TRUYỆN MA N.N.Ngạn - Ai dám nghe hông? :D

nhưng 1 số người đã chơi bói chén ... bảo là cái chén nó chuyển động thật
Chuyển động cái nỗi rì, lại như kiểu derren brown gặp mấy thèng mê tín thì làm rì mà chẳng bảo "chuyển động thật". :))
 
mọi người nói thế này làm em sợ chẳng dám đọc truyện nữa
Hôm trứoc có cái đĩa kể truyện ma, mới nghe kế 1' là bỏ luôn
Nhưng nếu mọi người thích thì em sẽ post vài chuyện

Mà Chị Hạnh và chị Thư đâu, hôm nào tổ chức cuộc họp của CLB điện ảnh đi ,mừ chị Thư tháng 6 này sao không về nước hả :((
 
Đặng Trần Hiếu đã viết:
Chuyển động cái nỗi rì, lại như kiểu derren brown gặp mấy thèng mê tín thì làm rì mà chẳng bảo "chuyển động thật". :))
Hehe,anh Hiếu thik bóc mẽ mấy trò mê tín này nhỉ :D
Nếu theo như Đức Hoàng nói thì mấy cái đấy có gì ghê gớm lắm đâu mà đến mức phải "suýt nữa...pee ra quần" nhỉ :-s Đàn ông con trai mà yếu bóng vía quá :-s :D
 
Hehe,anh Hiếu thik bóc mẽ mấy trò mê tín này nhỉ
Nếu theo như Đức Hoàng nói thì mấy cái đấy có gì ghê gớm lắm đâu mà đến mức phải "suýt nữa...pee ra quần" nhỉ Đàn ông con trai mà yếu bóng vía quá
:( thế mới khổ đấy :((
 
Ặc ặc, đàn ông con trai bị con gái bảo là yếu bóng vía muh lại còn "thế mới khổ đấy" huh em 8-}, phải mạnh mẽ lên chứ =;
 
Nguyễn Huyền Anh đã viết:
mọi người nói thế này làm em sợ chẳng dám đọc truyện nữa
Hôm trứoc có cái đĩa kể truyện ma, mới nghe kế 1' là bỏ luôn
Nhưng nếu mọi người thích thì em sẽ post vài chuyện

Mà Chị Hạnh và chị Thư đâu, hôm nào tổ chức cuộc họp của CLB điện ảnh đi ,mừ chị Thư tháng 6 này sao không về nước hả :((
chị post thử vài truyện lên đi
 
Nguyễn Bảo Anh Thư đã viết:
Ặc ặc, đàn ông con trai bị con gái bảo là yếu bóng vía muh lại còn "thế mới khổ đấy" huh em 8-}, phải mạnh mẽ lên chứ =;
Hehe,nếu em ko đọc được bài này của chị Thư thì em cũng post 1 bài y chang thía này đấy :))
Vậy bạn Đức Hoàng là 1 boy sống tình củm và có chút yếu đuối nhỉ ;) :D :))
 
Hehe,nếu em ko đọc được bài này của chị Thư thì em cũng post 1 bài y chang thía này đấy
Vậy bạn Đức Hoàng là 1 boy sống tình củm và có chút yếu đuối nhỉ

chấp nhận sự thật ... mặc dù hơi "đau"
 
Người đàn bà trong trắng








Trăng lên quá đầu rặng thông, hơi rượu đã thấm lòng, nhà thi sĩ già ngỏ tâm sự với một chàng trẻ tuổi ngồi đối diện:

- Tôi phải nói thật rằng tôi tiếp anh đây không phải vì ngày trước thầy anh là bạn đồng liêu của tôi và tôi coi anh như con cháu đâu. Nhưng mà vì anh cũng theo đuổi văn thơ, muốn làm thi sĩ. Nếu không thì tôi đã mời anh xuống đồi hồi chiều như những người khác đến thăm tôi.

Con người khác với thú vật ở cái chỗ biết làm thơ anh ạ. Tôi còn nhớ mãi câu nói của thầy anh trong một bữa đối ẩm như hôm nay. Nếu không phải là thi sĩ thì có khi người ta có cái cảm giác thình lình trở nên một con vật, vì không có những phương cách để diễn tả lòng mình ra. Cho nên từ buổi từ quan về sống ở đây tôi không muốn đi lại với những con vật câm ấy. Người ta cho tôi là kiêu kỳ và ghét tôi, nhưng ở trên họ, tôi kể gì đến dư luận tuế toái của thiên hạ.

Đôi mắt long lanh của nhà thi sĩ già đã hơi hơi lờ đờ vì hơi men bốc lên. Những lời nói của ông càng thao thao như nguồn thơ tuôn tràn trong cơn cảm hứng:

- Anh có công lần mò lên đây để nói chuyện thơ và hỏi tôi về Lý Bạch? Đời Lý, tôi thích nhất ở chỗ:

Lý Bạch nhất đẩu thi bách thiên,
Tràng An thị thượng tửu gia miên.
Thiên tử hô lai bất thướng thuyền,
Tự xưng thần thị tửu trung tiên.

Uống một đấu rượu, làm trăm bài thơ, say ngủ tại quán rượu, vua đòi không tới và tự xưng rằng mình là một bậc tiên rượu. Sống như thế, coi cuộc đời như giấc chiêm bao, say cả ngày lẫn đêm - xử thế đại nhược mộng, hồ vi lao kỳ sinh, sở dĩ chung nhật túy - cái chết của Lý cũng vì thơ với rượu. Một bậc hào hoa như thế, ôm trăng mà chết là phải lắm.

Bình sinh Lý vẫn cho mình là trích tiên, sau khi chết, những đêm trăng sáng, thi sĩ hiện lên trên một chiếc thuyền nguy nga đề hai chữ "Thi Bá" qua lại ở dòng sông mà Lý đã chìm theo bóng trăng đáy nước. Những nho sĩ quanh vùng đều thất kinh lập ngay đền thờ một bên sông. Một hôm có một văn nhân say rượu đi ngang thấy thuyền Thi Bá hiện lên liền ứng khẩu hỏi:

Hà nhân giang thượng xưng thi bá?
Cẩm tú văn chương tá nhất quan?1
Thì trong thuyền có tiếng trả lời:
Dạ tỉnh bất kham đề tuyệt cú,
Chỉ kinh tinh đẩu lạc giang hàn.

Đêm vắng không ngâm thơ vì sợ sao rơi, cái khẩu khí của Lý Bạch làm cho văn nhân thất kinh tỉnh rượu lủi đi mất.

Nhà thi sĩ già nói chuyện trên đây, ngày xưa là một vị quan thân ở triều đình Huế. Ông đỗ Cử nhân, làm đến chức Tham tri, gần tới Thượng thư, nhưng thình lình, trước sự ngạc nhiên của các bạn đồng liêu, ông từ quan về sống giữa cái đồn điền chè sau núi Thiên Thai với một người vợ bệnh tật sắp chết, một người lão bộc câm và một người đầu bếp đã làm lý thiện nấu ăn trong cung nội.


--------------------------------------------------------------------------------

1. Ai người mặt nước xưng thi bá?
Dệt gấm thêu hoa thử một bài?


--------------------------------------------------------------------------------


Linh nhớ lại lúc ban chiều còn bỡ ngỡ lên con đường dốc đưa vào nếp nhà cổ kính, uy nghiêm của ông bạn với thầy mình, và bây giờ chàng đã trở nên thân mật với con người rất khó tính kia.

Tiệc rượu tàn, nhà thi sĩ già vào phòng trong để Linh nằm nghỉ ở liêu trai, giữa một biệt thự nề nếp làm theo kiến trúc ngày xưa. Cách trang hoàng có một vẻ quý phái cổ điển; hình như thuở còn đương chức ở Triều đình ông đã nghĩ đến những ngày sau này, lựa một chốn u nghiêm ở trên một cái đồi gần gũi những lăng tẩm đế vương.

Linh ngủ trên một cái sập gỗ chạm cẩn xa cừ, gần một cái cửa gương lớn trông xuống đồi chè, nương sắn và rừng thông. Hơi rượu thấm đượm, thứ rượu nếp uống mềm môi quên cả say, Linh mê man đi và tỉnh giấc vào quãng khuya. Trăng sáng qua cửa gương tuôn chẩy lên khắp người chàng một sự dịu dàng mơn man. Hương men tan, thấy khát, Linh dậy châm nến, rót nước uống một ly nước lạnh đựng trong một chiếc bình cổ. Nước mát ngọt thấm dịu cả lòng sau cơn say. Chàng phụt tắt nến, nhìn ra vườn trăng, bỗng rợn người lên, vì chợt thấy một người đàn bà ở sau cửa gương đang ngắm mình. Một hình ảnh lãng đãng như làm bằng sương khói, mong manh, huyền ảo dưới trăng xanh.

Linh vụt nghĩ đến chuyện hồ ly tinh hiện thành người để trêu cợt văn nhân. Chàng đứng lặng trong bóng tối nhìn ra. Cái hình ảnh mơ hồ cũng vẫn yên một chỗ, để lộ nửa thân hình trên cửa. Vừa kinh dị và bị kích thích, Linh nhảy đến mở cửa gương ra, nhìn xuống vườn nhưng không thấy bóng một ai. Gió đêm mát rượi rung động những lá cây lấp lánh trăng. Một luồng rờn rợn thấm qua da thịt. Linh vội khép hai cánh cửa gương lớn. Nhưng chàng vừa bước vào sập và nhìn ra lại thấy người đàn bà mơ hồ tinh quái hiện ra sau cửa. ánh trăng phủ lên da thịt nàng một mầu sắc chiêm bao, làn áo trắng choàng lấy thân người mảnh mai càng tăng thêm vẻ gần gũi mà xa xôi của con người lạ lùng. Linh thu hết can đảm, lại mở cửa ra nhưng lần này chàng cũng không thấy hình dạng một ai dưới trăng. Muốn tránh khỏi bị phá rối nữa, chàng đóng ngay cửa gỗ ở phía ngoài lại, rồi khép thêm lần cửa gương. Linh trở vào nằm nghĩ lan man, ngờ vực, băn khoăn. Tuy sợ nhưng chàng thấy một cảm mến thơ mộng đối với người đàn bà kỳ ảo hiện ra dưới trăng để trêu ghẹo mình. Linh muốn mở cửa ra để xem nàng có hiện đến nữa chăng, nhưng lòng ngờ ngợ có nên nằm im rồi ngủ thiếp đi.

