Đôi chút nghĩ về nhạc cổ điển

Bùi Lê Chi đã viết:
Lan Anh thích nghe thì việc gì phải ra chỗ nào cho mệt.. đặt thẳng qua đây tớ thu đĩa cho :D Vừa rẻ vừa nhiều.. bài gì cũng có hehe:D
Ơ anh Chi nói thật không, nêu thật thì để mai em gui e-mail nhờ anh làm hộ mấy cái CD nhở :D
 
Nguyễn Hữu Cầu đã viết:
Ông nhạc sỹ phải đi ba mươi ba phiên chợ mới sáng tác được Phiên chợ Ba tư.

Hôm qua tự dưng nghe thấy mọi người nói 1 câu thế này làm mình lại nhớ tới câu này của đ/c Cầu

"Beethoven was deaf, very deaf, so that he wrote very loud music and became the father of rock and roll ".:mrgreen:
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Tớ có cái đĩa của Rubinstein chơi Chopin, Sonate No.2 "Funeral March", Sonate No.3 và Fantaisie F minor, nhưng ở VN.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Em có mấy cái đĩa nhạc cổ điển chọn lọc đấy, nghe hay không chịu được, tại sao mấy ông Beth, Chopin....có thể sáng tác được những tác phẩm bất hủ như thế nhỉ ? (Ghen tị quá)
 
Nói về guitar cổ điển chút đi a! Em nghe thằng bạn em nó đánh sonata ánh trăng bằng guitar cung hay !! Công nhận la` nghe nó luc ban đêm yên tĩnh thì thật tuyệt! Em chưa hiểu tâm trạng gi` trong đó lắm!Nhung mà đoan tả cảnh hình như ko chỉ tả ánh trăng mà còn có cả thiên nhiên trong đó nữa!Có tiếng suối ,tiếng lá rơi rồi còn có cả lúc ánh trăng bị mây che nữa!
Mà để cảm thụ âm nhac,nhất là nhạc cổ điển thì con phải học hỏi nhiều hay sao ây ạ!Gì thì gì,nghe lâu cũng phai học chứ!! Cách học 1 nhac cụ thì chắc vào nhạc viện học thì người ta mới dạy cach cam thụ hay sao ấy!Em hoc guitar cô điển mà nghe thì chi thấy bài nào hay,ko hay thôi,thỉnh thoang mới nghe thầy nói qua về tác phẩm!Em thích nhất là luc vừa được nghe,vua nghe nói ve bài ý!Suớng dã man!
 
