Xây dựng các tập đoàn kinh tế tại Vn

Danh xưng tập đoàn là chuyện marketing
line760.gif
Bài viết dưới đây của LS. Nguyễn Ngọc Bích tiếp cận vấn đề thừa nhận pháp lý đối với tập đoàn kinh tế tư nhân qua ba khía cạnh: kinh tế, quản trị và luật pháp.

Công ty phát triển giống như một sinh vật

Chúng ta biết, doanh nhân khi nhìn thấy một thị trường đầy hứa hẹn thì sẽ lập cơ sở kinh doanh. Công ty là một hình thức được lựa chọn. Yêu cầu thị trường là yếu tố kinh tế và nó thúc đẩy công ty phát triển. Để cho ngày càng lớn thì công ty phải được quản trị hữu hiệu. Đây là yếu tố quản trị. Hoạt động và sự quản trị công ty phải tuân theo luật pháp.

Đối với doanh nhân, trong ba yếu tố kia thì hai cái đầu quan trọng. Thị trường họ không kiểm soát được; quản trị thì hoàn toàn nằm trong tay họ; còn luật pháp kết hợp ý muốn của chính quyền với quyền lợi của doanh nhân. Ba yếu tố làm nền tảng cho công ty là như thế.

Trong đa số các doanh nghiệp của ta, việc quản trị còn khá yếu, nên công ty khó phát triển thành tập đoàn. Không khắc phục được cái yếu ấy, nên doanh nhân ta tin rằng luật pháp là nguyên do và là giải pháp. Dường như yêu cầu luật pháp thừa nhận tập đoàn kinh tế tư nhân nằm trong bối cảnh này.

Yếu tố kinh tế của công ty đã được biết nhiều nên tôi chỉ đào sâu hai yếu tố sau và xin dùng hai hình ảnh để độc giả nhận rõ nội dung khác nhau của từng vấn đề.

Tập đoàn kinh tế giống như một đoàn thuyền trên sông

Dùng hình ảnh con thuyền, tôi muốn nói đến yếu tố luật pháp. Luật pháp khi điều chỉnh công ty thì đích nhắm của nó là sự chịu trách nhiệm của công ty: trách nhiệm của nó với các cổ đông, các chủ nợ và chính quyền. Vì trách nhiệm phải mang mà nó bị buộc phải tuyên bố phá sản khi không trả được nợ đáo hạn, dẫu còn nhiều tài sản cố định.

Nay người ta mở rộng trách nhiệm của nó ra bằng quy chế “cai quản công ty” (corporate governance), buộc nó chịu trách nhiệm với cả cộng đồng cũng như những “người có lợi ích” (stakeholder).

Từ cổ chí kim, mối bận tâm của luật pháp đối với công ty là trách nhiệm; vì thế công ty là một pháp nhân. Nó giống như một con thuyền trên sông khi có tư cách đó. Con thuyền đắm thì tài sản nào mà cổ đông bỏ vào đó sẽ mất, đó là một “trách nhiệm hữu hạn”cho họ; chứ con thuyền đã đi xuống cõi tuyền đài thì nó chịu trách nhiệm vô hạn. Nó chìm nhưng con thuyền khác không chìm. Đó là sự độc lập về trách nhiệm.

Một “tập đoàn” là một tổ chức có nhiều con thuyền riêng lẻ; chứ không phải là một con thuyền to kiểu liên hiệp xí nghiệp, hay tổng công ty của ta, hay “một pháp nhân có sự liên kết tự nguyện”. Các tổ chức như thế này thì không biết đến trách nhiệm vô hạn hay hữu hạn của định chế công ty trên thế giới.

Vậy về mặt luật pháp, con thuyền độc lập, một mình nó bị đắm. Việc báo cáo sổ sách cho con thuyền khác không cứu nó khỏi bị đắm! Do vậy, muốn việc báo cáo diễn ra thì phải làm cách khác. Không cần phải có luật thừa nhận tính pháp lý của tập đoàn kinh tế tư nhân; hơn nữa trong từ điển luật Blacklaw dùng ở Mỹ, không có từ “group”. Tức là trong luật pháp, không có khái niệm “group”, đơn giản là vì nó không phù hợp với tính chịu trách nhiệm độc lập của một pháp nhân.