Linh tỉnh dậy trong tiếng chim kêu và nắng vàng ban mai nhuộm rực rỡ các đồi cây xanh. Chàng khoan khoái chạy ra khỏi nhà, hít mạnh không khí mát mẻ và, trong một lúc, quên người đàn bà ẩn hiện đêm qua. Trọn buổi sáng, chàng đi thơ thẩn, để tóc bay dưới nắng, qua các đồi, vào rừng thông, nằm nghiêng mình trên một dòng suối con trong suốt đáy. Hình ảnh của chàng hiện trên mặt nước nhắc đến bóng người lãng đãng dưới trăng. Linh đưa hai tay vốc nước uống và hình ảnh chàng biến tan rồi hiện lại như sự ẩn hiện kỳ lạ của người đàn bà tinh quái đến trêu ghẹo chàng giữa đêm khuya. Sự vụt hiện, vụt biến của người sau cửa gương tắm trăng khiến Linh nghĩ lại tưởng chừng như mình đã thấy trong mơ. Có thể có một sự hiện hình của yêu tinh chăng? Nhớ tới đêm qua, lòng chàng ngờ ngợ không nhất quyết tự trả lời minh bạch được. Nếu có một người đàn bà thật tinh nghịch đến trêu mình thì cũng không thể vụt hiện, vụt biến một cách dễ dàng như thế? Linh đi quanh vòng không thấy có nhà cửa ai, ngoài túp lều tranh xa cách của mấy người dân làm việc ở đồn điền và một cái mộ của vợ chủ nhân cái biệt thự.

Bóng tối lại trong lớp nhà cổ kính và Linh đã bắt đầu cảm thấy một sự bí mật kỳ ảo bao trùm lấy mình. Nhà thi sĩ già vẫn uống rượu nhiều và nói chuyện thơ cổ điển phương Đông.

- ở một cõi thanh tịnh như đây, tôi chỉ có cái thú độc nhất là rượu với thơ, và cứ trăng sáng như mấy đêm nay thì thắp đèn sáp ong, đốt trầm lên mà đọc "Liêu trai chí dị" của Bồ Tùng Linh.

Lời nói như nhắc nhở Linh nghĩ đến sự trêu ghẹo yên lặng của người đàn bà dưới trăng. Chàng ngập ngừng tính đem việc ấy ra nói cùng chủ nhân nhưng lại thôi, để lắng nghe những lời đang nói say sưa của ông:

- "Liêu trai chí dị" là một áng kỳ thơ độc nhất vô nhị của á Đông. Cái sức mạnh tưởng tượng của tác giả kỳ ảo, quái dị mà thi vị, thâm thúy, trừ phi một hồn thi sĩ lạ lùng như người thì chẳng mấy ai có được. Có người cho rằng bộ "Liêu trai chí dị" là dâm thư nhưng phẩm bình như thế thì hồ đồ và hẹp hòi quá. Phải hiểu cái cốt cách thuần túy, huyền hoặc rồi khi ấy ta mới thấu nhận về đặc sắc, tuyệt diệu của áng kỳ thơ.

Nhà thi sĩ già đem sách ra lựa đọc mấy chuyện ma mà ông thích thú nhất rồi cáo về phòng nghỉ. Linh ngồi một mình yên lặng hút thuốc trong không khí thoang thoảng hương trầm. Chàng chờ đợi người đêm qua hiện tới. Tâm trí chàng đang mơ màng đến những lẽ huyền bí xa xôi, thì cùng một lúc với ánh trăng len lén tràn vào phòng, sau làn khói thuốc mờ Linh thấy hiện ra người đàn bà kỳ ảo, yên lặng sau cửa gương. Linh chợt rợn người lên nhưng bình tĩnh được liền, và ngồi yên để xem sự thể đi đến đâu. Chàng thu hết nhỡn tuyến nhìn hình ảnh vừa hiển hiện. Đó là một người như thực như hư, thanh thoát, tế nhị tắm trong màu trăng xanh huyền hoặc. Đôi mắt sâu xa và buồn rầu trên một khuôn mặt trắng nhợt nhạt như cẩm thạch. Nửa thân hình lộ sau cửa gương vẫn mặc chiếc áo lụa bạch đêm qua. Người đàn bà ấy đẹp một vẻ vừa thiên tiên vừa yêu tinh trong khung cảnh ảo huyền. Và nàng cứ lặng yên như thế, đăm đăm nhìn Linh. Chàng sợ mở cửa ra thì nàng lại biến như lần trước nên cứ ngồi lặng, ngại ngùng, rung động trước nhan sắc.

Một đêm trăng, một người đàn bà đẹp tự đâu hiện đến, tưởng chỉ có ở thời thái bình, cổ sơ, hay trong cảnh tưởng tượng của nhà thơ kỳ lạ mà thôi. Nhưng đây, ở trước mắt Linh, nàng đang lẳng lặng và huyền hồ như trăng xanh. Người đàn bà yêu tinh đã đến với chàng, và chỉ cách nhau có một lần cửa gương thôi. Linh có thể mời nàng vào và cầm lấy đôi tay dịu dàng của con người xinh đẹp, rồi thì việc có thể xảy ra như trong các chuyện lạ lùng, quái ảo Linh đã đọc, người đắm đuối khoái trá trong lòng yêu tinh.

Thế rồi Linh se sẽ nói dịu dàng:

- Em đã có lòng nghĩ đến, xin rước em vào đây trò chuyện.

Nàng vẫn yên lặng nhìn Linh không chớp.

- Hay là em cho phép tôi ra đưa em đi chơi dưới trăng.

Nói xong Linh vừa đứng dậy, đến mở cửa gương, gần như sát vào người nàng ở ngoài. Nhưng chàng rất đỗi kinh ngạc khi hai cánh cửa vừa mở toang thì không tìm thấy nàng đâu nữa. Linh trèo qua cửa sổ nhảy xuống vườn, chạy kiếm chung quanh cũng chẳng thấy tăm dạng. Cảnh đồi rừng trắng xóa dưới trăng tự nhiên đối với chàng nhuốm một vẻ huyền hoặc lạ thường. Tiếng nước suối chảy róc rách ở đồi bên như tiếng cười lanh lảnh của ai. Trăng xanh bát ngát rộng rinh.

Linh trở về phòng, để cửa gương mở rộng chờ người đàn bà kỳ ảo hiện đến là nhảy xổ ra nắm lấy tay. Chàng đã bị khiêu khích đến tức giận. Nhưng mà rồi Linh liệu có thể ôm lấy con người xinh đẹp vụt hiện, vụt biến đi không? Trăng sáng tỏ rõ soi vào chỗ Linh đứng trắng như hơi sương xuống ban mai. Chàng rùng mình, không rõ vì hơi lạnh của đêm khuya hay vì nhớ đến người đàn bà quái dị. Xa xa có tiếng gà gáy, tưởng lầm trăng sáng là vừng đông. Linh nghĩ rằng những cô hồn vất vưởng, những yêu tinh phải trở về cõi âm trước kẻo sợ trời sáng rồi chàng khép cửa ngoài lại, không để cho trăng tràn vào nữa, khiến nao nao trong người.

Sáng ngày ra, trong một lúc dạo chơi ngoài hiên, Linh thấy có một chậu hoa mẫu đơn để ở góc vắng, tự nhiên chàng liên tưởng đến câu chuyện trong "Liêu trai chí dị", linh hồn một cây hoa mẫu đơn lâu năm tu luyện hóa thành người đẹp sống với văn nhân. Linh có ý muốn đưa chậu hoa về phòng mình để thực nghiệm xem sao. Biết đâu người đàn bà trong trăng không phải là hiện thân của thứ hoa kiều diễm ấy. Linh lựa lời thân hỏi chủ nhân:

- Thưa bác, người xưa thường uống rượu ngắm hoa, bác thì chỉ uống rượu mà thôi, còn chậu hoa xinh đẹp kia lại cô độc ở ngoài.

Nhà thi sĩ già sờ lên mái tóc đã bạc lơ thơ trên vầng trán mênh mông, ngậm ngùi nói:

- Tuổi tác như tôi mà còn ngồi uống rượu trước hoa mẫu đơn thì là một sự quá lạm. Như Lưu Vũ Tích đời Đường, tôi chỉ sợ hoa kia biết nói sẽ nói rằng: Hoa mẫu đơn nở có phải vì bậc tuổi cao đâu? Chỉ tuổi trẻ như anh thì nên chơi, anh thích tôi sai mang vào để gần chỗ ngủ cho có bạn.

Đêm đến, sau bữa rượu thường lệ, nhà thi sĩ già sai người lão bộc đốt trầm lên rồi mang cây đàn bầu ra.

- Đã lâu tôi không đàn, hôm nay cao hứng tôi gảy cho anh nghe vài điệu. Cây đàn này làm bằng gỗ quan tài, tiếng kêu rất thanh và ấm, hồi còn làm quan tôi phải nài nỉ mới mua lại được của thầy Tôn út. Lão ta hết sức tiếc, vì theo lời lão thì cây đàn lâu đời bằng thứ gỗ đặc biệt ấy đem ra gảy ở bãi tha ma có thể gọi âm hồn về nghe.

