1967 – Sergeant Pepper’s Lonely Hearts Club Band
“Đã 20 năm trôi qua kể từ khi trung sỹ Pepper dạy cho ban nhạc này chơi nhạc. Âm nhạc đó không còn hợp với thời nay nữa nhưng nhất định nó sẽ làm bạn thích thú. Vì thế, xin bạn hãy cho phép chúng tôi được giới thiệu ban nhạc mà các bạn đang nghe. Ba nhạc của trung sỹ Pepper thuộc Câu lạc bộ những trái tim cô đơn” – Đó là những lời ông đã mở đầu cho album thứ 8 của họ. Có đúng là họ đang tự nói về mình chăng?
Trong số 62 khuôn mặt mà người ta đếm được trên trang nhất bìa đĩa ta có thể nhận thấy các tài tử điện ảnh nổi tiếng như Rita Hayworth, Marilyn Monroe, Shirley Temple, Mac West, Tony Curtis, Marlon Brando, Star Laurel, Patachon, nhà chính trị cực hữu của San Francisco: Timothy Leary, võ sỹ quyền anh Sonny Liston, nhà triết học Karl Marx, ca sĩ Bob Dylan hay các nhà văn Bernard Shaw, Aldous Huxley, H. G. Wells, Oscar Wilde … và nhà vật lý lỗi lạc Albert Einstein …
Tất cả những người đó đều đã hoặc đang là những nhân vật nổi tiếng. Song có điều là: tất cả bọn họ đều đứng sau một bước! Phía trước là một chiếc trống lớn, trên mặt mang dòng chữ Sgt. Pepper’s Lonely Heart Club Band - tựa đề của Album. Sau đó là 8 Beatle, 4 người thật và 4 tượng sáp kích thước to bằng người thật được mượn từ bảo tàng Madame Tussaud (Pháp). Tượng sáp 4 chàng trai mặc bộ complet màu xám, đứng hình dáng mà năm 1963 ông bầu Epstein đã đưa các chàng trai ra giới thiệu với thế giới. Tiếp sau đó mới là những nhân vật nổi tiếng kia. Ban nhạc Rolling Stones được mô tả ở đó như là một đứa trẻ yếu ớt, nhỏ bé.
Để có được album đầu tay Please, Please Me chỉ mất có 12 giờ đồng hồ thu thanh với chi phí vẻn vẹn 400 bảng Anh và chỉ dùng các nhạc cụ đúng như khi biểu diễn thì họ đã tiêu tốn 40.000 bảng, mộ lượng thời gian là 9 tháng với 700 giờ thu. Số tiền chi phí tương đương với việc trả cho dàn nhạc giao hưởng London thu 8 đĩa nhạc cổ điển.
Trên thực tế họ gần như đã chuyển tới ở hẳn ngay trong trường thu ở Soho (London). Và vẫn như lệ thường, các bài hát chỉ được hoàn chỉnh ngay sát trước lúc vào chính thức và sáng tạo tuyệt nhất chỉ thường đến với họ sau lúc nửa đêm.
Xung quanh họ, các nhạc công kiên trì chờ đợi vì không ai có thể biết trước sẽ cần thử loại nhạc cụ nào. “Chẳng một ai trong số chúng tôi có thể tưởng tượng được giai điệu sẽ phải ra sao, cứ phải chơi thử rồi nghe lại” – Paul nói.
Họ làm việc một ngày thậm chí tới 20 giờ đồng hồ. Cả một dòng người chuyển qua chuyển lại trong trường thu. Họ là những nhạc sĩ, nhạc công, kỹ thuật viên, trợ lý… Người này mới trở dậy quay về vị trí làm việc, thì kẻ khác chuẩn bị đi nghỉ. Chỉ riêng ban nhạc là lúc nào cũng có mặt. Họ hát, họ tập, họ cãi lộn nhau, ăn uống, nhìn ngắm trời mây, đọc những lá số tử vi để làm dịu thần kinh rồi lại tiếp tục vào cuộc. Đã từng có lần họ làm việc liên tục 10 tiếng không có lấy một phút giải lao. Sau khi album đã hoàn thành, kỹ sư trưởng phụ trách âm thanh, Geoff Emerick, đã phải thốt lên: “Đó thật là một công việc vô cùng nặng nhọc. Nhưng sau đó, người ta sẽ có cảm giá rằng không thể còn có cách nào làm tốt hơn thế được nữa”.