Cách nhìn về nhạc cổ điển

Tôi là người mới gia nhập H-A-O. Một trong những lí do khiến tôi vào đây chính là vì có những người cùng chung sở thích nhạc cổ điển để có thể trao đổi với nhau.
Mặc dù trong forum này cũng có người nhầm lẫn nhạc cổ điển với các dòng nhạc khác (đừng dùng từ thể loại, trường phái âm nhạc) song có được những người vượt qua được bức tường vô hình thường vẫn ngăn cách người ta với nhạc cổ điển thật là điều đáng mừng ở HAO.
Trước hết về lịch sử phát triển của nhạc cổ điển, các nhà nghiên cứu đã phân chia thành các thời kì: Trung cổ, Phục hưng, Baroque, Cổ điển, Lãng mạn, Thế kỉ XX và Đương Đại [Bài viết của chị VN Hà Anh-xin lối, tôi không biết tên đầy đủ của chị]. Nói chung thì đại khái có thể hiểu như bài viết, mặc dù trong bài viết bằng tiếng Anh đó có rất nhiều thuật ngữ và ngôn từ nghiên cứu phê bình âm nhạc. Chắng hạn nếu không học nhạc cổ điển thì rất khó có thể hiểu thế nào là âm nhạc phức điệu(Counterpoint - như trong bài viết, hay một thuật ngữ khác tương đương là Polyphony), âm nhạc phi điệu tính của Thế kỉ XX và Đương Đại(Atonal, Dodecaphonic). Nếu ai có nhu cầu thì có thể Reply lại tôi sẽ viết riêng một bài về vấn đề này.
Có một điều khá thú vị mà ta có thể thấy đó là sự chồng lấn của hai thời kì Cổ điển và Lãng mạn trong những năm 1810-1820 và sự trùng lặp tên thời kì Cổ điển và tên toàn bộ dòng nhạc này. Thời kì Cổ điển(1750-1820) có thể coi là thời kì chứng kiến những bước phát triển mang tính chất bản lề đối với nhạc cổ điển. Trong thời kì này, những thể loại âm nhạc [cổ điển] cơ bản đã được định hình và xuất hiện những kiệt tác bất hủ ở các thể loại đó: Xô-nát, các thể loại thính phòng[Chamber music] như Tam tấu, Tứ tấu,...; Giao hưởng, Công-xéc-tô, Khúc mở màn[Nhạc giao hưởng-Symphonic music]; Nhạc kịch (Opera), Nhạc lễ, Nhạc tôn giáo (sacred, religious music)[Nhạc hát-Choral music]. Chính vì thế tên thời kì này trùng với tên toàn bộ dòng nhạc Cổ điển. Những nhạc sĩ vĩ đại của thời kì này là: Joseph Haydn, Wolfgang Amadeus Mozart, Ludwig Van Beethoven [thường được gọi là Trường Phái Viên- Vienese School]. Trong đó Beethoven (1770-1827) là người trên cơ sở những thể loại trên đã tạo ra một phong cách âm nhạc mới, một mục đích sáng tạo âm nhạc hoàn toàn đột phá là đặt người nhạc sĩ và tâm hồn của họ vào trung tâm của các tác phẩm. Đó chính là trung tâm về mặt tư tưởng của chủ nghĩa lãng mạn, vì vậy Beethoven được coi là nhạc sĩ thuộc hai thời kì Cổ điển và Lãng mạn. Cũng vì vậy mà hai thời kì này chồng lấn lên nhau từ 1810 đến 1820.
Cũng cần nói thêm rằng tất cả những tác phẩm mà các anh chị có nhắc đến ở trên, hoặc rộng hơn những tác phẩm được biết đến nhiều nhất của nhạc cổ điển đều nằm ở hai thời kì trên.
Về giá trị của nhạc cổ điển thì tôi không muốn nói nhiều, vì chỉ có cách tự nghe và tìm hiểu thì mới thấy hết được. Tôi chỉ muốn giúp đỡ trong khả năng có thể những người muốn tìm hiểu dòng nhạc này. Đối với những người bắt đầu du nhập vào miền đất nhạc cổ điển thì tôi nghĩ thế này: Đừng coi nhạc cổ điển là cái gì quá cao siêu, kinh điển mà chúng ta không với tới được. Các tác phẩm của các nhạc sĩ cổ điển có tác phẩm bất hủ, nhưng cũng có tác phẩm rất bình thường, thậm chí viết một cách bừa bãi không khác gì nhạc thương mại hóa bây giờ. Các nhạc sĩ cổ điển cũng là những con nguời bình thường, họ cũng yêu, cũng ghét, cũng ghen tuông, cũng lo lắng cơm áo gạo tiền, vân vân và vân vân... Khi nghe nhạc cổ điển, bất luận là bạn có học nhạc hay không, bạn cũng phải làm giống như khi bạn đọc một tác phẩm nghệ thuật, mà chính xác nhất là văn học, đó là nắm được cấu trúc của nó, phải ghi nhớ, liên hệ những chi tiết[trong văn học đó là nhân vật, tính cách, hành động, sự kiện, hiện tượng...-hình tượng văn học], đó là giai điệu, nhịp điệu, sắc thái,...-được gọi chung là những hình tượng âm nhạc-từ trước đến sau. Từ đó nắm được sự diễn biến của tác phẩm âm nhạc, giống như diến biến của một tác phẩm văn học, bạn sẽ không bị chán nản[và buồn ngủ như rất nhiều người bắt đầu nghe nhạc cổ điển]. Sau đó bạn nên hỏi những người hiểu biết nhiều về nhạc cổ điển để biết được nội dung tư tưởng của tác phẩm, nếu có, và thử nghe lại xem nội dung đó được nhạc sĩ thể hiện qua các hình tượng âm nhạc như thế nào.
Lời cuối tôi muốn nói là chúng ta hoàn toàn có thể nghe được nhạc cổ điển, nếu biết cách thưởng thức. Các tác phẩm cổ điển đã được thời gian đánh giá và ghi nhận về giá trị của nó. Một con người văn minh trên thế giới phải biết ít ra là tôn trọng những giá trị nghệ thuật ấy.
 
Hoan hô đồng chí Trần Minh
Tú ta đến lúc làm kinh thiên hà.
Thế đấy, cám ơn MT đã restart cái thread này.
Có tớ đặt hàng một bài viết về nhạc phi điệu tính, đương đại đây. Tú cứ viết đi.
Để xem tớ có cái gì post lên cho mọi người đọc chơi không.
 
Nếu bạn là một người yêu thích nhảy cổ điển, chắc hẳn bạn cũng sẽ mê điệu Waltz. Hơi nghiêng mặt sang trái, người hơi cong như hình cánh cung, buông mềm mại, vừa xoay tròn, vừa lướt tới, bạn sẽ cảm thấy như mình như đang bay lên, hòa tâm hồn mình vào trong bản nhạc.

Thế kỉ 19 đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử âm nhạc cũng như trong khiêu vũ, đặc biệt là điệu Vienna Waltz Vien với sức sống bền bỉ đến tận ngày nay.

Viên là trung tâm âm nhạc của Châu Âu và thế giới trong suốt thế kỉ 18, là cái nôi của nền âm nhạc cổ điển. Khi nền âm nhạc thế giới bước sang thời kì lãng mạn, với những đại biểu xuất sắc như Chopin, Lix, Traicopxki..., thời hòang kim của Viên cũng đã qua, mặc dù bản thân nó cùng đã chứng kiền sự thành đạt của các thiên tài như Sube, Grieg, Schuman. Tuy nhiên, chắc chắn đó sẽ là một thiếu sót lớn khi nhắc tới thời kì âm nhạc lãng mạn và cận đại mà lại không nói tới Viên và Strauss. Thành Viên, thủ phủ cổ kính và giàu truyền thống văn hóa của nước Áo cũng sẽ kém nổi tiếng hơn nhiều nếu như không có điệu Waltz. Cái tên thành Viên giờ đã không thể tách rời với điệu nhảy Vienna Waltz và các bản nhạc của dòng họ Strauss.

