Bây giờ tiếp đến chủ đề các công ty lớn được hình thành như thế nào. Ở đây, chủ yếu là nói đến các công ty của người Việt Nam. Cũng như phần trên, mình xin phép lan man một chút.
Mình vẫn thích trò chuyện về sự hình thành các doanh nghiệp lớn với bạn bè mình. Nhưng có một đặc điểm mình thấy rất nổi bật, là bạn bè mình đi học ở Mỹ với Úc thường có quan niệm chê bai tiểu thương, và đầu óc con buôn, chê sự làm ăn manh mún v.v. và v.v. Thực chất thì việc làm ăn chụp giật, nay hay mai chớ thì không ai thích thật, nhưng định nghĩa thế nào là đầu óc tiểu thương? Làm ăn nhỏ không thể có nghĩa là sẽ không làm ăn lớn được và sự thật là phần lớn các CEO ở các tập đoàn xuyên quốc gia đều đi lên từ cái gọi là "shop-floor". Ngay cái ông Bộ trưởng Thương mại hiện nay của Hoa Kỳ là Carlos Guterrez cũng đã từng là một người lái xe đi bán hàng thực phẩm. Vì sao vậy?
Theo quan điểm cá nhân của mình thì nền kinh tế thị trường khắp nơi đều vận hành như nhau mà thôi, do đó các quy luật phát triển cũng không thể khác nhau.
Có lần mình đi cắt tóc trên đường đê Yên Phụ, ngồi nói chuyện với anh cắt tóc bảo rằng thời xưa hay cắt ở phố Quang Trung, nhưng giờ chỗ đó không còn ai nữa. Anh thợ cắt tóc liên nói là mấy người cắt tóc ở Quang Trung thời xưa giờ đều trở thành ông chủ, có cửa hàng cửa hiệu đàng hoàng cả rồi. Tôi cũng không biết là các ông ấy là ông chủ tầm cỡ nào, nhưng dù sao tôi nghĩ họ cũng đã "upgrade" lên một tầng lớp khác rồi, chứ không phải anh thợ cắt tóc đứng đầu đường như xưa nữa.
Đối diện nhà mình ở khu Hoàng Cầu có một gia đình thời xưa có ông bố chỉ làm nghề bơm xe đạp. Như tôi nhớ thì ông ấy chỉ có mỗi một cái bơm làm công cụ sống. Nhưng không hiểu sao hơn 10 năm sau tôi trở về thì thay vì một cái ghế nhựa bên cạnh một cái bơm tay giờ đã là một cửa hiệu sửa chữa xe máy kiêm bán dầu nhớt castrol mang tên "Đại dương" to tướng với 5-6 người làm công. Không biết thu nhập của cái hiệu sửa xe đấy thế nào, nhưng có vẻ như gia đình ông hàng xóm sống cũng khấm khá, cũng có đồng ra đồng vào, không phải đầu tắt mặt tối như trước đây. Dù sao cũng đáng khen.
Phố Đinh Liệt như mọi người cũng biết là con phố chuyên bán sách "lậu" với những căn phòng bé nhỏ, chật hẹp, chất đầy sách. Cách làm ăn này chắc chắn nhiều người cho rằng là không "bền" và rất manh mún. Không hiểu sao, một năm trở lại đây các quầy sách bẩn thỉu kia đang biến hóa thành những cửa hàng sách khang trang lịch sự và có đầy đủ "tư cách" để cạnh tranh với các cửa hàng quốc doanh.
Trên kia chỉ là những ví dụ rất nhỏ chỉ để nói lên rằng bất kể anh xuất phát từ đâu đều có thể trưởng thành lên được, và không phải những người kinh doanh "nhỏ" đều có đầu óc "tiểu thương". Thực chất thì chính những con người đấy lại là những con người có "chiến lược" kinh doanh bài bản nhất và sự nghiệp của họ vô cùng vững chãi.
Như chúng ta thấy đấy, từ những ví dụ trên ta có thể đưa ra một kết luận là trong kinh doanh quan trọng nhất là tạo ra cho mình công việc kinh doanh ổn định thì nhất định một ngày nào đó sẽ ngóc đầu và trở thành một ông chủ thực thụ.
