Khóc cười bài thi "mở"
Với kiểu "sáng tạo quá đà" hay "chân thành bộc lộ" của HS trong các đề văn mở, không ít thầy cô đã phải nhọc lòng trong chuyện phê và cho điểm bài làm.
Trên tạp chí "Dạy và học ngày nay" - số 6/2005, GS Hoàng Như Mai chia sẻ: "Một mảnh đất dù tốt đến đâu cày xới mãi rồi cũng xơ cằn". "Ra đề thi phải khơi dậy những suy nghĩ riêng đồng thời phải rèn luyện cho học sinh óc phê phán, nhìn vấn đề trên nhiều mặt. Cần tránh kiểu ra đề "suôn sẻ" dạng "thoả hiệp một chiều".
Đáp lại lòng mong mỏi của không chỉ GS Hoàng Như Mai mà còn rất nhiều tấm lòng tâm huyết với sự nghiệp trồng người khác, một cuộc cách tân về ra đề thi đã và đang được thực hiện.
Sự thay đổi trong hướng ra đề đã phát huy được nhiều tác dụng tích cực, kích thích khả năng sáng tạo của học sinh, hạn chế chuyện sao chép tài liệu… Tuy nhiên, phía sau những bài làm "tự luận mở" cũng còn không ít trăn trở của những người cầm phấn.
"Thả cửa" cho tưởng tượng
Cô Hạnh, giáo viên dạy Văn một trường THPT bán công ở Thanh Hóa rất tâm đắc khi ra đề thi học kì I cho HS lớp 10: "Hãy tưởng tượng em là Mỵ Châu, ở khoảnh khắc cùng đường tuyệt lộ, khi vua cha rút gươm xử trí, em sẽ nghĩ gì về vua cha, về Trọng Thuỷ và về bản thân"
Đề văn quả thực rất hấp dẫn và tạo được hứng thú cho nhiều học sinh. Điểm các em thích nhất có lẽ là được thả sức tưởng tượng. Đối với các em nữ, chuyện tưởng tượng là Mỵ Châu hết sức đơn giản. Hầu hết bài làm của các em đều tập trung kĩ vào miêu tả xiêm áo, tóc tai , đồ trang sức của Mỵ Châu.
Còn suy nghĩ của Trọng Thuỷ được viết dưới dạng một lá thư tình: "Trọng Thuỷ anh, anh có biết em vẫn yêu anh và thương anh nhiều biết mấy. Dù tình này không trọn vẹn nhưng em nguyện cả đời dâng hiên cho tình anh"…"giờ đây anh đang ở đâu? Có biết em nhớ anh không, có nghe thấy tiếng em nói không? Hãy đến bên em để xua đi đêm tối và giá lạnh".
Và cũng không ít những lá thư tình phụ: "Trọng Thuỷ - ta sẽ thề hận ngươi suốt đời. Đồ khốn nạn và bạc bẽo, đồ dối trá và phụ tình". Hoặc "Người ơi sao người nỡ quay lưng lại với tôi".
Còn với các em nam, việc tưởng tượng mình là một công chúa quả có hơi khó khăn. Nhiều em quan tâm đến việc khắc hoạ tỉ mỉ cảnh máu chảy đầu rơi mà quên mất trình bày suy nghĩ về nhân vật: "Khi vua cha vung gươm lên, đất trời nổi cơn sấm sét cuồng phong mù mịt, biển gào thét dữ dội. Lưỡi gươm cứa vào da thịt rồi thọc sâu vào cổ tôi sắc lạnh và đau đớn. Tôi ngã vật ra. Đầu lìa khỏi cổ bập bềnh trôi trên biển. Máu từ cổ tôi phun ra phì phì…".
Không chỉ tưởng tượng đối với nhân vật văn học, các em còn thả sức tưởng tượng về chính bản thân mình.
