Saigon Saigon
Đi đó đi đây nhiều, sao cuối cùng Hiệp lại an cư ở Sài gòn thế? Có sự tích gì hay kể cho bọn tớ nghe đi.
Tớ đi Sài gòn cũng nhiều. Hồi mới ra trường, tháng nào cũng đi, có tháng ở đến 20 ngày trong đó, nhưng hình như chưa "nhìn lâu" bao giờ thì phải. Dạo này lại tháng nào cũng đi. Chắc phải đợi cái rì-viu của cậu rồi.
Ấn tượng đầu tiên, đậm nét về Sài Gòn từ ngày bé, là "Mùi Sài Gòn". Cái mùi không lẫn vào đâu được, nhận ra ngay mỗi lần đặt chân đến nội ô thành phố. Mùi Sài Gòn ngày ấy là tổng hợp của mùi nắng, mùi khói xe lam xe xích-lô máy, mùi sườn nướng của hàng cơm tấm sườn bì, và mùi khai hỉnh lên từ mỗi góc phố hoang vắng đái bậy bụi đời.
Lần đầu tiên thuở bé được "đi Sài Gòn" là năm 1977, sau đó thì 1981, 1984, 1986... càng lớn lên càng có dịp đi đi về về nhiều lần nữa, bây giờ thì mình ở hẳn lại, ở trong đây người ta kêu bằng “riết rồi cũng quen”, nhưng với mình thì vẫn là chỗ lạ, vẫn "chẳng phải nhà mình". Mặc ngày tháng trôi qua, Sài Gòn vẫn luôn làm mình ngạc nhiên, Sài Gòn vẫn luôn mới mẻ và sinh động tới nỗi cái sự "chẳng phải nhà mình" lại hóa rất hay.
Không ngạc nhiên sao được, khi ngày ấy thằng Việt Cộng con tiếp xúc với một thế giới hoàn toàn chẳng giống gì Hà Nội của mình.
Cái đầu tiên là con người. Người trong này, từ những người Sài Gòn gốc từ xưa, đến những người di cư năm năm-tư, cho đến cả những gia đình có người đã từng tập kết… thảy đều có một thái độ e ngại dễ nhận thấy, kể cả với thằng ranh con là mình. Nó ranh con nhưng nó là “Bắc Kỳ kin” đấy ạ. Tức là Bắc Cộng hạng gộc đấy, ngoài kia gọi là gia đình quân nhân cách mạng hạt giống đỏ vứt lên mái tôn cũng nảy mầm đấy, đại biểu thắng trận, giải phóng Sài Gòn, chuyển sang thành phố mang tên Bác đấy.
Trẻ con trong này, giọng Nam đặc sệt, túm tụm từ xa gào to trêu thằng Việt Cộng con, rồi bỏ chạy:
“Bắc Kỳ ăn trái xu-xi
(đến giờ vẫn chưa hiểu trái xu-xi là trái gì)
Ăn phải lựu đạn chết cha Bắc Kỳ
Ai ôi đừng lấy Bắc Kỳ
Nó ăn rau muống, nó lì như trâu”
Rồi thì những gì Sài Gòn còn lại từ trước 75 tạo thành khái niệm đầu tiên về đời sống tiện nghi: Nhà “lầu” kiểu Mỹ nhiều phòng thoáng mát đá rửa gờ-ra-ni-tô, đâu cũng có vòi tắm hoa sen, bồn tắm, xí bệt, nước máy mùi clo rất lạ, đồ gỗ thảy đều bọc phoóc-mi-ca nhằng nhịt nổi vân… khác hẳn cái cảnh sống chồng chất lên nhau, hơn chục hộ gia đình bấu vào cái nhà Tây cũ giậu đổ bìm leo ở nhà mình.
