Hạnh ah, dạo này thấy ấy hay lên HAO. Nhân đọc một số bài viết của các bạn lớp toán, tớ thấy có bài này hay hay nên post lên cho mọi người cùng đọc nhé.
Chúa sẽ luôn ở bên cạnh
Tôi sắp tốt nghiệp. Lựa chọn lớn nhất tôi phải làm là quyết định xin việc ở nước ngoài hay về nước làm việc. Gần 5 năm đi học, trầy trật hết làm nghiên cứu lại chấm bài thuê, phụ chữa bài tập và hướng dẫn thí nghiệm (nói phụ giảng sao thấy mắc cỡ quá). Cuối cùng rồi cũng bảo vệ xong. Gần 5 năm gần thành quen với mái trường đại học ở nước ngoài, rồi cũng phải đến một quyết định.
*
Vợ bảo, anh muốn làm gì thì làm, nhưng em chán đi làm ở Việt Nam lắm. Anh nhớ là em đi làm 4 năm mà lương cứ mãi 500 ngàn, chẳng đủ tiền ăn không? Ngày xưa còn son thì dễ, bây giờ có con rồi chẳng lẽ lại thế mãi. Vợ bảo, anh quyết định thế nào thì em theo, nhưng anh lại muốn quay về làm ở chỗ cũ, lại chúi đầu vào mấy cái máy tính trong cái phòng như nhà kho ấy, lại lãnh lương 3 cọc 3 đồng, chỉ đủ lo cho bản thân ư? Vợ bảo, anh có nghĩ rằng mình sẽ có tiền không? Anh làm gì cũng được, nhưng em chắc là về thì em và con sẽ phải khổ, bao giờ mình mới có nhà, mới có tiền cho con đi học trường tốt. Nghe nói bây giờ học trường tốt cũng phải đóng tiền cao lắm. Mà anh và em về bây giờ không được mua xe máy nữa đâu. Ở nhà cấm đăng kí rồi. Vợ bảo, anh quyết định thế nào cũng được.
Chồng bảo, thế em tưởng đi xin việc dễ lắm à? Mà ở nhà sẽ phải thay đổi chứ, không lẽ lại thế mãi. Với lại ở nhà mọi người đều thế cả, Bố Mẹ mình đã đi làm cả đời mới lo được cái nhà nhỏ thì sao, mình về ổn định rồi dần dần cái gì cũng có. Còn chuyện học của con thì học ở đâu chẳng được. Ngày xưa anh chẳng đi bắt cua bắt ốc ở nhà quê mãi, vậy mà bây giờ cũng học hành đỗ đạt. Quan trọng là ở bản thân chứ! Chồng bảo, chẳng lẽ em không tin ở bản thân ư, có kiến thức, có bằng cấp, có ngoại ngữ về nhà phải khác, không thì đi xin việc ở bên ngoài, bây giờ thiếu gì. Mấy đứa bạn anh về nhà đi làm công ty nước ngoài bây giờ cũng đều khá. Còn mấy đứa đi làm nhà nước thì chẳng sớm thì muộn cũng sẽ làm lớn. Không có xe máy thì đi xe buýt. Đi gần thì bố con tôi đi xe đạp. Chồng bảo, mà mình cũng phải về chứ. Đi học thu thập kiến thức ở bên ngoài rồi phải về để góp phần xây dựng chứ. Thay đổi và điều kiện làm việc phải do chúng mình làm ra chứ ai mang đến tận miệng cho. Mỗi người góp một tí.
*
Chị H. bảo, về cho chị nhờ em ghi lại tất cả những cảm xúc của những ngày đầu tiên. Ghi cho em là chính thôi. Chị quen vài người đầy nhiệt huyết. Hừng hực sức trẻ. Nhưng khi về thì mất tích luôn. Hoàn toàn. Có người biệt tích thực sự. Có người biệt tích đầy nhiệt huyết. Có người biệt tích hừng hực sức trẻ. Hiện thực Việt Nam như một đầm lầy vĩ đại mà không ai nhấc chân lên được.
Tôi bảo, vì hiện thực đó quá đậm đặc. Nó như một mạng nhện khổng lồ mà mỗi cá nhân là một con ruồi hơn là một mắt lưới. Dương Thu Hương bảo đó là một bình a-xít âm thầm tiêu hủy mọi thứ. Nguyễn Quốc Chánh hình như bảo khí hậu ở đó buồng tắm và đồ vật lắm. Tôi nghĩ, ở đó Chúa đã bị xua đuổi lâu quá rồi.
