Dư âm TK Champions League: Milano - Mỗi người một nơi!
<lỗi lầm thuộc về Mancini>
Thành Milano tráng lệ, như một lời nguyền đáng rủa, lại một lần nữa chia cắt nỗi đau và hạnh phúc của hai nửa thành phố, cùng màu đen nhưng là sự đối lập giữa lửa và nước, thành công và thất bại, như đỏ và xanh vậy…
Đã bao lần rồi, AC Milan, một nửa của Milano, đã cười vui (dù không cố ý) bên cạnh nỗi đau khôn nguôi của người anh em “khó gần ” Inter bằng cách đã tìm được sự sống khi cái chết tưởng như đã đến gần mà khoảng cách tính theo đơn vị thời gian là hơn 2’, trong khi Inter, lại là Inter , không thể tìm cho mình sự sống trong cả gần 90’…
Inter Milan với lợi thế lớn nhất, tốt nhất trong 3 đại diện của Calcio tại Champions League (thắng 2-1 trên sân nhà lượt đi, trong khi Milan hoà không bàn thắng và Juve, tệ hơn thua hai bàn trắng và đánh mất hình ảnh của mình trên sân khách) lại có vẻ như sẽ là nỗi đau nhất của Serie A mùa này, khi làm tan vỡ đi giấc mộng đẹp của bất cứ người nào vốn yêu thích thành phố thời trang này, là biến trận chung kết CsL thành một trận derby Milano lớn nhất mọi thời đại, khi đã không kiếm nổi một bàn sân khách (Adriano một lần nữa được kỳ vọng khi ghi bàn trận trước đó tại Serie A và lại gây thất vọng), khi Mancini đã không thể có một đối sách nào (thậm chí trước bàn thua) hiệu quả nhằm khắc chế Villareal và kết quả ư?!!!
Số cơ hội nguy hiểm của Villareal thậm chí còn hơn Inter nhiều, nếu may mắn hơn thì Villareal có thể đã có một trận thắng đậm, và khi đó Adriano đã ở đâu? Recoba được ra sân ngay từ đầu nhằm tạo ra một sự đột biến nào đó (nhưng tháng 3 thần kỳ của anh đã qua rồi!), Cambiasso vẫn chiến đấu lăn xả với người đàn anh tại tuyển Argentina, Sorin, rồi Samuel, và nhất là “gã điên ” Materazzi , người đã cho một cú chỏ rất Ý vào Sorin, nhưng để làm gì khi hàng công dù rất cố gắng nhưng vẫn không tìm được bất cứ cách nào xâm nhập vào hàng thủ của Villareal . Một lần nữa, các tifosi của Inter lại chìm trong “nỗi đau tình cờ” cho một mùa giải vứt đi nữa và Mancini có lẽ lúc này chì còn biết bấu víu vào một vị trí thứ hai tại Serie A, một bậc cao hơn AC Milan như một cử chỉ vuốt ve cuối cùng, cho vết thương bớt rỉ máu (và mùa sau ai sẽ thay ông?!!!).
Inter có thể trách số phận khi thua vì một bàn sân khách, nhưng có một sự thật đó là Villareal đã chơi quá hay, quá hợp lý với một đấu pháp chặt chẽ, rất mưu mô nhưng hiệu quả, mang một hình ảnh dường như chính họ, chứ không phải Inter đã rất quen thuộc tại đấu trường danh giá và khốc liệt này. Chính Villareal đã chơi một trận đấu đậm chất Ý còn hơn cả Inter, người khai sinh lối đá phòng ngự bêtông huyền thoại. Trong lần đầu tiên, trong cuộc phiêu lưu đầu tiên, trong hành trình viết lại lịch sử của câu lạc bộ, các chàng-trai-Nam-Mĩ của Villareal đã khiến cả châu Âu lại mơ hồ nhớ tới các cuộc lật đổ chống lại các thế lực truyền thống như đã xảy ra trong những mùa trước… Ngả mũ trước Villareal, trước thầy trò Manuel Pellegrini và hãy chờ đợi một câu chuyện cổ tích nữa, tại sao không nhỉ?
