàng Ngân chỉ thoáng buồn, trong khi ông Đặng Ngọc Tuấn, Phó đoàn thể thao VN bực tức bước ra cổng. Riêng HLV trưởng Lê Công chỉ phản ứng nhẹ nhàng khi cho rằng trọng tài đã không công bằng.
Trước đó, ở nội dung kata đơn nam, Lê Xuân Hùng cũng chỉ đoạt được HCĐ sau trận thua trước K.J.Keat của Malaysia. Sau thất bại ở ngày đầu tiên, karatedo rất khó để hoàn thành chỉ tiêu 4 HCV của mình tại SEA Games lần này.
(Theo Thanh Niên)
Việt Nam gặt vàng
Ngộ độc hàng loạt, mang đinh ốc trong người, suýt bị loại nhưng các tuyển thủ Việt Nam đã xuất sắc vượt lên để đem về 15 HC vàng cho đoàn thể thao Việt Nam trong ngày thi đấu thứ 2. Tấm huy chương vàng đầy nỗ lực của Bùi Thị Nhung đã mở màn may mắn cho đoàn thể thao Việt Nam.
Đàm Thanh Xuân giành HC vàng đầu tiên cho wushu Việt Nam. Ảnh: K.L.
Trong ngày thi đấu hôm qua, Bùi Thị Nhung đã mở hàng cho đoàn thể thao Việt Nam với tấm HC vàng ở nội dung nhảy cao khi bay qua mức xà 1m89. Nhưng trong niềm vui ấy lại ẩn chứa nỗi lo lắng chiếc "vàng" của Nhung lại là duy nhất trong ngày thi đấu hôm qua. Mỏ vàng karatedo của Việt Nam cũng bắt đầu xuất quân hôm qua nhưng chỉ dừng ở những chiếc "bạc" và đồng. Trong khi ấy, ở SEA Games 22, các võ sĩ Việt Nam từng đại thắng với kỳ tích 12 HC vàng.
Theo cách "đếm cua trong lỗ" của các "tướng", ngày thi đấu hôm nay sẽ là dịp gặt vàng. Chỉ tiêu đặt ra là thế, nhưng người hâm mộ thể thao lại thấy hồi hộp khi nhìn vào các VĐV sẽ xuất quân hôm nay. Các môn thi đấu có nhiều bộ huy chương trong ngày thi đấu là điền kinh, karatedo, bắn súng...
Nếu như ở điền kinh, ngoài Đỗ Thị Bông, Lê Văn Dương, thành tích khá ổn định, thì những VĐV còn lại như Duy Bằng, Vũ Thị Hương thì thường xuyên trong cảnh "lên thác xuống ghềnh". Trong khi ấy, những cô gái vàng như Nguyễn Thị Tĩnh (đã giải nghệ) và Lan Anh (chấn thương) lại không thể góp mặt. Nỗi lo lắng cho việc "khai thác" mỏ vàng của Việt Nam càng tăng lên khi điều không may đã xảy ra khi các chủ lực to khoẻ của đội karatedo bị ngộ độc hàng loạt.
Nhưng rồi, "anh chàng lạ lùng" Duy Bằng không còn phải tức tưởi như SEA Games 2 năm trước diễn ra ngay tại Việt Nam nữa. Bình tĩnh, lạnh lùng, kỷ lục gia đã chinh phục tấm HC vàng dễ dàng khi đối thủ "kỵ giơ" Loo Kum Zee đã giải nghệ. Dù không phá được kỷ lục 2m25 của mình, nhưng thành tích của chàng trai Bến Tre cùng người bạn gái Ngọc Tâm (vừa giành HC bạc nhảy cao) đã quá đủ ngập tràn.
Cùng Duy Bằng, Đỗ Thị Bông và Lê Văn Dương cũng bảo vệ thành công ngôi vô địch SEA Games của mình. Bứt phá đẹp như mơ ở những mét chạy cuối cùng đã giúp cả hai nhà đương kim vô địch đem về thêm 2 HC vàng cho đoàn.
Nhưng ấn tượng và may mắn nhất trong ngày thi đấu hôm này chính là "phi đội" bị ngộ độc của karatedo. "Trằn trọc" suốt đêm vẫn có thể chinh phục được 4 tấm HC vàng. Ngọc Trung, Bảo Linh, Bùi Việt Bằng, những "bệnh nhân" vẫn gắng sức biểu diễn quyền, tung những đòn thế hiểm.
