Em xin có ý kiến
ý kiến của em là em xin phép được đăng một bài báo của bác Hữu Thọ có nói về người tài, em biết là có một số ý không phù hợp lắm so với chủ đề của topic này nhưng em cứ đăng vậy, xem như là một bài báo để các bác thư giãn, ngẫm nghĩ
Em rất tâm đắc với bài báo này
Nhà báo Hữu Thọ: "Người tài không biết tự bảo vệ mình"
16:54' 27/08/2005 (GMT+7)
(VietNamNet) - "Những người có năng lực thực sự thì hay có những ý tưởng riêng, phong cách riêng, đây là cơ sở cho sự sáng tạo". Nhà báo Hữu Thọ nói.
Tiếp chúng tôi tại phòng làm việc trợ lý Tổng Bí thư ở số 4, Nguyễn Cảnh Chân, ông kiên quyết không đồng ý cho phỏng vấn: “Ở vị trí của mình hiện nay nói ra không có lợi. Nói thì có người ưa nhưng cũng không thiếu gì người ghét, nhất là lại nói về mình, nhưng các cậu là đồng nghiệp chẳng lẽ mình lại từ chối". Rồi ông bảo: "Thôi ngồi đây chúng ta tào lao với nhau cho vui". Câu chuyện của Nhà báo Hữu Thọ, được bắt đầu như thế...
Những anh hùng loại một
Chục năm trở lại đây không biết đã bao nhiêu lần tôi được nghe ông nói. Thú thật không phải tất cả những điều ông nói tôi đều thích, nhưng phải thừa nhận rằng những điều ông nói bao giờ cũng hấp dẫn và nó luôn ẩn chứa một triết lý sâu xa về thế cuộc. Trong các câu chuyện ông chưa bao giờ cho rằng mình là người thông thái (mặc dù trên thực tế ông quá thông thái).
Ông bảo ông cũng từng trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, cũng là thương binh, nhưng ông lại bảo chính những người đã nằm xuống trên chiến trường kia mới thực sự là vĩ đại nhất. Những người chiến sĩ thế hệ ông còn sống, nhưng lại im lặng không hề kể về những chiến công của mình là vĩ đại thứ hai, còn những người như ông là thường lắm, quá may mắn. May mắn vì được sống, được cầm bút nên đôi khi cũng "múa may" được dăm bảy chữ bày tỏ lòng mình, chứ những người chiến sĩ chết trẻ kia đâu có được cái hạnh phúc ấy. Ông trầm ngâm đôi chút như nhớ về những đồng đội của mình.
Tôi nhớ có lần ông từng nói ở đâu đó: "Trong một buổi lễ trao huân chương cho những người chiến thắng, những người anh hùng trận mạc, Napoleon đã phát biểu: "Tôi rất vinh dự được trao phần thưởng vẻ vang cho những người anh hùng loại hai! Vì những người anh hùng loại một khi tiếng kèn xung trận cất lên thì họ là những người đầu tiên xung kích và tiếc rằng, 85% những người ấy không về lại với chúng ta nữa!". Những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng ta đã có chủ trương giữ lại hai lớp người cho sự nghiệp xây dựng lại đất nước trong tương lai: Đó là công nhân và trí thức. Nên những năm đó, chúng ta huy động rất ít công nhân và trí thức vào chiến trường vì chúng ta nghĩ hai lớp người này tối cần thiết để làm cốt cán cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thế nhưng, từ năm 1972 trở đi, chúng ta đã buộc phải huy động cả từng khoa của Đại học Tổng hợp, Đại học Bách khoa, rồi một loạt trí thức tốt nghiệp đại học vào chiến trường. Đọc những trang nhật ký để lại của lớp chiến sĩ trí thức đó như Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, chúng ta mới thấy, những năm ấy, quả thực là chúng ta đã phải vét tất cả tinh lực của Tổ quốc cho cuộc chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc. Nói ra tất cả những điều đó để thấy rằng, cuộc chiến đấu của chúng ta là đáng giá, đau đớn và vẻ vang. Vì chúng ta đã phải đối mặt với một kẻ thù không chỉ "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" mà còn thông minh, hiện đại... Và chúng ta đã thắng trong cuộc chiến tranh đó".