Kể qua lịch sử cây đàn, nhà thi sĩ già bàn đến âm nhạc. Hồi còn đang tuổi phong tình, ông vẫn thường soạn những bài Nam bình, Nam ai cho đám ca nữ đêm đêm với giọng u trầm, đài các của tiếng Huế than vãn trên dòng sông Hương.

Thế rồi điệu Nam bình não nùng, ai oán vang động lên dưới tay nhà nhạc sĩ già rung rinh cả yên lặng. Dây tơ nhấn mạnh nức nở tuôn ra những giọt lệ âm thanh, trong suốt và nong nóng thấm đượm cả lòng người. Linh ngồi nghe sững sờ theo tiếng đàn tưởng có thể làm cho quỷ khóc. Bản Nam ai trổi theo, tha thiết hơn khiến chàng rưng rưng cả toàn thân. Điệu nhạc thổi một luồng ớn lạnh vào trong lòng chàng, nhà thi sĩ già mê man gảy tưởng chừng đứt dây tơ đồng. Và khi ngừng tay, chờ cho những sóng âm thanh bớt run rẩy trong không khí, ông nói:

- Về cây đàn bầu, người sành âm nhạc vẫn có một sự tin tưởng huyền hoặc là ai đã chơi nó hay thì cũng như mang một nghiệp dĩ vào thân. Nó là một thứ âm nhạc di lụy cho người chơi. Tôi không tin nhưng mà hồi mua cây đàn này về ít lâu, gảy đã được nhà danh cầm đế đô khen, thì nhà tôi qua đời, thành thử tôi cũng đâm ra ngờ ngợ.

Trăng lên đã cao, còn lại một mình, Linh lặng nhìn cây hoa mẫu đơn, trầm ngâm lạc lối trong những lẽ u huyền. Kiếp trước hoa là thiếu nữ và thật có một sự phục vãn trong kiếp luân hồi, hồn hoa lại hiện thành thiếu nữ chăng? Nhưng có phải người đàn bà đã hiện ra yên lặng trêu tức mình là hiện thân của hoa mẫu đơn? Trong khi Linh đang mơ màng thì trăng đã chênh chếch dọi vào. Và kỳ diệu thay, cùng với ánh trăng chảy vào phòng, người đàn bà hiện tới, như tượng trưng thuần túy của trăng xanh. Nàng có một thứ nhan sắc huyền ảo mà càng nhìn Linh càng thấy mơ hồ, nét mặt chập chờn như sương, thân hình như khói, hình như kết đọng bằng ánh trăng thủy tinh, có thể nhìn suốt qua người. Linh mải phân tích mê hoặc đắm hồn vào trong cái hình ảnh bích ngọc, xanh xao như trăng chiêm bao. Chàng đã gần như bị quyến rũ, rung rinh trước vẻ đẹp tế nhị có sức mạnh thấm thía như mùi hương bay lẻn vào hồn. Trong giây phút khoái trá, linh hồn bị cám dỗ, Linh cảm thấy chẳng những mình không rùng rợn mà trái lại còn thích thảng, say sưa.

Người đàn bà vẫn lặng yên, không một cử động se sẽ, không một lời nói nhếch đôi môi, không một chớp mắt, và nhìn Linh như thấu suốt tận đáy hồn. Linh bỗng rợn người lên hình như mình đã bắt đầu yêu con tinh. Người đàn bà uyển lãng, kiều lệ ấy chỉ có thể là một con tinh! Nghĩ sực đến những chuyện yêu tinh mê hoặc người để hút hết tinh khí, Linh bàng hoàng, hãi hùng, muốn vụt dậy chạy. Nhưng đôi mắt đen biếc, thăm thẳm vẫn nhìn như dán vào người Linh, giữ chàng ngồi yên một chỗ. Chàng đã trở nên như người bị thôi miên bởi nhan sắc huyền hoặc.

Trăng mỗi lúc càng sáng tỏ thêm lên và xa xa thấp thoáng tiếng gà gáy. Linh mừng thầm sắp thoát khỏi cái nhìn yên lặng ghê gớm của người đàn bà yêu tinh. ánh trăng chảy vào tràn khắp phòng, Linh ngồi như dính chặt trên chiếc ghế bành đối diện với cái hình ảnh kỳ ảo sau cửa gương. Tiếng gà theo nhau gáy từ xa vang lại, nhưng trong trăng sáng người đàn bà vẫn yên lặng, trước mặt Linh, không nhúc nhích, không nói năng, và chỉ nhìn chàng với đôi mắt ghê gớm như đôi mắt rắn thôi miên lấy chàng. Thời gian tưởng chừng như đứng lại, mạch máu trong người Linh băng giá cho đến khi chàng nghẹn ngào, se sẽ nói:

- Tôi xin hỏi nàng, yêu tinh hay là oan hồn, từ đâu lại và muốn điều chi thì hãy nói cho tôi biết.

Nhưng người đàn bà vẫn lạnh lùng như một hình ảnh chết và cứ đăm đăm nhìn Linh.

- Nàng vẫn nhất quyết lặng yên? Thì hãy ở đấy mà đợi mặt trời lên.

Sau câu nói văng vẳng của Linh người đàn bà cũng vẫn im lặng như một cái bóng trong trăng. Linh nhắm mắt lại để tránh khỏi cái nhìn ghê rợn của yêu tinh rồi mệt mỏi ngủ thiếp đi. Khi chàng giật mình mở mắt ra thì ánh trăng đã đi hết khỏi phòng và người đàn bà quái ảo sau cửa gương cũng đã biến đi. Linh ngả mình trên sập mê man.

Chàng thấy người đàn bà trong trăng lại hiện ra mở tung cửa gương vào, thướt tha bước đến ôm ghì lấy mình. Linh sờ vào người nàng thì cảm giác nhẹ mỏng dị thường. Nàng lôi cuốn Linh vào một cuộc ái ân sôi nổi rồi hút cạn tinh túy của chàng.

Linh hoảng hốt tỉnh giấc mơ, thấy mặt trời đã lên cao. Chàng còn bàng hoàng mê tỉnh, và đưa mắt nhìn đến cửa gương thì lại thấy thoáng bóng người đàn bà, nhưng rất mơ hồ, xa xôi. Linh dụi mắt và rất đỗi kinh ngạc khi đến gần nhận thấy rằng người đàn bà hiện ra ở trên mặt thủy tinh.

Trong lúc ấy, nhà thi sĩ già đi đến, nhìn vẻ mặt sửng sốt, bơ phờ của Linh trước cửa gương rồi nói:

- Tôi xin giới thiệu đó là hình ảnh nhà tôi,

Trước sự ngạc nhiên của Linh, ông thong thả kể:

- Trước đây nhà tôi mắc bệnh bại đang thời kỳ còn xinh đẹp, về đây hơn hai mươi năm trời, ngày ngày ngồi trên chiếc ghế bành đặt trước cửa gương, nhìn xuống đồi ngong ngóng chờ tôi về. Thuở ấy tôi mải ham mê theo những người đàn bà khác, ít khi nghĩ đến người vợ cần đến sự thương yêu của mình. Tôi chỉ hối lại khi nhà tôi đã có phần yếu, tôi liền từ chức về đây, nhưng chẳng được bao lâu thì nhà tôi qua đời. Khi đã biết yêu thương thì đã chậm lắm rồi, tôi chỉ còn trong lòng một hình ảnh in trên mặt gương này mà thôi.

Nhà thi sĩ già nói xong rồi ngậm ngùi lui vào phòng trong. Linh bắt đầu hiểu rành mạch những việc đã xảy đến cho mình.

Người vợ kiều diễm của nhà thi sĩ ngồi in bóng vào cửa gương lâu năm, những chất lân tinh trên mặt thủy tinh phản chiếu ánh sáng dần dần thấm in lấy hình ảnh. Trăng xanh huyền hoặc dội qua mặt gương làm nổi cái hình ảnh người thiếu phụ lên. Linh đã ảo tưởng đó là một nàng yêu tinh hiện ra sau cửa. Chàng nhớ lại cứ mỗi lần mở cửa gương ra thì hình ảnh vụt biến mất rồi hiện ra khi đóng lại. Linh không ngờ hình ảnh ở trên mặt thủy tinh trong suốt, trí tưởng tượng mới bị xúc động đến cực điểm và trong trường hợp ấy, chàng đã lầm lạc vì ảo ảnh.

Sau cùng, Linh thấy người đàn bà kỳ ảo hiện ra ân ái với mình trong giấc mơ vì não cân đã bị kích thích dữ dội.
 
Một người bạn kỳ dị








Mỗi lần đến thư viện thì tôi lại gặp hắn, như ngồi mãi một chỗ, chăm chú vào cuốn sách để trước mặt. Vẻ lạnh lùng, tóc bơ phờ, và nhất là đôi mắt kỳ lạ của hắn, ai đã nhìn qua một lần thì không thể quên được - đôi mắt tinh anh dị thường bao giờ cũng như nhìn vào một chốn thăm thẳm.

Một hôm nhân cùng tìm một cuốn sách cổ quái, ít ai đọc đến, chúng tôi thành quen biết. Hai tâm hồn tương ứng xô đẩy chúng tôi lại gần nhau. Thế - người bạn trong thư viện - và tôi thường chỉ có một câu chuyện độc nhất để say sưa nói với nhau là thơ. Từ địa hạt thơ tôi đã đi lần vào trong cuộc đời thân mật của Thế. Anh ở một góc lầu cao, xa thành phố, thường rất ít đi lại với ai.

