Hong Kong ở dưới chân
Chiếc đồng hồ Thụy Sỹ hình bầu dục, mạ vàng, mỏng như một tờ giấy, người đàn ông mập mạp đứng tuổi thấy ngay là một người Mỹ, cầm trên tay với tất cả vẻ tần ngần lưu luyến, nhìn qua vai ông ta, Chính biết là một chiếc đồng hồ khá đắt tiền. Đắt lắm, chắc vậy. Và sự tần ngần của người muốn mua nó là không biết có nên trả giá hay không. Người Mỹ ngại ngần với sự trả giá. Không biết cách nữa. Nhưng Hong Kong là vậy, thượng vàng hạ cám món hàng nào bày bán cũng phải trả giá hết. Thành ra Mỹ Quốc loay hoay, không biết nên có quyết định nào. Với chiêc đồng hồ óng ánh cầm lên đặt xuống nhiều lần trên tay.
Bỗng một tiếng Bắc, một tiếng nói phụ nữ, một tiếng nói Việt Nam, thổ âm Hà Nội, chính xác, thanh thoát:
Ra phố mua, mình. Thiếu gì. Hàng bán trong khách sạn này cốt bán cho du khách. Bao giờ cũng đắt gấp hai, ba lần ngoài phố.
Người đàn bà Việt Nam vừa cất tiếng nói, ngồi ở đầu quầy là một thiếu phụ. Đã đứng tuổi, chừng trên dưới 40, khuôn mặt và thân hình cũng rất thanh tú, diễm lệ. Trái hẳn với thái độ bồn chồn của người chồng, nàng ngồi ung dung, hai chân vắt lên nhau, cặp đùi tròn lẳn và dài vút nổi bật dưới làn lụa mỏng của cái váy hoa mau tím. Chính tới Hong Kong, ghé qua Đại Hàn, đã được một tuần. Chìm ngập vào cái thế giới đông đặc, vĩ đại của hàng triệu người Tàu liến thoắng quát tháo, chửi thề, bằng độc một thứ tiếng Tàu chàng mù tịt, một tiếng nói Việt Nam, một giọng nói Hà Nội, Chính nghe, bất ngờ và vui thú, như một dòng suối âm thanh vừa ngọt ngào vừa thân thiết. Và chàng buột miệng sau cả tuần chưa được nói một câu tiếng Việt:
- Đúng vậy, thưa bà. Tội gì. Hàng hóa trong khách sạn này đắt thật. Toàn một giá cắt cổ.
Thiếu phụ đứng ngay lên, vẻ mặt vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ:
- Tuyệt quá, hôm nay mới được gặp ông là người Việt Nam.
Chính cười:
- Tôi cũng vậy.
Chàng chỉ người đàn ông Mỹ, vẫn tần ngần với cái đồng hồ Thụy Sỹ trên tay, như thần trí đã bị cái đồ vật đo lường thới gian hoàn toàn chiếm đoạt:
- Chắc ông không chịu nghe lời bà quá!
Thiếu phụ lắc đầu:
- Nhà tôi khốn khổ vì đam mê kỳ lạ và duy nhất ấy là đồng hồ. Sưu tập có cả trăm chiếc rồi chứ. Mua ở khắp thế giới và đủ loại, đủ thứ. Vậy mà cứ thấy tiệm đồng hồ là lao vào, không sao bỏ đi được.
Và nhìn chồng, cái nhìn nửa thông cảm, nửa giễu cợt, nàng nói tiếp:
- Thế nào cũng mất tiền cho cô bán hàng Hong Kong quỷ quái kia. Không thôi được đâu.
Hướng về một hướng khác, nàng gọi:
- Hai con lại đây chào bác.
Hai đứa nhỏ của hai dòng máu Mỹ Việt, thằng anh tóc hung, con em tóc vàng, nắm tay nhau từ cuối tiệm đi tới. Chúng ngước mắt: "Chào bác.", bằng một giọng nói lơ lớ, không rõ dấu nhưng rất rành mạch, khiến Chính ngạc nhiên:
- Hai cháu nói được tiếng Việt? Hay quá.
