Em co bai na`y go'p vui:
Thời kỳ quá độ lên CNXH?
10:49' 21/03/2006 (GMT+7)
(VietNamNet) - "Đảng ta đã xác định: Cách mạng Việt nam bước vào thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vậy Thời kỳ quá độ là gì?" Bài viết của cựu chiến binh Vũ Minh Trực. Với tinh thần "tôn trọng ý kiến khác biệt", chúng tôi đăng tải bài viết này. Đây không phải là ý kiến VietNamNet, mời bạn đọc tham gia tranh luận.
Sau khi đọc bài của GS Nguyễn Đức Bình tôi thật sự cảm ơn GS đã nói đúng những trăn trở về tinh thần của hàng triệu đảng viên, của cả những người không còn sinh hoạt Đảng như tôi, cũng như 80 triệu dân Việt Nam trong và ngoài nước (Có quốc tịch hoặc không có quốc tịch). Đó là:
1) Chúng ta có nên tiếp tục con đường xã hội chủ nghĩa nữa hay không? Có thể có con đường nào khác phù hợp hơn?
2) Bản chất Đảng có gì thay đổi?
3) Có nên cho phép đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân, cho phép kết nạp cả những nhà tư bản tư nhân vào Đảng hay không?
GS gọi 3 vấn đề trên là “then chốt”. Theo tôi, câu hỏi đầu tiên còn có ý nghĩa bao quát cho hai câu dưới. Tôi không phải nhà lý luận, nhưng cũng xin trao đổi với giáo sư một vài suy nghĩ nông cạn về câu hỏi này:
Đảng ta đã xác định: Cách mạng Việt nam bước vào thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vậy Thời kỳ quá độ là gì? (Sau đây được viết tắt TKQĐ).
Bản chất của TKQĐ là Chuyên chính vô sản! Nghĩa là giai đoạn giai cấp vô sản sau khi giành được chính quyền sẽ tước đoạt toàn bộ tư liệu sản xuất từ giai cấp tư sản, xoá bỏ triệt để tàn dư phong kiến, tích luỹ cơ sơ vật chất để xây dựng XHCN bằng những biện pháp chuyên chính vô sản! (Bản chất là: Dùng bộ máy chính quyền cưỡng bức.)
TKQĐ chính là sự khác biệt giữa học thuyết của C. Mác và của V. Lê-nin.
Có thể khẳng định TKQĐ không có trong học thuyết C. Mác!
Không ai có thể khẳng định được: Nếu C. Mác sống đến thời V. Lê-nin thì ông có đồng ý luận điểm đó không? Và có đồng ý ghép học thuyết của mình vào với học thuyết của Lê nin để gọi chung là học thuyết Mác - Lê nin, để trở thành Chủ nghĩa Mác - Lê nin?
Còn TKQĐ đã được thực hiện ở nước ta từ năm 1975 ra sao?
Sau 1975, Đảng ta xác định Cách mạng Việt Nam đã hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Chúng ta đã tuyên bố với mọi người rằng: Việt nam bắt đầu “Thời kỳ quá độ” thông qua việc đổi tên Đảng, đổi tên nước mà chính Bác Hồ đã đặt!
Suốt 2 kỳ Đại hội Đảng (IV và V), chúng ta đã làm đúng theo luận điểm của Lê-nin về Thời kỳ quá độ! Kết quả 10 năm ra sao thì không cần nêu lại, chúng ta đều đã biết.
Có thể khẳng định: Đó là thất bại của Đảng trong lãnh đạo xây dựng đất nước thời kỳ từ 1975-1985!
Thời kỳ này có thể nói gọn trong tổng kết của Đại hội Đảng VI bằng 3 từ “Duy ý chí” (Thực chất là sai lầm).
Sau Đại hội VI, công cuộc “Đổi mới” bắt đầu. Đất nước ta giống như cánh đồng hạn gặp mưa. Đổi thay từng giờ, từng phút và có thể nói cả từng giây. Những ngày tháng của thời “Duy ý chí” gần như chỉ còn trong truyện cổ tích nào đó...
Chúng ta đã làm gì mà “kỳ diệu” vậy? (Tôi dùng từ này không quá!)
Có một sự thật trớ trêu là:
Những việc làm “Đổi mới” của Đảng ta lại khác hẳn với học thuyết Lê-nin về Thời kỳ quá độ, thậm chí đi ngược hẳn!
