AC Milan và hậu quả của "chủ nghĩa Berlusconi"
Từ Nereo Rocco trong thời kỳ hoàng kim thứ nhất đến Sacchi ở thời kỳ hoàng kim thứ 2. Từ Viani đến Capello và giờ là Ancelotti, những thành công của Milan đều gắn liền với một trong những hàng thủ vững chắc nhất của bóng đá châu Âu. Nhưng trong mùa giải này, sự chắc chắn đã biến mất, thay vào đó là hàng thủ gồm những "ông già" hết sức "hồn nhiên" và có phần "ngây thơ". Đó chính là cái giá phải trả cho "chủ nghĩa Berlusconi" với phương châm tấn công và tấn công triệt để.
Trong mùa Hè qua, Milan cần tăng cường hàng thủ nhưng Berlusconi quyết định đem về Milanello 2 tiền đạo Gilardino và Vieri, buộc Ancelotti phải chấp nhận lối chơi với 2 tiền đạo. Gila là một thành công vì anh còn rất trẻ và là tài năng của bóng đá Italia nhưng Vieri, "hàng thải" ở Inter, đã qua thời ký đỉnh cao. Tất cả chỉ để phục vụ cho những toan tính của Berlusconi bên ngoài bóng đá.
Milan cần hậu vệ, Berlusconi biết điều đó, nhưng khi cuộc tổng tuyển cử Italia sắp diễn ra (mà Berlusconi đang lép vế so với đối thủ của mình), ông muốn dùng Milan làm công cụ để tấn công vào con đường chính trị. Chỉ có những chiến thắng của Milan mới có thể giúp Berlusconi hy vọng tái đắc cử vào "Ngôi nhà của tự do" (dinh thủ tướng - Casa di Libertà).
Đã rất nhiều lần các tiền đạo con cưng của AC Milan tịt ngòi
Berlusconi có thể hài lòng với việc Milan thủng lưới nhiều hơn trước để tìm kiếm nhiều bàn thắng hơn, nhưng không phải điều đó lúc nào cũng diễn ra như ý muốn. Đã rất nhiều lần các tiền đạo con cưng của Berlusconi tịt ngòi còn hàng thủ thì sụp đổ trước lối chơi nhanh của đối thủ. Milan đang sở hữu hàng công mạnh nhất Serie A hiện nay với 39 lần làm tung lưới đối phương nhưng hàng thủ đã để thua 18 bàn, nhiều hơn cả Fiorentina hay Livorno, đối thủ vừa bị chính Milan "tàn sát" đến 3 bàn trắng.
Một năm trước, Milan chỉ ghi được 32 bàn sau 17 vòng đấu nhưng lại kiếm được nhiều hơn 1 điểm nhờ hàng thủ vững chắc hơn (11 bàn thua, đứng thứ 2 sau Juventus). Hàng thủ hiện nay chỉ hơn được thời kỳ khủng hoảng trong giai đoạn 1996-1998 và trong mùa giải khủng khiếp 2000-2001 (với cặp trung vệ Nam Mỹ R. Junior và Chamot, Milan không biết cách phòng ngự).
Thất bại của Milan ở mùa giải này còn được thể hiện rất rõ bên ngoài sân cỏ, nơi các CĐV trung thành nhất của họ, nhóm Fossa dei Leoni nổi tiếng và luôn theo sát bước chân các cầu thủ trên khắp đất nước, đã tan rã. Không ai biết lí do thực của sự tan rã này nhưng tất cả đều nghi ngờ mâu thuẫn với FIGC khiến Fossa dei Leoni bị xóa sổ sau gần 40 năm tồn tại. Một điều không bình thường nếu nhìn vào quan hệ giữa các quan chức Milan với những người của LĐ.
Sau thất bại trước Inter, Milan trút giận bằng 2 trận thắng tưng bừng trước Messina và Livorno với sự tỏa sáng của bộ 3 Kaka - Sheva - Gilardino (cặp tiền đạo Sheva - Gila ghi 6/7 bàn thắng trước Messina và Livorno). Nhưng liệu sau khi Serie A trở lại, Milan có còn giữ được tinh thần và phong độ như hiện nay hay sẽ là một Milan tồi tệ hơn như Milan của tháng 1/2005 (thua liền 2 trận cuối tháng 1)? Có lẽ rất nhiều CĐV Milan mong muốn Berlusconi tái đắc cử chức thủ tướng, nhưng nếu vì tình yêu với Milan, hãy cầu cho ông thất bại trong cuộc tổng tuyển cử sau 4 tháng nữa. Đến khi ấy, Milan sẽ có một cuộc đại cách mạng về nhân sự.
Juventus đã VĐ mùa Đông nhưng 2 đội bóng thành Milano đều có quyền mơ mộng vào một cuộc lật đổ ngoạn mục trong giai đoạn lượt về. Trong lịch sử, các đội đứng thứ nhì sau khi kết thúc giai đoạn lượt đi chỉ có 23,29% cơ hội giành Scudetto. Tỉ lệ của những đội xếp thứ 3 và thứ 4 dĩ nhiên còn thấp hơn. Chỉ có 5 lần (chiếm 6,85%) các đội xếp thứ 3 sau khi kết thúc giai đoạn 1 VĐ Serie A trong khi số lần VĐ của các đội xếp thứ tư là 4 (chiếm 5,48%).
Nhưng phần lớn những cuộc lật đổ đó diễn ra trong những năm gần đây. Mùa giải 1999-2000, Lazio vượt qua khoảng cách 9 điểm với Juventus để đăng quang. Trước đó 1 năm, Milan ở vị trí thứ tư sau 29 vòng đấu đã toàn thắng trong tất cả những trận đấu sau đó để nẫng đi chức VĐ tưởng như đang nằm trong tay Fiorentina. Inter thời kỳ hoàng kim cũng đã vượt qua nhà VĐ mùa Đông để giành Scudetto vào năm 1965, khi ấy chủ tịch Inter là bố của chủ tịch Moratti hiện nay.
Trên lý thuyết cả Inter, Milan và thậm chí là Fiorentina vẫn còn cơ hội giành Scudetto. Giữa lý thuyết và thực tế là một khoảng cách khá xa và phụ thuộc nhiều vào phong độ của các đội. Mùa giải trước, Milan đã san bằng khoảng cách 8 điểm với Juventus chỉ trong 2 vòng đấu và có một cái tên gián tiếp giúp Milan thành công: Palermo. Một lần nữa trái tim Serie A lại đang đập theo nhịp "Pelermo! Palermo!". Ngày 7/1/2006, khi Serie A trở lại, Juventus sẽ làm khách ở SVĐ Favorita của đảo Sicilia...