*
Vợ bảo, thế anh có chạy được như mấy đứa có tiền ở nhà không? Thế anh có làm quan chức được không? Em thì nhìn thấy chắc là anh về rồi lại được nhét hồ sơ xuống dưới đáy. Anh đi 5 năm, kinh nghiệm ở nhà không có, quan hệ thì không, chẳng chịu phấn đấu vào đảng, chỉ có một mớ kiến thức chuyên ngành cùng một đầu óc ô nhiễm tinh thần tự do, ai cho anh làm gì? Mà anh cũng chẳng thể làm tốt hơn bạn ở nhà. Các ông tiến sĩ hâm như ở đây, em thấy chỉ về nhà đi dạy đại học thì hợp, mà chắc gì họ nhận. Muốn đi làm ở Việt Nam, các anh phải mất mấy năm để Việt Nam hoá lại, gột rửa hết những gì anh nhìn thấy ở ngoài này đi người ta mới cho anh làm. Vợ bảo, em thấy bọn sinh viên Trung Quốc ở lại hết, có đứa nào về đâu. Mà chúng nó cũng như anh thôi. Vợ bảo, mấy chú tự đi học ở trường này ở lại hết, có ai về đâu, trừ mấy anh đi Fullbright bắt buộc phải về thì đành phải về. Ở ngoài này thì muốn về lúc nào cũng được, còn về nhà rồi thì chẳng bao giờ có cơ hội nữa. Vợ bảo, mà anh thôi viết viết lách lách đa sự đi, ai thèm đọc mấy thứ hâm hấp của anh. Lỡ mai mốt họ gô cổ lại thì khổ. Vẫn biết rằng đó chỉ là suy nghĩ của anh, anh chẳng hô hào, chống phá ai, nhưng mà ai quan tâm. Anh về mà lại còn nhiễm cái thói quen đó rồi chỉ khổ vợ khổ con. Bao nhiêu người giỏi bằng trăm lần mình!
Vợ bảo, số em thế mà khổ! Em biết thế này thì hồi xưa đã chẳng cho anh đi học. Em cũng chẳng đi theo anh sang bên này làm gì. Cứ u u minh minh như bọn bạn em ở nhà mà lại sướng. Cái M. đấy, ngày xưa học dốt như bò, mẹ nó phải xin cho mới được đi học đại học, thế mà bây giờ phó phòng rồi, nhà 3 tầng, có xe, có đất. Cái L. cũng thế. Con cái N. thì đi học trường quốc tế, 400 đô một tháng, vừa rồi nó cũng làm xong cái thạc sĩ. Nhẹ như lông hồng. Mình bên này đi học như chưa bao giờ khổ như vậy. Bây giờ về lại bắt tay từ đầu.
Chồng bảo, thế mình có tháo vát chạy chọt được như chúng nó không. Kém tài nên mới phải đi học chứ. Vừa khổ vừa không có tiền. Nhưng em cũng phải thấy là nếu mình không đi học thì cũng vẫn quanh quẩn một triệu một tháng chứ làm sao hơn. May ra thì lên vài bậc lương. Có phải ai cũng nhiều tiền đâu. Thu nhập trung bình một năm của dân Việt Nam là 450 đô. Còn nhiều người sống nghèo, khổ. Còn bao nhiêu người chỉ mong có việc làm. Còn …
Vợ bảo, anh so thế thì em chịu. Anh quyết thế nào thì quyết.
*
L. bảo, nói thực với ông, kiến thức tôi thu thập được chẳng dùng được tí gì. Có chăng còn lại tí ngoại ngữ, mà cũng lõm bõm rồi. Tôi về 3 năm rồi chẳng làm được gì, vẫn lại xếp hàng thôi, vẫn lại như trước khi đi học thôi. Ông hỏi sao không bỏ ra ngoài? Cũng không dễ đâu. Với lại đã gần ổn định rồi, xin ra ngoài lại phải đi xa. Thôi đành theo giấc mơ con vậy. Đôi khi nghĩ lại thấy mấy năm đi học nước ngoài như một khúc ruột thừa, cắt đi không được. L. bảo, phòng mình bây giờ chẳng thiếu tiến sĩ đâu. Mà thực tế thì cơ quan quản lí của ta chẳng cần tiến sĩ, chỉ cần kĩ sư thôi. Đấy là tôi còn chưa đổ tại “cơ chế” kẻo lại bảo là tôi mất lập trường, quan điểm. Ông về thì kiếm công ty ngoài hay vào trường mà dạy, cống hiến được nhiều hơn. Nếu về chỗ cũ thì phải binh con đường chức sắc. Ở nhà thì vui còn đi xa thì mới thấy Tổ Quốc. Ông chọn.
