Đọc sách “Hồ Chí Minh” của William J. Duiker: Nghi vấn và Sự thật
Hồ Chí Minh và Tăng Tuyết Minh
Tính đến mùa xuân năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã lưu lại ở Quảng Đông hơn hai năm. Trong thời gian này, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một một thành viên nổi tiếng và có uy tín trong những người hoạt động cách mạng, và đã có quan hệ mật thiết với Chu Ân Lai và một số thành phần khuynh tả của Quốc Dân Đảng Trung Quốc. Cuộc sống của ông lúc này tương đối ổn định, và có lẽ vì lí do này, ông có ý định lập gia đình. Nguyễn Ái Quốc bàn với Lâm Đức Thụ về ý định lập gia đình, và nhờ Thụ tìm làm mai mối.
Sau đó một thời gian, vợ của Lâm Đức Thụ giới thiệu cho Nguyễn Ái Quốc một phụ nữ trẻ tên là Tăng Tuyết Minh, con gái của một gia đình buôn bán giàu có trong vùng. Thân mẫu của Tuyết Minh là vợ thứ ba của thân phụ cô ta, vì thế cô không được yêu quí trong gia đình. Sau khi thân phụ của Tuyết Minh qua đời, cô bị đuổi ra khỏi nhà. Trong hoàn cảnh tuyệt vọng như thế, khi được vợ của Lâm Đức Thụ mai mối cho Nguyễn Ái Quốc, Tuyết Minh nhận lời ngay. Tuy nhiên, Tuyết Minh là người ít học, do đó một số đồng chí của Nguyễn Ái Quốc tỏ vẻ không đồng ý cho cuộc hôn nhân này. Mẹ của Tăng Tuyết Minh cũng không hài lòng vì thấy Nguyễn Ái Quốc là một nhà cách mạng, nay đây mai đó, và sợ con gái bà sẽ khổ vì phải xa cách chồng. Nhưng người anh cả của Tăng Tuyết Minh thì lại rất thích Nguyễn Ái Quốc và khuyến khích cuộc hôn nhân. Sau ngày thành hôn, hai vợ chồng Tăng Tuyết Minh và Nguyễn Ái Quốc sống chung trong một villa của Borodin. Nhưng sáu tháng sau khi thành hôn, khi nghe tin công an ruồng bắt, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời Quảng Đông [bỏ lại vợ] bằng xe hỏa để đi Hồng Kông.
Quan hệ giữa Tăng Tuyết Minh và Nguyễn Ái Quốc trong thời gian sau đó không được rõ ràng. Có thể là kể từ ngày Quốc rời Quảng Đông, mối tình coi như chấm dứt. Tuy nhiên, sau khi rời Quảng Đông một năm, Nguyễn Ái Quốc có viết cho Tăng Tuyết Minh một lá thư riêng mà Lâm Đức Thụ trao lại cho mật thám Pháp; trong thư, Quốc viết: “Tuy rằng chúng ta đã xa cách nhau gần một năm rồi, tình cảm chúng ta dành cho nhau vẫn còn nguyên vẹn, dù không nói ra. Anh muốn nhân cơ hội này gửi đến em vài lời cam đoan và mong em vững lòng. Anh cũng muốn nhờ em gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến mẹ em.” Ngoài ra, có bằng chứng cho thấy hai người tình cờ gặp nhau ở Hồng Kông vào năm 1930.
Theo một sử gia người Trung Quốc, sau này khi cách mạng thành công và trở thành chủ tịch nước, ông Hồ Chí Minh có tìm cách liên lạc với Tăng Tuyết Minh, nhưng mọi thư từ đều không tới tay bà.
Hồ Chí Minh và Nguyễn Thị Minh Khai
Năm 1931, lúc còn lưu lại ở Hồng Kông, Nguyễn Ái Quốc hình như bắt đầu một cuộc tình mới với một phụ nữ người Việt Nam trong nhóm cách mạng của ông. Người phụ nữ đó là Nguyễn Thị Minh Khai, là chị của Nguyễn Thị Minh Thái. (Minh Thái là vợ của tướng Võ Nguyên Giáp, một đồng chí trẻ tuổi của Hồ Chí Minh). Minh Khai là một phụ nữ trẻ đẹp, lanh lợi, thông minh, và rất nhiệt tình với cách mạng. Minh Khai xuất thân từ một gia đình có tiếng ở Hà Đông, là con của cụ Nguyễn Văn Bình, một nhà nho đậu phó bảng, nhưng sau này làm công chức cho Pháp. Mối tình giữa Minh Khai và Nguyễn Ái Quốc không được rõ ràng, và bằng chứng còn lại chỉ là gián tiếp, chứ không cụ thể. Trong một lá thư viết cho Noulens, Nguyễn Ái Quốc xin phép làm lễ thành hôn với Minh Khai, song Noulens trả lời là ông ta cần phải biết trước hai tháng để chuẩn bị. Tuy nhiên, sau đó không lâu, Minh Khai đã bị cảnh sát Anh bắt vì tội lật đổ chính quyền. Sau khi bị giam vài tháng, và không đủ chứng cớ, Minh Khai được trả tự do. Sau này, Nguyễn Thị Minh Khai lập gia đình với Lê Hồng Phong (một cán bộ cao cấp trong Đảng Cộng sản Đông dương) tại Moscow.