Thú say mê nhất của Thế là thơ, triết lý và thuốc lá. Thế hút píp và có hơn mười cái, đủ kiểu to nhỏ, từ cái píp đầu lâu đến cái píp đầu thi sĩ Baudelaire, và không biết anh đã tìm tòi mua được ở đâu những cái píp quý giá như thế. Anh nâng niu píp như người xưa chơi đồ cổ, hơn thế nữa, anh yêu thương chúng như những sinh vật có linh hồn. Một hôm, Thế rủ tôi đi uống rượu và nói một cách thương tiếc:

- Tôi vừa mất một người bạn thân.

Sau hỏi ra tôi mới hay rằng vì một cử chỉ vô ý, anh đánh rơi gãy mất một cái píp đẹp.

Một sự ham thích khác nữa của Thế là chơi đầu lâu. Mấy cái đầu lâu trắng tinh trang hoàng ở phòng mình, Thế đã mua hai cái ở Hà Nội, thời kỳ học ở trường thuốc, một cái mua ở Huế của cụ Ngáo, đao phủ thủ tại kinh đô bán; cái đầu lâu sau này là của một tướng cướp đào lăng vua bị chết chém. Còn một cái nữa, không rõ Thế mua ở đâu, và ngoài ra, hai cái đầu lâu khỉ.

Những cái đầu lâu ấy nổi bật hẳn trên màu đen của gian phòng, và đây đó treo những bức thư ảnh của các thi sĩ Thế yêu: Edgar Poe, Baudelaire, Byron, Mallarme, Valéry.

Bạn khác thường của Thế còn có một con mèo đen nhung chỉ thích được vuốt ve nằm trong lòng người và một con quạ. Con quạ toàn đen này Thế đã tập cho nó nói được và chỉ nói một câu như con quạ của Poe: Không có gì nữa hết!

Người bạn dị kỳ của tôi chỉ sống để mà làm thơ và đọc sách, đi. Nhưng con người phong vận, cốt cách thi sĩ ấy lại không hề đả động tới đàn bà, và tránh nói đến họ. Đó là sự bí mật ở Thế mà tôi vẫn kiếm dịp để tìm hiểu.

Một buổi tối lành lạnh, tôi đến thăm Thế, vừa lúc anh ngủ dậy, sau đêm thức suốt sáng đọc sách hay viết. Thế sống khác với người thường, ban ngày ngủ và đêm làm việc. Đêm mê say anh như hương thơm tách cà phê đậm.

Dựa ngửa ra chiếc ghế lót đệm nhung, ngậm píp phì khói tỏa mờ, Thế thì thầm ngâm thơ. Ngồi một bên, tôi yên lặng nhìn đôi mắt xanh sáng của con mèo đen, vuốt qua làn lông mịn màng như nhung. Trong không khí thân mến, tôi khêu gợi đột ngột đến chuyện tình và mơn man dò hỏi tâm sự bạn. Thế ngập ngừng rồi dịu dàng bảo tôi:

- Tôi không muốn nhắc nhở đến dĩ vãng vì buồn lắm, nhưng anh đã gạn hỏi, tôi không giấu giếm anh nữa, và để cho anh hiểu tôi hơn.

Thế đứng dậy thổi tắt cây bạch lạp, vì anh vẫn thích nói chuyện trong bóng tối, những lời nói sáng tỏ hơn. Rồi với một giọng nhiều hơi, buồn buồn, Thế bắt đầu nói:

- Trước hết, tôi cần nói rõ để anh biết về việc bị chôn sống là vấn đề có liên lạc mật thiết đến câu chuyện riêng của tôi sắp kể.

Bị chôn sống là một sự thật nguy hiểm, ghê gớm, sự nguy hiểm to tát cũng như sự mê tối của loài người. Tôi đã tra cứu, tìm tòi trong y học và đã kinh nghiệm rằng nếu để trí suy xét thì không ai có thể chối cãi được rằng trường hợp rùng rợn này vẫn xảy ra. Có người may mắn tỉnh lại trước lúc chôn để tránh khỏi sự lầm lạc tàn khốc, nhưng ta phải nghi ngại rằng đã biết bao người bị chôn sống mà không bao giờ ai biết đến.

Cái giới hạn chia hai sự sống và chết rất mù mờ và tăm tối. Ai có thể biết rõ được rằng lúc nào là hết sống và khi bắt đầu chết ? Vì trước và sau khi chết, không có một sự phân biệt hiện ra trên người. Mạch máu hay hơi thở ngừng không thể là bằng chứng được. Không có một thời hạn bao lâu để chắc quyết là chết, và trái tim đã ngừng, có thể chịu vài ảnh hưởng trong thân thể rồi đập lại. Sự thực nghiệm ấy khoa học và y học ngày nay đã nói đến. Người chết thật rất chậm, không như ta tưởng. Trong lúc bề ngoài đã chết, kẻ bất hạnh vẫn có thể đang sống. Người chết nào cũng phải qua hai thời kỳ, liên lạc với cái chết và chết thật, nhưng y học còn chứng nghiệm rằng có khi gặp một thời kỳ khác: chết bề ngoài. Thời kỳ này là lúc những cơ quan nhận thấy rõ ở thân thể đều ngừng lại như bộ máy nghỉ chạy rồi trong một khoảng thì giờ qua, vì một nguyên nhân vô hình, người có thể trở lại với sự sống. Những cơ quan trong người đều chia ra các bộ phận riêng, tất cả dù là nương tựa vào nhau, đều có sự độc lập liên lạc. Mỗi bộ phận có thể sống biệt lập với cơ quan có dính líu đến. Cái chết không phải là một sự thay đổi hoàn toàn và chạm đến những bộ máy sống của thân thể. Bởi vậy khi người ta chết, những bộ phận trong người chưa ngưng trệ hẳn, nên rất khó khăn mà phân biệt được rằng cái chết của người này chỉ là bề ngoài, và người kia chết thật. Khoa học cũng phải công nhận rằng những trường hợp này thật khó mà biết rõ ràng được - phần nhiều người đều mặc số mệnh cho sự rủi may - và các vụ chôn sống vẫn xảy ra. Những tiếng kêu gào thảm thiết của người chưa chết hẳn mà đã bị chôn không được ai nghe đến và chúng ta cũng mặc cho số phận mình, nếu bất hạnh một ngày kia tỉnh dậy trong hòm.

Thế ngừng lại, lấy thuốc cho thêm vào píp, đốt cháy rồi say sưa nói đến câu chuyện của lòng mình:

- Quãng đời hai mươi tuổi của người thanh niên thường ít ra cũng có một cuộc tình ái điên cuồng mà tốt đẹp, và kỷ niệm ấy bao giờ cũng để lại những ấn tượng sâu sắc trong tâm tưởng: Tâm hồn giàu có tình cảm như chúng ta lại hay gây nên những tình duyên ly kỳ.

Năm năm trước đây, tôi đang ở trong thời kỳ phát triển của tình cảm thì gặp và yêu một người con gái tên là Bích Trăng. Trăng là một tiếng sét đã làm sôi nổi tận đáy lòng tôi những tình cảm sâu sắc và bền chặt nhất về yêu thương. Trăng có một thứ nhan sắc châu ngọc mà tôi đã mường tượng trong thơ. Với tôi, Trăng là một người yêu có cả tình một người chị, một người mẹ hiền từ của phương Đông. Chúng tôi yêu nhau với tất cả say sưa, nồng nàn của tuổi hai mươi. Mặc dầu giữa Trăng và tôi có những sự cản trở của hai gia đình cổ kính vẫn không thích nhau. Thầy tôi làm quan, trên chức của thầy Trăng. Tính tình cương trực của thầy tôi đã gây nên một sự xích mích giữa hai người, và từ đó cả hai nhà không bao giờ đi lại với nhau nữa.

Tự buổi đầu, Trăng và tôi cùng biết trước rằng cuộc hôn nhân của chúng tôi sau này khó lòng mà thực hiện được. Nhưng chúng tôi không thể không yêu nhau được và khi người ta yêu... Tôi chăm chú theo đuổi cái địa vị độc lập, chắc chắn mai sau, trở nên một bác sĩ, và khi ấy Trăng cùng tôi sẽ tự do lấy nhau, nếu hai gia đình vẫn không bỏ hiềm khích cũ.

Thế rồi một hôm đang thời kỳ lưu học ở Hà Nội, tự nhiên tôi thấy nóng lòng, băn khoăn rồi bỗng nhận được dây thép của một người bạn ở Huế cho hay tin Trăng chết. Cái chết đột ngột, dữ dội của Trăng đã làm đảo điên cả người tôi, và tưởng như mình đang mơ.

Tôi xin phép nghỉ học để trở về Huế ngay chiều hôm ấy. Không muốn cho ở nhà biết, bước xuống xe lửa, tôi lại ngay nhà người bạn. Về cái chết thình lình của Trăng, tôi được hay thêm rằng nàng bị cảm, đau luôn một tuần rồi chết. Và người ta đã chôn nàng sáng ngày.

Trăng đã chết thật, không còn nghi ngờ gì nữa, không còn gì nữa hết! Tự thâm tâm tôi hét lên một tiếng ghê gớm như làm tan vỡ cả linh hồn: Trăng ơi! Tất cả người tôi vang lên một điệu u trầm, ảo não: Trăng ơi! Hình như trong hồn, trong máu, trong phổi, trong tim tôi lúc bấy giờ đều chứa đựng toàn những mạch tình trìu mến, yêu thương da diết, quấn quít lấy Trăng.