- Vâng, tôi dạy. Những năm trước ở mấy quốc gia Phi Châu, ở Trung Đông, bây giờ ở Pakistan, ở đâu tôi cũng bắt hai cháu nói chuyện bằng tiếng Việt với tôi mỗi ngày ít nhất một tiếng đồng hồ.
Nàng cười:
- Mẹ chúng là Việt Nam chính cống mà. Tôi muốn không bao giờ chúng quên dòng máu chúng, ngôn ngữ chúng, có phần nửa Việt Nam. Nhà tôi cũng nói được tiếng Việt từ lâu. Viết được nữa. Bởi đã phục vụ ở Việt Nam tới sát ngày miền Nam sụp đổ. Hiênk nhà tôi làm việc cho chính phủ, ở Pakistan. chúng tôi đang trên đường từ Mỹ trở về Pakistan, ghé Hong Kong. Tôi đến Hong Kong cả chục lần, chẳng còn thích thú gì nữa.
Nhìn Chính thân ái:
- Đang buồn quá thì được gặp đồng hương. Ông có bận gì không?
Chính đáp, thành thực:
- Tôi đang chưa biết dùng buổi chiều Hong Kong chết tiệt này cho việc gì.
- Tôi cũng vậy nữa. Vậy ông cho tôi mời tới một quán rượu gần khách sạn này nhé. Để đồng hương với đồng hương được chuyện trò thỏa thích bằng tiếng Việt với nhau. Để tôi bảo nhà tôi và hai cháu chờ trên phòng khách sạn. Tới tám giờ kia chúng tôi mới có hẹn ăn tối với vợ chồng ông lãnh sự Mỹ ở đây. Ông đừng ngại. Nhà tôi để tôi sống rất tự do, muốn đi đâu thì đi.
Sau một ngày nồng nực, Hong Kong và đối diện là Cửu Long đã nhạt nắng, đã thoáng mát vì những đợt gió đầu của buổi chiều từ ngoài cửa vịnh thổi vào. Thiếu phụ đi xuống những bậc thềm khách sạn, dẫn Chính băng qua một công viên nhỏ. Hai người đi tiếp một khúc đường ngắn nữa, có nhiều bóng cây. Đoạn, rẽ trái, tới một tiệm rượu nằm trên bờ một dòng sông có tàu, thuyền từng đoàn tấp nập trôi qua. Sự dẫn đường thành thạo. Chừng như lộ trình và nơi chốn với người đàn bà hết sức quen thuộc. Hai người vừa đi vừa nói chuyện. Tự nhiên. Thân mật. Và khi vào tới quán, chọn được một chỗ ngồi ngay cạnh bờ nước thì đã biết tên nhau. Và lối xưng hô không còn kiểu cách nữa. Tên nàng là Ngọc. Nguyễn thị Lan Ngọc.
- Vậy là Ngọc đi từ trước Hà Nội vào?
- Vâng. Hai ngày. Một trong những đợt nhân viên ra Tân Sơn Nhất sau cùng của một tòa Đại Sứ. Đi cùng với Williams.
Nàng cười, giễu cợt chính nàng:
- Rồi thân gái dặm trường, đất khách quê người, sang tới Mỹ làm bà Williams quách luôn cho xong. Anh Chính đi hồi nào?
- Tôi phải trình diện. Lao động vinh quang ở trại cải tạo Xuyên Mộc bốn năm mới được thả về. Vượt biên hụt đến năm, bảy lần. Năm 82 mới đi thoát. Lao động tiếp trên đất Mỹ mãi tới năm nay mới thu xếp được một chuyến đi chơi xa hai tuần. Tôi đã chọn Hong Kong. Nghĩ là Á Châu. Nghĩ là vè một vùng trời sát gần với vùng trời đất nước.
Nhìn ra mặt sông dần dần thẫm màu trên nắng chiều đã tắt, và xa xa, những tòa nhà chọc trời của Hong Kong ở trên cao đã lấp lánh một rừng đèn lồng loại thắp sáng, chàng nói tiếp:
- Tôi đã lầm. Tới đây mới thấy chẳng gần gì hết. Đất nước nào cũng là một đất nước riêng. Và những người thân vẫn nghìn trùng cách biệt, thì Việt Nam vẫn là xa thẳm.