Strauss không phải là 1 người mà là một dòng họ với nhiều thành viên. Người tiên phong là Johann I Strauss (J. Strauss cha)

Johann I Strauss (1804-1849)

Ông là người đã sáng lập ra đế chế Strauss ở thành Viên. Ông đã lập dàn nhạc riêng chuyên chơi nhạc khiêu vũ và được biết đến với tư cách là nhạc sỹ, chỉ huy và nhạc công violon trong các ballroom ở Viên và ở nước ngòai. Ông viết rất nhiều các bản khiêu vũ như waltzes, cotillions, galops, quadrilles, polkas va hành khúc. Hành khúc nổi tiếng nhất là Radetxky March.

Johann II Strauss (1825-1899)

Con trai cả của Johann I Strauss, không được cha mình hướng cho theo nghề âm nhạc. Tuy nhiên, J. Strauss con dã tạo được danh tiếng, không có đối thủ nào cạnh tranh được trong suốt nữa sau của thế kỉ 19 với tư cách là nhà soạn nhạc, người tiếp sức cho dòng nhạc giải trí cổ điển Viên. Cùng với 2 người em của mình, ông đã quản lý và đạo diễn cho các dàn nhạc khiêu vũ, trình diễn cả ở Viên và ở nước ngòai. Giống như cha mình, ông đã sang tác hàng trăm bản nhạc cho khiêu vũ, bao gồm nhiều thể loại khác nhau như waltzes, polkas, quadrilles, hành khúc... Trong số này nổi tiếng nhất là The Blue Danube.

Một số bản nhạc nối tiếng của ông là:
- Emperor Waltz, Op.437
- Voice of Spring, Op.410
- Treasure Waltz from "Gypsy Baron", Op.418
- Blue Danube Waltz, Op.314
- Vienna Blood, Op. 354
- Wine, Women and Songs, Op.333
- Tales from the Vienna Woods Waltz, Op.325
- Artist's Life Waltz (Kunstlerleben),Op.316
- Rose from the South Waltz, Op.388
- Moth Waltz
- Vienna Bonbon Waltz
- Pictures from the North Sea Waltz

Josef Strauss (1827-1870)

Con trai thứ của J. Strauss cha.

Mặc dù ông đã từng học một cách nghiêm túc để trở thành kĩ sư cơ khí, ông còn chứng tỏ tài năng ở nhiều lĩnh vực khác như: hội họa, thơ ca, viết kịch, ca sĩ... Song cuối cùng từ năm 1853, ông đã thực sự tham gia vào sự nghiệp âm nhạc của gia đình. Josef Strauss đã để lại hơn 300 nguyên tác cho khiêu vũ và hành khúc, cũng như khỏang 500 tác phẩm được các nhạc sĩ khác cải biên. Ngày nay chúng ta vẫn còn nghe những bản Waltzes của ông như The Village Swallows from Austria (1864), The Mysterious Power of Magnetism (1865) va Music of the Spheres (1868).

Eduard Strauss (1835-1916)

Là con trai thứ 3 của J. Strauss cha, ban đầu ông được hướng theo nghề tư vấn, nhưng rồi sau cùng ông lại cũng tham gia vào sự nghiệp âm nhạc của gia đình mình. Ông là người ít thành công nhất so với các anh trai của mình.

Richard Strauss (1864-1949)

Ông sớm thành công với tư cách là nhạc sĩ và chỉ huy dàn nhạc. Thể loại thành công nhất của ông là nhạc opera. tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong các vớ nhạc kịch này thường xuất hiện các liên khúc cho khiêu vũ. Chẳng hạn trong vở kịch Salome (được viết dựa trên vở kịch cùng tên của Oscar Wilde) đã ra đời The orchestral Dance of Seven Veils; hay liên khúc Waltzes trong nhạc kịch nổi tiếng nhất của ông The Knight of the Rose.

Oscar Strauss (1870-1954)

Thể loại chính ông viết là Opera, thể loại nhạc kịch xuất hiện vào đầu thế kỉ 20, được kết hợp nhuần nhuyễn với khiêu vũ, trong đó thành công nhất là The Chocolate Soldier va The Last Waltzes

Một số bản Waltzes của ông là:
- Walzer traumme
- Komm,komm, Held meiner traumme Walzer
- Didi walzer
- Tragant Walzer
- Valse Lente
- L'amour m'emporte Walzer
- Der Reigen, Konzertwalzer.