Tối hôm ấy, tôi ngây dại ra đi trong trăng mờ lạnh. Những tư tưởng điên cuồng nung nấu, sôi nổi cả người, lý trí bị ám hoặc, một ý nghĩ ghê gớm nảy nở và cắm rễ trong hồn tôi. Và như một cơn cảm hứng mãnh liệt, ý nghĩ ấy cứ lấn át, chiếm cứ lấy linh hồn. Tôi cuồng loạn theo uy lực của tình yêu bị kích thích đến cực điểm. Qua bao la, của đêm trăng mờ, tôi mê man theo sự xúc động điên cuồng, lần tìm đến mồ Trăng. ý nghĩ dị thường vẫn bùng cháy như một ngọn lửa: tôi rồ dại muốn nhìn thấy mặt Trăng.

Đứng trên đồi chôn Trăng, dưới trăng mơ hồ mà trước kia tôi đã cùng Trăng say ngắm, đi qua chốn này, hôn nhau lần đầu tiên, tôi đau đớn ngây ngất khi nhìn thấy gò đất mới đã che lấp Trăng bên những ngôi mả trắng. Cơn bão táp trong não cân lại nổi lên ồ ạt, như một người điên, tôi vác cuốc đem theo mờ loạn đào mồ chôn Trăng. Đất mới đắp còn mềm, dễ bới, tôi say sưa với ý tưởng nhìn lại mặt Trăng, không còn biết gì là mệt nhọc.

Nhớ lại khi ra đi đã khuya, đến lúc đào mồ Trăng gần đụng hòm thì nghe gà gáy, tôi hoảng hốt vội vã lên vì sợ trời sáng. Gió khuya ở trên đồi nghĩa địa thổi lên từng trận đem tiếng chó sủa trăng ở làng xa với những tiếng mõ canh lốc cốc. Trăng hạ tuần gần sáng càng tỏ rõ, mây đen từng lúc bay qua.

Tôi mải miết đào, đất bắn khắp mình, quần áo lấm đầy mồ hôi vì nóng, vì cảm động. Đất khỏa ra hai bên người như mở con đường cho tôi đi đến với Trăng. Một tiếng chạm vào gỗ làm cho tôi rung động đến ngây người. Và chẳng bao lâu là tôi cạy mở được nắp hòm. Tôi kéo tung đồ liệm lên, màu vải tang đang còn mới ủ bốc lấy hơi người. Một cảnh tượng đời đời ghi chặt trong trí tôi mỗi khi hồi tưởng lại: nằm thẳng giữa đống đồ khâm liệm màu trắng, dưới trăng lạnh, mặt nhợt nhạt của Trăng có một vẻ thiên tiên lạ lùng. Những ý nghĩ điên cuồng, sôi nổi dịu dần trong trí tôi khi nhìn thấy mặt Trăng. Tôi đưa hai tay run rẩy cầm chặt lấy hai bàn tay Trăng, hai bàn tay cứng lạnh xưa kia đã ve vuốt đầu tóc bơ phờ của tôi. Những giọt nước mắt của tôi từ từ rơi trên má, trên mắt, trên môi nàng. Tôi mê man lặng ngắm Trăng rất lâu, lòng kêu rên những cảm hoài vô tận. Tưởng chừng tôi chỉ muốn ôm xác Trăng về cùng mình, vì không chịu thấu được sự chia ly, hiu quạnh đời đời. Tôi nghẹn ngào gọi tên Trăng trong lúc gió buổi hừng sáng thổi lướt trên đồi. Mặt trăng mờ nhạt tỏa xuống bóng tôi đang gục đầu trên ngực Trăng nằm trong chiếc hòm phá vỡ.

Trời sắp sáng rồi. Tôi còn phải đậy hòm lại, lấp đất lên. Lần cuối cùng, tôi hôn lên đôi mắt nhắm kín của nàng - than ôi, đôi mắt không bao giờ còn nhìn tôi nữa hết - rồi lấy con dao nhỏ đem theo cắt lấy mớ tóc mịn màng của Trăng. Tôi vẫn tiếc nuối không nỡ rời đi, ôm chặt lấy hai tay nàng. Giờ phút ấy, tôi chỉ muốn trời đất tan sập đi, thành hư không như người trở về với cát bụi.

Tôi còn ngây ngất trước cảnh tan nát xé dạ, thì lạ lùng thay, tay Trăng như động đậy trên tay tôi. Và, trước sự kinh ngạc của tôi, đôi mắt nhắm cứng của Trăng bỗng từ từ mở ra nhìn tôi. Rồi tự nhiên đôi môi của Trăng hé mở để lộ những răng trắng tinh. Không phải vì tôi quá cảm xúc mà bị mê hoặc đâu! Trăng bắt đầu uốn mình như người tỉnh dậy sau giấc ngủ đầy mệt nhọc. Và đôi mắt Trăng mở trân trân, ngạc nhiên khi nhận thấy mình đang nằm trong hòm, giữa bãi tha ma, và bên nàng lại có tôi.

Cái ý nghĩ Trăng bị chôn sống thoáng qua trí tôi đánh tan tất cả bỡ ngỡ, hãi hùng.

Thế châm diêm đốt cái píp đã tắt rồi nói tiếp:

- Tôi đã đến kịp để cứu Trăng ra khỏi cái trường hợp tàn khốc, ghê gớm ấy. Tôi tin rằng có một sức mạnh thiêng liêng, thần bí đã nhập vào hồn tôi.

Khi đã gỡ Trăng ra khỏi đống đồ liệm, tôi cởi áo ra, đặt nàng nằm nghỉ cho tỉnh hẳn. Trong lúc ấy tôi nhét đồ liệm vào hòm, đậy nắp lại rồi đắp đất lên, không để lại dấu vết gì để ai có thể nghi ngờ rằng xác chết bị mất trộm hay người chết trong hòm đã sống lại.

Trời vừa sáng thì tôi đã dìu Trăng về đến nhà người bạn. Trăng kêu khát và đói lắm vì đã ba ngày đêm ngất lịm. Uống sữa vào tỉnh hẳn người, Trăng cặn kẽ kể lại:

- "Em đang đau bỗng mê man, nói sảng luôn mấy ngày, rồi đến lúc nguy kịch... Có buổi sáng, lý trí trở lại với em một cách thình lình, nhưng thầy thuốc chứng rằng mạch em đã yếu lắm. Em cũng tự biết đến hồi nguy ngập và hấp hối. Thời kỳ cuối cùng, em bắt đầu thấy không đau đớn nữa, mình nhẹ nhàng đi vào một thế giới mơ hồ. Từng lúc em có cảm giác rằng linh hồn được tự do bắt đầu thoát ly. Trong một cuốn sách về y học của anh cho em mượn đọc, em nhớ có nói rằng lúc gần chết, sức mạnh tinh thần của ta không bị đụng chạm gì đến, và ở những người mà tâm tính vẫn giữ được cứng cỏi thì linh hồn được thêm năng lực. Khi cơn bệnh được yên tĩnh đôi chút thì óc được tách ra làm việc như thường. Em đã nhận thấy đúng như thế sau vài lúc mê sảng, hoảng hốt như cuồng tâm.

"Sau mấy hôm lịm đi, thình lình em bỗng tỉnh trí với tất cả sự sáng suốt. Trong giấc ngủ chết, tuy mình mẩy cứng đờ, không thể cử động được nhưng em vẫn nghe thấy lờ mờ chung quanh. Lúc ngất đi, em còn nghe tiếng đồng hồ đánh mười giờ, rồi như chớp, một sự đau đớn ghê gớm, chưa bao giờ cảm thấy, ồ ạt đến chiếm lấy người em. Cảm giác ấy tới rành rẽ và mau lẹ như một nhát dao đâm suốt qua xương thịt, mà còn khiếp đảm hơn nhiều.

"Trong đêm đen tối, đột nhiên em nghe đồng hồ đánh năm giờ. Trước hết linh hồn em chịu tất cả những sự khó khăn để thoát khỏi chốn vô ý thức. Rồi ý nghĩ của em lần lượt theo nhau trở lại và như muốn giật lùi. Em cố cử động nhưng không một chân tay nào theo sự sai khiến của lý trí. Em còn ngờ nghệch trước cơn mê lịm của thể xác im lìm thì linh hồn bỗng sôi nổi lên, suy nghĩ một cách mau chóng lạ thường. Trong một chớp nhoáng của tâm thần sáng suốt, em thấy rõ trước sự kinh đảm của người chết. Trên hai sợi dây đưa quan tài xuống địa huyệt, xác mình đụng vào săng, còn ở trên, những người thân yêu vứt xuống nắm đất vĩnh quyết. Và trên hòm, có tiếng nện đất, rồi đắp mộ xong, mọi người xây lưng lại, trở về với cuộc đời. Em tưởng tượng ra dưới tận chỗ ở cuối cùng hết sức chắc chắn và kín đáo, sự lạnh lẽo ghê gớm của bóng tối bất diệt. Em nghĩ đến anh, anh yêu dấu của em ở xa xôi không hay biết gì hết.

"Em tưởng rằng trường hợp của em không phải là khác thường và có lẽ lúc chết ta vẫn luôn luôn có ý thức, linh hồn còn sáng suốt trong cái thân xác cứng đờ, người chết có lẽ phải biết qua các lúc tẩm liệm. Trong cảnh ngộ hãi hùng ấy, nghĩ đến đêm lạnh đời đời dưới đáy huyệt âm u, linh hồn sẽ tiêu tán theo xác thịt hay là về đâu? Em đau đớn nghĩ đến anh bơ vơ, cô độc, đời anh không có em thì buồn khổ, hiu quạnh biết chừng nào. Thế rồi em ngất đi...."

