Văn học nước ngoài

Ở trên tôi có nói rằng hiện nay Hoa Kỳ đang hoàn toàn thành thực trong chuyện lật ngửa bài của họ lên bàn. Và đúng là như vậy. Cái chính sách đã công bố chính thức của họ hiện nay được định danh là “thống trị toàn dải”. Đây là chữ của họ, không phải của tôi. “Thống trị toàn dải” có nghĩa là kiểm soát toàn bộ đất đai, biển cả, không khí và không gian, cùng mọi tài nguyên hàm chứa trong đó.

Hoa Kỳ hiện có 702 cơ sở quân sự trên khắp thế giới, thiết lập ở 132 nước, chỉ trừ một ngoại lệ đáng được vinh danh là Thụy Điển, phải nói vậy. Chúng ta không biết rõ họ đã thâm nhập những nơi ấy như thế nào, nhưng họ đang hiển nhiên có mặt ở đó.

Hoa Kỳ sở hữu 8.000 đầu đạn hạt nhân đã kích hoạt và sẵn sàng để sử dụng. Hai ngàn trong số đó đang trong tình trạng thường trực nhạy bén, sẵn sàng được phóng lên chỉ 15 phút sau khi báo động. Hoa Kỳ còn đang phát triển những hệ thống lực lượng hạt nhân mới nhằm công phá hầm ngầm cố thủ. Chính phủ Anh, luôn tích cực hợp tác, đang có ý định thay thế hệ thống tên lửa hạt nhân Trident của họ. Tôi không hiểu họ đang nhằm bắn ai? Osama bin Laden chăng? Quí vị chăng? Tôi chăng? Joe Dokes chăng? Hay là Trung Quốc? Paris? Ai biết được? Nhưng chúng ta biết rằng cái trò điên rồ con nít này – việc sở hữu và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân – là cốt lõi của triết lý chính trị Mỹ hiện nay. Chúng ta phải tự nhắc nhở mình rằng Hoa Kỳ luôn ở trong tư thế súng đạn trực chiến và không hề có dấu hiệu muốn thả lỏng tư thế ấy.

Hàng ngàn hàng vạn, nếu không phải là hàng triệu người ngay tại chính Hoa Kỳ đã biểu lộ thái độ ghê tởm, xấu hổ và căm giận vì những hành động của chính phủ họ, nhưng trong tình hình hiện nay họ chưa phải là một lực lượng chính trị gắn kết. Nhưng tâm trạng lo lắng, hoang mang và sợ hãi mà chúng ta có thể thấy đang ngày càng gia tăng ở Hoa Kỳ có vẻ sẽ khó lòng vơi đi được.

Tôi biết Tổng thống Bush có nhiều trợ bút viết diễn văn cực kì giỏi, nhưng tôi vẫn muốn xung phong làm việc đó. Tôi xin đề xuất một diễn từ ngắn sau đây để ông ta đọc trước quốc dân trên màn ảnh truyền hình. Tôi thấy ông trịnh trọng, tóc chải cẩn thận, nghiêm túc, đầy thuyết phục, thật thà, mà thường để bịp, có lúc dùng cả đến một nụ cười nhăn nhở, có một vẻ hấp dẫn kì cục, thật là một đấng tu mi nam tử.

“Thượng đế tốt. Thượng đế vĩ đại. Thượng đế tốt. Thượng đế của bản chức tốt. Thượng đế của bin Laden xấu. Thượng đế xấu là của nó. Thượng đế của Saddam xấu, mà nó cũng chẳng có Thượng đế nữa kia. Nó là một thằng man rợ. Chúng ta không phải là bọn man rợ. Chúng ta không có chặt đầu người. Chúng ta tin vào tự do. Thượng đế cũng vậy. Bản chức không phải là một tên man rợ. Bản chức là thủ lãnh được bầu ra một cách dân chủ của một nền dân chủ yêu chuộng tự do. Chúng ta là một xã hội biết thương khó và đầy lòng trắc ẩn. Vì lòng trắc ẩn mà chúng ta chỉ xử tử bằng điện giật và tiêm thuốc độc. Chúng ta là một dân tộc vĩ đại. Bản chức không phải là một tên độc tài. Hắn kia. Bản chức không phải là một thằng man rợ. Hắn kia kìa. Và cả hắn nữa. Cả lũ bọn chúng. Bản chức có quyền phán xử đạo đức. Các người thấy nắm đấm này chứ? Quyền phán xử đạo đức của bản chức đấy. Và các người khôn hồn thì chớ có quên nó.”

Nhà văn sống gần như một kẻ trần truồng giữa chợ, động một tí là tử thương. Chúng ta không cần phải than khóc vì chuyện ấy. Nhà văn tự lựa chọn vận mệnh của mình và thủy chung với nó. Quả thực có thể nói rằng ta trần trụi giữa gió tứ phương, đôi khi giữa giá băng cắt thịt. Ta độc hành, lẻ loi và bị đời hắt hủi. Ta không tìm được một chốn nương thân, một nơi trú ẩn an toàn – trừ phi ta nói dối – và nhờ thế mà dựng được rào chắn tự vệ của riêng mình, và trở thành một chính trị gia, có thể nói như vậy được.

Tối nay tôi đã nhiều lần nhắc đến sự chết. Bây giờ tôi sẽ đọc một đoạn trong một bài thơ của mình có nhan đề là “Sự chết”.


Xác chết ấy đã được tìm thấy ở đâu?
Ai đã tìm thấy xác chết ấy?
Xác chết ấy đã chết thật chưa khi họ tìm thấy nó?
Họ đã tìm thấy xác chết ấy như thế nào?

Ai đã là cái xác chết ấy?

Ai là cha là con gái là anh
là bác là chị là mẹ là con trai
của cái xác chết bị bỏ mặc này?

Xác chết trần trụi hay quần áo chỉnh tề cho một chuyến đi xa?

Cái gì khiến ta dám nói rằng xác chết ấy đã chết?
Ta đã tuyên bố cái xác chết ấy là chết rồi chưa?
Ta đã biết rõ xác chết ấy đến đâu?
Làm sao ta biết xác chết ấy đã chết?

Ta đã tắm rửa cho xác chết chưa nào
Ta đã vuốt mắt cho nó chưa nào
Ta đã chôn cất thi thể ấy chưa nào
Hay vẫn kệ cho nó bị bỏ mặc
Ta đã hôn xác chết ấy chưa nào


Khi nhìn vào một tấm gương, chúng ta tưởng cái hình đang đối diện ta kia là chân ảnh. Nhưng chỉ nhích đi một li thôi là hình ảnh ấy đã đổi khác rồi. Chúng ta chỉ đang nhìn vào một chuỗi vô tận những phản ảnh mà thôi. Và đôi khi nhà văn phải đập vỡ tấm gương ấy – vì chỉ ở phía bên kia của tấm gương mới là sự thật đang chú mục vào ta.

Tôi tin tưởng rằng cho dù có muôn vàn bất trắc, cái nghĩa vụ công dân cốt yếu nhất mà tất cả chúng ta đều phải thi hành là mang hết trí tuệ kim cương bất khuất và như nhất của mình vào một quyết tâm dũng mãnh để xác định cho được sự thật thực tại của cuộc sống chúng ta và xã hội của chúng ta. Quả thực, đây là chức mệnh của chúng ta vậy.

Nếu quyết tâm ấy không thành máu thịt trong quan niệm chính trị cụ thể của mỗi người, chúng ta sẽ không thể hy vọng cứu vãn được một thứ đã gần như hư nát mất rồi trong mỗi chúng ta – là phẩm giá con người.



Bản tiếng Việt © 2005 talawas
(http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=6096&rb=0104)


[1]Trích từ bài “Tôi đang giải thích một đôi điều”, bản dịch của Nathaniel Tarn, từ sách Pablo Neruda: Tuyển tập Thơ, nhà xuất bản Jonathan Cape, Luân Đôn 1970. Theo giấy phép của The Random House Group Limited.


Nguồn: http://nobelprize.org/literature/laureates/2005/pinter-lecture-e.html
 
Đọc Disgrace của J.M. Coetzee

(Tác phẩm và tác giả- giải Nobel Thụy Điển 2003 cùng 2 lần giải Booker Anh -tác phẩm thứ 2 còn lại là Cuộc sống và thời đại của Michael K)

coetzee01.jpg





Đôi khi, tác phẩm văn chương làm người đọc có được một sự hiểu biết rõ ràng, sâu sắc hơn về những sự kiện được trình bày trên mặt báo, trên màn hình TV, qua đó, thứ ánh sáng nửa vời của báo chí chẳng thể nào làm sáng lên được những sự thực vốn đã mờ mờ ảo ảo (shadowed truths). Tác phẩm Đường tới Ấn Độ (Passage to India) của nhà văn E.M. Forster đã dạy cho chúng ta rằng những cuộc cãi cọ lớn lao về lịch sử khiến những con người cá nhân không có được một sự bình an riêng tư. Lịch sử ngăn cấm tình bạn giữa ông người Anh Fielding, và ông bác sĩ người Ấn Aziz. “Chưa được đâu, chưa được đâu”, ông bác sĩ ngần ngại, xen lẫn hoài nghi. Chưa được đâu, một khi mà sự bất công lớn lao của chủ nghĩa đế quốc còn cản lối giữa hai chúng ta. Chưa được đâu, đợi khi nào Ấn Độ được tự do, nhé!



Sau thế chiến thứ hai, rất nhiều nhà thơ, tiểu thuyết gia Đức cảm thấy, vì chủ nghĩa quốc xã, ngôn ngữ của họ chỉ còn là một mớ gạch ngói vụn nát, chẳng khác chi những thành phố biến thành hoang tàn vì bom đạn. “Văn học gạch vụn” mà họ sáng tạo ra đó, là để tìm cách xây dựng lại, từng viên gạch một, từng mảnh vụn một, cái gọi là một cách viết Đức.



Bây giờ, vào thời “hậu sự” (aftermath) của đế quốc đang diễn ra tại một trang trại do người da trắng làm chủ ở Zimbabwe, trong khi Kenya và Nam Phi lo lắng theo dõi, cuốn tiểu thuyết Disgrace (Ô nhục) - được nhiều người ca ngợi - của J.M. Coetzee là một tác-phẩm-xác-định-thời-đại khác nữa, nó giống như một thứ thấu kính qua đó chúng ta có thể nhìn rõ hơn nhiều những gì trước đó còn tối tăm, u ám.



Ô nhục là câu chuyện của David Lurie, một giáo sư da trắng bị mất việc sau khi một nữ sinh viên tố cáo ông quấy rối tình dục cô ta. [Của đáng tội], với cô này, ông chỉ có được một chuỗi những lần ăn nằm mà chẳng hứng thú gì. Lurie sau đó đến ở cùng với cô con gái Lucy trong một trang trại nhỏ, tại đây hai cha con đã bị một nhóm người da đen tấn công. Hậu quả của vụ tấn công này gây chấn động khủng khiếp ở ông giáo sư, làm cho cái nhìn của ông về thế giới trở nên đen ngòm.



Có một cái gì đó trong Ô nhục khiến người đọc nhớ lại cái nhìn của nhà văn Forster, về cuộc chiến đấu dành độc lập của xứ Ấn Độ, và nhớ lại thứ văn chương gạch vụn của những nhà văn Đức. Đó là bề ngoài ra vẻ sẵn sàng của cô gái con ông giáo sư, rằng tụi đen kia, chúng mày hãy hiếp tao đi, như một cách sử dụng cái tấm thân [đàn bà da trắng] của cô làm một nơi cần thiết cho lịch sử “trả thù”. Ở đây chúng ta nghe thấy tiếng nói, trước đây ngần ngại xen lẫn lo âu của ông bác sĩ Ấn Độ Aziz, “chưa được đâu, chưa tới lúc”, nhưng lần này cay cú hơn, chua chát hơn. Và Lurie tin (và người đọc phải kết luận rằng nhà văn Coetzee, kẻ sáng tạo ra ông ta, cũng tin) rằng tiếng Anh không còn khả năng diễn đạt thực tại của miền đất Nam Phi.



Thứ ngôn ngữ “cứng cựa” (bone-hard) mà Coetzee tìm thấy cho cuốn sách của ông thật đáng khâm phục, và cũng thật dũng cảm là tầm nhìn của ông. Chẳng nghi ngờ chi, cuốn sách đáp ứng đòi hỏi số một của một cuốn tiểu thuyết: một cách thật quyết liệt, và cũng thật dũng mãnh, nó tước bỏ cái không tưởng vốn làm đầy ứ thêm những thế giới tưởng tượng của chúng ta, và một khi làm như thế, nó tăng thêm những điều khả dĩ cho chúng ta suy nghĩ. Đọc về Lurie, và Lucy, trong mảnh đất hung hiểm và thật trơ trọi của họ, chúng ta có thể sẵn sàng hơn trong việc nhận thức hoàn cảnh những chủ trại da trắng ở Zimbabwe, một khi mà lịch lên tiếng “hãy trả thù cho ta”! Như Lucifer của Byron - mà trong đó có cả tên của Lurie lẫn Lucy - nhân vật của Coetzee “hành động theo xung động, và nguồn gốc của xung động này thì tối đen đối với anh ta” ("acts on impulse, and the source of his impulses is dark to him.") Có lẽ, anh ta có một “trái tim khùng” (a mad heart), và tin tưởng ở điều mà anh ta gọi là “dục quyền”, hay “quyền được sướng” (“the rights of desire”). Điều này làm cho anh ta có vẻ đam mê, trong khi sự thực anh ta lạnh lùng, và gần như ở trong tình trạng của một kẻ mộng du.



Và chính cái tình cảm lạnh lùng, "người dưng" của anh ta, thấm sâu vào từng ngõ ngách của từng câu văn, tạo nên dòng văn xuôi của cuốn tiểu thuyết, chính nó là vấn đề. “Văn chương gạch vụn” đã không chỉ nạo đến xương đến tủy ngôn ngữ, mà còn đem đến cho mớ xương tủy đó một lớp da thịt mới, có lẽ là bởi những người thực tập thứ văn học gạch vụn đó cố bấu víu lấy một niềm tin, còn hơn thế, một tình yêu dành cho ngôn ngữ, và cho cái văn hóa mà trong đó thứ ngôn ngữ được hồi sinh của họ sẽ đơm hoa kết trái. Thiếu cái niềm tin yêu đó, ngôn từ trong Ô nhục có vẻ như trơ ra (heartless: không có trái tim), và tất cả thông minh, thông thái của nó không thể nào lấp nổi lỗ hổng này.



Hành động theo xung động mà nguồn gốc của xung động này không ai dám tự cho mình là hiểu nổi, biện minh cho cái việc nhảy xổ vào đàn bà chỉ vì “quyền được sướng”, làm như vậy là ném đạo hạnh vào thùng rác, là khiến cho đạo đức và tâm lý của một con người trở thành một lỗ hổng toác hoác. Bởi, nếu một nhân vật có quyền vỗ ngực nói, tôi không hiểu được động cơ nào đã xui khiến tôi [làm những điều xằng bậy như thế], ấy là một chuyện, nhưng nếu tiểu thuyết gia - người đẻ ra nhân vật đó - mà cố tình nhập nhằng (collude: âm mưu, thông đồng), trong cái việc biện minh, đó lại là chuyện khác.



Chẳng ai hiểu ai, trong Ô nhục. Lurie không hiểu Melanie, người sinh viên mà ông ta quyến rũ. Cô sinh viên cũng không hiểu ông thầy. Vị giáo sư không hiểu Lucy, cô con gái của chính ông, còn cô con gái thì cho rằng những hành động và “trường hợp” (case) của ông bố vượt quá cô (beyond her). Ông giáo sư thoạt đầu không hiểu cả chính mình, ông cũng không có được một tí khôn ngoan nào (wisdom) ở đoạn cuối cuốn tiểu thuyết.



Những liên-liên hệ chủng tộc (inter-racial relations) cũng đuợc dàn dựng cùng ở một mức độ vô tri (ignorance) như vậy. Người da trắng không hiểu người da đen, người da đen chẳng buồn bận tâm tới chuyện hiểu người da trắng. Những nhân vật da đen trong cuốn tiểu thuyết - anh chàng Petrus, "người làm vườn và dog-man" làm việc cho Lucy, và lẽ dĩ nhiên, đám da đen tấn công họ - chẳng anh chị nào có nổi được cái gọi là tí người, theo nghĩa chẳng nhân vật nào được phát triển, nẩy nở ra [trong cuốn tiểu thuyết, theo đà với câu chuyện] để trở thành những nhân vật có đời sống, có hơi thở. Petrus là tay tới cận nhất với dáng vóc một nhân vật - như một người da đen - ở trong truyện, nhưng những động cơ của anh thì thật là bí hiểm, và sự có mặt của anh ta ngày càng trở nên đe dọa cùng với tiến trình của câu chuyện. Với những người da trắng của cuốn tiểu thuyết, những người da đen nhất thiết [phải] là một mối đe dọa: một đe dọa được biện minh bởi lịch sử. Bởi, theo như tính cách của lịch sử, da đen luôn luôn bị da trắng hành hạ, áp bức, và từ đó, suy ra một điều, một giả dụ rằng, đã đến lúc gió đổi chiều, người da đen sẽ áp bức, hành hạ người da trắng. Mạng đổi mạng, và nếu như thế, thế giới trở thành mù!



Và nếu như vậy thì, đây chính là cái viễn ảnh mang tính mặc khải được ca ngợi của cuốn tiểu thuyết: viễn ảnh về một xã hội của những không thể hiểu, không thể cảm thông, xung đột lẫn nhau, và được dẫn dắt bởi những tuyệt đối (absolutes) của lịch sử. Hiển nhiên là điều này khá hài hòa - hài hòa trong tính đặc quyền của sự không hài hòa của nó, khiến cho sự mù lòa trên kia trở thành một tia sáng ẩn dụ. (Certainly it"s coherent enough - coherent in its privileging of incoherence, striving to make of its blindness a sort of metaphorical insight).



Khi mà những nhân vật do nhà văn tạo ra không có được sự hiểu biết, nhà văn phải có trách nhiệm cung cấp cho người đọc cái tia sáng (insight) mà những nhân vật của ông ta không có đó. Nếu nhà văn không làm như vậy, tác phẩm của ông ta sẽ không thể nào chiếu rọi lên bóng tối mà chỉ trở thành một phần của cái bóng tối mà nó miêu tả. Điều này, than ôi, chính là cái yếu kém của Ô nhục. Rốt cuộc, nó không ban cho người đọc đầy đủ thứ ánh sáng mới mẻ làm sáng ra tin tức [như ở phần đầu bài viết đã nói tới]. Nhưng tin tức thì lại cho ta thêm được chút hiểu biết về cuốn sách.


Rushdie, Salman
Jennifer Tran chuyển ngữ


*******

Cuốn Ô nhục của Coetzee tình cờ đã được dịch giả Thanh Vân chuyển ngữ sang tiếng Việt -hiện đã có mặt trong thị trường sách nội địa- với tựa đề Ruồng Bỏ ngay cả trước khi tác phẩm được chấm giải Nobel.

Xem thêm chi tiết trong bài phỏng vấn của báo VnExpress với dịch giả TV tại đây:
http://vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/2003/12/3B9CE10B/
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Dưới đây là bài diễn từ của John Maxwell (J.M.) Coetzee tại buổi Lễ trao giải thưởng Nobel 2003 tổ chức cho ông long trọng tại Stockholm, Thụy Điển.


Ông chủ và gã hầu (1)
Coetzee, J.M.​
Nhưng hãy trở lại với gã đồng hành mới của tôi. Tôi thích gã biết bao, và đã dày công dạy gã tất cả những điều cần thiết để gã trở thành một người hữu dụng và khéo léo, nhất là để gã có thể nói chuyện với tôi và hiểu tôi. Gã là tên học trò sáng dạ nhất trên đời.

Daniel Defoe, Robinson Crusoe


Boston là một thị trấn đẹp bên bờ biển Lincolnshire, gã hầu của chàng viết. Ở đây có tháp chuông nhà thờ cao nhất nước Anh, dân hoa tiêu thường lấy đó làm mốc dẫn đường cho tàu thuyền. Quanh thị trấn là một vùng đầm lầy, vạc nhiều vô kể. Đó là một loài hung điểu, chúng thường cất tiếng kêu nặng nề, trầm thống, vang rền như tiếng vọng một khẩu súng, đến nỗi cách xa hai dặm còn nghe thấy.


Vùng đầm lầy này còn là nơi cư ngụ của nhiều loài chim khác, gã hầu của chàng viết, nào là vịt trời, mòng két, vịt trời Bắc Cực. Và để bắt lũ chim này, những người dân vùng đầm lầy (thường gọi là Fen-men) nuôi và thuần hóa những con vịt mà họ gọi là vịt mồi.


