Niệm Khúc Một Đời Người
Dòng thời gian cứ trôi, cuộc đời con người ta cứ ngắn dần lại, mỗi năm một tuổi, có lẽ chẳng mấy ai trong chúng ta kịp nhận ra. Sóng gió cứ táp, khuôn mặt càng dạn dầy, bao nhiêu khổ đau lại càng làm cho người ta thêm khát sống. Suốt cuộc đời mình, Hoàng đã từng trải nghiệm biết bao nhiêu điều như vậy. Để rồi hôm nay, khi con đàn cháu đống, Hoàng mới muốn tìm về những kỉ niệm tuổi thơ, tìm về những người bạn cũ đã cùng Hoàng nắm tay đi trên biết bao tháng năm học trò. Xuân này, cụ Hoàng đã ngoài tám mươi tuổi...
Bước vào cái tuổi bát tuần, cụ Hoàng có một cuộc sống sung sướng đúng theo cái nghĩa của nó! Và dù chỉ có một người vợ, nhưng cụ bà mắn đẻ đã hạ sinh được gần chục người con, trai gái đủ cả. Thời trẻ trai, cụ Hoàng lấy vợ sớm. Cái thời " Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy", vợ Hoàng hơn Hoàng đến chục tuổi có lẻ. Mà có nhờ thế, bà cụ đã một tay gánh vác gia đình khi thế thời thay đổi, khi gia đình đằng chồng lụi bại và khi mà cụ Hoàng chỉ biết cắm đầu vào đống sách sau mấy lần thi trượt đại học. Độ gần ba năm trở lại đây, sức khỏe của cụ Hoàng xấu nghiêm trọng. Nhớ cái dạo mà bà cụ đi hai năm mươi, ông cụ đã khóc suốt ngày suốt đêm đến bụ cả mắt. Cháu con khuyên bảo, cụ Hoàng không nghe, lại cứ đòi đi theo để được làm bạn với bà cụ dưới suối vàng. Vòng quay cuộc đời nghiệt ngã nó chẳng tha ai, vừa lòng rồi đấy, bây giờ thì cụ Hoàng cũng lâm bệnh nặng. Một năm sau ngày được con cháu tổ chức lễ thượng thọ tám mươi, ông cụ chịu một trận tả ác liệt, đi kiết cho đến hết nước, sức khỏe suy kiệt và khó lòng qua khỏi dù đã phải mời đến thầy này thợ nọ, cả thuốc ta, cả thuốc tây cũng không sao cầm được. Bữa nay đã là ngày cuối cùng, ông cụ biết mình chẳng thể sống qua được mười hai giờ đêm nên đuổi hết cả con cháu ra khỏi phòng, một mình nằm và nhìn lên trần nhà. Ông cụ cứ nhìn như vậy dù cho bản thân chẳng thể cử động, chân tay tù túng và ngao ngán vô cùng.
" Cụ ơi có người đến thăm!" Tiếng đứa chắt nhỏ lanh lảnh vọng vào làm cụ Hoàng giật mình. Cụ cố gượng, nuốt bãi nước bọt đã đầy ứa trong miệng rồi xướng to: " Cho vào "...
Sau cái giọng khàn khàn của cụ thì một loạt các âm thanh là lạ nghe như tiếng gậy gộc đang nện xuống nền gạch cứ liên tiếp vang lên. Cái tiếng ấy, nó cứ đều đều và nhàm chán đến não lòng, tựa hồ như khi người ta ngồi một mình ngoài sân trong tiết mùa hè, mà ở đằng sau những lùm cây, đàn ve sầu đang kêu râm ran không dứt vậy.
" Lạch cạch, lạch cạch...."