Thế kể tiếp:

- Người nhà Trăng thấy tim nàng ngừng đập, da và môi nhợt nhạt, hai mắt nhắm nghiền, thân thể cứng lạnh, mạch đứng, nên cho là chết thật. Vì cái chết bề ngoài của Trăng rõ ràng như thế, thì không ai có thể nghi ngờ và không vin vào cớ gì để nghi ngờ rằng Trăng chưa chết hẳn. Và sự chôn lầm người còn sống bởi đây mà ra. Chính lúc tôi đào mồ Trăng lên cũng thấy nàng nằm trong một dáng điệu của người chết. Sự may mắn kỳ diệu là Trăng tỉnh ra giấc ngủ chết, cái chết bề ngoài, nhằm lúc tôi phá hòm chôn đựng nàng.

Sự sung sướng vô cùng của chúng tôi gặp lại nhau trong một trường hợp dị thường như thế, loài người không có thứ tiếng gì để tả nổi.

Tôi phải giấu giếm việc Trăng được cứu khỏi bị chôn sống, đợi nàng thật lành mạnh rồi chúng tôi bỏ Huế vào Sài Gòn, sống xa lạ hẳn để không ai tìm biết được cuộc tình duyên lạ lùng của Trăng và tôi. Tôi viết một bức thư về nhà nói mình vì thích phiêu lưu nên đã xin làm dưới tầu đi ngoại quốc. Đối với gia đình, tôi thấy có lỗi nhưng tôi biết rõ tính tình cương quyết cực điểm của thầy tôi không bao giờ cho phép tôi lấy con một người mà thầy tôi đã khinh.

Chúng tôi sống cùng nhau được mười ba tháng thương yêu tha thiết thì Trăng chết, và lần này chết hẳn thật. Trái tim của nàng trước kia đã yếu vì lần chôn sống càng yếu thêm, rồi mỗi ngày thêm nặng, và nàng đã nhắm mắt trong tay tôi.

Im lặng một lúc, Thế kết luận:

- Bây giờ anh đã rõ tại sao tôi tránh không muốn nói đến đàn bà. Người ta chỉ một lần yêu... Sau Bích Trăng, đàn bà đối với tôi không có gì nữa hết!

Lời Thế vừa dứt, trong im lặng, đen tối, con quạ của chàng lặp lại: Không có gì nữa hết!

Chúng tôi ngồi yên lặng giờ lâu, và trong lắng chìm của bóng tối u huyền, vang ngâm giọng Thế đọc theo nguyên văn bài thơ của nhà thi sĩ Mỹ:

"Một hôm giữa cảnh đêm khua rờn rợn ta đang mỏi mệt gục đầu trầm ngâm đọc lại mấy cuốn sách cổ kỳ dị không còn ai tìm đến. Trong khi ta lao đao muốn ngủ, thốt nhiên, nghe tiếng động se sẽ, như tiếng ai gõ nhẹ vào cửa phòng ta. Ta lẩm bẩm: "Chắc ai lại thăm gõ cửa phòng ta; chỉ thế thôi, và không có gì nữa hết".

"à, ta nhớ lại rõ ràng, đêm hôm ấy vào khoảng tháng chạp lạnh lùng; mớ củi tàn xơ xác nằm chơ vơ in bóng trên mặt đất. Ta thì nóng lòng chờ trời mau sáng vì u sầu tràn ngập cả hồn, ta cố khuây lãng trang sách mà không được. Ta buồn rầu tưởng nhớ đến Bích Trăng không còn nữa, nhớ đến nàng yêu kiều lộng lẫy mà thiên tiên kêu gọi là Bích Trăng, chờ dưới trần gian không còn có ai gọi đến tên nàng nữa hết.

"Tiếng mơ hồ, dìu dịu, rầu rầu của mấy tấm màn điều lao xao thấm đượm, tràn ngập hồn ta những rùng rợn gớm ghê, mà chưa bao giờ ta đã cảm rung như thế, - đến nỗi ta phải nhắc nhở mình luôn cho lòng bớt hồi hộp: "Chắc khách qua đường muốn vào đây tạm nghỉ trọ, chắc vậy chớ không có gì nữa hết".

"Tâm trí lần lần mạnh dạn lên, rồi tôi không ngập ngừng lâu nữa: "Ông hay bà nào ngoài đó, tôi xin thất lỗi, số là tôi đang chập chờn ngủ thì ông hay bà lại gõ cửa, nhưng tiếng gõ khẽ quá, tiếng gõ cửa phòng nhỏ quá, nên tôi cũng không rõ là có ai gõ thật hay không". Nói rồi tôi mở toang cửa ra - ở ngoài chỉ là bóng tối đen, và không có gì nữa hết!

"Nhìn sâu vào bóng tối u huyền, tôi đứng lặng giờ lâu, vừa kinh ngạc, sợ hãi, nghi ngờ, tưởng tượng những chuyện lạ lùng mà chưa bao giờ kẻ trần gian nào dám nghĩ đến; nhưng đêm vẫn im phăng phắc, bóng tối quạnh hiu, và chỉ một tiếng lẩm bẩm: "Bích Trăng". Chính tôi đã lẩm bẩm gọi tên nàng và tiếng dội thì thầm "Bích Trăng!" - Chỉ thế thôi, và không có gì nữa hết.

"Tôi trở vào phòng đóng cửa lại, tâm hồn nóng hực, bỗng lại nghe tiếng gõ mạnh hơn lần trước. Tôi tự bảo thầm: "Chắc có cái gì ở cửa sổ, ta phải tìm ra sự bí mật này. Hãy để cho lòng bớt hồi hộp, rồi tìm ra sự bí mật này" - chỉ là tiếng gió thổi và không có gì nữa hết.

"Tôi mở cửa sổ ra, thì một con quạ đen lớn, một con thần ô thiên cổ, sột sạt trên cánh cửa bay vào. Nó không tỏ vẻ gì sợ hãi, cứ nghiễm nhiên mà vào với vẻ mặt ông hoàng hay bà chúa, đậu trên cánh cửa phòng tôi, ngay giữa đầu bức tượng vị nữ thần; nó đậu yên đó, và không có gì nữa hết.

"Vẻ trịnh trọng, oai nghiêm của dáng điệu và nét mặt con chim đen nhánh làm cho tôi đang buồn cũng phải hóa cười. Tôi nói - "Này hỡi quạ, giống chim quái gở tự đời nào từ chốn Hoàng tuyền thăm thẳm đến đây, dẫu cho cái đầu ngươi đã bị cạo gọt, nhưng ta chắc ngươi không phải là một con chim nhút nhát - vậy ngươi hãy nói cho ta biết danh hiệu cao quý của ngươi ở chốn Hoàng tuyền thăm thẳm là gì? " Con quạ nói: "Không có gì nữa hết!" Tôi lấy làm lạ rằng con chim xấu xa kia lại biết nói rõ ràng như thế, tuy câu trả lời của nó không được nhiều ý nghĩa và hợp thời cho lắm; nhưng thử hỏi có bao giờ ai là người đã được trông thấy một con chim trên cửa phòng mình mà xưng danh hiệu là "Không có gì nữa hết".

"Con quạ đứng chơ vơ trên bức tượng lạnh lùng, chỉ nói một câu đó thôi, hình như trong đó ngụ hết cả tâm hồn tôi lúc bấy giờ. Nó không nói thêm gì nữa hết, nó không rung động đến mảy lông - cho đến khi tôi nghẹn ngào, se sẽ nói: "Bạn bè tâm huyết của ta biết bao người đã bỏ ta mà đi xa rồi; và đến sáng ngày người cũng sẽ bỏ ta mà đi nữa, như những lời nguyện ước cũ". Con chim lại nói: "Không có gì nữa hết!"

"Giữa im lặng, câu trả lời đúng hợp như thế khiến tôi thất kinh tự bảo mình rằng: Tưởng chừng con chim này chỉ biết nói có thế, nhưng chắc đã học được câu này của một thi sĩ ba đào, bị thần tai họa tàn ác đánh đuổi không ngừng, khiến nên bài thơ nào cũng chỉ quay về một điệp khúc thảm sầu tuyệt vọng: "Thế là hết, không có gì nữa hết!"

"Nhưng lòng đang buồn tê tái nghĩ đến con quạ cũng phải lấy làm lạ và buồn cười, tôi liền kéo ghế đệm đến trước mặt con chim, bức tượng và cánh cửa; rồi gục đầu trên nhung buồn, tôi ngẫm nghĩ, mơ màng xa xôi để tìm cho ra vì đâu con vật trầm triệu xấu xa, ốm yếu, con thần ô thiên cổ lại đến đây mà kêu: "Không có gì nữa hết!"

"Trong khi tôi đang trầm ngâm thì con chim với đôi mắt sáng quắc như soi thấu tận đáy lòng; trong khi tôi cố xét đoán nghĩ đến ngàn vạn đường, gục đầu trên làn nhung óng ả dưới ánh đèn, màu nhung tím óng ả dưới ánh đèn, mà xưa kia nàng đã gối đầu nhưng ngày nay không còn nữa, than ôi, không còn gì nữa hết!

"Đang nhiên không khí hình như bỗng dịu dàng, ngào ngạt hương thơm tỏa ra ở một đỉnh trầm do các vị thiên tiên từ trời hiện xuống nhẹ nhàng lướt qua nệm lót trong phòng. Tôi la lớn: "Hỡi nhà thi sĩ khốn khổ! Trời đã động lòng sai thiên tiên đem xuống cho ngươi ly rượu quên sầu đỡ tiếc thương nhớ đến Bích Trăng. Vậy thì ngươi hãy uống đi, uống đi ly rượu quên sầu, nhớ chi mãi đến Bích Trăng mệnh bạc!" Con quạ nói: "Không có gì nữa hết!"

