Theo tiếng Tày, Na Hang nghĩa là “Mảnh ruộng cuối” – một địa danh nằm phía tây bắc thị xã Tuyên Quang, cách hơn 100km. Thị trấn vùng cao vốn thanh bình yên ả này, bỗng xôn xao suốt 5 năm qua về một kỳ án.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà khi TAND tỉnh mở phiên tòa xét xử vụ án này, hàng trăm người dân không quản ngại đường xa khăn gói về tận nơi chứng kiến để rồi thất vọng, bất bình, phẫn nộ…
Sau gần 2 năm điều tra, theo dõi, lúc trong vai nhà báo, lúc trong vai “thám tử”, phóng viên báo chúng tôi đã tìm ra được bằng chứng và lời giải đáp cho bí ẩn lớn nhất trong “kỳ án” mà chưa cơ quan chức năng nào có được; đồng thời, phát hiện ra những thân phận khốn cùng đang ngoi ngóp trong tuyệt vọng…
Kỳ 1: Bà còng và những sinh linh
Nhiều người dân ở xã Thạch Đà (huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc) không biết tên thật của cụ là gì, bao nhiêu tuổi, họ chỉ quen gọi là “bà còng”, “cụ còng”, từ bao nhiêu năm nay, cái dáng nhỏ xíu với gương mặt sạm đen, nhăn nhúm cùng cái lưng còng tới mức không còng hơn được nữa vẫn lần hồi, sống lay lắt qua những ngày tháng.
Thật ra bà còng cũng đã từng có một cái tên: Gái – Nguyễn Thị Gái – một cái tên mộc mạc mà các cụ bần cố nông ngày xưa thường cho đứa trẻ sinh ra mang kiếp phận đàn bà.
Trong ký ức của mình, bà cụ Gái vẫn không bao giờ quên những đoạn trường ngập trong nước mắt, khổ tủi. Cụ Gái kể lại rằng, ông bà cụ thân sinh nghèo khổ lắm, thuộc dạng cùng đinh ở đất Thạch Đà này. Bữa Gái ra đời nhằm đúng mùa Đông năm 1936 giữa lúc trời rét như cắt da, cắt thịt.
Bấm đầu ngón tay, bà mẹ nghèo thở dài đọc câu ca dao “Con trai tuổi Tý thì tài, con gái tuổi Tý qua hai lần đò”. Gái sinh ra trong nghèo đói, lớn lên trong đói nghèo, chả biết thế nào là “thời thiếu nữ”, “thời con gái” chỉ biết rằng, khi ngực nhú lên cũng là lúc theo “lái” về nhà chồng.
Tiếng con dâu nhưng cuộc sống của Gái chẳng khác gì kẻ ở đợ, phải làm việc quần quật suốt ngày mà bụng bao giờ cũng lép kẹp. Người chồng thì làm nghề thợ mộc thường hay xa nhà đi các làng xóm lân cận.
Bao nhiêu cay đắng tủi nhục một mình Gái phải gánh chịu: ăn ít, làm nhiều mà hễ trái ý người nhà chồng là bị mắng mỏ, thậm chí cả đòn roi… Vượt lên trên tất cả, Gái vẫn gắng chịu đựng bởi niềm vui về đứa trẻ mới hình thành trong bụng mình.
Phận đàn bà, ai chẳng khao khát, trông ngày trông tháng để lần đầu tiên ẵm trên tay đứa con do mình đứt ruột đẻ ra. Nhìn cảnh Gái chửa vượt mặt mà suốt ngày tất bật cấy hái, rất nhiều người ái ngại, xót xa thay.
Còn Gái vẫn lầm lũi, âm thầm chịu đựng, nhẫn nhục. Rồi thì đứa trẻ cũng ra đời, có lẽ lần đầu tiên kể từ khi được sinh ra, Gái mới cảm nhận được thế nào là niềm vui, hạnh phúc.
Am trên tay mình sinh linh bé bỏng, người mẹ trẻ chợt thấy mình dạt dào một tình yêu thương vô bờ bến. Kể từ nay, Gái đã có người để nói, để cười, đùa vui.
Thế nhưng, oan nghiệt thay, đứa trẻ vô tội kia vừa chào đời chưa được bao lâu đã bị bệnh tật cướp khỏi tay người mẹ khốn khổ. Sau này, có vị bác sĩ bảo Gái rằng, do trong thời kỳ thai nghén, người mẹ vừa bị lao lực, vừa thiếu dinh dưỡng nên đứa trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng; lúc sinh ra lại không đủ sữa bú cho nên không thể chống lại bệnh dữ. Gái như điên như dại, vật vờ như một bóng ma.
Song, số phận đâu đã buông tha cho người thiếu phụ bạc mệnh này. Lần lượt đứa con thứ hai, thứ ba, thứ tư rồi đứa thứ năm đều bị tử thần ăn tươi nuốt sống.
