Đinh Trọng Tiến Dũng đã viết:
Báo lá chuối tiếp tục đưa tin: vào rạng sáng ngày hôm nay, thành viên BTC Mỹ Hạnh đã gọi điện trực tiếp về VN cho quý báo với mong muốn dập tắt các nghi ngờ gần đây của dư luận về số đo 3 vòng của chị. Theo như ý kiến của Mỹ Hạnh thì chị muốn người đoạt giải nhất MR Hao sẽ là người đầu tiên được quyền thẩm tra số đo 3 vòng của chị.Việc này vừa coi như là phần thưởng riêng của BTC, vừa để trấn áp những soi mói của dư luận. Đúng là 1 mũi tên trúng 2 con chim. Vậy ai sẽ là Mr HAO? ai sẽ biết số đo 3 vòng của Mỹ Hạnh đầu tiên? câu trả lời sẽ được giải đáp vào ngày 24/7/06.
Nhân đang nói nhiều về vòng 1-2-3 gì đó của Mỹ Hạnh, có cái này liên quan đến vòng.
Song Thao
Vòng 1
Thân thể người ta chia ra làm ba vòng: vòng 1, vòng 2 và vòng 3. Giới mày râu thì chỉ lý tới vòng 2. Làm sao cho cái bụng bia đừng thành thùng nước lèo là được. Còn vòng 1 thảm thương chẳng cần lý tới. Không lý tới vòng 1 của mình, nhưng lại không thể không nghía tới cái vòng 1 của… người đối diện! Theo một cuộc thăm dò, 46% các ông trên thế giới cho biết, khi đối diện với một người khác phái có vòng số 1 bắt mắt, họ không thể không chôn mắt vào. Số phần trăm trên có ít quá không? Ngay cái thứ vô tri như nắng cũng cầm lòng không đặng, huống chi những đấng phàm phu tục tử.
Trưa bơn lơn. Nắng trên cao
Chờ em hở cổ lẻn vào lần khân
Dặn đi dặn lại bao lần
Mặc chi chiếc áo hở phần chứa thơ?
(Quan Dương)
Nắng lần khân thì gió cũng ỡm ờ.
có?
không?
nơi kẽ rập rình
hay trời vén gió si tình
chết
ngây
đứng trân
nghe áo tỏ bày
ơi vòng nhuyễn thể
hồn bay
một tờ.
(Hoàng Xuân Sơn)
Cái vòng nhuyễn thể đó là gì vậy? Đó là tập hợp những mô mỡ và tuyến sữa. Nhưng sự tập hợp này không phải ai cũng như ai. Có người nghễu nghện, có người khiêm cung. Cùng một vóc dáng, cùng trọng lượng, nhưng vòng số 1 không bắt buộc cùng kích cỡ như nhau. Ðôi gò biểu trưng của phái nữ phát triển nhiều hay ít tùy theo sự chi phối của một số hormone sinh dục nữ được tiết ra từ buồng trứng kể từ khi đến tuổi dậy thì. Người nhiều hormone thì xênh xang bộn bề. Người ít hormone thì… hai Kiều e lệ nép vào dưới… da! Thậm chí ở một người, cũng có khi… nhất bên trọng nhất bên khinh.
Hình dáng của cái khối dịu mát này được đồng hóa với các loại trái cây tươi mát mật ngọt. Từ dậy thì đi lên: chanh, cam, lê, bưởi, dừa và… mướp! Trái cây của trời đất tùy theo phong thổ hay giống mà ngọt nhạt khác nhau. Trái cây của chúng ta thì muôn hình vạn trạng, ngọt nhạt khác nhau, hương hoa cũng khác nhau. Thường thì nó là tổng hợp của một thứ… bodymade, mỗi trái mỗi khác, chẳng trái nào giống trái nào. Bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương, chẳng biết có trông mình ngẫm đến ta không, lại không ví von với trái cây, mà ví với bánh trôi nước. Nghe lãng đãng nổi trôi hết cỡ.