Cũng như SEA Games 22, các cô gái Việt Nam tiếp tục làm náo động các điểm thi đấu. Ở nội dung 100 m nữ, lần đầu tiên Việt Nam đã biết tới chiếc HC vàng SEA Games. Nếu như ở SEA Games 22, cô gái vàng Lan Anh suýt bị loại đã lập công thì ở SEA Games 23, Vũ Thị Hương cũng suýt phải ở nhà. Nhưng rồi, Hương đã làm nên chuyện ở cự ly "quý số một" luôn được đánh giá cao là 100 m.
Cũng trong cảnh "suýt soát" ấy, còn có cô gái "đinh ốc" Phan Thị Thuỳ Trang - tân vô địch nội dung đổ đèo xe đạp địa hình. Năm ngoái, Thuỳ Trang bị buộc phải giã từ đường đua vì nghi hở van tim. Nhưng sau nhiều lần kiểm tra, Trang đã trở lại thi đấu và lên đường dự SEA Games để "chiến đấu" cùng con ngựa sắt và 8 cái đinh ốc trong người.
Cùng với nỗ lực của những ngôi sao trẻ, những tài năng "lão luyện" như tỷ phú huy chương Mạnh Tường với kỳ tích chinh phục như phim hành động, Đàm Thanh Xuân cũng xuất sắc đem vàng về cho Tổ quốc. Kỳ thủ "nhí" ngày nào giờ đã vào tuổi 15 cũng từ Hungary trở về giành chiếc chiếc HC vàng đầu tiên cho cờ vua Việt Nam.
Trong hạnh phúc lên ngôi vô địch, những nhà vô địch đã bắt đầu tính toán tới những chiến dịch mới sau SEA Games. Cua rơ vô địch Thuỳ Trang sẽ đi mổ để dứt khoát với 8 cái đinh ốc. Trong khi ấy, "cặp sếu" của đội điền kinh Duy Bằng - Ngọc Tâm cũng có thể hài lòng để sớm chuẩn bị cho ngày cưới ngay sau SEA Games. Cũng trong hạnh phúc lên xe hoa như cô gái chân dài Ngọc Tâm, nhà vô địch súng trường hơi nữ Đàm Thị Nga (cô lấy người đồng đội Dương Anh Quân - súng trường. Tấm HC vàng với số điểm tổng 495,3 là chiếc HC vàng đầu tiên của Việt Nam ở nội dung này, kể từ SEA Games năm 1989.
Thành tích HC vàng SEA Games của Việt Nam
Điền kinh
Bùi Thị Nhung (nhảy cao)
Đỗ Thị Bông (800m nữ)
Nguyễn Duy Bằng (nhảy cao nam)
Trần Văn Thắng (3000m rào)
Lê Văn Dương (800m nam)
Vũ Thị Hương (100m nữ)
Karatedo
Bùi Việt Bằng (kumite)
Nguyễn Thị Yến (kumite)
Nguyễn Hoàng Ngân - Vũ Hồng Thu - Nguyễn Thu Hiền (đồng đội nữ kata)
Nguyễn Ngọc Chung - Nguyễn Bảo Linh - Lê Xuân Hùng (đồng đội nam kata)
Bắn súng
Đàm Thị Nga (súng trường hơi nữ)
Nguyễn Mạnh Tường (súng ngắn 60 viên tự chọn 50 m)
Wushu
Đàm Thanh Xuân (côn thuật nữ)
Xe đạp
Phan Thị Thuỳ Trang (đổ đèo xe đạp địa hình)
Cờ vua
Nguyễn Ngọc Trường Sơn
Đấu kiếm
Nguyễn Thị Lệ Dung (kiếm chém)
Ban Mai
Nhà vô địch '8 đinh ốc'
Niềm hy vọng của xe đạp VN - Phan Thị Thuỳ Trang đã xuất sắc về đầu nội dung đổ đèo môn đua xe đạp địa hình với thành tích 3 phút 8 giây 30 bất chấp gần chục chiếc đinh ốc vẫn còn bắt trong xương do một lần bị té xe khi tập luyện.
Thùy Trang tại đích đến.
Ở nội dung đổ đèo của môn đua xe đạp địa hình, để về đến đích, các VĐV phải đổ đèo với những đoạn gần như thẳng đứng, và phải nhảy qua 3 hố chướng ngại vật.