Mình vẫn nhớ lần đầu tiên ở Sài Gòn được uống xá-xị, thức uống nước ngọt có ga màu nâu văn minh, gần nhất với Coca-Cola mãi sau này mới biết. Cầm ly xá-xị bỏ đầy đá sủi bọt gas bốc lên li ti, nhấp ngụm đầu tiên ôi sao mà nó ngon thế hở giời, chưa bao giờ uống cái gì ngon đến thế. Thằng Việt Cộng con mềm môi uống không dừng được, hết chai nọ đến chai kia, bụng to đùng lăn quay ra thở không được mới chịu thôi…
Một lần nữa ngỡ ngàng là khi ra ngay đầu hẻm mua cái bánh mì thịt. Lúc nhận bánh từ bà bán bánh mì, mình nói “Cháu cảm ơn” bà bán bánh mì bảo “Ủa chứ dì bán được cho con cái bánh thì dì phải cám ơn con chứ. Sao con lại cám ơn dì?”. Đấy, khái niệm “kinh tế thị trường “ đầu tiên đấy. Của đáng tội ngày ấy quen xếp hàng mậu dịch, nhận được lương thực thực phẩm phân phối cho là điều may mắn, phải cảm ơn mậu dịch viên quá đi chứ lị.
Rồi mỗi ngày thằng Việt Cộng con một nhớn tướng, thích thể hiện mình Hà Nội gốc giai đất thánh thanh lịch mình có gu mình thú vị mình tinh mắt tinh mồm… mở miệng ra nhắc đến Sài Gòn là mình chê, thôi thì chê ỏng chê eo, dè bỉu đay nghiến những là hời hợt nông cạn thiếu chiều sâu, những là xanh xanh đỏ đỏ kinh chết đi được, những là đồ ăn cái gì cũng bỏ đường ngọt lè ra như mứt, những là cải lương sến sỉa vân vân và vân vân… Chê thì chê thế thôi, từng ấy thứ ai mà chẳng biết. Và cũng không ai không biết Sài Gòn còn là một thứ “Miền đất hứa” nữa, là biểu tượng cho thế giới vật chất, cho cuộc sống thực sự năng động, cho ước vọng kinh tế, là đất đai rộng lớn mở ra để mình hăng hái vẫy vùng… Nhớ lại năm 1999, khi hạ quyết tâm mở chi nhánh miền Nam, hai anh em mình say sưa truyền cảm hứng cho toàn thể cái văn phòng bé tí ti, rằng là tương lai của chúng ta ở đấy đấy, rằng là trong ấy cơ hội chạy đầy ngoài đường ta phải xông ra ta đoạt đấy, rằng là đến lá cây ở xứ miền Nam qua con mắt khát vọng của mình nó cũng xanh mướt hơn, giàu nhựa sống hơn miền Bắc. Thời điểm đó mình cần biết mấy sự thay đổi, thật tự nhiên cái chuyện đi hẳn vào Sài Gòn nó thôi thúc mình ghê gớm.
Thế là mình gắn bó với mảnh đất phương Nam, ngoài những lúc kiếm sống chiến đấu tưng bừng được được thua thua… là những lúc thật đẹp, thật nhiều kỷ niệm ở cái thành phố ồn ào náo nhiệt này. Chắc chắn thằng trai Bắc nào vào đây cũng có ít nhất một lần hình dung ra lúc buổi sáng sớm nhìn màn trời bàng bạc chưa sáng hẳn, mình nằm yên ban đầu nghe lác đác từng tiếng xích lô máy, sau rồi thì có cảm giác như đùng một cái, tất cả các thanh âm chợt đến cùng một lúc. Thành phố đang thức dậy. Ì ầm. Y hệt như một con thú khổng lồ. Hà Nội bây giờ sáng dậy có khi còn ồn hơn, nhưng cái cảm giác về cái sự chuyển động lớn lao của một đại đô thị ấy chỉ có khi mình thức giấc ở Sài Gòn.
