Nhóm G2. Ảnh C.T.V
Bị liệt vào dạng "nghệ thuật phá phách" hay "nghệ thuật tội lỗi", nhưng Graffiti (vẽ tranh trên tường ngoài phố) cùng với trào lưu văn hóa hip-hop vẫn "đổ bộ" qua nhiều quốc gia và được giới trẻ nồng nhiệt hưởng ứng. Ở Việt Nam, có những bạn trẻ đam mê Graffiti, mong muốn mọi người hiểu và yêu Graffiti đích thực đang ấp ủ những dự định đưa môn nghệ thuật này "từ bóng tối ra ánh sáng"...
Đau đáu tìm... tường!
Trở về từ lễ hội hip-hop lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội (diễn ra vào cuối tháng 12/2005), 5 chàng trai của G2 - một nhóm Graffiti tại Sài Gòn - vẫn chưa hết cảm giác lâng lâng sau những ngày dân Graffiti toàn quốc được dịp tụ họp so tài. Sáng chủ nhật đầu tiên sau "chuyến đi lịch sử", nhóm tập họp tại "đại bản doanh" trên sân thượng Nhà văn hóa thiếu nhi Q.11, TP.HCM. Mảng tường G2 được nhà văn hóa cho phép sử dụng đã được dùng hết 1/3. Trí cho biết: "Đồ nghề để vẽ Graffiti không khó: mặt nạ chống hơi độc, sơn xịt, viết chì, gôm, thước dây... Nhưng cái quan trọng là một bức tường để vẽ thì đúng là niềm mơ ước xa xỉ".
Có 1.001 lý do dẫn các bạn trẻ tới niềm đam mê Graffiti. Minh Trí, dân học công nghệ thông tin, vì lướt web nhiều, xuýt xoa trước những bức vẽ Graffiti "tuyệt đỉnh" mà sắm mặt nạ phòng độc, sơn xịt và luyện Graffiti. Toại Đan, cô nữ sinh học lớp 10 THPT tại TP.HCM thì đến với nhóm vẽ Graffiti là do một người bạn "rủ rê" đến khi đam mê "không rút chân ra được". Họ tìm thấy ở Graffiti sự phá cách, tự do đầy quyến rũ!
Dân vẽ a-ma-tơ cũng như dân mỹ thuật, kiến trúc... được đào tạo bài bản đều có thể tìm thấy "đất" của mình bởi các dòng Graffiti rất phong phú: từ những phong cách đơn giản và phóng khoáng như tag style, throw-up, blockbuster style, free style đến phức tạp và trau chuốt như 3D style.
Quán nước mía "chịu chơi" nhất Việt Nam
Theo Trí, thời gian qua, những bạn trẻ thiếu ý thức, vô trách nhiệm và... non tay đã vẽ trộm lên tường, khiến nhiều người ác cảm với Graffiti. Cậu tuyên bố: "G2 không bao giờ làm như vậy. Vẽ trộm trong khoảng thời gian ngắn thì bức vẽ trông rất tệ trong khi một bức tử tế phải ngốn ít nhất 4, 5 tiếng đồng hồ. Tốn tiền sơn, rồi lại bị người ta nhanh chóng xóa mất, để làm gì chứ?".
Bắt đầu xuất hiện từ thập kỷ 60, những Graffiti đầu tiên là những dòng chữ mà các bè đảng da màu lang thang trên đường phố nước Mỹ vẽ lên tường để xác định lãnh thổ làm ăn. Dần dà, Graffiti lan ra các nơi công cộng như ga tàu điện ngầm, ga xe lửa. Từ những chữ ký, những dòng chữ nguệch ngoạc ban đầu, nghệ thuật Graffiti đã phát triển lên thành những mẫu hình tinh xảo... Tới nay, hội họa Graffiti xuất hiện hầu hết trên những sản phẩm của nền văn hóa hip-hop: quần áo, xe ô tô, CD, nhà cửa...
