Truyện thiếu nhi-có đáng để đọc không?

Nguyễn Thành Trung
(SHIV@)

New Member
Xin khẳng định ngay rằng em là một fan của truyện thiếu nhi đây,có rất nhiều câu truyện viết cho thiếu nhi nhưng lại có sức quyến rũ đối với cả người lớn.Những ai đã từng đọc "Tôt tô chan-cô bé bên cửa sổ" hay "trên sa mạc và trong rừng thẳm" sẽ nhận ra trong đó những triết lý sống cao đẹp,những ước mơ và lý tưởng...Những thứ đó không chỉ cần cho trẻ em mà còn cho cả chúng ta.
Mọi người còn biết thêm những truyện nào,có thể giới thiệu cho em được không?Thanks trước ạ! ;)
 
Ở bắt tay em Trung nào, chị cũng hay đọc truyện thiếu nhi. Hai truyện mà em list ra là hay nhất rồi, ngoài ra hồi bé chị còn đọc " Cánh buồm đỏ thắm" (có người post rồi đấy), " Những tấm lòng cao cả" ( Tìm bây giờ chắc không khó đâu). Ehhehe nhưng chị khoái nhất là " Trên sa mạc và trong rừng thẳm". truyện hơi viễn tưởng nhưng mà hay và lãng mạn kinh khủng. Bây giờ vì lười nên hay chuyển sang đọc truyện tranh, nhưng cũng hay phết. A quên, em đã đọc " Cuộc phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn" or " Bác Sĩ Ai-bô-lit" chưa? Ngoài ra ngày xưa ở VN có bác Viết Linh và bác Vũ Tú Nam viết truyện cho trẻ con cũng hay lắm, nhưng bây giờ không biết còn xuất bản không, đọc lâu quá nên quên mất rồi.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Truyện đọc mỗi lúc mỗi khác. Như tốt tô chan, hồi bé mình thích cái ngây thơ của nó, chẳng phải suy nghĩ nhiều khi làm gì. Thích thì nhảy vào đống vữa, bới hầm vệ sinh lên để tìm cái ví hay đúng bên cửa sổ xem người hát rong. Lớn lên mình thích cái trường nó học, tiểu học mà được học đủ thứ, thí nghiệm vật lí, có ngày hội thể thao, học múa theo nhạc... Nhất là những thầy giáo đều là nhà sư phạm nghiên cứu rất nhiều về trẻ em. Thật là trường học lí tưởng:) Nghĩ mà thương cho cái đời mình:((
 
Hai truyện mà em list ra là hay nhất rồi

Còn chuyện "Vịt con đi học" nữa, cũng rất hay và nhiều tính chất giáo dục

Không có những cuốn truyện như thế có lẽ cả đời anh chỉ biết vịt được dùng để đánh tiết canh là chính
 
Chả hiểu sao đọc Tốt tô chan chị chỉ thích nhất cái đoạn nó bắt chước mẹ thổi cơm, khi nào nóng bèn cho tay vào cái thùy tai của cái nồi, giả vờ xuýt xoa : Nóng quá. :D. Ấn tượng nhất là chi tiết thầy hiệu trưởng create ngày hội thể thao với các môn chơi khiến cho chú bé bị tật ở chân luôn về nhất.

Em Trung có đọc Truyện cổ Anđecxen ko nhỉ? Cũng rất hay.
Bác Dương ơi thế cái chuyện Vịt con đi học đấy là mới hay cũ, tên tác giả là gì, bây giờ còn xuất bản không để em còn tìm đọc với.
 
Lê Diệu Linh đã viết:
Ngoài ra ngày xưa ở VN có bác Viết Linh và bác Vũ Tú Nam viết truyện cho trẻ con cũng hay lắm, nhưng bây giờ không biết còn xuất bản không, đọc lâu quá nên quên mất rồi.

Dạo này ông chị cũng vẫn viết truyện đều đều đấy chứ, chỉ có lâu lâu mới xuất bản một quyển thôi. Có truyện về " Ly và Đốm" ( chuyện thời childhood của chị :D ).
Truyện thiếu nhi còn đầy truyện, Pippy tất dài, Cuộc phiêu lưu của Mít đặc và các bạn, Mít đặc ở xứ mặt trời, Buratino v.v....:rolleyes:
 
Bác Dương ơi thế cái chuyện Vịt con đi học đấy là mới hay cũ, tên tác giả là gì, bây giờ còn xuất bản không để em còn tìm đọc với.