Ngọc gật đầu. Chừng như nàng thấu hiểu tâm trạng Chính. Trong lữ thứ. Chừng như tâm trạng Chính y như hệt với tâm trạng nàng, nơi quê người:
- Đúng vậy, anh. Williams cấp Đại Sứ, là một chuyên viên Á Châu Vụ của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Mười mấy năm nay, từ sau Việt Nam, phần lớn các nhiệm sở đều ở các quốc gia thuộc vùng Đông Nam Á. Tôi đã sống với Williams hai năm ở Kuala Lumpur, hai năm ở Bangkok. Thấy đúng như anh thấy. Càng về gần nhà càng xa vô cùng. Đừng gần có khi lại đỡ đau lòng hơn. Trên những chuyến bay từ Mã Lai, từ Thái Lan, tới Hong Kong, tới Đài Bắc, lần nào khi người hoa tiêu nói phi cơ đang bay trên không phận Việt Nam tôi cũng khóc, hành khách đi cùng chẳng hiểu gì hết. Việt Nam ở dưới chân nhưng cũng là Việt Nam đã đứt rời, không bao giờ gặp lại.
Hai người cùng im lặng. Chính ngắm nhìn người thiếu phụ trẻ đẹp ngồi trước mặt chàng. Nàng hút thuốc lá. Như một người đàn bà Mỹ. Nàng uống rượu. Như một phụ nữ Mỹ. Nàng đã lập gia đình. Có con. Đã sống với cái tiểu bang gia đình không ngừng di chuyển của nàng trên khắp các kinh thành trái đất. Đã trở thành công dân thế giới, toàn phần. Nhưng tâm thức nàng vẫn nguyên vẹn Việt Nam. Như Chính. Thân thế nàng vẫn mãi lưu vong. Như Chính. Hai sự lưu vong trơ trọi, lạnh buốt dưới trời Hong Kong.
Chính nhìn đồng hồ:
- Hơn bảy giờ rồi. Ngọc phải về chưa?
- Phải rồi. Sửa soạn đi làm thượng khách tối nay của ông bà đại sứ Mỹ. Tiếc quá, chưa nói chuyện được với anh bao nhiêu.
Nhìn Chính bằng cái nhìn chứa chan cảm tình không che dấu, Ngọc hỏi:
- Anh còn ở Hong Kong?
- Tới ngày mốt.
- Anh đã sang Trung Quốc?
Chính cười:
- Có ý định. Nhưng chưa. Chắc thôi. Cũng chẳng hiểu đường đất thế nào.
Vậy thế này nhé. Anh cho Ngọc đã anh một chuyến vào Trung Hoa Lục Địa. Anh đừng từ chối. Đi ngắn thôi. Sáng đi, chiều về. Tới thành phố Hàng Châu rồi chúng ta trở lại. Trọn ngày mai Williams phải ở tòa đại sứ Mỹ họp phiên họp thường niên giữa các đại sứ, lãnh sự Hoa Kỳ trên hai vùng Trung Đông và Á Châu nwam nay họp ở Hong Kong. Buổi tối họp xong họ dự dạ tiệc ở tư thất ông đại sứ. Chỉ lúc đó Ngọc mới phải có mặt. Anh cho Ngọc địa chỉ khách sạn của anh đi. Bảy giờ rưỡi sáng mai Ngọc tới đón. Tám giù chúng ta theo đoàn du lịch vào Trung Quốc.