Người khách lạ chưa xưng tên chẳng mấy chốc đã tới phòng cụ Hoàng. Ông cụ vẫn nằm bất động như trước, duy chỉ có hơi thở là ngày càng hổn hển và gấp gáp hơn. Cánh cửa phòng cụ đã được mở tung ra. Thứ đầu tiên lọt vào trong phòng không phải là một câu chào hỏi hay một bàn tay đang nắm lấy then cửa mà lại là cái đầu của một cây gậy đã te tua. Thì ra tiếng lạch cạch sầu thảm lúc nãy là tiếng phát ra từ chiếc gậy này. Dù cánh cửa mở tung ra rồi nhưng cụ Hoàng vẫn chẳng thể nhận ra vị khách kia là ai. Ông ta đội một chiếc mũ phớt màu đen, che kín hết cả mặt, mặc một bộ vest đen che kín toàn thân, đi đôi dày da đen và đeo găng tay đen, nước da mặt trông cũng ngăm ngăm đen, duy chỉ có mái tóc là đã bạc trắng, đối lập hoàn toàn với trang phục đang bận trên mình. Người khách lạ dáng cao, thân hình to lớn, cái lưng hơi khòm và hình như những thứ mà vị khách diện trên người đều đã cũ kĩ, ngay cả chiếc ba toong đầu đã te tua mà ông cầm trên tay. Sững đi trong giây lát, vị khách lạ bỏ chiếc mũ phớt ra rồi nở một nụ cười hiền hậu:
" Chào cụ Hoàng, cụ có còn nhớ tôi không? "
Lúc này, khuôn mặt của người khách lạ đã hiện rõ dưới ánh đèn rạng rỡ. Đó cũng là một cụ già, chắc đã ngoài tám mươi, độ tuổi cũng chừng chừng như tuổi cụ Hoàng bây giờ. Mái tóc bạc trắng và những nếp nhăn hiện đầy trên mặt, ánh mắt sáng và bộ râu nhuộm đen càng làm tôn lên cho vị khách vẻ uy nghi và đáng kính...
" Cụ, cụ là...." cụ Hoàng vừa ngạc nhiên sửng sốt, vừa tò mò muốn biết ai đang đứng trước mặt mình kia.
" Tôi là Bá Toàn, học chung với cụ thời phổ thông đây, cụ còn nhớ tôi chứ.."
" Ôi cụ! Khụ khụ khụ.."
Cụ Hoàng ho lên một chàng dài, rồi nước từ bụng cụ cứ tuôn ra như thác đổ xuống chiếc bô màu đỏ phía dưới. Có lẽ cụ đang sung sướng...
" Ôi cụ Toàn, cụ Toàn đấy hả, bao năm qua tôi chẳng hay tin cụ, mà sao cụ biết nhà tôi mà đến chơi? "
Vừa nói, cụ Hoàng vừa định ngồi dậy. Nhưng người khách lạ vội bước tới đỡ lấy cụ trong vòng tay mình rồi bảo nhẹ:
" Cụ đừng xúc động quá! Tôi đã ở đây rồi."
Xen lẫn với những tiếng hổn hển, đôi tay cụ Hoàng quờ nhẹ lên vai người khách. Ông cụ rơm rớm hai hàng nước mắt rồi nhe rang cười. Hai hàm răng cụ theo năm tháng phần lớn đã đi cùng cụ bà về nơi chín suối, những chiếc còn lại đều đã xỉn màu đen sì, lợi hóp xuống, trơ cả chân răng ra, trông thật đáng thương. Với hàm răng này, mọi ngày cụ đều phải uống sữa hoặc húp cháo loãng cầm hơi.
Sau khi tỉ tê trò truyện hồi lâu, hỏi thăm gia cảnh hai bên, cụ Hoàng tức tưởi: " Cụ Toàn ơi! Tôi khộ lắm! Bà nhà tôi đã bỏ tôi mà đi cách đây mấy năm, nay ông dời lại phạt tôi bệnh tật thế này, nhiều lúc tôi muốn nhảy xuống sông mà chết quách cho xong. Con cháu tôi giờ cũng đã đuề huề, chúng tự lo cho mình được, một mình tôi mòn mõi trên cõi đời thì làm sao tôi sống được bây giờ... hu hu."