Đó là đôi nét giới thiệu về đế chế Strauss và sự ra đời của điệu nhảy Vienna Waltz. Không chỉ có điệu nhảy Waltz mà còn có nhiều điệu nhảy cổ điển khác được nhảy trên nền nhạc cổ điển. Có thể nhảy cổ điển cũng là một cách để bạn tiếp cận, làm quen với nhạc cổ điển và bạn cũng sẽ yêu thích nhạc cổ điển hơn chăng?
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Sao trong nh­ững bản nổi tiếng của Johan Strauss không thấy chị Giao list đến bản "Con dơi" nhỉ, một trong những bản hay và nổi tiếng nhất của Johan Strauss.
Ngoài ra còn vô số những bản Polka khác nữa không được list ra. Có thể nói nhạc Valse còn có nhiều người phát triển chứ nhạc Polka chắc chỉ có mình Strauss là viết thể loại này. Nhạc Polka của Strauss lúc đầu nghe phê không thể nào mà diến tả hết được, nhưng nghe kĩ thì đúng là đóng góp của Strauss phải là những bản Valse.
 
Về dòng họ Strauss thì đúng là một đế chế vậy. Các tác phẩm của các nhạc sĩ này thời cuối thế kỉ XIX rất phổ biến, đặc biệt là ở Viên. Các bản Waltz, Polka, ... của họ rất thông dụng trong các phòng hòa nhạc, phòng khách, phòng khiêu vũ của các ông hoàng bà chúa thời đó. Cho đến bây giờ những tác phẩm của họ vẫn là một trong những tác phẩm dễ tiếp cận nhất của nhạc cổ điển. Nếu không có họ có thể nói các thể loại nhạc Waltz, Polka... vẫn chỉ là một thể loại bình thường thuộc nhóm các thể loại tiểu phẩm. Song vì các tác phẩm của dòng họ này hầu hết chỉ xoay quanh các thể loại trên và không có nhiều những đột phá nên họ không được giới phê bình đánh giá cao. Số các tác phẩm họ sáng tác rất nhiều song số tác phẩm nổi tiếng và được thường xuyên biểu diễn không được nhiều cho lắm. Ngoài ra theo tôi nghĩ thì khi nghe nhạc của các nhạc sĩ Strauss nên nghe thêm nhạc của các nhạc sĩ khác. Thứ nhất là nghe nhạc của các nhạc sĩ khác ta có thể so sánh các phong cách của họ với nhau và chọn ra phong cách mà mình ưa thích. Thứ hai là nếu chỉ nghe nhạc của Strauss thì giống như "Cả thèm chóng chán", hứng thú dễ bị xì hơi. Nếu người nào chơi piano hoặc nghe nhiều [về số tác phẩm chứ không phải về số lần đâu] nhạc của Strauss thì họ có cảm giác này rất rõ. Ngoài ra cũng nên biết rằng, các nhạc công và dàn nhạc trên thế giới có nhiều người tìm tòi nghiên cứu để chơi những tác phẩm của chủ yếu một hay vài nhạc sĩ [chẵng hạn J.S.Bach, Mozart, Beethoven, Schubert, Chopin, Ravel, ...] nhưng không có ai chỉ nghiên cứu về Strauss. Chúng ta không nên coi đó là điều chứng tỏ nhạc của họ không được coi trọng, mà đơn giản là những tác phẩm đó có những giá trị hiển hiện, không có và không cần những điều quá sâu sắc, nhạc của họ chỉ nhằm thư giãn đầu óc, tạo nên những hưng phấn trong người nghe-và họ đã rất xuất sắc trong việc đạt được mục đích này. Nếu như một nhà phê bình cố tìm hay suy diễn những điều sâu xa trong những tác phẩm ấy thì sẽ làm hỏng chúng. Thành ra khi nghe nhạc cổ điển cũng cần phải nghe có liều lượng tương đối phù hợp giữa các nhạc sĩ và phong cách thì mới có hiệu quả cao được.
Nhân tiện nói về Waltz, tôi xin kể thêm một số nhạc sĩ cũng thành công ở thể loại này:
-Chopin với các Valse cho piano. Nổi tiếng nhất là No.1 (E flat major) và No.7 (C sharp minor), ....
To Trung Quân: Ấy vẫn cầm quyển Valse Chopin của tớ đấy.
-Tschaikovsky với các Valse cho dàn nhạc trong các vở ba-lê như: Nàng công chúa ngủ trong rừng [Sleeping Beauty], Hồ thiên nga [Swan Lake], Kẹp hạt dẻ [The Nutcracker] - bản Valse các loài hoa nổi tiếng [Valse de fleur- tiếng Pháp không biết nhớ có đúng không]...
-Berlioz với các valse trong các opera và đặc biệt là chương II-Valse của Giao hưởng Hư ảo[Fantastiqué]
Ngoài ra còn một số tác giả nữa...
***
PS: Tôi nghe nhiều nhạc của Beethoven, J.S.Bach, Mozart, Schubert, Brahms mà không nghe nhiều Strauss nên chỉ nói đôi điều theo những gì đã biết thôi. Nếu có gì sai sót mong được chỉ giáo.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Hic, toàn các vị am hiểu, kính phục thật.
Tôi chỉ khoái nhạc giao hưởng và bản nhạc thích nhât là Barber of Seville!!! ^^
 
Hồ Thiên Nga nhịp 4 không phải la Valse, Traixcop mình thấy đáng kể về Valse có bài Valse of flower thôi.