Ở Sgt. Pepper, chất nhạc truyền thống của Beatles được pha trộn kỹ lưỡng với một loại âm thanh mới, từ những loại nhạc cụ điẹn tử mới ra đời. Mỗi một bài hát ở đây, chỉ trừ bài hát đầu tiên, đều mang một ý nghĩa riêng biệt, không phụ thuộc vào các bài khác. Mỗi một bài là một bức tranh nghẹ thuật riêng biệt và cả album là một phòng triển lãm nghệ thuật xuất sắc.
Bài hát có tên gọi dựa theo tên một bức tranh trẻ thơ do Julian, con trai của Lennon và đã làm dấy lên những dự đoán tò mò. LSD là tên của một chất ma tuý cực mạnh, nhưng nếu ghép những chữ cái đầu tiên của mỗi từ trong bài hát Lucy in the Sky with Dianmonds thì cho cùng một kết quả. Vậy giữa chúng là mối liên quan thế nào? Về phần mình, tác giả bài hát, John Lennon, luôn phủ nhận mọi sự liên quan giữa chúng.
Còn ở She’s Leaving Home giống như những ca khúc khác của Paul trước đây như Yesterday hay Eleanor Rigby nó được cả bộ dàn nhạc dây đệm theo và bản thân nó như được viết cho dàn violoncello vậy. Sự gợi ý cho bài hát là từ một mẩu tin trên báo, mà những loại tin về một thiếu nữ nào đó bỏ nhà đi đâu không rõ xuất hiện không thiếu trong tháng 5/1967 ở Anh. Với tư liệu như thế có thể sử dụng để làm một ca khúc phản đối, một vở bi kịch hay bất cứ cái gì khác. Song Beatles đã tạo ra điều kiện cho chúng ta nhìn nhận sự việc từ nhiều góc độ khác nhau: Dưới con mắt các bậc cha mẹ, dưới quan niệm của một người kể chuyện đơn thuần v.v… Bài hát có đoạn:
- “Thứ tư, lúc 5 giờ sáng, bắt đầu một ngày mới. Cô khe khẽ khoá cửa buồng ngủ, để lại một mẩu giấy nhắn tin mà cô hy vọng sẽ nói lên được nhiều điều. Cô rời bỏ gia đình ra đi… Chúng tôi đã dành cho nó phần lớn cuộc đời mình, mua sắm cho nó tất cả những gì có thể được. Chẳng khi nào chúng tôi nghĩ về chính cuộc sống của mình - một cuộc sống khó nhọc”. Lời bài hát thậm chí đôi chút có phần giống như kịch bản một cuốn phim.
Bài hát cuối cùng trên đĩa, A Day in the Life – (Một ngày trong cuộc sống) ra đời một cách ngẫu nhiên từ hai bài hát của John và Paul: John không sao tìm được phần giữa cho bài hát của mình, còn Paul thì lại thiếu đoạn đầu. Đóng góp cho thành công của bài hát còn phải kể đến công sức đáng kể mà G. Martin đã bỏ ra. Khi thu bài hát, Paul muốn có nguyên một dàn nhạc giao hưởng giúp sức, cuối cùng Martin đã thuê một nửa, 41 nhạc công tất cả, và quyết định cho các nhạc công bắt đầu đồng loạt chơi từ âm thấp nhất có thể có trên nhạc cụ của mình, rồi lần lượt lên các âm cao, cho đến âm cao nhất. Và Martin đã thành công rực rỡ, tạo được một hiệu ứng âm thanh đầy chú ý, đưa vào ngôn ngữ âm nhạc của Beatles những viên ngọc mới theo như yêu cầu của Paul để sao cho “piano không được kêu như piano”.
“Tôi cho rằng tác phẩm đỉnh cao của nhạc pop hiện nay chính là thứ âm nhạc đầy thú vị này mà tôi đã từng được nghe”. - Người phụ trách công việc sản xuất đĩa cho Bob Dylan đã thốt lên như vậy.
Năm 1967, Viện hàn lâm khoa học Mỹ về ngành công nghiệp sản xuất đĩa hát đã trao tặng cho Sgt. Pepper liền một lúc 4 giải thưởng: giải thưởng đĩa hay nhất, giải thưởng về kỹ thuật âm thanh, giải thưởng về tính thời sự và giải thưởng nghệ thuật cho việc trang trí bìa đĩa.
Bảy năm sau khi ra đời, năm 1974, Sgt. Pepper đã thắng lợi rực rỡ, cùng với album Blonde on Blonde của Bob Dylan chia sẻ vị trí số 1 trong danh sách 100 album nhạc pop hay nhất mọi thời đại. Cuộc thi do toà soạn tờ tạp chí âm nhạc New Musical Express tổ chức.
