không hiểu nó lăng xê cái phim này thế nào nhưng mà nếu nói về cái khoản bỏ ra mấy chục để có một ghế êm êm ngồi cho đỡ buồn ngày nghỉ thì được...
Search một ít trên mạng cho mọi người
-----------------------------------------------------------
Hong Kong: Vô Cực là 1 trong 4 phim gây thất vọng nhất năm
Khán giả Hong Kong vừa bình chọn 6 bộ phim hay nhất và 4 bộ phim gây thất vọng nhất của năm 2005. Điều bất ngờ là danh sách 4 bộ phim gây thất vọng nhất đều là những bộ phim lớn của năm, trong đó có phim
Vô Cực của đạo diễn Trần Khải Ca.
Ngoài Vô Cực, 3 phim còn lại là Thất kiếm của đạo diễn Từ Khắc, A Tẩu truyền kỳ của đạo diễn Hoàng Tinh Phủ và Trường hận ca của đạo diễn Quan Cẩm Bằng. Khán giả cũng đưa ra lý do khiến họ chọn những bộ phim này là phim gây thất vọng nhất.
Vô cực bị phê bình về việc đạo diễn Trần Khải Ca đã lạm dụng quá nhiều kỹ xảo, khiến bộ phim thiếu đi tính chân thật. Ngoài ra, tính cách nhân vật cũng không được xây dựng rõ ràng và đồng nhất....
THẾ MINH (Theo Beijing Time)
---------------------------------------------------------
Dư luận trái ngược về Vô Cực
22:44:45, 12/02/2006Phương Nam
Từ trái sang: Jang Dong Gun, Tạ Đình Phong và Trương Bá Chi trong phim Vô Cực
Từ 11/2/2006, bộ phim Vô Cực của đạo diễn Trần Khải Ca (đại diện cho điện ảnh Trung Quốc tham gia tranh giải Oscar lần thứ 78 cho Phim nước ngoài xuất sắc nhất, đạt doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Trung Quốc) được công chiếu rộng rãi ở Việt Nam. Đây cũng là bộ phim gây tranh cãi nhiều nhất ở Trung Quốc trong suốt thời gian qua và được dư luận quốc tế rất chú ý.
Báo Tin tức Bắc Kinh (16.12.2005) khẳng định "80% cảnh phim đều dùng ống kính động, nếu xét độ khó khăn khi thực hiện, không thua kém gì Ngọa hổ tàng long. Phim rất có lợi thế khi tập trung được nhiều ngôi sao nổi tiếng của Hồng Kông, Hàn Quốc và Nhật Bản. Họ đều có kinh nghiệm diễn xuất, yêu nghề, mất rất nhiều công sức học thoại tiếng Hoa. Đặc biệt là diễn viên Jang Dong Gun đã thể hiện rất thành công vai Côn Luân". Báo Hoa Hạ (19.12.2005) lại tỉ mỉ đi sâu phân tích ngôn ngữ điện ảnh trong phim. "Ngoài nhiệm vụ đảm nhận nhân vật dẫn dắt số mệnh trong phim, hình tượng Mãn Thần (Trần Hồng đóng) được sử dụng như một thứ ngôn ngữ điện ảnh mới lạ. Thông qua nhân vật này, Trần Khải Ca đã chuyển tải rất tốt, giàu sức thuyết phục về nội dung trừu tượng cùng những hình ảnh không phù hợp với phim truyền thống nói chung. Cảnh Mãn Thần thương lượng với Khuynh Thành khi còn bé không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa một cuộc giao dịch giữa hai người, mà chủ yếu thông qua một hình ảnh siêu hiện thực để hé mở từng tí một quá trình biến đổi của Khuynh Thành, khi cô dần vứt đi tình cảm chân thực, chạy theo vinh hoa phú quý. Nếu thể hiện quá trình này bằng ngôn ngữ điện ảnh truyền thống sẽ rất khó và kéo dài, ví dụ phải thông qua một loạt chi tiết và sự kiện, đồng thời vẫn phải đảm bảo được tính thời đại và độ truyền cảm của chúng. Đúng như nhà sản xuất phim Hàn Tam Bình từng nhận xét, ngôn ngữ điện ảnh trong phim Vô Cực thực sự là một cuộc cải cách táo bạo chưa từng có trong điện ảnh Trung Quốc".
