Có ai trong số các người, những gã lao ra đường ăn mừng chiến thắng 4-1 của U23 Việt Nam trước U19,5 Singapore biết GS.TS Ngô Bảo Châu là ai?
Công trình toán học Bổ đề cơ bản Chương trình Langlands (gọi tắt là Bổ đề cơ bản) của Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Ngô Bảo Châu vừa được Tạp chí Time của Mỹ bình chọn là 1 trong 10 phát minh tiêu biểu của khoa học Thế giới năm 2009. Time đã xếp công trình chứng minh Bổ đề cơ bản bên cạnh một loạt các phát minh khoa học tiêu biểu có tầm vóc quốc tế và có ảnh hưởng tới lịch sử phát triển của nhân loại. Chương trình Langlands là một chương trình toán học đồ sộ nhằm thống nhất hình học và số học. Bổ đề cơ bản, cơ sở cho việc xây dựng một lý thuyết toán học theo chương trình Langlands, đã tồn tại hơn 30 năm mà không có ai chứng minh được.
Tất nhiên là toán học không hấp dẫn bằng bóng đá, tớ cũng nghĩ như vậy cho dù tớ học toán không tồi. Nhưng cái sự đam mê bóng đá theo kiểu vỗ ngực cho rằng “hâm mộ nhất thế giới” của dân ta thật kỳ cục. Họ lao ra đường hò hét cổ vũ chỉ vì đội tuyển U23 của một đất nước 80 triệu dân vừa thắng trận trước một lũ trẻ vị thành niên 19 tuổi đến từ Singapore, một quốc gia nhỏ bé hơn cả Hà Nội cũ ở một giải đấu không thể xoàng xĩnh hơn giành cho những đội bóng hạng bét thế giới, trong đó có những đội chỉ ở đẳng cấp phong trào(Đông Timor, Philipines).
Các người đọc những thứ rác rưởi mà ta đang viết đây và trách ta không yêu nước ư? Vậy nếu các người tự cho rằng mình yêu nước thì hãy bảo mấy thằng giám đốc các công ty hứa tặng tiền cho các cầu thủ rằng nên giành số tiền đó tặng cho các gia đình 40 ngư dân ở Quảng Ngãi có chồng, cha đang bị lũ mọi Tàu giam giữ khi đi đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa. Họ đang bị giam cầm và nếu chấp nhận nộp phạt cho mọi Tàu tức là về danh nghĩa đã nhận tội xâm phạm hải phận của mọi Tàu. Họ sẽ không nộp phạt để chứng tỏ mình không sai và chứng tỏ rằng Hoàng Sa là của VN, Biển Đông là của VN. Để giúp họ vững tin và kiên trì đấu tranh, gia đình của họ ở VN cần được quan tâm.
Các người đổ ra đường và gào lên rằng chiến thắng ở xi gêm sẽ làm cho cái tên VN được biết đến trên thế giới ư? Ở nơi xa xôi nào đó trên thế giới sẽ chẳng có ai thèm quan tâm đến giải đấu này. Người ta biết đến Việt Nam nhờ những con người như GS Ngô Bảo Châu đấy. Liệu ông ấy được thưởng bao nhiêu tiền để bù lại công sức đã bỏ ra, để tiếp tục gây dựng một nền khoa học?
Người hâm mộ(và cả không hâm mộ nữa, nhưng tóm lại là có chữ “hâm”) lao ra đường hò hét, ăn mừng và sung sướng nghĩ rằng họ chẳng thua kém bất cứ nơi đâu trên thế giới này về tình yêu bóng đá. Có lẽ khói xe máy của hàng triệu con người ấy thải ra bốc mùi khét lẹt tới tận Copenhagen(Đan Mach) nơi các nhà lãnh đạo đang đau đầu tìm cách cứu trái đất khỏi nóng lên do lượng CO do loài động vật cao cấp nhất thải ra đã không ngừng tăng quá mức cho phép. Và những người phải hít khói độc đầu tiên là những đứa trẻ đang ngồi vẫy cờ trên xe của các ông bố bà mẹ… Liệu có bao nhiêu người trong số những người hâm mộ ấy nghĩ đến chuyện này nhỉ?
Tất nhiên chẳng ai cấm họ cổ vũ như một lũ điên vì họ thật đáng thương. Người VN thật đáng thương. Có lẽ cuộc sống có quá ít niềm vui, quá ít lễ hội, quá ít những dịp được bầy tỏ…
Tinh thần ái quốc chỉ giành cho 11 gã mặc quần đùi trên sân hay sao? Một nền bóng đá chỉ biết tự thỏa mãn bằng danh hiệu ở một giải đấu tý hon và không thể nhìn xa hơn như thế ư? Có vẻ như họ thích danh hiệu vô địch ao làng xi gêm hơn là lọt vào top 20 hay top 10 châu Á(một sự ghi nhận về trình độ nhưng không có danh hiệu)? Liệu có nên quá phấn khích về một giải đấu phọt phẹt khi chúng ta hòa hút chết trước một đối thủ đang yếu(Thái Lan) và chiến thắng trước những đội không biết chơi bóng ở một giải đấu không ai biết đến thuộc đẳng cấp “hợp tác xã”? Tình yêu bóng đá là bất tận nhưng hãy giành cho nó một sự hợp lý. Tinh thần ái quốc cũng vậy.
Và còn nhiều điều đáng để suy nghĩ hơn là bóng đá ở xi gêm.