Ví dụ: Trong nông nghiệp: hầu như các HTX nông nghiệp và nông trường quốc doanh tan rã, trả lại ruộng cho nông dân. Trong công nghiệp: cổ phần hoá các nhà máy và công ty nhà nước, khuyến khích tư nhân làm giầu không giới hạn, bắt tay với tư bản nước ngoài…
Có thể tổng kết Cách mạng Việt Nam từ sau khi thống nhất năm 1975 đã xuất hiện một vấn đề rất lớn là:
1)Thời kỳ từ 1975 – 1985: Thời kỳ “Duy ý chí”
Đảng ta thực hiện đúng học thuyết Lê-nin về Thời kỳ quá độ. Kết quả: Đất nước chậm phát triển, dân đói khổ…!
2)Thời kỳ từ 1985 đến nay: Thời kỳ “Đổi mới”
Đảng ta thực hiện không đúng học thuyết Lê-nin về Thời kỳ quá độ. Kết quả: Đất nước phát triển, dân giầu lên…!
Rõ ràng: Thực tiễn Cách mạng Việt Nam đã xuất hiện mâu thuẫn rất lớn:
Lý luận Cách mạng mâu thuần với Thực tiễn Cách mạng.
Cùng lúc đó “Thành trì chủ nghĩa xã hội sụp đổ!”
Những người đảng viên chúng tôi làm sao mà không dao động trước sự kiện “kinh thiên động địa” đó? Sự dao động là có cơ sở vì:
1) Theo học thuyết của C. Mác thì những nước lạc hậu như chúng ta không thể tiến lên CNXH được mà phải qua giai đoạn phát triển Tư bản!
2) Theo Lê-nin thì những nước như chúng ta sẽ tiến lên CNXH không qua con đường phát triển Tư bản mà bằng TKQĐ! Với điều kiện có phe XHCN làm hậu thuẫn! (Lê-nin đã tạo ra điều kiện này cho chúng ta!)
3) Những ai đã tin tưởng vào Chủ nghĩa Mác – Lê nin, vào con đường đi lên CNXH không phải vì học thuyết đó viết hay mà chính vì: Có cái để mà tin là nó đã đúng (Và có thể sẽ đúng) bằng thực tiễn tồn tại của Liên Xô hùng cường. Trước khi Liên Xô sụp đổ, nếu có ai đó còn hoài nghi về đường lối, chúng ta chỉ việc dùng Liên Xô làm “bằng chứng” là xong…!
Tôi nghĩ: GS. Nguyễn Đức Bình chắc đã không biết bao nhiêu lần giảng và tâm đắc bởi điều này?
Mâu thuẫn lớn nói trên và Liên Xô sụp đổ là nguyên nhân chính gây ra mọi “rắc rối”. Bởi khi lý thuyết không đúng thực tiễn thì chắc chắn phải “Nói một đàng, làm một nẻo”.
Lý luận đã mâu thuẫn thực tiễn! Và sự vận động của thực tiễn đã vượt quá tầm của các nhà lý luận của Đảng ta. Họ đã không thể đưa ra được một lý giải nào thỏa đáng cho sự biến đổi của thực tiễn.
Đáng lẽ các nhà lãnh đạo và các nhà lý luận phải làm nổi việc giải thích đó một cách cặn kẽ, hết sức khoa học, bằng những cuộc sinh hoạt (Tranh luận một cách dân chủ) về sự kiện “kinh thiên động địa” đó, thì họ lại im lặng “đáng sợ” hoặc giải thích một cách phiến diện, mơ hồ, hầu như đó chỉ là “một tai nạn” nhỏ nào đó… (Có thể do trình độ, có thể do chủ nghĩa bảo thủ, giáo điều, hoặc sự né tránh để đạt mục đích cá nhân…)
Rõ ràng chúng ta đã một lần nữa không dám nhìn thẳng vào sự thật để giải quyết thấu đáo những vướng mắc về tư tưởng trong Đảng ta!
(Tôi nói một lần nữa bởi: Chúng ta đều đã tôn vinh hết lời nào là “đúng đắn” “sáng suốt”... sau Đại hội IV, Đại hội V, vậy mà đến Đại hội VI chúng ta cho là “Duy ý chí”.)
