Bàn sâu về vấn đề lịch sử có lẽ còn rất nhiều điều mà phải rất lâu nữa mới có thể được làm sáng tỏ. Có những điều chúng ta tưởng chừng như hiển nhiên, chắc chắn nhưng thực tế lại hoàn toàn không hề đơn giản như vậy, thậm chí lịch sử có những thời khắc, chẳng mấy ai để ý tới nhưng nó lại đóng vai trò quyết định trong việc định hướng vận mệnh của cả một dân tộc. Bức tranh lịch sử mà chúng ta đang nhìn thấy ngày nay là một bức tranh đã được tô điểm rất nhiều, thậm chí có rất nhiểu điểm ngụy tạo và mô phỏng so với bức tranh gồ ghề thật sự của lịch sử.
Một trong những sự kiện có lẽ không người Việt Nam nào không biết tới đó là cách mạng tháng 8 và buổi lễ đọc tuyên ngôn độc lập của bác Hồ ngày 2/9/1945. Trong tiềm thức của mỗi người Việt Nam chúng ta, mọi người đều tin rằng 2/9/1945 đánh dấu thời điểm độc lập của đất nước Việt Nam nhưng đối với nhiều người ở thế hệ đi trước, những trí sĩ yêu nước đã sống và hòa mình trong giai đoạn lịch sử đó với một lý tưởng khác thì lúc đó, đối với họ ngày 2/9/1945 mang đậm ý nghĩa về sự cầm quyền của Việt Minh và sự thắng lợi tạm thời của tổ chức này(lúc đó lực lượng giải phóng có tên là mặt trận giải phóng Việt Minh chứ không mang danh nghĩa cộng sản). Sau đây em xin được trích dẫn một số tài liệu, hồi ký của những người trong cuộc, của những trí thức yêu nước với lý tưởng, lập trường đối lập. Qua đó chúng ta có thể có một góc nhìn khác đối với sự kiện này thông qua những nhận định, suy nghĩ, lập trường và những phản ứng của họ.
Có lẽ hầu hết những ai có những kiến thức nhất định về lịch sử Việt Nam trong giai đoạn cách mạng tháng 8 đều chỉ biết đến chính phủ Trần Trọng Kim với một kết luận ngắn gọn :"bù nhìn" và thân Nhật, ngắn gọn như thời gian tồn tại gần 6 tháng ngắn ngủi của nó. Nhưng ít ai để ý rằng, chính phủ này được thành lập với nòng cốt là những trí sĩ uyên bác, chính kiến rõ ràng với một tầm nhìn bao quát, phương pháp hành động khôn ngoan chứ không "bù nhìn" như chúng ta vẫn gọi. Trong đó có thể kể đến rất nhiều tên tuổi khá nổi tiếng như : Đặng Thai Mai(tỉnh trưởng Thanh Hóa), Đào Duy Anh, Nguyễn Lân (thị trưởng Huế), Tạ Quang Bửu... mà sau này họ đã dám chấp nhận hy sinh lý tưởng, gạt bỏ chính kiến để chấp nhận đi theo cách mạng với một lý do duy nhất :" Đại đoàn kết toàn dân". Bên canh đó cũng có nhiều trí sĩ đã lặng lẽ rút lui nhưng những di sản, ảnh hưởng của họ đối với giới trí thức, học giả vẫn rất to lớn đó là: Hoàng Xuân Hãn, Vũ Văn Hiền... Trong đó chính kiến của những con người này là : "Chống Pháp, trung lập với Nhật, lợi dụng Nhật để đối trọng với Pháp, tránh đổ máu cho nhân dân. Đồng thời nhân cơ hội này tuyên bố độc lập, tự chủ dưới sự bảo trợ tạm thời của Nhật và lợi dụng chiến cục thế giới khi đồng minh đang áp đảo Nhật để ổn định chính quyền, củng cố quốc phòng an ninh, chờ thời cơ độc lập hoàn toàn". Trích đoạn trong hồi ký của Trần Trọng Kim, một học giả nho giáo : " Khi tôi đứng ra lập chính phủ không phải là không hiểu tình thế rất khó của Việt Nam đối với nước Pháp và nước Pháp đối với các nước đồng minh. Chính biến xảy ra ở Việt Nam, nguyên