1.Tại sao nhiều người Việt Nam khi học phổ thông rất giỏi Toán , nhưng sau này rất ít người theo toán, nhất là lý thuyết...
Những cái thế này chỉ rõ ràng khi có số liệu thống kê thôi, nhưng theo anh nghĩ, chuyện đấy cũng không có gì đáng lạ cả. Em tưởng tượng học cấp 2, cấp 3 mỗi người học hành thật sự cùng lắm là 5-6 môn, tính chung thì khoảng 9-10 môn có người học không vì đối phó, số các môn có chuyên thì ít hơn, hiển nhiên. Mà số ngành nghề trong thực tế thì đếm không xuể, nếu người ta chỉ học tiếp những cái mình học thì làm sao mà xã hội cân bằng được.
Tất nhiên vẫn phải có những người đi theo con đường đó, và điều kiện đầu tiên là họ có khả năng về môn khoa học cơ bản đó. Nhưng đấy mới là điều kiện đầu tiên, còn một điều khác là họ có hứng thú muốn đi theo con đường đó. Cũng không chỉ có thế, còn những điều kiện khách quan nữa ràng buộc: như vấn đề kinh tế cá nhân, hay rất quan trọng là sự phát triển của các ngành khoa học hay ngành kinh tế liên quan đến ngành đó có cho phép môn khoa học đó phát triển hay không. Khi điều kiện khắt khe hơn [như ở VN] khả năng làm được lại càng khó, nên số người đi theo được lại càng ít. Tất nhiên người ta hoàn toàn có lí nếu nhận thức được điều đó và đi theo con đường khác có ích hơn cho bản thân và xã hội. Ở đây không có nghĩa là đi theo những ngành khoa học cơ bản là vô ích, mà có nghĩa rằng để biết được nó có ích hay không cần phải có thời gian tương đối dài và môi trường thích hợp, không thể biết ngay được, nếu người ta đi theo nhiều quá mức cần thiết thì khả năng làm ra những cái cho dù sau này đi nữa vẫn vô ích lại càng cao [tình hình khoa học ở VN, đặc trưng cho các ngành không phải toán lí thuyết: người ta đi theo cực ít; riêng toán lí thuyết lại hơi khác].
Còn một điều khác quan trọng hơn, cái giỏi toán ở phổ thông không cùng nghĩa với khả năng nghiên cứu toán. Có những người giỏi cả toán phổ thông và nghiên cứu tốt, có những người giỏi cái thứ nhất, nhưng không giỏi cái thứ hai, có những người giỏi cái thứ hai, nhưng không khá ở cái thứ nhất. Nhưng người ta vẫn đồng nhất hai cái giỏi này và vì thế nó vẫn liên tục tranh cãi ầm ĩ xung quanh nghiên cứu toán học của VN.
2. Người nước ngoài họ học Toán có 'trâu ' không , tại sao họ giỏi thế.
3. GIáo trình toán (phổ thông) của nước ngoài có nặng không ,sao nhiều người bảo bên nước ngoài học nhẹ lắm , không như ở Việt Nam .
Phương pháp nghiên cứu và sư phạm của các nước phương tây là đi từ đơn giản đến phức tạp. Và cho dù đơn giản hay phức tạp thì đều phải làm cho đến nơi đến chốn. Vì thế mà có thể nói là 'trâu' nhưng không theo nghĩa như ở VN.
Những kết quả đẹp nhất trong toán [chỉ nói toán thôi] bề ngoài rất đơn giản, nhưng bên trong và làm thế nào đạt được lại rất phức tạp. Xu hướng cố hữu của chúng ta là xông ngay vào vấn đề phức tạp, muốn giải quyết được nó ngay lập tức cho dù nó là vấn đề gì [học bằng xương máu đấy ạ, nó là hệ quả của cách tư duy về cuộc sống thông thường của người VN]. Vì thế người ta coi rằng những người làm được điều đó là những người giỏi. Rồi người ta lại tiếp tục làm nó lan ra [một cách không tự ý thức được] thông qua giáo dục gia đình, sư phạm [thấy rõ], báo chí và tâm lí chung. Chính vì Toán là một môn rất phức tạp phải dựa trên nền tảng của rất nhiều khoa học khác, nên để đi theo nó từ con đường kĩ thuật, các khoa học khác đòi hỏi tích lũy, kiên trì và khó, nhưng nếu làm được thì chắc chắn. Vì thế người phương Tây đánh giá rất cao. Môi trường tâm lí cho rằng 'người làm được những điều phức tạp một cách nhanh chóng đều là giỏi' đó tạo điều kiện thuận lợi để xu hướng thích danh tiếng, thích cái nhất vốn có ở bất cứ ai nảy nở và lan rộng. Hệ quả là cả xã hội tạo ra một áp lực khiến nhiều người hơn xông đầu vào toán, tôn sùng những người giỏi Toán và vẫn liên tục cho rằng thế là quá ít. Hệ quả tiếp theo, những người học toán lại có tâm lí tự tâng bốc chính mình lên.
