Tâm bão đang tàn phá Đà Nẵng
Hiện Đà Nẵng đang có 64 khu dân cư bị ảnh hưởng nặng do ngập úng. Mực nước sông Hàn sáng nay đã dâng lên rất nhanh, nhấn chìm đường Bạch Đằng, đường Trần Hưng Đạo vào biển nước.
Theo quan sát của phóng viên từ tầng 11 của tòa nhà Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng (DVTV), toàn thành phố đang ngập chìm trong gió bão và nước dâng. Sức gió giật cập 12 kết hợp với triều cường đã tạo ra những cột sóng cao hơn 3 mét ven bờ biển Đà Nẵng.
Đường Nguyễn Tất Thành chạy từ đèo Hải Vân đến trung tâm thành phố đã bị sóng biển tràn qua, nhiều nhà dân nằm sâu bên trong bị sóng biển tràn vào nhà.
Tại tòa nhà 11 tầng của DVTV, toàn bộ hệ thống kính ốp và cửa kính các khu làm việc đã bị gió bão đập nát gần như toàn bộ. Các tổ phóng viên thời sự và bộ phận phát sóng đã bị chia cắt nên việc truyền tin giữa các phòng ban trong cùng tòa nhà này cũng rất khó khăn.
Từ 8 giờ tối 30/9, trên các đường phố Đà Nẵng đã vắng hẳn bóng người. Chợ Cồn, Chợ Hàn và các trung tâm thương mại đã đóng cửa trước 17 giờ chiều qua. Công an TP Đà Nẵng đã bố trí 100% lực lượng bám sát địa bàn để bảo vệ tài sản của nhân dân. BCH Quân sự QK5 cũng đã điều động xe lội nước cùng tham gia tuần tra, kiểm soát trên các đường phố. Hiện tại, các lực lượng này vẫn đang túc trực và sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố.
Theo ghi nhận ban đầu, thiệt hại tính đến 7 giờ sáng nay đang tập trung tại các khu vực ven biển thuộc các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu... với hàng trăm ngôi nhà tốc mái, nhiều cây cối gãy đổ.
Theo thông tin nhanh từ BCĐ tác chiến tiền phương, đến nay các khu vực bão đổ bộ vẫn chưa xảy ra sự cố nghiêm trọng nào. Hiện chưa có báo cáo thiệt hại nào về người. Ghi nhận trực tiếp của phóng viên cho thấy rất nhiều nhà dân bị tốc mái, một số người đã bị thương do bão.
Tại đoạn đường Nguyễn Công Trứ, nơi phóng viên đang có mặt, một mái nhà đã bị bão bốc lên và tấp xuống mặt đường, nhiều cột điện, đèn đường bị gãy, đổ. Tại khu nghỉ mát Furama, hầu hết các lều cọ dựng ven biển đã bị gió bão cuốn sạch.
Hội An: Nhà cổ run bần bật
Gió giật trên cấp 10, cấp 11, biển động dữ dội. Từ đêm qua đến sáng nay, sức gió ở Thị xã Hội An - tỉnh Quảng Nam mạnh lên từng phút. Hội An đang bị quăng quật trong những cơn mưa lớn với tiếng gió rít đến rợn người. Nếu bão cấp 12 tràn qua, phố cổ khó chống đỡ!
Thông tin cập nhật đến 11 giờ trưa nay cho biết, một số ngôi nhà cổ đã bị hư hại nặng khi bão đổ bộ.
Theo thông tin mới nhất từ BCH PCLB tỉnh Quảng Nam, tại thị trấn Prao huyện Đông Giang gió đã giật sập 3 ngôi nhà, làm tốc mái 7 căn nhà khác và mưa lũ khiến 5 nhà phải di dời do ngập lụt. Ở các huyện Đông Giang, Núi Thành, người dân hầu như đã bị cô lập do đường sá bị sạt lở, không thể liên lạc với bên ngoài.
Thiệt hại lớn nhất ở tỉnh này đang thuộc về Hội An. Các vùng ven biển Cẩm Châu, Cửa Đại hàng chục tàu thuyền do song đánh đã va đập vào nhau gây vỡ chìm. Tổng thiệt hại chưa thể thống kê được. Tại khu phố cổ này, đã có một số nhà dân bị sập, một số ngôi nhà nằm trong chương trình bảo vệ nhà cổ đã bị tốc mái. Hiện đã có 1 người dân Hội An bị thương.
Từ đêm qua đến rạng sáng nay, mưa to và rất to kéo dài bao phủ toàn tỉnh Quảng Nam. Gió mạnh trên cấp 9, giật trên cấp 10, 11 đã khiến nhiều cây to bật gốc. Gần như tất cả các vùng trong tỉnh đều bị cúp điện để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân.