Sự thu xếp mau, gọn của người bạn gái chỉ mới tình cờ quen biết khiến Chính bật cười.Nhìn Ngọc chàng nghĩ thầm: Thế giới bây giờ không phải đàn ông nữa mà là người đàn bà chủ động đời sống. Một chủ động kiều diễm, khó lòng cưỡng chống lại. Suy nghĩ, chàng thấy ngày mai, ngày cuối cùng chàng ở Cảng Thơm, chẳng còn điều gì hào hứng. Cái rừng người và cái biển tiếng động ở khu Wan Chai. Những tiệm tỉm-sắm, tả-pí-lù chen chúc trên mấy con đường Harbor Road và Hennessy Road. Vùng Sheung Wan, với những chợ trời lộ thiên và những quán bán đồ biển ở hè đường. Chính đã tới hết. Nhiều lần. Những tàu Kowloon bằng một nối tiếp đêm ngày, ào ạt, chóng mặt, chàng đã ngồi trên chúng. Đi sang, đi về. Nhiều lần. Khu Tsim Sha Tsui với món ngỗng quay lừng danh thế giới. Con đường Nathan Road, nơi không một người Việt nào tới Hong Kong không tới đó, mua đồ, đi dạo. Con đường Sài Gòn Street, có mấy tiệm ăn Việt Nam. Con đường Hải Phòng Road làm Chính nhớ lại thành phố Hải Phòng chàng đã sống một thời kỳ tuổi nhỏ. Chàng đã đi, mỏi chân trên mấy con đường đó. Đến chán ngấy. Những buổi trưa nồng nực ở Hong Kong. Những trận mưa ngâu lụt trên Cửu Long. Cái thế giới hàng ngàn con thuyền tam bản sống nổi trên lòng vịnh. Ở khu Causeway Bay. Ở mỏm King Ming. Chính cũng đã tới hết. Nhiều lần. Và chẳng còn thấy hứng thú gì trở lại. Không đi chơi với Ngọc sang Trung Quốc, ngày cuối ở Cảng Thơm của chàng sẽ lại nằm dài ở khách sạn thôi. Vậy thì đi. Tại sao không.
Chính gật đầu, nhận lời. Lấy tấm thiệp của khách sạn chàng ở đường Nathan Rd. trao cho Ngọc. Nàng mừng rỡ:
- Sáng mai anh chịu khó dậy sớm nhé! Ngọc lại đón rồi chúng mình tới hãng du lịch ngay. Hẹn anh ngày mai.
Người đàn bà đẩy ghế, đứng lên. Chính ngồi lại, nhìn theo bờ vai thanh thoát, rất Việt Nam, rất Sài Gòn, cảm thấy ở trong chàng một tình cảm vừa ngọt ngào vừa êm ả. Đi được mấy bước, Ngọc dừng lại. Quay lại, nói với chàng, thong thả từng tiếng một:
- Em rất bằng lòng được quen anh ở Hong Kong. Và ngày mai được cùng đi sang Trung Quốc với anh.
Những toài building cao ngất của Hong Kong in hình trên một nền núi đá xanh lục, Ngọc chỉ tay về một đỉnh đồi ở phía ấy, còn mù mịt sương sơm: "Tư thất ông bà đại sứ Mỹ - là một biệt thự ở lưng chừng ngọn đồi ấy. Họ rất thân với Williams. Và rất quan tâm đến đồng bào tỵ nạn ta trong những trại cấm." Cửu Long. Con đường Nathan Road, nắng sớm vừa dấy, còn thưa thớt người đi lại, những cỗ xe bus hai tầng, lênh khênh, khói bốc khét lẹt ở những đầu đường. Rồi là vùng ngoại ô Cửu Long, đang mở mang, đang xây cất, Ngọc chỉ tay về một thôn xóm xa xa, cuối đáy một thung lũng thấp: "Ở đó có một trại cấm. Trại Thiên Môn. Năm ngoái, từ Pakistan đi Bắc Kinh, cũng với Williams ghé Hong Kong ba ngày, em có đi cùng với bà đại sứ Mỹ vào thăm Thiên Môn trọn một buổi chiều. Gặp hàng ngàn người mình trong cũng một lúc. Và nhớ về Sài Gòn vô tả."
Buổi sáng trời đẹp. Chưa nóng nực, còn thoáng mát. Trên chuyến bus của hãng du lịch, giữa đoàn du khách chỉ có mình chàng và Ngọc là người Á Châu, Chính vừa ngắm nhìn một cảnh tượng đồi núi, thôn xóm, sông ngòi chuyển dần lên phía Bắc, vừa nghe Ngọc chỉ dẫn từng vùng chiếc xe bus chạy qua.
Nàng rất đúng hẹn. Chính từ trên phòng khách sạn xuống đã thấy nàng ngồi chờ ở phòng đợi. Tươi tắn và nhẹ nhõm hơn với khuôn mặt để trần không son phấn như chiều qua. Ngọc phục sức đúng cách đi du lich của người Mỹ. Quần jean bó sát. Dép mỏng. Kính thuốc. Một cái sắc, một cái máy chụp hình trên vai và mái tóc cột lại sau gáy.