là một nước có văn hóa, chế độ phân minh là do Pháp nhân trong nước suy nhược, người Pháp sang lấy vũ lực bắt Việt Nam phải chịu sự bảo hộ của người Pháp. Dù có hiệp ước của triều đình Việt Nam đối với Pháp, chẳng qua cũng chỉ là một hiệp ước cưỡng bách mà thôi. Và chính người Pháp về sau cũng đã không giữ đúng những điều ký trong hiệp ước ấy. Nay nước Pháp thất bại, để người Nhật chiếm giữ mất cả quyền lợi, vua Bảo đại dã đứng lên tuyên bố độc lập thì nghĩa vụ người Việt Nam là ai nấy đều phải cố sức làm việc, giúp nước rồi sau tình thế thay đổi thế nào sẽ có cuộc điều đình cho đúng công lý và đúng phong trào hiện thời". Và ngay 9/3/1945 là ngày tuyên bố độc lập của chính phủ Trần Trọng Kim và đây là bản thông cáo độc lập của nội các chính phủ Trần Trọng Kim:
"
Ngày 25 tháng 2 năm Ất Dậu tức là ngày mồng chín tháng 3 năm 1945 quân đội Đại Nhật Bản đã đánh đổ chủ quyền người Pháp trong toàn hạt Đông Dương. Sau đó, đức Kim Thượng(Bảo Đại) đã tuyên bố nước Việt Nam độc lập. Đồng thời, thủ tướng Kosio đã bố cáo rằng : nước Nhật không tham vọng nước ta.
Thế là sau 80 năm áp chế, nước ta đã khôi phục nền tự chủ và địa vị của một nước văn hiến ở cõi Á Đông.
Chúng ta không thể quên ơn nước Đại Nhật Bản đã giải phóng cho ta, không quên ơn đức Kim Thượng đã quả quyết dắt dân ta lên đường độc lập, không thể quên ơn bao nhiêu nghĩa sĩ xưa nay đã hy sinh để nêu cao tinh thần phấn đấu của giống nòi.
Muốn giữ vững nền độc lập, quốc dân ta phải gắng sức làm việc và chịu nhiều hy sinh hơn nữa. Hiện nay, thế giới còn đang ở trong vòng chiến tranh, công cuộc kiến thiết quốc gia còn nhiều khó khăn. Lại vì bom đạn của quân địch sang tàn phá khiến cho vạn người sinh trưởng trên khoảng đất phì nhiêu đành phải chịu chết đói.
Tuy kinh tế khó khăn, nhưng trên nhờ lòng tin cậy của đức Kim Thượng, dưới nhờ sự ủng hộ của quốc dân, ngoài tin vào lòng thành thực của nước Đại Nhật Bản, chúng tôi cố hết sức theo đuổi mục đích là hợp nhất tất cả các phần tử quốc dân để củng cố đôc lập của quốc gia và đẩy mạnh tinh thần yêu nước trong mọi giai tầng xã hội.
Chính phủ sẽ lập ra một kỷ niệm đài để ghi công các bậc anh hùng vì nòi giống. Sẽ xóa bỏ những hình án bất công, để những người ái quốc còn bị giam cầm trong ngục có thể tùy tài sức mà tham dự vào công cuộc kiến thiết quốc gia.
Ngoài việc tiếp tế lương thực cho nhân dân và việc chuẩn cấp cho hàng triệu người bị khủng hoảng về nạn đói ở miền bắc, thuế khóa lần lần định lại cho công bằng và cho từ Bắc chí Nam thuế nghịch thành duy nhất.
Công việc kiến thiết quốc gia sẽ cần đến tài lực và nhiệt tâm của tất cả mọi người trong nước. Đoàn kết quốc dân để gây thành một mãnh lực, đặt những cơ quan để liên lạc mật thiết giữa chính phủ và dân chúng. Đó là những việc mà nội cac sẽ chú ý đặc biệt.
Nội các sẽ trù tính cách thống nhất pháp luật trong toàn quốc và để tránh sự lạm quyền, sẽ tìm địa phương chia quyền hành chính và tư pháp.
Nạn tham nhũng là cái tệ dung túng từ trước, cần phải trừ cho tiệt. Nước ta đã bước vào một kỷ nguyên mới, kẻ nào không biết cải tà quy chánh sẽ phải trừng trị thật nghiêm.