"Hỡi giống tiên tri quái gở kia! Chim hay là quỷ nhưng vẫn là tiên tri, ngươi do ác thần sai đến hay là bị bão táp phiêu dạt lại đây! Nhưng ngươi đã đến chỗ trầm luân khổ ải, nơi hoang lương rùng rợn ám ảnh này, thì ta xin ngươi thành thật nói cho ta biết rằng ở miền Cực Lạc có chăng, có chăng hương vị để quên được hết u sầu? Nói đi, ta van người làm ơn nói cho ta biết với!. Con quạ nói: "Không có gì nữa hết!"

"Hỡi giống tiên tri quái gở kia! Chim hay là quỷ nhưng vẫn là tiên tri, dưới bầu trời ngươi với ta cùng sống, cùng thờ một đấng Thượng đế, xin ngươi hãy nói cùng tâm hồn sầu khổ vô hạn này rằng một ngày kia ở trên Thiên đàng vời vợi, ta có còn lại được âu yếm người con gái thanh tiết mà thiên tiên đã gọi là Bích Trăng, âu yếm một người con gái yêu quý lộng lẫy mà thiên tiên gọi là Bích Trăng! Con quạ nói: "Không có gì nữa hết!"

"Tôi dựng đứng người hét lên: "Thôi thôi câu nói này là dấu vĩnh quyết giữa người và ta, dầu ngươi là chim hay là quỷ! Ngươi hãy trở về trong gió bão, chốn Hoàng tuyền thăm thẳm, ngươi đừng có để lại một mảnh lông đen nào của ngươi như là ghi sự láo xược, nguyền rủa đất trời của ngươi. Hãy để mặc ta sầu thảm một mình, ngươi hãy rời khỏi bức tượng ở phòng ta ! Ngươi đừng ở lại đây mà đâm xé trái tim ta nữa! Hãy đi mau, ngươi đừng để cái bóng đen nghì nghìn thu thiên cổ in hình lên cửa phòng ta!" Con quạ nói: "Không có gì nữa hết!"

"Nói thế rồi nó vẫn luôn luôn đứng yên trên bức tượng nhợt nhạt của vị nữ thần, ngay trên cửa phòng tôi. Hai con mắt của nó giống đôi mắt hung thần đang nghĩ ngợi; ánh đèn trôi chảy trên mình chiếu bóng nó xuống đất - và tâm hồn ta trong cái bóng là là như nằm chết đó; không biết bao giờ bay lên được nữa - không bao giờ nữa hết!"
 
Nụ cười của người đã chết
















Bert có một tính rất khó chịu, lúc nào cũng cười được, khiến nhiều lúc tôi rất ghét. Trong mười lăm năm chung sống với anh ta, phải có tới mười hai lần tôi tính đến chuyện giết anh ta. Tuy nhiên, tôi chưa thực hiện, bởi cũng không thể giết người nếu không có cớ gì hết. Nhưng rồi Bert đã tạo cho tôi một cái cớ.

Tối hôm ấy, anh ta về đến nhà, mặt cau có:

- Betty, hôm nay anh gặp một chuyện xấu xa. Jack biển thủ một số tiền của Hội! Sáng mai anh sẽ tố cáo với cơ quan cảnh sát.

Tôi giật bắn người. Jack là nhân tình của tôi. Anh là thư ký riêng cho Bert và được Bert trả lương hậu hĩ. Nhưng Jack thích tiêu xài. Nói cho cùng, đây là lỗi của Bert. Nếu như Bert không bủn xỉn thì tôi đã có đủ tiền để cho Jack số anh ấy cần.

- Nếu vậy anh ta sẽ ngồi tù mất - tôi kêu lên - Nhưng chiều chủ nhật anh đã đi Mehicô. Nếu anh làm cho Jack bị bắt ngày mai, thì trong hai tuần anh đi vắng, văn phòng Hội sẽ bàn tán chuyện này và anh lại không có nhà để thanh minh. Tốt nhất là để đến hôm anh về đã.

- Em nói chí lý - Bert nói rồi ôm bụng, nhăn mặt. Từ lâu anh đã bị đau dạ dày vì ăn uống không chịu giữ gìn - Thôi được, để hôm nào đi Mehicô về anh sẽ tố cáo cũng được.

- Từ nay đến hôm đi, anh đừng tỏ vẻ gì để Jack nghi, đúng không, Bert?

- Cũng lại rất chí lý. Em nói bao giờ cũng đúng - Và anh cười toe toét. Bert có thói lúc nào cũng cười được, dù chuyện chẳng đáng cười chút nào hết. - Thôi, anh đi ngủ đây. Tối mai lại có buổi chiêu đãi lớn. Và sẽ có mặt Gordon mới thú chứ!

Gordon là nghệ sĩ hề nổi tiếng, chuyên dẫn chuyện trên đài Tryền hình, chương trình hài hước: "Cứ tìm đi, bạn sẽ thấy!". Bert rất mê ông ta và không bỏ một buổi trình diễn nào của Gordon.

Bert lên gác rồi, tôi ngồi lại một mình trong phòng khách. Ôi, Jack yêu quý! Anh ấy cao lớn, đẹp trai và biết cách đánh thức dậy mọi dây thần kinh, mọi thớ thịt của tôi. Bert lại hay phải đi công việc ở nơi xa, cho nên Jack càng có nhiều dịp bù lại cho tôi những thời gian tôi phải chịu đựng với lão chồng vô duyên. Nếu Jack phải ngồi tù thì tôi mất đi niềm sung sướng tột cùng ấy. Chưa kể rất có thể Jack sẽ nói ra hết mối quan hệ dan díu với tôi để kiếm tìm lòng khoan dung của Bert. Khi ấy, dứt khoát Bert sẽ tống cổ tôi ra vỉa hè và tôi sẽ lại không có đồng xu trong túi y hệt hồi chưa lấy Bert.

Tôi nhấc điện thoại gọi cho Jack:

- Anh yêu - tôi cố nói rất khẽ - Tối mai anh đến em nhé. Bert phải đi dự chiêu đãi. Em có chuyện cần bàn với anh. Không, đừng hỏi em chuyện gì. Chỉ biết là rất hệ trọng. Rất, anh nghe rõ chưa? Rất hệ trọng cho hai chúng ta! Thôi, gặp nhau em sẽ nói.

Tôi đặt máy xuống trước khi Jack kịp hỏi thêm. Sau đấy, tôi ngồi vào bàn ghi ra giấy những suy nghĩ của tôi. Tôi có kinh nghiệm muốn suy nghĩ rành mạch, tốt nhất là ghi ra giấy rồi nhìn vào đó mà cân nhắc. Gạch xóa, thêm bớt một lúc, tôi đã vạch xong kể hoạch mà tôi tính sẽ thi hành vào tối Chủ nhật, là buổi tối theo dự tính, Bert sẽ ra ga để đáp máy bay đi Mehicô.

Tôi xé vụn mảnh giấy vứt vào giỏ giấy lộn rồi đi ngủ.

o0o

Đã đến chủ nhật. Chiều nay Bert sẽ ra ga xe lửa để ra thành phố, đáp máy bay đi Mehicô. Cũng sắp là lúc chấm dứt cuộc đời của anh ta. Tất nhiên Bert chưa biết gì hết, vẫn cười toe toét và đùa giỡn, kể chuyện tiếu lâm cho vợ nghe rồi lại tự mình cười rũ rượi.

Tôi làm bữa ăn tiễn chồng lên đường và Bert mời cả Jack để làm như không có chuyện gì. Tuy thỉnh thoảng Bert ôm bụng đau đớn, nhưng chỉ lát sau, đỡ đau, anh ta lại làm trò và cười vang. Anh ta kể cho tôi và Jack nghe về cuộc gặp với nhà hài hước nổi tiếng Gordon hôm trước cùng những câu nói cực kỳ hóm hỉnh của ông ta.

Jack có vẻ hồi hộp. Mồ hôi đổ trên trán và bàn tay anh nhiều lần run lên. Nhưng Bert không nhận thấy gì hết. Lát sau, Bert nói:

- Tôi xuống lấy xe đem ra đỗ ở cửa nhà nhé? Cẩn thận thế kẻo đến lúc nổ máy lại tắc tịt thì gay.

Anh ta cười lớn và lúc đã ra ngoài, tôi còn nghe thấy anh ta tiếp tục cười. Đúng là mình vớ phải thằng chồng vô duyên! Jack ngồi lại, thấm mồ hôi trán, nói giọng lo lắng:

- Betty! Chẳng lẽ không còn cách giải quyết nào khác nữa à? Ý anh muốn nói là nếu anh ngồi tù thì nhiều lắm cũng chỉ một năm thôi. Mà nếu anh nói khó với Bert thì có khi không phải ra tòa ấy chứ. Bert xưa nay tính tình rộng rãi, dễ tha thứ cho người nào tỏ ra ân hận.

- Anh yêu, em hiểu anh đang băn khoăn. Nhưng anh chưa biết lão chồng em đấy thôi. Lão thâm lắm. Lão không tha thứ đâu. Lão sẽ bắt anh phải chịu hình phạt cao nhất. Và khi anh đã ra tù, lão cũng còn tiếp tục trả thù. Với lại anh phải nghĩ đến em chứ. Dù một năm thôi em cũng không sao chịu nổi.

Tôi ôm anh. Hai đứa hôn nhau một lúc lâu, đê mê. Lúc buông tôi ra, Jack nói:

- Thôi được. Vì em, anh dám làm mọi thứ. Vả lại, cũng không còn cách nào nữa thật.

- Anh yên tâm, anh yêu. Em đã trù tính cặn kẽ cả rồi.

Bert quay lên. Tôi đã tập cách giấu kín tình cảm nên anh ta không biết gì hết.

- Em nhét lọ thuốc dạ dày vào vali của anh rồi chứ, Betty?

Tôi gật đầu và chợt nhìn thấy có vết bẩn trên áo, chắc là lúc ôm tôi hôn, trên tay đang cầm ly, Jack đã làm sánh rượu ra.