Nhạc Trịnh Công Sơn chẳng hạn, luôn thật hợp với Sài Gòn (tuy chỉ nên nghe ít thôi thì còn hay) “… Em còn nhớ / hay em đã quên / bên hè phố / mưa đêm trói chân / dưới hiên nhìn / nước dâng tràn / phố bỗng thành / dòng sông uốn quanh…” Trời chiều tối dần, là lúc vô vàn quán nhậu lên đèn, đông nghịt các thằng trẻ già nói cười hể hả ồn ã, rặt giọng Nam Bộ uáo uáo dzô dzô… bia chai nhạt thếch nước đá lờ nhờ trắng chợt mắt ma, uống chỉ thấy ọc ạch bụng đầy, mãi chẳng say. Đến khuya, thì xuất hiện cặp bài trùng hát rong bán vé số một sáng mắt nhưng đi nạng, một nguyên hai chân nhưng lờ đờ cùi nhãn chả thấy gì. Mình hay gọi tay đi nạng là “Gu-lít” vì da thiết bì tóc dài và xoăn, còn tay cùi nhãn thì có giọng hát đệm đàn ghi-ta lừng phừng không trộn lẫn vào đâu được, nghe buồn thối ruột gan “…em qua công viên mắt em xoe tròn / Lung linh nắng thủy tinh vàng / Chợt hồn buồn dâng lên cao…” rồi lúc bia trong mình ngấm dần thì chuyển qua làn điệu cực sến: “…đã bao năm rồi vắng lạnh lòng trai đi ngàn phương / Mỗi khi sương chiều xóa nhòa phồn hoa nơi phố phường…”
Có những lúc mình ngồi trên Saigon Saigon Bar (tầng 10 khách sạn Caravelle, cách đây vài năm có một cô gái Đức nhảy lầu tự tử vì tình) nhìn rất lâu xuống cái rực rỡ náo nhiệt ở dưới kia. Càng ngày càng yêu cái thành phố này cho dù nó sẽ chẳng bao giờ là nhà mình cả.
Mình kết thúc ở đây bằng một đoạn viết của Chu Thường bạn mình, người năm ngoái đã bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới (ở tuổi ba tư muộn còn hơn không) tại Sài Gòn:
Sài Gòn là gì trong tim bạn?
Đố bạn mỗi ngày có bao nhiêu người đến và ở lại với Sài Gòn? 1000. Sai bét.
Tôi đã từng cho như thế là nhiều. Con số chính xác gấp đôi thế. 700.000 người một năm. 700.000 trái tim và 700.000 niềm hy vọng. Có tài hoặc chỉ có trái tim, có bà con hoặc không có bà con, rất nhiều tiền hoặc không đồng xu dính túi . Và Sài thành giang tay ôm tất cả vào lòng cho dù không phải ai cũng đậu lại được . Có những người thành công, có những người chỉ tìm được một cuộc sống bình thường. Thậm chí, có những người lại ra đi. Đất lành- không có nghĩa là nơi nương náu cho mọi loài chim. Tuy nhiên, khi ai đó cần sự thay đổi. Ý nghĩ đầu tiên : Đi Sài Gòn.
Thành phố đã từng được ví như hòn ngọc Viễn Đông. Theo tôi, đúng và không đúng. Dù sao, danh xưng đó cũng từ con mắt của người nước ngoài. Nó thật đúng với những khu phố sầm uất quận 1, quận 5, những đô thị trưởng giả quận 3, quận 7. Nhưng còn một Sài gòn khác, Sài gòn của các quận mới, quận “chữ” - đông và bụi- một thành phố quê quệch và ham lao động. Hãy dậy vào lúc 6h sáng, bạn có thể cảm nhận bằng mắt , bằng tai, bằng buồng phổi sự thay đổi mạnh liệt của thành phố từ đêm sang ngày. Tiếng động của cuộc sống không đến từ từ, rải rác, rơi rớt. Không có những tàn đêm vương vấn. Thành phố thức giấc là bật dậy và ồn ào khủng khiếp .Đến tận đêm.Với vô số tiếng xe, tiếng máy và tứ chiếng là giọng nói.Với vô số dặc sản địa phương bị biến tấu rất nhiều.Thậm chí, với vô số ăn mày, bán vé số dạo và đĩ điếm. Đó mới chính là Sài gòn - thành phố tôi yêu.
Sài gòn là gì trong tim bạn? Với tôi , đó là thành phố của những ước mơ. Có những ước mơ sẽ biến thành sự thật, có những ước mơ mãi mãi bị chôn vùi.
Nhưng điều đó cũng không quá quan trọng , vì một điều ai cũng biết - cuộc sống sinh ra từ những mơ ước, từ sự mưu cầu hạnh phúc của chính bản thân mình. Sài thành, xin cám ơn vì mi có mặt trên đời!