Khi ra đề văn: "khó khăn lớn nhất trong cuộc sống mà em đã vượt qua", cô Hồng đã giật mình vì HS của mình - mỗi em một cảnh ngộ tang thương.
"Tôi không biết phải nói gì cho khó khăn của cuộc đời mình. Năm tôi 11 tuổi, bố tôi đã ra đi trong một cơn bạo bệnh để lại 3 mẹ con côi cút. Bất hạnh lại giáng xuống đầu tôi khi hai năm sau mẹ tôi chết vì một tai nạn giao thông thảm khốc. Tôi trở thành người chị đảm đương lo toan cho cả gia đình".
Hay: "Ở tuổi 15 - tuổi đẹp nhất của đời người, tôi lại phải đối mặt với cái chết khi căn bệnh quái ác đang dần dần gặm nhấm, huỷ hoại thân thể tôi, tâm hồn tôi".
Nén lại sự xúc động, cô giáo vội vàng giở sơ yếu lý lịch và tìm hiểu thực tế. Hoá ra, đó là những HS có hoàn cảnh rất ổn định, khá giả. Các em đã tự tưởng tượng ra bi kịch của mình để gây ấn tượng mạnh với giáo viên trong bài làm. Xét về một khía cạnh nào đó, các em đã thành công. Nhưng sự tưởng tượng quá xa, thậm chí trái ngược với thực tế cũng sẽ dạy các em suy nghĩ và nói về những điều không có thực một cách dễ dàng.
Vô tư đánh giá
Ngược lại với sự tưởng tượng quá đà, nhiều em đã viết đến "trần trụi" sự thật, đánh giá một cách vô tư đến mức… phi văn chương.
Trước đề kiểm tra: "hãy viết văn bản thuyết minh về lớp em". Các em HS ớp 10 đã trung thành ghi chép lại những quan sát và suy nghĩ của mình.
"Trường em nằm chễm chệ trên một mảnh đất nhiều cồn mả" (chả là trường học được xây từ một bãi hoang vốn gần nghĩa địa)."Các thầy cô mỗi người một vẻ. Thầy Sơn dạy toán đi lại rất khó khăn vì thầy hơi béo, nhiều lúc đang dạy thầy phải rút khăn mùi xoa lau trán bóng nhờn những mỡ. Cô Minh dạy lý đi lại uyển chuyển vì …cô đang mang bầu".
"Lớp em là lớp cớm nhất trường. Lớp trưởng, tổ trưởng thì không quản lớp, để cho lớp làm gì thì làm, chỉ có lớp phó học tập quản. Lớp phó học tập là một bạn nữ rất đầu gấu. Nhiều bạn trai đã bị ăn tát vì nói chuyện riêng…".
Không phải chỉ học sinh khối 10 "vô tư" đến vậy, ngay cả một học sinh lớp 12, khi làm đề văn: "Suy nghĩ về số phận của Mị - Vợ chồng APhủ (Tô Hoài)" cũng đã viết một cách phẫn nộ: "Mị nhục như một con chó. Ngày thì làm quần quật, đêm đến lại phải ngủ với ngựa."
Chưa biết cô Mị của Tô Hoài khổ đến thế nào, nhưng trước những bài làm văn như thế, người khổ đầu tiên là các thầy cô...
Barem điểm cho những đề tự luận mở thường linh động theo suy nghĩ, cảm nhận của người chấm. Ngoài việc đảm bảo những yêu cầu chính của đề văn, các thầy cô còn phải phát hiện, khuyến khích khả năng sáng tạo, tư duy logic của học sinh.
Nhưng với kiểu "sáng tạo quá đà" hay "chân thành bộc lộ" như trên, không ít thầy cô đã phải nhọc lòng trong chuyện phê và cho điểm bài làm.
Vẫn biết rằng "một mảnh đất dù tốt đến đâu cày xới mãi rồi cũng xơ cằn", nhưng biết đổi mới theo hướng nào đây để vụ mùa giáo dục không quá nhiều hạt lép?