Fens là những dải đầm lầy dài. Những dải đầm lầy như vậy có ở khắp mọi nơi, châu Âu và thế giới, nhưng ở những nơi khác chúng không được gọi là Fens. Fen là một từ tiếng Anh, một từ không di cư.


Những con vịt mồi vùng Lincolnshire đó được nuôi trong những ao riêng, gã hầu của chàng viết. Người ta thuần hóa chúng bằng cách tự tay cho chúng ăn. Rồi khi mùa tới chúng được gửi ra nước ngoài, đến Hà Lan và Đức. Ở đó chúng gặp những con chim khác cùng loài, và khi chứng kiến cảnh lũ chim Hà Lan và Đức kia sống khốn khổ thế nào bởi những dòng sông xứ đó đóng băng vào mùa đông còn đồng ruộng thì bị tuyết phủ dày, chúng bèn mách bảo đám đồng loại đáng thương kia - bằng một thứ ngôn ngữ mà bọn kia có thể hiểu - rằng ở nước Anh quê chúng, mọi sự đều khác: vịt nước Anh sống ở những bờ biển ê hề thức ăn, thủy triều thoải mái ùa vào vào các dòng sông; có hồ, có suối, có cả ao lộ thiên lẫn ao có mái che; lại có những thửa ruộng đầy ắp lúa mì mà những người mót lúa để lại; và không hề có băng tuyết, có chăng thì chỉ rất ít.


Bằng cách mời chào ấy - được diễn đạt bằng ngôn ngữ của loài vịt - những con vịt mồi đã dụ dỗ được cơ man nào là bọn chim này và bắt cóc chúng, nếu có thể nói vậy, gã hầu của chàng viết. Chúng đưa lũ chim từ Hà Lan và Đức băng qua biển, về Anh, về những cái ao ở vùng đầm lầy Lincolnshire. Dọc đường chúng vẫn không thôi quàng quạc và cạp cạp với bọn kia bằng ngôn ngữ của loài vịt rằng đấy chính là những cái ao mà chúng đã kể, rằng ở đây từ rày về sau, bọn kia sẽ được sống yên bình.


Và trong khi chúng đang bận rộn với lũ chim mới đến thì những người dân đầm lầy, chủ của những con vịt mồi kia, liền rón rén lại gần những chỗ nấp dựng bằng sậy trên đầm lầy rồi bí mật vãi từng vốc lúa mì lên mặt nước; lũ vịt mồi liền sà xuống những hạt lúa nọ, kéo theo sau cả bầy khách phương xa. Cứ thế suốt hai ba ngày liền, chúng vừa không thôi mời gọi rằng ở nước Anh người ta sống thoải mái đến nhường nào, vừa dẫn đám khách vào những lối đi ngày mỗi hẹp, mỗi lúc một gần tới chỗ người ta đã giăng lưới sẵn.


Thế rồi chủ những con vịt mồi liền thả chó ra, bọn chó này đã được huấn luyện tuyệt hảo để bơi đuổi theo lũ chim, vừa bơi vừa sủa. Hoảng hốt đến cùng cực bởi cái sinh vật khủng khiếp này, lũ chim chực bay lên, nhưng lưới giăng kín ở bên trên buộc chúng phải sà xuống nước, thế là chúng buộc phải bơi dưới tấm lưới nếu không muốn bỏ mạng. Nhưng lưới càng lúc càng thít chặt như một cái túi, và bọn chủ vịt mồi đã chực sẵn ở miệng túi để túm cổ lôi ra từng con một. Bọn vịt mồi được vuốt ve khen ngợi. Còn những vị khách của chúng thì bị người ta đập chết ngay tại chỗ, vặt lông đem bán hàng trăm con, thậm chí hàng ngàn con.


Tất cả những sự kiện này về Lincolnshire đã được gã hầu của chàng chép lại bằng nét chữ rõ, nhanh, với những ngòi bút mà gã vót mỗi ngày bằng chiếc dao nhỏ trước khi sang trang mới.


Ở Halifax - gã hầu của chàng viết - có một dụng cụ hành hình mà tới thời Vua James mới bị dẹp bỏ; nó vận hành như thế này: người ta kê đầu kẻ bị kết án lên chiếc đà ngang hay cái lỗ máy chém; sau đó đao phủ bật cái chốt giữ thanh dao nặng. Thanh dao trượt xuống dọc theo một cái khung cao bằng cánh cửa nhà thờ và cứa đứt đầu kẻ kia, gọn như dao của anh hàng thịt.


Nhưng ở Halifax người ta đồn rằng nếu từ lúc cái chốt bật ra cho đến lúc thanh dao rơi xuống mà kẻ bị kết án có thể bật dậy chạy xuống đồi, bơi qua sông mà đao phủ không bắt lại kịp, gã sẽ được tha mạng. Nhưng suốt ngần ấy năm cỗ máy đứng lù lù ở Halifax, điều đó chưa bao giờ xảy ra.


Chàng (lúc này không phải gã hầu của chàng mà chính chàng) đang ngồi trong căn phòng của mình bên cảng Bristol và đọc những điều trên. Chàng đã già đi, hầu như có thể nói giờ đây chàng đã là một ông già. Da mặt chàng, vốn gần như đen sạm vì mặt trời nhiệt đới trước khi chàng làm một chiếc ô bằng lá cọ hay lá palmetto để che nắng, nay đã nhợt nhạt hơn nhưng vẫn còn rám nâu như giấy da thuộc; trên mũi chàng có một vết bỏng vì nắng chẳng bao giờ lành.


Chiếc ô vẫn còn đó trong phòng chàng, dựng ở một góc, nhưng con vẹt đã về đây cùng chàng thì không còn nữa. Robin tội nghiệp! Nó thường đậu trên vai chàng và kêu toáng lên, Robinson Crusoe tội nghiệp! Ai sẽ cứu chàng Robin tội nghiệp? Vợ chàng chịu không thấu lời than van của con vẹt từ sáng đến tối: Robin tội nghiệp. Em sẽ vặn cổ nó, nàng nói, nhưng nàng không đủ can đảm để làm vậy.


Khi trở về Anh quốc từ hòn đảo của chàng cùng con vẹt, chiếc ô và cái hòm đầy châu báu, có một dạo chàng sống cuộc đời bình lặng với người vợ cũ ở cơ ngơi chàng mua tại Huntington bởi chàng đã thành người giàu có, lại càng giàu hơn sau khi cho in cuốn sách kể lại những cuộc phiêu lưu của chàng. Song những năm tháng sống trên đảo, sau đó là những năm chu du cùng với gã hầu của chàng là Thứ Sáu (Thứ Sáu tội nghiệp, chàng tự than vãn, quạc quạc, vì con vẹt chẳng bao giờ muốn kêu tên Thứ Sáu, nó chỉ kêu tên của chàng) đã khiến chàng cảm thấy cuộc sống của một địa chủ thật buồn tẻ. Và, nói thật, cuộc sống vợ chồng cũng khiến chàng thất vọng đau đớn. Chàng ngày một năng lui tới chỗ tàu ngựa, đến chỗ những con ngựa của chàng mà, may thay, không biết nói huyên thuyên mà chỉ hí lên dịu dàng khi chàng đến để tỏ ra chúng biết chàng là ai, sau đó lại im lặng.


Ở đảo, hồi Thứ Sáu chưa đến, chàng đã quen sống một cuộc sống lặng lẽ, giờ đây chàng cảm thấy thế giới này quá nhiều lời. Nằm trên giường bên vợ, chàng cảm thấy như có một trận mưa sỏi trút lên đầu, rào rào lạo xạo không dứt trong khi chàng chỉ muốn một điều duy nhất là được ngủ.


Thế nên khi vợ chàng trút linh hồn, chàng để tang nhưng không buồn khổ. Chàng chôn cất nàng, đợi một thời gian cho phải phép rồi thuê căn phòng này ở khu The Jolly Tar (Thủy Thủ Vui Nhộn) bên cảng Bristol, chỉ mang theo chiếc ô lấy từ hòn đảo đã khiến chàng nổi tiếng cùng con vẹt chết bám trên song và vài vật dụng cần thiết; quyền cai quản cơ ngơi ở Huntington, chàng để lại cho con trai. Và từ đó chàng sống một mình ở đây, ngày lại ngày thơ thẩn trên các kè sông và bến nổi, miệng ngậm tẩu đăm đắm nhìn ra biển về phía tây bởi mắt chàng còn tốt lắm. Bữa ăn chàng sai mang lên tận phòng bởi chàng chẳng còn hứng thú gì việc giao du với thiên hạ, chàng đã quen với sự cô đơn trên đảo rồi.


Chàng không đọc gì, chàng không còn thú đọc nữa; nhưng bằng việc ghi chép lại những chuyến phiêu lưu, thói quen viết đã hình thành ở chàng; đó cũng là một thú giải trí vui vui. Buổi chiều trong ánh nến chàng lấy giấy ra, vót ngòi bút rồi viết một hai trang về gã hầu của chàng, kẻ vẫn gửi những bản tường thuật cho chàng về chuyện những con chim mồi vùng Lincolnshire và về cỗ máy hành hình ở Halifax mà người ta có thể thoát chết nếu trước khi lưỡi dao đáng sợ rơi xuống người ta có thể bật dậy chạy xuống đồi, và về nhiều thứ khác nữa. Đi tới đâu gã cũng gửi những bản tường thuật, ấy là việc hàng đầu của gã, anh bạn luôn bận rộn của chàng.


Trong khi tha thẩn dọc bức tường bến cảng mà nghĩ ngợi về cỗ máy ở Halifax, chàng - Robin, kẻ mà con vẹt thường gọi là Robin tội nghiệp - thả một hòn sỏi rồi lắng nghe. Một giây, không tới một giây, nó chạm mặt nước. Ân sủng của Chúa thì nhanh, nhưng cái lưỡi dao to gộc bằng thép tôi kia, nặng hơn một hòn sỏi và tra mỡ bò, chẳng lẽ nó không thể nhanh hơn sao? Có bao giờ ta tránh nó được? Và giống người nào có thể lăng xăng chạy suốt từ đầu nọ tới đầu kia vương quốc, từ cảnh chết này tới cảnh chết kia (đập đầu, cắt cổ) và gửi hết bản tường thuật này tới bản tường thuật nọ?


Một người của công việc, chàng thầm nghĩ. Cứ để gã là người của công việc, là nhà buôn hạt giống hay da thuộc chẳng hạn; hoặc là nhà sản xuất và cung cấp ngói lợp ở bất cứ nơi nào có nhiều đất sét, như ở Wapping chẳng hạn, và phải đi lại nhiều để lo việc làm ăn. Cứ cho gã giàu có, cho gã một cô vợ yêu thương gã, không lắm mồm và đẻ con cho gã, chủ yếu là con gái; cho gã hạnh phúc vừa phải; thế rồi hãy khiến cho hạnh phúc của gã đột ngột chấm dứt. Một mùa đông nọ dòng Thames dâng cao, lò nung gạch, cửa hàng hạt giống hay xưởng thuộc da đều bị lũ cuốn trôi; gã hầu của chàng bị khánh kiệt, những chủ nợ bâu vào gã như ruồi như quạ, gã phải bỏ nhà, bỏ vợ con, phải cải trang và mai danh ẩn tích, nương náu ở khu ổ chuột tồi tàn nhất của Beggars Lane. Và tất cả điều đó - sóng nước, sạt nghiệp, trốn chui trốn nhủi, không xu dính túi, áo quần tổ đỉa và nỗi cô đơn - hãy để cho tất cả trở thành hồi ảnh về vụ đắm tàu và hòn đảo nơi mà chàng - Robin tội nghiệp - đã bị tách lìa khỏi cuộc đời suốt hai mươi sáu năm cho đến khi chàng hầu như hóa điên (mà thật ra, ai dám nói chàng đã không điên, ở mức độ nào đó?).


Hoặc hãy cho gã là người thợ làm yên ngựa có nhà, có cửa hàng và xưởng thợ ở Whitechapel, có một nốt ruồi trên cằm và một cô vợ yêu gã, không lắm mồm và đẻ con cho gã, chủ yếu là con gái và mang lại cho gã nhiều hạnh phúc, cho tới khi bệnh dịch ập xuống thành phố, đó là năm 1665 khi mà trận hỏa hoạn lớn ở London chưa xảy ra. Bệnh dịch ập xuống London: mỗi ngày, từ giáo xứ này qua giáo xứ nọ, số người chết tăng dần, cả người giàu lẫn kẻ nghèo, bởi bệnh dịch không phân biệt tình cảnh của người này với người kia, toàn bộ mớ của cải của tay thợ làm yên ngựa này cũng không thể cứu được gã. Gã gửi vợ con về quê rồi âm thầm lập kế hoạch chạy trốn cho chính mình, nhưng rồi gã lại chẳng làm gì. Gã mở hú họa Kinh thánh ra và đọc: Mi sẽ không sợ nỗi khủng khiếp của bóng đêm; không sợ tên bay vào ban ngày, không sợ bệnh dịch lảng vảng trong bóng tối, không sợ tai ương hoành hành lúc giữa trưa. Ngàn lần sẽ rơi bên cạnh mi, vạn lần sẽ rơi bên phải mi, nhưng sẽ không rơi trúng mi.


Nhờ tín hiệu chỉ dẫn rõ ràng này, gã vững lòng ở lại thành London bệnh dịch và bắt tay viết những bản tường thuật. Tôi gặp một đám người ngoài đường, gã viết, và chính giữa đám đông đó, một người đàn bà đột nhiên chỉ tay lên trời. Nhìn kìa, bà ta kêu lên, một thiên thần áo trắng đang múa thanh kiếm lửa! Và đám người nhìn nhau đồng tình, Ừ, đúng vậy, họ nói: một thiên thần cầm kiếm! Nhưng tay thợ làm yên ngựa không nhìn thấy thiên thần, cũng không thấy kiếm. Gã chỉ nhìn thấy một đám mây có hình thù kỳ lạ, một phía bị mặt trời chiếu sáng hơn phía kia.


Đó là một hóa thân! Người đàn bà gào lên khắp nơi; nhưng dù cố lắm gã cũng chẳng nhìn thấy hóa thân nào. Gã viết vậy trong bản tường thuật.


Một ngày khác, gã hầu của chàng, vốn là thợ làm yên ngựa nhưng đang chẳng có việc gì làm, đi dạo dọc bờ sông ở Wapping và thấy một thiếu phụ đứng trước cửa nhà gọi một người đàn ông đang chèo một chiếc thuyền đánh cá nhỏ: Robert! Robert!, thiếu phụ gọi. Gã nhìn thấy người đàn ông chèo thuyền vào bờ, lấy ra khỏi thuyền một bao tải, đặt lên một tảng đá bên bờ sông rồi lại chèo thuyền đi. Thiếu phụ đi xuống sông, nhận chiếc bao tải vác lên nhà, vẻ sầu khổ hằn sâu trên mặt.


Gã hầu của chàng liền làm quen và bắt chuyện với người đàn ông. Robert kể rằng ông ta là chồng của thiếu phụ và chiếc bao tải là lương thực cả tuần cho vợ con, cả thịt, bánh mì và bơ; nhưng ông không dám lại gần họ bởi vì tất cả bọn họ đều bị dịch hạch; điều đó làm ông đau đớn. Và tất cả - hình ảnh người chồng Robert và người vợ giữ liên hệ với nhau bằng những tiếng gọi qua sóng nước, và chiếc bao tải để lại trên bờ - tự nó đã nói lên tất cả, nhưng đồng thời nó cũng là hồi ảnh về nỗi cô đơn của chính chàng, Robinson trên đảo hoang, trong những giờ tuyệt vọng đen tối nhất đã cất tiếng gọi qua sóng nước gửi tới những người thân yêu ở nước Anh với hy vọng họ sẽ cứu chàng, cũng như những lần khác chàng đã bơi ra chiếc tàu chìm để kiếm thức ăn.


(Còn tiếp)​
 
Ông chủ và gã hầu (2)

Coetzee, J.M.


Một bản tường thuật khác về thời kỳ khốn khổ này. Một người đàn ông không chịu nổi những cơn đau hành hạ ở vùng bẹn và dưới thắt lưng, những biểu hiện của bệnh dịch hạch, đã gần như phát rồ, ở truồng tô hô lao ra đường về hướng Harrow Alley ở Whitechapel, nơi mà người thợ làm yên ngựa - gã hầu của chàng - chứng kiến cảnh ông ta dậm chân, nhảy cào cào và làm hàng nghìn động tác kỳ quặc khác, trong khi vợ con ông ta chạy theo gọi ông về nhà. Kiểu dậm chân và nhảy cào cào này là hồi ảnh về chính sự dậm chân và nhảy cào cào của chàng sau thảm họa đắm tàu, khi chàng đã hết hơi tìm dấu vết đồng đội trên bãi cát mà chẳng thấy gì ngoài hai chiếc giày lệch đôi và hiểu rằng chỉ mỗi mình chàng dạt vào một hòn đảo hoang vu, rằng chàng sẽ chết và chẳng mong gì được cứu.


(Nhưng chàng còn hát thầm điều chi nữa, chàng ngạc nhiên tự hỏi, chàng trai khốn khổ này, ngoài sự chàng bị bỏ rơi? Chàng gọi gì qua những đại dương, những tháng năm, từ ngọn lửa riêng của chàng?)


Cách đó một năm, chàng - Robinson - đã trả 2 đồng guinea cho một người đi biển để mua một con vẹt mà theo lời ông ta kể lại thì ông ta đã mang nó về từ Brazil. Con vẹt này tuy không lộng lẫy như con vẹt yêu quý (trước đây – ND) của chàng nhưng vẫn tuyệt đẹp với bộ cánh xanh, chiếc mỏ đỏ, và nếu tin lời người đi biển thì nó rất háu nói. Và quả thực, khi về nhà vẹt ta luôn đậu trên chiếc song dành cho nó trong phòng khách, với một sợi dây xích buộc ở chân đề phòng nó bay mất, và kêu lên: Poll tội nghiệp! Poll tội nghiệp!, cứ như vậy lặp đi lặp lại tới lúc chàng phải nhốt nó vào lồng. Có điều, không thể bày cho nói một từ nào khác, như Robin tội nghiệp! chẳng hạn, hẳn vì nó đã quá già rồi.


Chàng Poll tội nghiệp phóng mắt qua khung cửa hẹp tới những đợt sóng biển, và qua những đợt sóng biển tới những vồng xám nổi lên trên Thái Bình Dương: Đó là hòn đảo gì vậy, mà lạnh lẽo, mà u buồn, nơi mà ta đã dạt đến? Chàng Poll tội nghiệp tự hỏi. Trong giờ ta lâm nạn, người đã ở đâu, hỡi vị cứu tinh của ta?


Một người đàn ông ngủ trước thềm cửa một nhà dân ở Cripplegate (lại một bản tường thuật nữa từ gã hầu của chàng) bởi ông ta đã say xỉn và đêm đã khuya. Những chiếc xe chở xác lê bánh (chúng ta vẫn đang ở vào năm dịch hạch) và những người hàng xóm đặt người đàn ông lên xe cạnh những xác chết; họ nghĩ rằng ông đã tắt thở. Rồi chiếc xe lăn tới nghĩa địa ở Mountmill, và người đánh xe, mặt che kín mít để tránh lây bệnh, xốc người đàn ông định ném vào hố chôn. Thế là ông ta tỉnh dậy và chống cự trong cơn hoảng loạn. Tôi đang ở đâu? - Người đàn ông hỏi. Ngươi bị chôn tới nơi rồi, cùng với lũ người chết - Người đánh xe nói. Tức là tôi đã chết rồi ư? - Người đàn ông hỏi. Và đó cũng lại là một hồi ảnh về tình cảnh của chàng lúc ở trên hoang đảo.


Một vài người dân thành London vẫn tiếp tục công việc của họ; họ cho rằng mình khỏe mạnh và sẽ qua khỏi cơn dịch. Nhưng họ đều bị nhiễm dịch hạch trong máu: nếu bệnh nhập vào tim, họ sẽ chết ngay lập tức như bị sét đánh vậy, gã hầu của chàng viết. Và đó là một ẩn dụ về tự thể đời sống, toàn thể đời sống. Một sự chuẩn bị cần thiết. Chúng ta cần chuẩn bị cho cái chết một cách thích đáng, nếu không chúng ta sẽ bị quật ngã tại chính nơi chúng ta đang đứng. Cũng như chàng, Robinson, phải nhận ra điều đó khi một ngày kia chàng đột nhiên phát hiện ra một dấu chân người trên hòn đảo của chàng. Đó là một dấu vết, và vì thế, một tín hiệu, về một bàn chân, về một con người. Nhưng đó còn là một tín hiệu cho nhiều thứ khác nữa. Tín hiệu ấy nói cho mi biết rằng mi không cô độc; và còn nữa: Dù mi có dong buồm đến đâu, dù mi có ẩn náu ở chốn nào, người ta cũng sẽ lần ra mi.