Có người nói, giá như ông không giữ những trọng trách trong chốn quan trường chắc chắn ông đã là nhà tư tưởng lớn. Chưa hẳn đã là như vậy! Có gần ông, nghe ông trong những lúc "trà dư tửu hậu", mới hiểu rằng những khao khát cống hiến của ông cho đời thật là ghê gớm. Giữ những trọng trách lớn ông không thể, hay nói đúng hơn là không có quyền bày tỏ chính kiến riêng của mình về những vấn đề quốc kế dân sinh, là người của tổ chức, nói và làm theo tổ chức, nhưng bằng nhiều cách như viết báo, trò chuyện với giới trí thức, nhất là cánh báo chí chúng tôi, ông luôn thể hiện tư tưởng của mình.
Cách ông khen hay chê người khác cũng thật khác thường. Ông không bao giờ dùng quyền uy của mình, mặc dù có lúc ông nắm “quyền sinh, quyền sát”, để đe nẹt kẻ yếu. Khi phê phán ai ông cũng rất nhẹ nhàng, tuy có lúc trong lòng ông không ưa gì những lỗi lầm mà người ta mắc phải.
Cách đây chừng dăm năm, tôi mắc một sai lầm. Trong lúc tuyệt vọng, không hiểu sao tôi lại tìm đến ông. Ông đã kể cho tôi nghe một câu chuyện đại loại là: “Khi làm Vụ trưởng một vụ tớ mới ngoài 30 tuổi. Một hôm cấp trên đưa về vụ tớ một người và yêu cầu tớ tiếp nhận anh ta vào vụ của mình. Hôm sau xem lý lịch của anh ta mình mới lên báo cáo lại với thủ trưởng là dứt khoát không nhận về vụ mình một người đã bị “phốt” như thế. Ông thủ trưởng nhìn tớ và nói: “Cậu còn trẻ lắm chưa hiểu đời đâu. Tớ nói thật với cậu thế này: “Nếu con người này không có cái “phốt” ấy trong lý lịch thì ngày nay chúng ta phải treo ảnh để thờ chứ không phải về đây làm nhân viên cho cậu”.
Câu chuyện mà ông kể cho tôi nghe có thể thật mà cũng có thể là do ông tự nghĩ ra, nhưng lúc ấy tôi cũng cảm thấy được an ủi rất nhiều.
Nhân tài không biết bảo vệ mình
Hôm chúng tôi tới gặp ông là muốn hỏi chuyện ông về cách sử dụng nhân tài của Hồ Chủ tịch nhân dịp Quốc khánh 2/9. Ông khước từ nói về một vấn đề cụ thể, mà chỉ kể cho chúng tôi nghe về cái khó khăn, sự thiệt thòi của những người đi tiên phong. Người tài thì thường cô đơn, đôi khi cô độc và chịu rất nhiều thiệt thòi, thậm chí cả sự hy sinh, mất mát.
Ông bảo ông đã từng viết một bài báo nói lên những khó khăn của công việc sáng tạo hay tiến hóa. Khi con vượn đầu tiên biết đứng hai chân lên thì đó là bước tiến đầu tiên, còn lẫm chẫm, rụt rè, chưa mấy tự tin, trong quá trình dằng dặc từ vượn thành người. Chúng ta có thể hình dung ra được thái độ chung của cả đàn vượn, vẫn đi bằng bốn chân, trước con vượn "bất thường" bỗng dưng đi bằng hai chân như vậy. Biết đâu, con vượn ấy đã bị cả đàn xúm lại hạ thủ như một "dị chủng". Và phải tới con thứ một vạn hay nhiều hơn nữa đứng hai chân lên và đi những bước ngày càng trở nên thuần thục, vững chãi thì cái gọi là quá trình tiến hóa ấy mới tạm được coi là công nhận và không thể đảo ngược được. Như vậy có thể hiểu là, để tạo nên được một cú đột phá trong tiến hóa có khi trong đàn vượn đã có 9.999 con hay nhiều hơn nữa phải chết.
Rồi ông kết luận: "Sáng tạo bao giờ cũng có một phần là phủ định cái cũ, thực chất là chống lại thói quen, tập quán đã trở nên không thích ứng nữa với điều kiện mới. Một khi ta chống lại hay cố gắng xóa bỏ cái cũ thì dĩ nhiên là cái cũ cũng tìm đủ mọi cách để cưỡng lại ta".
