Huyền thoại hòa bình ở hồ Hoàn Kiếm
Hồ Hoàn Kiếm, chiếc gương soi những trang sử bi hùng của dân tộc cũng là khoản thanh thản trữ tình của thành phố buổi bộn bề xây dựng. Hồ còn là lời thổn thức đầu môi của người Hà Nội xa Hà Nội nhớ về miền máu thịt của mình.
Một sớm mai tản bộ quanh hồ Hoàn Kiếm ta cảm nhận vẻ thư thái ở thiên nhiên đô thị sau một đêm ngơi nghỉ. Nước hồ xanh màu cốm non. Từ trong im lặng nước như theo cười với gió. Lại nữa, nước vỗ nhẹ vào bờ đá, trầm ấm khoan thai như lời chào bình minh sắp tỏa rạng lên khắp mặt hồ. Lúc ấy qua rì rầm âm sắc của không gian cổ kính ta như được trở về ngày hôm qua và ký ức như từng trang nắng được lật mở cho tới tận hôm nay...
Có một nhà thơ nước ngoài đã ví hồ Hoàn Kiếm như một lẵng hoa đẹp giữa lòng TP Hà Nội. Có lẽ khi đến thăm Việt Nam từ trên nghìn mét cao của máy bay nhìn xuống mà ông có mường tượng này chăng. Cũng có thể một sớm, một chiều nào đó người khách phương Tây ấy thả bộ quanh hồ mà ngẫm ra vẻ đẹp hào hoa của nó.
Ông bà ta ngày xưa gọi tên hồ theo đặc điểm màu nước Hồ Lục Thủy. Cũng ở ngày xưa ấy hồ được biết đến với một không gian nước rất là rộng bao gồm cả đất của Hàng Đào thông sang đến Hàng Chuối và nối nguồn vào với sông Hồng. Hồ Lục Thủy ngày ấy và hồ Hoàn Kiếm bây giờ là phần đặc sản nước ưu ái của sông Mẹ ban tặng cho miền đất rồng bay.
Vua Lê Lợi chiến thắng quân Minh, ngày khải hoàn đi thuyền trên hồ, gửi lại gươm trận cho Rùa Thần để vùng nước thiêng liêng này mang trên mình một huyền thoại thái hòa, nhân hậu trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Ông vua áo vải hay chính dân gian sau âm vang của hào khí thắng giặc đã đặt tên cho hồ, đã cho hồ một vẻ đẹp mới: Hồ Hoàn Kiếm.
Trong tấm lòng của vị vua áo vải sau buổi dựng cờ nghĩa dẹp xong giặc ngoại xâm trả lại lưỡi gươm báu cho Rùa Thần lưu giữ là khát vọng hòa bình, khát vọng yên hàn cho trăm họ. Tuy vậy sau sự tích trả gươm ấy đất nước đâu đã nguôi hẳn được các cơn binh lửa.
Nhiều thế kỷ sau, thời của những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước, mỗi giao thừa đến, những con người miền Nam tập kết lại rủ nhau ra hồ mắt vọng về nơi khói lửa thương nhớ quê hương... Hồ Hoàn Kiếm cũng là nơi của rất nhiều lứa đôi ghi dấu ấn hẹn hò, lưu hình kỷ niệm hết thế hệ này đến thế hệ khác theo suốt chiều dài tồn tại và phát triển của Thăng Long. Nói tới hồ Hoàn Kiếm cũng là nói tới Hà Nội. Hồ là nơi thay mặt, một địa danh tâm linh mang ý nghĩa đại diện!
Ngày quân ta vào giải phóng Sài Gòn, người Hà Nội đổ ra đường hò reo chiến thắng. Hồ Hoàn Kiếm, nơi đưa tiễn bao lớp người ra trận cũng là nơi kết đài hoa chào đón người trở về! Hồ Hoàn Kiếm hôm ấy ánh lên vầng sáng khải hoàn chiến thắng cũng thăm thẳm khôn nguôi trước những đau thương mất mát của những người con đất nước đã hy sinh cho độc lập tự do của dân tộc. Họ còn mãi trong lòng lịch sử, trong lòng mọi người. Xin kính cẩn nghiêng mình trước các anh hùng áo vải đã làm nên huyền thoại mới của hồ Hoàn Kiếm ngày đất nước im tiếng súng - ngày bình an đã về với muôn nhà...
Một ông khách nước ngoài đã hỏi một nữ hướng dẫn viên du lịch xinh đẹp của Hà Nội:
- Thưa cô, hồ đẹp như một lẵng hoa thế này sao lại gọi là Hồ Gươm?
Cô hướng dẫn viên đã có ngay câu trả lời thông minh trước câu hỏi nhạy cảm này của khách:
- Thưa ông, Hồ Gươm là cách gọi tắt tên hồ của dân gian. Thực tên của hồ là Hoàn Kiếm. Còn gọi là Hoàn Gươm nữa. Kiếm và gươm đều là các loại vũ khí của chiến trận, của binh đao. Dân tộc chúng tôi đã từng có giặc, đã từng đánh giặc và thắng giặc. Hồ là nơi dân tộc chúng tôi gửi lại gươm báu cho Rùa Thần giữ sau ngày dẹp xong nạn ngoại xâm...
Và sự tích về hồ Lục Thủy cùng dân tộc chống ngoại xâm giữ nước để thành hồ Hoàn Kiếm đã được một người con gái Hà Nội kể lại cho khách nghe và được nhận lại hồi âm của người xứ lạ bằng một lời thốt lên xúc động:
- Một dân tộc yêu hòa bình ngay cả trong huyền thoại.
Đúng như vậy. Thử hỏi trên trái đất này có nơi nào nhiều binh lửa như nơi này. Những nghìn năm trong ách Bắc thuộc, trong ách thực dân, đế quốc tù đày, chém giết... Xương người đã có thể cao hơn núi, máu người đã có thể chảy dài hơn sông nên khát vọng sống đau đáu của cả dân tộc là sự thanh bình của muôn nhà. Đất nước này không thiếu những tên đất, tên làng lấy chữ yên, chữ an, chữ bình. Và hồ Hoàn Kiếm là một biểu tượng cao đẹp ở giữa chốn trung tâm của đất nước.
Hồ Hoàn Kiếm, chiếc gương soi những trang sử bi hùng của dân tộc cũng là khoản thanh thản trữ tình của thành phố buổi bộn bề xây dựng. Hồ còn là lời thổn thức đầu môi của người Hà Nội xa Hà Nội nhớ về miền máu thịt của mình. Hồ Hoàn Gươm, hồ Hoàn Kiếm còn là tiếng đầu tiên của những người chưa biết Hà Nội hỏi thăm về Hà Nội. Còn tôi mỗi lần qua đây tâm hồn mình như được dịu dàng cùng liễu rủ, xao động với sóng nước và râm ran cùng những viên đá lát quanh hồ theo dòng người đi dạo giữa một thời khắc đẹp nhất của lịch sử: Thời khắc non nước thái bình.