Tú nói về Strauss như vậy cũng không hẳn đâu, khi nào nghe hết thì sẽ thấy Strauss được người ta kính phục không phải chỉ đi một mình dòng đấy, mà cái chính là biến được những cái rất tầm thường thành nghệ thuật đỉnh cao...
 
To anh Tuấn: Có lẽ anh nói đúng vì em chưa nghe toàn bộ Swan lake.
Về Valse của Tschaikovsky thì không dễ tiếp nhận như của dòng họ Strauss. Những valse đó chứa đựng những âm hưởng được pha trộn từ âm nhạc dân gian Nga và tính cách lãng mạn của ông nên chúng thuộc cả hai chủ nghĩa lãng mạn và dân tộc thời đó. Các valse của ông thường cho thấy sự phức tạp và đa dạng trong việc phối dàn nhạc, sử dụng tiết tấu và diễn tả cảm xúc. Có một điều hay gặp trong valse Tschaikovsky là hiện tượng đảo phách: bình thường valse viết ở nhịp 3/4 và nhấn như sau: 1 2 3 1 2 3... tuy nhiên trong những đoạn cần có điểm nhấn, ông lại nhấn như sau: 1 2 3 1 2 3 1 2 3 1 2 3... Điều này trước đó cũng được một số nhạc sĩ sử dụng (Beethoven) nhưng đến các valse của Tschaikovsky thì mới tạo nên một phong cách riêng và một hiệu quả cao. Nhưng dù sao chúng ta cũng có thể bỏ qua những chi tiết phê bình đó để cảm nhận hết vẻ duyên dáng của các valse của Tschaikovsky. Ông không chỉ viết valse trong các vở Ballet mà còn viết trong các Giao hưởng. Trong đó các valse trong giao hưởng số 5 và số 6 đã đóng góp cho sự vĩ đại của các giao hưởng trên. Nên chú ý rằng valse trong giao hưởng số 6 được viết theo nhịp 5/4 (không phải 3/4 như bình thường - đó là sáng tạo mang tình chất đột phá của Tschaikovsky) và nhấn như sau: 1 2 3 4 5 1 2 3 4 5... Vì viết ở nhịp 5/4 nên lí do để chương này được coi là một valse là vì tính chất uyển chuyển và giai điệu mềm mại của nó.
Còn về valse của Strauss thì em không phải là không thích - rất thích là đằng khác - còn những ý kiến em nêu là những ý kiến khách quan của rất nhiều nhà nghiên cứu. Nghiên cứu không phải là bài bác hạ bệ, cũng không tán tụng lên tận mây xanh, nó làm nhiệm vụ chỉ ra những thành công, xuất sắc, cũng như so sánh những điểm khác nhau, có thể là hơn hoặc kém, với những tác phẩm khác của cùng tác giả hay cùng thời đại... Chính vì thế nghiên cứu chỉ đóng vai trò giúp mình hiểu rõ tác phẩm hơn chứ không phải làm mình từ thích thành không thích [hoặc ngược lại]. Còn chuyện đánh giá cao hay không, thích hay không chỉ là ý kiến chủ quan thôi.
 
Các nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng

Có lẽ nói nhiều về các tác phẩm cổ điển rồi nhỉ, nên bây giờ em trình bày chút về các nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng - cũng là những nhạc cụ chủ yếu của các tác phẩm cổ điển, tất nhiên là trừ piano.
Khi bạn đi xem một dàn nhạc giao hưởng biểu diễn thường thì bạn thấy choáng ngợp bởi hàng chục nghệ sĩ đàn dây từ đàn bé đến đàn to, phía sau là một loạt các kèn trong đó bạn có ấn tượng đặc biệt với những cái kèn đồng sáng lóa. Hoặc nữa bạn có thể rất nhớ hình ảnh bộ trống siêu vĩ đại của dàn nhạc, vân vân và vân vân... Sau đây là sơ đồ một dàn nhạc nhìn từ hàng ghế của khán giả - cũng là từ vị trí của nhạc trưởng:
(Percussion) Timpani - [Marimba -...- Cymbals - Triangle - Bass drum]
Horn IV-Horn III - Trumpet II-Trumpet I - Trombone I-Trombone II-Trombone III - Tuba
----Horn II-Horn I - Clarinet II-Clarinet I - Bassoon I-Bassoon II ---------
----------------------Piccolo-Flute II-Flute I - Oboe I-Oboe II ---------------
-------------------------------------------------------------------Contrabasses

-----------------------------Violins II----------------------Violas----------------



----------------Violins I-------------------------------------------------Cellos--
--------------------------------------------Conductor----------------------------