Mối quan hệ giữa Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn Thị Minh Khai là một khía cạnh không rõ ràng trong cuộc đời của Nguyễn Ái Quốc. Không có một tài liệu chính thức nào từ Moscow, Trung Quốc, hay Hồng Kông để có thể kết luận rằng hai người là chồng vợ. Tuy nhiên, một số thư từ và báo cáo mật trong nội bộ Đảng Cộng sản Đông dương đề cập đến Nguyễn Thị Minh Khai như là “la femme de Quoc,” và dữ kiện này cho các nhà sử học Tây phương một chứng cớ để cho rằng hai người có quan hệ tình cảm. Trong một tờ khai lí lịch đảng viên [bằng tiếng Nga] của Nguyễn Thị Minh Khai còn lưu trữ tại Moscow, trong phần gia đình, bản lí lịch ghi chồng là Nguyễn Ái Quốc, nhưng có dấu viết gạch bỏ lời khai này.
Hồ Chí Minh và những tin đồn
Một vài tin đồn cho rằng khi đến Moscow, Nguyễn Ái Quốc được Trung ương Comintern (Cộng sản Quốc tế) “cho” một bà vợ người Nga và hai người đã sinh một người con gái. Tuy nhiên, đây chỉ là tin đồn, hoàn toàn không có bằng chứng hay dữ kiện gì để kiểm chứng nó đúng hay sai.
Trong cuốn sách “Đêm giữa ban ngày” của Vũ Thư Hiên, tác giả cho biết ông Hồ còn có quan hệ với một phụ nữ tên là Nguyễn Thị Xuân, và sau này bị Trần Hoàn, Bộ trưởng Nội vụ, chủ mưu giết chết. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một đồn đại, mà bằng chứng thì hoặc mâu thuẫn, hoặc không rõ ràng, thậm chí có người còn dựng chuyện để xuyên tạc ông Hồ. Có thể nói ngay rằng câu chuyện cô Xuân và ông Hồ không có xuất xứ rõ ràng, bởi vì không ai biết tác giả của nó là ai. Trong bài viết của Nguyễn Minh Cần, ông cho biết là ông lấy thông tin từ lời kể của Vũ Thư Hiên, và từ một số người mà ông viết là “người ta kể cho tôi,” trong đó, có thể kể cả “một bức thư dài 5 trang đánh máy của ngừơi chồng chưa cưới của cô Vàng đã bị giết, viết ngày 29 tháng 7 năm 1983” nhưng ông không được quyền công bố bức thư này! Còn ông Vũ Thư Hiên thì chỉ viết theo lời kể của ông Nguyễn Tạo và một số lời nói của ông Vũ Đình Huỳnh, nguyên bí thư riêng của ông Hồ (ông Huỳnh còn là thân phụ ông Vũ Thư Hiên). Như vậy, có thể nói câu chuyện chỉ là một giai thoại, như hàng ngàn giai thoại khác, bởi vì câu chuyện nguyên thủy chỉ là những lời kể chuyện, lưu truyền gián tiếp trong những người quen. Bởi vì không ai xác định được tác giả là ai, nên không ai biết chắc một cách chính xác câu chuyện xuất phát từ đâu, mục đích của nó là gì, những giả định trong câu chuyện là gì, và nhất là hoàn toàn không có một bằng chứng nào nhất quán với quan điểm hay nhận xét của hai ông Vũ Thư Hiên và Nguyễn Minh Cần.
Ngoài ra, trong cuốn hồi kí ngắn, “Dọc đường gió bụi,” ông Trần Trọng Kim viết rằng ông Hồ còn có quan hệ tình cảm và có con với một người tên là Đỗ Thị Lạc. Tuy nhiên, Trần Trọng Kim cũng không đưa một bằng chứng nào để người đọc có thể đánh giá sự chính xác của lời phát biểu.