Lý luận mâu thuẫn thực tiễn thì chắc chắn không chỉ dẫn đến “nói một đàng,làm một nẻo” và còn đến những hiện tượng như GS. Nguyễn Đức Bình đã nêu: “... Một số cán bộ, thậm chí trung cao cấp, xem ra có mặc cảm, ngượng ngùng khi phải nói đến chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác – Lê nin...” hoặc “... Khi không thể không nói chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác – Lê nin, họ nó nhưng thực ra trong bụng không tin...” LÀ TẤT YẾU! Bởi GS hiểu hơn ai hết: Thực tiễn là chân lý!
Theo tôi thấy: GS nói “một số” là chưa thật đúng! Phải nói “rất nhiều” mới đúng!
Tôi nghĩ GS Nguyễn Đức Bình trách họ cũng là để tự trấn an mình thôi? Một nhà lý luận lớn như GS làm sao không giật mình khi thấy “lý thuyết đúng” mà bị thực tiễn chối bỏ phũ phàng như vậy? Cho đến bây giờ GS vẫn né tránh vấn đề này trong bài viết của mình! Bởi tại sao GS chỉ nói nguyên nhân “trực tiếp” việc Liên Xô sụp đổ mà không nói “nguyên nhân cơ bản” (Thứ mà đảng viên cần).
Tôi có thể khẳng định rằng: Chắc GS không thể đủ lý luận làm thầy về chủ nghĩa Mác-Lê nin cho Goóc-ba-chốp; En-xin; và cả Pu-tin được! Vậy tại sao họ lại từ bỏ CNXH?
Tôi nghĩ: Nếu không có “Cải tổ” chắc sẽ không có “Đổi mới”. Bởi nếu “Đổi mới” xuất hiện chúng ta sẽ như Hungary năm 1956 và Tiệp Khắc năm 1968!
Tôi là một cán bộ trung cấp của quân đội đã nghỉ hưu. Là một đảng viên đã tự động nghỉ sinh hoạt Đảng 16 năm để khỏi mang tiếng “Đảng viên bóc lột”. (Bố tôi là cố Thượng tướng Vũ Lập nguyên Ủy viên Trung ương khoá 4, 5, 6 và là một trong 34 chiến sĩ Giải phóng quân đầu tiên. Mẹ tôi cũng là đảng viên, bà còn là một trong 3 nữ chiến sĩ Giải phóng quân đầu tiên). Là con trong một gia đình cách mạng, được đào tạo cơ bản và đã là một người cộng sản, làm sao những người như chúng tôi lại không cảm thấy trăn trở trước vận mệnh của Đảng ta?
Nhưng nghĩ cho cùng thì Đảng cũng chỉ là đứa con của dân tộc Việt nam! Đất nước này,dân tộc này mãi mãi sẽ không quên những cống hiến vĩ đại của Đảng. Nhưng liệu Đảng còn ghi tiếp những chiến công vĩ đại hơn vào lịch sử dân tộc trong tương lai hay không?
Đó thật sự là một câu hỏi mà Đại hội X của Đảng phải trả lời được!
GS Nguyễn Đức Bình nói đó là vấn đề “sống còn” quả là không sai! Một khi đây là vấn đề “sống còn” thì chúng ta không thể để cho một cá nhân hoặc một nhóm người nào trong Đảng quyết định được! Nó phải được coi là chương trình nghị sự chính của Đại hội Đảng X!
Đây là vấn đề đường lối, làm cho đất nước phát triển hay tụt hậu! Nên ta không sợ thiếu thời gian để tranh luận! Nếu chưa đủ thời gian chuẩn bị ta có thể lùi Đại hội lại nhằm tìm ra con đường “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”!
Vũ Minh Trực
106/6 Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân, Hà Nội.
© Báo điện tử VietNamNet - Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC. Liên lạc với Toà soạn
Cơ quan chủ quản: Tổng công ty Bưu Chính Viễn Thông Việt Nam - Bộ Bưu chính Viễn thông
Số giấy phép: 27/GP-BVHTT, cấp ngày: 23/01/2003 Tổng biên tập: Nguyễn Anh Tuấn - Tòa soạn: Số 4 Láng Hạ, Hà Nội
® Ghi rõ nguồn "VietNamNet" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Các trang ngoài sẽ được mở ra ở cửa sổ mới. VietNamNet không chịu trách nhiệm nội dung các trang ngoài.
Co link nha':
http://vietnamnet.vn/chinhtri/2006/03/552313/