Anh cũng không nhớ lắm vì đọc lâu quá rồi, cũng có thể nguyên tác là "Dê con đi học" hoặc "Chuột con đi học", nói chung là cổ vũ chuyện học hành, còn thì ai mà chả phải đi học. Tác giả thì chắc là Anderssen

Ấn tượng nhất là chi tiết thầy hiệu trưởng create ngày hội thể thao với các môn chơi khiến cho chú bé bị tật ở chân luôn về nhất.

Cái này anh không đồng ý, hồi anh học cấp 3, chỉ vì truyện này mà mỗi kỳ thi thể thao thấy ai cũng què cụt 1 cái gì đó, để hy vọng về nhất
 
Bác Dương, thế nào mà em lại nhớ bài này là chuyện thơ của ông Anderssen nhỉ

Hôm nay trời nắng chang chang
Vịt con đi học chẳng mang cái gì
Chỉ mang một cái bút chì
Và mang một mẩu bánh mì con con

Cổ đeo nơ có hạt cườm
Có mụ thợ giặt (1) ven đường nhìn theo
Nữ thần băng giá lướt vèo (2)
Con mèo dạy chó cách leo mái nhà

Đi ngang qua một hàng quà
Vịt con thích quá liền sà vào trong
Ních đầy bụng bánh hạnh nhân
Mua thêm chú lính một chân bằng chì (3)

...

đoạn sau em quên mất, bác có nhớ không?


(1) Ông Anderssen câu khách cho truyện Mụ ấy hư hỏng, tuyển tập Anderssen
(2) Nữ thần băng giá, truyện vừa, Anderssen
(3) Chú lính chì dũng cảm, truyện phiêu lưu tình cảm, Anderssen
 
Truyện hay nhất đối với thiếu nhi là những truyện cổ tích, đọc phê quá trời. Nếu không thì đọc "Bảy viên ngọc rồng" cũng là đỉnh của đỉnh, ngoài ra có thể tham khảo thêm truyện "Thung lũng khủng khiếp" trong truyện thám tử Shelockhome.... Đó mới là những truyện đáng để đọcm ngu ý của anh là thế :D
 
Thế còn
Dưới gối cậu Ngộ Nhỡ
Có cái bánh nhân mỡ
Nhanh Nhảu đói thật tội
Nuốt chửng bàn là nguội
Có ai thuộc cả bài thơ này không?
Truyện cổ tích thì khỏi phải nói rồi, nghe kể, đọc lại thuộc nằm lòng ;)
 
Chả hiểu em đọc nhiều truyện cổ tích quá hay sao mà thấy cũng bình thường, nó cứ nhàm nhàm kiểu gì ấy, nên em thích những truyện kiểu như " Cuộc phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn " hơn. Ngày xưa em nhớ có quyển truyện cổ tích về các loài hoa, đọc cũng được, với cả truyện cổ Ấn Độ có cái truyện gì về con gián lấy chồng ấy, đọc nó còn khác khác đi một tí.
Anyway, Trên sa mạc và trong rừng thẳm là em thích nhất. Truyện phiêu lưu mạo hiểm gay cấn cực kì, và tình cảm gắn bó giữa cậu bé với cô bé (quên mất tên rồi) đúng theo kiểu chủ nghĩa anh hùng ngày xưa ấy, hichic, đọc không dứt ra được.
 
V.N Hà Anh đã viết:
Thế còn
Dưới gối cậu Ngộ Nhỡ
Có cái bánh nhân mỡ

Nhanh Nhảu đói thật tội
Nuốt chửng bàn là nguội

Có ai thuộc cả bài thơ này không?
Truyện cổ tích thì khỏi phải nói rồi, nghe kể, đọc lại thuộc nằm lòng ;)

"Một hôm đi ngang qua bờ suối
Biết Tuốt nhảy qua con cá đuối"

;)

Đã một thời các truyện thiếu nhi của Liên Xô nằm đầy trên các giá sách của Ngoại văn. Bé thì có "Bác sĩ Ai-bô-lít" với con Kéo-Đẩy, "Mít Đặc & Biết Tuốt", "Buratino" (cái này đạo văn của Pinochio nhé!), nhớn lên tí nữa thì "Coschia lùn", "Những lá cờ trên đỉnh tháp" (không nhớ chính xác tên lắm), "Chó hoang Dingo", v.v... Thế mà thấm thoát đã hơn mười năm LX sụp đổ, và trẻ em bây giờ chuyển sang đọc văn học Nhật Bản với Conan, Bảy viên ngọc rồng, Thủy thủ mặt trăng, rồi thì Harry Potter (bây giờ cũng chả biết bọn nhỏ đang đọc cái loại truyện gì ở nhà nữa rồi :D). Vẫn được an ủi là ít nhất bọn nó vẫn còn chịu khó đọc :)
 