Tuy vậy, chúng ta cũng cần nhìn nhận lại là cũng có những con người có khởi đầu tương tự như những người kể trên, nhưng lại không ngóc đầu lên được. Tại sao vậy? Tôi cũng đã cố gắng đi tìm hiểu nguyên nhân. Phần lớn tôi chỉ quy về một nguyên nhân đó là họ kinh doanh kém (doanh thu và lợi nhuận thấp), mà bản thân họ lại không nhận ra điều đó. Xét trên phương diện rộng lớn hơn thì có rất nhiều người kinh doanh kém mà không tự nhận ra được, nên suốt đời họ vẫn cứ dẫm chận tại chỗ.
Tất nhiên, để trở thành một đại gia thì ngoài việc kinh doanh ổn định còn cần có thu nhập cao ổn định. Chỉ cần làm một phép tính đơn giản, nếu như mỗi năm doanh nghiệp đó sinh lời được 100.000$, thì phải cần đến 10 năm họ mới có trong tay được 1 triệu $, và cần đến 100 năm mới có được 10 triệu $ mà đồng tiền mất giá theo thời gian, cũng như xã hội cũng phát triển theo thời gian, do đó những doanh nghiệp với quy mô như vậy, sẽ không bao giờ trở thành đại gia được.
Vậy câu hỏi đặt ra là làm sao để có được thu nhập cao?
Có lần mình nói chuyện với người thuê nhà của mình, bà này kinh doanh hàng văn phòng phẩm quy mô nhỏ thôi, nhưng bà ta lại có suy nghĩ rất độc đáo. Bà ta chê bai cái người bán hàng khô, nói là kinh doanh như thế thì làm sao mà giàu lên được. Bà ta giải thích bằng cách nói cái mặt hàng khô, giá chỉ có vài ngàn đồng, trong khi cái hàng văn phòng phẩm của bà loại be bé cũng đã vài chục ngàn đồng --> thu nhập kinh doanh hàng văn phòng phẩm cao hơn.
Mặc dù bà ta không đúng, nhưng bà ta cũng có cái lý của mình.
Qua theo dõi tôi nhận thấy là lợi nhuận của mỗi mặt hàng kinh doanh trên thị trường là không giống nhau. Như người bán hàng rau, thì thu nhập không thể bằng người đi buôn hàng vải. Người buôn hàng vải thì không bằng người đi buôn hàng điện tử. Người buôn hàng điện tử thì không bằng người buôn ô-tô, xe máy v.v. và v.v. Quy luật chung là cứ buôn bán mặt hàng gì có giá trị cao hơn thì sẽ có thu nhập cao hơn.
Mỗi một lĩnh vực kinh doanh đều có một mặt bằng lợi nhuận, mặt bằng lợi nhuận giữa các ngành nghề khác nhau là khác nhau, và mỗi một thời kỳ vị trí của chúng cũng khác nhau do nhu cầu mỗi thời kỳ mỗi khác. Lịch sử kinh tế cũng cho ta minh chứng về điều này: ở Nhật Bản, ban đầu những công ty kinh doanh hàng dệt may và thực phẩm, sau đó những doanh nghiệp này đã phải nhường vị trí cho các nhà công nghiệp, và vào cuối thế kỷ 20 là các nhà sản xuất hàng điện tử. Nếu theo dõi danh sách của Forbes về những người giàu nhất nước Mỹ ta cũng thấy sử dịch chuyển tương tự và giờ đây những người giàu có nhất nước Mỹ là những ông chủ các hãng phần mềm.