Từ “group” mà luật ta gọi là “tập đoàn” là một từ ngữ dùng trong marketing. Một công ty muốn quảng cáo về mình thì tự xưng như thế. Về mặt luật, trong một đoàn có 10 con thuyền kia, thì tất cả được gọi là một “group”; chứ một con thuyền nhất định thì ai là “group”?

Ta có sai lầm chăng khi đưa một từ ngữ marketing vào một khái niệm pháp lý? Dùng từ “tập đoàn kinh tế nhà nước” thì không sao, vì nó có tính chính trị nhiều hơn kinh tế, nó là của chung, chẳng ai phải chịu trách nhiệm, chỉ có cả xã hội bị nghèo đi, nên không ai biết; chứ còn dùng từ đó cho “tập đoàn kinh tế tư nhân” thì không phù hợp về mặt chịu trách nhiệm.

Tập đoàn giống như một loạt nhà

Những con thuyền tách biệt nhau nhưng nó bảo nhau được không phải nhờ luật doanh nghiệp mà nhờ vào việc sử dụng quyền; quyền của con thuyền này đối với con thuyền khác. Trong định chế công ty, quyền không phát sinh từ luật pháp mà là từ tiền bạc mà một con thuyền này bỏ vào một con thuyền kia.
Đến đây tôi xin chuyển hình ảnh sang căn nhà để nói về cách tác động của quyền hành. Nói về tác động này là đề cập đến việc quản trị công ty, việc của một căn nhà; đến quản trị tập đoàn kinh tế tư nhân, việc của nhiều căn nhà.

Vâng, căn nhà tiêu biểu cho một công ty. Căn nhà có cái phản (giường gỗ) đó là bản điều lệ công ty và cái nền nhà là việc quản trị công ty. Nói đến quản trị công ty là đề cập các thủ tục, thể thức điều hành trong công ty được viết thành cẩm nang. Căn nhà nào cũng có chủ và mọi việc do chủ quyết định. Lệnh của chủ mà không được viết thành cẩm nang thì sẽ dễ thay đổi; khi ấy cách quản trị là theo sự thuận tiện; nếu được viết thành cẩm nang và ông chủ cũng phải tuân theo thì đó là quản trị khoa học.

Muốn lên tập đoàn thì cái nền nhà của công ty phải cứng; tức là phải quản trị theo khoa học; khi xây căn nhà này xong xuôi thì sẽ có kinh nghiệm và bài bản để đem sang căn nhà khác. Ở ta các công ty xây nhiều nhà và nhanh là do thị trường tạo cơ hội, cho nên phần lớn nền nhà không chắc. Có nhiều nhà thì gọi mình là tập đoàn thôi; chứ ít chú trọng đến cái nền, cái phản trong mỗi căn nhà.

Khi một công ty đã phát triển thành tập đoàn thì họ giống như có một loạt nhà, gọi tên khác nhau, cổ phần, trách nhiệm hữu hạn... “Công ty cổ phần tập đoàn” là căn nhà to nhất trong loạt nhà kia và nó tìm cách làm sao để kiểm soát các căn nhà khác. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhớ lại hình ảnh đoàn thuyền thì rõ ràng từ ngữ “công ty cổ phần tập đoàn” chẳng có ý nghĩa gì! Tương tự như vậy là sự công nhận pháp lý tập đoàn kia. Muốn thiết lập sự kiểm soát trên các căn nhà thì không thể trông mong vào luật doanh nghiệp mà phải biết cách làm của thế giới như sau.