Vừa nói vừa khóc, hai hàng nước rãi lại chảy dài trên cái khóe miệng đã bị chốc lẻ vì nhiều ngày không vệ sinh, trông cụ Hoàng lúc này đáng thương vô cùng. Người khách cũng không sao cầm được nước mắt, ông ngẩng mặt lên trời, nấc thành tiếng rồi nói ra từng câu một tự sâu trong đáy lòng:
" Biết làm sao hả cụ. Cuộc đời cụ cũng như tôi thôi, lắm chông gai mà cũng đầy thách thức. Tôi với cụ sống được đến cái tuổi này cũng kể như là hiếm, cũng đã biết đủ trên đời. Anh em ta tuy chẳng bên nhau những tháng năm qua nhưng giờ đây thấy cụ thế này thì làm sao tôi không khỏi đau lòng. Cụ hãy cứ an tâm mà dưỡng bệnh đi. Còn tôi, còn cụ, chẳng biết, có khi tôi lại đi trước cụ không hay.."
Nghe những lời an ủi của người bạn già, cụ Hoàng đã thấy an lòng đôi chút, nhưng hai hàng lệ thì vẫn trải dài. Người khách vội tháo hai chiếc găng tay ra để lau nước mắt cho cụ Hoàng, một hành động đích thực của những con người đã cùng nhau chung lưng đấu cật qua gian khổ. Chiếc găng được tháo ra đã để lộ đôi tay gầy còm đầy chai sạn, một bàn tay lao động thực sự của vị khách kia.
" Thế sao cụ biết chỗ tôi, mà từ ngày chia tay cấp ba chúng ta đã gặp nhau bao giờ đâu hở cụ..." Cụ Hoàng vẫn phân vân.
" Có lẽ cụ chẳng thể tưởng tượng ra được đâu. Thế này cụ ạ, tôi đã trở về sống cạnh nhà cụ từ rất lâu rồi. Bao năm qua, dù cụ chẳng mấy khi để ý, nhưng cụ có nhìn thấy ngôi nhà bảy tầng màu trắng ngay kia không? Đó là nhà thằng cả tôi đấy. Thú thực với cụ, trước đây tôi cũng là một người có chức có quyền, nhưng thời thế thay đổi, bị bọn xấu ganh ghét, tôi mất việc rồi lại phải đi kiếm việc mà làm, cuộc sống cũng khốn khó lắm. Bắt đầu là lao động chân tay, sau lại đi buôn thúng bán mẹt và đến độ ba chục năm nay tôi mới chuyển sang đầu tư bất động sản. Những tháng năm lao động vất vả đã để lại những vết chai dày cộp trên tay tôi, cụ thấy đấy, đến giờ vẫn chưa hết đây này. Thế cho nên, dù cụ chẳng biết đến tôi nhưng tôi và cụ đã là hàng xóm từ lâu rồi! Bữa nọ, tôi nghe các cháu nói cụ ốm nặng, hôm nay tôi sang thăm cụ rồi ta ôn lại chuyện xưa."
Thế rồi người khách rút ra trong túi áo mình một tập ảnh, không nhiều, chỉ độ ba bốn chiếc đã tróc giấy, có vẻ là đã chụp từ rất lâu. Rồi người khách một tay đỡ cụ Hoàng ngồi cao hơn, một tay cầm từng chiếc ảnh và giơ ra trước mặt cụ Hoàng.
" Cụ có thấy không, đây là ảnh của chúng ta chụp chung năm học lớp 10. Thế a a, cụ có nhớ ai đây không? "
" Đây.. Đây là thầy Vinh, đúng thầy rồi. Thế cụ có tin gì của thầy không, tôi đã nhiều lần có ý muốn đến thăm thầy..." Cụ Hoàng nở một nụ cười sung sướng khi thấy người thầy đáng kính của mình trong ảnh.
" Tôi cũng như cụ thôii, chẳng mấy khi hay tin của thầy cả. Nghe đâu thầy ấy sau khóa của chúng mình đã nổi tiếng khắp trường, thầy trở thành tiến sĩ rồi giáo sư nhưng thấy bảo thầy đã qua đời được gần hai chục năm rồi.."