Gã hầu của chàng viết: trong năm dịch hạch nhiều người vì kinh hoảng đã bỏ lại tất cả, nhà cửa, vợ con để chạy càng xa thành London càng tốt. Khi nạn dịch qua đi, họ đều bị mọi người nguyền rủa vì sự trốn chạy hèn nhát. Nhưng, gã hầu của chàng viết, chúng ta đã quên rằng cần phải dũng cảm như thế nào để chống lại dịch hạch. Đó không đơn giản là lòng dũng cảm của người lính siết chặt vũ khí trên tay mà tấn công kẻ thù: đó còn như thể tấn công chính Thần chết trên lưng con ngựa tái nhợt của hắn.


Ngay cả lúc phong độ nhất, con vẹt yêu quý của hai người cũng không nói một lời nào không phải do chủ của nó dạy. Thế thì bằng cách nào mà kẻ này, gã hầu của chàng - vốn cũng là một thứ vẹt và không được yêu quý lắm - lại có thể viết hay như, hoặc thậm chí hay hơn ông chủ của y? Bởi kẻ này, gã hầu của chàng, dùng bút rất khéo, điều đó không thể phủ nhận. Như thể tấn công chính Thần chết trên lưng con ngựa tái nhợt của hắn. Ngược lại, chàng chỉ khéo léo trong việc tính toán và làm sổ sách như đã học ở môn kế toán chứ không phải trong việc chữ nghĩa. Chính Thần chết trên lưng con ngựa tái nhợt của hắn – chàng không thể nghĩ ra những từ như vậy. Chỉ khi chàng phó mặc hoàn toàn cho gã hầu của chàng thì mới xuất hiện những từ như vậy.


Và những con vịt mồi: chàng, Robinson, đã biết gì về những con vịt mồi? Không biết gì hết, cho tới khi gã hầu của chàng gửi cho chàng những bản tường thuật. Những con vịt mồi ở vùng đầm lầy Lincolnshire, cỗ máy hành hình lớn ở Halifax: Những lời kể về chuyến chu du vòng quanh đảo Anh mà gã hầu của chàng hình như đã thực hiện, một hồi ảnh về chuyến du lịch của chàng quanh hòn đảo của mình trên chiếc thuyền tự đóng, chuyến du lịch chỉ ra rằng có một phía khác xa hơn của hòn đảo, rậm rạp, tối tăm, khô cằn, phía mà về sau chàng không bao giờ trở lại mặc dù những nhà thuộc địa tương lai, nếu đến được hòn đảo ấy, hẳn họ sẽ khai phá và cư ngụ trên đó; và đấy cũng là một ẩn dụ về phía tối của linh hồn và của ánh sáng.


Và khi đám đạo văn và bọn bắt chước nhảy xổ vào câu chuyện trên đảo của chàng và cung cấp cho đại chúng câu chuyện bịa đặt về cuộc đời của một kẻ bị bỏ rơi trên đảo, chàng thấy bọn chúng không hơn gì một lũ ăn thịt người, bọn xô vào ăn thịt chàng, tức là cuộc đời chàng; và chàng cũng chẳng thèm nghĩ tới việc nói ra điều này nữa. Khi tôi chống lại bọn ăn thịt người, cái lũ muốn đánh đập, nướng thịt và nuốt sống tôi, chàng viết, tôi đã nghĩ rằng mình đang chống lại chính sự việc đó. Tôi không hề biết rằng, chàng viết, bọn ăn thịt người này chỉ là một hình ảnh tượng trưng cho một thứ lòng tham còn ma quỷ hơn, thứ gặm mòn chính bản chất của sự thật.


Nhưng, nghĩ ngợi thêm chút nữa, thì một nỗi đồng cảm với lũ bắt chước đó từ từ dâng lên trong lòng chàng. Bởi với chàng bây giờ dường như chỉ có vài ba câu chuyện trên thế giới; và nếu như lớp trẻ bị cấm cướp bóc của người xưa, họ sẽ phải im lặng mãi mãi.


Chàng đã kể về cuộc thám hiểu hoang đảo của mình như vậy, rằng một đêm chàng đã thức dậy trong nỗi kinh hoàng và tin chắc rằng quỷ sứ trong bộ dạng một con chó lớn đang đè lên người chàng ở trên giường. Thế là chàng vùng dậy, cầm con dao mổ vịt, chém sang trái huơ sang phải để tự vệ trong khi con vẹt tội nghiệp ngủ bên cạnh chàng kêu lên khiếp sợ. Phải nhiều ngày sau đó chàng mới nhận ra rằng không phải chó cũng chẳng phải quỷ sứ đã đè lên chàng, ấy chỉ vì chàng đã chìm vào một cơn bóng đè và bởi không thể cựa quậy chân, chàng đã cho rằng một sinh vật nào đó đang ngủ đè lên chân chàng. Và bài học rút ra từ trường hợp này là: dường như mọi khổ đau, kể cả chứng liệt rung, đều đến từ quỷ sứ, là tự thân quỷ sứ; rằng mối tai họa gây ra bởi dịch bệnh có thể xem là hình ảnh tượng trưng cho mối tai họa gây ra bởi quỷ sứ, hoặc gây ra bởi một con chó trong hình ảnh tượng trưng cho quỷ sứ và ngược lại, tai họa được tượng trưng bằng một căn bệnh như trong câu chuyện dịch hạch của người thợ làm yên ngựa; và rằng bởi vậy không kẻ nào viết chuyện về một trong hai - về quỷ sứ hoặc về dịch hạch - lại có thể bị kết án một cách bộp chộp là kẻ giả mạo hay thằng ăn cắp.




Khi nhiều năm trước đây chàng quyết định viết lại câu chuyện trên đảo của mình, chàng nhận ra rằng câu chữ không đến với chàng và quản bút không tuân theo chàng, ngay những ngón tay chàng cũng cứng đờ và rời rã. Nhưng ngày qua ngày, cứ từng bước, từng bước, chàng làm chủ được việc viết lách, cho tới khi chàng cùng Thứ Sáu thám hiểm lên phương Bắc băng giá thì những trang văn của chàng cũng thoát ra nhẹ nhàng từ quản bút, hầu như không cần suy nghĩ.


Khả năng viết dễ dàng này, tiếc thay, đã bỏ rơi chàng. Mỗi khi ngồi vào chiếc bàn viết nhỏ kê trước cửa sổ nhìn ra cảng Bristol, bàn tay chàng có vẻ thật vụng về và quản bút lạ lẫm với chàng hơn bao giờ hết.


Liệu gã, cái kẻ khác kia, gã hầu của chàng, có thấy việc viết lách dễ dàng hơn không? Những câu chuyện về vịt trời, cỗ máy hành hình và thành London trong thời gian dịch hạch được viết thật trôi chảy; nhưng đó cũng từng là những câu chuyện của chính chàng. Có thể chàng đã đánh giá sai người đó, người đàn ông nhỏ thó linh hoạt với bước đi nhanh nhẹn có nốt ruồi trên cằm. Có thể lúc này, cũng như chàng, trong một căn phòng thuê đâu đó trên vương quốc rộng lớn này, gã đang ngồi một mình, nhúng rồi lại nhúng ngòi bút, đầy nghi hoặc, do dự và suy đi tính lại.


Phải phác họa chân dung họ thế nào, người đàn ông này và chàng? Ông chủ và nô lệ ư? Anh em, anh em sinh đôi ư? Chiến hữu ư? Hay kẻ thù? Chàng phải tìm cho kẻ đồng hành vô danh này cái tên nào, kẻ từng ở bên chàng qua các buổi tối hay thậm chí thâu đêm, kẻ chỉ vắng mặt vào ban ngày khi chàng, Robin, đi dọc các bến thuyền để tuần tra xem có thuyền nào mới cập bến không, còn gã hầu của chàng rong ruổi khắp vương quốc và cũng tiến hành những cuộc du khảo của y?


Liệu trong cuộc du hành của mình người đàn ông này có tới Bristol không? Chàng khao khát được gặp mặt người đó, bắt tay người đó, đi dọc bến tàu với gã và lắng nghe gã kể về cuộc viếng thăm phía bắc tối tăm của hòn đảo hoặc những cuộc phiêu lưu của gã trong việc viết lách. Nhưng chàng sợ rằng sẽ không có cuộc gặp nào, không phải trong cuộc đời này. Nếu phải lựa chọn một hình ảnh cho hai người, gã hầu của chàng và chàng, chàng sẽ viết rằng họ như hai con tàu dong buồm về hai hướng khác nhau, một về hướng tây và một về hướng đông. Hoặc đúng hơn, chàng và gã như những thủy thủ làm nhiệm vụ kéo dây buồm, một kẻ trên con tàu chạy hướng tây, một kẻ trên con tàu chạy hướng đông. Tàu của họ chạy ngang qua nhau, cách nhau một tiếng gọi. Nhưng mặt biển thì dữ dội, thời tiết giông tố; nước bắn vào mắt họ, tay họ nóng rẫy vì dây chão, và thế là họ đi qua nhau nhưng đều bận rộn đến nỗi thậm chí không thể vẫy tay nhau.



Đinh Bá Anh và Trần Tiễn Cao Đăng
dịch từ bản tiếng Anh



*****


Xem Diễn từ Nobel của Coetzee phiên bản Anh văn dưới dạng Văn bản và Video (35mins) tại đây: http://nobelprize.org/literature/laureates/2003/coetzee-lecture.html
 
Cảm giác của bản thân cho tôi tưởng rằng bài diễn từ Nobel của Coetzee, thực ra, còn là một kiệt tác hùng vĩ cuối cùng và nhất so với tất cả những áng văn chương mà ông đã khơi ngòi lên từ lòng bút của mình, thậm chí cả Disgrace.

Đọc Ông chủ và gã hầu của Coetzee tôi nhìn thấy lõa lồ mà e lệ trước đôi mắt mình một thiếu nữ Châu Âu nuột nà - không biết cố tình hay vô tình đã dải ướm bên trên hờ kín hờ mở những đường cong căng tràn sức sống của da thịt như ngọc như ngà của thân hình nàng những dải khăn voan mịn nhũn và nhiều màu sắc mà đong đưa, ve vãn khách vãng lai qua đường với những ánh liếc tình tứ đặc trưng- của phụ nữ Âu Châu, rực lửa- của Phi Châu, mời gọi- của Úc Châu lại tinh nghịch- Châu Mỹ, và kiêu kỳ- Châu Á.

'Mặc mặc hẳn, tụt tụt hẳn!' có người thì chê bai. 'Em là ai. Cô gái hay nàng tiên!' lại có kẻ tán dương. Nhưng có lẽ phản ứng dữ dội hơn cả là những nhân tuýp thủ cựu, họ nhịu lông mày, giề môi phán nàng là 'Thứ con gái mất nết rục đi.'


Cho dù nàng có là ai đi chăng nữa, thiên thần, quỉ dữ, rác rưởi? Thì một sự thật vẫn điềm nhiên, trễm trệ tồn tại đóng rễ vào lòng những kẻ bộ hành không may chẳng đựng được tính tham mà công khai, hay lén trộm, nhìn ngắm nàng là: vẻ đẹp như cướp mất hồn người khác của người thiếu nữ ấy - cái vẻ đẹp khơi tụ tưởng chừng như từ 5 châu 4 biển ấy! Một vẻ đẹp chưa từng hiện hữu trên cõi nhân gian bằng xương bằng thịt này, một vẻ đẹp của những vẻ đẹp...
 
Đề cử giải Orange 2006

Hà Linh

Một số tên tuổi quen thuộc của nền văn học Anh như Zadie Smith, Ali Smith và Sarah Waters sẽ có mặt trong cuộc chạy đua giành giải thưởng Orange 2006 cho thể loại tiểu thuyết.

Ngoài ra còn có một số cây bút kỳ cựu khác như Helen Dunmore - tác giả đoạt giải Orange đầu tiên năm 1996, tiểu thuyết gia Joyce Carol Oates và Marilynne Robinson.

Orange là giải thưởng văn học dành riêng cho các nhà văn nữ được thành lập từ cách đây 10 năm.

Danh sách chung khảo sẽ được công bố vào 26/4 và lễ trao giải thưởng dự kiến diễn ra vào ngày 6/6.

Orange năm nay được coi là một giải thưởng có tính cạnh tranh lớn bởi các tác phẩm lọt vào vòng đề cử đều đã nổi đình nổi đám tại nhiều giải thưởng khác nhau. On Beauty của Zadie Smith và The Accidental của Ali Smith đều từng lọt vào đề cử giải Booker 2005. The Accidental chính là tác phẩm đoạt giải Whitbread dành cho cuốn tiểu thuyết xuất sắc 2005. Trong khi đó Gilead của Marilynne Robinson là tác phẩm chiếm lĩnh đỉnh cao giải thưởng Pulitzer 2005.

Năm ngoái, giải Orange thuộc về Lionel Shriver với We Need to Talk about Kevin.


Danh sách đề cử:

- Leila Aboulela - Minaret

- Lorraine Adams - Harbor

- Naomi Alderman - Disobedience

- Jill Dawson - Watch Me Disappear

- Helen Dunmore - House of Orphans

- Philippa Gregory - The Constant Princess

- Alice Greenaway - White Ghost Girls

- Gail Jones - Dreams of Speaking

- Nicole Krauss - The History of Love

- Hilary Mantel - Beyond Black

- Sue Miller - Lost in the Forest

- Joyce Carol Oates - Rape: A Love Story

- Marilynne Robinson - Gilead

- Curtis Sittenfeld - Prep

- Ali Smith - The Accidental

- Zadie Smith - On Beauty

- Carrie Tiffany - Everyman"s Rules for Scientific Living

- Celestine Hitiura Vaite - Frangipani

- Sarah Waters - The Night Watch

- Meg Wolitzer - The Position


***

Nguồn: BBC
 
Hà Linh
Những cây bút nữ trên văn đàn Anh


aza.jpg


Văn đàn Anh đang ở trong thời kỳ hoàng kim của các cây bút nữ. Khi đề cử giải thưởng Orange 2006 được công bố, các nhà phê bình nhận định: đây là cuộc đua căng thẳng nhất trong lịch sử 10 năm của giải thưởng văn học dành riêng cho giới nữ này. Trong số những ứng cử viên lọt vào "phòng chờ" năm nay, xuất hiện không ít những hạt giống mới, bổ sung vào đội ngũ các nhà văn nữ trên văn đàn.


Cách đây vài năm, giải thưởng Orange thường do các nhà văn Bắc Mỹ thống trị. Có quá ít các nhà văn Anh lọt vào đề cử để có thể lấn át cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhưng năm nay với sự xuất hiện của các nhà văn Anh từ A - Ali Smith đến Z - Zadie Smith, nước Anh tự tin đặt hy vọng vào các cây bút nữ.

Ngày nay, các nhà xuất bản đã ý thức được hai điều quan trọng. Thứ nhất, sách của các tác giả nữ có thể mang lại nguồn lợi nhuận lớn. Thứ hai, khán giả nữ là một đội ngũ khách hàng tiềm năng trên thị trường sách.

"Tôi cho rằng có hai tác giả luôn luôn có thể gây nên những biến động trên thị trường xuất bản là Zadie Smith và Monica Ali", Louise Doughty - nữ tác giả sắp ra mắt cuốn tiểu thuyết thứ năm của mình - cho biết. "Mọi người có thể đã quên nhưng tôi vẫn còn nhớ rất rõ, khi một nhà xuất bản đứng ra in ấn và lăng xê tên tuổi của Zadie Smith khi cô chỉ mới là một sinh viên, nhiều người đã nói: "Thật ngớ ngẩn, họ định kiếm tiền từ những tác phẩm của cô bé này chắc". Nhưng thực tế chứng minh, những nghi ngờ này đã hoàn toàn sai".

"Zadie Smith trở thành một tên tuổi lớn và Monica Ali cũng vậy. Các nhà văn nữ không viết chơi, họ là những "mỏ vàng" cho các nhà xuất bản".

"Các nhà xuất bản đã nhận thức được vị trí của nhà văn nữ mới nổi và có những kế hoạch hoàn hảo khai thác cây bút nữ này bởi Zadie Smith là một "thương hiệu" được đón đợi. Thật khó lòng mà trong giây lát, có thể nghĩ ngay đến một nam nhà văn trẻ đạt được những thành công tương tự".

"Công chúng ngày nay không dễ bị mắc lừa. Cuốn tiểu thuyết Swan của cô siêu mẫu Naomi Campbell là một sự thất bại hoàn toàn. Điều này chứng minh, xinh đẹp, hấp dẫn là một lợi thế nhưng những yếu tố này không quyết định đến việc sáng tạo ra những tác phẩm văn học xuất sắc", Doughty nói.

Nhân tố thứ hai là lượng độc giả nữ. Từ lâu, người ta đã đánh giá rằng, phụ nữ là lực lượng tiêu thụ sách lớn hơn nam giới rất nhiều.

"Các nhà xuất bản nhận thức rõ phụ nữ là khách hàng tiêu thụ chính trên thị trường sách văn học. Sức mua của phái nữ đối với loại sách này gấp đôi nam giới", Debbie Taylor, chủ bút tạp chí Mslexia dành cho các nhà văn nữ, cho biết.

Thực tế này đã góp phần thay đổi những thành kiến cố hữu đối với các nhà văn nữ. Trên các trang văn chương xưa nay, sách của các nam nhà văn vẫn thống trị các mục điểm sách, phê bình.

"Đàn ông nói chung không thích truyện của các nhà văn nữ và nếu có mua sách họ cũng tránh xa kệ sách của các nhà văn nữ, nhưng ngày nay cùng với sự xuất hiện của đội ngũ các nữ biên tập viên tại các nhà xuất bản, các tạp chí văn học... hiện trạng này đang ngày càng được thay đổi. Điều này không có nghĩa là phái nữ "thiên vị" cho nhau mà vì thành kiến và sự phân biệt, đối xử với phụ nữ cầm bút đã không còn như xưa nữa", Taylor nói.

Cũng có thể giải thích cho sự bùng nổ của các cây bút nữ trên thị trường sách và các giải thưởng văn học Anh từ khía cạnh thương mại. Hannah Griffiths, biên tập viên của Faber, nhận định: "Thật khó lòng lăng xê hoặc giới thiệu thành công một tác giả không phải là người Anh. Ví như nếu giới thiệu một nhà văn người Mỹ, họ chỉ có thể xuất hiện tại Anh trong tuần lễ đầu tiên phát hành sách, và như thế độc giả chưa hề biết gì về "mẹ đẻ" của cuốn tiểu thuyết mà họ sắp mua. Trong khi đó, các nhà xuất bản đã phải chuẩn bị cho tác giả làm quen với độc giả một năm trước khi cuốn sách chính thức ra đời. Đó là một nguyên nhân thực tế đã góp phần thay đổi bộ mặt văn đàn 10 năm qua".

"Một thập niên trước, thị trường sách Anh do các tác giả Bắc Mỹ như Barbara Kingsolver thống trị, nhưng bây giờ, sao đã "đổi ngôi". Và chúng ta phải biết ơn Zadie Smith vì đã mở rộng cánh cửa cho các nhà văn nữ tại Anh", Griffiths nói.

Nhân tố cuối cùng có thể kể đến là hiệu quả của các khóa học viết văn tại Đại học East Anglia (UEA). Dưới sự giảng dạy và quản lý của các nhà văn như Michele Roberts và Jill Dawson, đây là nơi ươm mầm của các tài năng trẻ. Những người mới tốt nghiệp gần đây có Diana Evans - giải thưởng Orange 2005 dành cho Tác giả trẻ với cuốn tiểu thuyết 26a và Susan Fletcher - để cử Tiểu thuyết đầu tay Whitbread 2005.

Evans tin rằng "mác UEA" là một lợi thế cho các nhà văn trẻ trong việc quảng bá mình đến con mắt xanh của biên tập viên các nhà xuất bản.

"Thực tế là khi bạn đã vượt qua một khóa học nghiêm túc và đầy tính cạnh tranh ở UEA thì tác phẩm của bạn cũng phải đạt đến một đẳng cấp nhất định. Tất nhiên không phải tất cả những học viên tốt nghiệp khóa học này đều có sách được xuất bản", Evans nói.

Tuy không đưa ra dự đoán liệu hạt giống nào trong vụ mùa này sẽ trở thành đối thủ tương xứng của các cây bút kỳ cựu khác phái đương thời như Salman Rushdie, Julian Barnes, Kazuo Ishiguro và Ian McEwan nhưng John Sutherland, chủ tịch Hội đồng giám khảo Man Booker 2005 cho rằng, đây là "sự nở rộ đáng kinh ngạc".

Hannah Griffiths nhận xét: "Bạn khó lòng mà tìm được những trang viết tinh tế như những tác phẩm của Maggie O"Farrell, Rachel Cusk hoặc Zadie. Họ là những nữ nhà văn hiếm có, sáng tạo nên những tác phẩm đắt giá".