Không như dân "đánh lẻ" rình chỗ tường vắng người, vẽ nguệch ngoạc rồi... co giò chạy, những nhóm vẽ Graffiti nghiêm túc thường có nội quy rất nghiêm ngặt: không vẽ lên tường khi chủ nhân chưa cho phép. Nhóm G2 thuở mới thành lập, để giải phóng cơn "ghiền vẽ" và luyện cho lên tay, họ thường kiếm những bức tường ở khu đang giải tỏa có vẻ như sắp bị phá bỏ, hỏi chủ và... xin vẽ. Kiên, một thành viên G2 tâm sự: "Bao công sức, tiền bạc mình bỏ ra cho bức vẽ, để rồi bị đập bỏ. Nhưng tìm được tường để vẽ đã là may lắm rồi vì Graffiti chỉ đúng nghĩa khi nó được vẽ với tường và sơn xịt!".
Cả nhóm mừng húm khi nhận được "lời mời" vẽ đầu tiên từ một... quán nước mía ở quận Tân Phú. Không quản xa xôi, cả “phi đội” mang đầy đủ đồ nghề và miệt mài hoàn thành bức vẽ. Cả nhóm hào hứng: "Có lẽ đây là quán nước mía... chịu chơi nhất Việt Nam. Mà có khi là nhất thế giới, vì trên thế giới làm gì có quán... nước mía!". Ngoài các hợp đồng vẽ cho các quán cà phê, G2 mong muốn biến sân thượng Nhà văn hóa thiếu nhi quận 11 thành một triển lãm nhỏ. Họ còn ấp ủ những dự định dài hơi hơn đưa Graffiti đến với đông đảo mọi người: thuê một bức tường lớn ở trung tâm thành phố để vẽ Graffiti; liên hệ xin vẽ ở những địa điểm công cộng...
[MARQUEE]
Graffiti... ra tiền[/MARQUEE]
Nhóm học sinh lớp 12 cuối năm đã rục rịch lo in áo đồng phục lớp với tiêu chí cao nhất là sự sáng tạo, nổi bật, trẻ trung. Năm nay đang cực "hot" mốt vẽ hình và chữ kiểu Graffiti lên đồng phục lớp. Thảo Hương, học sinh lớp 12 một trường THPT tại Hà Nội mừng như bắt được vàng khi lướt trang web về hip-hop đọc được lời rao nhận vẽ Graffiti lên áo với giá khoảng 120.000 đồng với lời bảo đảm giặt không phai. Nhưng như thế vẫn khá đắt so với túi tiền học sinh, Thảo Hương tính sẽ nhờ vẽ mẫu rồi sau đó in lên cho hơn 50 bộ cánh của lớp. "Như vậy vẫn có đồ đẹp, "độc", vừa tiết kiệm được kha khá tiền" - Hương tiết lộ.
Tại TP.HCM, giá vẽ Graffiti trên áo, quần, mũ, giày... mềm hơn: 60 - 80.000 đồng/hình. Theo Cẩm Ly, sinh viên Trường ĐH kiến trúc, nhờ trào lưu Graffiti, "dân vẽ" trường cô cũng có thêm một công việc ra tiền: vẽ Graffiti trên quần áo, cho các cửa hàng thời trang, những quán cà phê đang có nhu cầu hút giới trẻ bằng phong cách trang trí kiểu hip-hop.
Minh Trí tiết lộ nhóm cậu vừa nhận một hợp đồng lớn nhất từ trước tới nay trong... lịch sử nhóm: Vẽ Graffiti cho sân patin có diện tích tường lên tới 150m2. "Chủ yếu vẽ trên cao, thời hạn chỉ 6 ngày nên "thương vụ" lần này khá vất vả. Nhưng cả nhóm rất vui vì... kiếm được một khoản kha khá vô cùng quý cho những dự định đưa Graffiti ra ánh sáng" - anh bạn có nước da sạm nắng này cười tươi, nghe chừng niềm đam mê Graffiti luôn nồng nàn lắm...
Gần đây, dân ghiền Graffiti bỗng vui với tin sốt dẻo: một công ty có kế hoạch tổ chức mỗi năm một ngày hội lớn hội ngộ 3 miền và cứ 2 tháng một lễ hội nhỏ rải qua nhiều thành phố. Đi đúng hướng, Graffiti sẽ không còn là "nghệ thuật tội lỗi"!
Phương Nguyên
Theo Thanhnien.com.vn
+2 , cố gắng phát huy . Nhưng cần chú ý đừng để chữ chạy , lúc đọc khó chịu lắm
Nguyễn Thục Oanh
Mày nói như anh là bạn mày ý nhỉ?