Cụ Hoàng vội nhắm đôi mắt lại, cố ép chặt đôi mi để cho nước mắt đừng trào ra...
" Đây là cụ Song Tùng này, cụ Thái này, còn đây nữa, cụ Thịnh này... Mà cụ có còn nhớ ai đây không?..."
" Làm sao tôi có thể quên được, đó là bà Mai Trang. Thú thực với cụ, đã có một thời tôi yêu bà ấy..Và khi bà Mai Trang mới đi du học, ngày nào tôi cũng mơ... Bây giờ chắc bà ấy đã cháu con đầy đàn bên xứ ngườ rồii.."
" Còn đây nữa, năm lớp 11, cụ Đức Hiếu này, cụ Tuất này.. Mà đây đâu phải cụ Tuất nhỉ! Ôi trời, tôi chẳng còn nhớ nữa rồi, thời gian quái ác, mỗi năm một tuổi cụ nhỉ..."
" Cụ nhớ không nhầm đâu, đó là cụ Vũ Long, cũng chính là cụ Tuất đấy mà.."
Thế rồi cả hai người cười phá lên, dù cho mỗi lần cười, cụ Hoàng lại phóng uế và đau đớn vô cùng. Hai người cứ bên nhau như vậy mấy giờ đồng hồ liền. Bao kỉ niệm, bao hồi ức thời trẻ trai đẹp đẽ như hiện lên trên từng khuôn mặt, từng hình ảnh còn đọng lại trong đôi bạn. Ôi, những người bạn già, ngoài tám mươi tuổi và dù quá nửa cuộc đời họ không hề gặp nhau nhưng họ vẫn là tri kỉ. Và thời gian cứ như là chất keo gắn bó họ lại....Họ chẳng thể quên nhau, họ chẳng thể xa nhau....
Chuông mười hai giờ đã điểm, tiếng cười vẫn chưa ngớt, nhưng dường như tiếng cười ấy không còn rộn vang nữa, không còn vui vẻ nữa, nó ẩn chứa sự ai oán xót thương, mà dường như cũng chỉ còn có tiếng cười của một người trong ấy. Trong căn phòng đó, trên chiếc giường đó, vị khách đang ôm ông cụ Hoàng trong vòng tay. Mái tóc bạc trắng của một người xõa lên đôi môi khô cứng của một người và dòng lệ cứ giàn dụa của một người rơi trên ánh mắt vô hồn của một người, cả hai đang bên nhau. Người khách lấy tay mình vuốt nhẹ lên mắt của bạn, đôi mắt đã nhắm lại, rồi ông lấy chiếc găng tay màu đen tuyền lau nhẹ trên khuôn mặt bạn, nước mắt đã ngừng rơi, nhưng nụ cười trên khóe miệng cụ Hoàng thì vấn đang hiển hiện. Cụ sung sướng vì đến lúc cuối đời vẫn còn được gặp những người anh em đã cách xa cụ biết bao năm, được ôn lại những kỉ niệm thời thơ ấu. Người khách lấy một chiếc gối cao, đặt cụ Hoàng nằm vào đó, rồi thu dọn mọi thứ lại, đi lại găng tay, đội lại cái mũ và thu lại đống ảnh. Cụ cầm chiếc ba toong, lững thững bước ra ngoài, cụ nhẹ nhàng khép cửa lại, quay lưng về phía căn phòng rồi xướng lớn:
" Cụ Hoàng đã về nơi chín suối..."
Thế rồi tiếng lạch cạch của chiếc ba toong ban nãy lại vang lên đều đều. Nhưng lần này thì nó cứ nhỏ dần theo bước chân người khách. Xen vào đó là những tiếng khóc xót thương của con cháu Bùi gia trước sự ra đi của cụ cố Hoàng. Cả một đời ông cụ đã vì con cái, nhưng con cái chẳng thể nào làm ông cụ cười lúc sắp ra đi, cái làm ông cụ cười chính là tình bạn, ông cụ cần nó, người khách cần nó, ai cũng cần nó, sự thật luôn là vậy....