Vài hàng nhận xét
Theo người viết bài này, người viết sử có ba mục tiêu cao quí: ghi lại những gì đã xảy ra trong quá khứ; xây dựng một hệ thống tri thức về quá khứ; và nghiên cứu quá khứ bằng các phương pháp khoa học khách quan. Cuốn “Ho Chi Minh” của Tác giả William Duiker hoàn thành những mục tiêu này một cách xuất sắc. Qua cuốn sách này, Duiker đã làm sống lại cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh một cách trung thực, trung thực hơn bất cứ cuốn sách nào về ông mà người viết đã từng đọc qua. Cuốn sách đã được các nhà nghiên cứu sử đánh giá cao. Trong phần điểm sách của Tạp chí Kirkus Review, một tác giả viết, “Đây là một công trình xuất sắc, một cuốn tiểu sử công bằng về một lãnh tụ cộng sản. Những ai nghiên cứu về thế kỷ 20 cần phải đọc cuốn sách này để hiểu bằng cách nào mà một cá nhân có thể làm gương và khai sinh một quốc gia.”
Đọc qua cuốn sách này, người ta thấy được một điều nổi bật là tính chuyên môn cao và đạo đức nghề nghiệp của soạn giả được biểu hiện qua sự thận trọng trong việc dùng và đánh giá tài liệu. Cái phong cách nghiên cứu sử của ông Duiker đáng để cho những người viết về ông Hồ học theo. Ông Duiker cẩn thận ghi chép và kiểm tra sự chính xác của sử liệu, ông không dùng loại sử liệu hạng hai (tức chỉ nghe lại) để phán xét. Tuy thế, cuốn sách của William Duiker không phải hoàn hảo (vì có một số chi tiết, tên của vài nhân vật, cấp bậc quân đội, v.v… trong sách không đúng), nhưng may mắn thay, những nhầm lẫn này không ảnh hưởng đến những nhận xét và sự thật quan trọng trong sách.
Đọc xong cuốn sách của Duiker, người viết cảm thấy thất vọng đối với giới viết sử gốc Việt ở hải ngoại, những người được giới thiệu như là những “học giả”. Hình như phần đông những “học giả” này chưa (hay không) được huấn luyện có hệ thống về sử học, hay có được huấn luyện nhưng ở trình độ thấp, nên họ thiếu khả năng nghiên cứu và suy luận. Ngoài ra, do vấn đề thiếu thốn tài liệu, hay do tính lười biếng tri thức, nên họ thường dùng tài liệu mà chính họ cũng không kiểm tra được. Cộng vào đó là vấn đề để cho cảm tính chi phối trong việc viết lách, và hậu quả là phần đông các “học giả” loại này đều bị rơi vào cạm bẫy của ngụy biện, mà có khi chính họ cũng không biết.
Mức độ khác nhau về lý trí giữa người đọc không cao, nhưng sự khác biệt về nhận định của họ bị chi phối một phần lớn ở dữ kiện được trình bày trước họ. Và có lẽ đây là một đóng góp lớn của ông William Duiker và cũng là một bài học cho giới báo chí Việt ngữ hải ngoại. Ông Duiker, trong trường hợp ông không rút ra được kết luận, ông cẩn thận trình bày dữ kiện để người đọc tự đánh giá lấy, mà không tìm cách ảnh hưởng cảm nhận của người đọc. Ngược lại, nhìn qua cách tiếp nhận và phân phối thông tin trong báo chí Việt ngữ ở hải ngoại, người ta có thể nói rằng mục đích chính của báo chí Việt ngữ hải ngoại là chỉ cung cấp thông tin sao cho cộng đồng người Việt có một thái độ chống ông Hồ, chống cộng sản, chứ không phải cung cấp thông tin đầy đủ để cho người đọc am hiểu sự việc và xây dựng được những ý kiến đứng đắn.
Tóm lại, cuốn “Ho Chi Minh” là một cuốn sách đứng đắn nhất và nghiêm túc nhất về Hồ Chí Minh, một nhân vật lịch sử quan trọng không những của Việt Nam mà còn của thế giới. Cuốn sách rất xứng đáng có mặt trong tủ sách của những người nào quan tâm đến, hay những người nào muốn tìm hiểu về, một giai đoạn quan trọng trong lịch sử Việt Nam cận đại, và một nhân vật đóng vai trò then chốt trong giai đoạn lịch sử đó: Hồ Chí Minh.