- Căn nhà đầu tiên phải có cái phản bóng lộn và cái nền nhà chắc nịch. Tức là bản thân “công ty cổ phần tập đoàn” phải có bản điều lệ công ty được sử dụng nhuần nhuyễn và, quan trọng hơn, việc quản trị đã ở mức khoa học; tức là có đầy đủ cẩm nang. Nguyên tắc để làm nảy sinh tập đoàn là đã xây được một căn nhà vững chãi, rồi mới xây được các căn nhà khác y như thế.

- Khi bỏ tiền lập công ty con thì nhớ rằng nó là căn nhà khác, dẫu có gọi nó là “thành viên”. Cầm tiền của mình đấy, nhưng về mặt trách nhiệm nó độc lập với mình. Không thể ra lệnh cho nó theo kiểu liên hiệp xí nghiệp được. Vì nếu đuổi giám đốc công ty do không nghe lời mình thì luật sư của người ấy sẽ nêu ra tính độc lập của pháp nhân ngay! Vậy muốn “quản lý” căn nhà của thành viên thì (i) cử người của mình vào và (ii) để họ ngồi lên cái phản kia. Tức là phải có một bản điều lệ cho công ty con và trong đó dành nhiều quyền cho mình bằng cách (a) bỏ nhiều tiền để có nhiều quyền, hay (b) bỏ tiền ít nhưng đòi nhiều quyền, qua việc lập ra cổ phần ưu đãi biểu quyết trong bản điều lệ. Vậy cái phản phải rộng cho người của mình ngồi nếu muốn có nhiều quyền.

- Căn nhà phải có cái nền vững chắc, tức là công ty có nhiều cẩm nang quy định thể thức điều hành. Trong các thể thức ấy sẽ ghi yêu cầu: “Sổ sách kế toán phải được hội đồng quản trị hay thành viên phê duyệt”. Thế là sổ sách kế toán sẽ đến tay “công ty cổ phần tập đoàn” ngay, qua thành viên của mình ngồi ở cái phản và người này sử dụng quyền hành “phù hợp với bản điều lệ” mà đã do mình vẽ! Việc nộp sổ sách kế toán là một vấn đề thuộc lĩnh vực quản trị chứ không phải của luật pháp. Nếu một tập đoàn kinh tế tư nhân được thừa nhận nhưng nó không có cách thức quản trị khoa học thì cũng sẽ không có thể thức báo cáo đúng tính chất luật pháp của công ty.

Đi sâu hơn nữa về ba tương quan trên thì hiện nay có “công ty cổ phần tập đoàn” lập ra quy chế hoạt động cho các thành viên của hội đồng cùng ban giám đốc rất chi tiết và áp dụng cho tất cả các công ty trong tập đoàn nhằm kiểm soát nhau. Việc này sai ở hai chỗ: một là giám đốc của các công ty thành viên có thể khước từ vì bản kia không phải do hội đồng quản trị hay thành viên của họ đưa ra, đấy mới là cơ quan quản lý cao nhất của họ còn công ty cổ phần tập đoàn không có kí lô nào cả; hai, việc kiểm soát mà tập đoàn mong muốn chỉ được thực hiện qua người ngồi trên cái phản đặt trên nền nhà chứ không phải giữa các nhân sự kia với nhau. Vậy họ phải ngồi lên cái phản. Nắm quy định trong tay, nhưng nền nhà chỗ là xi măng, chỗ là bùn thì cái phản không vững; ngồi lên ngã ngay và đánh rơi tờ giấy! Bản quy định cầu kỳ trở nên vô nghĩa cực kỳ!

Tóm lại cách thức quản trị sẽ giải quyết vấn đề báo cáo sổ sách giữa công ty mẹ và các công ty con chứ không phải sự thừa nhận pháp lý tập đoàn kinh tế tư nhân.
Nguồn:http://www.vneconomy.vn/?home=detail&page=category&cat_name=05&id=b515fe0e0862f0
 
Người Việt làm giàu những năm qua như thế nào?