Rodney Troubridge, một độc giả của văn học trẻ, cảm thấy thật sự hạnh phúc khi coi đây là thời kỳ phát triển hoàng kim của các nhà văn nữ và cô chọn Sarah Waters, tác giả của Fingersmith và The Night Watch là một trong những ngôi sao của thời kỳ văn học này.

"Trước đây, thi thoảng lắm mới xuất hiện những tên tuổi lớn như Iris Murdoch, Margaret Drabble và AS Byatt nhưng đến nay thì các cây bút nữ tiềm năng mọc lên như nấm sau mưa, hứa hẹn sẽ trở thành những tên tuổi lớn trong tương lai", Rodney Troubridge nói.

Nhà văn Ali Smith tâm sự: "Trước đây, tôi không dám tin vào ý kiến cho rằng, sự thống trị của các nhà văn lớn trên văn đàn rồi sẽ có lúc bị thay thế". Nhưng cô cho rằng sự phát triển này có thể sẽ chỉ là nhất thời: "Thành quả của quá trình phát triển này là điều mà chúng ta phải thận trọng gìn giữ và trau dồi, nếu không ta sẽ đánh mất nó", cô nói.

***

Một số nữ nhà văn Anh có tên trong danh sách đề cử Orange 2006:


Leila Aboulela

Nữ nhà văn người Hồi giáo hiện sống tại Anh. Ngoài Minaret, Leila Aboulela còn có The Translator từng lọt vào đề cử giải Orange. Trong Minaret, nhân vật chính của Aboulela là một người phụ nữ tìm về nương náu trong cộng đồng Hồi giáo của mình sau bao năm làm kẻ xa lạ trên đất London.

Naomi Alderman

Naomi Alderman tốt nghiệp trường viết văn East Anglia. Disobedience là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Alderman. Tác phẩm kể về cuộc sống trong một cộng đồng người Do Thái Bắc London.

Jill Dawson

Một nhà văn có liên hệ mật thiết với UEA nhưng với tư cách là một giáo viên chứ không phải là một học viên. Watch me Disappear - cuốn tiểu thuyết lọt vào vòng đề cử của Dawson là tác phẩm kể về một nhà khoa học trong cuộc hành trình tìm hiểu nguyên nhân sự mất tích của người bạn từ thời phổ thông của mình.

Philippa Gregory

Philippa Gregory được đề cử với The Constant Princess. The Constant Princess là tác phẩm tái dựng lại hình ảnh của Catherine - người phụ nữ hai lần bị Henry VIII và sau đó là các nhà viết sử hắt hủi và lãng quên.

Ali Smith

Tuy được các nhà phê bình và hội đồng giám khảo các giải thưởng đánh giá cao nhưng tác phẩm của Ali Smith không gặt hái được những thành công về mặt thương mại cho đến khi The Accidental xuất hiện. Tác phẩm đoạt giải Whitbread, được đề cử cho giải Man Booker và bây giờ là Orange.

Zadie Smith

On Beauty là cuốn tiểu thuyết tiếp theo White Teeth và The Autograph Man của Zadie Smith. Sau tất cả những gì đã trình làng, Smith xứng đáng là một tên tuổi sáng giá trên văn đàn Anh hiện nay.

Helen Dunmore

Helen Dunmore là chủ nhân của giải Orange đầu tiên được tổ chức năm 1996. Cô là một cây bút đa tài, hoạt động trên nhiều lĩnh vực: tiểu thuyết gia, nhà thơ, nhà văn của thiếu nhi và là một chuyên gia về văn học Nga.

Hilary Mantel

Là một trong những tên tuổi nổi bật trên văn đàn nhưng Hilary Mantel không có duyên với các giải thưởng. Lần này cô được đề cử Orange với Beyond Black.

Sarah Waters

Sarah Waters được đông đảo độc giả Anh biết đến với những tác phẩm được chuyển thể thành kịch bản truyền hình. Tác phẩm của cô thường đề cập đến những vấn đề của cuộc sống thời đại Victoria.


***

Ảnh: Cây bút trẻ Zadie Smith


Nguồn: The Independent
 
Thu Hà
Công bố danh sách đề cử giải Man Booker 2005


a118b.jpg


Julian Barnes và Ian McEwan được đánh giá là hai ứng cử viên nặng ký trong danh sách đề cử cho Man Booker - một trong những giải thưởng văn học uy tín nhất hiện nay.

"Đối thủ" của Julian Barnes và Ian McEwan là những tên tuổi lừng lẫy trên văn đàn như Salman Rushdie, Zadie Smith và J.M. Coetzee.

John Sutherland, thành viên Hội đồng giám khảo, nhận định: "Man Booker 2005 là giải thưởng có chất lượng nhất, là cuộc đua quyết liệt nhất giữa các nhà văn tên tuổi trong suốt hơn 36 năm nay" (Man Booker được thành lập năm 1969).

Barnes được đề cử cho một cuốn tiểu thuyết viết về thế kỷ 19 "Arthur & George", trong khi "Saturday" làm nên tên tuổi của McEwan.

Nhà văn Coetzee, người từng đoạt 2 giải thưởng này vào các năm 1983 và 1999, được đề cử cho cuốn tiểu thuyết "Slow Man". Rushdie đặt hy vọng vào một giải thưởng Man Booker thứ hai trong sự nghiệp sáng tác của mình với "Shalimar The Clown".



a118a.jpg


McEwan từng đoạt giải thưởng Man Booker 1998 cho tác phẩm "Amsterdam".

Giải thưởng trị giá 90.000 USD năm nay sẽ được công bố vào ngày 10/10/2005.



Danh sách các tác giả và tác phẩm lọt vào đề cử:

Tash Aw - The Harmony Silk Factory

John Banville - The Sea

Julian Barnes - Arthur and George

Sebastian Barry - A Long Long Way

J.M. Coetzee - Slow Man

Rachel Cusk - In the Fold

Kazuo Ishiguro - Never Let Me Go

Dan Jacobson - All For Love

Marina Lewycka - A Short History of Tractors in Ukrainian

Hilary Mantel - Beyond Black

Ian McEwan - Saturday

James Meek - The People"s Act of Love

Salman Rushdie - Shalimar the Clown

Ali Smith - The Accidental

Zadie Smith - On Beauty

Harry Thompson - This Thing of Darkness

William Wall - This Is The Country



***

Ảnh:

- Nhà văn Julian Barnes

- Nhà văn McEwan


Nguồn: Reuters, AFP
 
a1210tin.jpg


Giải thưởng Man Booker 2005 về tay Banville

Hà Linh​

Tiểu thuyết gia người Ireland John Banville đã vượt qua 5 đồng nghiệp "ngang ngửa" khác để được vinh danh tại lễ trao giải Man Booker diễn ra vào tối hôm qua với tác phẩm "The Sea".


"The Sea" là cuốn tiểu thuyết thứ 14 của Banville. Tác phẩm đi theo dòng hồi ức của nhân vật Max Morden, một nhà lịch sử nghệ thuật trung niên, người tìm về với thị trấn biển quê hương để trốn chạy nỗi đau mất đi người vợ yêu quý. Nhưng ở đó ông lại phải đối mặt với ký ức đau thương.


Giải thưởng Banville đoạt được là kết quả của 3 tuần thảo luận căng thẳng trong hội đồng giám khảo giữa hai tác phẩm "kẻ tám lạng, người nửa cân": "The Sea" và "Never Let Me Go" của Ishiguro.


Đây là lần "tái ngộ" thứ hai giữa Banville và Ishiguro tại giải thưởng danh giá này. Năm 1989, Banville để vuột mất Man Booker khi The Remains of the Day của Ishiguro "đánh bại" The Book of Evidence của ông.


John Sutherland, chủ tịch Hội đồng giám khảo, cho biết: "Đây quả thực là một cuộc ganh đua đầy kịch tính để tìm ra giải thưởng có chất lượng nhất trong lịch sử Man Booker. "The Sea", tác phẩm xuất sắc về nỗi đau, ký ức và tình yêu con người là sự lựa chọn xứng đáng cho giải thưởng năm nay".


Tuy nhiên, khá nhiều người tỏ ra bất ngờ khi vinh dự thuộc về Banville. Theo kết quả bầu chọn từ trang http://www.themanbookerprize.com/2005prize/winner, dẫn đầu lần lượt là "Never Let Me Go" (Ishiguro), "Arthur and George" (Barnes), "On Beauty" (Smith). "The Sea" của Banville xếp thứ 5, chỉ trên "A Long, Long Way" của Sebastian Barry.


Lần thứ hai lọt vào danh sách đề cử, nhà văn 29 tuổi Smith lại một lần nữa ngậm ngùi chờ đợi cơ hội thứ 3.


12 năm sau khi Roddy Doyle đoạt giải với cuốn tiểu thuyết Paddy Clarke Ha Ha Ha năm 1993, giải thưởng Man Booker mới về lại với các nhà văn Ireland. "The Sea" do NXB Picador ấn hành. Đây là năm thứ hai liên tiếp ấn phẩm của Picador có duyên với giải Man Booker. Man Booker 2004 The Line of Beauty của Alan Hollinghurst cũng xuất bản tại Picador.


Giải thưởng dành cho John Banville trị giá 50.000 bảng Anh. Những tác giả còn lại, mỗi người sẽ nhận được 2.500 bảng.



***

Ảnh: Nhà văn John Banville và cuốn "The Sea"

Nguồn: AP, Reuters
 
Đo

Salman Rushdie đã viết:
Khi mà những nhân vật do nhà văn tạo ra không có được sự hiểu biết, nhà văn phải có trách nhiệm cung cấp cho người đọc cái tia sáng (insight) mà những nhân vật của ông ta không có đó. Nếu nhà văn không làm như vậy, tác phẩm của ông ta sẽ không thể nào chiếu rọi lên bóng tối mà chỉ trở thành một phần của cái bóng tối mà nó miêu tả. Điều này, than ôi, chính là cái yếu kém của Ô nhục. Rốt cuộc, nó không ban cho người đọc đầy đủ thứ ánh sáng mới mẻ làm sáng ra tin tức [như ở phần đầu bài viết đã nói tới]. Nhưng tin tức thì lại cho ta thêm được chút hiểu biết về cuốn sách.

Cả cái bài bình của Rushdie viết về Ô nhục của Coetzee đọc mà sướng cả đầu. :x

Tuy nhiên đến đoạn kết thì không may thay lại chính là chỗ khiến mình thất bất đồng quan điểm, thậm chí có đôi chút phần thất vọng với Rushdie. Bởi chính cái điểm mà Rushdie cho rằng là yếu duy nhất của Coetzee trong tiểu thuyết Ô nhục thì theo mình lại chính là điểm mạnh độc nhất vô nhị của ông. Chính bằng việc cố tình không cung cấp những tia sáng nội tâm của các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết đã khiến cho tác phẩm sáng chói loà hơn bao giờ hết bởi sự tự do mà Coetzee đã giành tặng cho các độc giả của mình, để họ có thể tự vẽ ra, hay chêm vào những tia sáng muôn hình vạn dạng với đủ mọi chất liệu, màu sắc mà họ nhìn thấy và cảm thấy trước mắt mình và trong lòng mình.

Phải chăng bởi chính ở quan niệm hành văn này mà tài năng của Coetzee đã được khẳng định và vượt cao trên Rushdie? :)
 
Elfriede Jelinek

jelinek.jpg



Elfriede Jelinek nhà văn nữ được giải Nobel văn học năm 2004


Viện hàn lâm Thụy Điển khi trao giải Nobel văn học năm 2004 cho Elfriede Jelinek đã nhận xét: “Elfriede Jelinek được trao giải thưởng Nobel cho những dòng chảy giàu nhạc điệu và những tiếng nói tương phản nhau trong các tiểu thuyết và kịch bản của bà, những tác phẩm mà với nỗi đam mê ngôn ngữ lạ thường đã cởi bỏ tấm màn che phủ những điều lố lăng và sự chuyên quyền của các khuôn sáo xã hội”.

("Elfriede Jelinek is awared the Nobel Prize for Literature for her musical flow of voices and counter-voices in novels and plays that with extraordinary linguistic zeal reveal the absurdity of society's clichés and their subjugating power.")

Cô giáo dương cầm (The piano teacher) là cuốn tiểu thuyết được chú ý nhất của Elfriede Jelinek. Cô giáo dương cầm đã được Michael Haneke dựng thành phim và giành 3 giải cao nhất của Liên hoan phim Cannes năm 2001: gồm giải Nam diễn viên xuất sắc nhất cho Benoit Magimel và Nữ diễn viên xuất sắc nhất cho Isabelle Huppert.

Cô giáo dương cầm kể về cuộc sống của Erika - một người đàn bà 36 tuổi, dạy dương cầm, sống với mẹ. Trong Cô giáo dương cầm có sự pha trộn giữa cuộc sống không hề đơn giản của hai mẹ con cô giáo, những ám ảnh tình dục và âm nhạc thành Vienne tinh tế. Đây là 1 kiệt tác của Elfriede Jelinek.

Elfriede Jelinek sinh năm 1946 tại thị trấn Murzzuschlag, tỉnh Styria, Áo. Là người viết các cuốn tiểu thuyết phơi bày một thế giới tàn bạo, ở đó người ta phải đương đầu với một thể chế của bạo lực và quy phục với quan hệ kẻ đi săn và con mồi. Bà cho thấy những hình mẫu của công nghệ giải trí đã ăn sâu vào ý thức con người, làm tê liệt sự phản kháng đối với bất công giai cấp và đàn áp giới tính.

Bà là cây bút gây nhiều tranh cãi, vừa được công nhận rộng rãi vừa bị tẩy chay trên ở nhiều nơi. Bà đã được nhận nhiều giải thưởng văn chương và kịch nghệ của Đức, Áo, Czech (trong đó giải thưởng đầu tiên là một giải thưởng về thơ và văn xuôi dành cho những nhà văn trẻ được trao năm 1969 lúc bà 23 tuổi). Bà còn là một dịch giả và người viết kịch bản phim.

Elfriede Jelinek là một tác giả đập tan những xác tín của người đọc với sự giận dữ và xúc cảm mãnh liệt. Khó lòng định nghĩa các văn bản của Elfriede Jelinek thực chất là gì. Chúng lúc là văn xuôi, lúc là thơ, lúc như thần chú hoặc thánh ca, lúc lại có cả phân cảnh sân khấu và phim.


(st)​
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Giới thiệu sách hay (st)

Nhà giả kim (The Alchemist) là tác phẩm nổi tiếng nhất của Paolo Coelho đã được dịch sang 56 ngôn ngữ, in hơn 27 triệu bản và được đọc ở 150 quốc gia trên thế giới.

Nhà giả kim là tác phẩm trong đó Paolo Coelho dùng thủ pháp nghệ thuật ngụ ngôn (giống như Jonathan Livingston Seagull của Richard Davis Bach hay Hoàng tử nhỏ của Exuperi), với phong cách không chỉ thu hút trí tưởng tượng mà cả con tim của độc giả.

Qua cuốn sách Nhà giả kim, Paolo Coelho đưa ra một thông điệp đơn giản mà sâu xa: hạnh phúc nằm ở sự khám phá chính mình.
Nhà giả kim đã được Lê Chu Cầu biên dịch, Nhà xuất bản Lao động in năm 2002.



Paolo Coelho sinh năm 1947 ở Rio de Janeiro, là nhà văn người Brazil được đánh giá là một trong những tác giả có ảnh hưởng nhất đương đại.
Paolo Coelho là tác giả viết bằng tiếng Tây Ban Nha được đọc nhiều hơn cả Gabriel Garcia Marquez, là tác giả Mỹ Latin được đọc nhiều nhất trong tất cả mọi thời.

Nhiều cuốn sách của Paolo Coelho như Người hành hương (1987), Nhà giả kim (The Alchemist, 1988), Brida (1990), Cuốn sổ tay của chiến binh ánh sáng (The Manual of the warrior of light, 1997), Mười một phút (2003)... không chỉ thường xuyên đứng đầu danh sách các sách bán chạy nhất mà còn trở thành chủ đề cho những cuộc tranh luận rộng rãi về văn hoá và xã hội.

Đến nay đã có 380 bản dịch tác phẩm của Coelho sang 61 ngôn ngữ khác nhau được xuất bản với 65 triệu bản in ở 150 quốc gia trên thế giới.
Năm 2004, Paolo Coelho được bầu là thành viên Hàn lâm viện văn chương Brazin (Viện Hàn lâm đã 104 tuổi, nổi tiếng là khắc nghiệt trong việc kết nạp thêm thành viên mới).

Paolo Coelho có 14 tác phẩm đã xuất bản: 9 tiểu thuyết, 3 tập truyện ngắn, 2tập tuỳ bút.
 
a64paulo-coelho.jpg


Paulo Coelho: ‘Đã là người thì phải ưu tư’

"Quỷ dữ và nàng Prym" là cuốn tiểu thuyết mới xuất bản của Paulo Coelho. Tiếp theo thành công phi thường của "Nhà giả kim", nhà văn Brazil đã cống hiến thêm cho độc giả cuốn sách bán tự truyện kỳ lạ này. Tác phẩm ngay lập tức được dịch và bán ở 51 quốc gia khác nhau, và hiện đã tiêu thụ hết 31 triệu bản.


- Điều gì gợi cảm hứng cho ông viết “Quỷ dữ và nàng Prym”?

- Tôi nghĩ chúng ta thường vẫn hay tự hỏi những câu hỏi, đại loại “Ta là người tốt hay xấu?”, “Chúng ta cư xử thế nào với mâu thuẫn đó?”. Ý tưởng chính đằng sau cuốn sách là thế này: Mặc dù chúng ta luôn có những cuộc tranh cãi nội tâm, nhưng thường chúng ta vẫn hay không vượt qua được hiện thực. Chúng ta có thể tiến lên, về phía những điều tốt lành theo nghĩa thông thường, trí thức hơn, trải đời hơn, chu đáo hơn… Nhưng còn lâu như thế mới đủ.

- Câu chuyện là một trận chiến giữa Người tốt với Quỷ. Ông có tin rằng tồn tại một cuộc tỷ thí kiểu này trong bản thân mỗi người chúng ta?

- Loài người là một dạng sinh vật trong đó hàm chứa cả Quỷ dữ lẫn Thiên thần. Chúng ta có những phút giây không thể giải thích được một cách đầy đủ, giống như bản năng ác độc. Nhưng chúng ta lại có khả năng kiểm soát bản thân sự thúc ép.

Để làm gì ư? Để trở thành người tốt hơn trước, giống như Chantal đã làm trong cuốn sách. Không phải vì cô ấy vô tư, thiếu sự dằn vặt cá nhân đâu, mà bởi vì cô ta nhận ra rằng mình có thể sống chung với cuộc cãi vã trong lòng, và đến lúc quyết định thì cô ấy chọn giải pháp tử tế nhất theo cách hiểu của cô ấy.

- Viscos đồng thời vừa giống Thiên đường, vừa như thể nơi tận cùng chết chóc, một thị trấn ảm đạm. Cách viết của ông như vậy, phải chăng là để toát lên một lời đề nghị: Hiện thực chỉ tuỳ thuộc vào con mắt nhìn, và do vậy hãy chọn cho mình một cách?

- Tuyệt đối đúng. Tôi nghĩ điều này liên quan đến bản chất của Tình yêu theo nghĩa, chúng ta là một thứ mặt gương phản ánh chính tâm hồn chúng ta.

Khi bạn chọn quan điểm sống hướng tới cuộc đời, bạn có thể tác động đến cuộc đời để nó tốt hơn theo ý bạn. Ngược lại, bạn cũng có thể chọn cách sống trái khoáy, đầy tội lỗi và những lời trách cứ, hay đơn giản hơn, một cuộc đời trong đó bạn suốt ngày ca cẩm về đủ mọi vấn đề. Ngay lập tức thế bên ngoài sẽ phản ánh đúng lại như vậy.

Khi bạn không định chống lại cuộc đời, bạn sẽ giống như đang ngồi trên một chuyến tàu du lịch, và bạn có thể chọn cho mình một ga đỗ hạnh phúc, vào một thời điểm nào đó.

Tôi thấy Viscos như một tiểu vũ trụ trong vũ trụ. Bạn có thể học cách đương đầu với môi trường và thực tiễn quanh bạn, sao cho nếu bạn đủ nhiệt hứng hoặc tình yêu trong đời thì mọi nơi đều có thể trở thành Thiên đường.

Mặt khác, bạn cũng có thể đang trong một thế giới đẹp nhất, kỳ lạ nhất, nhưng nếu bạn thấy cô đơn, nhiều ý nghĩ cay đắng, và đầy mặc cảm tội lỗi, thì hiện tại lập tức hóa thành địa ngục. Tôi tin rằng Chúa luôn giấu Địa ngục giữa Thiên đường để dành cho những người sợ bị đày ải.