Vận nước mai sau là cốt ở thanh niên bây giờ, cho nên chính phủ rất chú trọng đạo tạo những người mạnh mẽ, khí khái, có nghề nghiệp, có tổ chức, có huấn luyện để bảo vệ nền độc lập đương lâm nguy.
Về phương diện kinh tế, trong lúc chiến tranh chưa kết thúc và phải sống cách biệt với bên ngoài, nước ta chưa thể thực hành ngay một chương trình to tát. Nhưng chính phủ sẽ dự bị một công cuộc tổ chức mới, chú trọng nhất là nâng cao trình độ sinh hoạt của dân chúng. Muốn thi hành chính sách ấy, tuy quốc gia phải đảm nhận một phần lớn trách nhiệm, nhưng cũng cần sự hợp tác của tất cả đoàn thể và cá nhân.
Lĩnh mệnh đức Kim Thượng, đảm đương trách nhiệm nặng nề đối với quốc dân, chúng tôi hiểu rõ ràng bước đầu phải đi, mà phải đi thận trọng. Chúng tôi xin tuyên thệ với quốc dân đem hết tâm trí để theo đuổi mục đích duy nhất là xây đắp nền độc lập nước nhà, không vị tư cá nhân hay đảng phái. Chúng tôi chắc rằng mọi người trong quốc dân cũng một lòng vì nước, giữ thái độ bình tĩnh và tuân theo kỷ luật, để làm hết phận sự. Mong xây đắp được nền móng vững vàng để nước Việt Nam ta muôn đời trường cửu."
Đây là bản tuyên cáo tới công chúng của nội các Trần Trọng Kim, tuy nó thể hiện một đường lối trung dung, ôn hòa, bảo hoàng, thân Nhật(vì nó được thông cáo dưới sự kiểm duyệt chặt chẽ của Nhật) và tất nhiên không thể nào hào hùng bằng bản tuyên ngôn độc lập của Bác đọc trong ngày 2/9 nhưng nó cũng thể hiện được những tinh thần rất cơ bản, thể hiện rõ được những mục tiêu, chính kiến cơ bản của giới trí sĩ hồi đó. Đó là đẩy mạnh tinh thần yêu nước thông qua đại đoàn kết toàn dân, lấy luật pháp làm nền nảng xây dựng chế độ, đề cao vai trò của thanh niên và trí sĩ trong công cuộc bảo vệ và chèo lái vận mệnh của đất nước. Những tinh thần này trong thời điểm đó đối nghịch lại với chính kiến của Việt Minh là "dùng bạo lực cách mạng, kích động toàn dân giải phóng đất nước thông qua đấu tranh vũ trang".
Điều này cũng được thể hiện khá rõ trong một cuộc đối thoại giữa đại diện chính phủ Trần Trọng Kim và đại diện Việt Minh nhằm mục đích thỏa hiệp và đoàn kết giữa 2 lực lượng:
Đại diện TTK : "Chúng tôi chỉ làm việc vì nước mà thôi, chứ không có ý cầu danh lợi gì cả. Tôi chắc chắn đảng của các ông cũng vì nước mà hành động. Nếu vậy, chúng ta tuy đi 2 con đường khác nhau nhưng cùng chung một mục đích như nhau. Các ông thử xem ta có thể hợp tác với nhau, kẻ ở trong, người ở ngoài để cứu nước được không?
Đại diện VM : " Sự hành động của chúng tôi đã có chủ nghĩa riêng và có trương trình nhất quán để đem đất nước đến chỗ hoàn toàn độc lập. Chúng tôi có thể tự làm lấy được.
Đại diện TTK: " Sự mưu cầu cho đất nước độc lập cũng là mục đích của chúng tôi nhưng vì đường thẳng có nhiều sự khó khăn, nên chúng tôi phải uyển khúc mà đi từ từ, có lẽ chắc chắn hơn."
Đại diện VM :" Chúng tôi chỉ có một con đường thẳng đi đến hoàn toàn độc lập chứ không có 2"
Đại diện TTK :" Theo ý của các ông như thế, tôi rất sợ có hại cho dân, mà chưa chắc đã thành công được"
Đại diện VM :"Chúng tôi chắc thế nào cũng phải thành công. Nếu có hại cũng không cần. Có hại rồi mới có lợi. Dù người trong nước mười phần chết chín, chúng tôi sẽ lập một xã hội mới với một thành phần còn lại, còn hơn chín phần kia."