Người ta đồn rằng, lúc đầu Beatles có ý định làm Sgt. Pepper thành một album kép (2 đĩa trên một album và quả thực bìa đĩa của Sgt. Pepper cũng là bìa để đựng 2 đĩa) nhưng EMI kinh hoàng bởi độ dài và chi phí tài chính nên đã cắt giảm mất còn có một đĩa.
Trước đó, đĩa đơn thứ 14 với 2 ca khúc nổi tiếng Penny Lane/Stawberry Fields Forever không giành được vị trí đầu bảng danh mục những đĩa bán chạy nhất. Cho dù thế nào đi nữa, các bài hát được in đĩa đơn cũng đã vượt lên trước thời đại và vì thế mà đã không thu được thành công.
Penny Lane là kỷ niệm xưa của Beatles về một nơi chốn quen thuộc với họ ở thành phố Liverpool quê hương. Còn Strawberry Fields Forever có thẻ coi như một bản giao hưởng 4 phút của nhạc cụ điện. Trên nền của 4 loại nhịp khác nhau, chúng ta nghe thấy âm điệu chuyển điều hoà đẹp đẽ một cách đáng ngạc nhiên cùng những âm thanh dao động. Lý do chẳng có gì bí hiểm: Beatles đã thu bài hát theo hai kiểu khác nhau. John chỉ thích ở mỗi kiểu một đoạn và Martin đã nảy ra ý nghĩ nếu làm chậm bớt tốc độ và ở trên gần cùng một độ cao âm. Kết quả đạt được là chất lượng âm thanh đặc biệt, một htứ âm thanh kiểu vũ trụ, mà không ai có thể đạt được bằng những phương pháp thu thanh thông thường. Và đó mới chính là Strawberry Fields Forever chúng ta nghe thấy ngày nay.
Đĩa đơn ít thành công nhất của Beatles, với thời gian, có lẽ là một trong số những đĩa đơn hay nhất là nhạc pop đã sản sinh được.
Ngày 5/4/1967, Paul đáp máy bay tới Denver dự sinh nhật lần thứ 21 của cô giáo Jane Asher và mang tặng có một viên kim cương lớn để sau này chính cô lại đánh mất.
Ngày 1/6, hãng đĩa Parlophone bắt đầu biến chuyển đến tay chính giả album thứ 8 Sgt. Pepper.
Trong chương trình tivi “Our World International” truyền trực tiếp này 25/6, đã có tới 400 triệu người ở 24 nước theo dõi chương trình của Beatles. All You Need Is Love – “Tất cả những gì mà bạn cần là tình yêu” – Beatles đã tâm sự với khán giả như vậy qua ca khúc cùng tên và họ tin rằng: bằng âm nhạc có thể tạo nên một thế giới đẹp đẽ, hoà bình và chan hoà những tình cảm tốt đẹp.
Ngày 8/8, người ta thấy George xuất hiện tại trung tâm phong trào hippie ở thành phố San Francisco (Mỹ)
Ngày 27/8/1967, ngay trước lúc hợp đồng nhận dẫn dắt ban nhạc trong năm năm của Bryan Epstein hết hạn thì ông đã vĩnh viễn từ giã cói đời này do sử dụng quá mức thuốc an thần. Bryan ra đi trong không khí cô đơn, một tình trạng thường thấy ở ông vào thời gian cuối này. Số phận đã an bài để Epstein đến với Bealtes, dẫn dắt, chăm bón cho các tài năng bộc lộ, nảy nở và đạt hết tầm rực rỡ. Và khi Beatles đã đạt đuợc tất cả thì số phận lại lấy đi Bryan của họ. Năm năm trời, ông đã cùng làm việc, gặp gỡ với Beatles hàng ngày. Và khi mà Beatles thôi không còn công diễn nữa thì quan hệ của họ thu hẹp một cách đáng kể. Các thành viên Bealtes có vợ con, đĩa nhạc và phim Epstein chỉ có một mình. Cái cảm giác vô tác dụng, cộng với sự không thành đạt của một số ca sĩ và nhóm nhạc Liverpool mà Epstein cũng nhận đỡ đầu đã tạo nên cái chết của ông.
Không lâu trước khi Epstein mất, tờ Financial Times (thời báo tài chính) dự đoán Epstein có khoảng 7 triệu bảng Anh. Thực tế ông chỉ còn 180 nghìn sau khi chết.
Beatles bắt tay vào làm bộ phim thứ ba về họ. Và lần này, Beatles muốn tự mình viết kịch bản và kiêm luôn cả đạo diễn phim.