- Chantal một lần nói rằng, nếu ai đó sống ở một nơi quá hoàn hảo trong một thời gian đủ dài, thì cuối cùng người đó sẽ cảm thấy mệt mỏi. Vậy có nghĩa là thỉnh thoảng chúng ta phải thay đổi, ngay cả với niềm hạnh phúc?

- Phụ thuộc vào việc bạn ám chỉ hạnh phúc nghĩa là gì. Tôi nghĩ hạnh phúc có thể quấy rầy bạn nếu cái hạnh phúc ấy của bạn đồng nghĩa với việc mọi thứ xung quanh đều hoàn hảo. Tuy nhiên, đối với tôi, một cuộc chiến thú vị, hay niềm vui, sẽ hiện diện nếu bạn cho phép mình không dừng mãi một chỗ.

Có nghĩa là: hãy dũng cảm chấp nhận thách thức, dũng cảm chọn lấy một hoàn cảnh mới đối với bạn vốn là không quen. Đôi khi bạn thấy buồn phiền bực bội, nhưng hãy nhớ: hơn tất cả bạn vẫn đang sống.

Tuy nhiên, nếu bạn cố giữ nguyên thế giới của mình trong phạm vi có thể kiểm soát được, thì điều đáng nói đầu tiên chính là bạn rất dốt. Vì sao ư? Vì không thể làm được điều đó. Một số người lúc nào cũng muốn an phận, nhưng Vũ trụ hay Chúa trời, hay một cái gì đó bạn muốn gọi là gì cũng được, lại đang vận hành để bạn không thể vô lo vô nghĩ. Tóm lại, đã là người thì phải ưu tư, và ưu tư không phải thuốc độc, ít nhất khi so nó với sự bằng an phẳng lặng.

- Ông muốn độc giả thu nhận điều gì khi họ đọc tác phẩm của mình?

- Tôi không cho rằng những bài học cuộc sống lại có trong các cuốn sách, các bản nhạc, hay một cái gì đó đại loại như vậy. Bài học đích thực về cuộc đời chỉ có thể là kinh nghiệm của chính mỗi người.

Chỉ có điều, khi đọc một cuốn sách, nghe một bản nhạc, hay tâm sự với một ai đó, thì chính là bạn đang chia sẻ những ý nghĩ của mình, và bằng cách đó bạn thấy bớt cô đơn. Điều gì có ý nghĩa thì chỉ có thể là kinh nghiệm của chính bạn mà thôi.

Tôi nhìn nhận các cuốn sách của mình như là một cách chia sẻ tâm tình, một việc ai ở đời cũng phải làm. Khi tôi gặp độc giả, họ không hề nói họ học được gì từ các cuốn sách của tôi. Thay vào đó, họ bảo tôi hiểu họ. Tại sao tôi lại hiểu được họ? Vì tôi sống như là họ sống, tôi yêu như là họ yêu, chỉ khác là tôi ý thức và nói ra được những gì mình đã trải qua.

Vậy là bạn có thể kích thích một ai đó làm một điều gì đó họ đang định làm, nhưng bài học cuộc đời thì chỉ mỗi người tự dạy chính mình thông qua kinh nghiệm bản thân.

- Ông từng cho rằng, trong đời sống của mỗi cá nhân, những biến đổi sâu sắc nhất thường xảy ra trong những khoảng thời gian tối thiểu, cũng giống như những gì ông minh hoạ trong bộ ba tác phẩm của mình. Đó là những kinh nghiệm mà chính ông thu nhận được từ cuộc đời mình?

- Vâng, thậm chí tôi chỉ coi là kinh nghiệm khi sự nếm trải lặp đi lặp lại nhiều lần. Từ chỗ được yêu trọn vẹn, đến ngày bạn tình bỏ đi tìm người khác, tôi đã rơi từ đỉnh cao của thế giới xuống vực sâu thăm thẳm khôn cùng.

Tôi tin rằng, những kinh nghiệm quan trọng xảy ra trong những khoảng không thời gian rất nhỏ, mặc dù đôi khi bạn phải có một độ lùi đủ lớn để hiểu và thấm thía.

Vậy đấy, sống thì rất dài, nhưng quyết định thì chỉ gần như ngay lập tức. Vậy nên con người nói chung mới hồ đồ, và lại tiếp một chu trình dịu ngọt lẫn cay đắng khác… (cười).

- Thường thì ông mượn các nhân vật để phát biểu quan điểm của mình, hay chính ông đang khám phá những đại lộ tư duy khác nhau?

- Nếu chỉ nhìn vào bản thân thế giới nội tâm của mình thì lắm khi tôi rất mâu thuẫn. Ví dụ khi bạn viết một cuốn sách, bạn cố gắng triển khai những nhân vật không theo suy nghĩ của bạn mà theo suy nghĩ của họ. Nhưng sau đó bạn nhận ra rằng những nhân vật này là một phần linh hồn bạn, và hoá ra bạn là một cá thể hết sức, hết sức phức tạp.

Anh có biết chăng, lắm lúc tôi không thể chịu được những gì mà Chantal và Bertha suy nghĩ. Nhưng họ có đời sống của riêng họ, và buộc tôi phải kính trọng họ như một nhà tiểu thuyết thông thường.

Để viết ra một cuốn sách, nhà văn buộc phải lặn sâu xuống những đại dương bí ẩn mênh mông. Những đại dương đó chứa đủ mọi thứ, từ châu báu đến rác rưởi của tâm hồn và các giác quan của anh ta.

Để làm gì? Để khám phá hàng nghìn cảm xúc khác nhau, khám phá những thứ đôi khi mâu thuẫn nhau đến mức kinh hoàng. Sao anh lại cười? Phức tạp quá ư? Hãy nhớ rằng một lần Guy de Maupassant đã phải thử nếm chất độc, tất nhiên là liều lượng nhẹ, để biết cảm giác về nó. Nếu không thì văn chương còn có ý nghĩa gì nữa.

- Ông có thể miêu tả một chút về quá trình viết của ông?

- Tôi viết hai năm một cuốn, bởi tôi muốn cuốn sách của mình phải được nung nấu trong đầu tôi thật kỹ trước khi hiện lên trang giấy. Vì vậy, ngay lập tức này đây, mặc dù đang nói chuyện với anh, tôi vẫn biết rằng có một cái gì đó đang xảy ra trong đầu tôi, ở mức độ rất không ý thức.

Vâng, có một cái gì đó đang lớn lên trong tâm hồn tôi. Nó buồn cười, bởi anh phải có những thứ tựa như đôi cánh cho phép anh bay lượn tự do, nhưng đồng thời anh vẫn có một bộ rễ chùm ăn sâu vào lòng đất nơi anh đứng. Anh phải luôn ý thức được về cội nguồn. Vì vậy, khi tôi cần viết một cuốn sách, tôi không biết vì sao nhưng tôi có thể trở về Brazil và nhận lấy những đụng chạm mà người Brazil luôn làm theo cách của mình.

Và nhân dân, họ làm những điều đó mà chẳng nói năng gì cả, họ không có ý định chia sẻ trí tưởng tượng với các nhà văn. Trong khi đó, văn học luôn là một phép màu trong thế giới hiện thực. Các nhà văn luôn trộn lẫn mọi thứ trong tác phẩm của mình. Để viết một cuốn sách, tôi cần kiểu không khí như vậy quanh mình.

- Vừa qua, ông có viết một bức thư ngỏ gửi Tổng thống Mỹ G. Bush, trong đó mỉa mai sâu cay về cuộc chiến tranh Iraq. Ông nhận được những phản ứng nào?

- Tôi đã gửi bức thư đó trên trang web cá nhân và nhận được hơn 2.000 lời hoan nghênh từ khắp thế giới. Chính báo New York Times cũng đăng nguyên vẹn bức thư đó trong mục bình luận quốc tế.

Thế giới ngày nay là một món súp hổ lốn mà giới chức diều hâu ở Washington muốn chế ngự bằng một gia vị gây sốc, đó là rượu. Họ không hiểu rằng khi làm như vậy, cả bàn ăn sẽ chỉ còn lại dư vị khủng khiếp là nồng độ cồn đậm đặc. Nhiều loại vi khuẩn có hại sẽ đua nhau nảy nở, không ai bụng dạ bình thường có thể kham nổi.

Kinh nghiệm cá nhân của tôi cho thấy, người Mỹ văn minh thật, nhưng không phải theo cái cách mà đa phần nhân loại mường tượng. Vậy thì họ phải biết chia sẻ tâm tư, tình cảm với năm châu, thay vì nhăm nhăm áp đặt kinh nghiệm bản thân cho các dân tộc.


Đàm Ngọc Xuyến dịch từ Paulocoelho.com

(Nguồn: Văn nghệ số 1/4/2006)​
 
(st)

13.4.1906 - 13.4.2006: KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH CỦA SAMUEL BECKETT



federmanbeckett.jpg


RAYMOND FEDERMAN

(1928~)​


Raymond Federman (sinh năm 1928, hiện sống tại Hoa Kỳ) là tiểu thuyết gia, kịch tác gia, nhà thơ, phê bình gia và dịch giả. Từng là giáo sư và trưởng khoa văn chương của nhiều viện đại học, tác giả của rất nhiều tác phẩm nổi tiếng, và từng đoạt nhiều giải thưởng văn học lớn, Federman là một khuôn mặt quan trọng của văn chương hậu hiện đại.


_________________________



SAMUEL BECKETT — NGƯỜI GIÁM SÁT TÔI

(Trả lời phỏng vấn của Mark Thwaite*)​


...

Tôi chạm trán lần đầu tiên với tác phẩm Samuel Beckett khi tôi xem vở kịch Waiting for Godot ở New York năm 1956. Tôi chưa bao giờ bình phục. Năm 1959 ở Đại học UCLA, tôi chọn Samuel Beckett làm đề tài luận văn tiến sĩ của tôi. Một số giáo sư trong ủy ban chấm thi tiến sĩ tìm cách khuyên ngăn tôi, bảo rằng Beckett là một ông lang băm. Tôi cố khẩn khoản, và thưa với các vị ông ấy là một nhà văn rất lớn trong vòng mười năm tới sẽ đoạt Giải Nobel. Tôi đã nói trúng bóc. Beckett được trao Giải Nobel năm 1969. Từ 50 năm qua tôi không hề ngưng đọc tác phẩm của ông, và viết về tác phẩm của ông. Beckett có mặt khắp nơi trong tác phẩm tôi, và trong nhà tôi. Ở đây tôi sẽ đưa vào một bài thơ tôi viết về chuyện này. Tôi xin báo trước cho ông biết một cuộc phỏng vấn với Federman có thể trở thành một thứ rất có tính hư cấu phê phán.[1]



Người giám sát tôi **



đôi mắt bạn lúc nào cũng nhìn vào tôi

ngay cả khi bạn không có mặt ở đây

lúc nào bạn cũng nhìn tôi

bạn có mặt khắp nơi ở đây

trong nhà tôi và trong tôi

kể từ khi bạn đổi thì[2]



tôi bị bạn vây quanh

ảnh của bạn chân dung của bạn

thư từ bạn sách vở bạn

chữ nghĩa bạn dấu vết bạn

tất cả những gì quan sát tôi

canh chừng tôi

lo lắng có lẽ

là khi bạn không có mặt

tôi không một mình tự xoay sở

để đi đến nơi tôi phải đi



nhớ cái lần nó bắt đầu

bạn bảo tôi hôm nay

không có chuyện gì cần làm

và tôi nhìn bạn

vẻ tuyệt vọng và hỏi

bạn có chắc không

có gì còn cần làm nữa

bạn đã nhún vai

trong một cử chỉ thờ ơ

như muốn nói a tôi thực chẳng biết

còn tôi thì bấy giờ đâm đệt

tôi công bố với chính mình

bằng một độc thoại nội tâm

được nếu chính ổng còn không chắc

chuyện nói chẳng có gì cần làm

thế thì vẫn có hi vọng

chẳng phải ổng là kẻ có lần đã viết

tant qu’il y a de la vie il y a de l’espoir[3] đó sao

thế là từ ngày ấy khi

bạn nhún hai vai

tôi không hề ngừng làm việc làm việc

và làm việc thêm nữa ngay cả khi

cái tôi làm chắc chắn sẽ không đi đến đâu



Nhưng hãy để tôi nói ông nghe tại sao Beckett lại là một chiếc chìa khóa lớn đến thế đối với tôi: khi tôi xem vở Waiting for Godot lần đầu tiên có một cái gì trôi tuột vào trong tôi. Rất giống như cái trôi tuột mà Arsene giải thích cho Watt trong cuốn tiểu thuyết mang cùng tên. Đột nhiên ở đâu đó có một cái vật gì nho nhỏ trôi tuột vào một cái gì nhỏ chút xíu... Nó là cái trôi tuột giống như cái mà tôi cảm nhận... hàng triệu vật gì nhỏ xíu cùng chuyển động ra khỏi nơi cũ của chúng, đi vào một nơi gần đó, và lén lút, tựa như nó không được phép làm như thế.

...


--------------


* Dịch từ nguyên tác tiếng Anh. Trích "Phỏng vấn của Mark Thwaite".

** My Overseer


_________________________

[1]Nguyên tác: critifictional.


[2]Thư Raymond Federman March 22, 2006: Sam has gone from the present tense to the future perfect tense / Sam đi từ thì hiện tại qua thì tương lai hoàn thành.


[3]Tiếng Pháp, trong nguyên tác tiếng Anh, có nghĩa: chừng nào còn sống thì còn có hi vọng.

[4]Mark Thwaite là người sáng lập và biên tập tạp chí ReadySteadyBook. Những bài viết và điểm sách của ông thường xuyên xuất hiện trên các tạp chí văn học. Nghề nghiệp là quản thủ thư viện, sinh quán Liverpool, Mark hiện sống ở Manchester.
 
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn​


CHIỀU TÀ​



Ông được phát hiện đang nằm trên mặt đất. Không ai nhớ ông. Không ai tìm kiếm ông. Một bà già phát hiện ông. Nói bâng quơ là thế. Chuyện này xảy ra cách đây quá lâu rồi. Bà đang đi lang thang tìm hoa dại. Chỉ hoa vàng thôi. Không nhìn thấy nhưng khi lang thang thì bà vấp vào ông đang nằm ở đó. Ông nằm úp mặt xuống và hai cánh tay dang ra. Ông mặc một áo choàng dày bất kể thời tiết lúc ấy trong năm. Khuất sau thân hình bà là một dãy nút dài được cài dọc từ trên xuống dưới. Những chiếc nút đủ hình thể và đủ cỡ khác nhau. Đứng thẳng người bộ váy vẫn dài quét đất. Trông như váy và mặt đất dính liền nhau. Gần đầu ông có một chiếc mũ nằm lăn lóc trên mặt đất. Cả vành và chóp mũ đều chạm đất. Ông nằm như khuất hẳn trong tấm áo choàng màu lục nhạt. Nếu đứng từ xa dõi mắt tìm chỉ thấy có cái đầu tóc trắng. Phải chăng trước kia bà đã thấy ông đâu đó? Thấy ông đi đứng đâu đó? Không phải thoáng qua quá nhanh. Bà mặc toàn màu đen. Riềm chiếc váy đen dài của bà kéo lê trong cỏ. Ngày đã tàn. Nếu lúc này bà đi về phương đông thì cái bóng của bà đi trước. Một cái bóng đen dài. Lúc ấy là mùa cừu đẻ. Nhưng chẳng có cừu. Bà không thể thấy con cừu nào cả. Nếu có một người thứ ba tình cờ đi về hướng đó thì y chỉ thấy có hai hình hài ấy. Hình hài đầu tiên là của bà già đang đứng. Rồi đến gần thì thấy cái hình hài đang nằm trên mặt đất. Dường như dính liền với nhau. Những cánh đồng bỏ hoang. Bà già mặc toàn màu đen đứng bất động. Cái thân xác bất động trên mặt đất. Màu vàng ở đầu cánh tay đen. Mớ tóc trắng trong cỏ. Phương đông đang chìm vào đêm tối. Không quá nhanh. Thời tiết ấy. Bầu trời u ám suốt ban ngày cho đến chiều hôm. Ở hướng tây-tây-bắc ánh dương rốt cuộc cũng sáng hừng lên cuối chân trời. Mưa? Vài giọt nếu bạn muốn. Vài giọt vào buổi sáng nếu bạn muốn. Lúc này là để kết thúc. Chuyện ấy đã xảy ra cách đây quá lâu. Giam mình trong nhà suốt ngày bà ra ngoài với ánh mặt trời. Bà vội vã băng qua những cánh đồng. Ngạc nhiên vì không thấy ai trên đường đi bà hăm hở bước lang thang tìm những cành hoa dại. Nao nức thấy đêm đang đến. Bà ngạc nhiên nhận ra sự vắng mặt của đàn cừu đông đúc vào lúc này trong năm. Bà đang mặc bộ y phục đen bà đã mặc từ khi trở thành goá phụ ở tuổi đương xuân. Để thay hoa trên mộ bà đi lang thang tìm những loài hoa ngày trước ông yêu thích. Nhưng cần nhặt những cành hoa vàng thì lại chẳng thấy đâu. Chỉ có vài ba cành lác đác. Đây là điều ngạc nhiên thứ ba kể từ lúc bà rời nhà. Bởi mọi năm chúng vẫn mọc xum xuê ở đây vào mùa này. Người bạn cố tri là cái bóng của bà làm bà khó chịu. Thật khó chịu nên bà xoay về hướng mặt trời. Bất kỳ cành hoa nào ngoài lối đi của bà thì bà quơ ngang tay để hái. Bà mong ánh chiều tắt hẳn để bà lại được tự do lang thang trong khoảng tối chạng vạng dài lâu. Tiếng lào xào quen thuộc của tấm váy đen dài chạm vào cỏ làm bà bực dọc thêm. Bà bước đi với đôi mắt khép hờ như tránh tia nắng chói. Có lẽ bà tự nhủ một buổi chiều tà tháng Ba hay tháng Tư thế này thật là quá lạ lùng. Không một ai quanh đây. Không một con cừu. Hiếm hoi một cành hoa dại. Cái bóng và tiếng lào xào phiền nhiễu. Và tột cùng sự kinh ngạc là khi bàn chân bà vấp vào một thi thể. Ngẫu nhiên. Không ai nhớ ông. Không ai tìm kiếm ông. Màu đen và màu lục của hai bộ y phục giờ đây đang chạm vào nhau. Kề bên mái đầu trắng là màu vàng của vài cành hoa đã hái. Khuôn mặt già nua trong tia nắng hửng. Một tư thế tịnh vị[1] sinh động nếu bạn muốn. Theo cách riêng của nó. Từ lúc này trở đi tất cả đều im lặng. Im lặng cho đến chừng nào bà không thể rời bước. Mặt trời rốt cuộc cũng tan biến cùng với mọi cái bóng. Mọi cái bóng nơi này. Khoảng tối chạng vạng chậm rãi trôi qua. Đêm không trăng sao. Tất cả dường như dính liền nhau. Nhưng không còn gì nữa.




------------------------------
Nguyên tác: "One Evening", trong Samuel Beckett, The Complete Short Prose, 1929-1989 [S. E. Gontarski, ed.] (New York: Grove Press, 1997), 253-254.


_________________________

[1]Tư thế tịnh vị (tableau): tư thế bất động trong kịch, khi các diễn viên ngưng mọi động tác trong một khoảnh khắc, và giữ im lặng như một bức tranh.
 
beckettoverseer.jpg


SAMUEL BECKETT

(1906-1989)​



... Cái thế giới vô nghĩa đó, mấy năm trước, là kẻ tiên phong – như một nhà phê bình đã đặt tên – và là kẻ đồng hành vô tình của Kafka, Beckett đã dựng lên trong tác phẩm, với câu chuyện cũng vô nghĩa (hay bao gồm mọi ý nghĩa trên trái đất náy), tự tạo đến đâu là dần dần tự hủy diệt đến đấy, trước mắt chúng ta, và rốt cuộc tiêu tan thành bụi thành khói.


"L’Expulsé", truyện ngắn được coi như tác phẩm cần đọc trước tiên khi muốn đi sâu hơn vào thế giới – vào tiếng nói, vào tác phẩm – của Beckett, kể lại ở ngôi thứ nhất chuyện một anh chàng bị một người chủ tính hay giận trục xuất ra khỏi nhà trọ không có lý do rõ ràng, đi nhờ trên một chiếc xe ngựa, lang thang không mục đích trong thành phố, được gã đánh xe ngựa bấy giờ trở thành bạn đồng hành cho tá túc đêm trong nhà chứa xe của hắn ta, rồi tờ mờ sáng hôm sau lại bỏ trốn, lại tiếp tục lang thang, hướng về phía mặt trời mọc “để được sáng rõ càng sớm càng tốt”. Câu chuyện được kể một cách nồng nàn và đầy tích hài hước (mang ít nhiều chất Kafka) như vậy, thật ra chẳng có gì đáng kể, bởi vì chính Beckett (hay kẻ bị trục xuất) đã nói, “chuyện nào cũng giống nhau cả”. Nói chính là bịa đắt – dire c’est inventer. Thế thì tại sao lại phải viết, tại sao lại phải nói? Bởi nói là thân phận thảm thương của nhân vật, của con người, nói lảm nhảm, nhắc đi nhắc lại mãi, nói có rồi lại nói không, hay ngược lại...