Sau đây là giải trình sơ đồ trên:
I. Conductor (nhạc trưởng)
Nhạc trưởng trong dàn nhạc có thể so sánh với một ông thầy trong một lớp học. Ông ấy [hiếm khi bà ấy] làm nhiệm vụ giữ nhịp cho toàn bộ dàn nhạc, chọn tốc độ thích hợp, hướng dẫn để các nhạc cụ vào đúng thứ tự, chỉ dẫn về sắc thái mà các nhạc cụ cần chơi trong mối tương quan với các nhạc cụ khác... Vai trò của ông ta rất quan trọng: nếu không có ông ấy thì dàn nhạc sẽ trở thành một nhóm nhạc cụ hỗn loạn, không thể chơi bất kì một tác phẩm giao hưởng nào.
II. Strings (Các đàn dây)
Các đàn dây chiếm phần lớn dàn nhạc và được ngồi ngay trước nhạc trưởng. Chúng cũng chơi phần nhiều giai điệu chính của các tác phẩm.
1. Violins I (Vi-ô-lông thứ nhất)
Bè này gồm các vi-ô-lông chơi bè cao hơn trong tác phẩm, cũng vì thế chúng cũng là bè của dàn dây chơi giai điệu chính. Đây là một trong những bè quan trọng nhất của dàn nhạc. Người ngồi hàng đầu và gần khán giả nhất của bè này cũng có vai trò quan trọng. Ông/bà ấy được gọi là Concert master (hoặc Leader) đóng vai trò giống người lớp trưởng. Ông/bà ấy sẽ làm nhiệm vụ chỉ đạo các nhạc cụ so dây cho đúng đầu mỗi buổi hòa nhạc (Concert). Trong các tác phẩm, có những đoạn có Vi-ô-lông độc tấu thì ông/bà ấy sẽ giữ nhiệm vụ chơi.
2. Violins II (Vi-ô-lông thứ hai)
Bè này gồm các vi-ô-lông chơi bè thấp hơn. Cùng với bè Violas, hai bè này chủ yếu lãnh trách nhiệm giữ hòa âm (nôm na là hợp âm như Đô trưởng, v.v...), tiết tấu, màu sắc... của tác phẩm.
3. Violas (Vi-ô-la)
Vi-ô-la giống vi-ô-lông nhưng to hơn một chút và chơi những nốt thấp hơn vi-ô-lông. Trong dàn nhạc thì thường người không biết không thể phân biệt hai đàn này, còn nếu nghe thì có thể phân biệt và tách bè giữa Viola với các bè khác.
4. Cellos (Xel-lô, Vi-ô-lông-xen)
Vi-ô-lông-xen giống vi-ô-lông nhưng to hơn nhiều và được đặt đứng giữa hai chân để chơi, nó có một cái đinh dài để đỡ phía dưới. Vi-ô-lông-xen trong dàn nhạc cùng với Contrabass giữ bè bass cho tác phẩm và chơi những giai điệu ấm nằm ở bè trầm trong những đoạn nhất định. Bè này cũng là một trong những bè quan trọng nhất.
5. Contrabasses/Doublebass (Công-tra-bát)
Công-tra-bát là đàn dây to nhất (nickname cái thùng phi) và chơi bè thấp nhất giữ nền cho toàn bộ dàn nhạc. Có thể nói âm hưởng đầy đặn, mạnh mẽ của dàn nhạc chủ yếu là nhờ bè công-tra-bát. Những người chơi ghi-ta bát hiểu rất rõ vai trò quan trọng của bè bass cũng có thể hiểu dễ dàng điều trên. Đàn này rất to, cao và nặng (cao 1,8m) nên những người chơi phải ngồi trên những ghế đẩu cao ngất ngưởng.
III. Wind Instruments (các nhạc cụ hơi-kèn)
Các nhạc cụ hơi có tiếng to nên không có nhiều trong dàn nhạc. Chúng được đặt phía sau và cao hơn những đàn dây theo các hàng ngang. Thường các bè gồm 2 nhạc công, đánh số I chơi bè cao hơn và II chơi bè thấp hơn. Trong các tác phẩm chúng làm nhiệm vụ chơi các đoạn giai điệu chính hoặc thêm bè cho giai điệu chính trong các đoạn nhất định và giữ màu sắc, hòa âm, tiết tấu cho dàn nhạc trong các đoạn còn lại.
A. Woodwind (Kèn gỗ)
Các kèn gỗ được đặt ở hai hàng trước. Trong lịch sử, chúng tham gia vào dàn nhạc giao hưởng sớm hơn các kèn đồng và cũng hay chơi độc tấu hơn trong các giao hưởng.
1. Flute (Sáo tây)
Sáo thuộc bộ kèn gỗ nhưng được làm bằng hợp kim sáng trắng, trước đây các tiên thân của nó làm bằng gỗ nên nó được xếp vào kèn gỗ. Sáo chơi bè cao nhất của bộ gỗ. Giai điệu của nó chơi rất mềm mại và thanh.
2. Oboe (Ô-boa)
Ô-boa là kèn làm bằng gỗ và có màu đen. Tiếng của nó ấm giống tiếng người. Trong bộ gỗ nó chơi bè cao thứ hai.
3. Clarinet (Cla-ri-net)