Tại Hội An từ 1 giờ sáng ngày 1/10 đã có gió lớn và sóng rất to. Lượng mưa từ đêm hôm qua đến sáng nay rất lớn, cộng với thủy triều dâng cao trên 10m, theo dự báo chắc chắn sau bão sẽ có lũ lớn trên sông.
Từ thị xã Tam Kỳ, PV Dân trí đã nối được thông tin với ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND thị xã Hội An. Ông Giảng cho biết một số tình hình cụ thể tại Hội An như sau:
Khu vực Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp) nước biển dâng trên 10m. Hiện tại thì Hội An chưa thống kê thiệt hại tại Cù Lao Chàm, nhưng theo chính quyền Hội An chắc chắn là có thiệt hại. Tùy theo diễn biến của bão, Hội An đang chỉ đạo các lực lượng ở ngoài đảo có kế hoạch ứng cứu khi xảy ra sự cố. Để giúp xã phòng chống bão, Thị xã Hội An đã chuyển ra đảo 1 tấn dầu và 10 tấn gạo để có thể cầm cự được trong vòng 7 ngày.
Khu phố cổ là điều Hội An quan tâm thứ hai, đến bây giờ chưa có ngôi nhà nào bị sụp đổ hoặc bị hư hại. Tuy nhiên, trong đêm, rất nhiều cây cối ở xã Cẩm An, phường Cửa Đại đã bị ngã đổ. Tại Cửa Đại ít nhất đã có 3 ngôi nhà và 1 Xí nghiệp chế biến thủy sản bị tốc mái.
Gần 500 du khách nước ngoài được sơ tán vào khu vực nội thị từ trưa hôm qua được quan tâm chăm sóc chu đáo nên nên họ vẫn chưa có ý định rời khỏi Hội An.
Mực nước sông chưa vượt các mức báo động 1 như dự kiến khiến chính quyền Hội An rất quan tâm và lo lắng, bởi điều này dễ gây tâm lý chủ quan, người dân rất dễ bỏ nơi sơ tán quay trở về nhà nếu không có sự quản lý. Chính vì thế, hiện nay Hội An đã có chỉ đạo các đơn vị khuyến cáo nhân dân không đựơc rời khỏi nơi trú ẩn nếu không có lệnh.
Tình hình giao thông ở Hội An hiện ở cấp độ rất nguy hiểm. Việc đi trên đường nếu chủ quan rất dễ gây ra tai nạn. Bắt đầu từ 2 giờ sáng nay, Hội An đã phải cắt điện toàn bộ để đảm bảo an toàn, thị xã chỉ dùng máy phát diện ở những nơi cần thiết.
Quảng Nam: Mưa lớn, gió to gây mất điện và đổ cây hàng loạt
Theo thông báo mới nhất của đài khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ lúc 4 giờ sáng nay, lượng mưa trung bình đo được ở Quảng Nam là 40mm, trong đó lượng mưa lớn nhất là ở Nam Kỳ là 57mm, Nông Sơn 55mm, Ái Nghĩa 41mm…
Tại các vùng ven biển, biển động dữ dội, gió bão khốc liệt, nhiều cơn sóng tràn bờ, tràn lên cả đường vào các khu dân cư.
Ở đất liền, sức gió mạnh trên cấp 9. Riêng Tam Kỳ giật cấp 9, cấp 10; Cửa Đại (Hội An) giật trên cấp 10, cấp 11; Thăng Bình giật trên cấp 10…
Qua quan sát của PV Dân trí, nhiều cây cối ở đây đã bật gốc, đổ rạp vì gió bão. Hiện tại chỉ một số khu vực như huyện Tam Kỳ, Thị xã Hội An và một số khu vực nội thị là còn có điện chạy bằng máy nổ để đảm báo trực chiến. Còn lại tất cả các vùng khác đều bị cắt điện hoàn toàn.
Do mưa to nên mực nước sông lên nhanh và vẫn tiếp tục lên nhanh nữa. Trên sông Vô Gia tại trạm đo Ái Nghĩa đo được 5,9m (dưới báo động 1 là 1m). Sông Thu Bồn tại trạm đo Nông Sơn là 5,3m; tại tram đo Giao Thủy là 2,35m (dưới báo động 1 là 3,45m); ở trạm đo Câu Lâu là 1,43m (dưới báo động 1 là 0,67m)…
Mặc dù mưa bão bắt đầu hoành hành nhưng mạng thông tin liên lạc ở Quảng Nam vãn được đảm bảo thông suốt. Hiện toàn tỉnh đang bị bao phủ bởi những cơn mưa rất lớn và dự báo tình trạng này sẽ vẫn tiếp tục kéo dài.
Các thông tin về thiệt hại nhà cửa, vật chất sẽ được Dân trí liên tục cập nhật...