Đáp ứng nhu cầu tìm toi của bạn NQH, tớ xin đưa ra tài liệu về cuộc tổng tiến công Mậu Thân năm 1968 ( Tet Offensive)
Vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968 phía Cộng sản tung ra trận Tổng tiến công và nổi dậy khắp miền Nam, đánh vào hầu hết các thành phố, thị xã và các căn cứ quân sự của đối phương. Đây là một sự kiện gây chấn động trên thế giới và gây nhiều bàn cãi nhất về Chiến tranh Việt Nam và nó có một vai trò to lớn trong cuộc chiến tranh này.
Nắm được điểm yếu của phía Mỹ là dư luận của cả nhân dân và chính giới tại Mỹ ngày càng trở nên thiếu kiên nhẫn và phong trào phản chiến ngày càng lên mạnh không cho phép quân đội tham chiến quá lâu tại nước ngoài mà không có được một tiến bộ rõ rệt khả dĩ cho phép rút quân về nước, phía Cộng sản hoạch định một trận đánh gây tiếng vang lớn ("Một cú đập lớn để tung toé ra các khả năng chính trị" – Lê Duẩn) nhằm buộc Hoa Kỳ xuống thang chiến tranh đi vào đàm phán.
Cuộc tiến công đã đồng loạt nổ ra vào đêm 30 Tết Mậu Thân tức ngày 30 tháng 1 năm 1968 trên khắp các đô thị miền Nam. Ngay đêm đầu tiên quân biệt động cảm tử của Cộng sản đã nhằm vào các mục tiêu khó tin nhất ở Sài Gòn: Toà Đại sứ quán Mỹ, dinh Tổng thống, đài phát thanh, bộ Tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhứt... Sau đó quân tiếp ứng thẩm thấu vào thành phố tiếp quản các mục tiêu và tham gia chiến đấu. Cuộc tiến công đã gây bất ngờ lớn cho phía Mỹ và Nam Việt Nam.
Bất ngờ về mục tiêu và thời điểm tiến công: 10 ngày trước, hai sư đoàn quân Bắc Việt đã có hành động nghi binh bằng cách tấn công căn cứ của lính thuỷ đánh bộ Mỹ tại Khe Sanh làm bộ chỉ huy Mỹ tập trung tâm binh lực lên miền núi Quảng Trị để tránh một trận Điện Biên Phủ mới. Việc Cộng sản tiến công vào các đô thị không hề được lường trước làm cho quân Nam Việt Nam và Mỹ hoàn toàn bất ngờ khi một bộ phận sĩ quan và binh lính (kể cả Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu) đang về quê nghỉ Tết Nguyên đán.
• Bất ngờ về quy mô tiến công: cuộc tiến công làm sửng sốt mọi người khi mà đồng loạt tại tất cả các đô thị cùng diễn ra các trận đánh nhau quyết liệt trong gần một tháng (chỉ riêng đợt 1) và điều bất ngờ này cho thấy 3 năm tìm-diệt của quân đội Hoa Kỳ chỉ đạt được hiệu quả thấp.
• Bất ngờ về độ sát thương bạo liệt không khoan nhượng: từng dãy phố bị ném bom napal, quân sĩ hai bên có lúc, có nơi đánh nhau như điên dại, tràn lan mức độ giết chóc và trả thù, hành quyết ngay trên phố. Các điều này được truyền thông nhanh chóng gây ấn tượng rất lớn lên tâm lý dư luận thế giới.
• Về mặt tác chiến trong số các đô thị, phe Cộng sản thành công nhất tại cố đô Huế (Xem Thảm sát Huế Tết Mậu Thân). Họ chiếm giữ thành phố 25 ngày và sau đó đánh nhau ác liệt giành giật từng khu nhà đoạn phố với lính thuỷ đánh bộ Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hoà.
Để khuếch đại tiếng vang đến mức tối đa, các lãnh đạo của phía Cộng sản đã lựa chọn phương án mạo hiểm nhất là đánh thẳng vào hậu phương của đối phương. Trong việc lập kế hoạch cho cuộc tổng tiến công, Cộng sản đã có những đánh giá không đúng với thực tế tình hình và duy ý chí: họ hy vọng cùng với tiến công quân sự đánh vào các lực lượng Nam Việt Nam ở trong các đô thị họ có thể phát động dân chúng nổi dậy tổng khởi nghĩa đánh sụp chính quyền Nam Việt Nam và đặt Mỹ trước tình thế phải đi đến quyết định ra đi khỏi chiến tranh. Kế hoạch trên dựa trên nhận định thấp về khả năng của Quân lực Việt Nam Cộng hoà và đánh giá quá cao khả năng của họ nên trong thực tế quân Cộng sản đã bị thương vong cực kỳ to lớn mà không phát động được khởi nghĩa của người dân; chính quyền Việt Nam Cộng hoà vẫn đứng vững.