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
Sao lại bánh trôi khiêm nhượng mà không bánh dầy, bánh bao? Hẳn cũng có lý do. Cái thứ bánh trôi này, thời nữ sĩ Hồ Xuân Hương phải rào chắn kỹ càng, không thể vươn lên trước mắt công chúng được. Những dừa những bưởi thời đó là một điều bất tiện, cần phải giấu giếm. Ngày nay không dừa, không bưởi cũng phải đôn lên cho ra dừa ra bưởi. Chẳng ai muốn thua chị kém em. Muốn đôn lên thì phải độn. Ngày xưa khoa học chưa tiến bộ nên chỉ có độn phía bên ngoài bằng cách tạo ra những cái… vung bằng cao su đủ kích cỡ, nhét trong áo ngực. Tiện nhưng không bảo đảm. Có khi miếng cao su buồn tình nhúc nhích, tạo nên những tình huống khó cười. Có thể chị chàng nằm không đúng vị trí, tạo nên một cặp núi đồi lệch lạc không vừa mắt. Có thể chị chàng nổi máu phiêu lưu đi du lịch xuống phía Nam, tạo thành một ngọn đồi thừa thãi. Có thể máu giang hồ đậm đặc quá, chị chàng nhảy phóc xuống đất, gây nên một thảm trạng từ đỏ mặt tới ù té chạy bán sống bán chết. Bất tiện nữa là khi nhập cuộc thân mật, mặt nạ bị lột ra, nỗi chán chường xâm chiếm làm mất vui đi.
Ngày nay người ta không chấp nhận những sự bất tiện đó nữa. Đã chơi thì chơi tới ngọn nguồn lạch sông. Nâng lên là nâng một cách vĩnh viễn, trước sau như một, chứ không có cái lối người ngoài nhìn vào thì khác, mà bồ bịch chồng chiếc lại cảm thấy khác. Phần thiệt hại thuộc về những người thân! Bởi vậy nâng cấp là cấy sâu vào bên trong, giữ rịt trong đó. Vậy là anh chàng silicon vào việc.
Bác sĩ phẫu thuật sẽ phải đối đầu trước hết với tình trạng chia bệnh nhân ra hai loại: loại chưa có con và loại đã có con. Với loại chưa có con, bác sĩ sẽ khám kỹ xem bệnh nhân có thực sự cần phẫu thuật không để đưa ra lời khuyên tốt nhất. Với nhóm đã có con thì cứ thoải mái… hành hiệp. Tuy nhiên, những người đã có bệnh tim mạch, tiểu đường và bướu cổ thì phải thận trọng, cần tham khảo trước các bác sĩ chuyên khoa.
Sở dĩ cần phân loại như vậy là vì con Tạo sinh ra vòng số 1 của phái nữ một cách sầm uất là có mục đích cả. Đó là cái bầu sữa để nuôi con, chứ không phải một thứ để làm dáng. Nhũ hoa là một cách gọi rất hợp ý trời, tuy ý trời ngày nay hình như không hợp với ý các bà. Đó là một thứ trời cho để… cân bằng sắc đẹp! Trời không cho thì bác sĩ phẫu thuật cho. Cũng vậy thôi!
Sau khi khám kỹ lưỡng về hình dáng và kích thước của ngực, bác sĩ sẽ quyết định cách phẫu thuật: hoặc rạch ở nách, hoặc ở quầng vú, hoặc ở dưới vú. Sau đó, túi ngực silicon được nhét vào bên cạnh tuyến sữa để không gây ảnh hưởng tới việc tạo sữa và nuôi con. Tạo hình nổi cộm như vậy có lợi gì không? Lợi chứ!
Giờ học vật lý, giáo sư dạy về các chất liệu. Thầy đặt câu hỏi:
“Nếu bây giờ các em được chọn một chất liệu quý có trên thế giới này, các em sẽ chọn chất gì?”
Sinh viên thứ nhất giơ tay xin trả lời:
“Thưa thầy, em sẽ chọn vàng. Có vàng em sẽ có nhiều tiền để có thể mua được một chiếc xe BMW.”
Sinh viên thứ hai xin nói:
“Thưa thầy, em sẽ chọn platine. Platine ngày nay có giá hơn vàng. Như vậy em sẽ mua được một chiếc xe đắt tiền hơn. Em thích xe Mercedes.”
Sinh viên thứ ba vội giơ tay:
“Thưa thầy, em nhất định sẽ chọn silicon.”
Giáo sư ngạc nhiên, hỏi:
“Sao vậy?”
Rất tự tin, em sinh viên trả lời ngay:
“Thưa thầy, mẹ em có hai bịch silicon, và thầy không thể tưởng tượng được có bao nhiêu xe hơi loại xịn nhất đậu trước cửa nhà em đâu!”
