Nguyễn Bảo Anh Thư đã viết:
Thực ra hôm qua nhận thư trả lời của báo này thì thấy nghe xuôi xuôi tai, nhưng đọc kĩ lại mới thấy có vài chỗ ko ổn chút nào. Giải pháp của họ chỉ có mỗi là xóa bài và đăng bài phản hồi của em lên đấy ^^ Nếu nhìn nhận thật kĩ thì hóa ra là chẳng có một lời xin lỗi nào được đăng chính thức lên mặt báo cả??? Tác giả Mai Lan là người có trách nhiệm đầu tiên với bài viết của mình, sao lại ko chính thức gửi lời xin lỗi đến người bị ảnh hưởng danh dự? Còn Tòa báo có trách nhiệm liên đới vì ko xác minh thông tin trong bài viết đăng trên báo mình, sao cũng ko đăng lời xin lỗi chính thức? Chỉ có một câu xin lỗi suông viết trong thư riêng gửi cho em thì em ko chịu đâu ^^ Em muốn họ phải đăng bài cải chính kèm lời xin lỗi chính thức từ cả tác giả Mai Lan lẫn báo Người Việt trên báo của họ thì mới được (vì đó là nơi bài viết thiếu trách nhiệm kia xuất hiện trước hết).
Mọi người thấy thế có thỏa đáng ko ạ ^^
Theo anh thì nếu họ đăng cả thư của em, và cả phần trả lời của họ dưới đây, thì chấp nhận được rồi.
L.
===============
Lời trả lời của báo Người Việt và Người Việt Online
Cám ơn cô Nguyễn Bảo Anh Thư đã lên tiếng về bài báo “Giới trẻ học đường và triệu chứng ngôi sao” của tác giả Mai Lan.
Bài viết trên phản ảnh hiện trạng đang có những cuộc thi đua, với các thí sinh vào lứa tuổi học sinh sinh viên, để được làm “Miss” (hoa hậu). Những cuộc thi nói trên diễn ra trên internet, với các cô đưa hình mình lên Internet, rồi bất cứ ai (không phải chỉ các thành viên có đăng ký trong các trang web đó) đều có thể vào xem, và các thành viên có đăng ký thì có thể vào sâu hơn và có thể phê bình, chấm điểm, v.v.
Bài viết trên cũng nói lên hai kết quả xảy ra với những cuộc thi đua ảnh đẹp này. Một kết quả là khi bất cứ ai cũng đều có thể vào xem hình, có một số cô đã trở nên nổi tiếng trong giới thanh niên tại Hà Nội. Một kết quả nữa là có những cô đã đưa những hình “uốn éo” và những hình “hở hang” lên mạng.
Đó là những chuyện có xảy ra, và bài báo trên nói đúng về những điều đó.
Tuy nhiên, trong quá trình viết bài, tác giả Mai Lan đã dùng những chữ, những câu, và cả cấu trúc toàn bài, khiến có thể gây hiểu nhầm trong độc giả.
Đoạn viết về cô Nguyễn Bảo Anh Thư, tác giả viết rằng: “Không chỉ có ..., còn những cái tên như ..., Nguyễn Bảo Anh Thư, ... cũng trở thành cái tên được giới trẻ tìm kiếm nhiều nhất trên mạng.”
Như vậy, tác giả chỉ có ý nói cô Nguyễn Bảo Anh Thư được giới trẻ tìm kiếm nhiều nhất trên mạng. Tuy nhiên, khi tác giả viết câu trên ngay sau đoạn phê bình hình ảnh “uốn éo,” “hở hang,” v.v. của một người khác, có nguy cơ độc giả sẽ hiểu nhầm là cô Nguyễn Bảo Anh Thư cũng có hình ảnh “uốn éo” hoặc “hở hang,” là điều hoàn toàn không xảy ra.
Lối tác giả dùng chữ “uốn éo” và “hở hang” cũng có nguy cơ gây hiểu nhầm. Chính xác mà nói, hai chữ “uốn éo” và “hở hang” là hai chữ tả chân, tự chúng không có ý phê phán, nhất là đối với độc giả tại địa phương của báo Người Việt. Tuy nhiên, đối với một số người, hai chữ này có thể hiểu nhầm là có hàm ý xấu. Cách dùng chữ này cũng có nguy cơ gây hiểu nhầm.
Nói tóm lại, mặc dù sự kiện nêu lên là chính xác, một số lời phê bình là chính xác, nhưng cách cấu trúc bài, cách viết câu, cách dùng chữ của tác giả có nguy cơ gây hiểu nhầm. Cách viết của tác giả có thể đạt tiêu chuẩn tối thiểu của luật pháp, nhưng không đạt tiêu chuẩn của báo Người Việt, vốn cao hơn tiêu chuẩn dựa theo luật pháp.
Vì vậy, báo Người Việt quyết định xóa bài viết trên khỏi trang Người Việt Online, và đăng bài lên tiếng của cô Nguyễn Bảo Anh Thư lên báo Người Việt. Báo Người Việt xin lỗi cô Nguyễn Bảo Anh Thư cũng như các nhân vật khác có ghi tên trong bài của tác giả Mai Lan về những ngộ nhận đáng tiếc đã xảy ra ngoài ý muốn của tòa báo.