- Ôi, em phải thay áo mới được!

Nói xong, tôi chạy lên gác thay áo. Lúc tôi xuống thì Bert và Jack đã ngồi trong xe. Bert đang kể cho Jack nghe về một thư ký của anh ta ngày trước do thụt két đã phải ngồi tù sáu năm. Tôi biết Bert phịa, cốt để dọa Jack. Càng hay! Càng làm Jack quyết tâm giết Bert hơn.

Tôi cầm tay lái. Bert ngồi ghế trước bên cạnh tôi, còn Jack ngồi ghế sau. Dọc đường Bert liên tiếp kể chuyện tiếu lâm và ca ngợi tài hài hước của ông Gordon. Và chỉ mỗi mình anh ta cười ầm lên. Jack chỉ hơi mỉm cười, chắc trong lòng đang rất hồi hộp không còn bụng dạ đâu nghe chuyện hài hước.

Gần đến ga xe lửa, đến một chỗ hai bên là cánh đồng trống trải, tôi đỗ xe lại.

- Xe làm sao à? - Bert ngạc nhiên.

- Không, - tôi đáp - Nhưng hôm nay trời đẹp, ta ngắm phong cảnh một chút. Còn sớm. Cứ bao giờ thấy tàu đến, ta ra ga cũng kịp. Nghe báo tàu bao giờ cũng đến trễ, nửa giờ là ít.

- Em nói đúng, Betty! - Bert nói - Ôi anh nhớ lại một chuyện hài hước. Có một thằng cha chuyên môn nhỡ tàu, một hôm y...

Tôi không nghe. Tôi ngán đến tận cổ cái thói kể chuyện hài hước của anh ta rồi. Bỗng hai luồng sáng lóe lên từ phía xa. Tàu đến.

- Đi đi, em! - Bert giục.

- Đúng. Jack! - Tôi ra hiệu lệnh. Jack liền cầm khúc ống nước bằng kẽm quật mạnh lên đầu Bert. Bert thét lên, quay đầu lại nhìn, nhưng Jack quật luôn một đòn nữa và Bert gục hẳn. Tôi không ngờ chóng vánh đến thế. Đột nhiên, Jack kêu lên hoảng hốt.

- Ông ta chưa chết!

Tôi lắng nghe và đúng là có tiếng khò khè từ cổ họng Bert thoát ra, nhưng tiếng rên đã rất yếu. Tôi nói:

- Nhưng chỉ một lát thôi.

Đúng thế. Chỉ lát sau tiếng khò khè đã hết. Máu chảy xuống nệm, nhưng tôi đã chuẩn bị để sẵn một tấm khăn bông dày. Tôi lấy tấm khăn khác trùm lên đầu Bert, ấn đầu anh ta thấp xuống để người bên ngoài xe có ngó vào cũng không thấy.

- Đến ngôi nhà có ma! - Tôi nói và nổ máy. Vài phút sau, tôi quặt xe xuống con đường nhỏ và đi vào bãi lầy.

Chẳng là ở đây có một ngôi nhà tồi tàn giữa một khu vườn rộng, thuộc sở hữu của Bert. Đã có thời hai vợ chồng sống ở đây. Ngôi nhà có ma cho nên ít lâu sau tôi đòi Bert phải rời nơi đó. Từ đấy, ngôi nhà vẫn bỏ hoang và bây giờ đổ nát rất thảm hại. Trận bão năm ngoái lại làm đổ một cây to, rơi xuống đúng mái nên trông bây giờ càng thảm thương.

- Ta đào hố dưới tầng hầm chôn lão. Em có mang theo thuổng và cả cào để cào cho phẳng nắp mộ rồi.

Tôi đỗ xe, lôi xác Bert ra để tạm ngoài vườn, rồi dẫn Jack vào nhà. Lúc Jack đào xong huyệt, chúng tôi ra định khiêng xác Bert vào thì không thấy anh ta đâu. Chúng tôi hoảng hốt tìm xung quanh. Đột nhiên, Jack kêu lên:

- Nhìn này, Betty!

Tôi cúi xuống, thì ra một vỏ bao thuốc lá.

- Hay vừa có người đến đây và đưa Bert đi? - Jack hốt hoảng nói.

Tôi xem kỹ bao thuốc, bao ẩm và rõ ràng là bị vứt đây đây đã khá lâu.

- Nơi này thỉnh thoảng vẫn có người đến cắm trại chơi vì là hơi vắng vẻ. Nhất là mấy cặp nhân tình, mò đến đây cho kín đáo, có vậy thôi. Không có ai đến hết.

Chúng tôi tiếp tục tìm. Bỗng dưới ánh sáng chiều tà lúc trời sắp tối, tôi thấy một bụi cây động đậy. Tôi vội chạy đến. Bert trong đó, đang bò rất vất vả.

- Betty yêu quý - anh ta nói thều thào - Việc em làm vừa rồi đúng là hài hước. Nhưng anh chưa chết hẳn. Em phải làm lại vậy - rồi anh ta cười nhe cả răng.

Nhưng cũng đúng lúc ấy, anh ta giẫy một cái rồi bất động. Hai mắt nhắm lại, lăn ngửa ra đất. Tôi sờ mạch. Bây giờ thì Bert đã chết hẳn. Chúng tôi khiêng anh ta vào nhà, đưa xuống tầng hầm. Jack run lẩy bẩy. Anh ta rất sợ. Lát sau, chôn Bert xong, chúng tôi ra xe. Jack nhấc chai rượu tu một ngụm. Chúng tôi ra ga. Jack đem gởi va li của Bert và cặp giấy tờ vào ngăn "gửi hành lý". Làm thế, đến khi phát hiện Bert mất tích, cảnh sát sẽ nghĩ rằng Bert ra ga sớm, gửi hành lý để đi uống gì đó và mất tích ngoài phố.

o0o

Hôm đó là Chủ nhật. Mọi sự trót lọt một cách quá đơn giản. Nhưng đến ngày thứ ba, tôi nhận được một lá thư của Bert, đóng dấu bưu điện ngày thứ hai. Chỗ tên người gửi đề:

"Người đã quá cố Bert Willoughby. Tầng hầm. Ngôi nhà có ma."

Vậy là sao? "Quá cố" có nghĩa anh ta đã chết! Tôi luống cuống bóc phong bì. Và đây là nội dung lá thư:

"Betty thân yêu,

Chào em. Thay mặt những người đã chết, anh chào em và khen ngợi vụ giết người đầu tiên của em trên đời. Em là cô gái thông minh và can đảm, nhưng vì là lần đầu, chưa có kinh nghiệm, nên em làm chưa gọn lắm. Anh rất cảm ơn em là đã chấm dứt cho anh nỗi đau đớn liên miên.

Đau đớn gì à? Anh bị ung thư dạ dày và chỉ vài tuần nữa anh sẽ chết. Anh không nói với em vì nghĩ cũng chẳng để làm gì. Anh muốn được chết cho mau để khỏi phải chịu nỗi đau đớn kéo dài, mà đằng nào rồi cũng chết.

Anh biết em với Jack đã phản bội anh từ lâu và nhân dịp này anh tạo điều kiện cho em có cớ để giết anh. Anh phóng đại chuyện cậu ta ăn cắp tiền của Hội. Anh nghe lỏm điện thoại em gọi cho cậu ta. Anh cũng nhặt những mảnh giấy em tính toán kế hoạch giết anh mà em xé vụn và chắp lại để đọc. Anh rất mừng thấy kế hoạch của em chu đáo.

Lúc ra xe, thấy Jack vẫn còn ngập ngừng, anh đã bịa ra câu chuyện tên thư ký của anh biển thủ tiền công quỹ và bị tù sáu năm để khích cậu ta.

Cảm ơn em lần nữa, em yêu quý. Gởi lời hỏi thăm Jack.

Yêu em. Bert."

Tôi đang đọc đi đọc lại lá thư để hiểu hết ý nghĩa thật của nó, thì có tiếng gõ cửa. Cảnh sát vào và yêu cầu tôi đến Tòa án để quan chức ở đó thẩm vấn về cái xác của ông Bert Willoughby. Tôi sửng sốt và kinh hoàng. Tại sao họ lại biết được? Hay Bert, "người quá cố" đã gửi thư cả cho họ?

Thì ra trước hôm đi, Bert đã năn nỉ một quan chức cảnh sát hãy cố gắng xem chương trình "Hãy tìm và bạn sẽ tìm thấy" trên truyền hình vào tối thứ hai. Trong đó, ông Gordon nhà hài hước sẽ kể một câu chuyện tiếu lâm có nói đến một cái xác vô thừa nhận chôn dưới tầng hầm của "ngôi nhà có ma" gần con đường ra ga xe lửa!

Sau này, trước khi ra Tòa chịu án cùng với Jack, tôi còn được biết là chính Bert trước khi "đi Mehicô" đã khẩn khoản yêu cầu nhà hài hước diễn tiết mục đúng như Bert đã viết và đưa vào chương trình của ông tối Thứ hai! Và, tất nhiên lá thư cho tôi anh ta cũng viết từ trước và nhờ ai đó chiều thứ hai mới bỏ vào thùng thư!
 
Hình như ông Ngạn ko làm tiếp truyện ma nữa hay sao í nhỉ? Mấy hôm nay tìm hoài để nghe dỗ giấc ngủ chả thấy cái j cả :-s
 
Em post truyện ma đây rồi anh record lại cho, ông Ngạn giờ nghỉ hưu rồi thì phải :D
 
Chắc giọng đọc của anh hấp dẫn lắm nhỉ :X :X

Anh thử mấy cái truyện trên kia đi :D
 
đọc cái truyện cuối cùng đg thấy thg thì lại...:|
 
Back
Bên trên