Trong khi đó, tại San Siro huyền thoại, lại một bản hùng ca nữa được khai sinh mà nhân vật nền cho thành công của lữ đoàn đỏ đen, chính là kẻ nuôi tham vọng lớn nhất mùa này, một quyền lực mới, Olympic Lyon. Hành quân đến San Siro với sự tự tin rất lớn với sự trở lại của nhạc trưởng Juninho, các chàng trai của Heullier rất sẵn sàng cho một cuộc lật đổ một biểu tượng của các thế lực truyền thống, như một sự khẳng định cho một thứ quyền lực mới.
<...Inter không thể nở nụ cười chiến thắng>
Nhưng, San Siro vẫn là San Siro, cũng như Milan vẫn luôn là Milan, trong các trận đấu lớn. Với một sự khởi động khá tệ, một thất bại khá tệ trước Lecce, và đừng ngạc nhiên khi biết các CĐV Milan không hề phiền gì về thất bại đó, thậm chí có người còn tỏ vẻ rất yên tâm. Milan đã chủ động buông Scudetto, và với họ, như số phận đã định, là lá cờ đầu cho Serie A tại đấu trường châu Âu, và với Milan, trước những trận như vậy, họ luôn đá tệ. Một thực tế là tỉ số 3-1 không phản ánh thực tế cục diện trận đấu, khi mà Lyon với lối đá pressing khắp mặt sân với các chàng trai trẻ mạnh mẽ, càn lướt tốt cùng sự tự tin đáng ngạc nhiên. Milan chủ động chọn lối đá hơi “cam chịu” ngay từ đầu trận (có thể để dưỡng sức, tránh một cuộc tra tấn thể lực như lượt đi), rình rập một cơ hội để ghi bàn. Và hàng tiền vệ Milan trong những phút đầu không thể dâng cao nhằm giải toả sức ép lên hàng thủ. Lối đá áp sát cùng thể lực mạnh mẽ giúp Lyon hầu như chiếm ưu thế hoàn toàn trong các cuộc chiến tay đôi, thậm chí trước cả Gattuso.
Áp lực ngay lập tức đè nặng lên cùng thành thủ môn Dida, nhất là sau những pha xử lý bóng rất “vớ vẩn” của cả Dida và hàng thủ. Milan như một tay đấm già dặn trước một đối thủ trẻ trung hơn nhiều, cố gắng chịu đòn chỉ tranh thủ đánh trả lại vài đòn sát thủ. Và ngay tình huống nguy hiểm đầu tiên, Inzaghi (lại là anh!) đã thể hiện bản năng sát thủ của mình sau một pha chạy chỗ thông minh và tinh quái thoát khỏi sự kèm cặp của Cacapa cùng một cú dứt điểm không thể chê vào đâu được từ một cú tạt hết sẩy của Seedoft. Ancelotti đã có lý khi cho Pippo đá từ đầu, vì trận này, các hậu vệ Lyon mệt hơn hẳn trận lượt đi. Dù Sheva đã ghi 8 bàn trước đó nhưng có vẻ như Champions League năm nay chính là sàn diễn của riêng cá nhân anh.
Lyon bị dẫn trước một trái, nhưng không vì thế mà Lyon đá kém hơn, thậm chí họ còn đá tốt hơn nhiều so với trước khi có bàn thua. Ngay lập tức hàng tiền vệ Milan bị ép hẳn về sân nhà trước sức công phá mạnh mẽ từ những Melouda, Juninho và nhất là Diarra. Chính anh là cầu thủ chơi hay nhất Lyon trận này, không phải vì anh ghi bàn gỡ hoà 1-1 cho Lyon sau pha đá phạt tuyệt vời của Juninho, mà là vì anh đã bắt chết ngòi nổ nguy hiểm nhất của Milan là Kaka. Kaka trận này cũng giống như trận lượt đi, đá cá nhân, rườm rà và yếu đuối trước chàng trai này. Hầu như cả trận ta không hề thấy pha trượt tuyết nào của anh cả, đơn giản vì anh đụng phải một đối thủ mạnh mẽ và quyết tâm hơn nhiều. Dù tỉ số 1-1 là bất lợi cho mình nhưng Milan và Lyon vẫn chưa tung hết bài một cách vội vàng vì họ còn cả một hiệp hai trước mặt, một hiệp hai tiềm ẩn những diễn biến khó lường.
