Ở nhà em có khoảng 130 đĩa cổ điển, trong đó có khoảng 40 là các tác phẩm của Beethoven. Nếu ai muốn tìm hiểu gì thì cứ chịu khó Search trên mạng là sẽ thấy rất nhiều trang web chi tiết về Beethoven. Hồi lớp 9 em tìm thấy và đọc rất nhiều ở đó. Nguồn tư liệu về nhạc cổ điển ở VN khá hiếm và không đầy đủ, trong khi đó trên mạng cực kì phong phú, nhưng cũng có nhiều điều không phù hợp với nhau từ các nguồn khác nhau [nhất là những vấn đề về nghiên cứu và phê bình vẫn còn đang tranh cãi]. Tuy vậy nếu không muốn đọc nhất là nếu ngại tiếng Anh với nhiều thuật ngữ chuyên môn thì có thể cùng điểm qua những tác phẩm quan trọng của Beethoven.
1. Đặc điểm chung của các tác phẩm Beethoven là tầm vóc lớn, mạnh mẽ và đầy nghị lực, có một phổ sắc thái tình cảm rất rộng và có những sáng tạo vĩ đại về hiệu quả âm nhạc. Có thể nói Beethoven sáng tác thể loại nào thì thể loại đó ông đều có những kiệt tác, làm thay đổi chính những gì vốn có ở trong những thể loại ấy. Âm nhạc Beethoven thường được coi là đầy sức mạnh và tính chiến đấu [mặc dù em không thỏa mãn lắm với chữ chiến đấu, hơi bị chính trị quá mức], nhưng thực ra trong các tác phẩm của Beethoven có thể bắt gặp hầu như tất cả những tình cảm của một con người thực sự với những cung bậc thăng trầm của nó. Có khi... đấy là những bi kịch đau thương của cuộc sống tối tăm và vô vọng [Piano sonata số 8, 'Pathétique', Op.13] nhưng cũng có khi đó là những bình minh tươi sáng và đầy lạc quan [Piano sonata số 21, Op.53]. Có khi... là những lúc tràn trề yêu thương đằm thắm và dịu dàng [Piano sonata số 27, Op.90], có lúc lưu luyến chia tay [Piano sonata số 26, 'Les adieux', Op.81a] nhưng cũng có lúc tuyệt vọng trước tình yêu không thành [Piano sonata số 14, 'Moonlight', Op.27 no.2]. Có khi... là những giây phút ưu tư đến sâu thẳm [những Tứ tấu cuối đời, Op.127, 130,131,132,133,135] nhưng cũng có lúc trong sáng, ngọt ngào và hồn nhiên như tuổi ấu thơ [Violin sonata số 10, Op.97]. Có những lúc huy hoàng và choáng ngợp [Piano concerto số 5, 'Emperor', Op.73], nhưng cũng có lúc rất con người và nghiệt ngã [Piano concerto số 4, Op.58]. Có những lúc là bi kịch đến ghê người [Overture Coriolan, Op.62] nhưng cũng có lúc là bức phong cảnh đẹp đến vô cùng [Symphony số 6, 'Pastoral', Op.68]. Có khi tức giận, căm hờn tột cùng khi hình tượng người anh hùng từng ngưỡng mộ giờ đã sụp đổ [Symphony số 3, 'Eroica', Op.55] nhưng cũng có khi ước mơ và hi vọng mãnh liệt cho một cuộc sống công bằng và tốt đẹp hơn [Opera Fidellio, Op.72]. Có khi duyên dáng và 'mảnh khảnh như một thiếu nữ Hi Lạp' (chữ của Schumann) [Symphony số 4, Op.60], nhưng có khi kì vĩ, lớn lao và đầy cao cả như những vị thần [Symphony số 5, Op.67]. Có khi rất nồng nhiệt, bốc lửa[Symphony số 7, Op.92] nhưng có khi rất ý nhị và tinh tế [Violin Concerto, Op.61], hay hài hước dí dỏm [Symphony số 8, Op.93]. Đó là tiếng nói yêu tự do và ca ngợi con người [Symphony số 9, 'Choral', Op.125], nhưng cũng là tiếng nói cầu nguyện bình yên ở thế giới bên trong và bên ngoài mỗi tâm hồn [Missa Solemnis, Op.123]... Biết bao khác nữa trong số những kiệt tác của Beethoven, tất cả đem đến cho con người ta có được một tình yêu cuộc sống bao la, một nghị lực phi thường để vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc sống. Đem đến cho con người ta cái sức mạnh để đối diện và vượt lên chính bản thân mình, cho người ta niềm tin và hi vọng vào tương lai. Đem đến cho con người ta cái cá tính mạnh mẽ và cho người ta cái giản dị và tinh tế trong con người mình. Đem đến cho người ta những cảm xúc nồng nàn và rực cháy của tình yêu, và đem đến cả những điều tốt đẹp trong tình cảm giữa những người bạn, người đồng chí, giữa người với người và với chính mình. Tất cả đem đến cho chúng ta những suy ngẫm triết lí sâu sắc mà giản dị để sống tốt đẹp hơn...