Một đặc điểm nữa của việc lập kế hoạch tiến công Mậu Thân 1968 là các cấp chỉ huy chiến đấu của quân Cộng sản đã không tách bạch được đâu là mục tiêu chính trị thực chất của cuộc tiến công và đâu là mục tiêu được phổ biến rộng rãi trong quân sĩ để cổ vũ khí thế chiến đấu. Mục tiêu thực chất là đánh lớn gây tiếng vang hướng tới dư luận và chính giới Mỹ để buộc đối phương xuống thang, đàm phán. Còn mục tiêu chính trị được phổ biến tuyên truyền trong cán bộ binh sĩ để nâng cao sĩ khí là đó là trận cuối cùng "đánh dứt điểm" đối phương. Các cán bộ chiến trường khi lập kế hoạch tác chiến cũng tin tưởng vào quyết tâm đánh dứt điểm của cấp trên nên họ lập kế hoạch và tiến hành đánh theo kiểu trận đánh cuối cùng. Điều này làm cho các thiệt hại của Cộng sản càng thêm nặng nề.
Điều tệ hại hơn nữa cho quân Cộng sản là họ đã không linh hoạt thay đổi tuỳ theo tình hình. Khi thấy chưa đạt được mục tiêu trong đợt tấn công đầu tiên họ đã phát động tiếp đợt 2 vào tháng 5, đợt 3 vào tháng 8 khi mà kế hoạch đã bại lộ và đối phương đã đề phòng và chuẩn bị đón đánh, làm cho thiệt hại của Cộng sản càng to lớn hơn nữa.
Sau tổng tiến công Mậu Thân, phe Cộng sản bị đẩy ra xa và suy yếu trầm trọng: Các đơn vị quân sự tan vỡ, các lực lượng chính trị bị bộc lộ và bị triệt phá gần hết, thương vong bằng cả 10 năm trước cộng lại. Thậm chí đã có ý kiến trong giới lãnh đạo Quân Giải phóng là cho giải tán các sư đoàn, trung đoàn chính quy quay trở về lối đánh du kích. Họ không còn khả năng đánh nhau tại miền Nam và phải chạy đi ẩn náu tại bên kia biên giới Lào và Campuchia, phải 3–4 năm sau lực lượng của họ mới hồi phục lại được. Trong các năm sau Mậu Thân, từ 1969 đến 1971, là thời gian quân đội Nam Việt Nam chủ động tiến công lùng đánh quân Cộng sản, triệt phá phong trào chính trị của Cộng sản ở nông thôn và thành thị. Đó là cơ sở để phía Mỹ và Nam Việt Nam cho rằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân của Cộng sản đã thất bại thảm hại.
Mặt khác Cộng sản cũng có lý do để cho rằng Mậu Thân 1968 là thắng lợi có tính chiến lược trong chiến tranh của họ: bắt buộc Hoa Kỳ phải xuống thang và bắt đầu rút khỏi Việt Nam. Cộng sản suy yếu thì sẽ hồi phục lại, còn Hoa Kỳ một khi đã ra đi thì khó mà trở lại được.
Cuộc tổng tiến công đã làm dư luận Mỹ thấy rằng việc đưa quân tham chiến với nỗ lực cao đã làm căng thẳng trong xã hội Mỹ, phúc lợi giảm sút, gây nhiều hệ luỵ xấu cho xã hội... mà vẫn không dứt điểm được quân Cộng sản và trong tương lai chiến tranh không biết đến bao giờ kết thúc. Điều này đưa đến kết luận là Hoa Kỳ không thể thắng được trong cuộc chiến này. Các chính trị gia trong Quốc hội Hoa Kỳ gây sức ép lên chính phủ đòi xem xét lại cam kết chiến tranh, đòi huỷ bỏ uỷ quyền cho chính phủ tiến hành chiến tranh không cần phê chuẩn, thúc ép giải quyết chiến tranh bằng thương lượng.
Quy mô của cuộc tiến công làm dư luận Hoa Kỳ mất kiên nhẫn và tin tưởng với giới quân sự, họ đòi chấm dứt chiến tranh mang quân về nước. Một mặt họ thiếu niềm tin vào hiệu quả của quân đội, mặt khác các hành động bạo liệt mất nhân tính được trình chiếu trên TV đánh vào lương tâm công chúng (Xem Thảm sát Mỹ Lai, Thảm sát của đơn vị Lực lượng Mãnh Hổ). Họ đòi hỏi phải chấm dứt chiến tranh ngay lập tức. Họ coi chiến tranh là bẩn thỉu.