5 vành khăn tang cứ lần lượt cuộn tròn trên đầu người mẹ trẻ như những vòng kim cô định mệnh, cái cũ chưa kịp tháo, đã lại thêm vòng mới. Nước mắt của người mẹ khóc cho 5 đứa con đã cạn kiệt tới mức không còn để khóc cho riêng thân mình.
Có lẽ tiếng khóc ấy đã thấu tới trời xanh nên ông Giời cũng động lòng để cho người mẹ trẻ kia sinh ra một đứa bé gái (được coi là đầu lòng) bụ bẫm, khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn, đặt tên là Hoa - Đỗ Thị Hoa!
Ám ảnh bởi những đứa con đã mất, Gái chăm chút từng tý cho đứa con gái muộn màng này. Sau những lần thăm khám bác sĩ, Gái phần nào yên tâm vì ai cũng đảm bảo Hoa sức khỏe rất tốt, không bệnh tật gì, không phải lo ngại, Gái rất tin tưởng vào các bác sĩ, nhưng trong thâm tâm, Gái không khỏi bồn chồn về một điều gì đó chẳng an lành.
Bởi Hoa cũng ra đời giữa đêm giá lạnh, lại gánh trên vai phận tuổi Tý (1960) y như mẹ. Đời mẹ đã thế, còn phận con gái sau này ra sao đây?
“Giá biết được con Hoa đến nông nỗi như ngày hôm nay thì dạo ấy, ông Giời đừng cho tôi sinh ra nó!”-Bà còng vừa lấy vạt áo lau nước mắt, vừa rầu rĩ. Bà ngước nhìn lên trần nhà mốc rêu, phân nửa bị ánh sáng trời lọt vào, rồi trôi tiếp theo những ký ức đau buồn. Nghe giọng bà người ta có cảm giác, trong đó không chỉ có nước mắt...
Sau lần sinh ra Hoa, “nàng dâu” Nguyễn Thị Gái vẫn phải hùng hục làm lụng suốt ngày, đêm. Nỗi đau mất con chẳng những không được chia sẻ mà Gái còn bị mắng nhiếc, hành hạ.
Cho đến một hôm, lúc đó Hoa đã hơn 10 tuổi, chỉ vì sơ suất nhỏ, Gái đã bị người ta cầm chày giã cua đánh cật lực 3 nhát vào đầu, máu chảy thẫm cả một bên tóc, cho đến nay gần 4 chục năm trôi qua mà vẫn còn di chứng với một bên tai bị khiếm thính.
Sau trận đòn thập tử nhất sinh ấy, Gái không thể chịu đựng được nữa, bèn nói thẳng với chồng, nếu như không cho mẹ con Gái ra ở riêng thì chỉ còn nước tự tử thôi. Người chồng lâu nay vốn bạc nhược, thấy vợ bị đánh đau như vậy, nên cũng đồng lòng cùng vợ ra đi khỏi nhà mẹ đẻ.
Mặc dù chồng làm thợ mộc, vợ chịu thương chịu khó, nhưng mãi 5 năm chắt bóp, hai vợ chồng mới dựng được ngôi nhà, vậy là sau gần 3 chục năm đi lấy chồng, Gái mới có được một cuộc sống thực sự mang hơi ấm gia đình.
Cuộc đời tưởng đã êm trôi, song Hoa càng lớn lên thì nỗi lo sợ số phận bám đuổi càng hiện hình rõ trong lòng người mẹ đau khổ.
Đúng như lời các bác sĩ nói, Hoa chẳng bị bệnh tật gì, ngày mỗi ngày, lớn lên như một cây cỏ dại, chỉ hiềm một nỗi cô bé có gì đó không thật người.
Thương con, mẹ cũng cho Hoa đi học, cơ mà học mấy năm giời mà có mỗi tên mình, Hoa cũng phải lấy hết sức bình sinh mới viết nổi, nên đành thôi học ở nhà.
Năm tháng vẫn đều đặn trôi qua. Hoa càng lớn thì lưng Gái càng còng cho tới một lúc dân làng đã quên hẳn cái tên Gái, thay vào đó, người ta gọi bà còng, ấy là lúc Hoa đã qua “thời con gái”. Ở thôn quê, con gái 16-17 có nhiều đám cặp kè, giậm giạp. Riêng Hoa, vừa không thật người, nước da lại đen đúa nên chẳng có trai làng nào để mắt tới.
Cho tới khi Hoa tròn 30 tuổi thì chuyện xảy ra. Câu chuyện này, lẽ ra bà còng sống để dạ, chết mang theo, nhưng khi tiếp xúc với nhà báo, lần đầu tiên sau gần hai chục năm, bà còng thổ lộ như cho vơi đi nỗi lòng, nỗi đời mà bà đã phải giấu kín sau từng ấy thời gian.
Dạo ấy, khi thấy ông già ấy thi thoảng sang nhà nhờ Hoa làm giúp một vài việc vặt trong gia đình, bà còng lúc đầu chẳng mảy may nghi ngờ, bởi lẽ về tuổi tác ông ấy hơn bà tới hai chục tuổi, vả lại về mặt họ hàng, ông ấy còn là bề anh của bà. Về gia thất, con cái ông ấy đã trưởng thành và cũng đều lớn hơn cả tuổi Hoa.