Chú thích:
[1] Theo sử gia Trần Quốc Vượng, người dân làng Kim Liên đồn rằng: Nguyễn Sinh Sắc (còn có tên là Nguyễn Sinh Huy) không phải là thuộc dòng máu mủ của dòng họ Nguyễn Sinh làng này; mà là con của một người khác, đó là ông đồ nho, cử nhân Hồ Sĩ Tạo. Ông Hồ Sĩ Tạo thuộc dòng họ Hồ nổi tiếng ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An (cũng là quê gốc của Hồ Quí Ly, nhân vật lịch sử cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15, và cũng là quê gốc của anh em Tây Sơn, vốn họ Hồ, thuộc thế kỷ 18).
Nhà họ Hà có một cô con gái xinh đẹp, có tài múa hát tên là Hà Thị Hy, tuy đã ba mươi tuổi mà vẫn chưa chồng. Trong nhà lại có một văn nhân, đó là ông Hồ Sĩ Tạo, là người đã có vợ. Trai tài gái sắc gặp nhau, và "lửa gần rơm, lâu ngày cũng bén": cô Hà Thị Hy bỗng dưng có bầu. Để tránh nỗi nhục cho con gái và giữ uy tín cho ông cử, cả nhà họ Hà phải suy tính ...
Lúc bấy giờ ở làng Sen cùng xã, có ông Nguyễn Sinh Nhậm, dân cầy, tuổi đã cao mà chưa góa vợ (vợ trước của ông đã qua đời, và để lại cho ông một người con trai tên là Nguyễn Sinh Thuyết cũng đã có gia đình). Nhà họ Hà bèn cho gọi ông Nguyễn Sinh Nhậm đến điều đình và cho cô Hy làm vợ kế ông này. Sau đó, lễ cưới diễn ra, và cô Hà Thị Hy mang bụng về nhà chồng, nhưng khóc thầm vì bẽ bàng, hờn duyên tủi phận. Ông Nguyễn Sinh Nhậm cũng cắn răng chịu ăn "của thừa".
Vài tháng sau, bà Hà Thị Hy hạ sinh một người con trai, và đặt tên là Nguyễn Sinh Sắc, tức lấy họ ông. Năm Nguyễn Sinh Sắc lên bốn thì cụ Nguyễn Sinh Nhậm qua đời. Ít lâu sau, bà Hà Thị Hy cũng mất. Nguyễn Sinh Sắc phải về sống chung với gia đình của người anh vừa khác cha vừa khác mẹ là Nguyễn Sinh Thuyết. Nguyễn Sinh Sắc luôn luôn bị khổ tâm về tinh thần lẫn vật chất trong một gia đình chẳng có chút tình thương nào dành cho cậu bé ở cảnh ngang trái.
May có ông Tú đồ nho Hoàng Xuân Đường gần đó thương sót và đưa Nguyễn Sinh Sắc về sống chung với gia đình ông. Nguyễn Xuân Sắc học chữ nho từ nhà cụ tú này, và tỏ ra là một học trò thông minh. Năm Nguyễn Sinh Sắc lên 18 tuổi, ông bà Hoàng Xuân Đường gã cô con gái đầu lòng mới 13 tuổi, Hoàng Thị Loan, cho Nguyễn Sinh Sắc. Ông bà tú còn xây một căn nhà ba gian cho hai vợ chồng Sắc-Loan ở riêng. Tuy nhiên, khi ông tú Hoàng Xuân Đường qua đời, vợ chồng Nguyễn Sinh Sắc và Hoàng Thị Loan lại dọn về sống chung với bà tú.
[2] Theo tập tục địa phương, khi mới sinh ra đứa bé được đặt tên sữa, và khi trưởng thành có thể lấy một tên khác.
[3] Phạm Ngọc Thọ là cha của Phạm Ngọc Thạch, người sau này trở thành bác sĩ và bộ trưởng Y tế dưới chính phủ của ông Hồ Chí Minh.
[4] Toàn văn bản di chúc của ông Hồ Chí Minh có thể xem tại địa chỉ sau đây:
http://www.cpv.org.vn/hochiminh/dichuc/index.htm. Ở đây, chỉ xin trích một đoạn di chúc viết như sau:
“Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hoả táng”. Tôi mong rằng cách hỏa táng sau này sẽ được phổ biến. Và như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì “diện táng” cũng tốt hơn.
Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành, một hộp cho miền Bắc, một hộp cho miền Trung, một hộp cho miền Nam.
Đồng bào mỗi miền nên chọn 1 quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả không nên có bia đá, tượng đồng, mà nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rải, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi.”
Nguồn:
http://www.giaodiem.com/doithoaiII/Hagiang_hcm.htm