Kinh tế Việt Nam trong 20 năm qua tựu trung lại có 3 cơ hội lớn để làm giàu. Không xét đến những loại giàu nhờ quyền lực và quan hệ dạng con ông cháu cha, một người tay trắng đi lên trong 20 năm qua cuộc đời trải qua 3 giai đoạn lớn. Anh các chú thuộc loại hậu sinh, chống mắt nhìn các bậc tiền bối mà anh biết giờ đã thành đại gia tiền ngoài nghìn tỷ mà thán phục, thì thấy rằng các vị đó có 3 cơ hội lớn của cuộc đời.

Hồi mồ ma những năm 89, người Việt tay trắng có duy nhất một cửa làm giàu : Buôn lậu. Những loại Hải Đăng Thăng Long một thời như Phan An cũng từng là những người trải qua cái thời làm giàu bất chính ấy. Người Việt muốn giàu trong cơ chế hồi đó, duy nhất có một con đường làm thương mại. Nhưng luật lệ và cơ chế không hoàn thiện, khiến mọi giao dịch mà bây giờ là chuyện bình thường thì hồi đó đều nằm ngoài thể chế cả. Những bậc đại gia tiền ngoài nghìn tỷ ngày nay, hầu hết đều xuất phát từ cái thời ăn lông ở lỗ đó. Đánh hàng sang Đông Âu là một con đường béo bở, đã làm nên xuất phát điểm của biết bao đại gia trong ngày hôm nay.

Từ những năm 92 trở đi, người Việt bắt đầu có một cơ hội làm giàu khác: Bất Động Sản. Không gì lãi hơn ném tiền vào bất động sản lúc đó. Những bậc đại gia có vốn từ buôn lậu, nhanh chóng gấp thếp tài sản lên nhiều lần bằng cách ném tiền thu được từ thương mại sang đất đai. Tiền đẻ ra tiền, cho đến hết năm 98 thì ở Việt Nam đã tồn tại một bộ phận những người sống đủ tiền cho vài thế hệ.

Những người có tầm nhìn xa hơn, họ đã đi theo một con đường khác: Trồng một cái cây để thế hệ sau hái quả. Anh muốn nói đến những người đi tiên phong mà giờ đang sở hữu trong tay vài nghìn tỷ trên thị trường chứng khoán.

Hồi đó phải nhắc đến đại gia Nguyễn Quang A, một anh hùng thất thời nhưng đến giờ giang hồ vẫn phải công nhận là một người có tầm nhìn vượt thời đại. Quang A lọ mọ Đông Âu, về nước với tham vọng thành một một tập đoàn khổng lồ trên nhiều lĩnh vực, từ công nghiệp, hóa chất đến ngân hàng. Hồi cực thịnh của Quang A, đại gia này sáng lập nên một hệ thống từ 3C công nghiệp, 3C hóa chất, tin học và cả đến những ngân hàng như VP Bank. Teck... Quang A đi vượt thời đại nhưng không gặp thời. Quang A có tầm nhìn xa nhưng thiếu độ tinh quái của một tay buôn sừng sỏ. Cơ nghiệp của Quang A giờ đều do người khác tiếp quản, ông quay về dịch sách và bàn luận thế sự.

Những người cùng thời với Quang A, có thể vốn kiến thức hàn lâm kém hơn, nhưng lăn lộ cuộc đời từng trải hơn, cũng quay sang thành lập một số ngân hàng. Lớp sáng lập viên đầu tiên của Ngân hàng Á Châu ACB, ngân hàng Đông Á, ngân hàng Sài gòn thương tín, đến giờ hầu hết đã là đại gia tiền ngoài nghìn tỷ. Họ đều bắt đầu trồng cái cây của mình hồi những năm 93, 94, đến năm 2000, cái cây đã ra trái ngọt. Từ số tiền vài trăm tỷ hồi những năm 2000 họ có, đến con số 1, 2 nghìn tỷ vào cuối năm 2006, rốt cuộc chỉ vỏn vẹn có 6 năm. Tất nhiên khi người ta đã có trong tay vài trăm tỷ, chuyện nhìn đến con số nghìn không còn xa xôi nữa.