Đối thủ trực tiếp của Trang là Suseanty Risa (Indonesia) bị té xe, xếp hạng 5. Đến lượt chạy chung kết, Thùy Trang được xuất phát cuối cùng, nhưng phải thi đấu với hai VĐV Thái Lan và hai VĐV Indonesia. Vào lúc 13h30 địa phương (12h30 Việt Nam), sau khi vượt qua hàng loạt chướng ngại vật, Thuỳ Trang cán đích với thành tích 3 phút 8 giây 30, hơn VĐV về nhì - Sattayanun (Thái Lan) 11 giây 05.
Một kỳ tích quá tuyệt vời cho cô gái vàng Thuỳ Trang khi trong người cô vẫn còn 8 đinh ốc bắt trong xương do bị té xe trong một buổi tập. Nhiều phóng viên các đoàn bạn trố mắt ngạc nhiên cứ hỏi xem thông tin đó có chính xác không? Họ không tin rằng, con gái VN lại quả cảm đến như vậy.
Trong khi ấy, Trang năn nỉ: “Đừng viết chuyện em gãy xương lên báo nhé, em sợ mẹ em lo lắm!”. Chơi xe đạp đã nguy hiểm, lại chọn nội dung đổ đèo như Trang, quả thật ít ai dám.
Đối với Thuỳ Trang để tiếp tục có mặt tại SEA Games lần này, Trang đã vượt qua không biết bao khó khăn. Vào năm ngoái, sau khi khám sức khoẻ tại viện Tim Trung ương, Thuỳ Trang bị buộc phải giã từ đường đua vì nghi hở van tim.
Nhưng bản tính bất khuất, Trang cương quyết chống lại vì cho rằng sức khoẻ mình rất tốt và không hề có dấu hiệu của bệnh tim. Thế là cô được trở lại với đường đua, sau khi phải kiểm tra tim ở nhiều nơi khác nhau. “Lúc nghe tin mình không được thi đấu nữa vì bệnh tim, tôi gần như suy sụp hẳn. Với tôi, xe đạp đã thấm vào máu nên không thể từ giã lúc mình vẫn còn sung sức. Rất may, tôi lại có dịp chứng tỏ mình. Tôi xin kính tặng thành tích này cho mẹ của mình. Mẹ là người lo lắng nhất mỗi khi nghe tôi sắp sửa bước vào cuộc đua. Thời gian vừa qua, do phải tập luyện liên tục nên tôi chưa thể đi mổ để lấy đinh ốc ở xương vai ra. Tôi dự định, sau SEA Games lần này sẽ về mổ để lấy đinh ốc ra.
(Theo Thanh Niên)
Nữ Việt Nam đại thắng Philippines
Trận đấu giữa tuyển nữ Việt Nam và chủ nhà Philippines đã kết thúc với phần thắng 5-1 nghiêng về cho các cầu thủ VN. Chỉ cần một chiến thắng nhẹ nhàng trước Indonesia tuyển nữ Việt Nam sẽ chính thức gặp lại đối thủ Myanmar trong trận chung kết.
Những tưởng VN sẽ có một trận đấu khó khăn khi ở trận đấu trước, Philippines đã có màn trình diễn ấn tượng trong trận gặp Indonesia. Tuy nhiên, trong trận đấu này, các nữ tuyển thủ Việt Nam đã thi đấu khá thoải mái và lần lượt có được ba bàn thắng do công của Kim Chi (phút thứ 4), Lê Thị Oanh (phút 13 và 35). Bàn gỡ còn lại của chủ nhà Philippines được thực hiện ở phút 31.
Sang hiệp hai, các nữ cầu thủ của chúng ta nhẹ nhàng ghi thêm hai bàn nữa do công của Lê Thị Oanh (phút 66) và Văn Thị Thanh (phút 90), nâng chiến thắng chung cuộc lên 5-1.
Ở trận đấu kết thúc trước đó vài giờ, dù thi đấu khá xuất sắc nhưng nữ Thái Lan đành thúc thủ 1-2 trước các cầu thủ Myanmar. Cả hai đội đều chơi tấn công rất đẹp mắt và có vô số cơ hội được taọ ra. Tuy nhiên, cuối cùng đội mạnh hơn đã giành chiến thắng.
Đó là một kết quả có lợi cho đội tuyển nữ Việt Nam. Tạm thời, Myanmar vẫn là đội đứng đầu bảng với 3 trận toàn thắng được 9 điểm. Việt Nam đã vươn lên đứng thứ nhì cùng 6 điểm với Thái Lan, Philippines và Indonesia xếp tiếp sau.
(Theo Thanh Niên)