... Je suis fait de mots, người ta nghe đâu đây tiếng rên rỉ trong L’Innommable...


[trích "Ghi nhận về một chuyển biến trong văn chương Pháp", trong Hoàng Ngọc Biên, Tuyển tập các nhà văn Pháp hiện đại, 328 trang, Nhà xuất bản Trình bầy, 1969]​



KẺ BỊ TRỤC XUẤT


Thềm nhà không cao. Tôi đã đếm các bực đến cả ngàn lần, lúc đi lên cũng như lúc đi xuống, nhưng bây giờ trong trí không còn nhớ được con số nữa. Tôi chưa bao giờ biết được là có phải nói một khi bàn chân để trên lề, nói hai khi bàn chân sau để trên bực thứ nhất, và cứ tiếp tục mãi như vậy, hay trên lề không phải kể. Lên đến những bực trên cao, tôi lại vấp phải cùng một nỗi khó nghĩ như vậy. Khi bước ngược chiều, tôi muốn nói khi bước từ trên xuống dưới, lại cũng y như vậy, nói thế không có gì là quá đáng. Tôi không biết bắt đầu ở đâu, mà cũng chẳng biết chấm dứt ở đâu, sự vật ra sao ta cứ bảo vậy thôi. Vậy nên đếm đến ba số hoàn toàn khác nhau mà tôi chẳng hề biết được số nào là đúng. Và khi bảo rằng tôi không còn nhớ được con số trong trí nữa, tôi muốn nói là trong trí tôi không còn nhớ được một con số nào trong ba con số cả. Thật tình là khi tìm lại được trong trí nhớ một số thôi trong ba số, mà chắc chắn là nó nằm trong trí rồi, tôi cũng chỉ tìm ra được có mỗi số đó thôi, mà không thể suy ra hai số kia được. Và dù tôi có nhớ ra được hai số, tôi cũng sẽ không biết được con số thứ ba. Không, tôi phải tìm nhớ lại cả ba số, để biết được chúng, cả ba số. Ký ức thật là mệt nhọc. Vậy thì ta không được nghĩ tới một số sự vật, những chuyện mà ta vẫn ghi trong lòng, hay đúng hơn ta phải nghĩ đến chúng, vì nếu không nghĩ đến chúng vô tình ta lại dễ có thể gặp lại chúng dần dần trong trí nhớ. Nghĩa là ta phải nghĩ đến chúng trong một lúc, một lúc nào thuận tiện, ngày nào cũng vậy và nhiều lần trong mỗi ngày, cho đến khi nào bùn lầy phủ lấp chúng, bằng một lớp mỏng ở ngoài không gì qua thấu được. Đó là một mệnh lệnh.


Dù sao thì con số các bực thềm cũng chẳng làm gì trong chuyện này cả. Việc phải ghi nhớ, chính là việc cái thềm nhà không cao, và việc đó thì tôi đã nhớ rồi. Ngay với trẻ em nó cũng không cao, đối với những thềm nhà khác mà nó đã biết, vì mãi nhìn thấy chúng mỗi ngày, vì đã từng đi lên đi xuống ở đó, đã từng chơi đùa trên các bực thềm, chơi trò xương bàn chân cừu và những trò khác mà ngay cả tên trò chơi nó cũng đã quên mất rồi. Vậy thì bực thềm đâu có nghĩa gì đối với một người trưởng thành, một người còn hơn trưởng thành nữa?


Vậy nên té xuống cũng không nặng lắm. Trong khi té tôi nghe cánh cửa đập, là điều an ủi cho tôi, ngay giữa lúc tôi bị té. Vì như vậy có nghĩa là người ta không đuổi theo tôi ra tận ngoài đường, với một chiếc gậy, để đập cho tôi mấy gậy, trước mắt những người qua lại. Vì nếu họ có ý định như vậy thì họ đã không đóng cửa lại, mà lại để cửa mở ra, để những người tụ lại ở phòng trước có thể thưởng thức sự trừng phạt và rút ở đó ra một bài học. Như vậy là lần này họ chỉ ném tôi ra ngoài, không làm gì hơn. Trước khi giữ thăng bằng được trong cái rãnh này, tôi đã có thì giờ để lý luận được như vậy.


Trong trường hợp này không có gì bắt buộc tôi phải đứng dậy liền cả. Tôi chống cùi chỏ trên lề, kỷ niệm thật lạ lùng, đặt lỗ tai tôi nằm gọn trong lòng bàn tay và tôi bắt đầu suy nghĩ về hoàn cảnh của tôi, dù nó cũng đã quen thuộc rồi. Tuy nhiên tiếng động của cánh cửa đang đập lại lần nữa, nhỏ hơn nhưng chắc chắn rõ ràng hơn, kéo tôi ra khỏi giấc mơ trong đó cả một khung cảnh đẹp đẽ đã được sắp xếp rồi, cả một khung cảnh với hoa bụp và hoa hồng hoang dã, rất là mộng mị, và tiếng động đó làm tôi ngẩng đầu lên, hai bàn tay để nằm xòe trên lề và hai nhượng chân căng thẳng ra. Nhưng đó chỉ là chiếc nón của tôi, đang bay lượn trên không về phía tôi, vừa bay vừa quay tròn. Tôi chụp được nó và đội lên đầu. Theo Chúa của họ thì như vậy là họ rất đứng đắn. Họ có thể giữ lại chiếc nón này, nhưng vì nó không phải của họ, mà là của tôi, vậy nên họ trả lại cho tôi. Nhưng niềm hân hoan kia đã tan mất.


Làm sao tả chiếc nón kia? Và tại sao? Khi đầu tôi lớn dần lên đến cái kích thước của nó mà tôi không nghĩ sẽ là kích thước nhất định, nhưng là tối đa, cha tôi bảo tôi, Đến đây, con ạ, ta sẽ mua nón con cho con, tựa như chiếc nón ấy đã có sẵn trước từ đời nào rồi, ở một nơi đã định. Ông đi thẳng đến chiếc nón. Tôi thì tôi chẳng có quyền phát biểu ý kiến gì cả, người bán nón cũng vậy. Tôi vẫn thường tự hỏi không hiểu cha tôi có ý định làm nhục tôi hay không, không hiểu ông có ganh với tôi vì tôi còn trẻ và đẹp, tóm lại, vì tôi tươi trẻ, trong khi ông đã già rồi và người thì phì nộn và tím ngắt. Bắt đầu từ ngày đó, ra đường tôi không còn được phép để đầu trần nữa, không còn được để những sợi tóc đẹp màu hạt dẻ của tôi bay theo gió nữa. Đôi khi đang đi trên một con đường khuất xa, tôi bỏ nón ra và cầm ở tay, nhưng vẫn run run. Tôi phải chải nón mỗi sáng và mỗi tối. Những thanh niên đồng lứa tuổi tôi, những kẻ thỉnh thoảng dù sao tôi cũng bắt buộc phải giao thiệp chế nhạo tôi. Nhưng tôi tự nhủ, cái nón đâu có gì đáng kể, chẳng qua chúng chỉ móc vào những câu nói đùa mà thôi, cũng như đối với một thằng lố bịch rõ rệt nhất, vì chúng không tế nhị thôi. Tôi vẫn luôn luôn ngạc nhiên về sự thiếu tế nhị của những người đồng lứa tuổi tôi, tôi với một tâm hồn quặn thắt tối ngày chỉ vì cứ mãi tìm hiểu mình. Nhưng có thể đó là sự tử tế, thuộc loại tử tế mà người ta đem chế giễu một người gù về chiếc mũi to của hắn. Khi cha tôi mất tôi có thể giải thoát mình được khỏi chiếc nón, không gì còn cản trở được nữa, thì tôi đã không làm gì hết. Nhưng làm sao tả chiếc nón? Để một lần khác vậy, một lần khác vậy.


Tôi lại đứng dậy và bắt đầu bước đi. Tôi chẳng biết được lúc đó tôi có thể bao nhiêu tuổi. Việc vừa xảy ra cho tôi cũng chẳng có gì để phải đánh dấu ngày tháng trong cuộc sống của tôi. Đó chẳng phải là cái nôi cũng chẳng phải là ngôi mộ của bất cứ cái gì. Đúng hơn nó giống như nhiều cái nôi khác, nhiều ngôi mộ khác đến nỗi tôi bị lạc trong đó. Nhưng tôi không nghĩ đã nói quá khi bảo rằng lúc đó tôi đang ở tuổi tráng niên, tuổi mà tôi nghĩ người ta gọi là có đầy đủ các năng khiếu. Đúng vậy, có đủ năng khiếu thì tôi có đủ đấy. Tôi đi qua đường và quay lại nhìn ngôi nhà vừa tống khứ tôi ra, tôi xưa nay khi bước đi lại không hề quay đầu lại bao giờ cả. Ngôi nhà đẹp biết bao! Trên các cửa sổ có những cây phong lữ. Suốt mấy năm nay tôi vẫn nghiêng mình trên những cây phong lữ đó. Chúng thật là tinh quái, mấy cây phong lữ kia, nhưng rốt cuộc tôi cũng thu xếp được theo ý tôi. Cửa lớn của ngôi nhà này, tuốt trên cao thềm nhà, tôi vẫn thường hay say sưa chiêm ngưỡng nó. Làm sao tả nó? Nó rất là đồ sộ, sơn màu xanh lá cây, và vào mùa hè người ta bọc cho nó một thứ vải bọc có sọc xanh lá cây và trắng với một cái lỗ có ló ra một cái búa kinh khủng bằng sắt luyện và một khe hở tương đương với khe hở của thùng thư với một tấm đồng có lò xo dùng để che bụi, sâu bọ và chim bạc má. Như vậy đó. Bên cạnh cửa có hai cột trụ cùng một màu, trụ bên phải có gắn chuông bấm. Các bức màn cửa thì thật là đẹp. Ngay làn khói tỏa lên từ một ống khói, ống khói ở nhà bếp, cũng dường như duỗi mình dài ra và tan biến đi với một vẻ buồn hơn khói những ngôi nhà lân cận, và xanh hơn nữa. Tôi nhìn cánh cửa sổ tôi ở tầng lầu ba, và là tầng chót, đang mở toang ra. Người ta đang lau chùi náo nhiệt ở bên trong. Trong vài giờ nữa người ta sẽ đóng cửa sổ lại, sẽ kéo màn xuống và người ta sẽ cho xịt formol. Tôi biết họ mà. Tôi sẵn sàng chết trong ngôi nhà này. Như trong một cơn ảo tưởng, tôi thấy cánh cửa lớn mở và hai chân tôi bước ra.


Tôi nhìn không chút ngại ngùng, vì tôi biết họ không rình tôi sau những bức màn cửa, như họ vẫn có thể rình nếu họ muốn. Nhưng tôi biết họ mà. Họ đã trở vào hết trong lỗ tổ ong của họ và mỗi người đang làm công việc của mình.


Thế tuy nhiên tôi có làm gì họ đâu.


Tôi không biết rõ thành phố, nơi sinh của tôi và nơi tôi đã bước những bước đầu tiên trong đời, và cả những bước chân khác nay đã xóa mờ dấu bước của tôi. Tôi ít ra đường quá! Thỉnh thoảng tôi đến chỗ cửa sổ, tôi vén màn lên và tôi nhìn ra ngoài. Nhưng liền sau đó tôi lại trở về phía cuối phòng, nơi có để chiếc giường. Tôi cảm thấy lúng túng, ở sâu trong bầu không khí đó, và lạc lõng bên lề những viễn ảnh vô số và mơ hồ. Nhưng hồi đó, tôi vẫn còn biết hành động, khi tuyệt đối cần thiết. Nhưng trước hết tôi đưa mắt nhìn lên trời, ở đó có sự cứu rỗi phi thường đến với ta, ở đó người ta không đánh dấu các đường đi, người ta đi dạo thênh thang tự do, như giữa một sa mạc. Ở đó dù nhìn về phía nào đi nữa cũng không có gì ngăn cản ta thấy, trừ giới hạn của tầm mắt. Cũng vì vậy nên khi nào mọi việc đều hỏng, tôi hay ngước mắt lên, thật ra thì điều này cũng tẻ nhạt thật nhưng tôi chẳng làm gì được, tôi hay ngước mắt lên nhìn cái bầu trời đang ngơi nghỉ kia, dù nó có mây, dù nó tối sẫm, dù nó bị che mờ bởi cơn mưa, bởi cái hỗn độn và mù tối của thành phố, của đồng quê, của mặt đất. Hồi còn trẻ tôi nghĩ là sống ở giữa đồng quê vẫn tốt, tôi đến miền đồng hoang Lunebourg. Tôi đến miền đồng hoang đó đầu óc đầy dẫy cả đồng quê. Cũng có những miền đồng hoang khác gần hơn nhiều, nhưng có một giọng nói nói với tôi, Chính Lunebourg là miền đồng hoang cần thiết cho ông, tôi vẫn không hay gọi xưng mình bằng anh anh tôi tôi. Phần tử lune chắc hẳn cũng có ý nghĩa gì đó. Vậy mà, miền đồng hoang Lunebourg chẳng có gì thích thú cả. Tôi từ đó trở về lòng đầy thất vọng và đồng thời cũng cảm thấy nhẹ nhõm. Vâng, tôi không biết vì sao, chứ tôi không bao giờ thất vọng, và lúc ban đầu tôi đã thường hay bị thất vọng, chưa bao giờ tôi bị thất vọng mà không cảm thấy đồng thời, hay một lúc sau đó, một sự nhẹ nhõm hiển nhiên.


Tôi bèn bước đi. dáng đi thật lạ lùng. Đôi chân cứng nhắc, tựa như là thiên nhiên đã từ chối không cho tôi hai đầu gối, hai bàn chân cách khoảng nhau một cách lạ lùng hai bên trục bước. Thân mình, trái lại, thì như do một lối cấu tạo bù trừ, nó mềm dẻo như một cái bao chứa đầy ngổn ngang những thứ vải xấu và nó đu đưa cuống cuồng theo những cái giật mạnh bất ngờ từng hồi ở mông. Tôi vẫn thường cố chữa những tật nói trên, cố duỗi thẳng ngực ra, bẻ gập đầu gối lại và kéo những bàn chân này ra trước những bàn chân kia, vì tôi có ít nhất là năm hay sáu bàn chân, nhưng lúc nào rốt cuộc cũng vẫn vậy, tôi muốn nói là bị mất thăng bằng, rồi sau đó bị ngã xuống. Ta phải bước đi mà không nghĩ đến điều ta đang làm, như ta thở dài, vậy mà khi tôi bước đi không suy nghĩ đến điều tôi đang làm thì tôi bước đi như tôi vừa mới nói ở trên, và khi tôi bắt đầu thận trọng giữ gìn thì tôi bước được vài bước khá chững chạc và rồi tôi lại ngã. Vậy nên tôi quyết định buông trôi. Theo ý tôi, cái dáng điệu đó, ít nhất cũng có một phần, là do một khuynh hướng mà tôi không bao giờ hoàn toàn thoát ra được, khuynh hướng mà những năm dễ cảm xúc của tôi, những năm đã hướng dẫn việc chế định tính tình, dĩ nhiên đã hết lòng đóng góp, tôi muốn nói đến thời kỳ kéo dài xa tít mù, giữa những bước sẩy chân, đàng sau một chiếc ghế, và lớp đệ tứ, lớp cuối cùng ban cổ điển của tôi. Vậy thì chính khi đái vãi hay ỉa đùn ra trong quần, là việc vẫn thường xẩy ra với tôi đều đều khoảng bắt đầu buổi sáng, vào mười giờ hay mười rưỡi, tôi đã có cái thói quen đáng buồn, là nhất quyết muốn tiếp tục và kết thúc ngày đó, như không có gì xẩy ra cả. Chỉ ý nghĩ thay áo quần, hay thổ lộ cho mẹ biết, mà mẹ thì lại vẫn chỉ muốn giúp tôi, tôi cũng đã không chịu nổi rồi, tôi không biết tại sao, và cho đến khi đi ngủ tôi vẫn kéo lê mình đi với cái kết quả sự phóng uế của tôi, ở giữa hai bắp vế nhỏ thó, hoặc dát vào hai mông, nóng bỏng, dòn rúm, hôi hám. Do đó mới có những động tác thận trọng kia, cứng nhắc và dang rộng hai chân và có sự đu đưa tuyệt vọng của cái ngực, chắc hẳn là để lừa phỉnh người khác, để làm cho người ta tin rằng tôi không có điều gì lo lắng, tôi vô cùng vui vẻ và linh hoạt, và cũng để làm cho hợp lý hơn những lời giải thích của tôi về sự cứng đơ vốn có cũa tôi mà tôi đã gán cho bệnh phong thấp gia truyền. Sự hăng hái trẻ trung của tôi, trong phạm vi mà tôi có được, vì thế đã tiêu hao đi, tôi trở nên chua cay, đa nghi, hơi sớm một tí, chỉ ham mê lủi trốn và nằm dài. Những cách giải quyết vụng kém của tuổi trẻ thật chẳng giải quyết được gì cả. Vậy nên ta chẵng có gì phải ngại ngùng. Chúng ta hãy cứ suy luận đừng có sợ hãi, sương mù sẽ vẫn không tan đâu.


Trời hôm ấy đẹp. Tôi tiến đi giữa đường phố, cố hết sức để đi sát lề đường. Cái lề đường lớn nhất không bao giờ lớn đủ đối với tôi, khi tôi hoạt động, và tôi sợ kinh khủng phải làm khó chịu những người lạ. Một viên cảnh binh chận tôi lại và bảo, Mặt đường dành cho xe cộ, lề đường dành cho bộ hành. Nghe vậy người có thể sẽ bảo là một câu trong kinh cựu ước. Vậy thì tôi lên lề đường, và gần như xin lỗi, và trên lề, giữa một cuộc xô lấn không làm sao tả được, tôi giữ mình được chừng hai mươi bước, cho đến lúc tôi phải ngã xuống đất, để khỏi đè bẹp một đứa bé. Nó mang một bộ yên cương nhỏ, tôi nhớ như vậy, với những quả chuông bé tí, chắc hẳn nó tưởng mình là một con ngựa con, hay một con ngựa xứ Perche,[1] tại sao không thể được. Lẽ ra tôi đã thích thú đè bẹp nó rồi, tôi ghét thậm tệ trẻ con, vả lại như vậy cũng để giúp ích cho nó, nhưng tôi sợ trả thù. Mọi người đều là họ hàng bà con, chính điều đó đã cấm không cho ta hy vọng. Trên các đường phố có nhiều người qua lại, ta phải đặt những lối đi dành riêng cho lũ trẻ con khốn nạn đó, cho những chiếc xe của chúng, những vòng lăn, những kẹo mút, những chiếc xe hai bánh, bàn đạp có bánh, ba, má, vú em, những quả bóng, cả cái hạnh phúc khốn nạn bé nhỏ của chúng ấy mà. Vậy thì tôi ngã xuống và đã kéo ngã theo một bà già mặc áo kết đầy ren và kim tuyến, chắc hẳn cân cũng vào khoảng hai trăm cân. Những tiếng la thất thanh của bà chẳng mấy chốc đã gây ra được một nhóm người tụ lại. Tôi hy vọng bà ta bị gãy xương đùi, những bà già thì vẫn thường hay dễ bị gãy xương đùi, nhưng mong không nặng lắm, không nặng lắm. Tôi lợi dụng sự hỗn độn để bỏ trốn, miệng thốt ra những lời nguyền rủa khó hiểu, làm như chính tôi là nạn nhân, và tôi là nạn nhân thật đấy, nhưng lại không thể chứng tỏ điều đó. Không bao giờ người ta lại xử tại trận tụi con nít, những em bé, dù chúng có làm gì chăng nữa chúng cũng được minh oan trước rồi. Tôi thì tôi muốn treo cổ chúng chết một cách vui thú, tôi không muốn bảo là tôi sẽ bắt tay vào việc đâu, không, tôi không phải là một thằng hung hăng, nhưng tôi sẽ khuyến khích những người khác và tôi sẽ đãi họ một chầu khi xong xuôi. Nhưng vừa mới bắt đầu lại cuộc chạy bọc hậu vờn qua vờn lại thì tôi bị chận lại ngay bởi một viên cảnh sát thứ nhì, hoàn toàn giống viên cảnh sát thứ nhất, đến nỗi tôi đã tự hỏi phải chăng ông này cũng chính là ông kia. Ông ta lưu ý tôi rằng lề đường dành cho mọi người, làm như dĩ nhiên là tôi không thể được đồng hoá với loại này vậy. Thế, tôi nói mà không hề nghĩ một phút nào đến Héraclite, chắc ông muốn tôi xuống dưới mương mà đi? Ông muốn xuống đâu thì xuống, ông ta bảo, nhưng đừng có đi khắp cùng cả như vậy. Tôi nhắm môi trên của ông ta, môi có ít nhất là ba phân bề dày, và tôi thổi vào. Tôi làm như vậy một cách tự nhiên, tôi nghĩ thế, cũng như một người bị những biến cố dồn ép dữ dội thốt ra một tiếng thở dài não nuột. Nhưng ông ta không nhúc nhích. Chắc hẳn ông đã quen với những vụ mổ khám tử thi, hay những vụ khai quật. Nếu ông bất cần đi lại như mọi người, ông ta bảo, thì tốt hơn ông nên ở nhà. Chính Ċó cũng là ý kiến của tôi. Và việc ông ta thêm cho tôi một ý kiến như vậy chẳng có gì làm phật lòng tôi. Vừa lúc đó có một đoàn xe tang đi qua, như thỉnh thoảng ta vẫn thấy. Những chiếc nón đảo lên đảo xuống náo động đồng thời với muôn ngàn ngón tay nhấp nhánh. Riêng tôi, nếu tôi phải làm dấu thánh giá thì tôi sẽ cố làm dấu một cách đúng đắn, phía trên mũi, rốn, vú bên trái, và bên phải. Nhưng họ, với những cái lướt qua vội vàng và mơ hồ của họ, họ làm dấu bằng một loại thánh giá hình cầu, chẳng giữ ý một tí nào cả, đầu gối để dưới cằm và hai bàn tay đưa lung tung. Những người hăm hở nhất đứng bất động và thốt ra những tiếng lầm bầm trong miệng. Còn viên cảnh sát, ông ta đứng đông cóng lại, mắt nhắm nghiền, bàn tay để trên nón képi. Trong các cỗ xe ngựa của đoàn xe tang, tôi thoàng thấy người ta đang nói chuyện náo nhiệt, chắc hẳn họ đang gợi lại những đoạn đời của ông hay bà gì đã chết đó. Dường như tôi có nghe nói rằng yên ngựa cỗ xe tang không được sửa soạn cùng giống nhau trong hai trường hợp, nhưng tôi chưa bao giờ biết là khác nhau ở chỗ nào. Những con ngựa đánh rắm và vấy đầy phân như chúng ỉa chảy vậy. Tôi chẳng thấy ai quỳ gối cả.