Hết năm 98, kinh tế khủng hoảng, trì trệ nhiều năm. Về bề mặt thì là vậy, còn cơn sóng ngầm làm giàu vẫn bùng lên mạnh mẽ. Những đại gia như Hoàng Anh Gia Lai của Đức đại gia, đi theo con đường riêng từ khai thác chế biến và xuất khẩu tài nguyên mà lên cơ nghiệp. Một số khác thì làm giàu nhờ con đường tìm kiếm hợp tác với các đối tác nước ngoài. Làm giàu trong thời kỳ này trong sạch và đàng hoàng hơn thời kỳ năm năm trước đó.

Cho đến thời kỳ hôm nay của anh các chú và các chú, người Việt làm giàu nhờ đầu tư tài chính. Thật ra nên chia làm hai loại, một loại không biết khái niệm đầu tư là gì, mà chủ yếu đánh bạc theo tâm lý bầy đàn. Một số khác thì có tầm nhìn xa hơn, biết đâu là đầu tư dài hạn và đâu là đầu cơ ngắn hạn. Tất nhiên với các đại gia thì lại khác, đã từ lâu đại gia Việt Nam là những King Maker nắm trong tay quyền lực lập vua.

Vậy là trong 20 năm qua, có 3 cách làm giàu chính yếu. Cuối những năm 80, thế hệ tay trắng đầu tiên giàu lên nhờ buôn lậu. Vẫn thế hệ đó và một số tiếp nối, những năm 90 làm giàu nhờ BDS. Một số có tầm nhìn xa bắt đầu trồng cây, và đến giờ họ là những người nắm quyền kiểm soát nền tài chính với tài sản cá nhân vài nghìn tỷ. Thời của anh với các chú bây giờ, người Việt làm giàu nhờ tài chính.

Nhưng thật ra cái gì cũng có giới hạn của nó. Tâm lý bày đàn rồi sẽ qua nhanh khi vốn tri thức dân chúng tăng lên và tính chuyên nghiệp của nền kinh tế thêm rõ nét. Đến hết năm 97 và sang năm 98, cá nhân anh tin rằng đã đến lúc một thế hệ người Việt nên trồng những cái cây mới, đó là những lĩnh vực đầu tư triều sâu vào công nghệ, sản xuất và những ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế so sánh.
Nguồn: http://tathy.com/thanglong/showthread.php?t=12224
 
Bình luận thêm về Tập đoàn

Viết bài này khi mọi người đã có ý định chốt lại chủ đề này rồi kể ra cũng đã hơi muộn, nhưng tôi vẫn muốn được trao đổi ý kiến cá nhân với các bạn về vấn đề này.

1. Khái niệm Tập đoàn trong văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam ("VBQPPL")

Định nghĩa về Tập đoàn lần đầu tiên được quy định tại Điều 149 Luật doanh nghiệp 2005 ("LDN") như sau: "Tập đoàn kinh tế là nhóm công ty có quy mô lớn". Như vậy, theo quan điểm ban đầu của các nhà xây dựng chính sách của Việt Nam, đã là tập đoàn là phải có "quy mô lớn" nhưng quy mô lớn là như thế nào thì LDN lại không quy định trực tiếp mà giao cho Chính phủ hướng dẫn tiếp sau đó. Thực tế là LDN đã có hiệu lực hơn 1 năm và Chính phủ cũng chưa đưa ra được một yếu tố định lượng nào cho Tập đoàn ngoài việc cho ra đời hàng loạt Tập đoàn Nhà nước ("TĐNN") từ việc cơ cấu lại, tổ chức lại các Tổng công ty lớn của Nhà nước.