Câu chuyện của ông làm tôi nhớ lại một huyết tâm thư mà nhà vật lý lỗi lạc người Nga Kapitsa đã viết cho Khrusốp (khi ấy đang là Tổng Bí thư Đảng công sản Liên Xô) vào năm 1961, giải thích lý do vì sao Liên Xô sau này không có những người "khổng lồ" như Lômônôxốp, Puskin, Traiacôpxki, Aivadôpxki... mà nước Nga trước đó đã sản sinh. Kapitsa viết: "Một trong những tố chất của thiên tài là tính không bao giờ chịu khuất phục và luôn luôn phủ nhận cái hiện tại". Rồi Kapitsa chứng minh: "Năm 18 tuổi Lômônôxốp đã phản kháng quyết liệt nhận xét của một Viện sĩ, người đứng đầu Viện hàn lâm khoa học Nga vì ông này cho rằng phát minh của nhà khoa học trẻ Lômônôxốp là không có căn cứ. Lômônôxốp bẻ ngay cán bút vứt lên bàn trước mặt vị viện sĩ kia và thề rằng sẽ không bao giờ làm khoa học nữa. Khi phát hiện ra mình lầm, ngày hôm sau vị viện sĩ kia tới tận nhà xin lỗi nhà khoa học trẻ còn chưa có tiếng tăm. Và nhờ thế sau này nước Nga đã có một nhà khoa học lỗi lạc.
Lại nữa: nghe tiếng Mikenlangielo là họa sĩ có tài, Giáo hoàng mời ông tới làm tượng cho mình. Khi làm xong Giáo hoàng ngắm nghía và nói: "Sao chẳng giống tôi tý nào cả". Họa sĩ trả lời: "100 năm nữa nhân loại sẽ bảo đó là Ngài" và bỏ thành Roma ra đi. Hôm sau Giáo hoàng ân hận và ra tận biên giới để xin lỗi Mikenlangielo và mời ông ở lại. Nhờ thế mà nhân loại ngày nay mới được chiêm ngưỡng những tuyệt tác có một không hai của trường phái Phục hưng". Kapitsa viết tiếp: "Nếu chúng ta chỉ cần một xã hội biết vâng lời, chứ không biết chấp nhận những cá nhân có chính kiến khác thì làm sao có được nhân tài".
Hôm ấy chúng tôi đã hỏi ông Thọ làm thế nào để có một cơ chế phát hiện và sử dụng nhân tài, ông bảo: "Cái này tớ đã nói nhiều rồi, gần đây nhất là trên báo Công an nhân dân". Về tìm lại, thấy viết: "Những người tài sợ nhất 3 trường hợp. Thứ nhất, họ sợ không có chỗ để thi thố tài năng, đó là một điều cực kỳ quan trọng. Hiện nay, một số tỉnh đang có chính sách thu hút nhân tài bằng việc cấp đất, tăng lương... Việc đó là cần thiết nhưng không phải là quan trọng nhất đối với người tài. Bởi người tài cần nơi để thi thố tài năng, chứ không chỉ cần các tiện nghi sinh hoạt. Có một tỉnh với chính sách "chiêu hiền đãi sĩ" kiểu tăng tiêu chuẩn hưởng thụ, thì lúc đầu cũng thu hút được 8 người có bằng cấp cao về. Sau 2 năm, 7 người bỏ đi. Đó là bởi vì ở địa phương ấy, chính quyền không tạo điều kiện cho họ làm việc thực sự đúng tầm. Không được làm việc mà lại hưởng "lộc" cao thì người tài không thích.
Cái sợ thứ hai của người tài là sợ mình không được thực sự tin dùng. Một số người không dùng người tài mà lại thích dùng kẻ xu nịnh. Người tài sợ nhất là kẻ nịnh vì người tài không biết nịnh. Cái "ngu dốt" nhất của người tài là không hiểu biết về "khoa học xu nịnh". Vì họ không có thời giờ để học những cái đó! Người quân tử không phải không có trí, không phải không có mưu, nhưng người quân tử không thèm làm những mưu mô và xảo trá mà tiểu nhân dám làm. Và đấy là những điều kiện để kẻ tiểu nhân hay thắng được quân tử! Thứ ba, người tài sợ là chủ nghĩa phân phối bình quân, vì thực sự ra, người tài không quan tâm đến vật chất, nhưng luôn nghĩ rằng: Đôi khi vật chất lại là thước đo sự đánh giá, sự trân trọng.