Lúc đó đại diện của TTK biết rằng không thể lay chuyển được chính kiến của đại diện VM nên nói : "Nếu các ông chắc lấy được quyền độc lập cho nước nhà, các ông không vào chính phủ làm việc thì cần gì phải đánh phá cho khổ thân?"
Đại diện VM đáp lại : "Chúng tôi sẽ cướp lấy chính quyển đển chứng tỏ cho các nước đồng mình biết chúng tôi mạnh chứ không chịu để cho ai nhường.
Đại diện TTK : "Các ông có chắc là các nước đồng minh tin ở sức mạnh của các ông không?"
Đại diện VM :" Chắc lắm. Chắc trăm phần trăm."
Đại diện TTK kết thúc : " Tương lai còn dài, các ông nhận trách nhiệm đối với quốc dân và lịch sử".
Rõ ràng có thể thấy rằng chính kiến của tầng lớp trí thức yêu nước lúc đó với chính kiến của Việt Minh dưới sự lãnh đạo của tầng lớp vô sản là khá đối lập. Một đằng thiên về sự mềm dẻo, uyển chuyển, lựa thời thế để đấu tranh, tránh đổ máu, thiệt hại cho quốc dân đồng thời tận dụng thời gian để củng cố nền móng của xã hội bên cạnh mục tiêu là giành độc lập. Một đằng cứng rắn, kiên định quả quyết với mục tiêu hàng đầu và duy nhất là giành độc lập bằng bất kỳ giá nào. Tất nhiên với tình hình lúc đó Việt Minh giành thắng lợi là điều tất yếu mặc dầu vậy cũng có thể đặt ra một câu hỏi rằng, nếu chiến tranh thế giới thứ II không kết thúc sớm và nếu chính phủ Trần Trọng Kim có thêm thời gian để củng cố chính quyền, địa vị của mình, gây được những ảnh hưởng nhất định đối với quốc tế thì có lẽ vận mệnh dân tộc sẽ chuyển sang một hướng khác mà chúng ta không thể tiên đoán. Đồng thời tại thời điểm đó các dân tộc thuộc địa còn gặp phải một rủi ro rất đáng tiếc khác đó là cái chết của tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt. Vì chính Roosevelt trong hội nghị giữa các nước đồng minh trước khi chiến tranh thế giới thứ II kết thúc đã đề xuất với đồng minh việc trao lại quyền độc lập tự chủ cho các nước thuộc địa sau khi chiến tranh thế giới thứ II kết thúc. Đáng tiếc là ông đã mất trước khi điều này xảy ra và thay vào đó là Harry Truman của đảng cộng hòa với chính sách diều hâu. Đây cũng chính là lý do vì sao trước cách mạng tháng 8 Việt Minh có quan hệ khá tốt với Mỹ và đã từng được CIA hỗ trợ nhưng sau này lại bị chính quyền Truman trở mặt...
Thực sự lịch sử không thể lật lại và cũng không nên bàn lại nhưng chúng ta phải có một cái nhìn và cách nhận định hết sức thận trọng và khách quan đối với lịch sử. Cái nhìn và quan điểm của chúng ta đối với lịch sử tất cả đều chỉ dựa trên những cái đã xảy ra và đã hiện hữu trong lịch sử, bạn đã bao giờ tự hỏi mình là liệu bạn có thể có một nhận định khác nếu lịch sử diễn biến theo chiều hướng khác? Mà chúng ta có thể nói rằng một sự kiện trong lịch sử không thể chỉ hoàn toàn do nhân định mà ngược tại phần lớn nó vượt ngoài phạm vi kiểm soát của một cá nhân hay một nhóm các cá nhân, nó bao gồm cả các nhân tố thiên thời, địa lợi hay nói cách khác nó là thiên định. Vậy hãy thật cẩn trọng khi bạn dùng những từ ngữ "đúng", "sai", "nên", "không nên" khi nói về lịch sử. Vì đối với lịch sử sẽ không có đúng, có sai, có nên, có không nên mà chỉ có sự thật.