Silicon oai hùng như vậy, nhưng nhiều bà vẫn từ chối nhét silicon vào trong người vì sợ. Họ sợ bị ung thư ngực. Các bác sĩ phẫu thuật cực lực bác bỏ điều này. Họ cho biết là túi ngực được đặt vào cơ thể là một chất liệu được sản xuất theo tiêu chuẩn tuyệt đối an toàn. Một nhóm các nhà nghiên cứu do Joseph McLaughlin, Chủ tịch Viện Dịch tễ Học ở Rockville cầm đầu, đã phân tích dữ liệu của trên ba ngàn phụ nữ Thụy Điển được giải phẫu thẩm mỹ ngực từ năm 1965 đến 1993. Kết quả cho thấy, những phụ nữ cấy ngực không hề có nguy cơ gia tăng ung thư vú hơn những người không cấy ngực. Tuy nhiên, vào năm 1992, Hoa Kỳ và sau đó Canada cũng đã cấm cấy ngực bằng chất silicone vì lo ngại sẽ gây nên nhiều loại bệnh như rối loạn hệ miễn dịch, viêm khớp hay ung thư. Mới đây, lệnh cấm này đã được giải tỏa. Không có nguy cơ nhiễm ung thư, nhưng cấy ngực nhiều khi cũng sinh ra rắc rối. Như một trường hợp vừa xảy ra tại Nữu Ước.
Ba bà cấy ngực đã đâm đơn kiện ông bác sĩ giải phẫu trước tòa Tối cao Manhattan vì đã cho các bà những bộ ngực cỡ của cô đào Pamela Anderson. Quý vị thường xem xi nê, chắc đã nghe danh bộ ngực quá đồ sộ đến dị hợm của cô đào sexy này. Ông bác sĩ gặp nạn là Brad Jacobs, một bác sĩ giải phẫu tốt nghiệp tại Đại học danh tiếng McGill trong thập niên 1980. Vì đâu nên nỗi? Theo Luật sư Gary Douglas cãi cho ba bà, không những ông bác sĩ nhét vào những bộ ngực đồ sộ và, quan trọng hơn, là những thứ nhân tạo này đã tạo nên sự bất cân đối trầm trọng với kích thước thân thể của các bà. Luật sư John Jankoff của bác sĩ Jacobs phản pháo lại: các thân chủ của bác sĩ Jacobs đã chỉ nhận được những gì họ muốn. Họ đã được cho coi những hình ảnh, và họ chọn kích cỡ theo những hình ảnh này. Tham lam muốn to cho đáng đồng tiền bát gạo thì ráng mà mang, kiện tụng chi nữa! Nhưng trong đơn kiện, các bà nêu lý do vì bác sĩ cấy cho những bộ ngực quá lớn nên họ “chịu những thương tổn tại vùng ngực và các nơi khác, khiến họ phải ở trong nhà và chữa trị bằng nhiều loại thuốc”. Tờ New York Post thuật lại lời của bà Felice Rosenbaum, 40 tuổi: “Tôi muốn có cỡ 34B, nhưng sau khi giải phẫu thì ngực lớn đến dị hợm”. Bà Cornelia Ion, 27 tuổi, cho biết đã tốn hết sáu ngàn đô tiền thuốc để mổ thêm hai lần nữa tu sửa lại đôi gò bồng đảo quá cỡ thợ mộc! “Tôi và bác sĩ đã thỏa thuận là ông ta sẽ không độn vào quá đáng. Tôi đã nói rõ với ông ta là tôi không muốn cỡ 2-D. Vậy mà bây giờ cỡ của tôi y chang 2-D”. Còn bà Iolanda Rodriguez thì la làng: “Tôi được ông ta bơm vào cỡ D, khi sửa lại thì ông ta lại chơi luôn tới hơn 2-D, gần 3-D lận!”
Quý vị nào không thông thạo tình hình A, B, C, D thì đừng hỏi tôi đó là những “ám hiệu” gì. Người thông thạo là các bà. Cứ đó mà hỏi là chắc ăn như bắp!
Có nhiều bà sợ cảnh máu đổ thịt nát, nhưng vẫn muốn… gia cố cái vòng số dách. Bèn chơi trò hút chân không. Hút chân không? Quảng cáo của một cơ sở thẩm mỹ tại Sài Gòn vi vút như thế này: “Cùng với thời gian, các cơ ngực của bạn sẽ bị chảy sệ, nhưng giờ đây, bạn khỏi lo về điều đó, chúng tôi sẽ giúp bạn có một bộ ngực săn chắc như ý muốn”. Giúp bằng cách “không cần phẫu thuật, không đau, mà chỉ sau 15 ngày, số đo vòng 1 sẽ được cải thiện 5 – 7 cm”. Nếu nghe bùi tai, muốn rềnh rang thêm từ 5 đến 7 phân nữa, bạn phải chi 3,3 triệu đồng cho 15 ngày điều trị. Bệnh nhân sẽ được bôi kem, làm massage, được chụp một dụng cụ trông giống cái bát lên hai bên ngực, cắm điện rồi hút chân không. Sau mỗi ngày, máy được điều chỉnh tần số cao hơn, cảm giác đau đớn cũng tăng. Kết quả, vòng 1 có phồng lên, nhưng ấn vào hơi đau. Thây kệ đau, miễn là đi đứng thấy tự tin hơn là được. Nhưng thường thì ngày vui ngắn chẳng tầy gang. Chỉ khoảng hai tháng sau, một buổi sáng thức giấc, bạn sẽ thấy hàng họ bỗng tiêu điều như bánh bao gặp mưa! Lớp da đã được hút phồng lên nay nhăn nheo, trông còn bà già hơn trước. Xong một giấc mộng… lớn!