Cũng cần phải nhắc lại là trong các VBQPPL ban hành để thành lập các TĐNN (dưới dạng các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) lại sử dụng từ Tập đoàn với 2 nghĩa khác nhau:

Thứ nhất, Tập đoàn là tập hợp bao gồm công ty mẹ, các công ty ty con, các công ty thành viên, các công ty liên kết ... (ví dụ: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Quốc gia Việt Nam). Tập hợp này không có tư cách pháp nhân, có hạt nhân là Công ty mẹ và các Công ty con nhưng rộng hơn vì còn bao gồm cả các công ty thành viên và công ty liên kết.

Thứ hai, Tập đoàn là chỉ là công ty mẹ (ví dụ: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam). Trong trường hợp này thì Tập đoàn chỉ là một công ty cụ thể và có tư cách pháp nhân. Đây thực chất không phải Tập đoàn mà chỉ là tên gọi.

Như vậy, ở đây đã có sự phát triển trong tư duy của các nhà xây dựng VBQPPL của Việt Nam. Một khi đã khẳng định TĐNN với tư cách là tập hợp của các công ty có tư cách pháp nhân độc lập sẽ không có tư cách pháp nhân cho chính nó đã gần như đặt nhiệm vụ quy định về quy mô của Tập đoàn như trong quy định của LDN trở nên bất khả thi và tạo cho Tập đoàn một tư cách khác biệt hoàn toàn với các Tổng công ty Nhà nước trước đây.

2. Xây dựng các Tập đoàn Tư nhân ("TĐTN") ở Việt Nam

Một lý do nữa để khiến cho việc quy định về quy mô của Tập đoàn gần như là không thể là vì trong một nền kinh tế động như hiện nay, khi mà các hoạt động mua bán và sáp nhập ("M&A") diễn ra một cách thường xuyên và sối nổi, thì sự liên kết giữa các doanh nghiệp chỉ được đảm bảo ở một mức độ nhất định. Có thể nào một tập hợp công ty hôm nay là Tập đoàn, mai lại không phải là Tập đoàn nữa chỉ vì nó đã mất đi một vài thành viên thông qua M&A. Như vậy, Tập đoàn chỉ nên được đề cập dưới góc độ là các liên kết và các liên kết rất động, có thể bị bẻ gãy bất cứ lúc nào, đặc biệt là các TĐTN.

Với phân tích nêu trên, tôi cho rằng chỉ nên đề cập "có tạo ra được các Tập đoàn mạnh được không" (thông qua sự chặt chẽ của các thỏa thuận liên kết và hợp tác) chứ không thể đề cập "có trở thành Tập đoàn được không" vì bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể tạo lập tập đoàn thông qua việc liên kết với một hoặc nhiều công ty khác. Chính vì sự định hướng trong quy định của LDN về một quy mô nhất định của Tập đoàn cùng với sự chứng kiến sức mạnh kinh tế thực tế của một số TĐNN đã dẫn chúng ta đến một nhận thức rằng phải đạt một "tầm" nào đó mới được coi là Tập đoàn mặc dù trên thực tế cho tới thời điểm này chưa có một VBQPPL nào quy định về cái "tầm" đó.

Các liên kết tạo nên Tập đoàn (với nguyên nghĩa của từ này trong tiếng Anh là "Group", tức là "Nhóm") có thể bao gồm:

- Các thỏa thuận về sử dụng chung các yếu tố là đối tượng của Sở hữu Trí tuệ (ví dụ: bằng cách sử dụng chung một "nhãn hiệu tập thể" đối với hàng hóa và dịch vụ) để tạo ra các liên kết;

- Các thỏa thuận về hợp tác chiến lược (ví dụ: thỏa thuận giữa các nhà đầu tư chiến lược, cổ đông chiến lược về việc hợp tác kiểm soát một hoặc một số công ty hoặc thị trường) để tạo ra các liên kết;

- Các thỏa thuận về mua lại doanh nghiệp (ví dụ: thông qua chuyển nhượng hoặc trao đổi giá trị sở hữu một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của một doanh nghiệp cho doanh nghiệp khác) để tạo ra các liên kết;

- Các liên kết khác.
 