Khổng Tử bỏ nước Lỗ mà đi chỉ vì trong một dịp Tết, vua Lỗ không chia phần thịt cho mình. Nhiều người không hiểu cho rằng Khổng Tử vì tham miếng thịt nên bỏ cả xứ sở mà đi. Nhưng không phải. "Anh" không chia phần thịt cho "tôi" tức là "anh" không coi "tôi" thuộc lớp người được kính trọng trong thiên hạ, để khi cần thì hỏi ý kiến nên "tôi" không thể nào ở với "anh" được. Vì vậy, nếu không khắc phục được 3 điều này sẽ rất khó thu hút được người tài. Tất nhiên, cũng có nhiều loại tài, có tài lớn, tài nhỏ
Tờ báo rất cần những cây bút có tầm
Loanh quanh mãi cuối cùng câu chuyện được quay về chuyện nghề, chuyện nghiệp của chúng tôi. Tôi nhớ có lần ông bảo, bây giờ ta đang nói đến cái thương hiệu của doanh nghiệp. Với cơ quan báo chí, đó là sự tin cậy của cái măng sét, bởi vì trong măng sét đó có những cây bút có thẩm quyền. Chúng ta cứ quan sát mà xem, không phải tờ báo nào cũng được đông người mua. Mà khi đã quyết định mua tờ báo này hay tờ báo khác, không ai đọc lần lượt ngay từ đầu đến cuối. Trước tiên, họ lật giở từ trang đầu đến trang cuối xem qua các tít bài, rồi đến những vấn đề mà bài báo đề cập tới có liên quan đến mình không. Sau đó, họ xem ai viết bài báo đó, có phải là một cây bút quen thuộc không, có phải là cây bút đáng tin cậy cả về năng lực và phẩm chất đạo đức hay không. Sau đó, họ mới quyết định đọc bài nào, bỏ qua bài nào và bài nào thì đọc lướt. Như thế để thấy rằng, có hai việc cực kỳ quan trọng đối với người làm báo.
Đối với một Tổng Biên tập, cần phải quyết định vấn đề của một tờ báo có phải là vấn đề bức xúc của xã hội hay không, có phải là vấn đề độc giả quan tâm hay không. Thứ hai là, tòa soạn phải có những cây bút có tầm, những cây bút có dấu ấn trong lòng bạn đọc. Trong tình hình hiện nay, với sự phát triển của đất nước, sự phát triển phong phú của xã hội khó có được một cây bút sắc sảo toàn diện. Nói như một đại văn hào Đức, trên đời này mỗi người chỉ nên sắm một chiếc chìa khóa để mở thành công một cánh cửa. Tất nhiên, cũng có những cái chìa khóa vạn năng mở được mọi cánh cửa dẫn tới thành công, nhưng chỉ có hai loại người có được chìa khóa vạn năng đó. Đấy là thiên tài và kẻ trộm...
Thực tế là thiên tài thì rất ít, còn kẻ trộm lại quá nhiều. Cho nên mục tiêu của mình không hẳn đã là tìm ra được những cây bút "đa gi năng", việc gì cũng giỏi, vì đó là chuyện quá khó, hầu như không khả thi. Cái chính là biết phát hiện, vun vén, bồi dưỡng những tài năng thành những cây bút có thẩm quyền của từng lĩnh vực. Người lãnh đạo phải ủng hộ và xây dựng những cây bút đó, hoặc những cộng tác viên có uy tín trong xã hội, bởi vì như thế mới mang được trí tuệ của cả xã hội vào việc nâng cao chất lượng tờ báo. Khi đó, tờ báo như một khối nam châm hút trí tuệ xã hội chứ không đơn thuần là phát huy trí tuệ của những người làm báo chuyên nghiệp tại chỗ. Đấy là sự lựa chọn sinh tử đối với cơ quan báo chí, vì chính quyền lợi của mình mà mình phải dùng người ta, không còn cách nào khác!...
Cuối buổi hôm ấy tôi buột miệng: "Nhưng trong một tờ báo thì nhà báo có tài thường có tật. Do đó đôi khi hay bị "chết oan". Hở ra một cái có khi bị "đánh hội đồng". Ông bảo: "Những người có năng lực thực sự thì hay có những ý tưởng riêng, phong cách riêng, đây là cơ sở cho sự sáng tạo. Họ cũng là những người có hiểu biết rộng, có sự sáng tạo nên rất kiên định, việc bác bỏ ý kiến của họ là không dễ dàng. Từ sự kiên định, sáng tạo đến chỗ bị hiểu lầm là kiêu ngạo có khoảng cách rất ngắn, nên người ta hay gọi đó là cái tật. Với những người có năng lực, bác bỏ một bài của họ, thậm chí một dòng hay một chữ mà không "tâm phục, khẩu phục" thì họ cũng cãi đến cùng. Sự sáng tạo của họ không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả của một quá trình tư duy rất cao. Cho nên không phải mang cái thế của anh để sẵn sàng gạch ngang, gạch chéo...".
* * *
Chiều về. Ngôi nhà làm việc của ông ở số 4 Nguyễn Cảnh Chân nằm núp mình dưới tán lá của cây cổ thụ dường như yên tĩnh hơn khi hoàng hôn xuống.
Hà Nội thu Tháng Tám