Cla-ri-net là kèn làm bằng gỗ màu đen. Nó to hơn Ô-boa một chút và miệng loe hơn, nhưng thường người ta cũng không phân biệt được chúng bằng cách nhìn. Cla-ri-net có khả năng chơi những nốt cao rất trong, những nốt trung đầy tình cảm và những nốt trầm rất hư ảo. Trong bộ gỗ nó chơi bè cao thứ ba.
4. Bassoon (Bát-xông, Fa-gốt)
Fa-gốt là kèn làm bằng gỗ màu đỏ nâu. Nó rất cao, quá đầu nhạc công khi ngồi và to nhất trong bộ kèn gỗ. Vì vậy nó chơi bè thấp nhất, thường chơi để tăng bè bass với vi-ô-lông-xen và công-tra-bát. Tiếng nó trầm, sâu lắng. Fa-gốt cũng hay được chơi độc tấu nhờ màu sắc đẹp của tiếng của nó.
B. Brass (Kèn đồng)
Kèn đồng làm bằng hợp kim đồng thanh nên có màu vàng sáng lóa. Âm hưởng của chúng rất to và huy hoàng nên chủ yếu được sử dụng ở những đoạn cao trào cần âm lượng lớn. Trong lịch sử chúng tham gia vào dàn nhạc muộn hơn kèn gỗ, trừ kèn co tham gia cùng lúc với kèn gỗ. Trong dàn nhạc chúng ngồi chủ yếu ở hàng thứ ba sau các kèn gỗ.
1. Horn (Kèn co)
Kèn co có các ống tạo thành hình dáng tròn của nó, miệng nó loe và các nhạc công đặt tay vào trong đó để điều chỉnh tính chất của âm thanh. Nó là kèn đồng tham gia sớm nhất vào dàn nhạc và cũng hay được chơi độc tấu. Tiếng của nó trong và trong những đoạn cao trào rất khoẻ.
2. Trumpet (Kèn trom-pet)
Trom-pet là kèn đồng cao nhất và nhỏ nhất. Nó cũng khá quen thuộc với chúng ta (trong các đội nghi thức của các trường học). Trong dàn nhạc nó tham gia sau kèn co.
3. Trombone (Kèn trôm-bôn)
Trôm-bôn là kèn đồng rất dễ nhận ra với hình dáng dài của cái tay cầm mà các nhạc công kéo ra kéo vào khi chơi. Tiếng của nó trầm thứ hai trong bộ kèn đồng. Âm hưởng của nó rất mạnh và huy hoàng đặc biệt khi có 3 kèn cùng lúc. Nó tham gia vào dàn nhạc kể từ các giao hưởng của Beethoven và rất phổ biến trong thời kì lãng mạn.
4. Tuba (Kèn tu-ba)
Tu-ba là kèn đồng rất to, nó thường chỉ có một trong dàn nhạc và được đặt đứng khi chơi (miệng quay lên trên). Tiếng của nó rất trầm và khoẻ nên được dùng trong các đoạn rất cao trào. Nó tham gia vào dàn nhạc muộn nhất trong bộ kèn đồng, cuối thời kì lãng mạn. Thường nó chơi tăng bè bass cho dàn nhạc.
IV. Percussion (bộ gõ)
Bộ gõ gồm các nhạc cụ gõ. Chúng được sử dụng để tăng hiệu quả cho dàn nhạc.
Timpani (Trống định âm) là nhạc cụ gõ tham gia sớm nhất vào dàn nhạc. Chúng to và tiếng trầm, thường có 2 hoặc 4 cái. Mỗi cái chơi một nốt nhất định ở bè bass (thế nào các drumer, khác với trống các bạn chơi chứ). Nó được dùng trong các đoạn cần tăng sức mạnh cho dàn nhạc.
Cymbals (Xanh-ban)
Triangle (Thanh tam giác)
Bass drum (Trống trầm - rất to gấp 3-4 lần bass drum trong các ban nhạc nhẹ hay rock và đặt đứng)
Những nhạc cụ gõ trên tham gia sau vào dàn nhạc kể từ giao hưởng số 9 của Beethoven và cũng trở nên rất phổ biến sau này.
*
Nói chung thì sơ đồ dàn nhạc là như vậy, tuy nhiên có thể có vài thay đổi nhỏ. Chẳng hạn trong các kèn có thể tăng giảm số lượng, thêm bớt nhạc cụ nào đó tùy thuộc vào sáng tác của nhạc sĩ. Một số nhạc trưởng lại phân bố dàn dây hơi khác: đổi chỗ hai bè Vi-ô-lông-xen và Công-tra-bát với bè Vi-ô-lông II. Thế thôi nhỉ!
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Đôi chút về nhạc cổ điển mà giống như cả một thế giới,một khoảng trời vậy,thật tuyệt vời.Thế mà không có ai duy trì chủ đề này,quả là một điều đáng tiếc.Bây giờ,mời mọi người tiếp tục thể hiện hiểu biết về nhạc cổ điển với chủ đề:lịch sử của các loại nhạc cụ(hình dạng ban đầu,xuất xứ,ý tưởng),ai mà nắm được tuờng tận thì xứng đáng là cao thủ trong làng người yêu nhạc cổ điển.:D
 
