Thanh lịch ở bất cứ nơi đâu
sẽ tôn vẻ đẹp lên rất nhiều.
Một người đàn ông trang phục thật mốt đi trên đường bỗng nhổ nước miếng văng vào người đi sau, điện thoại oang oang nơi cần tĩnh lặng, la lối với mọi người... Trong trường hợp đó, nét đẹp và sự giàu có của bạn (nếu có) cũng không còn giá trị vì bạn không thanh nhã và lịch sự.
“Ngôn là người”
Thanh lịch được quan niệm ở đây chính là sự thanh nhã, lịch sự khi giao tiếp trước công chúng. Thế nhưng sẽ là áp lực nếu như hiểu một cách máy móc, rập khuôn rằng thanh lịch là phải luôn luôn đẹp nơi công cộng.
Tuy nhiên, xuất hiện trước mọi người, trước người khác phái hay nơi công cộng không thể quá tuềnh toàng, vì chính trang phục của mỗi người sẽ phần nào “vẽ” nên sự thanh lịch rất độc đáo của đối tượng.
Dân gian có câu: “Quen nhau tin dạ, lạ nhau tin quần áo”. Dù rằng trang phục không thể nói lên hết con người nhưng chính đó là yếu tố thể hiện văn hóa thẩm mỹ và văn hóa giao tiếp của chính mình.
Thanh lịch của mỗi con người không thể tự dưng có được nếu không tự ý thức rèn luyện. Trước hết, hành vi cá nhân ở mỗi con người phải luôn luôn được chú ý thực hiện. Ngay trong gia đình, văn hóa gia đình phải đậm chất thanh lịch trong việc giáo dục thói quen ngăn nắp, tuân thủ chế độ sinh hoạt, tính khiêm tốn.
Chính mỗi cá nhân phải luôn cân nhắc, nghĩ suy để thực hiện những hành vi của mình sao cho thật thanh lịch. Cách đi, đứng, ngồi; cách ăn, cách nói phải được đặt trong tầm kiểm soát một cách có chừng mực để đảm bảo tính hiệu quả của nó trong quan hệ, tiếp xúc. Điều đương nhiên là không được lạm dụng kỹ thuật quá mức để hành vi thanh lịch trở nên sáo rỗng, khô cứng và vô cảm.
Thanh lịch không chỉ thể hiện ở trang phục mà còn ở cách thức giao tiếp, hơn hết vẫn là hành vi cụ thể. Người xưa đã kết luận: “Ngôn là người”. Ngôn ở đây không chỉ hiểu là giọng nói mà còn là cách nói, kiểu nói, cung cách trò chuyện. Đó còn là sự ứng xử tình huống, nghệ thuật giải quyết xung đột. Thực tế cuộc sống cho thấy chính văn hóa hành vi trong giao tiếp sẽ nói lên thật nhiều sự thanh lịch đích thực của một con người.
Mới đây, có dịp tư vấn cho một ca sĩ mà chúng tôi phát sợ. Đang tư vấn trong một căn phòng ấm cúng, nhưng không khí ấy bị phá vỡ hoàn toàn khi tiếng chuông điện thoại cứ inh ỏi vang lên. Không chỉ như thế, khi từ chối điện thoại hai lần mà bên kia vẫn gọi thì ca sĩ ấy thốt lên những lời nói đến mức nhức óc, đinh tai.
Cái đẹp chung
Có lẽ sự ứng xử tinh tế sẽ làm cho mỗi người trở nên thanh lịch hơn nếu thật sự mỗi người biết chú ý và cân nhắc, lựa chọn hành vi của mình. Không ít người trong chúng ta đã từng phải khổ sở vì những hành vi rất đớn lòng. Một thái độ cạnh tranh tiêu cực liên tục trong công việc làm cho mỗi người cứ khó chịu.
Người cạnh tranh chẳng hạnh phúc gì khi cứ lấp liếm nói xấu người khác, người bị cạnh tranh thì cũng không thể hạnh phúc vì những hành vi nói cạnh, nói khóe, nói mỉa mai... Chẳng cảm thông, chẳng chia sẻ, không khoan nhượng, không vị tha... sẽ làm cho sự thanh lịch của chính mình giảm sút một cách trầm trọng. Rất nhiều khách hàng tư vấn đã từng trò chuyện rất thật với chúng tôi rằng họ cảm thấy người nói chuyện với họ thật thanh lịch khi ăn nói nhẹ nhàng, biết lắng nghe, biết cảm thông và sẵn sàng hợp tác.
Những hành vi công cộng càng phải được quan tâm nhiều hơn nữa. Văn hóa công cộng ấy được vun trồng không chỉ dựa trên nền tảng của ý thức xã hội, phải được chăm bón nhờ vào nội lực văn hóa của mỗi con người trong cộng đồng.
Sự tự ý thức của mỗi cá nhân sẽ làm sức mạnh của thanh lịch được phát tán thật rộng trên phương diện cộng đồng. Cái đẹp của sự thanh lịch không chỉ dừng lại ở cái riêng của mỗi cá nhân mà tính cộng đồng của nó sẽ trở thành cái đẹp chung của xã hội.
TS PHẠM MINH SƠN