Những ông chủ tương lai của chúng ta lúc đó cũng đã rất nhanh chóng tìm ra cho mình những nghề ổn định với mức thu nhập cao:
1. Buôn đô-la: Vì đồng tiền rúp mất giá nhanh, hàng hóa bán được trên thị trường Nga cần nhanh chóng chuyển đổi sang dollar để quay vòng nên đã xuất hiện những sinh viên chuyên đi buôn đô-la. Ban đầu, đám sinh viên này chủ yếu là thu mua đô-la ở các ký túc xá sinh viên dành cho người nước ngoài ở mấy thằng da đen, hay mỹ latinh, ả-rập rồi đem bán lại cho người VN. Vì nhu cầu mua đô-la là vô hạn và ổn định, những sinh viên này từ chỗ coi việc buôn bán đô-la là việc kiếm thêm thành nghề nghiệp ổn định của mình. Với sự nhanh nhẹn và hiểu biết của mình, các sinh viên này dần dần quan hệ được cả với nhân viên các ngân hàng (đơn giản là các ngân hàng cũng cần có những người này). Thu nhập của những người này cũng tăng đáng kể, do quy mô buôn bán hàng hóa của người VN tăng rất cao. Chỉ cần một ví dụ nhỏ: họ chỉ cần đổi 1 triệu $ / ngày với mức chênh lệch là 1% thì cũng đã có thể bỏ túi 10.000$/ngày. Tất nhiên, họ biết rằng một mình mình làm thì không nổi, nên họ tuyển thêm chân rết để mở rộng hoạt động. Cũng theo thời gian, họ sống trong môi trường kinh doanh tiền tệ nên họ cũng học thêm được nhiều nghiệp vụ ngân hàng, và họ dần mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang những dịch vụ ngân hàng khác như chuyển tiền, thanh toán, giải ngân, thuế VAT
2. Khai thuế hải quan: Nước Nga từ nền kinh tế xã hội chủ nghĩa chuyển sang nền kinh tế thị trường không tránh khỏi nhiều bỡ ngỡ. Những chuyến hàng áo gió chở sang bán đem lại lợi nhuận khổng lồ cho những chủ hàng, nhưng họ lại không biết làm thủ tục hải quan như thế nào, khai báo ra sao với lại thuế suất thường rất cao. Vậy cũng xuất hiện những cậu sinh viên tìm tòi, lân la làm quen được với ngành hải quan. Họ "giúp đỡ" các chủ hàng mở containers, và đổi lại họ được một khoản hoa hồng nho nhỏ 500-1000$ cho mỗi containers. Đây cũng là một lĩnh vực ổn định và nhu cầu mỗi ngày một cao do giao thương mở cửa, nên các sinh viên cũng đã xác định là nghề nghiệp kiếm sống của mình. Càng làm, càng quen nên dần dần họ trở thành những người làm thuế hải quan chuyên nghiệp, đơn đặt hàng mỗi lúc một tăng. Và ngoài mở cont. cho hàng từ VN, còn làm cho các lô hàng đến từ Trung Quốc - mà đây mới là nguồn thu chính. Chỉ cần làm phép tính: Nếu mỗi ngày họ khai thuế cho 10 cont. với lệ phí là 500$/cont thì cũng đã kiếm được 5000$/ngày. Trên thực tế thì lệ phí đó mỗi ngày một tăng và không còn là 500$/cont nữa và số cont. mỗi ngày không chỉ là 10 cont. mà lớn hơn thế rất nhiều.
3. Mở chợ: Người VN buôn bán tại Nga và Ucraina nói riêng, và ở Đông Âu nói chung, buôn bán chủ yếu là ở ngoài chợ. Nhưng vì phần đông họ là lao động xuất khẩu, không thông thạo thổ ngữ, ít giao tiếp, thiếu hiểu biết về luật pháp, giấy tờ thường là lởm khởm nên rất hay bị ức hiếp. Những chủ chợ người Nga cũng rất khó khăn trong việc giao tiếp với đám người này và họ cần một người VN thông thạo tiếng Nga, có hiểu biết, có thể tin cậy được đứng ra làm đại diện một mặt để dễ quản lý, một mặt cũng là để thu hút thêm người VN đến kinh doanh. Thế là xuất hiện những sinh viên, đứng ra giúp đỡ bà con thuê chỗ ở chợ Tây. Lúc đầu họ chỉ thầu 10-20 chỗ, dần dần số người kinh doanh tăng lên nhanh chóng, họ thầu đến từ vài trăm đến vài ngàn chỗ. Vì kinh doanh có vốn, họ đầu tư xây dựng, cơi nới chợ - kinh doanh trên một quy mô rộng lớn. Chỉ cần làm một phép tính nhỏ, nếu họ thu 100$/một sạp hàng mỗi tháng, thì cứ 1000 sạp hàng, mỗi tháng họ cũng đã có thu nhập lên đến 100.000$, mà trên thực tế số sạp hàng lên đến trên 10.000 sạp và số tiền họ thu về không rõ là bao nhiêu nữa.
Đấy là bước khởi đầu của các đại gia, sau này trở thành những ông chủ tập đoàn lớn nhất của VN
Hôm sau mình sẽ kể tiếp việc hình thành tập đoàn ra làm sao.