“Ba cái sướng” của Hà Nội
ICTnews - Ở Hà Nội có ba cái sướng, Evan Đặng, Việt kiều Colorado, Mỹ kết luận sau hơn sáu tháng ở Hà Nội. Đó là dùng Internet, di động và bia hơi xả láng.
Trong nhóm chúng tôi, Evan được gọi là “ma xó”, vì như thể cái gì về Hà Nội anh ta cũng biết, cũng đến hoặc ngang qua rồi. Khỏi nói đến những món ăn, chơi khu phố cổ, ngay cả những món hàng “độc” ở ngõ, ngách Hà Nội như chả nhái Khương Thượng, rượu cỏ Thái Hà, lòng lợn tiết canh Lò Đúc… anh ta cũng kể vanh vách. Song bia hơi hay có nơi gọi là bia cỏ mới là thứ Evan thích thú nhất.
Sau bia hơi, việc được sử dụng Wi-Fi, di động thoải mái với giá rẻ là điều mà anh chàng Việt kiều này đánh giá là rất đáng nể khi ở Hà Nội. Nếu cứ so với cách dân Hà Nội hưởng thụ Internet không dây và di động, Evan khăng khăng là nhiều nước phát triển cũng còn thua xa. Hàn Quốc, Nhật Bản tiếng là đất nước kết nối nhất thế giới nhưng cứ truy cập Internet là mất tiền. Ở khách sạn, nếu truy cập Internet chỉ để lướt web thì lời khuyên là không nên vì cước phí quá đắt, ở khách sạn 5 sao ít nhất là 5 USD/giờ.
Ở Hà Nội, hầu như các khu trung tâm thương mại lớn như Tràng Tiền Plaza, Vincom, Parkson… đều có Wi-Fi miễn phí. Ngay cả khách sạn 5 sao như Melia cũng không thiết đặt mật khẩu cho mạng Wi-Fi của mình. Điều Evan thấy ngộ nhất là ở một khách sạn Quân đội (33 Phạm Ngũ Lão), bên trong sảnh có phòng máy tính Internet với cước truy cập khoảng 1 USD/giờ nhưng ngay bên ngoài sân, sóng Wi-Fi miễn phí lại đầy căng.
Có một việc mà Evan không biết nên bực mình hay không là trong khi bà chủ nhà anh thuê ở Ngọc Hà mỗi tháng “charge” (tính cước) Internet của anh 300.000 đồng nhưng tốc độ như rùa, nhiều khi mở email mãi không được thì chỉ cần chạy ra quán cà phê nào đó ở Điện Biên Phủ là dùng Internet Wi-Fi miễn phí xả láng, tốc độ cũng không đến nỗi tệ lắm.
Mà cà phê Wi-Fi ở Hà Nội sao mà nhiều đến thế. Có quán đề ngay chữ Wi-Fi ở cửa sổ, cửa ra vào, nhưng có quán chẳng cần đề gì cả. Nhiều quán cà phê đặt mật khẩu Wi-Fi, khách hàng muốn truy cập chỉ cần ngoắc người phục vụ, hỏi là có ngay mật khẩu. Biết được mật khẩu rồi, có lẽ sẽ có người thầm cười tự nhủ, đặt mật khẩu như thế cũng bằng không. Có quán đặt mật khẩu là 123, có mật khẩu lấy luôn tên quán. Mật khẩu được coi là phức tạp hơn cũng chỉ là tên quán và tên số nhà của quán cà phê đó, hoặc là tên của mạng Wi-Fi kèm vài con số dễ nhớ.
Không phải dân Hà Nội có nhu cầu Internet Wi-Fi bức thiết đến nỗi đi đến đâu cũng cần có kết nối Internet. Đơn giản vì trang bị Wi-Fi hiện giờ là “phải có” đối với quán cà phê. Quán bên cạnh có mà quán mình không có là không được. Vả lại, trang bị cho Internet Wi-Fi không lớn lắm. Một chủ quán cà phê trên đường Liễu Giai, đối diện sân vận động Quần Ngựa cho biết ông chỉ cần thuê bao trọn gói Internet mỗi tháng 250.000 đồng và mua một cái modem Wi-Fi là cả khách và chủ có thể sử dụng thoải mái. Các quán cà phê bên cạnh đều có Wi-Fi nên không ngại bị “câu trộm”. Cũng không loại trừ bị các gia đình xung quanh “câu trộm” Wi-Fi, nhưng ông nói sóng chắc là yếu và do ông dùng Internet trọn gói hàng tháng nên không lo bị trội cước vì câu trộm.
Cuối cùng, nếu phải trở về Mỹ, Evan sẽ ghen tị với người Hà Nội về sử dụng di động. Chỉ cần chưa đến 5 USD đã mua được một thẻ SIM kèm tiền sẵn có trong tài khoản. Thỉnh thoảng nạp tiền lại được nhân đôi tài khoản. Với mỗi tháng chi ra khoảng 300.000 đồng (tương đương 20 USD) - trong đó cước Internet trọn gói chiếm một nửa - Evan có thể gọi điện thoải mái và lúc nào cũng kết nối qua Internet di động. Với mức sử dụng như vậy, Evan cho biết ở Mỹ anh sẽ phải mất khoảng 300 USD là ít nhất.
Thỉnh thoảng trong lúc tán gẫu, có ai phàn nàn mạng di động này sóng yếu, mạng kia phủ sóng không rộng, mạng nào giá cước rẻ hơn, khuyến mãi nhiều hơn… Evan chỉ thủng thẳng, cứ ra nước ngoài mà dùng di động – điều có thể phàn nàn là sao cước lại đắt thế.
Ngọc Phương