Ngay các nhà lãnh đạo chính phủ Hoa Kỳ cũng chia rẽ trong quan điểm sẽ làm gì tiếp theo. Các cố vấn hàng đầu của tổng thống và ngay Tổng thống Johnson thoái chí đi đến kết luận không thể tăng quân thêm nữa theo yêu cầu của giới quân sự mà phải xuống thang, đàm phán.
Kết quả ngày 31 tháng 3 năm 1968 Tổng thống Lyndon B. Johnson tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam sẵn sàng đàm phán để chấm dứt chiến tranh, không tăng thêm quân theo yêu cầu của Bộ chỉ huy chiến trường và từ chối tranh cử nhiệm kỳ tới. Tổng thống Richard M. Nixon, thắng cử vì hứa chấm dứt chiến tranh, tuyên bố sẽ dần rút quân về nước và đàm phán với phía Cộng sản. Vấn đề của Hoa Kỳ bây giờ không còn là chiến thắng cuộc chiến nữa mà là rút ra như thế nào.
Tất cả những điều trên làm cho Cộng sản thấy rằng họ đã đạt được mục tiêu của cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968 cho dù với giá hy sinh cực kỳ to lớn.
Hậu quả quân sự và chính trị
Cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968 đã dẫn đến các kết quả chính trị và quân sự cho cả thời kỳ 1969–1971.
• Về quân sự: Quân Cộng sản mất đất mất dân, quân đội của họ mất thế đứng chân trên chiến trường miền Nam phải sang ẩn tránh tại các vùng bên kia biên giới Lào và Campuchia. Chiến trường miền Nam trở nên yên tĩnh. Quân đội Nam Việt Nam có thời giờ xây dựng và tiến hành các chiến dịch bình định nông thôn đặc biệt là các chiến dịch Phượng hoàng để đánh bật gốc rễ cán bộ Cộng sản nằm vùng trong nông thôn miền Nam.
• Về chính trị: Sau Mậu Thân quân Cộng sản đã "thay máu" hoàn toàn không còn lính người miền Nam trong hàng ngũ chính quy của họ nữa. Từ nay miền Bắc đảm trách mọi sức nặng chiến tranh. Bây giờ tính chất chiến tranh đã chuyển biến hoàn toàn từ nội chiến Quốc-Cộng của người miền Nam sang chiến tranh Quốc-Cộng của hai miền. Vai trò của đấu tranh chính trị của Cộng sản trong chiến tranh suy giảm đi nhiều vì các cơ sở chính trị của họ bị phá và với sự ác liệt không khoan nhượng của chiến tranh ở giai đoạn này không cho phép dân chúng tụ tập trên chiến trường để yêu sách chính trị. Từ đó trở đi sức mạnh vũ trang quyết định tất cả.
Từ sau Mậu Thân trở đi quyền lực tiến hành chiến tranh của Tổng thống Hoa Kỳ càng ngày càng bị hạn chế bởi Quốc hội và dư luận trong nước và quốc tế. Sự rút quân về nước là không thể đảo ngược và chiến tranh Việt Nam đi vào giai đoạn mới mà chính quyền và quân đội Nam Việt Nam phải đơn độc chiến đấu bảo vệ chế độ "tự do" ở miền nam Việt Nam – Việt Nam hoá chiến tranh là không thể tránh khỏi.
----------------------------------
Còn về con số thương vong của nhân dân Việt Nam ta trong cuộc chiến này thì là một mất mát to lớn kinh khủng, không gì có thể bù đắp nổi : est
2-4 million, tức là 1/3 dân số Vn lúc bấy giờ :-o. Vậy nên các bạn nào, sau khi biết tới con số này, mà vẫn tự hào về cuộc nội chiến không hơn không kém gì ở đây thì xin xem xét lại cho. Các bác nhà ta, đã có thể có nhiều cách làm khác để chấm dứt cuôc chiến này. Nhưng thực tế thì không có một việc gì là không giải quyết bằng vũ lực, để đến nỗi cả thế giới đã từng khiếp sợ gọi VN là "một ngòi nổ chiến tranh" :-s.
Tớ cho rằng chúng ta bắt đầu bàn sâu vào chuyện " hòa bình và chiến tranh", vấn đề mà sẽ luôn là tâm điểm của thế giới, để có cách nhìn nhận toàn diện hơn, tiến bộ hơn. :-?
>-
(Nguồn : wikipeia.org)
http://en.wikipedia.org/wiki/Vietnam_war