Khuynh Thành (nhỏ) trò chuyện với Mãn Thần trên hai khúc cây gãy
Thời báo Tin tức buổi chiều (15.12.2005) giải thích việc Vô Cực hợp với khẩu vị của khán giả phương Tây: "Bộ phim lại thuận lợi lọt vào bảng đề cử Oscar, vì tất cả các khâu đều được xử lý rất tốt và thể hiện mạnh mẽ chất điện ảnh Hollywood. Thậm chí trong một số cảnh còn thấy rõ bóng dáng của hai bộ phim nổi tiếng Loạn và Chúa nhẫn. Sự tham gia của đoàn làm phim đến từ nhiều quốc gia khác nhau khiến bộ phim trở thành một tác phẩm lớn mang tính quốc tế, nhưng đồng thời cũng tiến thêm một bước dài trên con đường hòa nhập vào phong cách phim Hollywood. Cảnh duy nhất thể hiện chất Trung Quốc truyền thống là cây hoa mãn đường rụng lả tả". Báo Đông Nam (16.12.2005) cũng không tiếc lời tán dương phần thiết kế mỹ thuật trong phim: "Khuôn hình trong phim tuyệt đẹp và huyền ảo như tranh vẽ, tinh tế mà lung linh tới từng chi tiết. Còn nhớ cảnh Khuynh Thành khi bé đứng trò chuyện với Mãn Thần trên hai khúc cây gãy. Nền xanh sẫm, nước hồ trong veo, tóc Mãn Thần bay ngược lên, đong đưa trong gió, xiêm y tuyệt đẹp bay phấp phới, hư hư ảo ảo... Nếu so với đạo diễn Trương Nghệ Mưu, đạo diễn Trần Khải Ca cũng không hề thua kém trong tạo khuôn hình đẹp. Sự khác biệt duy nhất chỉ là một bên là "cái đẹp có thật" và một bên là "cái đẹp kỹ xảo". Tuy nhiên chỉ cần nó phù hợp với nội dung và toát lên được phong cách của phim".
Tuy nhiên cũng có một số báo tỏ ý tiếc nuối khi Trần Khải Ca chia tay với dòng phim nghệ thuật để làm phim thị trường. Báo Thẩm Dương buổi tối (20.12.2005) đánh giá: "Nếu so sánh về kết cấu câu chuyện, chủ đề phim, những khám phá về tình người, Vô Cực rõ ràng kém hẳn những bộ phim kinh điển như Thị trấn Phù Dung, Bá Vương biệt Cơ. Nếu Bá Vương biệt Cơ là một tấm bia nhân văn khó vượt qua thì Vô Cực lại thiếu tính văn học, mặc dù cả hai phim đều dùng kết cấu sử thi. Vô Cực chỉ giúp cho các nhà điện ảnh nước ngoài nhìn thấy được một bộ phim viễn tưởng đến từ phương Đông xuất sắc như thế nào". Nhà phê bình điện ảnh Trung Quốc Dương Cận Tùng tỏ ra thất vọng: "Bộ phim kể về một câu chuyện có liên quan tới lời hứa và sự thất tín. Đạo diễn đã nói rõ chủ đề phim ngay từ cảnh mở đầu khi cô bé nghèo Khuynh Thành đứng nói chuyện với cậu bé Vô Hoan. Nhưng do quá chạy theo thị trường, ỷ lại vào dàn diễn viên minh tinh, đạo diễn đã biến câu chuyện vốn đơn giản thành phức tạp, nhằm đánh lạc hướng khán giả và tăng thêm trí tò mò. Do vậy, dấu ấn của đạo diễn trong phim quá đậm nét, thậm chí có chỗ cố ý. Chỉ sau khi xem xong phim, khán giả mới hiểu rõ té ra bộ phim chỉ kể về câu chuyện liên quan tới một cái bánh màn thầu".
Mặc cho những lời khen chê trái ngược, đạo diễn Trần Khải Ca vẫn tỏ ra rất tự tin với đứa con tinh thần này. Ông cho biết sẽ tiếp tục khai thác dòng phim thị trường và khả năng tiếp tục làm phim võ hiệp sẽ rất cao.
Phương Nam
http://web.thanhnien.com.vn/Vanhoa/2006/2/13/138475.tno