Anh L. bảo, nếu có điều kiện thì ở lại mươi năm rồi hẵng về. Anh về hơn năm thì lên làm giám đốc cái trung tâm mới mở, cũng vẫn chạy sô như hồi trước thôi. Thu nhập thì thậm chí không bằng ngày xưa chạy sô vì bây giờ cạnh tranh nhiều hơn. Anh L. bảo, hôm rồi mới đi nộp hồ sơ học phổ thông cho 2 đứa. Tình hình căng thẳng lắm, anh ở trong ngành giáo dục mà cũng không biết đằng nào mà lần. Rồi cũng phải theo thiên hạ, học thêm học nếm đủ cả. Chứ không thì biết làm sao? Hồi mới về, chúng nó kêu trời kêu đất, sao học phổ thông ở Việt Nam khó quá vậy. Đi học phổ thông ở Mĩ nhiều thứ hơn mà có khổ thế này đâu. Anh L. bảo, nếu về thì đi làm cho công ti ngoài cũng được. Lương không tệ, ít cũng khoảng 600, 700 đô/tháng. Có vợ có con thì phải lo thôi, không thể chỉ nghĩ đến mình. Chắc là không đói. Anh nghĩ rằng ở đâu cũng làm trâu thôi. Không làm rồng được đâu. Em về thì đàn trâu ở nhà đông thêm một con. Em ở lại thì đàn trâu bên ấy đông thêm một con.
T. bảo, nếu anh về rồi đi làm cho công ti nước ngoài thì khác gì đi làm ở ngoài nước. Lại còn chiếm mất một xuất của người trong nước, mà lại ít tiền hơn. Mà anh thôi cái ý nghĩ cống hiến đi. Ai cần anh cống hiến. Em nghĩ là anh chỉ cần sống hết mình, anh thoả mãn bản thân hết mức thôi. Cống hiến cũng là thoả mãn, gần nhà cũng là thoả mãn, kiếm tiền cũng là thoả mãn. Anh mà đi làm ở nước ngoài có nhiều tiền thì gửi cho em mấy trăm một tháng với đem tiền về đây em mua đất, góp vốn lập công ti kinh doanh cho. Thế là đóng góp rồi. Còn em thì, mùa hè năm nay nóng quá, em đang tính lắp điều hoà cho các cụ. Em đang cố gắng sửa lại cái nhà. Nếu mấy năm nữa có tiền thì mua cái ô tô cũ thỉnh thoảng đi chơi, thế là lên tiên rồi.
*
Bố bảo, tùy các con. Bố chỉ mong con cái gần gũi, ông được bế cháu thôi. Bố mẹ cũng già rồi, mấy năm nay thỉnh thoảng lại đau. Con cháu cứ đi hết, lâu quá chẳng về, ông nhớ cháu lắm. Sống ở đâu cũng được. Có mấy anh ở cơ quan thỉnh thoảng gặp bố vẫn hỏi bao giờ con về. Hôm bố đi họp hội đồng hương, ai cũng nhắc.
Con tôi bảo, con thíc, về với ông, như không thíc, đi học, trư ường, Việt Nan!
Mẹ bảo, nếu đi làm ở nước ngoài kiếm ít tiền rồi về cũng được.
Bố bảo, nó lại về cho bà! Mấy năm. Rồi con nó đi học trường nước ngoài, không nói tiếng Việt nữa. Rồi chúng nó vướng mắc công việc, nhà cửa xe cộ, con cái thi cử. Rồi quen cuộc sống bên ấy. Chúng nó lại về cho bà! Hoặc là về bây giờ, hoặc là đi luôn chứ chúng nó lại về cho bà! Tiền với chả bạc!