Bẵng đi một thời gian, một lần, vô tình qua nhà ông ấy bà còng đã không tin ở mắt mình. Lúc đó, bà vợ ông ta đang đi xem nhờ ti vi hàng xóm. Sau khi đứng chôn chân một lát, bà còng bỏ về nhà, lòng rối bời không biết nói cùng ai, bà giấu luôn cả chồng và lặng im cho tới tận hôm nay…
Chuyện gì đến sẽ đến! Bụng Hoa ngày một to. Hàng xóm ban đầu còn xì xầm bàn tán, rồi mọi chuyện lại trôi qua, bởi ai cũng thông cảm cho tình cảnh của hai mẹ con bà còng; rằng, con gái lỡ thì đã qua tuổi “băm” sinh đứa con, trước là cho vui cửa, vui nhà, sau này bà còng và mẹ nó có nơi nương tựa v.v…
Ngày Hoa trở dạ, than ôi, cũng lại đúng vào ngày mùa Đông năm 1991, lại là một cháu gái ra đời! Bà còng ra Ủy ban làm giấy khai sinh cho cháu, lấy họ của bà ngoại: Nguyễn Thị H.
Bất chấp hoàn cảnh, H bụ bẫm và lớn nhanh hơn những đứa trẻ bình thường. Cho tới khi H được cắp sách tới trường, một biến cố xảy ra. Ông ngoại bị cảm đột ngột qua đời không kịp dặn dò gì vợ con, cháu.
Từ đó ba bà cháu, mẹ con lủi thủi trong căn nhà ẩm ướt. Một hôm có người ở Đội 3, chuyên đi buôn thuốc lào từ Mê Linh đi Na Hang mãi tít tận trên miền rừng núi Tuyên Quang.
Cũng chỉ vì xuất phát từ tình thương đối với hoàn cảnh của ba bà cháu, nên người ấy đã làm mối cho con gái bà còng với một người đang sinh sống tại thị trấn Na Hang.
Thoạt đầu khi nghe “bà mối” giới thiệu, bà còng giãy nảy người, vì ai đời “con rể” lại hơn mẹ vợ tới 11 tuổi, bà mối lúc ấy khẽ khàng phân tích mọi điều rằng ông ấy tuy đã 75 tuổi (thời điểm năm 2000 – PV) nhưng sức khỏe và phong độ thì hơn cả những người năm, sáu mươi tuổi;
vợ ông ấy đã mất từ lâu, có 4 con trai, một đứa liệt sĩ, một đứa chết bệnh, một đứa chết đuối, hiện chỉ còn một con trai đã có gia đình, ông ấy không còn phải vương vấn gì cả.
Sau vài lần “bà mối” đi lại thì bà còng có vẻ xuôi tai. Bà còng chặc lưỡi: Chả lẽ cứ để con gái sống mãi thế này cho tới khi trở thành gái già hay sao? Suy đi nghĩ lại rồi bà còng hỏi ý kiến con gái.
Hoa gật đầu luôn. Thế là xong! Ngày “chú rể” về đón cô dâu, bà còng buồn vô hạn nhưng không dám khóc, cũng chẳng tổ chức đám, lễ gì, tất tần tật gọi là đồ sính lễ, “chú rể” đưa cho “mẹ vợ” được đúng 200 ngàn đồng! Ít lâu sau, “chú rể” Vũ Đình Thị sinh năm 1925, đưa cô dâu là Đỗ Thị Hoa, sinh năm 1960 ra UBND thị trấn Na Hang để đăng ký kết hôn vào ngày 15/8/2000!
“Trời mưa bong bóng phập phồng…” mẹ đã đi lấy chồng, H ở lại với bà còng. Một thời gian sau, bà mối cho hay con gái bà còng đã ổn định cuộc sống và muốn đón H lên ở cùng, ở trên đó có trường lớp đàng hoàng. Ngày tiễn cháu đi, dù thương cháu đứt cả ruột gan, nhưng bà còng cố kìm nén, sợ cháu mủi lòng.
Trở lại ngôi nhà xiêu vẹo như chính thân mình, bà còng thắp một nén hương. Hôm ấy bà bỏ bữa, lên giường nằm khóc suốt đêm cho tới khi gà gáy.
Sáng dậy, bà tự nhủ rằng, ơn trời, con cháu đã có chỗ dựa. Từ nay trong gian nhà này, chỉ còn mình bà còng với cái bóng của mình. Bà còng không phải sấp ngửa lo toan như mấy chục năm qua; giờ đây, chỉ cần rau cháo qua ngày sống nốt kiếp dương thế…
Bà còng đâu có ngờ rằng, số phận vẫn chưa buông tha bà, bắt bà phải sống, chứng kiến và gánh chịu thêm những nỗi cay nghiệt, ê chề!