Đã có tới 50 đề tài, kịch bản được đề nghị để dựng bộ phim thứ 3 của Beatles gửi đến từ Anh, từ Mỹ và cả từ nhiều nước khác. Cuối cùng thì kế hoạch quay một bộ phim thật nghiêm chỉnh đã bị huỷ bỏ và mãi mãi sau này họ cũng không quay lại ý định làm bộ phim dài. Từ một kế hoạch đồ sộ, nay chỉ còn là bộ phim cho vô tuyến truyền hình. Đó là bộ phim dài 1 tiếng Magical Mystery Tour. Bộ phim do chính Beatles đạo diễn.
Đến trường quay ở Cornwall để xem Beatles đóng phim có đến 12 xe ô tô chở các nhà báo, phóng viên nhiếp ảnh v.v… Trên lĩnh vực phim ảnh, Beatles chỉ là những kẻ mới vào nghề. Những nhà quay phim đổ mồ hôi, kẻ khác thì phải nhảy xuống nước trong lúc “tư lệnh” John hài lòng theo dõi tất cả. Beatles tham dự vào mọi việc kể từ việc đi cắt tóc. “Cảm giác lại được làm việc thật tuyệt vời” – Paul đầy hào hứng nói như vậy. Sau cái chết của ong bầu Epstein, Paul nhanh chóng nắm lấy vai trò nhạc trưởng, nhà tổ chức mọi hoạt động của ban nhạc. “Làm phim không đến nỗi khó như người ta tưởng. Ít nhiều thì đó là một công việc trí tuệ” – Paul nói.
Bộ phim Magical Mystery Tour phần nào là người anh em ruột thịt của album nhạc Sgt. Pepper. Trong bài hát gây nhiều ấn tượng nhất – bài Fool on the Hill - người xem được chứng kiến dưới bóng chiều buông. Paul hát và hình bóng đổ dài trên toàn bộ màn ảnh. Mọi sự chú ý đến được tập trung vào lời ca và cảnh phim rất hợp với tâm tình bài hát. Trong bài Blue Jay Way, đặt theo tên một đường phố ở Hollywood, George Harrison ngồi trong đám mây phiêu lãng, những đám mây không ngừng biến thành hàng loạt những hình dáng muôn màu muôn vẻ.
Các tờ báo ở Anh đều quay lưng lại với bộ phim của Beatles sau ngày nó ra mắt hôm 26/12/1967. Tờ Daily Mirror viết “Thật lộn xộn”. Tờ Daily Express: “Thật là một trò vô nghĩa”. Tờ Daily Mail: “Sự hợm mình của Beatles thật quá đáng”. Chỉ riêng New Musical Express là còn ủng hộ: “Họ đã vi phạm nhiều nguyên tắc của công tác đạo diễn nhưng bộ phim dẫu sao đã đem lại một không khí nhẹ nhàng, dễ chịu và thoải mái”.
Trước đó ít ngày, hôm 7/12, ban nhạc Beatles chính thức thành lập một công ty riêng lấy tên tên là Apple và mở trụ sở tại nhà số 94 đường Baker. Đúng vào ngày Noel, 25/12/1967, Paul làm lễ đính hôn cùng Jane Asher sau hai năm chung sống.
Các bài hát có trên phim Magical Mystery Tour được tuyển chọn và in thành 2 đĩa EP (Extended Playing, giông như đĩa đơn nhưng chứa nhiều hơn hai bài và thường là 2 bài một mặt, trong khi đĩa đơn thường gọi là single hay SP (Short Playing) – bao giờ cũng chỉ có mỗi mặt một bài). Ta thấy ở đó các bài: Magical Mystery Tour/Your Mother Should Know/ I Am the Walrus/The Fool on the Hill/Flying/Blue Jay Way. Đĩa được hãng Parlophone cho ra mắt ngày 8/12/1967, đúng 16 ngày trước khi chiếu Magical Mystery Tour. Bán kèm với cặp đĩa đôi EP, các nhà sản xuất còn có nhã ý tặng người mua một bộ ảnh chụp và tranh vẽ một số cảnh trong phim và bản nội dung tóm tắt của bộ phim. Còn ở Mỹ, người ta cho ra hẳn một đĩa lớn, tuyển chọn các bài hát có mặt ở 2 EP nói trên cùng một số bài hát khác được in trên các SP của Beatles như Hello, Goodbye; Strawberry Fields Forever; Penny Lane; Baby, You’re a Rich Man; All You Need Is Love (tức là các đĩa đơn số 14, 15 và 16). Đó có lẽ là đĩa tuyển chọn tốt nhất các bài hát của Beatles khi mà ban nhạc còn tồn tại.
Đĩa tuyển chọn xuất bản ở Mỹ cũng lấy tựa đề Magical Mystery Tour và cũng được kèm theo tập ảnh và tranh vẽ như người Anh đã làm. Song đó là đãi tuyển chọn chứ không được coi là album của Beatles!