Bổ sung thêm vài truyện mà hồi thiếu nhi rất thích:
1. Những cuộc phiêu lưu của Tom Soyer
2. Tiếng gọi nơi hoang dã
3. Robinson Crusoe
4. Sherlock Holmes (any story)
5. Hoàng tử bé
6. Siêu quậy teppi (đúng ra là cái này đọc lúc đã vào Đại học rồi)
7. Trăm năm cô đơn :))
...
 
Nhưng đấy đâu phải truyện dành cho thiếu nhi đâu?
có ai nhớ cái truyện có nhân vất chính tên là Bèm Bẹp hay Dẹp Lép gì đấy không ạ?
 
Ừ nhỉ sao mình lại quên mất "truyện gối đầu giường" Tom Sawyer và Huckleberry Finn nhỉ ;)
 
Tây Du Ký
Ba người lính ngự lâm
...
 
*Chó hoang Dingo
*Tập truyện: Lobo, chúa tể rừng xanh ( trong đấy chị nhớ có truyện Cazăng, truyện về con thỏ sứt gì nữa ấy)
*Tuổi 17 (truyện này thì hơi bôn 1 tý nhưng vẫn thấy hay)
*Truyện của Azit Nexin, nhất là Con cái chúng ta giỏi thật.
*Phần tiếp của Tom Soyer là: Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn
*Thầy phù thủy đi trong thành phố
*Cậu bé trong vali
*Carich và Valia
*Những ngôi sao thành Eghen
*Còn nhiều sách khoa học nhưng viết rất thú vị, tiếc là lâu quá rồi chị chẳng nhớ được tên, chỉ còn nhớ có quyển : Bạn hay thù, Không sợ toán học...
*Có một truyện gì rất hay về con người thời mông muội đi tìm lửa ấy nhỉ?

To LDL: Nếu chị nhớ không nhầm (nhưng rất có thể là nhầm) thì cô bé tên Nil. Chuyện con gián lấy chồng sao lại là truyện cổ Ấn Độ em nhỉ, chị đọc truyện cổ VN cũng có mà, có phải chuyện có đoạn nàng gián lấy quả ớt làm giày không em?:)
 
Em cũng mê truyện thiếu nhi lắm. Đọc Tốt-tô-chan mọi người có nhớ thầy hiệu trưởng dạy rằng phải ăn đầy đủ các món ăn lấy từ đất và từ biển không? Em nhớ có món zenbu là món ruốc cá, hồi đọc truyện đấy em chưa bao giờ biết đến món này nên rất tò mò :)

Truyện cho thiếu nhi của Nga thì nhiều ghê, em thích nhất mấy quyển Mít Đặc, Chó hoang Đingô (hay Câu chuyện mối tình đầu) và Tuổi 17. Cuối truyện Câu chuyện mối tình đầu có đoạn cái cậu thích Tanya (tên gì em quên rồi) xé chữ Tanya bằng giấy đặt lên ngực rồi phơi nắng ngoài bờ sông, đến khi mùa hè qua thì trên ngực cậu này hiện rõ lên chữ Tanya màu trắng, quá là lãng mạn đi! ;)

Em còn đọc nhiều truyện của Astrid Lindgren, một nhà văn nữ nổi tiếng người Thụy Điển chuyên viết truyện cho thiếu nhi. Các tác phẩm của bà được chuyển thể thành phim rất nhiều, trong đó có phim Emil và chú lợn thông minh đã được chiếu nhiều lần trên tv nhà mình nhiều năm trước, em là cứ thích mê. Có lần em còn viết một loạt thư yêu cầu gửi đến Đài truyền hình yêu cầu chiếu lại phim đấy ;) Một số truyện tiêu biểu khác là Pipi Lăngxtơrum, Những đứa trẻ nhà Marten tinh quái, Cácxơn sống trên mái nhà, Rônia -con gái tướng cướp, Anh em Tim Sư Tử (Lion Hearts),...
 
