AFC Champions League: Miền đất hứa
Người ta thường gọi châu Á là “vũng trũng” của bóng đá thế giới. Nhưng bây giờ, châu Á lại là miền đất hứa. Chính AFC Champions League mới là cứu cánh với nhiều ngôi sao sân cỏ, chứ chẳng phải giải đấu danh giá UEFA Champions League mà thiên hạ luôn hướng tới.
4 năm đã qua, kể từ ngày AFC Champions League ra đời. Một sân chơi theo đúng mô hình UEFA Champions League, và tất nhiên, tiền tài cũng không nhỏ. Cũng vì mối lợi vật chất đó mà các “đại gia” châu Á dốc hầu bao ngày càng nhiều hòng leo tới vinh quang. Nhờ thế các “siêu sao” một thời lũ lượt xuất hiện.
Người đầu tiên “Đông tiến” chính là Hristo Stoichkov. Tiền đạo người Bungaria dừng chân tại Al Nasar (Saudi Arabia) năm 1998. Khi đó, AFC Champions League chưa ra đời, nhưng đến năm 2003, từ tấm gương của Al Nasar, các CLB châu Á đã nghĩ ra giải pháp mới nhằm tăng cường sức mạnh tức thời phục vụ giải đấu châu lục.
Romario - nhà VĐTG 1994 đã đến Al Sadd (Qatar) theo con đường như thế. Anh được kỳ vọng sẽ giúp Al Sadd đi tiếp chặng đường từ vòng tứ kết AFC Champions League 2003. Không thành công lắm, nhưng Romario khiến các đồng nghiệp mất đi cảm giác e ngại khi hạ cố tới châu Á.
Tiếp nối Romario, Sergio, Lebeouf, Desailly, Effenberg, Tenorio, Sonny Anderson đều chọn Qatar làm điểm dừng chân. Batistuta sang tận UAE (Al Arabi), Giovani chọn Saudi Arabia (Al Hilal), Laktionov, Paulo Rink tìm đến Hàn Quốc. Ở Trung Quốc, Silijak (Vua phá lưới vòng loại Euro 2004) gia nhập Đại Liên. Tất cả họ đều là “sao” sáng một thời ở châu Âu, nhiều người còn tham dự World Cup, Euro. Nhưng điểm chung giữa họ: châu Á là nơi kết thúc sự nghiệp, hoặc ít ra cũng là điểm dừng chân trước khi chuyển từ thi đấu chuyên nghiệp sang chơi bóng nghiệp dư!
Năm ngoái, AFC Champions League chứng tỏ sức hút chưa từng thấy. Bởi lần đầu tiên, những ngôi sao đương thời đã tìm đến. Joseph Desire-Job, Mohamed Kallon tới Al Ittihad (Saudi Arabia). Họ ra đi từ Premier League (Middlesborough), Ligue I (Monaco) và bước vào cuộc phiêu lưu bảo vệ ngai vàng của “M.U phương Đông”. Kết quả thu được rất mỹ mãn bởi Al Ittihad đăng quang dễ dàng, còn Mohamed Kallon trở thành người hùng. Quả không uổng phí sự dũng cảm từ bỏ Inter Milan, Monaco để chuyển đến thế giới hạng hai.
Tất nhiên, năm nay AFC Champions League 2006 cũng không phải ngoại lệ. Những tên tuổi mới nhất: Borgetti (Mexico), Acimovic (Slovenia), Carsten Janker (Đức). 4 năm trước, chỗ đứng của họ là World Cup 2002. Thậm chí chỉ cách đây 3 tháng, Borgetti vẫn còn là chân sút chủ lực của Mehico tại World Cup 2006. Còn bây giờ, thế giới của anh và cả các đồng nghiệp cùng cảnh ngộ là AFC Champions League - danh giá nhất châu Á, nhưng chưa là gì so với UEFA Champions League.
Đêm 13/9, cả châu Âu (và thế giới) hướng về UEFA Champions League. Rất ít người biết rằng ở phương Đông, cũng có một Champions League khác, nơi các người hùng một thời đang thi thố tài năng trong những ngày cuối sự nghiệp. Phía sau sàn diễn rực rỡ hào quang là cánh gà chìm trong bóng tối. Nhưng châu Á đang biến cánh gà đó cũng thành một miền đất hứa với những ngôi sao lỡ thì.