Nhưng ở đây chuyến đi cuối cùng mau lắm, ta có bước vội cũng vô ích, chiếc xe ngựa cuối cùng, chiếc dành cho gia nhân, bỏ ta lại một mình, không còn chuyện nghỉ ngơi nữa, mọi người trở lại cuộc sống, ta lại phải lo chừng mọi thứ. Thế là tôi lại dừng lại một lần thứ ba, hoàn toàn theo ý tôi, và lên một chiếc xe ngựa. Những xe tôi vừa thấy đi qua, chở đầy những người đang bàn luận sôi nổi, chắc hẳn đã làm tôi khích động mạnh. Chiếc xe là một cái hộp lớn màu đen, nhún nhẩy trên những chiếc lò xo, những cửa sổ thì nhỏ, người ta ngồi co quắp trong một góc, nó có mùi hôi mốc. Tôi cảm thấy cái nón tôi chạm nhẹ trên mui xe. Một lúc sau, tôi cúi mình về phía trước và đóng các cửa kính lại. Rồi tôi lại về chỗ cũ, quay lưng ra hướng xe đi. Tôi sắp thiu thiu ngủ thì một giọng nói làm tôi giật nẩy mình, giọng của tên đánh xe ngựa. Hắn đã mở cửa rồi, chắc hắn đã thất vọng vì qua cửa kính không làm sao nói cho tôi nghe được. Tôi chỉ thấy được bộ râu mép của hắn. Đi đâu? hắn hỏi. Hắn đã xuống khỏi chỗ ngồi của hắn cốt ý để hỏi tôi như vậy. Thế mà tôi lại cứ tưởng là đã đi xa rồi chứ! Tôi suy nghĩ, cố tìm trong trí nhớ tên một con đường, hay một đền đài nào đó. Xe ông có bán không? tôi hỏi. Tôi nói thêm, Không kể con ngựa ấy. Tôi sẽ làm gì với một con ngựa? Nhưng tôi sẽ làm gì với một chiếc xe ngựa chứ? Hay tôi chỉ có thể nằm dài trong đó thôi? Ai sẽ mang đồ ăn đến cho tôi? Đến Sở thú, tôi bảo. Ít khi trong những thành phố chính mà lại không có Sở thú. Tôi nói thêm, Ông đừng đi nhanh quá đấy. Hắn cười. Gợi ra nơi hắn cái ý nghĩ là hắn có thể đi nhanh đến Sở thú chắc đã làm hắn thích thú. Trừ phi hắn thấy trước rằng sẽ không có xe. Trừ phi đó chỉ là tôi, là chính con người tôi, mà sự hiện diện trong chiếc xe ngựa chắc đã biến hoá nó, đến độ khi trông thấy tôi, cái đầu nằm trong bóng tối của mui xe và hai đầu gối để sát nơi cửa kính, tên đánh xe có lẽ đã tự hỏi phải chăng đó thật là chiếc xe ngựa của mình, phải chăng đó thật là một chiếc xe ngựa. Hắn nhìn ngay con ngựa, yên tâm. Nhưng có bao giờ người ta biết được tại sao chính mình cười không? Cái cười của hắn dù sao cũng ngắn, là điều dường như đã làm tôi không bàn cãi nữa. Hắn đóng cửa lại và bước lên chỗ ngồi. Một lúc sau, con ngựa chuyển động.


Vâng, hồi đó tôi còn một ít tiền. Số tiền nho nhỏ mà cha tôi đã để lại cho tôi, như một món quà, không điều kiện, hồi ông mất, bây giờ tôi tự hỏi không hiểu người ta có đánh cắp của tôi không. Sau đó tôi không còn tiền nữa. Đời sống tôi không vì vậy mà bớt kéo dài, và nó lại còn kéo dài theo như ý tôi, nghĩa là đến một điểm. Cái bất tiện lớn của tình trạng nói trên, mà người ta có thể định nghĩa như sự tuyệt đối không thể mua gì được, là nó bắt ta vận động. Tỉ dụ, khi ta thật không có tiền, ít khi ta có thể bảo người khác thỉnh thoảng mang đồ ăn lại cho ta đến tận nơi ta ẩn náu. Vậy thì ta bắt buộc phải đi ra ngoài và vận động, ít nhất là mỗi tuần một ngày. Trong trường hợp đó, ta chẳng có một chút gì khéo léo cả, vì bị bắt buộc. Bởi vậy nên tôi đã biết hơi trễ một tí là người ta đang kiếm tôi, về một việc liên quan đến tôi. Tôi không biết là do đường nào nữa. Tôi không đọc báo và tôi cũng không nhớ đã có nói chuyện với bất cứ ai, trong những năm đó, có lẽ trừ ba hay bốn lần, về vấn đề thức ăn. Rốt cuộc chắc tôi đã phong phanh biết được chuyện đó, bằng cách này hay cách khác, nếu không tôi đã không đến có mặt ở văn phòng Luật sư Nidder, có nhiều tên mà người ta không thể quên được kể cũng lạ, và ông ta cũng đã không bao giờ tiếp tôi. Ông ta coi kỹ lý lịch tôi. Cũng khá lâu. Tôi chỉ cho ông xem những chữ đầu tên tôi bằng kim loại bên trong chiếc nón tôi, chúng chẳng chứng tỏ được gì hết, song cũng làm mạnh thêm những gì có thể tin là đúng. Ông ký vào đi, ông ta bảo. Ông đùa nghịch trên tay một cái thước hình trụ người ta có thể dùng đập chết một con bò. Ông đếm đi, ông ta bảo. Một người đàn bà còn trẻ, có lẽ thuộc loại kiếm tiền, đã có tham dự cuộc nói chuyện này, chắc hẳn với tư cách là người chứng. Tôi nhét đống giấy vào túi. Ông lầm đấy, ông ta bảo. Tôi nghĩ lẽ ra ông ta nên bảo tôi đếm trước khi bảo tôi ký, như vậy chắc là đúng hơn. Khi cần, ông ta bảo, tôi có thể tìm gặp ông ở đâu? Khi xuống dưới cầu thang tôi chợt nghĩ đến một điều. Một lúc sau tôi trở lên hỏi ông ta tiền này do đâu mà đến tay tôi, và nói thêm là tôi có quyền biết điều này. Ông ta nói một tên đàn bà mà tôi đã quên mất. Có lẽ bà ta đã từng đặt tôi ngồi lên đùi khi tôi hãy còn bọc tã và có lẽ tôi cũng đã từng vuốt ve bà ta. Có khi như thế cũng đã đủ. Tôi nói rõ, là còn bọc tã, vì sau đó thì những chuyện vuốt ve cũng đã chậm trễ quá rồi. Vậy thì nhờ có số tiền đó mà tôi còn lại được một ít. Rất ít. Đem chia cho những năm sắp tới của đời tôi, thì số tiền chẳng có gì cả, trừ phi những dự đoán của tôi vì bi quan mà đi quá xa. Tôi đập vào miếng ván ngăn bên cạnh chiếc nón tôi, ngay sau lưng tên đánh xe ngựa nếu như tôi đã tính đúng. Một đám bụi từ trong đệm nhồi bông bay ra. Tôi lấy trong túi một hòn đá và tôi cầm nó đập cho đến khi chiếc xe ngựa dừng lại. Tôi để ý thấy chiếc xe không đi chậm từ từ lại, như phần đông các xe cộ ta vẫn thấy, trước khi đứng bất động. Không, chúng tôi dừng lại ngay. Tôi chờ đợi. Chiếc xe ngựa rung rung. Trên chỗ ngồi cao của mình, chắc hẳn tên đánh xe đang lắng tai nghe. Tôi trông thấy con ngựa như là thấy bằng mắt trần của mình. Con vật không có cái dáng điệu phờ phạc của những lúc nghỉ chân ngắn ngủi nhất, nó vẫn chăm chú, hai tai dựng đứng. Tôi nhìn qua cửa sổ, chúng tôi lại chuyển động. Tôi lại đập vào tấm ván ngăn, cho đến khi chiếc xe ngựa ngừng lại lần nữa. Tên đánh xe vừa bước xuống khỏi chỗ ngồi vừa nguyền rủa. Tôi hạ kính xuống để hắn khỏi nghĩ đến việc mở cửa ra. Nhanh hơn nữa, nhanh hơn nữa. Mặt hắn đỏ hơn, bảo rằng tím thì cũng thế. Vì cơn giận, hay vì gió tạt khi xe chạy. Tôi bảo hắn là tôi thuê hắn nguyên ngày. Hắn trả lời rằng hắn phải đưa một đám ma đi vào ba giờ. Ôi những người chết. Tôi bảo hắn là tôi không muốn đến Sở thú nữa. Thôi ta đừng đến Sở thú nữa, tôi bảo vậy. Hắn trả lời đi đâu đối với hắn cũng vậy thôi, miễn là đừng xa quá, vì sợ con vật của hắn không đi được. Và thế là hắn ta ba hoa với tôi về đặc tính của ngôn ngữ của những người cổ lỗ. Tôi hỏi hắn có biết một tiệm ăn nào không. Tôi nói thêm. Ông sẽ ăn với tôi. Tôi cũng thích ngồi ăn với một khách quen, ở những nơi như thế. Có một cái bàn dài nằm giữa hai chiếc băng nhỏ cùng y chiều dài. Qua chiếc bàn hắn kể cho tôi nghe về cuộc đời hắn, về vợ hắn, về con vật, rồi lại về cuộc đời hắn, cuộc đời tàn bạo của hắn, cái chính là do tính tình của hắn. Hắn hỏi tôi có biết câu này nghĩa là gì không, mưa nắng gì cũng ở ngoài đường. Tôi biết được là còn có những tên đánh xe ngựa khác cả ngày chỉ ủ thân trong chiếc xe ngựa ngồi bến, đợi có khách đến lay dậy. Ngày xưa có thể làm như vậy, nhưng bây giờ phải có những phương pháp khác nếu ta còn muốn sống đến ngày cuối cuộc đời. Tôi phác hoạ cho hắn biết hoàn cảnh của tôi, những gì tôi đã mất và những gì tôi đang tìm kiếm. Cả hai chúng tôi đã cố hết sức để hiểu, để giải thích. Hắn hiểu được là tôi đã mất căn phòng và tôi cần có một căn phòng khác, nhưng phần còn lại thì hắn chẳng hiểu gì cả. Hắn đinh ninh trong trí, và không gì có thể làm hắn bỏ được ý nghĩ đó, là tôi đang kiếm một căn phòng có cả đồ đạc. Hắn móc trong túi ra một tờ báo chiều hôm trước, hay có lẽ hôm kia nữa, và cho mình có bổn phận phải đọc khắp hết các mục rao vặt mà hắn lấy một cây bút chì nhỏ xíu gạch dưới năm hay sáu mục, cũng cây bút chì mà hắn vẫn run run gạch tên những người sẽ thắng cuộc. Chắc hẳn hắn gạch dưới những mục mà nếu ở địa vị tôi hắn cũng sẽ gạch, hay có lẽ những mục đưa chúng tôi trở lại cùng khu phố này, vì con vật của hắn không đi xa được. Chắc tôi chỉ làm hắn bối rối khi bảo với hắn rằng, về đồ đạc trong phòng tôi, tôi chỉ chấp nhận có mỗi cái giường và trước khi tôi thuận đặt chân vào đó, những đồ khác phải được đem ra hết, cho đến cái bàn nhỏ đầu giường cũng vậy. Vào khoảng ba giờ, chúng tôi đánh thức con ngựa dậy và lại lên đường. Tên đánh xe đề nghị tôi lên ngồi trên chỗ bên cạnh hắn, nhưng từ nãy đến giờ tôi đã nghĩ đến chỗ bên trong chiếc xe ngựa rồi và tôi lại vào ngồi chỗ cũ. Chúng tôi đi viếng hết chỗ này đến chỗ khác, một cách có phương pháp, tôi hy vọng thế, những địa chỉ mà hắn có gạch ở dưới. Một ngày đông ngắn ngủi đã sắp tàn. Thỉnh thoảng tôi thấy dường như chỉ có nhữ g ngày đó là những ngày mà tôi biết đến, và nhất là những giây phút êm đẹp này, phút giây đến trước lúc tàn đêm. Những địa chỉ mà hắn đã gạch ở dưới hay nói đúng hơn hắn đã đánh dấu chữ thập, như những người bình dân vẫn thường làm, hắn tuần tự đem gạch chéo một đường mỗi khi thấy không vừa ý. Hắn đưa tờ báo cho tôi sau đó, và bảo tôi giữ nó cho tôi để chắc chắn khỏi tìm lần nữa đến những nơi mà tôi đã phí công tìm đến rồi. Dù những cửa kính đã đóng, dù có những tiếng kẽo kẹt của chiếc xe và tiếng ồn ào của xe cộ qua lại, tôi vẫn nghe hắn hát một mình trên cao nơi chỗ ngồi của hắn. Hắn thích đưa tôi đi hơn đi đưa một đám ma, đó là một sự kiện sẽ vĩnh viễn kéo dài. Hắn vẫn hát. Nàng ở xa miền đất mà chàng thanh niên oai hùng của nàng đang an nghỉ, lời ca tôi chỉ nhớ có bấy nhiêu đó thôi. Mỗi khi dừng xe hắn bước xuống khỏi chỗ ngồi hắn và giúp tôi bước xuống khỏi chỗ ngồi tôi. Tôi bấm chuông ở chỗ cửa hắn chỉ cho tôi và đôi khi tôi biến mất phía trong nhà. Lại đứng giữa một ngôi nhà bao quanh mình, sau một thời gian quá lâu như thế, tôi còn nhớ, cảm giác tôi bấy giờ thật là kỳ cục. Hắn đợi tôi trên lề đường và giúp tôi bước lên xe lại. Tôi bắt đầu thấy mệt vì tên đánh xe này rồi. Hắn lại trèo lên chỗ ngồi và chúng tôi lại đi. Có một lần nào đó một chuyện đã xảy ra như thế này. Hắn ngừng lại. Tôi giật mình tỉnh dậy và sửa soạn cách bước xuống. Nhưng hắn không đến mở cửa và đưa cánh tay cho tôi, nên tôi bắt buộc phải bước xuống xe một mình. Hắn thắp các cây đèn treo. Tôi thích những ngọn đèn dầu lửa, dù cùng với những ngọn nến đó là những thứ ánh sáng đầu tiên mà tôi đã được biết, nếu tôi không kể đến những ngôi sao. Tôi hỏi hắn tôi có thể thắp ngọn đèn thứ hai không, vì ngọn đén thứ nhất chính hắn đã thắp rồi. Hắn đưa cho tôi bao diêm của hắn, tôi mở tấm kính nhỏ mặt lồi đặt trên đường bản lề, tôi thắp đèn và tôi đóng lại liền, để cho bấc đèn cháy êm thắm và xán lạn ấm áp trong căn nhà nhỏ tí của nó, nằm kín gió. Tôi có được niềm vui đó. Dưới ánh sáng những ngọn đèn treo, chúng tôi chẳng trông thấy gì cả, chỉ mơ hồ thấy hình dáng hai bên con ngựa, nhưng đứng từ xa người ta cũng thấy được, hai vệt vàng cách nhau lả lướt di động một cách chậm chạp. Khi con vật trước xe quẹo, người tay thấy một con mắt, đỏ hay xanh tuỳ trường hợp, con mắt hình thoi mặt lồi trong sáng và sắc sảo như trong một cánh cửa sổ lớn có lắp kính màu.