Trong thực tế nếu so sánh số học sinh, sinh viên theo ngành Toán với tổng số học sinh, sinh viên thì đúng là ít, nhưng vẫn là nhiều hơn so với những ngành khoa học khác, và nhiều hơn mức cần thiết. Bởi vì số ngành trong thực tế là quá nhiều, nên phần lớn các ngành sẽ có tỉ lệ đều nhỏ, những ngành kĩ thuật hay kinh tế sẽ có tỉ lệ lớn hơn những ngành khoa học, nghệ thuật. Rõ ràng những ngành nào càng xa hơn so với cơ sở hoạt động xã hội sẽ có tỉ lệ ít hơn. Tất nhiên Toán không nằm ngoài qui luật đó, người ta học nhiều [với nghĩa so sánh tương đối] nhưng theo được vẫn chỉ có thể đến thế, phần còn lại vì thế nhiều hơn bị vứt tung ra với suy nghĩ nông cạn cho rằng mình là giỏi và tâm lí háo danh làm cho tình hình càng dấn sâu hơn theo con đường đó. Có thể nói ít nhất rằng Toán học lí thuyết VN tương đối mạnh về kết quả đạt được, nhưng nền móng yếu [đánh giá một ngành khoa học dựa trên những thành tựu nội tại của chính ngành đó, và dựa trên những cơ sở của nó chứ không đơn thuần mỗi một cái nào cả].
4. Tầm quan trọng của Toán là thế nào (ở Việt Nam và thế giới nói chung )
tại sao SGK Toán của Việt Nam dành cho phổ thông lại tệ hại thế nhỉ,hầu như không có gì để học cả, trong khi các đề thi nước ngoài thì họ cho kiến thức rộng lắm, đâu có vừa nông vừa hẹp như của nước ta.
Tầm quan trọng của Toán học, không bàn luận. Chỉ nói rằng tầm quan trọng đó được thể hiện rất chậm chạp, thông qua những ứng dụng vào các khoa học khác, rồi ứng dụng vào kĩ thuật và kinh tế, rồi vào xã hội [quản lí, vận hành và phát triển].
Tình hình SGK [kể cả nhiều SGK đại học] và cách giảng dạy, là hệ quả của tâm lí ở trên: xông ngay vào cái phức tạp, muốn giải quyết ngay lập tức. Ở nước ngoài SGK của họ đi từ đơn giản đến phức tạp, ban đầu không hề vội vã, đủ để người học theo kịp và học chắc những cái cơ sở, sau đó khi bắt đầu đạt đến mức cao hơn mới tăng dần tốc độ. [liên tưởng tới bài thơ ngụ ngôn 'Thỏ và rùa' của La Fontaine]
5. Phong trào toán của VIệt Nam và thế giới nói chung thế nào(phổ thông thôi). Làm thế nào để thúc đẩy phong trào học toán ?
Cứ nhìn tình hình học toán của Ams thì chán đời . Hình như trường Ams không biết học khoa học tự nhiên trong khi đó là kiến thức cần thiết để cho chúng ta xây dựng đất nước.Tiện thể nói luôn:nhìn Ams thì thấy rõ Ams chỉ coi trọng ngoại ngữ và du học, và bây giờ lại còn học theo lối sống của Tây nữa(lối sống hưởng thụ ), không phù hợp tình hình đất nước ta hiện nay: đang thiếu người làm KHKT, cả đất nước đang làm việc hết mình để có đất nước giàu đẹp. Nhưng trường Ams thì nằm ngoài cái dòng nước đó.
Ở nước ngoài hầu như không có khái niệm phong trào học toán, ai thích học cứ học, sâu bao nhiêu tuỳ thích, ai không thích thì không bắt ép, không cổ động gì cả.
Còn về trường Ams thì dạo này hơi coi trọng hình thức một chút. Nhưng cũng cần nói rằng không phải thi học sinh giỏi đạt kết quả cao hơn là có nghĩa thực chất hơn, nó cũng chỉ là hình thức. Mấy năm nay học sinh đúng là hơi quá trọng cái vẻ bề ngoài thật.
6. Nếu toán học được phát triển rộng rãi trên Việt Nam ,có giúp được gì cho đất nước không?
Trong tình hình hiện nay, với cơ sở sản xuất rồi kĩ thuật, kinh tế, khoa học của Việt Nam, mức độ tương đối nhỏ. Có chăng chỉ là những thành tích bề ngoài, bên trong hơn thì các công trình nghiên cứu. Nhưng cũng là 'hữu danh vô thực', vô thực có nghĩa là không giúp ích gì được cho các ngành khác trong xã hội. Bởi lẽ người ta học Toán thì chỉ theo toán lí thuyết vì như thế mới là giỏi, không mấy ai theo Toán ứng dụng, mà muốn toán học lí thuyết có ý nghĩa thực tế và đóng góp được gì đó thì phải qua cái cầu nối toán ứng dụng, toán tin... . Mặc dù vậy vẫn phải duy trì nó ở mức cần thiết, không vứt bỏ đi những cái đã đạt được[chỉ có cách phát triển các ngành khác, và duy trì những cái đã đạt được trong Toán mới có thể làm cho những cái đã đạt được đó mới trở nên có ý nghĩa]. Cũng cần phải nói, chỉ khi có một nền móng đủ rộng, khoa học VN mới có thể có công trình tầm cỡ [không thể viển vông được].