Về mặt kĩ thuật của các tác phẩm cho các nhạc cụ, tác phẩm của Beethoven không khó bằng những tác phẩm sau này của thời kì Lãng mạn và Hiện đại. Nhưng đó là kết quả của tiến trình phát triển âm nhạc cổ điển. Các tác phẩm của các nhạc sĩ thời kì Cổ điển trước đó như Mozart hay Haydn về kĩ thuật thì đa phần thậm chí không khó bằng tác phẩm của Beethoven, nhưng sẽ thật là ấu trĩ và nông cạn nếu cho rằng chúng không có giá trị bằng. Cái làm nên giá trị của các tác phẩm không phải là chỉ có Kĩ thuật, mà quan trọng nhất chính là giá trị nội dung âm nhạc của chúng, còn kĩ thuật chính là cách thức để góp phấn xây dựng nên điều đó mà thôi.
2. Về mặt hệ thống, các tác phẩm của Beethoven có những điểm chung, nhưng cũng có những thay đổi lớn trong suốt cuộc đời sáng tác của nhạc sĩ. Chúng được chia làm 3 giai đoạn: [Có lẽ chỉ cần điểm qua vì chị Ngô Tố Giao đã viết về nó rồi]
- Giai đoạn đầu [khoảng 1790 - 1803, tương ứng với số Op. đến khoảng 50]: Các tác phẩm mang đậm dấu ấn Cổ điển. Thời kì này Beethoven còn đang vừa sáng tác vừa học. Tuy vậy các tác phẩm nhất là các tác phẩm cho Piano và một số tác phẩm Thính phòng đã có những ý tưởng táo bạo về âm nhạc đến mức khó quen được đối với những tư duy Cổ điển lúc đó. Những tác phẩm chủ yếu của thời kì này có:
+ 20 Piano Sonata đầu tiên và các tiểu phẩm cho Piano
+ 8 Violin sonata, 2 Cello Sonata, 3 Piano Trio, 6 String Quartet, các tác phẩm thính phòng khác [Horn Sonata Op.17, Ngũ tấu cho Piano và Kèn Op.16, Thất tấu Op.20, các Tam tấu và Ngũ tấu dây,...]
+ 3 Piano Concerto đầu, 2 Romance cho Violin và dàn nhạc và 2 Giao hưởng đầu tiên
+ Các bài hát
- Giai đoạn giữa [khoảng 1803 - khoảng 1814, tương ứng với số Op. từ khoảng 50 đến khoảng 100]: Bắt đầu bởi GH số 3, 'Eroica', Op.55, đây là giai đoạn sức sáng tạo của Beethoven cao nhất. Phần lớn các kiệt tác của ông được sáng tác trong thời kì này với những tầm vóc và sức mạnh lớn, phong phú và đa dạng. Cảm xúc chủ đạo của các tác phẩm trong thời kì này là chủ nghĩa Anh hùng [Heroism] đem đến cho các tác phẩm những hơi thở mới mẻ đi trước thời đại. Những kiệt tác của giai đoạn này gồm có:
+ Các Piano sonata số 21, 23 'Appassionata', 26 'Les adieux'
+ Violin Sonata số 9 'Kreutzer'; Cello Sonata số 3 và Biến tấu cho Piano và Cello; String Quartet số 7,8,9 với cái tên chung 'Rasumovsky', 10 'Harp', 11 'Serioso'; Piano Trio số 4 'Ghost',5 và 6 'Archduke'
+ Piano Concerto số 4 và 5 'Emperor'; Violin Concerto; Triple Concerto cho Piano, Violin, Cello và dàn nhạc; Choral Fantasy cho Piano, Tứ ca, dàn đồng ca và dàn nhạc;
+ Overture Coriolan; Tổ khúc nhạc sân khấu cho vở bi kịch của Goethe 'Egmont'
+ Opera Fidellio, Opera duy nhất của Beethoven.
+ Các giao hưởng số 3 'Eroica', 4, 5, 6 'Pastoral',7,8 và bản GH chiến trận 'Wellington's Victory'
+ Các bài hát và tổ khúc và một số tác phẩm thanh nhạc tôn giáo khác.
- Giai đoạn cuối [khoảng 1814 đến cuối đời, tương ứng với số Op. từ khoảng 100 đến hết]: thời kì này Beethoven gặp nhiều vấn đề trong cuộc sống và tâm trạng thường không yên ổn nên sáng tác ít hơn hẳn. Nhưng các tác phẩm thời kì này lại có qui mô lớn hơn bao giờ hết, đề cập đến những nội dung mang tính triết lí và suy ngẫm rất sâu sắc. Thời kì này chứng kiến sự ảnh hưởng rõ nét của âm nhạc phức điệu các thời kì cổ đặc biệt là âm nhạc Bach lên âm nhạc Beethoven. Các kiệt tác của thời kì này có:
+ Các Piano Sonata số 29 'Hammerklavier', 30, 31 và 32; Biến tấu Diabelli cho Piano; Cello Sonata số 4 và 5;
+ Các Tứ tấu cuối đời số 12,13,14,15,16 và 'Grosse Fuge' cho Tứ tấu dây.
+ Các Tác phẩm lớn cho thanh nhạc và các tác phẩm nhạc tôn giáo.
+ Hai tác phẩm vĩ đại nhất của thời kì này là bản GH số 9 'Choral' Op.125 và bản nhạc lễ 'Missa Solemnis' Op.123 có giá trị bất hủ, không phai mờ với thời gian.