*
J.K. bảo, tao tin là mày sẽ được nhận thôi. Tao sẽ ủng hộ hết sức việc mày về đây làm cho chúng tao. Nhưng tao nói với tư cách là một người bạn nhé. Mày phải suy nghĩ thật kĩ. Chắc chắn ở đây mày sẽ thu thập được rất nhiều thứ, mày sẽ có kinh nghiệm, có môi trường làm việc tốt, mày sẽ phát huy và phải phát huy được những thứ mày đã học và sẽ học, mày sẽ có tiền. Nhưng rồi mày sẽ biết rằng tiền không phải là tất cả để làm cho mày hạnh phúc. Tao biết mày, và tao nghĩ rằng mày giống tao nên tao nói thật. Nếu bây giờ tao được quay trở lại 20 năm trước thì tao đã quyết định khác. Bây giờ thì tao không thể làm gì được nữa rồi. Nhưng mày thì phải nghĩ kĩ. Ở đó, những người được đào tạo như mày ở trong ngành của mày có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ở đây mày chẳng là gì cả. Ở đó, mày có thể chỉ sử dụng 1/3 kiến thức mày có. Mày có thể thậm chí chẳng dùng đến nó nữa, nhưng tao nghĩ là mày sẽ làm được nhiều việc, nhiều thứ hơn là mày ở lại đây. Theo tao thì làm được nhiều cái difference thì quan trọng hơn là làm được cái gì. Mày suy nghĩ cho kĩ. Là bạn mày tao mới nói thế, bằng cả kinh nghiệm 20 năm của tao. Dù mày quyết định thế nào thì Chuá cũng luôn ở bên cạnh mày.
Ôi, ở chỗ tôi, Chúa của tôi đã bị xua đuổi quá lâu rồi. Tôi xa lạ với ông ấy, như một đứa con xa lạ với một ông bố biệt tích 20 năm bỗng trở về vào một ngày oi bức. Tôi cố tìm cách thân cận với ông ấy và hiểu ông ấy nhưng tình hình tuyệt vọng lắm. Tôi mất 20 năm không được ông ấy chỉ bảo. Tôi mất 20 năm có dư chỉ để biết rằng tôi đã không có ông ấy nhiều như thế nào. Có thể ông ấy rồi sẽ luôn ở bên tôi, nhưng chẳng bao giờ còn gần gũi với tôi được nữa. Tôi khao khát ông ấy. Tôi đã vội vã đọc những ông ấy. Rồi tôi khám phá là tôi không thể vội được. Hình như tôi đã mãi trễ cái con tàu chúng tôi đang cùng đi. Chúng tôi có thể chạm nhẹ hay va đập với nhau, nhưng tôi đã không có thể có những lớp trầm tích lẽ ra ông ấy đã lắng xuống chúng tôi trong suốt 20 năm. Tôi chỉ có thể sờ thấy vẻ mặt râu ria bụi bậm và cái vẻ ngoài xập xệ của ông ấy. Và bây giờ, lẽ ra chúng tôi phải có với nhau nhiều thời gian hơn nữa. Thế mà ông ấy vẫn tiếp tục bị xua đuổi.
Mà ông ấy ở cạnh tôi làm gì cơ chứ nếu như ông ấy luôn ở cạnh J.K. 20 năm qua mà J.K. vẫn không yên ổn như vậy? Chúa của J.K. đã chẳng giúp gì J.K. ư?
J.K. bảo, Chúa không quyết định thay cho mày. Tao không yên ổn cũng vì Chúa muốn thế. Lòng tin của tao vào sự có mặt của Chúa là sự hiện diện của Ngài và là sự nâng đỡ của Ngài. Câu hỏi của mày là sự có mặt của Ngài và ý muốn của mày là thử thách của Ngài. Ngài ở bất cứ đâu mày có mặt và nhiệm vụ của mày là sửa soạn mình để nhìn thấy Ngài. Chỉ khi ấy, mày sẽ biết được là Chúa nâng đỡ mày như thế nào.
Ừ, ừ, xin lỗi, xin lỗi, tôi phải đi thôi. Chuông rồi. 5 giờ rồi mà ông chưa về ư?
J.K. bảo, ừ, tạm biệt. Tao có thể về bây giờ nhưng tao muốn làm nốt mấy thứ. Mày thấy đó. Ngay cả đó cũng là ý của Ngài.
*
Tôi bảo, cảm ơn, tạm biệt và chúc mọi sự tốt lành. Cả Chúa và tôi đều biết ngày mai là như thế nào. Nhưng tôi lại không muốn thế. Cả điều đó cũng là ý của Ngài.