- Anh ngủ được không?
- Được. Ngày Hong Kong nóng, nhưng đêm cũng như đêm California. Mát mẻ, rât ngon lành cho giấc ngủ.
Nhớ đến phút gặp gỡ tình cờ buổi chiều hôm trước, người đàn ông Mỹ và chiếc đồng hồ Thụy Sỹ, Chính hỏi:
- Vụ cái đồng hồ ngã ngũ ra sao?
Ngọc cười lớn:
- Thì em đã nói với anh mà bỏ làm sao được. Thua. Phải mua. Giá cắt cổ nhưng không mua không được. Williams sẽ cứ như thế mãi mãi. Trung thành với vợ con nhưng đam mê lớn nhất là những chiếc đồng hồ. Tối qua đeo luôn cái đồng hồ mới trên tay. Trọn bữa ăn, khoe hoài với ông bà đại sứ Mỹ. Làm em vừa thấy tức cười, vừa thấy quê quá!
Hai người rời khỏi khách sạn Chính. Tới bến xe của hãng du lịch. Và bây giờ, ngồi cạnh nhau, giữa đoàn du khách phần lớn là người Mỹ, chiếc bus lên đèo, xuống dốc, lúc băng qua những khu nhà tối xám, lúc bỏ lại những vùng trồng trọt xanh ngát, chiếc bus chở hai thân thế Việt Nam trôi dạt đi dần lên miền Bắc, tới biên giới vào Trung Hoa Lục Địa. Sau này nhớ lai, chẳng bao giờ còn gặp Ngọc nữa, Chính thấy chuyến du lịch thật ngắn. Chưa đầy một ngày. Của một gặp gỡ ngắn. Tình cờ. Trên quê người và không có lần thứ hai. Nhưng lại là một chuyến du lịch đằm thắm, lạ lùng , chàng nhớ mãi không quên. Như chẳng bao giờ chàng quên người đã đi cùng. Chuyến du lịch chỉ như một hơi gió, thoái qua, một hạt sương, mong manh. Chỉ như một hạnh phúc khoảnh khắc. Chỉ như một giấc mộng.
Chiếc bus đều đều lăn bánh. Khu Tân Địa. Thị trấn Woong Tai Sin. Nắng sớm lấp lánh trên những vườn rau, những sân nuôi gà vịt. Không giống hẳn, nhưng phảng phất một cảnh thôn dã Việt Nam, miền Trung. Thị trấn Ngau Chi Wan. Những con đường đất nhỏ, hai bờ cỏ dại, những lũy tre um tùm. Không đúng hẳn, nhưng thấp thoáng một không khí ruộng đồng Việt Nam, miền Bắc. Ga sép Kowloon Tong. Chiếc đồng hồ lớn. Sân ga trống vắng, lộng gió. Những đường ray song song, câm lặng. Không là vậy, nhưng gợi nhớ một ga sép nào đó, miền Trung, bên kia đèo Hải Vân. THành phố Lai Chi Kok. Những cây cầu. Một dòng sông nhỏ. Một mái chùa, lối vào rêu phong, cổng chùa mấy hàng chữ đại tự cổ kính. Gợi nhớ đến Trấn Quốc, đến Linh Mụ. Ngọc ngồi sát vào chàng. Lúc đòi hút chung với chàng một điếu thuốc. Lúc tựa vào vai chàng. Có lúc, rất thân mật, một tay chỉ trỏ cho Chính thấy những cảnh đẹp bên ngoài khung kính, tay kia nắm chặt lấy tay Chính, như cái cử chỉ âu yếm của một tình nhân với một tình nhân. Và hơi ấm của thân thể nàng, và hương thơm của mái tóc nàng kế liền, khiến đôi lúc Chính có cảm tưởng rạo rực như chàng và Ngọc không chỉ tình cờ mới quen biết nhau từ buổi chiều hôm trước, mà chàng và nàng là một cặp vợ chồng mới cưới, đi hưởng tuần trăng mật ở Hong Kong.
...
Mai Thảo