Violin là 1 trong những nhạc cụ tôi thích nhất. Hôm nay mạn phép viết 1 bài về Violin. Nếu ai đọc thấy "ngu ngu" thì mong bỏ qua bởi kiến thức có hạn :D

Sự ra đời :

Không ai biết chính xác thời điểm chiếc Violin đầu tiên ra đời là khi nào. Nhưng từ thời trung cổ các nghệ sĩ hát rong ở Châu Âu đã sử dụng 1 loại đàn kéo tương tự như Violin ngày nay. Còn đàn Violin giống như hiện nay thì xuất hiện vào thế kỉ 16 ở Pháp, Ý. Loại Violin tốt nhất lúc bây giờ là của Ý. Tập trung ở 2 thành phố là Bresia và Cremone và trở thành 2 trường phái. 2 trường phái này đều rất thành công. Nhưng người được coi là vĩ đại nhất là Antonio Stradivari (trường phái Cremone), đàn của ông thì không gì sánh được , trong suốt 93 năm cuộc đời của mình, ông đã làm ra hơn 1000 cây đàn ,trong đó có rất nhiều cây nổi tiếng đến nỗi trở thành "huyền thoại"

Violin - tiếng nói của trái tim :

Đàn Violin được coi là biểu tượng cho giọng nữ cao (soprano), và đàn Violin cũng đảm nhận bè cao nhất trong bộ dây của dàn nhạc giao hưởng. Đàn Violin có thể biểu đạt nhiều cung bậc của cảm xúc, khi vui tươi, khi thì não nề, khi lại da diết, lúc lại bâng khuâng, hư ảo.

Kĩ thuật chơi đàn Violin được hoàn thiện và phát triển dẫn theo thời gian. Arcangielo Corelli, nghệ sĩ Violin kiêm nhạc sĩ thế kỉ 17, 18 là người đầu tiên sáng tác những tác phẩm dành cho Violin, lập ra 1 trường phái với những nhân vật lỗi lạc như Locatelli, Vivaldi ,Viotti,...Và tiếp đến là trường phái lãng mạn như Schubert,Schumann trường phái cổ điển như Viene,...và rất nhiều nhạc sĩ khác đều có những tác phẩm rất nổi tiếng viết cho cây đàn Violin.
 
Tiện đây xin nói luôn 1 chút về Nicolo Pagianini - nghệ sĩ - nhạc sĩ Violin thiên tài mà tôi rất thích :

Nếu ai đã từng một lần được nghe nhạc của Pagianini có lẽ sẽ hiểu tại sao ông được coi là nghệ sĩ Violin vĩ đại nhất mọi thế kỉ. Lần đầu tiên nghe Pagianini, tôi đã thực sự bị cuốn hút bởi những giai điệu của ông, nó vừa lạ lùng ,vừa vô cùng quyến rũ. Pagianini vừa là nghệ sĩ , vừa là nhà soạn nhạc tài ba. Tất cả các tác phẩm của ông viết cho Violin và đàn guitar đều rất hay. Ông được xưng tụng với rất nhiều huyền thoại, nhưng chính lịch sử cũng đã ghi lại rõ ràng là khi Pagianini biểu diễn, đàn thường hay đứt dây, còn lại 3 dây, 2 dây, rồi 1 dây, nhưng ông vẫn biểu diễn như thường, thậm chỉ càng chơi càng tuyệt vời hơn. Pagianini luôn chơi Violin với 1 kĩ thuật tuyệt vời mà có lẽ không ai có thể làm được, ông không sáng lập 1 trường phái riêng nào nhưng ông là duy nhất, không ai bắt chước, không ai kế thừa được, ngay cả người học trò duy nhất của ông là Sivori cũng vậy.
Sự vĩ đại của Pagianini có lẽ không phải bàn đến nữa, nhưng điều thực sự khiến tôi ấn tượng không chỉ là huyền thoại về ông mà đó chính là âm nhạc của ông. Bạn hãy thử nghe bất kì 1 tác phẩm nào của Pagianini, chắc chắn bạn sẽ không phải thất vọng ;)
 
Anh Phong à,em mới chỉ nghe violin chứ chưa bao giờ sờ vào loại đàn ấy cả,anh có thể giới thiệu cho em cách chơi và phân bè trong dàn nhạc giao hưởng của nhạc cụ đó không?
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Violin là nhạc cụ anh yêu thích chứ chưa từng được học :D, chỉ biết những cái cơ bản thôi.
Nhưng nhìn chung violin là nhạc cụ rất khó chơi. Muốn chơi "được" violin thì phải học ít nhất là 5 năm, còn muốn "giỏi" thì còn phải có năng khiếu nữa. Nhiều đứa kéo violin mà nghe như...đàn nhị :D
 
Tôi cũng rất thích âm thanh của cây đàn violin, đặc biệt là 4 tác phẩm Spring, Summer, Autumn, Winter của Vivaldi mà mọi người quen gọi là "The four seasons". Bản Spring thì có lẽ rất quen thuộc với mọi người, bản nhạc này đã từng được sử dụng làm nhạc nền trong chương trình dự báo thời tiết của VTV.
http://www.baroque-music-club.com/vivaldiseasons.html.
 
Back
Bên trên