Bây giờ mới thấy topic này :( Em ngoại đạo, đọc chả dc bao nhiêu, cứ phán bừa một ít :D

Em thấy ở Mĩ ko tồn tại khái niệm tập đoàn thì phải, hầu hết chỉ là cty (em ko nhớ nó có cái tập đoàn nào ko). Điểm khác biệt có lẽ nằm ở quan niệm của nó khi chia tách sở hữu và quản lý. Khi tách biệt 2 cái này thì nếu một công ty dư thừa về tài chính có thể ko nhất thiết mở rộng ngành nghề kinh doanh. Một cách thức đang được sử dụng là mua lại cổ phiếu của chính nó, đấy mới là cách đem đến lợi ích lớn nhất cho cổ đông so với cty đầu tư vào một lĩnh vực mà nó ko có lợi thế. Việc các cty ở VN hay các nước châu Á nói chung (ở Mĩ cũng có các cty gia đình :-?) hay mở rộng trong cùng một tên, để từ đó hình thành tập đoàn, ngoài các nguyên nhân đem lại lợi thế thì chủ yếu muốn thể hiện cái sở hữu bên cạnh quản lý. Các cổ đông chính này hoàn toàn có thể thành lập một cty độc lập, bằng cách rút vốn ra khỏi cty mẹ kia (như cty mua lại cổ phần mà em đề cập), vấn đề là họ ko muốn thôi. Ngoài ra còn một nguyên nhân là quy mô các cty con ko lớn. Điều này có thể ko có lợi cho giá giao dịch trên TTCK (các cty nhỏ thì tính thanh khoản của cổ phiếu thấp)

Tập đoàn có thể hiểu theo nghĩa rộng hơn, ko chỉ là một khác niệm rời rạc so với cty. Ví dụ 1 cty lớn sở hữu cổ phần ở các cty cung ứng cho nó, cũng tùy vào lượng mà nói nó có sở hữu cty con kia hay ko. Tùy từng văn hóa cũng đã hình thành các mô hình tập đoàn ở nhiều quốc gia, nhưng em vẫn thấy cái khoa học nhất là tách biệt hoàn toàn giữa đầu tư và quản lý. Khi đấy thì một ng có vốn cứ việc tìm cty mà họ cho là đầu tư đem lại hiệu quả cao nhất. Trong trường hợp đầu tư vào một cty đã tồn tại ko hiệu quả bằng thành lập một cái mới thì thành lập. Trên góc độ quản lý của giám đốc thì mục tiêu là tạo giá trị tối đa cho cổ đông. Nếu thiếu vốn thì huy động, nếu thừa thì đầu tư (nếu hiệu quả) hoặc trả lại cổ đông. Ngay cả việc mua cty khác, hay nắm cổ phần gì đó cũng chỉ với một mục đích duy nhất là có dc giá trị tối đa này.

Túm lại theo em lợi ích tối đa vẫn là cái quan trọng nhất, lý do thừa vốn ko thuyết phục hoặc chỉ thuyết phục vì cái văn hóa Á Đông muốn thể hiện tất cả thuộc 1 chủ thôi. Khi xem xét tài chính cty thì cơ cấu vốn (capital structure) ko có ảnh hưởng gì ngoài việc nếu nó nợ quá nhiều thì các ngân hàng và đối tác giảm lòng tin. Vậy nên thiếu hay thừa vốn đều ko quan trọng.

Về phần làm giàu thì em dựa khá nhiều vào Marx. Em quan niệm tách cái mình thu dc trên vốn và cái mình thu được trên sức lao động của mình. Với quan niệm đấy thì cứ chỗ nào đem lại tỉ suất lợi nhuận cao nhất thì đầu tư, ko nhất thiết đó là một cty do mình lập ra hay quản lý. Việc mình lập ra chỉ có ý nghĩa mình chủ động biết nó là cái gì, có thế mạnh gì, nhưng ko thể đảm bảo nó có hiệu suất cao nhất. Giả sử có vốn thì em cũng xem xét cái dự án của mình như tất cả các dự án khác.
 
Back
Bên trên