7.Nếu giả sử ta theo toán cả đời thì có thiệt thòi gì nhiều không? Có phải hi sinh gì nhiều không?
8. Nếu theo toán thì ta có thể làm được gì khác không,chẳng hạn như chơi ghi ta , hay soạn một bản nhạc , hay học karatedo và cả yêu đương nữa chứ...Ôi cái gì cũng hay thế này
Nghề gì cũng phải hi sinh, và không thể so sánh được.
Người ta ngoài nghề nghiệp còn cần có nhiều thứ khác nữa. Chỉ có điều là mức độ như thế nào cho thích hợp với mình thôi.
9.Nhiều người nói là học Toán ở Việt Nam là không sáng tạo, luyện gà nòi.
Thế thì thế nào là không luyện gà nòi, thế nào là sáng tạo. Điều này hình như không được đề cập đến ở Việt Nam thì phải , hoặc có thì cũng chỉ nêu ra , không hề có phương pháp giải quyết gì cả.
+ Nếu học hành sáng tạo như trong Báo THTT (trong mục học sinh tìm tòi chẳng hạn ) thì có ổn không . Dù sao đó cũng chỉ là mở rộng bài toán chứ có gì khác đâu, nói chung nó dễ và không có gì mới mẻ cả.
10. Thế học hành sáng tạo ở nước ngoài là như thế nào, khác nhau cơ bản với giáo dục Toán học ở Việt Nam là gì? Sao không thấy các bậc tiền bối nói lại cho đàn em gì cả .Hay là tại mình không tìm hiểu.
Ở mức độ phổ thông, khả năng có được và cũng chỉ thích hợp là việc học và thực hiện những thứ ở mức rất cơ bản thôi, khái niệm sáng tạo theo nghĩa như người ta vẫn hiểu thực ra là làm những cái cao hơn mức của mình, là vô nghĩa và không cần thiết và không sư phạm. Quan trọng nhất là học cho chắc những cái cơ bản, và biết khi nào chúng có ích.
11.Giả sử rằng bạn học giỏi toán (ở phổ thông), bạn muốn theo toán , muốn làm tiến sĩ chẳng hạn, thế thì phải có công trình .Mà nghe nói là phải có ít nhất 2 công trình ở tạp chí nào ý , mới được coi là nhà toán học chân chính
. Nghe cũng thấy hãi rồi , làm sao mình làm được những điều đó nhỉ, trong khi ở phổ thông ,sáng tác ra một bài toán mới đã là không thể , mở rộng bài toán đã là khả năng tối đa của người học sinh, thật là không hiểu nổi
+ cũng có ý kiến cho rằng sau này khi tiếp xúc với toán học hiện đại thì có nhiều vấn đề mở để giải quyết lắm không thiếu gì công trình để làm đâu.
Như nói ở trên, do đặc điểm giáo dục phổ thông. Nếu em đi theo nghiên cứu không phải sợ quá như thế, những cái quan trọng nhất đóng góp phần lớn cho công việc nghiên cứu, được học ở đại học cơ. Chỉ cần làm tốt nhất những cái có thể trong khả năng của phổ thông thôi.
12.Tôi rất tâm đắc với câu nói của thầy Khải đen :"Học toán là học cái tư tưởng chứ không phải nhăm nhe vào làm bài tập khó".
Thật sự không thấy ai dạy các tư tưởng toán học cả , hay ít nhất là giới thiệu cũng không (hiếm lắm).
13. Có nên chăng có những giờ dạy tư tưởng toán học , cũng như có giờ thảo luận về các quan điểm học toán. Cái này người thầy rất quan trọng.
(....) Còn nhiều nhiều lắm , khi nào tôi nhớ ra thì sẽ post tiếp.
Mong các bạn các anh các chị ,các bậc tiền bối ,và các em nữa thảo luận về điều này.Đó cũng là những điều tôi day dứt rất nhiều năm qua .
Tư tưởng không thể học bằng cách nói tuột ra, mà cũng không thể làm được điều đó. Nếu nói ra một chút về tư tưởng thì rất dễ rơi vào áp dụng một cách vô tội vạ,thô thiển và vụng về, không xác định được có phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh hay không.[đây cũng là hệ quả của cách tư duy]
Cái này chỉ có thể tự mình học lấy thôi, và nó cũng còn đặc biệt rõ ở nghệ thuật nữa.