Sau khi kiểm xét địa chỉ cuối cùng, tên đánh xe đề nghị giới thiệu tôi vào một khách sạn quen của hắn, ở đó tôi sẽ được dễ chịu. Như vậy là vững rồi, tên đánh xe, khách sạn, y như có thật vậy. Được hắn gửi gắm tôi sẽ không thiếu gì cả. Có đủ mọi tiện nghi, hắn vừa nói vừa nháy mắt. Tôi định vị trí cuộc nói chuyện này trên lề đường, trước ngôi nhà mà tôi vừa bỏ đi ra. Tôi còn nhớ, dưới ngọn đèn treo, cái sườn hũng sâu và hơi ẩm của con ngựa và bàn tay của tên đánh xe đeo găng len trên chỗ nắm cánh cửa xe. Tôi cao hơn mui chiếc xe ngựa hẳn một cái đầu. Tôi đề nghị hắn vào uống một ly. Con ngựa suốt cả ngày nay chưa ăn uống gì cả. Tôi lưu ý tên đánh xe điều đó và hắn trả lời ngựa hắn chỉ ăn nghỉ lại sức một khi trở về chuồng thôi. Nếu nó ăn một cái gì, dù là một trái táo hay một miếng đường, trong khi kéo xe, nó sẽ bị đau bụng và ỉa chảy làm nó không thể đi xa hơn và còn có thể giết chết nó nữa. Vậy nên hắn buộc phải thắt hai hàm con vật bằng một sợi dây đai da, mỗi khi vì lý do này hay vì lý do nọ hắn ở xa không nhìn thấy con vật, để hắn khỏi bị hại bởi lòng tốt của những người qua lại. Sau vài ly, tên đánh xe yêu cầu tôi cho hắn và vợ hắn cái hân hạnh được mời tôi đến nghỉ đêm tại nhà hắn. Nhà không xa. Khi suy nghĩ lại, bằng cái lợi thế tính ngược về trước mà ai cũng biết, tôi cho rằng ngày hôm đó hắn chỉ đi quanh quẩn quanh nhà hắn. Gia đình hắn sống bên trên một căn nhà để xe ở phía cuối một cái sân. Chỗ rất tốt, đối với tôi như vậy là được rồi đấy. Sau khi giới thiệu tôi với vợ hắn, một người đàn bà mông lớn kinh khủng, hắn bỏ chúng tôi lại đó. Một mình với tôi, bà ta không có vẻ tự nhiên. Tôi hiểu bà ta, trong những trường hợp đó tôi không lúng túng. Không có lý do gì để cảnh này chấm dứt hay kéo dài cả. Vậy thì cần phải chấm dứt. Tôi bảo là tôi đi xuống nhà để xe và ngủ. Tên đánh xe ngựa phản đối. Tôi vẫn cố nài. Hắn lưu ý vợ hắn xem một cái nhọt của tôi trên chóp đầu, vì do lịch sự tôi đã bỏ nón ra. Phải đem mổ đi, bà ta bảo. Tên đánh xe nêu tên một vị bác sĩ mà hắn ta rất kính phục và đã từng chữa cho hắn hết bón. Nếu ông ta muốn ngủ trong nhà để xe, bà ta nói, thì ông ta cứ việc ngủ trong nhà để xe. Tên đánh xe lấy cây đèn trên bàn và đi trước dẫn tôi đến cầu thang đi xuống nhà để xe, đúng hơn đó là một cái thang, bỏ mặc vợ hắn đứng trong bóng tối. Hắn trải một tấm vải phủ ngựa trong một góc dưới đất, trên đống rạ, và để lại cho tôi một bao diêm, trong trường hợp tôi cần thấy rõ trong đêm tối. Tôi không còn nhớ con ngựa đã làm gì trong suốt thời gian đó. Nằm dài trong bóng tối, tôi nghe tiếng động nó gây ra khi nó uống nước, tiếng động rất đặc biệt, tiếng những con chuột đột ngột chạy vụt ra và phía trên đầu tôi những tiếng nói bị nghẽn giọng của tên đánh xe và vợ hắn đang còn phê bình tôi. Tôi cầm bao diêm ở tay, một bao diêm Thuỵ điển lớn. Nửa đêm tôi thức dậy và quẹt một que. Ngọn lửa ngắn ngủi của que diêm cho phép tôi định chỗ chiếc xe ngựa. Đột nhiên tôi thấy muốn đốt căn nhà để xe, rồi ý muốn lại biến đi liền. Tôi tìm thấy chiếc xe ngựa trong bóng tối, tôi mở cửa, những con chuột Ị trong chạy ra, tôi bước vào. Khi nằm xuống tôi để ý thấy liền là chiếc xe ngựa không còn thăng bằng nữa, chắc chắn nó phải như vậy thôi, khi càng xe dựng xuống đất. Như vậy càng tốt, tôi có thể nằm ngả người, chân để cao hơn đầu bên chiếc băng kia. Nhiều lần trong đêm tôi cảm thấy con ngựa nhìn tôi qua cửa sổ xe, và hai mũi nó thở phì phì. Dây cương tháo hết chắc hẳn nó thấy sự hiện diện của tôi trong xe là lạ lùng lắm. Tôi lạnh, vì tôi quên không cầm theo tấm vải phủ, nhưng không lạnh lắm để có thể đi kiếm để đem lại đây. Từ cửa sổ chiếc xe ngựa, tôi trông thấy cửa sổ căn nhà để xe, mỗi lúc một rõ hơn. Tôi đi ra khỏi xe. Nhà xe giờ đây ít tối hơn, tôi thoáng thấy cái máng chứa đồ ăn, máng cỏ, bộ yên cương được treo lên, còn gì nữa, những cái thùng và những cái bàn chải. Tôi đi đến cánh cửa lớn nhưng không mở ra được. Con ngựa đưa mắt nhìn theo tôi. Vậy chẳng lẽ những con ngựa, chúng không bao giờ ngủ sao? Tôi thấy dường như lẽ ra tên đánh xe nên buộc nó lại, trước máng đồ ăn chẳng hạn. Vậy nên tôi bắt buộc phải trèo cửa sổ ra. Không phải dễ đâu. Nhưng có gì mà lại dễ? Tôi đưa đầu ra trước, bàn tay tôi đã để xoè trên mặt đất ngoài sân mà hai hông tôi hãy còn quằn quại, bị kẹt giữa khung cửa. Tôi còn nhớ những cụm cỏ mà tôi đã đưa hai tay kéo bứt để thoát ra được. Đáng lẽ tôi nên bỏ áo choàng ra và vứt nó qua cửa sổ, nhưng phải nghĩ ra trước mới được. Vừa mới ra khỏi sân thì tôi chợt nghĩ đến một điều gì đó. Cơn mệt. Tôi nhét một tờ giấy bạc trong bao diêm, tôi trở vào trong sân và tôi để bao diêm lên thành cửa sổ mà tôi vừa mới leo qua. Con ngựa đứng ngay nơi cửa sổ. Nhưng mới bước được vài bước ngoài đường, tôi quay trở vào trong sân và lấy lại tờ giấy bạc. Diêm thì tôi để lại, không phải của tôi. Con ngựa vẫn còn đứng ở cửa sổ. Tôi thấy rõ cả cái lưng con ngựa này. Bình minh hơi ló dạng. Tôi không biết tôi đang ở đâu nữa. Tôi theo phía mặt trời mọc đi tới, nhắm chừng qua loa thôi, để mau được sáng rõ. Tôi muốn thấy chân trời ngoài khơi hay trong sa mạc hơn. Buổi sáng, khi tôi ở ngoài trời, tôi ra đón mặt trời, và buổi chiều, khi tôi ở ngoài trời, tôi đi theo nó, và theo đến tận thế giới của người chết. Tôi không hiểu tại sao tôi đã kể câu chuyện này. Tôi cũng có thể kể một chuyện khác được lắm chứ. Có lẽ một lần khác tôi sẽ có thể kể một câu chuyện khác. Hỡi các người sống trên trần gian, các người sẽ thấy là chuyện nào cũng giống nhau cả.





-----------------------

Dịch từ nguyên tác tiếng Pháp "L’expulsé" của Samuel Beckett – trong Nouvelles et Textes pour rien (Les Editions de Minuit, 1958), với 6 minh họa bằng bút sắt của họa sĩ Avigdor Arikha, cũng là một trong những bạn thân thiết của Beckett... "L’expulsé" là một truyện ngắn viết trong vòng một tuần lễ, khoảng 1945-1946, được đăng lần đầu tiên trên tạp chí văn nghệ Fontaine, số 57, Paris, 12.1946 – 01.1947. Samuel Beckett có lần phát biểu là ba truyện ngắn viết năm 1946 của mình, "L’expulsé", "Le Calmant" và "La fin", có thể tuần tự được gọi là “Son trẻ”, “Chết”, và “Mơ hồ”. Ba truyện ngắn này thường được các nhà phê bình, và cả những người đọc tài tử, ghép chung với "Premier amour" bởi nhiều lý do: bốn truyện kể sui generis [độc nhất vô nhị] này cùng kể chuyện bằng ngôi thứ nhất [với nhân vật độc thoại đều là những người cô đơn và ít nhiều đều ở trong hoàn cảnh bị trục xuất hay bị ruồng bỏ], cùng có thứ ngôn ngữ hài bất hủ, và nhất là đều buồn cái buồn man mác của con người. Có thể nói bốn truyện kể trên, cùng với "Mercier et Camier", đánh dấu một khám phá mới về ngôn ngữ, khái niệm, và quang cảnh Beckett trong nghệ thuật truyện ngắn và tiểu thuyết, mở ra những Molloy, Malone meurt, L’Innommable sau đó.

Bản dịch "Kẻ bị trục xuất" đã được đưa vào Tuyển tập các nhà văn Pháp hiện đại, 328 trang, Nhà xuất bản Trình bầy, Saigon, 1969
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên​


910.jpg


Marcel Proust (1871-1922)​




NHƯ DƯỚI ÁNH TRĂNG​


Đêm đã đến, tôi vào phòng ngủ, trong lòng âu lo vì giờ đây phải nằm trong bóng tối, không còn trông thấy được bầu trời, những cánh đồng và biển khơi lấp lánh dưới ánh nắng. Nhưng khi tôi mở cửa, tôi thấy cả căn phòng toả rực áng sáng như trong buổi hoàng hôn. Qua cửa sổ tôi trông thấy ngôi nhà, những cánh đồng, bầu trời và biển cả, hay đúng hơn những thứ đó tôi như “thấy lại trong giấc mơ”; mặt trăng êm dịu đã nhắc tôi nhớ đến chúng chứ không phải đã cho tôi thấy chúng, trong khi trăng tỏa rộng trên hình dạng chúng một thứ ánh sáng nhạt màu không làm tan mất bóng đêm, bóng đêm lúc đó dày đặc như một mối quên lãng trên hình thể những cảnh tượng đó. Và tôi đã ngồi hàng giờ nhìn trong sân nhà cái kỷ niệm câm lặng, mơ hồ, tươi vui và đã mờ phai của những sự vật vào buổi ban ngày đã làm tôi vui sướng hay khổ đau, với những tiếng thét của chúng, những giọng nói của chúng hay tiếng lao xao âm ỉ của chúng.

Tình yêu đã tắt, tôi lo sợ trên ngưỡng cửa quên lãng; nhưng rồi cũng lắng dịu, hơi mờ nhạt, gần kề bên tôi mà lại cũng xa xôi và mơ hồ, tựa như dưới ánh trăng, tất cả những niềm hạnh phúc đã qua và những mối đau buồn đã được khuây nguôi của tôi nay lại nhìn tôi và nín lặng. Cái im lặng của những vui buồn đó làm tôi xúc động tuy nó xa cách và phai nhạt như vậy làm tôi cảm thấy một nỗi ngất ngây buồn bã mà thi vị. Và tôi không thể nào không nhìn mãi ánh trăng kia trong lòng tôi.
 
KHÚC NGUYỆT CẦM​



1​



Hơn cả những cơn mệt dọc đường, ký ức và mối lo ngại về những sự khó tính của cha tôi, sự lãnh đạm của Pia, sự hung hăng của những kẻ thù tôi đã làm tôi kiệt sức. Ban ngày, bên cạnh Assunta, tiếng hát của nàng, sự dịu dàng của nàng đối với tôi mà ít khi nàng có được, vẻ đẹp của nàng màu trắng, màu nâu và màu hồng, mùi thơm còn giữ lại trong từng cơn gió biển, cái lông cắn trên nón nàng, những hạt trai trên cổ nàng đã làm tôi khuây nguôi. Nhưng, vào khoảng chín giờ tối, tôi cảm thấy nặng nề khó chịu, tôi bảo nàng lấy xe trở về và để tôi ở lại nghỉ ngơi ngoài trời một tí. Lúc đó chúng tôi đã tới gần Honfleur; chọn nơi này thật là tốt, sát bên một bức tường, ngay chỗ đi vào hai con đường lớn có những cây cao chắn gió, không khí thật êm dịu; nàng bằng lòng và bỏ tôi lại đó. Tôi nằm dài trên bãi cỏ, mặt hướng lên bầu trời tối; được ru ngủ bởi tiếng sóng của biển khơi mà tôi nghe phía sau tôi nhưng không trông rõ được trong đêm tối. Chẳng mấy chốc tôi đã ngủ thiếp đi.

Liền đó tôi mơ thấy trước mặt tôi bóng mặt trời lặn đang chiếu sáng bãi cát và mặt biển ở phía xa. Hoàng hôn phủ xuống, và tôi thấy dường như đó là một buổi mặt trời lặn và một buổi hoàng hôn như tất cả những buổi hoàng hôn và tất cả những buổi mặt trời lặn khác. Nhưng bấy giờ có người đem đến cho tôi một lá thư, tôi muốn mở ra đọc mà không trông rõ được gì hết. Chỉ lúc đó tôi mới chợt thấy rằng dù ánh sáng in xuống chói chang và tỏa rộng, trời vẫn rất tối đen. Ánh mặt trời lặn hôm đó mờ nhạt một cách lạ lùng, chói lọi mà không có ánh sáng, và trên bãi cát được chiếu rõ một cách thần diệu có tụ lại nhiều bóng tối đến nỗi tôi cần phải làm một cố gắng khó nhọc mới nhận ra được một vỏ ốc. Trong cảnh hoàng hôn đặc biệt cho những giấc mộng này, thật giống như một buổi mặt trời lặn bệnh hoạn và nhạt màu trên một bãi cát gần bắc cực. Những nỗi buồn khổ của tôi đột nhiên tan biến; những quyết định của cha tôi, những tình cảm của Pia, ác ý của những kẻ thù tôi vẫn còn chế ngự tôi, nhưng không còn áp đảo tôi, như một sự cần thiết tự nhiên và đã không còn quan hệ. Sự mâu thuẫn của cái rực rỡ tối mù đó, phép mầu nhiệm trong giây phút thần diệu làm ngưng những nỗi đau đớn của tôikhông gợi nơi tôi một mối nghi ngờ nào, một nỗi sợ hãi nào cả, mà trái lại tôi như được vây phủ, tôi đẫm mình, chìm đắm trong một sự dịu dàng đang tăng dần mà nỗi vui sướng dạt dào rốt cuộc đã đánh thức tôi dậy. Tôi mở mắt ra. Rực rỡ và xanh xao, giấc mộng của tôi trải rộng ra quanh tôi. Bức tường mà tôi đã dựa lưng vào để ngủ đầy dẫy cả ánh sáng, và bóng cây trường xuân in dài trên tường cũng rõ ràng như vào lúc bốn giờ chiều. Đám lá của một cây bạch dương Hòa lan lóng lánh xoay chiều theo một làn gió nhẹ. Người ta thấy những làn sóng và những cánh buồm trắng trên mặt biển, bầu trời trong sáng, trăng đã lên. Thỉnh thoảng, những đám mây nhẹ bay qua mặt trăng, nhưng những đám mây lúc đó nhuộm đủ các sắc xanh rất nhạt tựa như màu một con sứa đông lạnh hay như trong lòng một viên đá mắt mèo. Tuy nhiên ánh sáng lúc đó đang chiếu rõ khắp nơi, mắt tôi không thấy được nó ở đâu cả. Ngay trên mặt cỏ, lúc đó đang rực rỡ trông như ảo ảnh, bóng tối cũng vẫn còn giữ lại. Những khu rừng chung quanh và một đường rãnh hoàn toàn tối đen. Đột nhiên, một tiếng động nhẹ thức dậy ngân dài như một mối lo âu, vang lớn rất nhanh, nghe như chạy dài trong cánh rừng. Đó là tiếng lá run rẩy xào xạc theo cơn gió nhẹ. Tôi nghe từng chiếc lá dồn dập nổi dậy như những cơn sóng trong cái im vắng mênh mông của đêm đen dày đặc. Rồi tiếng động đó lại giảm dần và tắt hẳn. Cả một dòng ánh sáng nằm giữa hai bờ bóng đêm tựa như con sông chảy trên cánh đồng cỏ hẹp trải dài trước mặt tôi giữa hai lối đi lớn đầy đặc những cây sồi. Trong khi chiếu rõ ngôi nhà gác, những đám lá, một cánh buồm đang chìm đắm trong đêm tối, ánh sáng trăng đã không đánh thức chúng dậy. Trong cái yên lặng như ngủ thiếp đó, mặt trăng chỉ soi rõ cái hình bóng mơ hồ huyễn hoặc của chúng, và làm ta không thể thấy rõ được những đường nét mà đối với tôi ban ngày thật hiển hiện, những đường nét bắt buộc tô phải tin chắc sự hiện diện của chúng, và sự có mặt tầm thường của chúng mãi mãi bên tôi. Ngôi nhà không cửa, đám lá không cây, gần như cũng không có một chiếc lá nào, cánh buồm không thuyền, thay vì là một thực tại không thể nào chối cãi được và là một thực tại thường xuyên vô vị, lại có vẻ như một giấc mơ kỳ lạ, chơi vơi và rực rỡ của những cây cối buồn ngủ đang đắm chìm trong bóng tối. Thật thế, những khu rừng chưa bao giờ ngủ say sưa như vậy, người ta cảm thấy là mặt trăng đã thừa dịp để lẳng lặng hoàn thành cuộc lễ vĩ đại xanh xao và dịu dàng này trên bầu trời và trên biển cả. Nỗi buồn của tôi đã biến mất. Tôi nghe cha tôi đang mắng tôi, nghe Pia chế giễu tôi, nghe những kẻ thù tôi đang âm mưu và chẳng có gì trong những thứ đó đối với tôi là thực cả. Cái thực tại duy nhất đã nằm trong luồng ánh sáng phi thực này, và tôi cầu khẩn nó mà vừa mỉm cười. Tôi không hiểu được sự giống nhau huyền bí nào đã kết liền những nỗi đau đớn của tôi với những sự huyền bí trang nghiêm đang hành lễ trong những khu rừng chung quanh, trên bầu trời và trên mặt biển, nhưng tôi cảm thấy rằng những nỗi đau đớn đó đã đọc lên những lời giải thích, an ủi và dung thứ, và dù trí óc tôi không hiểu được niềm bí ẩn cũng chẳng có gì quan trọng, bởi vì tim tôi đã nghe thấy quá rõ. Tôi gọi tên đêm tối là mẹ thánh tôi, nỗi buồn của tôi đã nhận mặt trăng là người chị bất diệt của nó, mặt trăng chiếu sáng trên những niềm đau biến hình của đêm tối và trong tim tôi, trong đó những đám mây đã tan dần, và nỗi buồn mênh mang dâng lên.



2​



Rồi tôi nghe tiếng chân bước. Assunta đi về phía tôi, khuôn mặt trắng của nàng nổi lên trên một chiếc áo choàng rộng màu sẫm. Nàng nói với tôi giọng hơi nhỏ: “Em sợ anh bị lạnh, thằng em của em đã lên giường rồi, em trở lại đây.” Tôi tiến lại gần nàng; tôi rùng mình, nàng kéo áo choàng khoác cho tôi và để giữ lại tà áo, nàng choàng tay qua cổ tôi. Chúng tôi bước vài bước dưới bóng cây, trong bóng đêm sâu thẳm. Một vật gì chiếu sáng trước mặt chúng tôi, tôi không kịp lùi lại và tưởng rằng chúng tôi vấp phải một thân cây, tôi đi lệch sang một bên đường, nhưng chướng ngại vật biến mất dưới bước chân chúng tôi, thì ra chúng tôi đã bước đi trên một mảnh trăng. Tôi áp đầu nàng vào sát đầu tôi. Nàng mỉm cười, tôi bèn khóc, và tôi thấy nàng cũng khóc nữa. Đến đó thì chúng tôi hiểu được rằng mặt trăng đang khóc và nỗi buồn của nó cũng hòa âm với nỗi buồn của chúng tôi. Những luồng ánh sáng dồn dập rực rỡ và êm dịu của nó đi vào đến tận tim chúng tôi. Như chúng tôi, mặt trăng cũng khóc, và cũng gần luôn luôn như chúng tôi, nó khóc mà không biết tại sao, nhưng lại cảm thấy mình khóc một cách mùi mẫn đến nỗi nó kéo theo trong nỗi thất vọng dịu dàng không làm sao ngăn được của nó những khu rừng, những cánh đồng, và cả bầu trời lúc này lại soi xuống mặt biển, và luôn cả tim tôi cuối cùng trong tim trăng đã nhìn thấy rõ.
 
Bản dịch của Hoàng Ngọc Biên


federmanillus.jpg



CON SÂU

[Một câu chuyện thương tâm]​



Cái rắc rối với hai kẻ ngu đần khởi sự quậy rối tung từ đầu tới cuối trên Thiên đường, tất nhiên, tôi muốn nói đến Adam & Eve, là ở chỗ họ đã chọn không đúng trái táo. Hai kẻ ngu đần trần truồng ấy đã chọn trái táo bự nhất, bóng loáng nhất, đẹp nhất trên cây. Thay vì nhặt một trái táo nhỏ, một trong những trái táo bé hơn, một trong những trái táo ít khêu gợi hơn cả, một trong những trái chỉ lơ lửng treo trên cây không xía vào chuyện người khác, hai kẻ ngốc nghếch kia lại cố với tới cái cây có trái táo bự nhất, bóng loáng nhất, mọng nước nhất, mà không nhận ra là có một con sâu, một con sâu mập mạp to lớn sống trong trái táo ấy.

Con rắn hèn hạ kia, tất nhiên, nó biết là có một con sâu mập mạp to lớn nằm trong trái táo khi nó đưa cái lưỡi nọc độc của mình chỉ vào trái táo bự nọ đang lơ lửng trên cây, và thì thầm với Adam, trái đó đó, vâng cái trái bự nằm trên cao kia, chính là trái ngươi muốn đó. Hay chính Eve là người đã đưa tay ra nắm giật trái táo? Eve hay Adam, bây giờ không thành vấn đề. Vâng, trái đó đó, con rắn hèn hạ bảo, vì nó biết ngay từ đầu là bên trong trái táo bự kia có một con sâu mập mạp to lớn. Một con sâu ngọ nguậy như một con rắn. Vâng, một con sâu bắt chước con rắn bên trong trái táo. Một con rắn tự biến thân thành hình thù một con sâu nằm trong trái táo. Một con sâu biểu tượng của con rắn.

Mọi chuyện khởi sự như thế đó, với con rắn, trái táo, và con sâu nằm trong trái táo. Và Adam & Eve, hai tên cù lần kia, đã nuốt nguyên con sâu khi ăn trái táo. Hay đúng hơn, ta phải nói, là Adam & Eve đã nuốt cái con rắn biểu tượng khi ăn trái táo. Và bởi thế nên giờ đây quanh chúng ta mọi thứ đang quậy rối tung.



1996​



-----------------------------
Dịch từ nguyên tác tiếng Anh của Raymond Federman:
The Worm.
 
Back
Bên trên