Milan bước vào hiệp hai với quyết tâm rất cao trong khi Lyon vẫn chiếm ưu thế hơn trong các pha tranh chấp tay đôi cũng như khả năng pressing. Điểm nhấn của trận đấu chình là từ khi Pirlo rời sân. Với một cầu thủ như Pirlo thì bắt anh phải đối mặt với 3 tiền vệ công mạnh mẽ với thể lực cuồn cuộn của Lyon là một nhiệm vụ hơi quá sức. Và việc tung Ambrosini chính là mấu chốt của vấn đề mà Milan chưa nhận thức hết hoặc nhận thức hơi trễ. Từ khi Ambrosini vào sân, khả năng tranh chấp tay đôi của Milan mạnh hơn hẳn và khu trung tuyến nhanh chóng thuộc về Milan, nhất là sau khi HLV Heullier tăng cường hàng thủ. Tuy nhiên, dù vậy, tất cả khán giả theo dõi đều có một nhận định ghi bàn vào Lyon lúc này là một nhiệm cụ rất rất khó khi tất cả các đợt tấn công của Milan đều liên tục bị đánh bật.
<...Milan xứng đáng có mặ ở Bán Kết sau những nỗ lực không mệt mỏi>
Tuy nhiên, Milan với kinh nghiệm và bản lĩnh của mình đã khiến cho đội chơi hay hơn hôm nay là Lyon, phải khóc hận. Một đường chuyền dài, Sheva có bóng, một cú sút, bóng bật qua lại giữa hai cột môn, và Inzaghi có mặt như mọi khi, tỉ số là 2-1. Có thể sẽ có tranh cãi là giữa Inzaghi và Kaka, ai ghi bàn. Nhưng chắc chắn HLV Ancelotti sẽ không quan tâm lắm, vì khi có hai cầu thủ nhạy cảm trong việc tìm bóng thì vẫn thích thú hơn. Milan đã tìm lại sự sống đã giữ lại những giá trị của lịch sử khi mà các cầu thủ Lyon đã gần như lật lịch sử qua một trang khác.
Nhìn vào cảnh những Diarra, Malouda, Cacapa ôm đầu đau khổ ngay sau bàn thua mới thấy số phận dường như hơi tàn nhẫn với họ, trong một tối mà tất cả các cầu thủ cùa Lyon đã chơi với 110% phong độ. Bàn thắng của Sheva sau đường chuyền về bất cẩn của hậu vệ Lyon chỉ như khẳng định thêm bản chất của thứ bóng đá Ý là không bao giờ từ chối các cơ hội, dù nhỏ nhất và càng làm cho vị chủ tịch Chelsea thêm nung nấu quyết tâm mua anh về. 50 triệu bảng chăng, có thể các thêm Crespo nữa, chuyện đó hãy gạt qua một bên đi, vì Milan đã thắng, tỉ số là 3-1, một chiến thắng thậm chí còn căng thẳng hồi hộp hơn cả trận thắng 3-2 trước Ajax 3 mùa trước, khi Milan vô địch.
<...Sheva và Pippo là những người đem lại niềm vui ấy>
Bản lĩnh một đội bóng lớn là thế, luôn biết cách đánh hơi cách chiến thắng ngay cả khi họ bị lép vế. Riêng với Inzaghi, Sheva, bộ đôi vĩ đại nhất trong lịch sử các cúp châu Âu (109 bàn!!!) thì họ chính là hiện thân của các ngôi sao sân cỏ, những người mà chỉ với một khoảng khắc loé sáng sau khi gần như mất hút trước đó cũng đủ làm thay đổi cả thế trận. Milan trận này đã có cái mà Inter không có, cá tính của những ngôi sao, và cả may mắn nữa. Nhưng may mắn chỉ đến với những ai tin, biết cách và chịu bỏ công sức đi tìm nó. Đêm nay Milan đã tìm được, như một trò đùa cợt của số phận, vị nữ thần đỏng đảnh đã khiến hai nửa Milano biến thành “mỗi người một nơi”. Ngày Cá tháng Tư, Milan đã thua, Juve hoà và Inter thắng, như một sự giả dối về sức mạnh thực sự. Đêm qua, Milan thắng, Inter thua, và Juve sẽ hoà – như một sự thật hiển nhiên và sự dối trá được cải chính…
Và một lần nữa, có vẻ như danh dự và hy vọng của cả đất nước hình chiếc ủng lại đặt lên vai những chiến binh lãng tử thành Milano, những chiến binh trong quân phục đỏ đen đầy kiêu hãnh