Chỉnh sửa lần cuối:
''Truyện thiếu nhi: thừa thương mại, thiếu nhân bản''

Bùi Chí Vinh từng viết liên tục mỗi tuần một tập sách của bộ truyện 5 Sài Gòn dài 40 tập và tham gia hợp tác dịch bộ Tứ quái TKKG 70 tập vào cuối những năm 1990. Anh cũng chính là người từng viết truyện thiếu nhi đạt số bản in trên 50.000 bản. Anh cho rằng mảng truyện dành cho thiếu nhi hiện nay đang quá thừa yếu tố thương mại, thiếu nhân bản.

- Có một thời anh sống bằng nghề viết truyện cho thiếu nhi. Theo anh, viết cho thiếu nhi có gì đặc biệt? Anh có tự rút ra cho mình một ''bí quyết'' nào không?

- Có chứ, điểm đặc biệt là các nhà xuất bản xưa nay vẫn than phiền rằng không có tác phẩm cho thiếu nhi, rằng sách của thiếu nhi bán không chạy, không có tác giả mới, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có Tô Hoài với Dế mèn phiêu lưu ký mà in đi in lại nhiều lần. Qua nhiều người giới thiệu, Nhà xuất bản Kim Đồng đặt vấn đề với tôi phóng tác bộ truyện Tứ quái TKKG xem sao. Tôi làm thử hai cuốn, lúc đầu in 8.000 bản, sau đó tăng dần, đỉnh cao là 57.000 bản. Có thể nói thành công trong việc viết sách kiểu này là nắm được tâm sinh lý, những suy nghĩ của lứa tuổi thiếu nhi, dùng ngôn ngữ mới nhất của các em, cách hành văn cũng phải phù hợp với các em và viết sách cũng giống như sống cùng với thiếu nhi vậy.

- Anh có nghĩ tại sao các sách văn học cho thiếu nhi in không nhiều, bán không nhiều, trẻ em cũng ít đọc so với truyện tranh? Sự chênh lệch bất hợp lý như thế là do đâu?

- Do các nhà xuất bản. Họ in sách cho thiếu nhi theo tâm lý như thế nào, xem chuyện này là vấn đề tâm huyết hay vấn đề kinh doanh và ''trả nợ đời''. Cũng cần thừa nhận chúng ta có rất nhiều nhà văn hạng trung bình, nhà văn xuất sắc thì đếm trên đầu ngón tay. Để các nhà văn trung bình này biến thành xuất sắc thì họ phải khổ công khó nhọc viết, tập luyện nâng cao ngòi bút, mệt lắm chứ. Và các nhà xuất bản cũng đang cần đầu sách, có khi dễ dãi trong việc in sách, chính sự ''kết hợp hai bên'' đó làm cho nền văn chương bão hoà và đấy cũng là trạng thái coi thường độc giả.

- Nói một cách ngắn gọn, theo anh, sách truyện cho thiếu nhi hiện thừa gì và thiếu gì?

- Thừa thương mại, thừa tiền, thừa dịch vụ. Nhưng thiếu những vấn đề nhân bản, vấn đề lương thiện của con người, của một dân tộc. Nếu anh đem về tập quán của những dân tộc khác, ví dụ như thông qua truyện tranh Nhật Bản, thì đó là anh đang tập cho trẻ con của ta thưởng thức truyện tranh Nhật Bản trên tư thế một đứa trẻ Nhật Bản. Trong khi trẻ em Việt Nam có những mơ ước cũng chưa chắc gì thua trẻ em của những cường quốc châu Á khác. Còn nói về thể loại thì truỵện tranh rất thừa truyện nước ngoài nhưng thiếu truyện nội địa, mà đầu tư cho tác giả nội địa thì không ai đầu tư cả. Như bộ truyện Thần đồng đất Việt thì cũng do một nhóm người tự mày mò mà làm, có ai tài trợ, ủng hộ gì đâu. Tôi không phải bà con gì với những người làm sách Thần đồng đất Việt, nhưng rõ ràng nếu nói đến công việc của nhóm này thì người ta xem đây cũng như là tư nhân làm ăn giỏi, chứ có ai để ý đến tâm huyết của những người muốn vực dậy một nền truyện tranh trong nước.

(Theo Tuổi Trẻ)
 
Phan Thu Hà đã viết:
Em còn đọc nhiều truyện của Astrid Lindgren, một nhà văn nữ nổi tiếng người Thụy Điển chuyên viết truyện cho thiếu nhi.

Có phải bà này có một truyện viết về một cậu bé bị thu nhỏ rồi bay cùng đàn ngỗng trời đi lang thang khắp nơi không nhỉ???
 
Back
Bên trên