Thực ra, phương pháp hút chân không chỉ là một tiểu xảo nhất thời. Lớp kem massage được quảng cáo có tác dụng làm nở ngực thực chất là để giữ nước, hoặc là thuốc bổ sung nội tiết tố, kích thích tuyến vú phát triển. Nhưng ngực được cấu tạo bởi các mô mỡ, những người gầy ngực vẫn không thể phát triển, ngay cả khi nội tiết tố đầy đủ. Không có bột, gột chi được nên hồ!
Chẳng phẫu thuật, chẳng hút chân không, cô bé người Trung Quốc Trịnh Hy Phiên vẫn cứ bề thế. Quá bề thế là đằng khác! Cô là người có bộ ngực lớn nhất thế giới. Mỗi bên bầu ngực nặng tới 10 kí, chiều dọc 48 phân, bề ngang 30 phân! Để vác cái vòng số 1 đồ sộ như vậy, cô đi đứng rất khó khăn. Một vừa hai phải thôi, cái gì nhiều quá cũng dị dạng. Cô bé 14 tuổi này rất khổ tâm khi bị bạn bè xa lánh, bị đám thanh niên luôn luôn cười nhạo một cách bất lịch sự và đặt cho cô cái tên “con bò sữa”! Không hiểu bộ ngực này đã được ghi vào kỷ lục Guinness chưa?
Tạo hóa sanh ra bộ ngực của người đàn bà không phải như một món trang sức, càng không phải là một vật mỹ thuật, và rất không phải là một biểu hiện dục tính. Chính con người đã hiểu lầm ý của Đấng sáng tạo. Chúng ta đã nâng bộ ngực lên hàng… quý tộc. Rồi màn che trướng rủ như một niềm bí mật. Khi sở hữu chủ của bộ ngực nhận chân ra được giá trị của thứ trái cây lủng lẳng phía trước thì bộ ngực tự nhiên có giá. Cái giá khi thì tính bằng tình cảm, khi thì tính bằng tiền bạc, khi thì tính bằng sức mạnh, khi thì tính bằng… chiến tranh. Muốn hòa bình, chúng ta đã có một mô hình mẫu từ lâu: mô hình của những dân tộc thiểu số. Bộ ngực của những người nữ nơi miền thượng du được mọi người thừa nhận là một cơ phận để nuôi con. Chỉ có thế thôi. Không hơn không kém. Khi đã được coi như một cơ phận bình thường trên cơ thể, như bàn tay bàn chân, thì ngực cứ phô ra một cách tự nhiên. Và cái nhìn của người khác là một cái nhìn bình thường, dửng dưng! Cái gọi là văn minh đã bóp méo vòng số 1, gán cho chúng ý nghĩa dục tính. Nhảm nhí quá sức!
Bộ ngực của bà Di Peel thì lại là một dụng cụ… văn hóa! Bà dùng chúng để tạo ra những bức tranh sơn dầu. Người đàn bà đã có hai mặt con, cư ngụ ở Tasmania, thuộc Úc Đại Lợi, đã đổ sơn lên ngực, nằm đè lên tấm vải bố trải sẵn trên mặt bàn để vẽ, hoặc đổ sơn trên một tấm vải bố, rồi dùng núm ngực làm cọ để tạo nên một bức tranh. Khi muốn dùng màu khác cho bức tranh, thay vì rửa cọ, bà Di Peel phải đi tắm! Với “bút pháp” lạ lùng như vậy, tranh của bà lên giá vùn vụt. Đầu tiên, bà bán với giá 5 bảng Anh một bức, rồi tăng lên 10 bảng, và bây giờ giá đã là 40 bảng. Tranh… ngực của bà ra sao, chính bà đã nhận xét. “Chúng như những bông hoa mơ hồ không hình khối. Bức vẽ gần đây nhất của tôi trông giống như trái đất nằm giữa vũ trụ, nhưng con trai tôi đặt tên là “Động Đất” vì cháu bảo trông giống như một vụ động đất hơn!”
Tin… nghệ thuật này đã làm buồn lòng các ông bạn họa sĩ của tôi không ít. Nếu trường phái vẽ bằng vòng số 1 này chiếm lĩnh thị trường tranh thì các ông ấy đành giải nghệ hết. Lấy chi mà vẽ đây!
05/2006
© 2006 talawas